Translate

Libellés

dimanche 20 janvier 2019

Phạm Nga và bài ký CAMPUCHIA, ẢO VÀ THỰC…

tt

 Mời quý anh chị theo chân anh Phạm Nga đến viếng nước Kampuchia.
Cám ơn anh Phạm Nga đã gửi bài viết và hình.
Caroline Thanh Hương






CAMPUCHIA, ẢO VÀ THỰC…


1.
Vừa qua cổng cửa khẩu Bavet, xe car của SaigonTourist dừng tạm vài phút trước cổng một casino, bảng hiệu King’s Crown Casino, theo yêu cầu của vài người khách, rằng họ muốn “Ngó cái cho biết sòng bạc Campuchia, ít ra là cái mặt tiền…”.  Thêm một hướng dẫn viên của nước chủ nhà bước lên xe, cầm micro tự giới thiệu tên Trung, gốc Việt kiều.
Xe tiếp tục đi trên địa phận tỉnh Prey Veng nghèo nàn, xơ xác. Mặt đường nhựa khá bằng phẳng, xe cộ thưa thớt, lại không hề có bóng dáng chập chờn ẩn hiện của công an giao thông dọc đường như ở Việt Nam nên tài xế ung dung “đua” 90 km – 100 km/giờ.  Cái cảnh đơn điệu hàng trăm cây số chỉ có ruộng đồng, sông rạch, nhà sàn, chòi lá… tạm kết thúc khi xe dừng lại ở một thị trấn nào đó – có điện, có nhà gạch, có sách báo… thuộc tỉnh Kampong Thom. Bữa cơm đầu tiên trên đất Campuchia gồm đến sáu món, gồm: mặn, xào, canh, sa-lách…, nêm nếm giống thức ăn Việt nhưng béo hơn, tức lai kiểu thức ăn Tàu, phải nói là ngon nhưng không lạ miệng.  Riêng món cá mặn chưng với một ít mắm bò-hóc – đặc sản Campuchia –  thì không được hảo lắm vì quá mặn. Ngược lại, ai nấy đều khen phần cơm trắng, dẻo và thơm như cơm nấu với gạo Móng Chim, tuy màu cơm thì không trắng bằng loại gạo/cơm của miền Tây Nam bộ này.
Lúc xe dừng trước chợ Kampong Thom, tuy bằng lòng đưa ra tờ 1000 ria (gần 6000 VND) nhưng tôi vẫn mơ hồ, không rõ hết lý do nào mà một bé gái rách rưới cứ “ấn định” số tiền này bằng mấy tiếng Việt bập bẹ “Cho xin… một ngàn ria đi”. Có lẽ là trong sinh hoạt cơm-áo-gạo-tiền của người dân Campuchia, 1000 ria là trị giá tiền bạc nhỏ nhất, không đáng quan tâm nên đứa bé hy vọng là khách sẽ dễ dãi bỏ ra bố thí. Con bé đã chắp tay nói cám ơn rồi bỏ tờ bạc vào cái tô nhựa cũ trên tay một người đàn ông vừa mù vừa cụt chân.
Phía trước nhà hàng tên là Aruras cạnh chợ Kampong Thom là một cái chợ chồm hổm gồm vài chiếc xe đẩy, sạp, mâm, thúng… bán đồ ăn tạp nhạp. Một bà đầm ngại ngần cầm lên một con dế cơm chiên dòn. Phơi bụi bên vệ đường như thế thì 1 USA được 10 con, còn bày trên quầy trong nhà hàng Aruras thì 1 đô 5 con. “Thưa quí khách, ngoài dế cơm, dế mèn đang rộ lên ngoài đồng sau khi nước lũ đã rút như mùa này, đồ ăn chế biến từ côn trùng còn món bò cạp, nhện, niềng niễng, cà cuống chiên dòn nữa ạ”, Trung thuyết minh từ trên xe. Anh ta còn nói riêng với các quý ông rằng đặc biệt có món nhện sống còn bò tới bò lui, giá là 10 đô lấy 30 con, thường được bán kèm với rượu đế để các ông mua về ngâm rượu thuốc, uống cho tráng dương, bổ thận.
Nhăn mặt về mấy món “đặc sản” tại chỗ này, tôi lại thắc mắc về một thứ còn… ớn hơn nữa – những cái sọ người, tàn tích của nạn thảm sát thời Pôn Pốt. Trung lắc đầu nhè nhẹ: “Dạ, tham quan Stoul Leng, chỗ trưng bày sọ người thì không có trong tours này, mà cũng chỉ có trong các tours dành cho người Âu và chỉ khi nào họ yêu cầu”. Xe dừng lại ở cầu Rồng, thuộc địa phận tỉnh Siem Reap. Chính xác phải gọi cái cầu đá ong, đất nện gần 1000 năm tuổi này là cầu Rắn (Kompong Kdey) với hai lan can cầu là tượng rắn thần bảy đầu Naga – một hình ảnh rất quen mắt trên khắp đền tháp, nhà cửa ở đất nước Chùa Tháp.
Gói tours này đúng theo lời khuyên cho du khách là đến Campuchia mùa từ tháng 12 đến tháng 2 khí hậu mới dễ chịu nên ở Siem Reap, ban đêm thật mát mẻ. Sau khi nhận phòng ở khách sạn 3 sao Soria Moria, chúng tôi gọi một chiếc tuk tuk (xe lôi có mui, kéo bởi honda 2 bánh) xuống khu Old Market chơi. Tại phố “đi bộ” Bar Street đông nghẹt người, đèn đóm đủ màu, nhạc rock hòa quyện với tiếng hò hét trong trận bóng giải Ngoại hạng Anh phát trên ti-vi. Khách Âu khách Á chen chân nượm nượp. Tôi chọn một chiếc ghế mây sơn trắng kê trên vỉa hè của tiệm Banana Leap, bên cạnh một ông già người Pháp ngồi trầm ngâm trước lon Angkor Beer, giá 1.5 đô Mỹ. Đã có bạn bè cho thông tin rằng thứ “nội địa” này ít ngon, hương vị thua bia 333 Sài Gòn nên tôi gọi một cocktail với rượu Chivas thật đậm đà, dù giá 4 đô thì hơi mắc.


2.
Sáng sớm ngày thứ nhì có mưa nho nhỏ, đường phố vắng tanh. Lánh ra cửa hông của phòng ăn khách sạn để đốt điếu thuốc, tôi đã thấy hai nhà sư trẻ đi khất thực ngoài đường với chân trần, bình thản trước sự cung kính của một bà già khi bà cúi đầu, chắp tay ngang mặt, lạy chào, bỏ một ít tiền vào bát.
Suốt ngày này – dành hết cho phần tham quan chủ lực của gói tours là viếng quần thể kỳ quan Angkor – trong tôi cứ lãng đãng những cảm giác buồn buồn, phiền muộn, gần như đau ốm mơ hồ…
Giữ kỹ cái vé 20 đô vào cổng, du khách bị hối thúc lướt qua Cổng Nam Angkor Thom, tháp Phnom Bakheng, Angkor Thom, tượng Bayon, quảng trường đấu voi, Angkor Wat, đền Ta Prom.v.v…  Lẫn khuất sau những tán cây thốt nốt xơ xác, đền tháp nào cũng một màu đá cổ nửa nâu nửa xám thật ảm đạm, hoang tàn. Kệch cỡm, xấu thảm hơn là ở những khu vực đang được chỉnh trang, gá ghép lỡ dở những khối đá cổ xưa với sắt thép, xi măng hiện đại.
Hình như lòng tôi chỉ được thanh thản trở lại khi vào sẫm chiều, hòa mình vào đám du khách đông không thể tả leo lên đỉnh núi Phnom Bakheng để ngắm mặt trời lặn. Lăm lăm đủ loại camera, cell phone trên tay, ai nấy đều cố chiếm lấy một vị trí thuận tiện nhất để “khóa” hướng Tây lại trong pô ảnh sắp chụp. Ồn ào, kêu réo, xí xô, xí xào đủ thứ tiếng trên thế giới, ai nấy đều có vẻ hồi hộp vì khi đã hạ xuống gần sát vạch chân trời, cái vầng đỏ ối kia sẽ biến mất chỉ trong vòng 10 – 15 phút cuối cùng.
Tình cờ ở sát bên chỗ tôi “phục kích” mặt trời lặn có một bộ tượng sinh thực khí nam nữ (yoni và linga, vật tượng thờ phượng của đạo Bà La Môn), tình cờ có mấy cô đầm Pháp đang vô tình đứng dẫm lên. Nghe câu tiếng Pháp tôi nói chắc đúng văn phạm, đại ý là “Vui lòng tránh ra cho tôi chụp ảnh cái… bộ phận của đàn ông kia”, mấy cô nàng xinh xắn, ăn mặc rất mát mẻ, gợi cảm này hiểu khá nhanh nên cười rũ rượi và uốn éo mình mẩy, bước tránh sang bên.
Tự nhiên trí tưởng tượng của tôi đã chơi luôn mấy bước hoang đàng. Hẳn là đêm đó, mới là tuyệt vời làm sao khi mà, cũng giống như cặp vật tượng Bà La Môn mông muội đang gắn chặt vào nhau đấy, cặp linga và yoni với kích cỡ bình phàm nhân loại của thiếu nữ tóc vàng kia và của anh bạn tình nào đó sẽ tha hồ giao hòa trên giường khách sạn…  Dù sao thì mục tiêu của toàn thể du khách chúng tôi đến đây, giờ giấc đó là chụp ảnh mặt trời chứ không phải “cà khịa” cho-đời-bớt-buồn về hình ảnh phồn thực hay chuyện sex, nên tôi cũng kịp bấm mấy pô về phía vầng thái dương lặn tắt.
Một chuyện vui đến lạ lùng nữa là, ngay sau giây phút mặt trời lặn hẳn, chợt từ trong đám đông vang lên một tràng pháo tay khiến mọi người vừa ngạc nhiên, ngoáy nhìn vừa bất giác vỗ tay theo luôn. Thì ra đó là tràng pháo tay nồng nhiệt của đám khán giả quốc tế dành cho “diễn viên” siêu hạng và duy nhất trên cái sân khấu trời, núi bát ngát, vô tận nơi đây – Mặt trời của thái dương hệ!
Sau này, đọc ở một tài liệu hướng dẫn du lịch do một người Anh viết về Campuchia, tôi mới biết là trong khi chờ giây khắc mặt trời lặn, dân săn ảnh nghệ thuật còn có thể “lia” máy về phía Tây Nam để chụp quần thể Đế Thích chìm ẩn trong rừng già bao phủ sương chiều, và chính ánh sáng thoi thóp của mặt trời lúc ấy lại tạo một sắc độ rất lạ, đẹp và buồn, cho loại đá bí ẩn mà người Khmer cổ đã dùng để xây đền, tháp…
(Còn tiếp)
PHẠM NGA



3.
Ở con đường mòn đi vào Angkor Wat, một nhóm năm người đàn ông, mù hoặc cụt chân, ngồi dưới đất lặng im trình diễn các loại đàn dây, bộ gõ… của nhạc cổ truyền Khmer. Hướng dẫn viên Trung cho biết đó là những thương phế binh hay thường dân bị tàn phế bởi nạn mìn, bom còn sót lại đầy dẫy trên đất nước này sau mấy cuộc chiến tranh liên tiếp. Trên một bãi cỏ bên con đường ra khỏi đền Ta Prom, người ăn xin ngồi thành hàng, chắp tay trước miệng. Một bà già hom hem, mặc váy xà-rong rách tướt nhiều chỗ, không để ý gì đến con khỉ đít đỏ đang lửng thửng bò đi bên cạnh, chỉ cắm cúi lượm những vỏ chai nhựa bị ai đó vứt bỏ ở các gốc cây, mương nước…
Sáng sớm ngày thứ ba của cuộc hành trình, xe quay về thủ đô Phnom Penh. Tôi nhớ năm 2007, trong cuộc thi hằng năm của Diễn đàn Lãnh đạo thế giới phi chính phủ (NGO) tại London, Phnom Penh được chọn vào số 400 thành phố trên thế giới nhận giải thưởng về môi trường, đồng thời được ca ngợi về sự tiến bộ trong việc kiểm soát lũ lụt và rác thải. Xem ra lựa chọn của tổ chức NGO cũng khá chí lý vì so với Sài Gòn, dù chỉ có mạng điện thoại di động và khó tìm thấy trạm bưu điện nhưng Phnom Penh có vẻ vẫn ít rác rến hơn và hay nhất là ít ồn ào hơn (dân Campuchia không có kiểu bấm còi xe bừa bãi, vô lối như dân Việt trong nước). Ở khu trung tâm thủ đô, trên những con đường rộng rãi, nhiều cây xanh và tiểu hoa viên, đã thấy lui tới toàn là chiếc xe hơi cao cấp, kiểu mới nhất, phổ biến là hiệu Lexus. Dinh cơ, trụ sở của chánh phủ và các đảng phái là những tòa nhà kiểu quá giống nhà chùa, nóc nhọn cao vút, mái cong theo kiểu rắn thần Naga bò ngang bò dọc. Cơ ngơi kinh doanh, trú ngụ của giới thương gia, Hoa kiều, Việt kiều, Ấn kiều… thì theo kiến trúc phương Tây, sử dụng nhiều về chất liệu kính màu.
Nhưng không xa cái mẫu đô thị sạch đẹp, hoành tráng kiểu nửa cổ đại nửa tân thời, lại còn được giải thưởng quốc tế về môi trường như vừa nói, ở ngay bên kia cây cầu Bonivong dẫn vào thủ đô, chỉ thấy phần lớn là những căn nhà gạch, nhà gỗ thấp bé, hay lêu đêu, lỏng khỏng là những căn nhà sàn cột gỗ –  kiểu nhà mang bản sắc riêng của vùng đất thường bị ngập lụt, nhếch nhác và chắp vá.
Bộ mặt ảm đạm của vùng nông thôn – có lẽ cũng chính là diện mạo trung thực nhất của đất nước Campuchia – đã áp sát vào bờ sông Tonle Sap, dường như bị chận đứng trước dốc cầu Bonivong (người Việt thường gọi là cầu Sài Gòn) hay kẹt xe vào chiều tối. Cảnh phân liệt giàu, nghèo lồ lộ giữa hai bên bờ sông đã khiến tôi tưởng như đám nông dân nghèo khó của xứ sở này –nhiều nơi ban đêm còn sinh hoạt bằng đèn dầu hôi và đèn bình ắc-qui – đã bị cái thành phố sáng lóa đèn điện kia thầm lặng cấm cửa từ lâu rồi. Và hằng ngày, trên những chiếc xe đò cũ nát chở đám dân lôi thôi lếch thếch này vào thành phố kiếm sống, hành khách chen nhau ngồi kín cả mui xe, có người ngồi cả vào ô cửa xe đã tháo kính đâu mất, nhoài cả thân người ra ngoài. Được biết trên những chiếc xe có tải trọng 15 người nhưng nhét tới khoảng 50 người ấy, giá vé những chỗ ngồi “phụ trội” kinh khủng như thế rẻ còn 2/3 hay một nửa mà thôi.
Trong lần đi thăm hoàng cung vương quốc này, tôi nhận ra ở đây cũng toàn những đường nét cổ kính, tráng lệ như các đền đài Angkor trong rừng nhưng được cái là không hoang phế. Từ chánh điện thiết triều, tòa văn phòng Bộ hoàng cung, tòa nhà vua Napoleon III tặng cho vua Cam-bốt… cho đến chùa Vàng tất cả đều rực rỡ, huy hoàng. Nhưng trong lúc du khách nước ngoài trầm trồ trước số lượng vàng bạc, đá quí, đồng đen, ngà voi… được đem trưng bày khắp chỗ trong ngôi chùa Vàng thì ngược lại, nhiều người khách bản xứ lại tỏ ra xa lạ với mớ quốc bảo của họ, nhất là đối với các phụ nữ Campuchia lớn tuổi. Các cụ, các bà chỉ lặng lẽ khấn vái, cúng tiền công đức trước những tượng Phật lớn, nhỏ đủ cỡ.
Cũng tuồng như xa lạ đối với người bản xứ là các sòng casino rộng mênh mông, các tụ điểm massage và karaoke, các sân khấu hầu như dành riêng cho du khách với các vũ nữ xinh tươi múa Apsara, các cửa hiệu hào nhoáng của các công ty đá quí hay phòng bouffet cực kỳ sang trọng trong đại khách sạn Tonle Bassac…, luôn chiếm lấy những địa điểm ngon lành nhất giữa thủ đô Phnom Penh để du khách dễ dàng lui, tới.
Còn ở xa khuất thủ đô của vương quốc, hay dưới những cái bóng buồn bã, câm nín của những tòa tháp cổ ở Siem Reap, hoặc dọc theo hai bên những con đường hoang vắng đi qua hay dẫn vào các hương trấn cũ kỹ – đang được gấp gáp “tân trang” chút đỉnh tiện nghi để có chỗ cho du khách ghé rửa mặt, đi vệ sinh  – của các tỉnh toàn đồng ruộng như Svay Rieng, Kampong Cham, Can Dan…, đại đa số dân Campuchia là nông dân nghèo, đời sống không khác nhiều so với người Khmer cổ, nghĩa là chỉ có những mảnh ruộng manh mún, thường xuyên ngập úng cùng những con trâu, con dê ốm đói. Với hệ thống thủy lợi vụn vặt và vô bổ, nông dân xứ Chùa Tháp làm ruộng chỉ nhờ vào nước mưa trời và lớp phù sa lưu lại trên đất khi nước ngập rút đi, nên họ rất hiếm khi phải dùng đến phân bón, hoá chất.
Dù sao, làm nông thì còn cổ lỗ như thế – nói an ủi là ‘thân thiện với thiên nhiên’ –nhưng lại phát sinh một điểm son cho Campuchia, đó là môi trường sống ở nông thôn nước này phải nói là còn lành sạch, ít ra là chưa bị ô nhiễm đáng báo động như ở Việt Nam. Đáng khen hơn là tuy mỗi năm chỉ làm một mùa lúa nhưng đất nước này lại có loại gạo giống địa phương quá ngon như du khách chúng tôi đã thưởng thức và có thể tin lời guide người bản xứ đã giới thiệu một cách tự hào, rằng đây là ‘gạo sạch’ vì không dùng phân bón, hóa chất này khác…
Tôi lại suy nghĩ chệch đi một chút, rằng những món ‘đặc sản’ côn trùng nổi tiếng của xứ Chùa Tháp, như: dế, nhện, bò cạp, cà cuống, ve, niềng niễng…, đem chiên xả, ớt dòn dụm, cũng có thể được tin là những món ăn ‘sạch’, tức thực phẩm an toàn, do bầu trời xứ này có trong lành, đồng ruộng xứ này còn ít hay chưa nhiễm các dư chất thuốc trừ sâu, thì bọn ‘tám chân’ có cánh này mới tha hồ sinh sôi, nảy nở.
Do ngoài ruộng, đồng mới có nhiều côn trùng nên ở vùng thôn quê dọc theo hai bên quốc lộ, nhất là trên địa bàn Kampong Thom, tỉnh nghèo nhất nước Campuchia, người dân thường đặt vô số những cái bẫy bắt côn trùng có cánh. Loại bẫy đơn sơ, rẻ tiền này chỉ gồm một miếng nylon trắng căng rộng bằng một bộ khung tre, giống một tấm màn thả trên một cái mâm đựng nước, kèm theo là một bóng đèn neon được treo đứng giữa tấm nylon. Vào sẫm tối và ban đêm, bọn côn trùng có cánh bay ngoài trời – như dế, cà cuống, niềng niễng…- thấy đèn sáng thì bay tới và vướng vào tấm nylon, rơi xuống mâm hứng (hầu hết làm bằng nylon dày cho rẻ, hiếm khi làm bằng gỗ hay tôn thiếc), chúng chết đuối nhưng không thối vì nước có pha muối. Sáng ra, người đặt bẫy ra thu hoạch, tháo cất đèn neon và cuốn tấm nylon lại cho khỏi rách bởi gió mạnh. Vào mùa mưa ở Campuchia, côn trùng sinh trưởng mạnh nên được biết là hàng ngày, với loại bẫy này mà người dân nghèo có thể cung cấp đều đặn hàng tấn nguyên liệu còn tươi cho các lò chế biến thức ăn từ côn trùng.

4.
Ngày cuối, tôi nhớ khi xe trở về VN thì mưa kéo dài. Nhìn qua làn kính xe đã mờ nước mưa, những cái bẫy côn trùng bên đường trông giống như những vệt trăng trắng vô nghĩa, khi ẩn khi hiện, mờ ảo trên nền cỏ xanh, đất đỏ của vùng quê hiu quạnh, tối tăm. Ngược lại, bức ảnh ngôi chùa Vàng trong Hoàng cung chụp làm bìa cuốn cẩm nang du lịch Campuchia lại quá dư sáng, rực rỡ mọi góc cạnh, rõ nét như cảnh thực.
Tôi chạnh nhớ một bà cụ đầu trọc, dáng gầy gò nghèo khó, nhắm mắt quì mọp trong tư thế bất động rất lâu trước bệ tượng Phật ngọc bích tuyệt mỹ trong ngôi chùa tráng lệ này hôm trước đó… Mọi thứ hình dung lãng đãng, nửa thực nửa ảo ấy đều là Campuchia đặc hiệu.
Mơ mơ màng màng trong cảnh giới tâm linh huyền hoặc của tín lý Phật giáo tiểu thừa hòa trộn với ảnh hưởng của Bà La Môn giáo còn cổ xưa hơn nữa, hình như người Campuchia bỏ mặc đời sống thực tế, bao đời nay họ chỉ lặng lẽ sống với những nhu cầu, tiện nghi vật chất tối thiểu cho thân xác “ngũ uẩn” giả ảo của họ.
Nói gì đến những vùng nông thôn xơ xác – nơi người dân còn kiếm sống hết sức bần hàn, hạ bạc bằng cách bắt côn trùng hoang dã để làm món ăn bán cho du khách, cả khi có được sống ở cái thủ đô hơn 500 năm tuổi đang vội vã lên đời kia thì đa số người dân đất nước Campuchia cũng chỉ muốn hướng về đời sống tâm linh hơn là đời sống vật chất. Từ bao thế kỷ qua, cái gọi là “ đời sống tâm linh” nửa thực nửa ảo ấy của người dân xứ Chùa Tháp cứ chìm ẩn trong những đền tháp, chùa chiền, cung điện kỳ vĩ, xa hoa… mà các triều vua xưa đã ngự trị, còn các chính phủ thời nay thì luôn đưa ra làm bộ mặt biểu trưng cho vương quốc Campuchia trước toàn thế giới bằng những tờ brochure, tấm postcard thật rực rỡ, màu mè…

PHẠM NGA ghi