Translate

Libellés

jeudi 30 mai 2019

Phạm Nga và bài ký CÔNG VIÊN, QUÃNG NHỚ MÔNG LUNG.

tt

Công viên ở nước người thường được chăm sóc rất kỹ lưỡng vì nó thường nằm giữa thành thị để lọc bớt không khí ô nhiễm.
Người đi bộ hay chạy bộ thường thích làm sport mà không muốn ai để ý cũng có thể đến đây để tự luyện thân thể và hít thở không khí tốt lành.
Theo chân anh Phạm Nga, mời quý anh chị đến viếng công viên ở nước Úc .
Cám ơn anh Phạm nga đã gửi bài và hình ảnh cho bài viết này.
Caroline Thanh Hương





 

CÔNG VIÊN, QUÃNG NHỚ MÔNG LUNG

Sáng này, nghe tôi than cái cột sống lưng thoái hóa, không thể đi bộ quãng đường xa,  anh sui Ngọc Thành chỉ đưa tôi ra trạm xe bus ngay trước nhà để lên Cabramatta uống cà phê. Ngồi cà phê Nhớ cả buổi, anh mới hỏi tôi có thể đi dạo công viên ở… hơi xa một chút được không. “Đi dạo mấy cái công viên ở vùng Cabramatta, Liverpool này thì không có gì lạ nhưng công viên ở Paramatta thì đặc biệt tĩnh lặng. Thú vị lắm, ông đến sẽ ưng ý liền!”, anh Thành diễn giải thêm. Thế là hai bạn già ung dung ngồi tàu điện đi Paramatta. Từ nhà ga ra đường phố, Paramatta thật sầm uất, nhộn nhịp, và đúng như anh Thành ‘dân Cabra.’ nhận xét, cư dân Paramatta hầu hết là gốc Úc, Âu da trắng, rất ít người gốc Việt, nên không ồn ào như ở Cabramatta, đường xá, vỉa hè rất sạch mà hầu như không thấy có góc nào nhếch nhác.Tuy nhiên, hai bạn già dù vẫn không có gì vội vã vẫn không hề rề rà dừng lại nơi nào. Chúng tôi đi một hơi, bình thản rời khỏi các khu phố thương mại và phố hành chính tráng lệ, nguy nga đầy màu sắc để sớm tìm đến mục tiêu hôm nay: công viên Paramatta.
Đó là một công viên cây xanh nằm ngay giữa phố xá chứ không phải ở vùng ngoại ô. Chỉ cần băng qua một đại lộ khá đông xe, bỏ lại bên này là những tòa cao ốc bê-tông sắt thép đồ sộ là bên kia đường, sau cánh cổng ‘Paramatta Park’ hiện ra ngay một cõi miền thật xa lạ. Công viên như đã ở đó, đóng cửa ngủ mê tự thuở nào, như thể chẳng dính dáng tới mọi chuyển động lớn mạnh không ngừng của cái thành phố năng động đã có nhã ý chừa chỗ cho nó và cưu mang nó.
Điều nổi bật, chiếm lĩnh trọn hết không gian ở đây chính là sự tĩnh lặng. Các loại âm thanh, tiếng động đều như tự dè sẻn, có phát lên cũng chỉ lặng lẽ, mơ hồ, như chỉ văng vẳng từ cặp thanh niên vừa chạy bộ vừa cười nói hay chỗ mấy đứa trẻ nghịch ngợm, hò reo đuổi bắt những con kéc trắng đang sà xuống bãi cỏ. Dưới những gò, đồi gồm toàn những bãi cỏ xanh mượt, được chăm sóc tốt là một con rạch nước đọng im lìm cùng những chú chim thơ thẩn kiếm ăn bên bờ nước, thỉnh thoảng khẽ kêu những tiếng ngập ngừng, lạc lõng. Rải rác có những cây phong lá đỏ, đẹp một cách buồn bã bởi tán lá chưa đủ độ chín đỏ mà đã bắt đầu tàn, rụng…



2.
Hai bạn già bước chậm qua một cây cầu cũ, nước sơn đã bạc màu nhiều chỗ, đi tha thẩn dưới ánh-nắng-không-nóng-bức trong công viên, đến ngồi hàn huyên ở một băng ghế gỗ bên dòng rạch. Câu chuyện xưa, nay, của mình, của bạn bè, chuyện cả hai cùng biết hay chuyện chưa hé lộ với ai, giờ bạn già là chỗ quá thân tình mới kể … được trao đổi khẽ khàng, đôi lúc cùng nín bặt như vấp vào một quãng lặng của cảm xúc khi tình cờ nhắc tới một đồng đội đã tử trận hay mất tích, hoặc thường khi cùng ngập ngừng, bỏ lửng câu kể bởi lỗ hổng trí nhớ…
Cặp bạn già nhắc đi nhắc lại nhiều nhất là những chuyện “trước 30 tháng 4”. Nhiều mẩu chuyện đã quá nhàm, nhiều tên người hay địa danh đã quá quen bởi ai cũng vô tư đem ra kể, quên mất lần này không biết là thứ mấy rồi, nhưng người nghe vẫn thản nhiên, im lặng nghe không hề chán, chỉ thỉnh thoảng lên tiếng để nhắc dùm bạn mình vài chi tiết…
Cũng tội nghiệp người già cùng cái cách nhắc lại quá khứ khá ngớ ngẩn ấy của họ, nhưng cũng không sao cả nếu vào mỗi lần được kể lại, câu chuyện so với những lần trước lại ngày càng thiếu chính xác hoặc vơi mất thêm chi tiết, bởi chính ra, người già yêu quí kho chuyện cũ, kho kỷ niệm xa xưa của họ và gặp bạn già đồng điệu thì thường muốn nhắc lại để chia xẽ với nhau, chứ không do nhu cầu thông tin gì cần thiết hay hệ trọng.
Trở lại với cặp bạn già chúng tôi, sang Australia đã vài lần, đến nay tôi đã nhiều lần hàn huyên, trò chuyện với anh Thành, bởi ông bạn tri âm, tri kỷ này vừa cùng là lính cũ, vừa là sui gia, Có điều là về thời tính, thời điểm diễn ra câu chuyện hay sự việc, khi tôi nhớ lại, chuẩn bị phục hiện trong đầu để viết thì Trời ạ, có lúc quờ quạng đến bắt cười! Như có lần, anh Thành kể chuyện đã xưa lắm là suýt chết trong một chuyến nhảy toán vào vùng địch, thì sau đó, khi tôi ngồi nhớ lại, đã ngờ nghệch, lầm lộn ngay về thời điểm nghe chuyện… Thì đúng là anh Thành đã kể câu chuyện sinh tử gay cấn ấy vào khoảng 8 giờ tối một ngày mùa hè kỳ lạ ở Australia, nghĩa là tối rồi mà bầu trời vẫn sáng choang bởi ánh nắng mặt trời, và bên cạnh đó -  chỉ một chai rượu  Chardonnay nhâm nhi khi ấy quả không đáng kể, chỉ là “xúc miệng” chứ làm gì làm say xỉn được, nhưng ngày hôm sau, khi tôi ngổi hồi tưởng lại chuyện anh Thành kể để viết thì bối cảnh được phục hiện trong đầu tôi cừ lì lợm là… buổi chiều, buổi hoàng hôn gì đấy, bởi ở chỗ ngồi uống rượu và nghe chuyện, tôi đã bị những ánh nắng cuối cùng của buổi-tối-Úc-châu chiếu lóa vào mặt và còn lãng đãng ám thị tôi mãi.
Ở đất Úc này, tôi đã từng tiếp tục hồ đồ, lầm lẫn về thời gian trong ngày như thế. Như vừa rồi, buổi chiều đóng cửa rút trong nhà vì trời lạnh, cụ thể là quãng 5 giờ 30 chiều tháng 5, tức đã vào mùa đông ở đây, phải nhìn ra bên ngoài vách kính cửa sổ mới thấy trời đã tối thẩm. Vâng, trời đã tối, đêm đã xuống như thế mà tôi vẫn ấm ớ định bụng rằng “Thôi, phải mở laptop chỉnh lại mấy ảnh chụp hồi sáng, nội chiều nay phải xong”!


3.
Như đã kể, không gian yên tĩnh, lặng lẽ của công viên gần như có sức ù lì, gây nên đại loại là một cơn buồn-ngủ-tâm-lý, khiến tâm tưởng bọn già chúng tôi càng lười nhác hơn, trí nhớ càng mông lung hơn. Mà ở cái tuổi được mệnh danh là “buổi chiều của cuộc đời”, có lẽ người già chỉ thích hoài niệm, chỉ muốn nhắc lại quá khứ ở quê nhà Việt Nam hơn là thử cố vạch vẽ chút gì đó cho tương lai mình ở nước Úc, quê hương thứ hai này… Dù sao thì tôi cũng thầm cám ơn anh Thành đã tẩn mẩn ghi cho mấy bức ảnh kiểu chân dung “buổi xế chiều” của bọn tôi, nhất là một pô ảnh, sau này anh Thành post và chú thích trên phây rằng đây là “hình ảnh hai lão già Á châu ngồi tâm sự trên băng ghế công viên Úc châu”. 


PHẠM NGA
(Sydney, đầu đông 2019)

Tình Trong Mộng, thơ Hoa Văn.

tt

Kính mời quý anh chị đọc thơ Hoa Văn.
Caroline Thanh Hương

Mời Chị Thanh Hương đọc chơi và xin post giùm nếu không trở ngại.
 Cảm ơn Chị.
Hoa Văn

TÌNH TRONG MỘNG
 Thơ Hoa Văn
1
Người về một hướng sầu đôi ngả
Cái khó bây giờ như đã qua
Anh viết lời đi tình mắt mỏi
Và em yêu dấu mãi mơ xa
2
Đường tình ai biết dài hay ngắn
Anh hỏi lòng anh có ước mong
Nến thắp cho thêm tình lửa ấm
Bên này bên nọ cũng hư không
3
Nghe chuyện lợi danh hoài cũng nhảm
Mai về gạn hỏi thời gian đi
Trong tay có mấy phần vui tặng
Chớp mắt đời qua chẳng nghĩa gì
4
Đời kịch diễn hoài coi cũng chán
Tuổi nào tránh mãi được sầu đâu
Bốn bề chỉ thấy hầm cùng bẫy
Chỉ thấy âm thầm vạn nỗi đau
5
Mới đó mà nghe buồn ngọn gió
Nghe lòng đầy ý mộng mơ trăng
Dễ đâu tìm được người tri kỷ
Nhưng chỉ tình em đời vĩnh hằng
6
Chiều đi nắng cạn nhìn sương toả
Còn thấy xa mờ bóng nguyệt vơi
Anh lại nhớ về tình dạo đó
Có em hoa bướm nở bên đời
7
Anh sợ ngày mai lòng biển cạn
Chẳng còn gì nói chuyện yêu thương
Bốn bề mặt đất hầu như khuất
Đời chẳng còn hoa chỉ đoạn trường
8
Yêu em bất chợt tình mưa gió
Anh lại nghe lòng lửa ấm thêm
Những bước tận cùng đời cũng tới
Mặt trời cón đó nói cùng em
9
Anh yêu anh nói lời yêu đậm
Là đã vào khung của thế tình
Đời chỉ đôi lần mơ mộng hão
Rồi về cõi nhớ để ngàn xanh
10
Trời cao đã định duyên và nghiệp
Người đã cho mình một chút thơ
Viêt tặng đời vui lòng cũng thoả
Cùng em vào nốt nhạc vô bờ
11
Rồi cũng tàn theo ngày tháng cũ
Yêu em anh trở lại thơ tình
Cho hương thơ mới hồn thơ mới
Cứ nghĩ như mình còn áo xanh
12
Lời thơ tiếng nhạc hình như muộn
Anh vẫn còn đi mỗi bước chân
Cũng đủ lóc lăn đời mấy trận
Trận sầu trận tủi trận băn khoăn
13
Đời đã cho anh vài chữ nghĩa
Cho nhau ngày khẽ gọi âm thầm
Nỗi vui đầy sớm trong khung lạ
Và tuổi còn buồn cùng tháng năm
14
Đời cho đôi chút tình kim chỉ
Tự vá lòng đau lúc lạnh lùng
Chiếc áo màu hoa đành để lỡ
Nghe đời rơi rụng giọt sương trong
15
Em tri kỷ một thời mơ rụng
Biết nói thêm gì tình nghĩa xa
Và trái tim thơ đầy tuổi nhớ
Tan đi như khói mỏng chiều tà
16
Hồn thơ mai mốt buồn như đá
Thơ viết cho em sợ nhạt nhoà
Cố giữ lấy tên người với mộng
Dù cho trời đất tiễn nhau qua
17
Dù mộng dù mơ cũng một thuở
Anh buồn đôi lúc chẳng còn hoa
Chút hương còn lại trong thơ ý
Đã biết khi lòng bớt xót xa     
18
Vị tình nào cũng nhiều cay đắng
Dẫu có hay không cũng ngọt bùi
Chỉ có luyến lưu đời vội vã
Thì tìm chi nữa khúc ca rơi
19
Dù không còn mộng còn ân nghĩa
Đã biết tình đi đến bước nào
Để tránh cho lòng đau nỗi nhớ
Vì đời còn cả một trời sao
20
Mình còn nhau đến ngày cùng tận
Vẫn giữ cùng đời đẹp mộng mơ
Vẫn nhạc cùng thơ năm tháng cũ
Vẫn còn vương vấn vẫn mong chờ
21
Mượn chút tình em làm gối mộng
Cho êm nỗi nhớ lúc xa lòng
Cho tình vẫn nở từng trang sách
Cùng với dòng đời tiếng hát trong
22
Mai mốt tình đi tình vẫy gọi
Làm sao níu lại chút ân kia
Thiết tha nào cũng đành rơi lại
Lối cũ đường xưa để bụi nhoà
23
Em có tìm về cung bậc cũ
Chỉ còn tiếng vọng của trời xa
Tình ai ngơ ngác bên bờ vắng
Vàng đá còn gì thuở đã qua
24
Ngày tháng qua mau buồn dấu cỏ
Tình em cung bậc mấy mùa say
Quen em ngày ấy nghe xa lạ
Tình chớm hoa hoa bướm cuộc bày
25
Một nhạc một thơ hồng mấy tuổi
Nghe đời sương khói đọng trên tay
Chút yêu thương đã tròn cung bậc
Mà ngỡ ngàng hoa một lối đầy
26
Tình đã lạnh còn gì lửa ấm
Mùa vui hoa cúc nở bông thơm
Em về trong mắt lòng như đã
Quên cả thời gian nhạt dấu còn
27
Anh đi tìm mãi tình như lạc
Còn chỉ lòng riêng một nét son
Đã hiểu vui đời chân bước chậm
Để tình ngày một ngọt ngào hơn
28
Tình em lửa ấm mà xa lắc
Chỉ một lời qua bớt lạnh lùng
Một nốt nhạc tình âu cũng tỉnh
Em ơi tình gọi giữa mênh mông
29
Đã biết tình đời đâu cũng trắng
Thì lời chê trách chỉ xin vui
Yêu em anh có thơ và nhạc
Đời nghĩa gì đâu chẳng mỉm cười
30
Yêu em anh có tình yêu sáng
Nên vững vàng qua vững bước đi
Bởi trái tim thơ còn nhịp thở
Tình em gọi nhớ buổi xuân về
31
Người thơ mãi mãi cô đơn đấy
Ai hiểu cho mình an ủi hơn
Tình có sẻ chia đời có thấu
Yêu em dấu kín đáy tâm hồn
32
Yêu em dẫu chỉ yêu trong mộng
Đã có khi nào gặp gỡ đâu
Tình mộng là tình yêu đẹp nhất
Anh xin trân trọng đến nghìn sau
33
Thương em anh viết bài thơ mới
Vẫn bướm vẫn hoa vẫn nhớ đầy
Cho lửa yêu thương âm ỉ nóng
Cho thơ và nhạc ngát hương bay
34
Mai kia mốt nọ thơ còn viết
Vẫn đẹp hơn tình hoa bướm bay
Em mãi trong tim anh mãi mãi
Vì em yêu qúy một đời này
35
Anh mừng gặp được em ngày ấy
Mới có tình yêu nhạc với thơ
Mới có được em dòng sống nhỏ
Yêu em anh nghĩ chuyện không ngờ
36
Yêu em mãi mãi yêu trong mộng
Trăm trước ngàn sau vẫn đậm đà
Của một người thơ tình một thuở
Hồn thơ ý nhạc những mùa hoa.
Hoa Văn
tt tt