Translate

Libellés

dimanche 7 juillet 2019

Những tấm ảnh chụp về dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

tt

Những tấm ảnh khó tin về những dân tộc thiểu số Việt Nam qua đài BBC.

Việt Nam qua những gương mặt

BM










Bản quyền hình ảnh Réhahn
Nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn để tám năm thực hiện Di sản Quý giá, chụp ảnh toàn bộ 54 các dân tộc được chính thức công nhận tại Việt Nam.
"Tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về 'di sản' thế giới sau khi tôi bắt đầu làm cha," nhiếp ảnh gia chuyên về du lịch Réhahn nói. Giống như tất các các bậc phụ huynh khác, tôi tự hỏi mình rồi đây con cái sẽ học được gì từ tôi, tôi sẽ để lại cho chúng được những gì."
Thị trấn Alaska nơi tiền mọc trên cây
Obama: 'Hãy đi để biết mình đứng ở đâu trên thế giới'
Vẻ đẹp cố đô Nam Kinh quyến rũ người nước ngoài
Người gốc vùng Bayeux, Normandy, Pháp, Réhahn đã sống ở thành phố Hội An của Việt Nam kể từ 2011 tới nay. Trong tám năm qua, ông thực hiện Di sản Quý giá, một dự án đầy tham vọng, chụp ảnh đủ toàn bộ 54 các dân tộc được chính thức công nhận tại Việt Nam.
"Giữa những câu hỏi tự vấn mình khi bắt đầu làm cha, tôi đã đi khắp Việt Nam để chụp ảnh chân dung," Réhahn giải thích. "Tôi gặp gỡ mọi người từ khắp các nền văn hoá khác nhau, những người tỏ ý tiếc nuối về việc con cháu họ không còn chịu học ngôn ngữ tổ tiên và những nghề thủ công truyền thống của dân tộc họ nữa. Càng khám phá nhiều về những nhóm sắc dân thiểu số đó, tôi càng nhận ra rằng di sản có thể dễ dàng bị trôi mất đi tới mức nào. Những thứ ngôn ngữ không có chữ viết không thể được duy trì nếu như không còn ai nói nữa. Các bài hát không còn người hát rồi sẽ bị lãng quên. Tôi nhận ra rằng điều vô cùng quan trọng là phải giữ gìn cho những di sản quý giá này tồn tại."

BMNhóm dân tộc thiểu số cuối cùng






Bản quyền hình ảnh Réhahn
Réhahn hy vọng gặp gỡ và chụp hình người dân tộc thiểu số còn rất ít dân, người Chứt (còn gọi là người Rục, người Arem, người Sách), trong hè này.
Ở Việt Nam có trên 54 các dân tộc khác nhau, tuy nhiên đây chỉ là con số chính thức được chính phủ đăng ký, công nhận. Trong một chuyến đi tới Tuyên Quang ở miền Bắc để thăm người dân tộc Pà Thẻn, Réhahn đã gặp những người thuộc dân tộc Thuỷ (hình trên), một nhóm sắc dân không được đăng ký tại Việt Nam, cho nên chưa được chính thức công nhận.
Vệ tinh do thám phát hiện rừng thiêng ở Ethiopia
Những bông hoa bốc cháy ở Nam Phi
Cuộc sống, cái chết và vẻ đẹp trong mất mát
"Dự án Di sản Quý giá sẽ không bao giờ thực sự kết thúc," Réhahn nói. "Vâng, tôi sẽ sớm hoàn thành mục tiêu ban đầu của mình trong việc ghi lại hình ảnh của đầy đủ 54 dân tộc đã được chính thứ đăng ký, nhưng có rất nhiều các nhóm sắc dân nhỏ khác không nằm trong danh sách. Và trong quá trình đi lại, tôi đã kết bạn với nhiều người, có thêm quan hệ thân thiết với nhiều gia đình. Tôi sẽ không chấm dứt việc tiếp tục gặp gỡ họ chỉ vì lý do đã hoàn thành mục tiêu đặt ra. Tôi sẽ tiếp tục chụp ảnh chân dung họ, thu thập những đồ tạo tá, những bộ trang phục của họ, và duy trì mối quan hệ của tôi với họ, và thực hiện những điều tôi đã hứa vói họ trong tám năm qua."
"Trước khi tới Việt Nam, tôi không thể tưởng tượng ra một đất nước như thế, một nơi có vô cùng nhiều các thứ ngôn ngữ, phong tục tập quá, và những bản sắc văn hoá riêng rẽ cùng tồn tại bên nhau. Tôi không phải là nhà dân tộc học, cho nên tôi không thể bình luận về những mối quan hệ phức tạp tồn tại ở các quốc gia khác nhau. Nhưng về mặt cá nhân mà nói, tôi tin rằng có rất nhiều thứ để học hỏi từ các nhóm sắc tộc thiểu số trên thế giới, và những nền văn hoá phong phú có từ thời xưa này chắc chắn là xứng đáng được tôn trọng, hoặc ít nhất cũng là xứng đáng được tồn tại một cách hoà bình theo cách riêng của họ."
Trong bài này là một số những hình ảnh yêu thích của Réhahn, trích từ dự án Di sản Quý giá, và những ký ức của ông về việc gặp gỡ, chụp ảnh người dân thuộc các sắc tộc thiểu số khác nhau của Việt Nam.

BM 

Người Chӑm






Bản quyền hình ảnh Reháhn
"Trong lần đầu tiên tôi gặp, An Phước mới chỉ bảy tuổi. Cô bé người Chăm với đôi mắt xanh trong đã trở thành một trong những gương mặt dễ nhận ra nhất tại Việt Nam trong vài năm qua, do những bức hình tôi chụp."
"An Phước thuộc nhóm sắc dân sống ở trong và quanh khu vực thuộc tỉnh Bình Thuận, nơi từng là Vương quốc Champa."
Người Chăm là nhóm dân bản địa, đã sinh sống từ rất lâu đời tại vùng đất này. Bức ảnh chụp này có ý nghĩa cá nhân đặc biệt đối với tôi, bởi đó là một phần động lực cho dự án Đền Đáp của tôi, là dự án mà tôi luôn tìm cách trả lại cái gì đó cho những người mà tôi chụp hình. Tôi đã giúp tài trợ việc học hành cho một số cháu nhỏ mà tôi chụp hình, và đã mua thuyền, bò, máy ảnh cho các nhân vật của mình, hoặc giúp chi phí y tế, sửa chữa nhà cửa cho họ. Tôi tin rằng điều quan trọng là tôi cần trả lại cho những người tôi đã chụp hình một chút gì đó."
"Tôi đã trở lại thăm An Phước, chị của cô bé, cùng gia đình họ một số lần. Hiện nay tôi đang hỗ trợ cho việc học hành của hai chị em cô bé, để chúng có thể có mọi cơ hội trong cuộc sống mà chúng xứng đáng được hưởng."

BMNgười Xinh Mun






Bản quyền hình ảnh Reháhn
"Bà Vi Thị Inh là người dân tộc Xinh Mun, một sắc dân sống ở miền bắc. Sinh năm 1916, nay đã 103 tuỏi nhưng bà vẫn nấu nướng cho bản thân và đứa cháu trai khi tôi tới."
"Nhìn thấy tôi, bà nói ngay, 'Vào trong nhà'. Tôi yêu mến ngôi làng đẹp như tranh và còn nguyên nét truyền thống này, nằm sâu trong khu rừng rậm sát khu vực biên giới với Lào."

BMNgười H'Mông Đen






Bản quyền hình ảnh Reháhn
"Tôi đã tới miền bắc Việt Nam để thăm người H'Mông sống trong các ngọn đồi núi Sapa ít nhất là 10 lần kể từ 2012 tới nay."
"Người H'Mông còn phân thành những nhóm sắc dân nhỏ, chẳng hạn như người H'Mông Đen, mà người phụ nữ trong tấm hình này, bà Lồ Thị Si, là một người thuộc sắc dân nhỏ đó. Thứ kết nối toàn bộ các sắc dân nhỏ đó lại với nhau là kỹ năng dệt vải tuyệt vời. Các cô gái H'Mông học cách may trang phục cho mình từ lúc mới bảy tuổi. Mỗi món đồ đều được làm từ sợi gai, đũi dệt thành vải rồi nhuộm chàm, sau đó được thêu thùa cầu kỳ trong nhiều giờ đồng hồ."

BMNgười Lào






Bản quyền hình ảnh Reháhn
"Bà Lò Thị Bánh, 95 tuổi, là một trong những mẫu ảnh ưa thích của tôi. Bà đã cười vang khi thấy tôi chụp hình bà hút thuốc. Giống như các phụ nữ khác ở cùng thế hệ, bà đeo những chiếc khuyên tai nhỏ bằng bạc để kéo sệ tai xuống."
"Người dân tộc Lào có gốc gác từ Lào, và họ vẫn tiếp tục nói tiếng Lào. Tuy nhiên, hầu hết văn hoá và trang phục của họ đã thay đổi theo năm tháng. Ngôi làng mà tôi tới chụp hình (Na Sang 1) là một trong những ngôi làng cuối cùng người dân vẫn may trang phục theo kiểu Lào truyền thống."

BM 

Người Lȏ Lȏ Đen






Bản quyền hình ảnh Reháhn
"Chuyến đi đầu tiên của tôi tới với người Lô Lô Đen là từ hồi 2013, đưa tôi đến huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Tại đó, tôi thấy nhiều phụ nữ mặc trang phục truyền thống. Hai năm sau, rõ ràng là không còn nhiều người mặc những thứ như thế nữa."
"Tôi chụp tấm này, bà Ka Thị Nhánh, 75 tuổi, trong bộ váy truyền thống tuy đã rách sờn nhưng vẫn rất đẹp. Bức ảnh như một lời nói cho ta thấy là trong thực tế, các phong tục, tập quán cũ đang bị bỏ lại phía sau, bị dần lãng quên."

BM 

Người Pà Thẻn






Bản quyền hình ảnh Reháhn
"Tôi cảm thấy thích thú khi biết rằng trẻ em người Pà Thẻn được yêu cầu mặc trang phục truyền thống tới trường vào các ngày thứ Hai, như một cách để duy trì phong tục văn hoá của họ ở tỉnh Tuyên Quang."
"Đối với Xin Thị Hương, cô bé tám tuổi trong bức ảnh này, thì việc mặc đồ như thế khiến cô thấy vui vẻ chứ không hề gượng ép. So với những gì tôi từng chứng kiến trước đây thì làng Nà Nghè của người Pà Thẻn là nơi có một nền văn hoá rất sinh động, mà có lẽ là do có các em mặc trang phục truyền thống một cách đều đặn. Tôi nghĩ rằng điều này thực sự tạo ra sự khác biệt, giúp gìn giữ phần di sản này của họ."

BMNgười K'Ho






Bản quyền hình ảnh Reháhn
"Người Cờ-Ho, hay K'Ho, sinh sống tại tỉnh Lâm Đồng ở khu vực Cao nguyên Trung phần. Bức ảnh này chụp cụ bà K'Long K'Ê. Cụ bà 101 tuổi là người chủ trong gia đình có 11 người con và 165 người cháu, chắt. Bà là mối liên kết giữa quá khứ và tương lai của người K'Ho."
"Khi cụ qua đời, gia đình cụ đã trao cho tôi chiếc chăn mà bà tự làm thủ công khi trước, để nói được bảo quản tại Bảo tàng Di sản Quý giá của tôi, mở tại Hội An, bên cạnh tấm ảnh chân dung bà."

BMNgười Lự






Bản quyền hình ảnh Reháhn
"Lò Vân Báu là người dân tộc Lự sống tại khu vực Lai Châu ở miền bắc Việt Nam. Bà đã rất ngạc nhiên khi tôi hỏi xin chụp ảnh bà. 'Sao cậu không đến lúc tôi vẫn còn trẻ đẹp?' bà hỏi tôi. Những lời này đã một phần tạo cảm hứng để tôi khởi đầu loạt bức ảnh cho dự án Vẻ đẹp Không tuổi của tôi, là dự án tập trung vào người cao tuổi ở Việt Nam. Vẻ đẹp mà bà không nhận ra thì với tôi lại hiển hiện một cách vô cùng rõ ràng."
Làng Nậm Tăm của bà đã giúp duy trì bản sắc văn hoá của mình thông qua du lịch sinh thái, và vẫn là một trong những ngôi làng hiền hoà nhất, được bảo tồn tốt nhất trong số những nơi tôi từng đến."

BMNgười Dao Đỏ






Bản quyền hình ảnh Reháhn
"Tôi đặc biệt thích bức ảnh này, chụp Lý Lô May, người dân tộc Dao Đỏ. Bà mặc bộ trang phục cầu kỳ, toát lên vẻ nghiêm trang khiến người khác nể phục."
"Việc gặp người Dao và được chứng kiến những truyền thống may mặc phong phú của họ đã phần nào khiến tôi có cảm hứng khởi động Dự án Di sản Quý giá. Tôi sẽ tiếp tục khám phán chín nhóm sắc tộc nhỏ địa phương khác, vốn tạo nên dân tộc Dao ở miền cực bắc của Việt Nam, để đưa các câu chuyện của họ vào bảo tàng ở Hội An."

BMNgười Xơ-đӑng






Bản quyền hình ảnh Reháhn
"A Dip năm nay 76 tuổi, sống cách Kon Tum chừn 50km. Ông là người dân tộc To Dra, một nhóm thuộc dân tộc Xơ-đăng."
"A Dip là một trông những nhân vật đẹp nhất mà tôi gặp trong hai năm qua. Trong lần cuối cùng tôi tới thăm ông hồi năm 2018, tôi phát hiện ra ông có rất nhiều tài năng: ông là nghệ sỹ duy nhất trong làng vẫn làm các giỏ tre truyền thống, và là người cuối cùng biết chơi các loại nhạc cụ truyền thống của người To Dra."

BMNgười Hà Nhì Đen






Bản quyền hình ảnh Reháhn
"Tôi gặp cụ bà Pu Lo Ma, 89 tuổi, và con gái bà, 60 tuổi, người dân tộc Hà Nhì Đen, khi tôi đi tới Lai Châu và Lào Cai hồi 2017. Tôi thấy rất ấn tượng với trang phục của người Hà Nhì Đen, mà họ phải mất tới sáu tháng để làm ra. Trong bộ trang phục còn có những búi tóc lớn cầu kỳ được họ tết lại từ tóc thật."
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

TỪ MỘT CHỖ KHUẤT TRONG CÔNG VIÊN *Ký PHẠM NGA.

tt
Kính mời quý anh chị đọc bài ký của anh Phạm Nga và hình ảnh do anh sưu tầm.
Caroline Thanh Hương

TỪ MỘT CHỖ KHUẤT TRONG CÔNG VIÊN
*Ký PHẠM NGA
 Résultat de recherche d'images pour "công viên gia định 2"


< Một Con Sóc Rừng Chợt Xuất Hiện Trong Công Viên. Không Biết Con Thú Hoang Dã Này Có Thể Gợi Nhắc Cho Người Ta Nhớ Cho Là Rừng Rú, Đồng Nội, Thiên Nhiên… Hiện Cách Cái Thành Phố Đang Liên Tục Bành Trướng Này Bao Xa Không? >

 1.
Sau ngày công viên Gia Định 2 mở cửa phía bên kia đường Hoàng Minh Giám, rộng rãi hơn và và cảnh trí cũng đẹp công viên cũ bên này đường, tôi vẫn tiếp tục đến chỗ cũ mà từ dạo ấy, tên nó dài hơn một chút cho phân biệt: công viên Gia Định 1. 
 Có thể là do sức ì tâm lý của tuổi già mà người ta cứ trung thành với một quán cà phê, một sạp báo, một tiệm hớt tóc quen thuộc nào đó của mình, như riêng tôi cứ tiếp tục chọn “sân gôn” cũ - như dân địa phương quen gọi. Đúng ra, còn vì tôi ngại đi bộ băng qua đường. Thật ngán khi công viên của tôi mở cửa lúc mờ sáng, không khí đã nặng ô nhiễm mùi xăng dầu, bụi bậm và tiếng động vì sát bên là một cái ngã năm náo nhiệt - được mở rộng ra từ ngã ba Chú Ía Gò Vấp, một xóm mại dâm nổi tiếng thời chiến tranh -  đã rất đông xe cộ các loại rồi.
Trời sáng dần, trên con đường chính lát gạch con sâu, dài khoảng 800 mét, chạy viền theo chu vi công viên, đã có lũ lượt nguời đi bộ, chạy bộ, mà đi bộ, nếu bước nhanh thì mất khoảng 10 phút. Sau khi đi bộ chừng 3 - 4 vòng vô chừng, tôi thường rẽ vào một nhánh đường nhỏ, chọn một góc khuất thường vắng người, lơ đãng tập vài động tác và nhìn thiên hạ đi
Luôn luôn có những mẫu người đẹp đẽ, hấp dẫn. Nhưng có lần tôi bị hụt hẫng nặng nề, khi từ xa xa nhận ra một thân hình rất khiêu khích, nhưng khi “người đẹp” đi đến gần thì tôi muốn té ngữa. Đó là một anh pê-đê, hẳn là được giải phẫu đổi giới tính một cách nửa vời ở Thái Lan. Bên trên gò ngực đẹp tuyệt là một khuôn mặt thô kệch, khô như sáp. Khi tìm cách liên kết đôi bả vai phu-vác-gạo gân guốc với cặp vú hoa-hậu bốc lửa kia thì đúng là anh pê-đê này đang hiếp dâm cái Đẹp bằng chính thân thể bán nam bán nữ của mình.
 Rầu rĩ, tôi rê tầm nhìn về phía một cô gái – thực sự là phái nữ, hậu duệ của Eva – đang ngồi nghỉ ở một ghế đá. Cái nón chơi bóng chày được cô gái bỏ ra thì… ôi mái tóc! Mái tóc dấu dưới nón được buông thả theo cử chỉ nghiêng nghiêng đầu của cô gái. Lần này thì tôi như trúng số cá cặp độc đắc: gương mặt cô gái rất thanh tú. Trong những bức tranh đặc tả vẻ duyên dáng của thiếu nữ Á Đông ngồi xoã tóc thì chỉ vẽ kèm theo chiếc nón lá bài thơ, nhất định không phải nón nhân viên FBI đội sùm sụp trong các phim hành động hay nón kiểu chơi bóng chày như trong tay cô nàng ở công viên giờ này. Nhưng không sao cả. Nét đẹp mê hồn của cô gái là nằm ở mái tóc buông dài, vờn vẽ tấm lưng ong.
Giờ này, ai muốn thưởng thức nhiều tấm lưng ong hơn thì có thể bước về phía những căn nhà mát, đang vang vang tiếng nhạc phát ra từ những dàn âm thanh điện tử để giữa trời. Theo điệu nhạc disco làm nền cho bài thể dục nhịp điệu, những thiếu nữ mặc quần áo thể thao đủ màu sắc, đang uốn éo thân mình, ưỡn ngực và nẩy mông rất gợi cảm. Đứng trong hàng là một vài bà trung niên đẫy đà, cũng cố gắng lúc lắc tấm thân cho đúng nhịp.
Nếu trong nhóm tập thể dục nhịp điệu không thấy có quí ông thì ở gần đó, nhóm tập khiêu vũ đề huề giới tính hơn. Theo nhịp luân chuyển của nhạc nhảy, riêng điệu Chachacha thường được mở đi mở lại nhiều lần, những cặp nam nữ, phần lớn đã đứng tuổi, chăm chú nhưng thoải mái bước theo tiếng hô “Một, hai, ba bốn năm! Một, hai…” của vũ sư. Trên thẻ hội viên mà anh vũ sư Michael Văn Hải trao cho tôi, có ghi rõ đây là Câu lạc bộ khiêu vũ dưỡng sinh công viên Gia Định1. Nghe nói tại khu công viên Gia Định 2 bên kia đường, tối thứ bảy tuần trước có một buổi  giao lưu tưng bừng của CLB này với các nhóm, CLB khiêu vũ đang sinh hoạt ở các công viên khác, như công viên Lê Văn Tám, Tao Đàn, Gia Định 1…  Dù chỉ có nền sân xi-măng chứ không có piste nhảy đúng cách, nhưng cả trăm học viên “nhảy đầm” đã vui vẻ giao lưu, thi tài với nhau, còn náo nhiệt hơn cả buổi dựng lều, cắm trại trên bãi cỏ của các nhóm thanh niên.
Chương trình ca nhạc buồi sáng đài FM phát ra từ loa phóng thanh, tiếng nhạc xập xình từ các nhóm khiêu vũ và thể dục nhịp điệu, tiếng hô nhịp cùng nhạc quân hành từ các nhóm tập thể dục với gậy… Sáng sớm hay chiều tối, những âm thanh rộn rã đó đều cùng tạo nên một không khí phấn chấn, sống động. Trái lại, ở nhóm tập võ, kiếm hay quạt theo môn Thái Cực dưỡng sinh, tiếng sáo réo rắc của nhạc cổ Trung Hoa lại là những âm hưởng trầm mặc, tĩnh tại.
Cũng trong công viên người ta mới nghe rõ được thứ âm thanh khá hiếm hoi giữa phố xá, đó là tiếng hót líu lo của chim chóc, có khi là tiếng kêu the thé của loài chim lạ nào đó trên đỉnh những cây sọ khỉ cao ngất. Vào mùa hè, lạ lùng là tiếng ve sầu, nghe cứ âm âm, mơ hồ ở cùng khắp những tán lá cây. Tôi chợt nhớ tới tiếng sáo của người Mèo, cũng mênh mang, bay bổng đâu đó chứ không phải phát ra từ chỗ người thổi sáo. Kìa, lại có tiếng chó sủa đâu đây, nghe cũng vui vui. Mấy chú chó kiểng hớn hở kết bạn với nhau, bung hết chân cẳng chạy như bay trên cỏ. Mấy tấm bảng không hề ghi cấm chó dẫm lên cỏ! Xa xa là vài chú mèo đang ngồi thu mình bất động, quan sát bọn chó. Rồi khi rượt đuổi nhau, mèo ta rất thinh lặng, không ồn ào như bọn chó.
 Chú ý nghe nhạc chán rồi thì tôi nhìn thật cao lên những tàng cây, nhìn thật xa lên bầu trời, coi như tập thể dục cho đôi mắt, vốn cứ ngày ngày bị khuôn chặt vào màn hình PC. Kìa là một chú bướm đang thong thả vờn cánh, rong chơi. Hoa mai tứ quí, hoa cúc Đà Lạt, hoa dừa cạn… có mặt khắp ở các bồn nước, tiểu đảo, vườn ươm trong công viên, nhưng hiếm khi thấy loài bướm xuất hiện. Những ngày gần Tết còn có chợ hoa chiếm hết mặt tiền công viên, với đủ các loại hoa như thược dược, cúc, mai, hướng dương, vạn thọ, đào Hà Nội… Lạ một điều là trong công viên này, dù ngày Tết hay ngày thường, hầu như không ngữi ra mùi thơm của bất cứ loại hoa nào. Có thể bởi mùi xăng dầu nồng nặc ở cái ngã năm đáng sợ kia lấn át hết?


2.
Dù sao thì mọi người cũng đang thản nhiên hít thở khi tập luyện, chạy nhảy, dấn bước hay ngồi nói chuyện tại ghế đá. Các bác lớn tuổi thì có vẻ thích ngồi trò chuyện hơn là đi bộ cho nhiều vòng. Như một “trạm thông tin vỉa hè” chuyên bình luận tin tức-thời sự, câu chuyện của họ vòng vo khắp cả đất nước, đi tuốt ra cả toàn thế giới. Chuyện mua điểm, chạy chức cả bạc tỷ, chuyện xe cháy vì xăng dỏm, chuyện bóng đá Việt Nam có vẻ khởi sắc với ông huấn luyện viên Hàn Quốc, chuyện Mỹ đánh kinh tế Trung Quốc.v.v…  Một bác tóc bạc trắng, có vẻ là cán bộ hưu trí, hay dùng từ thằng Mỹ, thằng Nga và khi đề cập đến vài vị cao cấp đương chức, đương quyền hay vừa về hưu thì bác cũng gọi toàn là hắn ta, y, giả…, như thể bác cùng mấy vị kia vốn là đồng đội từ xa xưa lắm, như hồi còn ở trong rừng chẳng hạn. Khen có, chê có, hối tiếc cũng có. Bác hưu trí đã than thở: “Biết trước như ngày nay thì hồi mới vô tiếp quản, mấy thằng Nam bộ tụi mình cứ thủ luôn mấy căn nhà mặt tiền đại lộ ở quận Nhất, quận Ba, quận Năm thì bây giờ, mình với con cái đâu đến nổi ở trong hẻm, đường nhỏ quận ven! Cứ ngay thẳng riết rồi mới thấy mình khờ!”
Một bác khác thì kể một tai nạn nhỏ của mình. “Hồi cái công viên này mới mở, một bữa tôi đã bị mấy thằng xì ke tấn công. Lúc đó cỡ bốn giờ sáng, tụi nó rờ rẫm khắp nguời tôi, không tìm được đồng cắc nào nên có thằng chữi thề, đ. mẹ, già hai thứ tóc trên đầu rồi mà ra đường không có đồng nào đem theo hết vậy bố già? Tụi nó tịch thâu luôn chai nước tôi đem theo uống rồi mới thả tôi đi.” Bác trầm ngâm: “Thiệt ra, nghĩ lại tôi chỉ tội nghiệp tụi nó, chắc đói lắm, kẹt lắm tụi nó mới lấy luôn chai nước…”. Một ông chưa già lắm, thì thú vị kể một chuyện tình. Rằng có một ông nọ, bốn giờ sáng ngày nào cũng thức dậy, mặc đồ, mang giày, mang theo cả cây vợt vũ cầu, nói với vợ là đi tập. Té ra, cả năm sau bà vợ mới biết là nhà thể thao đầy nhiệt tình này chỉ rúc vào nhà một bà nọ ở gần công viên, đến sáng bảnh mắt mới trở về nhà, người ngợm cũng đầy mồ hôi, như thể ông đã chạy bộ cả chục vòng hay chơi cả chục sết vũ cầu…
 Hơi chán câu chuyện của mấy ông già, tôi lại nhìn quanh. Một anh nọ, tôi biết là thấy giáo vừa về hưu, dắt tay chị vợ  - cũng nhà giáo. Dù ra sân tập thể dục, hai nguời vẫn đạo mạo với quần tây dài, áo sơ mi trắn cài nút kín cổ và tay áo buông hết xuống. Rõ ràng anh chị nhà giáo không hề đồng chủng “dân chơi” với một đám trung niên rất ồn ào đi cạnh. Toàn đồ Adidas, Nike từ đầu đến chân, còn kèm cái Walkman đeo nghe trên tai. Mấy anh thì cạo đầu trọc hay để tóc dài nhuộm vàng chóe; mấy cô, mấy bà thì áo thun bó sát, quá gợi cảm. Đúng là một màn trình diễn thời trang và mình mẫy. Dĩ nhiên, những quí bà quí cô có thân hình hấp dẫn, có quyền “chơi” mấy bộ đồ ôm sát thân thể và màu sắc rực rỡ, cứ nổi bật lên trong một vùng xanh cây lá và lôi cuốn những cái nhìn lén lút. Nhưng… tại sao ở một nơi thiên hạ đang tôn vinh sức khỏe, phái nam đang có những nỗ lực tập luyện rất lành mạnh, rất đáng khen như nơi này, mà phái nữ lại ác độc “khoe của”, những “hàng họ” tuy nhìn đả con mắt nhưng có thể làm kiệt sức những ông chồng hay bạn tình?  Ít gây ảnh hưởng xấu hơn là mấy bà tuổi hồi xuân, không dấu vào đâu được cái thân phì nộn, đang bậm môi chuyển động khối thịt mỡ của mình… 
Quây quần tại các băng đá, những cô bé nữ sinh, mặc áo dài trắng hay đồng phục thể dục, chụm đầu trò chuyện, ăn quà, cuời cợt, chọc phá nhau. Hơi xa đám ồn ào này là vài cô cậu chỉ rủ rỉ ngồi tâm sự, vuốt tóc nhau, nhìn nhau hơn là nhìn vào những cuốn tập đuợc mở ra trước mặt... Đám trẻ tuổi xuất hiện vô chừng, bữa có bữa không, giờ giấc lung tung. Trái lại, những nguời lớn tuổi thường đến công viên đúng giờ hẹn nhau. Gặp lại nhau, họ hớn hở chào hỏi, bắt tay nhau rất lâu. Nhiều cụ cứ chờ đợi, dáo dác kiếm tìm, nếu bạn già chưa tới thì thường là không chịu đi bộ một mình. Hình như tình trạng cô đơn, cô độc của tuổi già tạm thời được khỏa lấp tại công viên, nơi mà đối với các cụ, việc ngày ngày gặp gỡ nhau đã là thói quen không dễ bỏ sót và cần thiết không kém viên thuốc huyết áp hay ly cà phê ít đường, ít sữa phải có vào mỗi buổi sáng đầu ngày… Người ta đến công viên, nói là đi bộ, tập tành nhưng thật ra là do nhiều mục đích và nhiều tâm tư khác nhau.


3.
Một sáng nọ, ở một góc công viên chợt có nhiều người chăm chú nhìn lên tán lá một cây lớn. “Con gì kìa!”, “Con gì vậy hả?”, mấy cánh tay chỉ chỏ. Một đứa bé hỏi lớn: “Phải con rái cá hôn mẹ? Ngộ há!”. Rái cá ở trên cây, trong công viên? Nghe cũng ngộ nên tôi cũng bước nhanh tới đám người hiếu kỳ. Thì ra chỉ là một con sóc nhỏ, lông màu xám đất, đang chuyền thật nhanh qua mấy cành cây. Vậy mà không ngờ, quí bà mặc bộ đồ thể thao rất sang đang nắm tay đứa bé lại ngần ngừ: “Ờ… mẹ cũng hổng biết nữa”. Một ông lại có ý kiến: “Hổng phải sóc đâu, chắc là con nhen, vì lông xám đen và đuôi nó có rằn rằn, thẳng tuột chớ không cong lên…” 
Vậy là, ngoài vài con chim tự do, chó kiểng, mèo nuôi…, công viên này vừa tình cờ tiếp đón một con sóc nhỏ, không rõ lai lịch. Với hai mẹ con quí bà sang trọng kia, chú sóc bí ẩn còn bị nhầm với rái cá. Nhưng dù có là thú hoang dã, con sóc rừng vừa xuất hiện trong công viên thành phố cũng không thể gợi nhắc cho mọi người nhớ nỗi là rừng rú, đồng nội, thiên nhiên hiện cách chốn thị thành đang liên tục bành trướng này bao xa nữa. Nếu bị săn bắt, đuổi xua thì từ công viên này – một khoảng xanh, cây lá quá hiếm hoi trong phố thị ngày nay – chú sóc còn có thể đi đâu nữa thì là một câu hỏi rất khó trả lời. Như trong truyện Bắt Trẻ Đồng Xanh (The Catcher In The Rye) của J.D. Salinger, cậu bé con cứ thắc mắc mãi là vào mùa đông, nước ở trong cái hồ của thị trấn đã đông cứng, thì những con cá vàng và những con thiên nga đi đâu, về đâu…, không người lớn nào trả lời được!
Có một cậu trai khác, hẳn là lớn tuổi lắm so với cậu bé con trong truyện, sau ngày 30/4 thường lang thang, ghé nhiều các quán cá phê ở Sài Gòn, cũng có mối băn khoăn tương tự. Giờ đây, tóc đã hoa râm, hắn ngồi nghỉ ở ghế đá trong công viên này mà lòng nặng trĩu quá khứ…
Tại một cái quán cà phê xập xệ nhưng rất thân quen là quán Ngày Xưa ở Tân Định - có thể gọi là quán-nhà-sàn vì cất trên một lô đất rất trủng, thấp hơn mặt đường Trần Quang Khải -  hắn còn nhớ là khi lơ đãng nhìn xuyên qua khe ván sàn dưới chân thì bắt gặp những chú cua nhỏ xíu, ngộ nghĩnh là những chú có càng lớn càng nhỏ, cứ nghêng ngang đào ổ, dạo chơi trên đất sình. Hồi đó, hắn rất ngạc nhiên và thú vị khi thấy số cư dân bé xíu của đồng nội, ao hồ xa xôi ấy lại ngang nhiên lập “hộ khẩu chui”, sống giữa cái quận Nhất sầm uất, sang trọng này. Rồi do bận đi học tập cải tạo, hắn không thể biết quán đóng cửa lúc nào. Sau này, theo nhịp điệu phá, xây nhanh đến khủng khiếp của thành phố Sài Gòn, lô đất trủng bị san lấp, cái quán nhà sàn biến thành một căn nhà lầu hai tầng… “Trời ạ, đã bao nhiêu năm qua rồi, ngày đó những chú cua nhỏ kia đã đi đâu, về đâu?”, sẽ không bao giờ có lời đáp cho thắc mắc buồn rười rượi của hắn./-

PHẠM NGA
(Đầu mùa đông 2019, Sydney)