Translate

Libellés

mercredi 18 janvier 2017

Ký ức Việt Nam với bài viết Câu Chuyện Châm Cứu của tác giả Nguyễn Đức Cường.

Có những câu chuyện mới đó đã trở thành những câu chuyện thời sau 75 và thắm thoát nó cũng trên 40 tuổi.
Đời người được mấy lần 20 tuổi, vì vậy người đã có tuổi trước năm 1975 và cộng thêm thời gian sau này mà còn sống sót để kể lại những chuyện kinh hoàng mà người ta phải chịu đựng để sống còn thì chúng ta nên xem đây là sự chia sẻ kinh nghiệm.
Kinh nghiệm cũng có thể đến khi mình có cơ duyên với những cái tầm thường nhất mà nó cứu được mạng mình trong đường tơ kẻ tóc.
Người đã đi qua chặng đường đau khổ nào đó rồi thì dĩ nhiên họ khó mà quên được.
Mời quý anh chị đọc lại một bài đã post trên net của tác giả Nguyễn Đức Cường.
Caroline Thanh Hương
  photo fixed.jpg

Nguyễn Đức Cường và câu chuyện Châm Cứu

Nguyễn Đức Cường,
Sinh năm 1952 tại Sài Gòn
Cựu Học sinh Trung Học Mạc Đỉnh Chi, SG
Cựu Sinh viên Đại học Chính Trị Kinh Doanh, Đàlạt
Cựu Sĩ quan QLVNCH
Hiện đang hành nghề Đông Y tại Hoa Kỳ
Trú quán: Miền Nam California, USA
TTT : Thưa anh, anh là một nhạc sĩ, thi sĩ. Vậy nguyên nhân nào đưa đẩy anh vào nghề châm cứu?
Đời sống lắm chuyện tình cờ, và một trong những tình cờ ấy, đã đưa tôi đến với khoa Châm cứu, một ngành Y khoa Đông phương mà trước đó, nhiều lần tôi cũng “tình cờ” nghe nhắc đến, nhưng rồi cũng để ngoài tai.
Đó là thời kỳ 1975-1985, một thập niên của Việt Nam đói nghèo, khổ đau và kiệt quệ đến tận cùng. Một chén cơm chia nhau, giá trị hơn ngàn lời hứa hẹn, môt viên thuốc cho nhau, nặng gấp trăm ân sủng mơ hồ. Người ta sống từng ngày để thấy mỗi ngày, đời mình một tan tác hơn. Cái đói lấn át cái bệnh. Và Bệnh, vô hình chung trở thành một sự xa hoa trên thân phận của mình.
Trong thời kỳ đó, ác nghiệt thay, vào giữa năm 1977, tôi bị đau răng, và viêm cả nướu răng. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể quên được cơn đau trong những ngày đó đã hành hạ mình “tàn nhẫn” như thế nào! Thoạt đầu, tôi dửng dưng, ăn nhằm gì, nhà mình còn trụ sinh mà, Ampicycline chứ chẳng chơi đâu, chỉ cần 3 ngày thôi là mọi sự sẽ bình thường. Nhưng rồi 3 ngày trôi qua, mỗi ngày 1500 mg trụ sinh mà vẫn chưa thấy gì lay chuyển, lại thêm 3 ngày nữa. Lạ thật! Cái đau vẫn y nguyên, không những thế, mặt tôi đã bắt đầu sưng tấy, và tệ hại hơn, tôi không còn ăn uống gì được nữa. Ngay cả nói chuyện, cũng không, tôi phải dùng bút mực để “đối thoại” với người nhà. Rồi suốt một tuần lễ sau, tôi chỉ còn có thể hé mệng để uống chút sữa thay cơm mà thôi. Tiếp tục uống trụ sinh đến hết tuần lễ thứ hai, vẫn không kết quả, tôi bắt đầu hoảng hốt. Không hoảng hốt sao được, thời kỳ đó, người dân Sài gòn đã biết nếm mùi “Giấy giới thiệu”. “Hành trình” khám bệnh bắt đầu từ Trạm Y tế Phường, nếu chữa không xong, Phường mới cho giấy giới thiệu lên Y tế Quận. Nếu vẫn không xong, mới tới phiên nhà thương. Nhưng tại nhà thương, bạn sẽ được phát cho một đợt thuốc trụ sinh của Nga hay Tiệp Khắc… là những loại trụ sinh trói vi trùng không chặt. Được vậy cũng là may mắn, còn không thì sẽ là Xuyên Tâm Liên, một loại thuốc Đông y thường chỉ được dùng để trị các chứng nhiệt độc ở Phổi, đường tiểu, và Da khá hiệu quả, không hiểu vì sao, lại được Bộ Y tế nâng lên hàng thần dược có khả năng trị bá bệnh, cho bá nhân bá tánh! Tôi đành chịu trận nằm nhà, ôm lấy cơn đau, không biết sẽ tới bao giờ. Sau 14 ngày dùng trụ sinh liều lượng cao, cơ thể tôi nóng ran lên, cộng với cái đói vì không ăn được, tôi đành ngưng tất cả. Cho đến một buổi sáng đẹp trời, một người bạn, NCT, đã là một ca sĩ nổi tiếng từ trước 1975 đến thăm, thấy tình cảnh tôi, bèn nói:
-“Thôi, ông đi châm cứu đi!”
Tôi hỏi:(bằng giấy viết)
-“Châm cứu là cái gì?
-“Là người ta dùng kim châm vào huyệt trên người mình để trị bệnh”, T. trả lời.
– “Sao người ta biết trong người mình có huyệt mà châm?”
– “Trong người mình thiếu gì huyệt, người ta học thì phải biết chứ. Hồi xưa tôi học võ, cũng biết mà! Ông cứ thử đi, hay lắm đó, tôi bị bệnh viêm xoang mũi, cứ bị nghẹt hoài. Mấy năm nay rồi, ngày nào tôi cũng phải nhỏ thuốc Rhinex, không có là không xong. Nhưng từ ngày đi châm cứu đến giờ, tôi không còn phải lệ thuộc vào ba cái thuốc nhỏ mũi nữa, mà đâu có phải châm nhiều đâu, có 7, 8 lần à.”
-“Thôi đi ông, hai tuần nay tôi uống Ampicicline, loại của Pháp đàng hoàng, mà vẫn chưa thấy kết quả, huống chi là ba cái kim. Tôi định sẽ ngậm nước muối vài ngày, chờ hết sưng, đến Nha sĩ nhổ quách đi là xong”, tôi loay hoay viết trả lời vào tờ giấy. T. đọc xong, ra về một nước, nhưng trước khi ra khỏi cửa, còn nói với một câu:
-“Tùy ông, nhưng mà khi nào muốn, cứ tới đó thử xem sao.”
Nói xong, T. còn cho tôi địa chỉ rồi mới ra về.
Sáng hôm sau, tôi quyết định đến “thử xem sao”.
Đó là một căn nhà tư nhân trong một đường hẻm, bên cạnh chùa Giác Minh, trên đường Phan Thanh Giản. Tiếp tôi là một chị tên Sánh, tuổi độ 25. Chung quanh chị, rất nhiều bệnh nhân chen nhau ngồi chật từ trong nhà ra đến ngoài vườn. Bác Năm, sư phụ của chị, chủ nhà, cũng là một cư sĩ Phật giáo cao niên, khoảng 70, nhưng trông rất khỏe mạnh, đôi mắt sáng quắc, từ ánh nhìn của Ông, người ta thấy toát ra thần uy của một vị La Hán. Đến nơi, tôi mới biết, đây là một điểm châm cứu chữa bệnh phước thiện, mà Bác Năm đã tự nguyện mở ra từ sau năm 1975 để giúp dân nghèo, không lấy một đồng xu thù lao nào cả. Sau này, tôi từng chứng kiến, rất nhiều người khỏi bệnh, đem quà cáp đến đền ơn, Bác nhất định trả về.
Chị Sánh hỏi tôi: “Anh đau làm sao?”
Tôi cố gắng nói:
-“Tôi đau răng quá, đến độ không thể ăn uống gì được suốt hai tuần nay!”
Chị xem xét vùng đau rồi bắt đầu châm. Tôi còn nhớ, chị đã châm cho tôi 3 huyệt, 1 ở góc hàm, và 2 huyệt khác ở vùng lưng trên (1). Thao tác của chị khá nhẹ nhàng, tôi chỉ có cảm giác thoáng qua như bị kiến cắn rồi thôi. Chị lưu kim 20 phút, sau đó lấy ra và bảo tôi trở lại vào ngày mốt.
Ngay chiều hôm đó, sau một giấc ngủ, tôi mừng quá, vì cảm giác đau đã vơi đi một nửa, nhưng điều làm tôi mừng nhất, là đã có thể ăn được một chút gì! Rồi mỗi giờ đồng hồ sau, cơn đau mỗi nhẹ dần đi, cho đến trước khi tôi gặp chị lần thứ hai, cơn đau đã giảm đến 70 %.
Lần này, ngay sau khi châm xong, Chị nói:
-“Chắc anh không cần trở lại đây nữa đâu.”
Quả nhiên, sau lần châm cứu thứ hai đó, tôi đã hết đau hoàn toàn. Chuyện quá khó tin, nhưng có thật. Nhưng cũng bởi vì quá khó tin, nên sau đó, tôi đã tìm cách lý giải một mình: “Có thể lúc mình tìm đến châm cứu, cũng là lúc thuốc trụ sinh đã bắt đầu tác dụng, chứ lẽ nào chỉ có vài mũi kim thôi mà lại khỏi nhanh đến thế.” Và tôi đã rất “yên chí” với lập luận của mình, cho dù ơn chữa bệnh của chị S., tôi không thể nào quên.
Đời sống cứ thế vẫn chầm chậm, mỏi mòn trên đôi chân uể oải của cả dân tộc. Những bất hạnh dẫy đầy chung quanh tôi, từ khi vận nước suy tàn, cũng đẩy câu chuyện đau răng chìm vào quên lãng thật nhanh. Cho đến vài tháng sau, cuối năm 1977, tôi bị cảm nặng. Thời tiết năm đó lạ lắm, chưa bao giờ lạnh đến thế. Có những ngày, người dân Sài gòn phải mặc áo len. Họ kháo nhau: “Bộ đội đem cái lạnh từ Bắc vô Nam!”.
Nhà tôi lại không còn một viên thuốc cảm nào. Từ sau cuộc đổi đời 1975, tôi thường chia thuốc cho hàng xóm, hay bạn bè những khi cần, và trước đó hai tuần, tôi đã chia đến viên Aspirin cuối cùng.
Không biết phải làm sao, tôi tìm đến Đặng Công Minh, một người bạn cùng trường Mạc Đĩnh Chi ngày nào. Sau 1975, anh cũng trở thành học trò của Bác Năm về khoa Châm cứu.
Đường đến nhà Minh gió nhiều và lạnh, lần đầu tiên, tôi phải mặc áo len giữa đường phố Sài gòn. Tôi đến Minh chỉ với ý định nhờ cạo gió. Nhưng trái với điều tôi chờ đợi, Minh muốn châm cứu cho tôi. Lần này khác với lần trước, anh châm và cứu (hơ ấm huyệt) cho tôi 4 huyệt ở vùng lưng trên (2). Để cứu, anh dùng một cây thuốc Ngải cứu to bằng điếu xì gà (Ngải cứu là một loại Đông dược, không liên quan gì đến loại cây ngải, thường dùng để luyện bùa ngải mà ta thường nghe nói đến).
Chừng 20 phút sau, Minh hỏi:
-“Xong! Ông thấy đỡ chưa?”
-“Có vẻ bớt sốt, và bớt nhức đầu, còn cái lạnh thì phải bước ra khỏi nhà mới biết được”, tôi trả lời.
Sau đó, chúng tôi rủ nhau ra một quán cà phê vỉa hè gần đó. Bên ngoài, gió vẫn từng cơn, mang theo chút hơi ẩm của một trận mưa sắp về. Chuyện phiếm chừng 30 phút, Minh lại hỏi:
-“Bây giờ đỡ chưa?”
Tôi đáp:
-“Ừ nhỉ, Ông hỏi tôi mới để ý, bây giờ hết lạnh rồi”, vừa trả lời, tôi vừa xoa vai, và chợt biết, mình đã quên mặc lại chiếc áo len dầy cộm như khi đến.
Sáng hôm sau, cơ thể tôi trở lại bình thường.
Đó là lần thứ hai tôi được chữa trị bằng khoa Châm cứu, kết quả nhanh hơn uống thuốc rất nhiều. Nhưng lần này, tôi cũng có một lý do khác: “Mình còn trẻ, sức đề kháng còn mạnh, nếu không uống thuốc hay châm cứu, sớm muộn gì cũng hết thôi”. Thế là một lần nữa, tôi nhìn kết quả trị liệu đến từ Châm cứu như một may mắn tình cờ.
Nhưng cũng từ hôm đó, trong tiềm thức tôi, dường như một điều gì đang thức dậy – vừa là một cảm xúc mỗi lúc một sâu đậm trước những dấn thân không điều kiện của những con người thật bình thường trong thoáng nhìn đầu tiên, nhưng “phía trong” là cả một cõi lòng dạt dào thương tưởng đến tha nhân, một tâm hướng vì đời không mệt mỏi – vừa là một phân vân về thân phận của chính mình, sẽ đi đâu, về đâu, khi mà chung quanh tôi, âm thanh của cái Ác ngày một lớn dần trong một xã hội từ sáng sớm đến nửa khuya luôn ồn ào khẩu hiệu, những giá trị nhân bản đích thực lui dần vào quá khứ, nhường lại hiện tại cho một cuộc sống còn quyết liệt. Người ta khinh ghét những lời tuyên truyền huênh hoang dối trá, chế diễu những luận điệu ngớ ngẩn vụng về, nhưng cùng lúc, trong tận đáy lòng một số người, nỗi sợ bị “xã hội mới” loại trừ mỗi ngày một lớn! Tôi hiểu, dân tộc Việt Nam đang đi vào một chặng đường mịt mùng nhất của lịch sử. Hư và Thực chồng chéo lên nhau trong tâm trạng từng người, và toàn cảnh cuộc đời trở thành một bức tranh bi hài rộng lớn!
May thay! Trong cảnh ngộ “Thiên Hạ mang mang ai người tri kỷ” (3) ấy, cái Thiện dù ẩn mình, nhưng vẫn còn đang tồn tại. Bác Năm, chị Sánh, anh bạn Minh, và nhiều người khác nữa, trong cách nhìn của tôi, là những viên ngọc lấp lánh hiện ra một cách bất ngờ trong những ngày tăm tối ấy.
Ba tháng sau, tôi lại gặp một vấn đề sức khỏe khác. Đôi chân bỗng nhiên bị mỏi nhừ và nóng âm ỉ một cách lạ thường, lúc đầu tôi không để ý, vì nghĩ là mình đi xe đạp nhiều, nghỉ ngơi ở nhà vài ngày sẽ hết. Nhưng không, cảm giác mỏi nhừ và nóng vẫn mỗi ngày một tăng, xoa bóp cũng không xong. Tôi vốn khó ngủ, nhưng khi ngủ được chừng một giờ đồng hồ, lại bị thức giậy. Cảm giác mỏi nhừ và nóng không ở bắp thịt, mà hình như ở tận trong xương tủy (4).
Tự xoa bóp cho mình thêm một tháng trời nữa, vẫn vậy, tôi hoang mang tự hỏi: “Hay là mình bị chuyện gì về Xương?”. Sau cùng, vào một buổi sáng, tôi quyết định đến nhà Minh một lần nữa để thử xem anh có thể giúp được gì không. Tôi vừa bước vào vừa nói:
-“Này, tôi đang có chuyện, nếu bạn giúp được, tôi sẽ xin làm học trò bạn luôn”
Minh ngạc nhiên:
-“Ông cần chuyện gì, mà học cái gì mới được chứ?”
-“Thì học Châm Cứu, nhưng mà ông phải chữa cho tôi khỏi cái vụ này mới được”. Tôi nhấn mạnh hai lần, có phần thách thức, vì không tin rằng chuyện “thần kỳ” sẽ xảy ra lần nữa.
Sau khi nghe tôi mô tả tình trạng của mình, Minh chẩn mạch, suy nghĩ vài phút, lẳng lặng sắp xếp bộ kim rồi bảo tôi nằm xuống. Sau lần châm thứ nhất, tôi chưa thấy gì thay đổi. Nhưng đến sáng hôm sau, khi thức dậy, cảm giác mỏi đã bớt đi một nửa. Tiếp tục châm cứu thêm hai lần, đôi chân tôi đã trở lại bình thường.
Lần này thì tâm tư tôi đã bị lay chuyển thật sự. Giữ đúng lời hứa, hai tuần sau, tôi chính thức trở thành học trò của Minh. Anh dậy tôi những bài học căn bản gồm các học thuyết Đông y quan trọng, những bài học về hệ thống Kinh Mạch và Huyệt đạo trong cơ thể, phương pháp chẩn đoán và quan trọng nhất, cách thiết lập một phương huyệt hữu hiệu (effective point’s prescription) để việc trị liệu đạt được kết quả nhanh chóng.
Câu chuyện từ ngày đó đến nay đã hơn 30 năm, trong quãng thời gian này, sau khi học với Minh, tôi đã trải qua nhiều giáo trình Đông y khác tại Việt Nam cũng như tại Hoa Kỳ, nhưng phải thành thật mà nói, những bài học đầu tiên từ Minh đã giúp ích cho tôi nhiều nhất. Lúc đó, tuy còn khá trẻ, anh đã là một Đông Y sĩ vững vàng từ học thuyết cho đến thực tế lâm sàng. Ngoài ra, tôi cũng học được từ anh một thủ pháp khá điêu luyện, đưa kim vào huyệt mà bệnh nhân không hề cảm thấy đau, hoặc đôi khi nếu có, chỉ là một thoáng chốc rất nhanh. Thủ pháp độc đáo này, về sau, đã giúp cho bệnh nhân của tôi an tâm, không chút căng thẳng vì sợ kim trong lúc trị liệu.
Tôi vốn sinh ra trong một gia đình Tây học, trong họ hàng lại có vài người là Bác sĩ nổi tiếng. Vì thế, nếu tôi đã từng mang nặng thành kiến xem nhẹ Đông y, cũng là chuyện bình thường. Nhưng bây giờ hồi tưởng lại, việc tôi trở thành một thầy thuốc Đông Y lại không bình thường một chút nào. Nói đúng ra là Đông Y đã chọn tôi, một kẻ từng chủ quan trong nhận thức về một nền Y Học cổ truyền quá sâu xa, lại có phần nào trừu tượng trong hệ thống lý luận, khiến những ai chưa thấu triệt, sẽ dễ dàng “nhún vai”, hay “bĩu môi” rồi kết luận rằng Đông Y chỉ là sản phẩm của một hệ thống học thuyết mơ hồ, không chứng minh được (như Tây Y) trong phòng thí nghiệm.
Đúng, Đông Y không thể chứng minh được sở trường của mình trong phòng thí nghiệm, nhưng trải qua nhiều ngàn năm trong lịch sử nhân loại, những Đông Y sĩ, đã chứng minh sở trường của mình bằng việc gặt hái rất nhiều thành quả tốt đẹp trong thực tế trị liệu. Những khẩu quyết trong học thuyết Đông Y cổ truyền, chỉ rõ mối tương quan chặt chẽ giữa Tâm lý (cảm xúc) và Sinh lý (phản ứng của hệ thống thần kinh giao cảm và đối giao cảm, cũng như của các cơ quan nội tạng trước cảm xúc), không khác gì những phát hiện của khoa Tâm Sinh Lý học sau này. Ngoài ra, Âm Dương, Ngũ Hành không chỉ là những học thuyết Y học thuần túy, mà còn là những nguyên lý, khai mở một nhãn-quan-đồng-nhất-thể giữa con người và vũ trụ bao la, đồng thời đem đến cho con người một nhận thức đúng đắn về mối tương quan giữa cá nhân với gia đình và xã hội.
Mỗi lần nhìn lại chặng đường đã qua, tôi vẫn thầm cảm ơn tất cà những người tốt bụng và thiện duyên đã đẩy đưa tôi đến với Đông Y, một kho tàng Y học mà không biết đến bao giờ tôi mới thấu triệt được hoàn toàn. Và tận đáy lòng, tôi ước mơ một ngày nào đó, Tây Y, với những tiến bộ và thành tích vượt bực của mình, sẽ thật sự song hành với Đông Y trong việc phục vụ sức khỏe cho con người. Ngày ấy, mối “lương duyên” giữa hai sở trường này, dù khá muộn màng, nhưng chắc chắn sẽ đem đến cho nhân loại một phương pháp an toàn và hoàn hảo hơn trong cuộc đấu tranh chống lại bệnh tật, vốn không bao giờ kết thúc. Mong thay!
Chú thích:
1/ Sau này, tôi mới biết đó là huyệt Giáp xa, nằm ở góc hàm dưới. Hai huyệt kia đều mang tên Tâm du, vùng lưng trên.
2/ Hai cặp huyệt Phong môn và Phế du, vùng lưng trên.
3/ Một câu trong bài thơ “Hồ Trường” của Nguyễn Bá Trạc.
4/ Đông y gọi triệu chứng này là “steaming bone disorder”, bệnh nhân cảm thấy dường như Nhiệt âm ỉ phát sinh từ xương.
TTT : Xin anh giải thích sơ lược về khoa Châm Cứu.
Khoa Châm Cứu
Nói một cách tổng quát, khoa Châm Cứu là một ngành của Ðông Y, dựa trên học thuyết Âm Dương (Yin-Yang Theory), Ngũ Hành (Five-Elements Theory) và Kinh Mạch (Channel and Vessel Theory). Có tất cả 12 Chính Kinh (6 Kinh Dương, 6 Kinh Âm) và 8 Mạch (4 Dương Mạch, 4 Âm Mạch) được phân bố khắp cơ thể con người. Các Kinh Mạch này dẫn truyền giòng năng lượng (Energy – còn được gọi là Khí hay Sinh khí), liên hệ với các Nội Tạng. Bên cạnh đó, trong mỗi chúng ta, Âm-Dương là hai nguồn năng lực vừa đối nghịch, vừa hỗ tương nhau, cần phải được quân bình, để bảo đảm cho giòng Khí lưu thông tốt đẹp. Ngược lại, sự bất quân bình Âm-Dương sẽ khiến giòng Khí bị đình trệ hay tắc nghẽn, đưa đến rối loạn và bệnh tật.
Có trên 2000 huyệt (point) nằm trên và ngoài các Kinh Mạch, mỗi huyệt mang một nhiệm vụ riêng. Khoa Châm Cứu tin rằng, qua huyệt, người ta có thể tái lập được sự quân bình Âm-Dương, đưa giòng Khí trở lại bình thường, để phục hồi sức khỏe từ Tinh thần cho đến Thể chất.
Châm Cứu được thực hiện như thế nào?
Châm Cứu được thực hiện bằng các kỹ thuật Châm (Acupuncture), và Cứu (Moxibustion – hơ ấm), hay Điện châm (Electronic-Acupuncture) trong thời cận đại, nhằm kích thích và khai thông các huyệt hầu tái lập sự quân bình trong cơ thể. Ðó là một loại kim rất mảnh, đặc và nhuyễn, làm bằng kim loại không rỉ sét (steel metal alloy), nhỏ như sợi tóc, thậm chí nhỏ hơn. Khi châm kim, một chuyên gia kinh nghiệm sẽ khiến bệnh nhân hoàn toàn không đau, ngoại trừ thỉnh thoảng bệnh nhân có cảm giác thoáng qua như kiến cắn. Trong khi được trị liệu, đa số bệnh nhân cảm thấy thư giãn và dễ buồn ngủ. Mỗi khi huyệt được kích thích, bệnh nhân sẽ có cảm giác tê, nóng ấm, hơi nhức quanh vùng huyệt, hoặc cảm giác rần rần chạy dọc theo đường kinh mạch tương ứng. Ðó cũng là lúc huyệt được “đánh thức”, được khai thông. Vì thế, những cảm giác trên chính là những dấu hiệu tốt, cho biết huyệt đã đáp ứng một cách trọn vẹn sự kích thích của kim.
Phản ứng phụ do châm cứu gây ra thường rất nhẹ và tạm thời, gồm có: hơi chóng mặt, cảm giác đầu trống rỗng. Tuy nhiên, các phản ứng phụ này có thể tránh được nếu bệnh nhân không quá đói hay quá no trước mỗi lần trị liệu. Cạnh đó, một cách hiếm hoi, khi mũi kim chạm vào những mạch máu nhỏ li ti (capillary – vi mạch), một hạt máu thật nhỏ có thể sẽ theo ra ngoài sau khi rút kim.
Khi được dựa trên sự chẩn đoán chính xác, và xử dụng một phương huyệt tương ứng, khoa Châm Cứu sẽ đem đến cho bệnh nhân kết quả trị liệu tốt đẹp.
Tuy nhiên, có vài điều bệnh nhân cần ghi nhớ, khi tìm đến khoa Châm Cứu như sau:
* Hãy lưu ý Y sĩ nếu bạn đang có thai. Điện châm, và một số huyệt tuyệt đối không được xử dụng trong trường hợp này.
* Nếu bạn đang mang trong người một thiết bị điều hòa nhịp tim (pacemaker), bạn cũng không thể được Điện châm. Hoạt động của máy điện châm sẽ làm rối loạn hoạt động của máy điều hòa nhịp tim.
* Nếu bạn dễ bị xuất huyết hoặc xuất huyết bên trong (bầm), hoặc bị bệnh hoại huyết, một phương pháp trị liệu khác sẽ thích hợp với bạn hơn là Châm Cứu.
Châm Cứu có thể làm gì cho bạn?
Việc lượng giá tình trạng bất quân bình khí lực của bạn dựa trên những phương pháp chẩn đoán riêng biệt của Ðông y như bắt mạch, nghe giọng nói, quan sát sắc diện, cùng những phương pháp chẩn đoán khác, cũng như Y sử cá nhân (medical history), và gia đình bạn (family medical history). Từ kết quả lượng giá này, người thầy thuốc sẽ đề ra một nguyên tắc trị liệu, và một phương huyệt thích hợp.
Sau thập niên 1970, Tổ chức Y tế Thế giới đã xác nhận khả năng trị liệu của khoa Châm Cứu như sau:
1/ Những bệnh thuộc về thần kinh, cơ bắp, xương và khớp như viêm khớp, đau thần kinh, khó ngủ, chóng mặt, và đau nhức.
2/ Rối loạn tâm lý và cảm xúc như suy sụp tinh thần, buồn chán (Depression), lo âu (Anxiety).
3/ Rối loạn tuần hoàn như huyết áp cao, nghẽn mạch máu cơ tim, thiếu máu…
4/ Nghiện rượu và thuốc lá, bệnh béo phì (Obesity).
5/ Rối loạn đường hô hấp như viêm xoang, dị ứng, khó thở, suyễn…
6/ Rối loạn đường ruột như dị ứng thức ăn, tiêu chẩy mãn tính, táo bón, khó tiêu, kém ăn, viêm loét bao tử…
7/ Giúp các sản phụ sinh nở dễ dàng và nhanh chóng.
Ðến năm 1997, một bản nhận định được công bố bởi Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ xác nhận khoa Châm Cứu rất hiệu quả khi được áp dụng một cách riêng biệt, hoặc kết hợp với các phương pháp khác để trị bệnh nghiện ngập, nhức đầu, hành kinh đau, đau cơ bắp, viêm khớp, đau lưng, hội chứng đường hầm bàn tay (carpal tunnel syndrome), và suyễn.
Ngoài ra, những nghiên cứu khác cho thấy Châm Cứu còn đóng một vai trò tích cực trong việc phục hồi chức năng trong các trường hợp tai biến mạch máu não (Stroke), thoái hóa thần kinh (Multiple Sclerosis), chống nôn ói sau khi mổ xẻ (do phản ứng phụ của thuốc mê), chế ngự những triệu chứng trước hoặc sau thời kỳ mãn kinh, chống tăng hoặc giảm trọng lượng cơ thể, tăng cường hệ thống miễn nhiễm.
Kết luận:
Bắt nguồn từ Đông phương, với một lịch sử trên 2.500 năm, Châm Cứu đã khởi đi từ những bước sơ khai, vượt qua nhiều thời đại để kiện toàn cho đến hôm nay. Từ tiền bán thế kỷ 20, Châm Cứu đã có mặt trong các tài liệu Y học tại Pháp, lan dần đến các quốc gia Tây phương khác. Ở những quốc gia này, khoa Châm Cứu đã mở ra những hứa hẹn như là một trong những phương pháp trị liệu hữu hiệu và tích cực. Mặc dù không thể nói rằng Châm Cứu có thể trị được bá bệnh, ta vẫn có những bằng chứng hiển nhiên là, nếu được áp dụng một cách thích hợp, khoa Châm Cứu đã và sẽ đem đến trên thực tiễn lâm sàng nhiều kết quả khá lạc quan.
Christopher Cuong Nguyen L.Ac., NCCAOM., Ph.D.
References:
Xining, Cheng. Chinese Acupuncture and Moxibustion. Beijing: Foreign Language Press, 1987.
Maciocia, Giovanni. The Foundation of Chinese Medicine New York: Churchill Livingston, 1989.
Maciocia, Giovanni. The Practice of Chinese Medicine. New York: Churchill Livingston, 1994
Acupuncture Today, Vol. 3, Number 1, An MPA Media Public, Jan 2002

Thơ Thanh Hương và bộ ảnh Calanque Cassis de Marseille.


Bộ ảnh Calanques này đẹp quá khi được chuyển đến tôi, thì tự nhiên cứ nhìn hình mà tay gõ ra thơ lúc nào không hay.
Chỉ là những câu chuyện be bé mà viết theo hình khi tim mình chạnh nhớ những chuyện hư hư, thật thật.
Có lẽ tình cảm là một thứ tình mà chỉ có con tim mới có tiếng nói riêng cho nó, vì vậy, mời anh chị đi theo người cầm bút đi viếng nơi này, những cảnh thật hữu tình.
Caroline Thanh Hương.

  photo visiter_cap_canaille.jpg
Nếu được chọn một bờ biển ở nơi nào đó để nghỉ dưỡng thì bãi biển Calanques ở miền nam nước Pháp sẽ là một sự lựa chọn hoàn hảo vì Calanques là một trong số những bãi biển đẹp nhất trên thế giới. 

Biển Calanques không chỉ vẻ đẹp ở nước biển xanh và những rặng san hô đầy màu sắc, hai bên vòng cung ôm bờ biển Calanques là những vách đá trắng đẹp kỳ ảo với nhiều lạch biển hẹp chạy dài giữa hai vách đá, nơi đây có nhiều núi non hùng vĩ cùng vẻ đẹp mê hồn của những vịnh nhỏ.
Những mỏm đá trắng là nơi lý tưởng để ngắm hoàng hôn và du khách lưu lại cho mình những bức ảnh đẹp. 
Nếu bạn có ý định đến châu Âu, hãy ghé thăm Calanques để cảm nhận được một thiên đường có thật trên mặt đất. 

1-calanques-marseille
Núi nào, nước biếc ra vào
Dưới chân xanh thẩm, trên cao, mây trời. 
Thanh Hương

2-calanque-marseille
Kià coi xanh biếc đại dương
Lá xanh reo khẻ vào tường núi non.
Thanh Hương
3-calanque-marseille
Đến đây ngắm biển mình ơi
Xem toà núi trắng, nhìn trời xanh lơ.
Thanh Hương

4-calanque-marseille
Thiên đàng cũng có cửa vào
Cho Anh đưa Đó ngọt ngào giấc mơ.
Cho Anh tìm chữ làm thơ
Tặng cho ai Đó ngẩn ngơ mối tình.
Cho Anh nói với cô Mình
Tiếng Yêu, tiếng Nhớ có tình không Ai?
Thanh Hương
5-calanque-marseille
Thấy nước mát quá mà mê
Muốn Ai cùng tắm, muốn về theo Ai.
Chèo thuyền, chuyển lái thật hay
Chớ cho thuyền chỏng, bắt Ai phải đền.
Thanh Hương

6-calanque-marseille
Cám ơn cái cõi thiên đàng
Làm Ai say đắm, làm Chàng biết yêu.
Trời xanh, núi trắng đìu hiu
Tình nào thanh khiết, mây xiêu xiêu lòng.
Thanh Hương
7-calanques-marseille
Chốn này đẹp tưạ tiên bồng
Để Anh vào ngắm cho lòng thiết tha.
Cảnh ơi cảnh đẹp mặn mà
Giữ chân lữ khách quên nhà ra đi.
Thanh Hương
8-calanques-marseille
Nước trong, nước đục đaị dương
Nước sâu mấy thước, Anh thương Ai bằng?
Trời cao, cao tít mây giăng
Tình "Anh Bán Chiếu", hoa đăng hôm nào?
Thanh Hương
9-calanque-marseille
Cây này cổ thụ thật cao
Mọc trên mỏm núi thân nhào ra xa.
Bao giờ cây có nhớ ra
Lỡ sấm, lỡ sét đánh ta té nhào.
Rồi đây cây sẽ ra sao?
Trở thành củi đốt, lao xao đỏ hồng.
Thanh Hương

10-calanque-marseille
Xoáy ta, xoáy nước đất liền
Cứ ăn, cứ bám, chân triền núi cao.
Đại dương vô số sóng gào
Mai kia gậm nhấm đất nào cũng tan.
Thanh Hương

12-calanque-marseille

13-calanque-marseille
Sừng sững núi non
Lạnh lùng nước biếc
Hỏi có ai đơn chiếc
Đi đến điạ đàng cho biết quên về.
Thanh Hương

14-calanque-marseille
Gốc cây kia gục ngã
Nhánh này, từng nhánh già
Như những ngón tay ngà
Đã gần khô mục rã.
Than ôi, đời ra ma.
Thanh Hương
15-calanque-marseille
Ôi, đời bỗng dưng đẹp
Những cánh màu thật tươi.
Tạo hóa luôn xinh xắn
Chỉ vài nhánh cho người.
Thanh Hương
16-calanque-marseille
Núi bao nhiêu tuổi bạc màu?
Biển sâu mấy thước, cá nào ở đây?
Trời cao có lắm mây bay
Chim bay núi nhạn, người thay đổi lòng.
Thanh Hương
17-calanque-marseille

18-calanque-marseille

19-calanque-marseille
Không,không núi trắng quá
Làm Em thêm nhớ nhà.
Có, có nước róc rách
Chỉ đường nhà Em ta.
Làm người xa xứ mãi
Đường về đã mờ xa
Rong rêu lối nhạt nhoà.
Thanh Hương
20-calanque-marseille

21-calanque-marseille

22-calanque-marseille
Con Cua, Con Cá lặn nhào
Ai ơi có nhớ con Chào Mào quê.
Calanque Cassis Marseille
Bên kia châu Mỹ,  anh đây nhớ nàng.
Thanh Hương

23-calanque-marseille

Dans le sud-est de la France, plus particulièrement aux abords de Marseille, se trouvent les Calanques. Entre roches et eaux turquoises, elles sont surtout d’une beauté infinie qui subliment le littoral français.

Xem lại Hội Chợ Tết Đinh Dậu - Cộng Đồng Người Việt Vùng Montreal, 15-1-2017 Centre Pierre-Charbonneau.

Xem lại đại hội Tết Việt Nam tại Montréal.
Mùng 1 Tết năm Đinh Dậu bắt đầu ngày 28 tháng 1 năm 2017, nhưng đã có nhiều quốc gia tổ chức ngày lễ hội này sớm hơn một chút.
Chân thành cám ơn tác giả đã  lưu lại vidéo này.
Caroline Thanh Hương

  photo hoi-cho-tet-2-300x184.jpg