Translate

Libellés

samedi 17 mars 2018

Phạm Nga viết Về Gò Vấp, Nhớ Những Mảnh Vườn Xưa.

tt

Vườn rau là cái thú nhàn hạ, lao động một chút là được hưởng ngay lợi phẩm của mình.

Nhưng nếu chuyện nhà quê thì có những thứ chúng ta có cần biết hay không khi mua được hoa quả tươi xuất xứ từ đâ và làm sao rau được tươi ngon.

Kính mời quý anh chị cùng theo chân anh Phạm Nga để hiểu thêm qua bài ký của anh ấy.

Cám ơn anh Phạm Nga đã cung cấp bài viết và hình ảnh.

Caroline Thanh Hương




Về Gò Vấp, Nhớ Những Mảnh Vườn Xưa
Phạm Nga

1.
Ở Sài Gòn xa xưa, có một thời mà cứ khoảng nửa đêm về sáng, phố phường còn say ngủ, trong không khí se lạnh và tĩnh lặng, chợt nghe êm ả làm sao tiếng xe ngựa lốc cốc ngoài đường. Đó là xe chở rau xanh và hoa tươi từ vùng ngoại ô như Gò Vấp, Hốc Môn vào các chợ nội ô. Rồi ở những phiên chợ Tết hằng năm ở khu quanh chợ Bà Chiểu gần nhà tôi, rau xanh -  loại thực phẩm rẻ tiền, tầm thường vì quá quen thuộc hằng ngày - cũng khiêm tốn góp mặt bên cạnh trái cây, bánh, mứt, đồ trang trí tết... Đó là mấy thứ rau thơm, xà lách, tần ô, dền ớt, dền đỏ, cải dài (hay cải thảo), cải ngọt, cải bẹ xanh, bồ ngót.v.v…, mà bà con tiểu thương gọi chung là đồ hàng bông. Cao sang hơn và làm đẹp hơn cho chợ Tết là các loại hoa đầy màu sắc tươi thắm, như: vạn thọ, thược dược, cúc vàng, mãn đình hồng… Chính vào thời ấy, tôi mới được biết là ở vùng Gò Vấp, tức không xa đất Bà Chiểu cho lắm, từ xa xưa đã có nghề làm vườn, chuyên về rau và hoa, vốn nuôi sống nhiều gia đình nông dân ở ngoại ô Sài Gòn.
 Sau biến cố 30-4, đâu khoảng những năm cuối thập niên 70, rất nhiều lần tôi đạp xe về khu nghĩa trang Vạn Thọ, thuộc quận Gò Vấp, để thăm mảnh vườn của vợ chồng Tư  Nhíu. Chúng tôi đã kết bạn qua 3 năm khi một tên là sĩ quan học cải tạo về, một tên là thanh niên thất nghiệp, cùng được địa phương “động viên” đi thanh niên xung phong, cùng đào kênh, đắp đê, làm lúa đất phèn, trồng bo bo đất gò… ở một nông trường vùng Củ Chi, rồi nông trường giải thể năm 1979, chúng tôi được xuất ngũ về nhà.
 Tôi còn nhớ thời 1979, có một con đường mòn cỏ mọc xác xơ, ngoằn nghoèo chạy giữa nghĩa trang, hai bên là hàng ngàn ngôi mộ cũ kỹ nằm im lìm dưới ánh nắng. Ra khỏi nghĩa trang, nhìn xuyên qua những khóm tre là thấy những vạt đất thẳng thớm, lác đàc vài con bò, con heo và gà, vịt thả vườn. Trong số đó có miếng đất xéo xéo của Tư Nhíu, thường trồng đủ loại rau cải xanh. 
Lần nào cũng vậy, vừa thấy bóng tôi ngoài hàng rào là lập tức Tư cười hể hả, ngưng ngay công việc đang làm trong vườn hay réo vợ ra làm thế để bày độ nhậu cóc, ổi, đậu phộng nấu… dưới gốc cây chuối ở mé vườn.
 Đúng ra, bọn tôi không phong lưu, sang cả gì lắm đâu. Chỉ cách cái chiếu nhậu rách nát vài mét là sù sụ mấy ụ phân rác - đã được Tư phủ kín cho hoai dưới nắng trời - luôn luôn ban tặng cho dân nhà vườn cái mùi thối nồng và cả mấy “sư đoàn” ruồi, giòi. Vừa phẩy tay đuổi con ruồi xanh lì lợm đậu trên miệng chén mắm ruốc, tôi vừa hỏi Tư về một loại phân bón rau còn ghê hơn phân rác và phân chuồng (phân trâu, bò) nữa mà trong trại học tập cải tạo ở Trảng Lớn (Tây Ninh), tôi đã từng sử dụng  - gọi là xử lý phân -  theo lịnh cán bộ quản giáo để bón cho rau muống trồng trên đất, đặc biệt loại phân này lúc nào cũng dư xài vì được lấy ra từ… nhà xí hai ngăn trong trại:
- Nè, cậu có dùng phân bác không đó?
- Anh nói phân bác gì?
- Thì… phân người đó! Mấy tờ báo về nông nghiệp dùng chữ này…
- À…, hổng phải đâu, tui nghe nói, kêu đúng là phân bắc. Dân ở đây đâu có xài thứ này. Tui còn nghe nói là chỉ có một thời, cũng xưa lắm rồi, đâu ở miệt Phú Lâm, mấy người Tàu, hay đội cái nón lá bự bành ki, trồng cải ná, tức cải rổ đó, có lấy thứ này phơi nhiều nắng cho khô, rồi giã ra trộn với nước đái, gánh đi tưới. Chà, xài phân… đặc biệt như vậy thì cây cải chắc là bự, ngọt hết chỗ nói hả?


 
Dân làm vườn như Tư vốn phải chịu quen với đủ thứ không được sạch sẽ, thơm tho gì. Mùi mồ hôi luôn luôn chua nồng trên người Tư do ngoài vườn, ngoài nắng thì công việc làm hoài không hết. Dọn đất, lên luống, ươn cây con, rải phân, dọn cỏ, tưới nước, nhổ rau… Chỉ riêng việc tưới thôi mỗi ngày phải 3 bận sáng-trưa-tối. Có lần bị ăn trộm lẻn vô nhà lấy mất cái máy bơm “một ngựa”, vợ chồng Tư đã rất khốn đốn. Mùa mưa thì thỉnh thoảng có thể bỏ tưới giấc trưa. Nhưng ngược lại, chính 6 tháng mùa mưa lại làm năng suất rau giảm, có khi giảm tới phân nửa, vì rau rất dễ hư úng, nhất là đối với loại rau mỏng lá như xà lách. Dân trồng rau xem mùa mưa là mùa nghịch, thường phải giảm bớt số lượng rau ươn trồng vì dễ “thua”. Về 6 tháng mùa nắng thì cũng không phải hoàn toàn thuận lợi, dù thời gian này có dịp Tết nguyên đán để trồng hoa (dân Nam rặc như vợ chồng Tư nhất định kêu là trồng bông), bán được tiền hơn rau. Về công chăm sóc thì hoa đòi hỏi người trồng phải chịu khó, chăm chút hơn trồng rau, đậu. Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ. Khè một tiếng sau hớp rượu, Tư - dân làm vườn cố cựu mấy đời - mới phân tích rành rẽ:
 - Nói nào ngay, để đất trồng rau thì rất mau ăn. Cải ngọt, cải bẹ chỉ cỡ 20 ngày là nhổ bán được rồi. Xà lách thì chăm khó hơn nhưng cũng chỉ 25 ngày, nó lại chịu lạnh nên mùa gần Tết, trời mát, xà lách rất đẹp, đem bán thiệt ngon. Còn nếu mình dành đất trồng bông thì cỡ 6 tháng mới bán được. Chừng tháng 6 ta là phải lo xuống giống mới kịp. Rồi ươn ra chậu, rồi 15 ngày sau lo cơi ngọn… Và tuy bông nó không ăn phân, tro nhiều hơn rau, nhưng mình là người trồng, cũng phải ăn cơm để sống, chớ hổng lẽ nhịn đói trong 6 tháng trồng bông? Tiền vốn mua các giống bông cũng nặng và phải lựa giống thiệt kỹ, nếu không, lỡ gặp hột ra cây điếc thì thua là cái chắc.
Thường thì giữa chầu lai rai của bọn tôi hay có một anh hàng xóm của Tư cứ tự tiện vạch hàng rào bông bụp bước qua nhập cuộc. Có lần anh ta mời cả bọn qua đất của anh. Chiếu nhậu vừa trải dưới một giàn đậu cô-ve thì anh đã chạy vô bếp làm liền một món mối ‘đặc biệt’. Té ra chỉ là đậu ve non hái ngay trên giàn, rửa sơ rồi xào tóp mỡ. Nhưng không ngờ cái món đơn giản, tầm thường này lại rất ngon miệng.
Thời đó, cả nước còn ăn độn cơm với khoai, với bắp, bạn bè nghèo bọn tôi gặp nhau, có bấy nhiêu đó cũng là vui, là hạnh phúc rồi. Người Sài Gòn bắt đầu biết mùi ăn độn, bà Q.V., từ trước 30-4 vốn là chuyên gia về ẩm thực, nguyên hiệu trưởng một trường nữ công - gia chánh nổi tiếng, đã lên ti-vi dạy cho khán giả cách chế biến rau muống thành nhiều món ăn khác nhau mà bà ta cam đoan là đều ngon hay lạ miệng. Lần đó, một anh bạn ở chợ trời thuốc tây vùng Tân Định, luôn gọi “tôn vinh” rau muống là sâm dây, đã than thở: “Trời ạ, sau cái vụ rau-muống-bảy-món này, chắc quí ma-đàm Q. V. sẽ dạy tiếp cho quốc dân, đồng bào về món khoai mì, tức là sâm đất đó mấy cha, thành khoai-mì-mười-món. Thôi chắc tui ‘đi’ quá! Mấy cha chịu nổi mà ở lại thì ráng ăn sâm dây với lại sâm đất cho nó bổ khỏe nhé!”.

2.
Ai đó “chịu nổi” hay không gì thì cuộc sống vẫn thản nhiên trôi đi theo ngày tháng. Sau mấy năm liền không có dịp gặp nhau vì tôi rời Sài Gòn, xuống kiếm sống ở quê vợ là Vũng Tàu, tôi trở lại khu nghĩa trang Vạn Thọ thăm nhà Tư Nhíu thì thấy lạ hoắc, lạ huơ. Nghe nói bà Vạn Thọ, chủ nghĩa trang đã hiến đất cho nhà nước tự hồi nào và nơi này đã được giải tỏa trắng để qui hoạch thành Làng Hoa Gò Vấp. Một con đường mới mở, chạy bên cạnh làng hoa thì cái tên “Lê Văn Thọ” của nó lại chẳng dính líu gì tới gia tộc bà Vạn Thọ mà là tên một liệt sĩ nào đó. Còn cái đường mòn chạy giữa nghĩa địa ngày trước nay đã được cán nhựa và có tên đàng hoàng là đường Cây Trâm, hai bên đường là cả dãy phố khá sầm uất, nhộn nhịp.
 Có điều là, chính trên con đường đóng vai “xương sống” của “làng hoa” này lại khó tìm ra các loài hoa. Chỉ thấy toàn là nhà hàng, quán nhậu, quán karaoké, tiệm bán ga, bán điện thoại di động.v.v… Họa hiếm là hai, ba chỗ bán cây kiễng, hoa chậu hay bày bán các loại tượng đá, tượng xi-măng.
 Ngày trước, khi đi trên đường, nhìn qua những hàng tre là thấy ngay những vạt đất trồng rau nằm cạnh những căn nhà lá hay nhà vách ván như nhà Tư Nhíu. Nay tre trúc, nhà lá, nhà gỗ gì cũng biến mất mà chỉ có toàn là nhà gạch, nhà lầu hai, ba tầng cùng vĩa hè lát gạch con sâu.
Phải bước ra phía sau căn nhà trệt mới xây của vợ chồng Tư mới thấy mảnh vườn cũ. Cái nhà lá biến mất và đất vườn cũng bị giải tỏa một phần cho con đường nhựa và chỉ còn lại khoảng 1000m2 trồng rau. Tư cùng những nhà vườn lân cận vẫn trồng những loại rau truyền thống Gò Vấp, như mồng tơi, dền, rau thơm, xà lách, cải ngọt, cải ná, cải bẹ.v.v… và một ít xu hào, cải bắp, hành ngò. Nhưng Tư nói ngay:
- Đất trồng ở vùng này giảm đến 70 – 80%. Số bà con còn theo nghề chỉ còn khoảng một nửa. Bỏ nghề cũng phải vì giá đất lên liền liền, đem đất phân lô bán kiếm tiền, chuyển qua nghề khác khỏe hơn.
- Cậu vẫn có trồng hoa Tết?
-Thì cũng ráng…. Cũng vẫn mấy thứ bông truyền thống thôi, như thược dược, hướng dương, cúc mâm xôi, sống đời. v.v…Mấy năm qua có thêm vạn thọ Pháp, bông lớn. Nhưng bông Gò Vấp đang không cạnh tranh nổi với bông Cái Bè, Cái Mơn chở ghe lên Sài Gòn, nhiều và rẻ hơn.
 Cỡ 1 – 2 giờ khuya, vợ chồng Tư đã lo nhổ rau, cột bó, để đến 4 giờ sáng chở đi bán. Do số lượng rau nhỏ nhoi không đáng để Tư chở xuống tận chợ hàng bông Bà Chiểu, họp từ giữa đêm về sáng ngay trên hè phố mà chỉ chở ra tới “chợ” rau ngã tư Lê Văn Thọ – Phạm Văn Chiêu, cách nhà chừng 1 cây số. Nhưng phải coi chừng… Cứ khoảng 4 giờ sáng, dân trồng rau trong vùng tụ tập về ngã tư nhỏ hẹp này để buôn bán với đầu nậu cùng người bán lẽ. “Chợ” chỉ họp đến hững sáng là tàn nhưng trong bóng tối chập choạng, xe 2 bánh chở rau thường đậu lấn mặt đường, người mua cứ tỉnh bơ chuyển rau từ xe người bán qua xe mình, mặc kệ cho kẹt xe. Đến cỡ 5 giờ sáng thì xe cộ nhiều hơn, nào là xe bus, xe hàng, xe chở công nhân… Trúng đoàn xe đám ma thì càng dễ kẹt xe hơn. Đã từng có một vụ ẩu đã giữa một anh lơ xe bus với một anh chở rau, rồi anh lơ chạy đi ‘méc’ công an phường. Nhưng công an có xuất hiện thì cũng giống như ai đó khuấy động một bãi ruồi đậu. Công an đi rồi thì ai nấy, người bán cũng như người mua rau, lại tiếp tục trở lại chỗ cũ…
 Tôi hỏi Tư thấy tương lai của nghề trồng rau vùng này như thế nào. Người đàn ông mà mấy đời gia tộc bên mình cũng như bên vợ đều đã sống bằng cái nghề lam lũ này, rầu rĩ trả lời:
 - Đất trồng rau ở đây càng ngày càng teo tóp, nhường chỗ cho nhà cửa mọc lên san sát. Dân kéo về ở càng đông thì vườn rau mình càng bị bao vây, cô lập. Rồi có ngày rất dễ bị thưa kiện về tội làm ô nhiễm môi trường. Hiện nay, nhà tui đâu còn ruồi như hồi trước nữa là do tui rất ít ủ phân rác hay phải mua phân đã hoai rồi cho không còn mùi. Nhưng mùi urê, mùi thuốc trừ sâu, mùi gì cũng bị hàng xóm ở sát bên vườn la lối. Hiện nay, tụi tui thức khuya thức hôm, bám vô 1000 mét vuông vườn kia để mỗi tháng, trừ hết chi phí phân giống, điện đóm thì cũng còn dư ra được cỡ ba, bốn triệu để đong gạo, đóng tiền học cho mấy đứa nhỏ. Nhưng chắc một hai năm nữa tui phải đổi nghề thôi. Chừng đó cũng có lẽ không còn ai giữ đất trồng rau, trồng bông ở vùng này nữa đâu, dù đã có lập làng hoa gì đó!
 Lâu nay, ngoài hàng bông của Gò Vấp, cung ứng cho Sài Gòn còn có rau, hoa tươi, hoa kiểng của Hốc Môn, Bình Chánh, Thủ Đức…, hay xa hơn là của Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Nai, Lâm Đồng, Hà Nội… Đặc biệt là hoa Đà Lạt muôn màu muôn vẻ đã tràn ngập thị trường với giá hạ hơn trước rất nhiều, lấn át hẳn hoa của các vùng ngoại ô quanh Sài Gòn. Phải nói ít nhiều gì đây cũng là một thay đổi tốt đẹp cho cuộc sống mọi người.  Nhưng riêng tôi, trong thâm tâm vẫn có một nỗi buồn, nỗi tiếc nhớ man mác vì chẳng bao lâu nữa sẽ lụi tàn hết những ngôi vườn xanh tươi, yên tĩnh, như mảnh vườn nhỏ bé của Tư Nhíu – bạn tôi, nằm khuất lánh ở một vùng đất hiền hòa, nguyên là ngoại ô của thành phố Sài Gòn xa xưa…
 PHẠM NGA
*Nhớ Hồ Văn Nhíu (1959 – 2009)
**Trích tuyển tập lý&truyện THỨ NHỤC DỤC TỦI NHỤC, 2007