Translate

Libellés

dimanche 4 février 2024

Phạm Nga và bài ký Làm Báo Xuân Học Trò và xem Youtube Caroline Thanh Hương về trường Hồng Bàng và trường Petrus Ky.

 Kính gửi quý anh chị một bài ký của tác giả Phạm Nga, cựu học sinh và cũng là cựu giáo sư trường Petrrus Ky,

Viết về báo Xuân mới thấy bao nhiêu kỷ niệm như uà về trong tâm tưởng.

Văn nghệ hay thể thao  liên trường cũng là một tiết mục rất vui cho các bạn được quyền vắng mặt để đi tập dượt và thi đua.

Năm tôi đã vào lớp 11, đã qua trường PTKý để theo các bạn đi trình diển văn nghệ, mà không biết một năm sau, lại vào đây rồi tốt nghiệp ra trường.

Thờ gian như con thoi, trường cũ, bạn xưa HB hay PTK. nhiều người đã ra đi không hẹn ngày gặp lại.

Người chân trời, kẻ heo may, gốc trường nào tôi cũng rất quen thuộc, vì tôi đống đô ở đó không sáng thì chiều, gác cổng, học thêm với vác bạn lớp khác hay vào trám răng...

Thủa năm tôi học lớp 12. trường PTKý có một nha sĩ và trạm y tế khá tốt và miễn phí vấn đề y tế cho các học sinh trường này.

Tôi lại hay bị bệnh nhức đầu kinh niên, sau này mới biết là bị migraine, nêngì ra chơi là chạy mau lên trạm y tế để xin thuốc...


tt tt


Cám ơn anh Phạm Nga đã có những bài ký cho Blog Hương Xuân, nhưng mắt tôi dạo này rất kém xưa, nên thỉnh thoảng mới vào post bài vào Blog.

Cứ ngồi vào là một, hai ngày cũng không đủ cho tất cả những việc mình muốn thực hiện, nhưng cũng có khi phải bớt cái đam mê vì lý do để bảo ảm sức khỏe của mình.

Mong các anh chị trong những Diển Đàn của chúng ta thông cảm sự vắng mặt bài vỡ đưa vào Blog hay hồi âm.

Chúc anh Phạm Nga và quý anh chị những ngày cuối năm Tết ta vui, mạnh, hạnh phúc.

Caroline Thanh Hương

  tt

LÀM BÁO XUÂN HỌC TRÒ 

*Ký PHẠM NGA


1.

Hồi học các năm đệ tam/nhị/nhứt trường PetrusKý (1964 -1967), tôi tập tành viết lách, sáng tác kiểu… học trò. Thời đó, trong giới làm thơ, viết lách trẻ ở Sài Gòn rộ lên phong trào lập thi văn đoàn, trong đó nhóm tôi có tên khá độc đáo: ‘Văn nghệ TIM’. Cũng thời đó, trong đám bạn trẻ chơi thi văn đoàn có đến 90% chỉ làm thơ, hiếm tay nào viết văn xuôi; còn bút hiệu thì đa số chọn những cái tên nghe sến não nùng – như: Đỗ Lệ, Hoài Mộng Thủy, Sa Chi Lệ, Trầm Mặc Nghệ Thế, Thường Tang Nhân, Bạch Chi Uyên Chi.v.v… Tôi thì không làm thơ, ngay từ đầu chỉ viết văn xuôi nhưng không khỏi sến y như các bạn khác, đã nắn nót chọn cái bút hiệu ‘Dzũng Thi Thường Tang Nhân’ bởi rất thích từ ‘Dzũng’ nghe thiệt là trúc trắc trong nghệ danh của nhạc sĩ Dzũng Chinh, người viết ca khúc Những Đồi Hoa Sim vang danh thời đó. Và chuyện hay ho là sau khi gởi và được đăng liên tiếp mấy bài trên mục Truyện Ngắn của 2 tờ báo Trắng Đen và Tin Sáng, tôi bỏ bớt mấy chữ lạnh lẽo ‘Thường Tang Nhân’, chỉ ký ‘Dzũng Thi’ khi gởi thử truyện ngắn ‘Sự vô duyên của khối đá màu’ cho tờ Sống của nhà văn Chu Tử - nhật báo nổi tiếng, một trong những tờ in nhiều nhất, bán chạy nhất VN thời 1963-64 và tòa soạn tuyển bài đăng rất khó. Run rủi, truyện ‘Sự vô duyên của khối đá màu’ được đăng, khiến trong một buổi họp của Văn Nghệ TIM, tôi được bầu làm nhóm trưởng, bởi bấy lâu trong gần 20 nhóm viên của nhóm đã không ai có bài văn xuôi nào - truyện ngắn chẳng hạn - được đăng trên báo! Cái tên ‘trưởng nhóm’ 17 tuổi đã không khỏi hỉnh mũi hãnh diện khi ký tên cấp thẻ nhóm viên cho các ‘ma mới’ đến với Văn Nghệ TIM. 

Tôi cũng gởi bài và được đăng trên tờ giai phẩm Xuân hằng năm do ban đại diện HS trường Petrus Ký thực hiện. Riêng năm đệ nhị C, cận Tết năm 1966, mặc dù phải lo học thi tú tài I nhưng tôi bày đặt làm báo liên trường PetrusKý, Gia Long, Chu Văn An và Trưng Vương. Nói ‘liên trường’ gồm đủ 4 trường công lớn nhất đô thành Sài Gòn, cũng lớn nhất VNCH thời đó có vẻ lớn lối chớ sự thật là trong vòng chừng 10-15 tay viết tham gia giai phẩm liên trường này thì dân PetrusKý là đa số, còn lại mỗi trường nữ kia có chừng 2-3 “nhà thơ học trò” gởi bài đến và được đăng luôn dù hay dù dở; còn trường nam Chu Văn An chỉ có một cậu thôi.

2.

Những ngày làm báo khá vất vả nhưng vui. Trước hết là về quá trình thực hiện và phần hình thức của tờ giai phẩm. Chỗ nhóm tụi tôi tụ tập, coi như “tòa soạn” là nhà tên bạn con so Chu Văn An, nằm ở đường Nguyễn Thiện Thuật, tức khá gần trường PetrusKý. Tôi đã được anh em coi như ‘chủ báo’ vì tôi có thể lo được cả 2 cái khó nhất khi ra tờ giai phẩm, đó là việc xin Bộ thông tin cấp cho giấy phép xuất bản báo chí và việc kiếm tiền mua giấy in báo. Trước hết, bởi không phải chuyện đơn giản là làm báo kiểu in ronéo chỉ vài chục tờ, đánh máy bài vở trên giấy stencil lem luốc mà nhóm Văn Nghệ TIM từng làm ở tiệm photocopy xập xệ tên ‘Thông Reo’ nằm ở đường Trần Quang Khải, Tân Định, đằng này tụi tôi ra tờ giai phẩm dạng báo in typo, sắp chữ và in tại nhà in đàng hoàng… Thời điểm ấy ba tôi đang làm chủ một tờ nhật báo tiếng Pháp (tên Le Vietnam Nouveau, tạm dịch: Việt Nam Mới) tại Sài Gòn nên ông dễ dàng chỉ cho tôi thủ tục làm đơn xin giấy phép xuất bản tờ giai phẩm mà chính tôi, cái tên ‘chủ báo’17 tuổi đứng tên xin và mặc quần xanh áo trắng bước vào Sở Thông tin, nằm ở đầu đường Tự Do, quận 1 (cũ) để lên lầu nộp đơn – chớ còn ai trồng khoai đất này? 

Về chuyện kiếm giấy in báo thì phức tạp hơn.Thời đó, để ngăn ngừa kẻ địch và bọn xấu có nguồn giấy để in tài liệu, truyền đơn chống phá…, Chính phủ kiểm soát rất chặt chẽ giấy dùng cho in ấn, Báo chí, sách vở muốn in là phải xin Bộ Thông cấp giấy phép xuất bản, với giấy phép này mới được cấp phiếu mua giấy in với số lượng hạn chế nhưng giá mua thì có chính phủ hỗ trợ nên khá rẻ. Trong khi đó, ngoài thị trường chợ đen thì trôi nổi cũng có giấy nội/ngoại nhưng giá giấy ‘lậu’ rất mắc. 

Dù tờ giai phẩm Xuân liên trường của tụi tôi thực tế chỉ in có 400 số nhưng trên đơn xin mua giấy in, tôi được ‘tư vấn’ ghi in 2000 số. Đến ngày hẹn tụi tôi đi lấy về mấy ram giấy nội (chính xác bao nhiêu  ram thì giờ đây tôi không nhớ nổi). Như đã tính toán, mấy ram giấy được tụi tôi chở bằng xe gắn máy về nhà in đang in tờ Le Vietnam Nouveau của ba tôi, bảng hiệu là ‘Sống Mới’ nắm trên đường Bùi Viện (Quận 1 cũ), ông chủ tên Chung, bà con hay gọi là ‘chú Ba Chung’, bạn thân ba tôi. Chú Ba đã vui vẻ nhận in tờ giai phẩm và tính tiền công in với giá ‘ủng hộ tụi học trò làm báo’ nên khá hạ. Thêm nữa, cũng tại nhà in Sống Mới năm đó (1966), tôi đã học sơ qua nghề thầy cò (3), tức sửa morasse (bản in thử) tiếng Việt để tự sửa cho tờ báo của mình mà mơ hồ không nhận ra học sửa morasse đã là bước đầu tiên tôi đi vào nghiệp làm báo trong đời sau này.

Cái nổi trội, bắt mắt nhất về phần hình thức của tờ giai phẩm chính là cái bìa hay bìa 1. Tụi tôi đồng lòng đặt tên tờ giai phẩm là Đất Đứng, thêm phụ đề dõng dạc “Giai phẩm liên trường PetrusKý - Gia Long - Chu Văn An – Trưng Vương mừng Xuân Bính Ngọ 1966”. Vẽ bìa tờ Đất Đứng là một nhà thơ học trò đã nghỉ học tên Giang. Còn tên người trình bày bìa ghi trên báo là ‘Họa sĩ Hoài Giang’ gì đó (tôi nhớ không rõ). Giang đã đi làm kiếm sống bằng nghề thợ vẽ ở một tiệm vẽ quảng cáo. Tất nhiên, đã là bạn bè thì Giang không tính tiền công vẽ bìa, chỉ cần đăng hai bài thơ anh tham gia thôi. Ban đầu, chủ đề Giang chọn vẽ cho bìa tờ Đất Đứng là một diện mạo nam giới với đường nét tuồng như tranh lập thể, rối rắm, khó hiểu… Tôi lên tiếng đề nghị Giang chỉnh lại gương mặt. Với một chầu cà phê mời riêng Giang ở quán Năm Dưỡng gần trường, tôi nhỏ nhẹ - sợ họa sĩ tự ái – nêu nhận xét là Giang vẽ thiệt là đẹp, nhưng tiếc một chút là gương mặt có vẻ quá khắc khổ và dữ dằn, và già nua nữa, vậy không hợp vì tụi mình là báo học trò mà! Và chữ Đất Đứng có một dấu ‘sắc’ vẽ phóng túng quá, trông y chang Đất Đừng. 

Thật vui là nhà họa-sĩ-thi-sĩ đã gật gù, vừa nhả khói thuốc Bastos xanh (biết Giang ghiền nặng nhãn thuốc lá này, tôi kêu nguyên gói và đẩy về phía bạn) vừa đồng ý sẽ vẽ mẫu bìa khác có điều chỉnh như đề nghị của tôi…

Do đâu tôi đã chọn kể trước về phần quá trình thực hiện và phần hình thức tờ giai phẩm rồi mới tới phần nội dung? Tất nhiên nội dung tờ báo quan trọng nhưng may mắn khi tôi lo ‘chạy ngoài là chính’ thì may mắn ở ‘tòa soạn’ đã có tên bạn học cùng trường tên Bình, bút hiệu Huy Thanh. Cái tên học ban Toán này tưởng khô-như-khúc-cũi ai dè hắn lại vừa làm thơ, vừa viết nhạc vừa có tài tổ chức, quản lý y như một thư ký tòa soạn chuyên nghiệp. Bài vở gom hết về Bình, chọn bài, sửa bài và dàn trang, hư cấu ra mục ‘Trả lời bạn đọc’… cũng một tay Bình lo gần hết. Rốt cuộc tôi chỉ lo viết 2 trang mở đầu ‘Lối vào mùa xuân’  rồi góp 1 truyện ngắn và 1 bút ký.

Trở lại với việc lo tiền bạc cho tờ giai phẩm ra đời, anh em đã hùn hạp khi cà phê thuốc lá (hơi nhiều, thường xuyên ở quán Năm Dưỡng gần trường Petrus Ký) và các bữa ăn tạm qua trưa khi lưu lại “tòa soạn” làm việc. Rồi y như bất cứ tờ báo lớn/nhỏ nào khác, chạy xin quảng cáo là việc hết sức cần thiết để tạo thêm nguồn tài chính. Khi đi xin quảng cáo thì ít nhất phải có mẫu bìa tờ giai phẩm trình cho khách xem, hồi đó vớn chưa có photo màu như thời nay, còn chụp lại rồi rửa ra hình màu cỡ lớn thì rất tốn kém nên Hoài Giang đã ráng vẽ copy lại mẫu bìa tờ giai phẩm thêm 2 mẫu nữa cho tụi tôi cầm đi. Với giá đăng quảng cáo khá mềm, rốt cuộc tờ Đất Đứng cũng xin được gần 10 cái quảng cáo nhưng tiền đăng không cao vì kích thước chỉ cỡ ½ hay ¼ trang, là của 2-3 tiệm vẽ quảng cáo (đồng nghiệp của họa sĩ Hoài Giang), 1 tiệm điêu khắc – đắp tượng, 1 thầy bói, 2 tiệm uốn tóc.v.v..

Riêng về món tiền lớn rất cần để lấy giấy in thì ba tôi ứng cho tôi mượn. Ông bảo tụi tôi đã trả trước một phần bằng ram giấy dư bán lại cho tờ báo Pháp của ông, còn lại thì sau này ráng gom tiền khi phát hành tờ Đất Đứng mà trả…

Không biết bao là khó khăn, rắc rối, khiến làm báo chưa được 1 tháng mà tôi và toàn-thể-ban-biên-tập đều sút ký, ốm nhách. Tết nguyên đán Bính Ngọ đã đến gần rồi mà nhà in vẫn chưa sắp chữ xong, bởi ông chủ nhà in – chú Ba Chung tuy tử tế nhưng từng bị dân trong nghề đặt biệt danh ‘chú Ba Trễ’ vì hay trễ hẹn với khách hàng bởi chú có tật hay nhận cùng lúc nhiều đồ in, nhất là mùa Tết, trong khi đám khách-hàng-học-trò này rất cần sớm hoàn tất in tờ Đất Đứng để còn đem đi Sở Thông tin kiểm duyệt. Rồi giữa thập niên 60 chưa có chuyện hình ảnh, tranh vẽ, vignette (mẫu trang trí trên trang báo)…muốn in ra/trên giấy chỉ cần đưa vào PC kết hợp với sprinter như thời nay, trái lại do ngành in chỉ có máy in sắp chữ (typo) nên hình ảnh phải làm thành bản kẽm (cliché); ví dụ tranh bìa của tờ Đất Đứng, kể cả chữ được vẽ gồm 3 màu thì cơ sở làm bản kẽm phải tách màu, làm thành 3 miếng bản kẽm, mỗi bản thể hiện chỉ một màu, để nhà in lần lượt ráp vô máy, in làm 3 lần mới ra cái bìa hình màu trên giấy… 

3.

Giai phẩm Xuân liên trường ‘Đất Đứng’ đã in xong, tụi tôi phải mau chóng phát hành bởi Têt đã đến gần lắm rồi. Thật không ngờ, nơi tụi tôi bán được nhiều báo nhất không phải là trường PetrusKý ‘sân nhà’ mà chính là trường nữ Gia Long. Như được ‘trời đãi’, qua duyên làm thơ tên Bình ‘thư ký tòa soạn’ lại quen cô nàng trưởng ban báo chí thuộc ban đại diện HS trường nữ Gia Long. Do cô nàng này cầm một tờ Đất Đứng đi xin phép trước với nhà trường thế nào đó  mà thiệt linh nghiệm, tờ giai phẩm Xuân của chỉ một nhóm HS PetrusKý và vài HS trường khác đã được coi như ngang với các tờ tập san giai phẩm Xuân 1966 của ban đại diện HS các trường lớn nên tụi tôi gồm ba tên quần-xanh-áo-trắng mang bảng tên đàng hoàng, được phép vào bán báo trong trường nữ bề thế này. Lựa giờ ra chơi dài nhất (15 hay 20 phút gì đó), tụi tôi mới vào sân trường và theo quy định của trường nữ này, chỉ được bày báo ở một cái bàn nhỏ giữa sân, thì cô bạn trưởng ban báo chí lên micro giới thiệu tờ Đất Đứng liên trường vang vang trên hệ thống loa khắp trường. 

Trời ạ, không biết bao nhiêu là áo dài trắng vây quanh ba tên con trai PetrusKý! Con trai mới lớn, 17-18 tuổi dù thuộc hạng thông minh, lanh lợi, dẽo miệng như tôi và tên Bình cũng phải khớp, quính quáng trước cả một rừng con gái. Nhái theo phim Ấn Độ rất lâm ly ‘Hoa Lạc Giữa Rừng Gươm’ hồi đó thì đây phải nói là ‘Gươm Lạc Giữa Rừng Hoa’!

Và, khi ấy tôi nhận ra rằng khi hòa mình vào một đám đông toàn con gái thì mùi – vâng, mùi những ‘áo dài trắng’ thiệt là dễ chịu, êm như mơ – không hôi nồng, chua lè như đám đông bọn ‘quần xanh áo trắng’.

Đúng như ông bà mình nói ‘miệng liền tay/tay liền miệng’: tụi tôi vừa giới thiệu tờ báo vừa trả lời đủ thứ câu hỏi (cả những câu dí dỏm khi mấy nàng nhìn bảng tên tụi tôi mà ghẹo), hay vừa đưa báo ra, vừa nhận tiền, thối tiền…Còn hơn thế, khi giờ ra chơi chỉ còn 5 – 7 phút, đám áo trắng mua báo đã thưa dần, thì không rõ do đâu mà cô bạn trưởng ban báo chí biết được là các giám thị còn họp riêng, đã giục tụi tôi ôm báo vô bán ở từng lớp. Tôi, tên‘chủ báo’ thì nhát, cứ do dự, còn Bình thì rất dạn, đã nhờ cô bạn đứng lại bàn phụ bán báo rồi kéo tôi đi. Thế là ‘linh hồn ai nấy giữ’,tôi và Bình tách ra, đi hai hướng khác nhau, bước vào từng lớp. Bấy giờ tôi mới biết là vào những lúc không có thầy hay giám thị, học trò nữ cũng ồn như đám giặc, náo động không kém gì bọn con trai tụi tôi. Cũng may là khi chợt thấy một tên nam sinh xuất hiện, ‘đám giặc’ cũng im bớt bởi ngạc nhiên, nhờ vậy tôi mới có thể bước luôn lên bục, lớn giọng giới thiệu tờ Đất Đứng… 


4.

Suốt ½ tháng trời, tụi tôi ráo riết mời, chào để bán tờ Đất Đứng ở chỗ này chỗ nọ và cũng rất dè xẻn báo tặng. Như đã rõ tên học trò làm thơ nào cũng đều muốn đi tặng rộng rãi tờ báo có đăng thơ của mình để lấy tiếng, tôi - ‘chủ báo’ vẫn ra qui định  mỗi thành viên trong ‘tòa soạn’ chỉ được cầm về 3 tờ, nếu cần thêm thì phải mua báo như độc giả thông thường. 

Đã nổ lực đến thế nhưng, đúng như tôi phập phòng lo lắng, tổng số tiền thu lại đã không đủ cho tôi trả nợ cho ba tôi. Nguyên tên bạn học Chu Văn An cho mượn nhà làm ‘tòa soạn’ đã đồng ý làm thủ quỹ luôn cho nhóm, nhưng thật ra hắn chỉ làm kế toán, ghi sổ thu/chi, còn tiền mặt thì nhờ mẹ hắn cất giữ cho chắc ăn. Thu lại khá nhanh là tiền đăng quảng cáo nhưng thật không đáng kể, lại còn mất trắng cái quảng cáo cho một cơ sở điêu khắc, tạc tượng. Dù Bình năn nỉ hết lời nhưng ông chủ cơ sở này ngoài chút tiền đã ứng trước 20% nhất định không trả cho thêm đồng cắc nào bởi mẫu quảng cáo ½ trang cho ông vừa trật tên bảng hiệu (An Hòa thì sắp chữ thành An Hóa) vừa trật cả địa chỉ cửa hiệu (số 356 Phan Thanh Giản thành 556 Phan Thanh Giản). Vụ thất thu này do chính tôi sửa morrasse sơ sót nên không thể trách thợ sắp chữ bên nhà in. Còn về nguồn thu là tiền bán báo thì rất lai rai, chậm chạp.

Nhưng tên ‘chủ báo’ - dù luôn luôn đứng ngồi không yên, không biết tiền thu về có đủ trả nợ cho ông bố không nữa – thật ra đã không đến nổi khổ đau, lo phiền quá đâu, bởi hắn đã nhanh chóng nhận ra thủ quỹ giữ tiền cho tờ báo không phải là mẹ tên bạn học Chu Văn An nữa mà do bà quá bận việc nội trợ nên đã chuyển qua cho cô con gái giữ tiền dùm. 

Đúng ra, ngay những buổi đầu mới đến ‘tòa soạn’ làm việc, bọn con trai PetrusKý (tất nhiên có tôi) đã gặp - một cách minh bạch, không chút mơ hồ - một bất ngờ tuyệt vời, đó là có một cô nàng Gia Long ở trong nhà này. Đó là cô nhỏ em kế của tên bạn học Chu Văn An, em tên là Ngọc, học đệ ngũ, tức lớp buổi chiều trường nữ kia. Vài buổi chiều muộn, cả bọn còn họp bàn này nọ thì nhỏ Ngọc tan học về, ôm cặp bước vào nhà, giọng thỏ thẻ ‘em chào mấy anh!’. Từ đó, nhiều lần tôi cần tiền chi cho hoạt động làm báo, tôi chỉ báo cho tên kế toán để hắn ghi vào sổ sách, rồi tôi đến bên nhỏ Ngọc…

Rốt cuộc, hồi học lớp đệ nhị, chuyện tôi làm tờ giai phẩm Xuân liên trường ‘Đất Đứng’ đã khép lại một cách không hoàn hảo, đó là tôi chỉ trả lại được 4/5 số tiền ba tôi cho mượn để mua giấy in báo. Nhưng cũng vào lúc tôi - học sinh Petrus Ký, gánh chịu một món nợ tiền bạc đầu đời khá lớn như thế, thì chính do cơ hội làm báo liên trường này tôi lại được Trời thương, ban cho duyên may: mối tình đầu với nhỏ Ngọc, nữ sinh Gia Long, 

Vậy đó, đúng như mô hình lãng mạn đẹp nhất của bọn học trò đất Sài Gòn một thời, rằng ‘trai Petrus Ký gái Gia Long’.

P.N. 

(Sydney, cận Tết Giáp Thìn 2024)

 ----------------

  1. Có thể xem thêm: http://hoangnamgiao.blogspot.com/2017/03/bao-chi-sai-gon-thoi-viet-nam-cong-hoa.html
  2. RAM: đọc trệch đi từ chữ tiếng Anh REAM  Ngoài ra, có nhiều người đọc sai thành GRAM giấy. 1 ream = 500 tờ. 
  3. Thầy cò: đọc/lấy âm đầu từ tiếng Pháp ‘correcteur’, chỉ người làm công việc sửa lỗi chính tả, lỗi trình bày… trên những bản in thử (morasse) từ tay thợ sắp chữ.




Thanh Hương thân, cám ơn đã post sớm bài liên quan trường Petrus Ký chúng ta nhưng tôi chỉ là cựu Hs Pk, còn chuyện dạy thì tôi đã dạy ở trường Thiếu sinh quân Vũng Tàu, không hề là giáo sư trường PK. Làm ơn đính chánh dùm. Thân ái. PVH