Translate

Libellés

jeudi 21 octobre 2021

Phần ba bài GHI CHÉP VỤN VẶT TỪ TÂM DỊCH (tiếp theo+hết) Ký PHAM NGA, với nhạc phẩm Khi Tôi Trở Về, Phạm Đức Nghĩa trình bày.

Kính gửi quý anh chị bài ký của anh Phạm Nga viết về Sài Gòn.

Thành phố này còn hay mất, đối với người di dân từ xa đến đây để làm việc , có thể là một cơn ác mộng khi nhà tùn nhỏ hay lớn đều khủng bố như nhau.

Không hiểu sao lời bài nhạc Khi Tôi Trở Về của anh Phạm Đức Nghĩa có phải là lời tiên tri cho những người chết không quan tài trong lúc bệnh dịch đến từng nhà, từng con phố và đâu đâu cũng chỉ có những cái chết tức tưởi, vừa người, vừa chó, bị chết oan mạng vì ai?

Chuyện khủng khiếp nhất của mười ba con chó theo chủ về quê rồi bị đưa đi giết làm thật nhiều người, trong đó có  tôi vô cùng xúc động.

Chuyện những thây ma bọc plastic hay những cái hòm nằm chồng chất lên nhau chờ hỏa thiêu...

Có thể là ác mộng hay thế giời này sắp tàn lụi rồi?

Caroline Thanh Hươn tt

 

 

GHI CHÉP VỤN VẶT TỪ TÂM DỊCH (tiếp theo+hết)

Ký PHAM NGA

3. Từ Tâm Dịch Ngóng Tin Người Thân Bạn Bè, Ngóng Về Quá Khứ

…Đêm qua, khoảng 1 – 2 giờ mưa tạnh, không hiểu sao đã thiếp đi, coi như ngủ được vài tiếng gần sáng. Nhưng cũng giống như bao ngày qua trong mùa dịch, dù đã tạm ngủ được cũng không hề thấy khỏe khoắn chút nào, nói chi cảm giác vui vui mơ hồ như trước đây khi thức giấc thấy ánh nắng mai tươi tắn của một ngày mới ngoài cửa sổ.

Chợt nhớ những lần bị phong tỏa xưa kia, cũng ở đất Sài Gòn. Như đảo chánh 1963 hay chiến cuộc Mậu Thân1968, đô thành giới nghiêm/thiết quân luật 24/24, phải đóng kín cửa, không được phép ra đường suốt vài ngày, nhưng rõ ràng không căng thẳng như tình trạng phong tỏa tránh dịch hiện nay. Vài lần khác là cảm cúm nặng, cả người rủ liệt hay viêm họng, viêm nhiễm đường hô hấp trên …, để tránh lây cho người trong nhà phải rút vô phòng riêng, ăn uống với chén, ly riêng, nhưng tự cách ly khi ấy cũng chẳng có gì nghiêm trọng bởi trong nhà mọi người vẫn mạnh giỏi, sinh hoạt vẫn bình thường; còn hiện nay, ngoài kia là Sài Gòn đang bị dịch-chết-người rất nặng, dịch-lây-nhiễm rất dữ!

Đang có mặt tại chính mảnh đất mình từng sinh sống lâu nay, nhiều người Sài Gòn lại nhớ Sài Gòn. Đã sống ở thành phố này, dù là dân bản địa tức được sinh ra chốn này hay dân mới nhập cư, dù là dân cố cựu hay dân đang xài sổ tạm trú, bằng những thời gian dài/ngắn khác nhau, dần hồi tử một nguyên mẫu Sài-Gòn-của-chung ai nấy lại có những phần Sài Gòn riêng-cho-mình, đó là những con đường, ngõ hẻm, ngôi chợ, cảnh chùa, quán cà phê, tiệm cơm… bộ nhớ thuộc làu. Những mảnh/miếng Sài Gòn ấy chiếm phẩn rất quan trọng trong vốn sống/kinh nghiệm sống mà mỗi người sẵn lòng chia sẻ, bởi đó là nơi chốn ngày ngày mình cùng gia đình, bạn bè lui tới làm việc kiếm sống, giải trí xả hơi, hẹn hò tình tự, tụ tập tán dóc…

Càng chạnh lòng, xót xa hơn khi xem trên FB những hình ảnh Sài Gòn bị dịch hiện nay, toàn những cảnh hàng rào, kẽm gai giăng bủa như cấm địa quạnh hiu với cảnh người dân cùng khổ và chết chóc. Để rồi liên tưởng, nóng ruột ngóng tin tức/tình hình của người thân, bạn bè xa gần. Trong đó, do cái độc đáo đáng sợ của dịch là nguy cơ nhiễm-đồng-loạt cùng chết-đồng-loạt, được tin tức về người nào là rất mong được biết luôn về tình hình gia đình người ấy nhà ấy, nhất là trường hợp họ đã bị dính Covid!

Như trò thao diễn mở hàng, tháng 5 sớm sủa đã có tin chẳng lành về gia đình em ruột ở Mỹ (Utah).Trong nhà 4 người dương tính Covid nhưng không như ở VN (thời điểm tháng 5/2021) là lập tức bị đưa đi tập trung, ở Mỹ các F0 này tự cách ly tại nhà, tự chữa trị, chăm sóc với hỗ trợ/hướng dẫn qua điện thoại của ngành y tế sở tại. Kết quả là ngoài chuyện cô em dâu/chủ nhà có lúc khó thở, phải dùng máy thở (trong nhà sắm sẵn dành cho trẻ em), 4 bệnh nhân dần hồi khỏe lại, khỏi bệnh.

Trong nước thì cách chống dịch bằng vaccin bắt đầu được thực hiện đồng loạt cho các ngành nghề, tỉnh/thành, tiếc là chậm một cách khó hiểu đối với thành phố Sài Gòn - địa phương có số nhiễm/số chết cao nhất nước! Thôi thì, từ nay trong mong ngóng tin tức lành/dữ của người thân, bạn bè các nơi sẽ kèm theo  một điều không kém khẩn thiết: muốn biết anh em bà con bạn bè chích ngừa mũi 1 chưa, thuốc gì, còn ai chích mũi 1 rồi thì chích mũi 2 chưa.

Sau cái tin phương-xa về gia đình người em bên Mỹ, trong vòng anh em họ Phạm lại vửa có tin phương-gần, rằng cậu em út ở bên huyện Bình Chánh, đã chích mũi 1 vaccin AstraZeneca vẫn dính! Cũng may, kết quả test PCR của Viện Sốt Rét-KST-CT ghi rõ “Dương tính, nồng độ vi rút thấp, Ct: 34”, cần tiếp tục cách ly tại nhà, sau 1 tuần sẽ kiểm tra lại. Tin mới nhất: ở chung nhà với cậu em út có một đứa cháu trai cũng dương tính, được cái điều trị tại nhà 21 ngày thì test thấy âm tính.

Và tất nhiên, điều khiến cho dịch bệnh nguy hiểm, đáng sợ là chết chóc. Trên facebook, website tin tức –thời sự, báo điện tử… ngày nào cũng đầy dẫy hình ảnh, tin tức về cái chết của người dính Covid, gồm  đủ mặt người già, người trong tuổi lao động, trẻ em, cả y tá, bác sĩ, các soeur đi giúp bệnh nhân Covid, người làm việc thiện nguyện, dân lang thang, cơ nhỡ…, cùng những bạn-của-bạn, người-thân-của người-thân… nối tiếp nhau qua đời. Thương tâm nhất là các gia đình có vợ chồng, anh em, ông bà… qua đời cùng một lượt, bỏ lại những đứa con, đứa cháu còn quá bé bỏng đã phải mồ côi, trơ trọi trên đời. Cũng là tin thời sự đấy nhưng quá nghiệt ngã cái loại thời sự đen tối, thương cảm này - giới báo chí từng gọi là dạng ‘tin nhân cảm’. Dịch bệnh thì chưa rõ rệt có dấu hiệu giảm nhẹ, trong lòng cứ lan man những ám ảnh từ loại thời sự khốn khổ ấy. Tối ám nhất là tin một chị bạn lứa 70 như mình, nhà giáo về hưu cô đơn cô độc, chị mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao lâu năm nên từng nói là không chích vaccin, rốt cuộc do một người em trai đến thuyết phục, chị chịu đi chích thì chỉ gần 2 ngày sau mũi chích thứ nhất, chị sốc thuốc qua đời tại nhà. Và một anh cũng cựu nhà giáo, bạn-của-bạn, cũng ngoài 70t.,không thể nào quên khi mới quen mình hỏi ‘Nhà mấy đứa, còn đi học hết hả?’, anh trả lời tếu ‘Hai đứa! Đi học gì? Là tui với bả đó!’, mới biết anh chị hiếm muộn. Trời ạ, giờ anh mất chẳng có đứa con nào để tang…

TẠM KẾT

May mắn, con hẻm nhà mình đang thuộc “vùng xanh”, tức vùng không có dịch. Trong 2 tháng qua, đã 5 lần test nhanh, dân cư toàn tổ dân phố đều âm tính, chỉ có 1 trường hợp dương tính nhẹ, tự cách ly và trước nhà này không bị giăng ru-băng gì cả. Nhưng khung cảnh các “vùng xanh” cũng chẳng vui vẻ, sáng sủa gì vì “vùng xanh”   phải tự bảo vệ bằng cách cách ly đối với các “vùng vàng”, “vùng cam”, “vùng đỏ” xung quanh; thế là giăng rào cản, lập trạm gác, treo bảng hạn chế ra vào. Shipper cần vô hẻm giao hàng phải đứng lại bên ngoài rào cản, chờ khách ra nhận hàng…

Tù túng trong nhà, tóc mấy tháng không đi cắt đã dài phủ ót phủ tai. Hiện tại ê chề quá nên cứ nhìn vào trống không mà ngóng về quá khứ - một Sài Gòn xưa cũ. Đã chẳng chút nhàm chán khi theo dõi vô số hình ảnh thành phố ngày xưa mà nhiều người đã bỏ công lục lạo, sưu tầm để đăng liên tục lên FB. Có thể nói, bất cứ hình ảnh nào của Sài Gòn xưa, tử cảnh thiếu nữ với tà áo dài thướt tha trên phố, anh lính đi dạo với người yêu, em bé bán mía ghim, chị bán chè gánh, chú ba bán nước mía…, thì cảnh nào, người nào, món hàng nào cùng đều có thể khiến người xem chạnh lòng, càng nhớ thương Sài Gòn dĩ vãng.

Cũng có lúc mơ tưởng về tương lai – một Sài Gòn an vui trở lại, trận dịch đi qua, người người trút bỏ nỗi lo dính vi- rút cùng nỗi ám ảnh của cái chết. Sài Gòn hồi sinh, ai nấy có thể tự do đi lại, gặp gỡ nhau; riêng mình sẽ đi công viên tập thể dục, đi bệnh viện mỗ con mắt đục thủy tinh thể đã trễ hẹn mỗ cả năm rồi, mang đi sửa đồ đạc bị hõng giữa mùa dịch, đi siêu thị mua sắm vài thứ đồ dùng. Nhất định sẽ đi thăm bà con, họp mặt bạn bè, đi cà phê, đi bia bọt, đến với đám văn nghệ lê lết quán cóc vỉa hè, tán dóc, chém gió vô tội vạ, tha hồ kể cho nhau nghe nhiều chuyện với lời mở đầu “Nhớ cái hồi còn dịch…”.

PHẠM NGA

(2021, tháng 9 còn dịch)




Mời đọc bài GHI CHÉP VỤN VẶT TỪ TÂM DỊCH COVID (tiếp theo) Ký PHAM NGA và nghe bài Cát Bụi Cuộc Đời với tiếng hát Phi Nhung.

Kính mời quý anh chị đọc bài ký của anh Phạm Nga viết về một gốc nhìn từ thành phố anh cư ngụ tại Việt Nam.

Chúng ta hiện nay trên toàn cầu đều bị khủng hoảng về đại dịch Cúm Tàu, nhưng không vì thế mà chúng ta phải sợ sệt.

Ai cũng chỉ có một lối về và nên sống bằng cách nào đừng hối tiếc hay hối hận mà sống sao cho ta thấy cuộc đời mình thật đáng sống.

Caroline Thanh Hương

tt

 

GHI CHÉP VỤN VẶT TỪ TÂM DỊCH COVID (tiếp theo)

Ký PHAM NGA

 

2.Từ Tâm Dịch, Ngóng Ra Đường

 

Xì-tin (style) phổ biến hiện nay là ai nấy thường xuyên đóng kín cửa nẻo vì sợ vi-rút vô trong nhà, nhưng cũng thèm ra ngoài đường vì lý do rất dễ hiểu: mấy đợt giãn cách, tù túng trong nhà đã lâu quá! Đang dịch giã mà nói “ngoài đường” thì đâu cần phải là “đường xứ”, “phố chợ” gì cho xa xôi mà chính là cái hẻm rất quen thuộc ngay mặt tiền nhà đấy thôi. Trận dịch trờ tới, cái hẻm ngày ngày ‘mở cổng ra là đụng’ bỗng trở nên ngăn cách kỳ cục, trái khoáy một khi cánh cổng - tách biệt phần sân/đất sở hữu cá nhân với hẻm/đất công cộng tập thể - từ nay gần như 24 trên 24 đóng kín, trong khỏi ra, ngoài khỏi vô, trong/ngoài hạn chế giao tiếp. Có chuyện là ngay khi có lịnh giới nghiêm cấm ra đường từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng, một anh chủ nhà chỉ mở cổng bước ra đoạn hẻm ngay trước nhà để quơ tay vài cái thể dục, tình cờ tổ kiểm tra đi ngang đã lập biên bản phạt về lỗi vi phạm lịnh giãn cách, bởi lúc ấy còn kém 10 phút mới 6 giờ.

Tuổi già khó ngủ, đêm nào cũng trằn trọc.Thời Covid giấc ngủ càng hiu hắt, có khi vừa chợp mắt được giây lát đã choàng tỉnh vì ác mộng. Nằm thao thức, bất giác ngóng ra đường, lắng nghe tiếng động bốn phía xung quanh nhà.

Ngày thường, vào ban đêm con hẻm trước nhà tất nhiên là vắng lặng, nay lịnh giới nghiêm lại càng khiến im ắng hơn. Ngay vào 6 giờ chiều, bắt đầu giới nghiêm, trời còn sáng thì như minh họa cho khung cảnh vắng hết người qua lại, nhiều thứ tiếng động trong hẻm như bảo nhau đồng loạt im bặt. Đêm xuống im ắng, nếu có mưa đêm rì rào chỉ càng khiến con hẻm quạnh quẽ hơn.

Cũng ít hẳn tiếng chó sủa đêm và tiếng tàu hỏa chạy ngang ga Xóm Thơm, cái ga xép nằm cùng một khu phố. Rồi phải đến 1-2 giờ khuya mới nghe tiếng xe rác lục đục. Chợt nhớ từng có một thứ âm thanh vài khi gây phiền bà con, đó là mấy ông bợm say xỉn, tàn bữa nhậu đi thất thểu trong hẻm cứ hay la lối làm ồn. Nay đêm lắng dịu, trong hẻm không còn nghe cái giọng càm ràm, nhừa nhựa hơi men ấy nữa. Chắc đám bợm trong hẻm sợ bị dân phòng bắt phạt, không dám tụ tập…

Dù sao, bấy nhiêu tiếng động ban đêm đã vắng bặt ấy cũng đều là sinh hoạt đời thường trước đây, tức thời chưa có dịch. Thiễn nghĩ giờ thì bổ ích gì mà phân biệt đâu là điều lành mạnh hay đọa lạc, đâu là tích cực nơi anh công nhân dọn rác đêm khuya, còn tiêu cực là anh bợm say làm ồn lối xóm. Không chút biện biệt, tôi đang rất nhớ cùng lúc tất cả những tiếng động ấy, và tin chắc rằng mình sẽ thở ra nhẹ nhỏm, vui mừng biết bao khi bộ mặt phong nhiêu này/khác ấy của cuộc sống phục hiện trở lại từ bóng tối thảm hại của trận dịch. Tôi lại nhớ con hẻm nhỏ, xóm lao động này còn có nét mặt nhộn nhịp rất sống động của riêng nó mà giờ cũng không còn. Như cái tên ‘xóm bánh tiêu’ bà con thường gọi, cuối hẻm từ lâu rồi đã có 2-3 lò làm bánh tiêu và bánh cháo-quảy, nổi lửa chiên bánh từ 1-2 giờ khuya, thu hút những người bỏ mối hai loại bánh này cho các tiệm hủ tíu, gánh cháo lòng, cháo huyết… cùng những sạp bánh bán sỉ&lẻ trong nhiều chợ ở cả một khu vực rộng lớn, gồm từ Gò Vấp sang Bình Thạnh, Phú Nhuận, cả cho Thủ Đức. Do đó, bắt đầu từ 1- 2 giờ khuya, dù trời tạnh trời mưa gì tiếng xe gắn máy, ba-gác máy cũng rộn ràng suốt con hẻm. Những cái cháo-quảy và bánh tiêu dòn rụm, trông rất ngon lành mà giá tại lò lại rất rẻ. Thật tiếc khi thỉnh thoảng vài cái bánh từ túi, sọt ràng trên xe rơi vãi xuống đất, chèm nhẹp nước mưa.

Rồi trời sáng mờ mờ, từ trong mùng tôi nằm im, ngóng tiếng chim. Nhà tôi được cái là khá gần công viên Gia Định, cách chừng 400-500m, lâu nay không kể đến bọn se sẻ còn có vài loài chim hoang dã khác, như: chim sâu, cu đất, cu cườm, chích chòe, áo già… - cũng ít ỏi thôi nhưng thì thoảng có mặt ở vùng cây xanh quý giá kia; chúng hay bay vào hẻm, nhất là vào sáng sớm, đậu hót trên mái nhà, chuyền đuổi nhau trên những tán lá vài cây mai, sung, mận, sa-kê…trong sân nhà người dân. Và, may mắn cho tôi: mặc cho dịch bệnh, lũ chim chóc tự do vẫn giữ thói quen bay vào hẻm, kêu hót líu lo mỗi sáng sớm. Có thấy mặt thấy mỏ con nào đâu nhưng nghe chim hót trong lòng êm ả, dễ chịu làm sao!

Thế đấy, ngoài đường phố đêm ngày luôn có những sự việc, hình ảnh, tiếng động… vốn rất bình thường, thậm chí thông thường đến chẳng ai thèm để tâm - nhiều khi còn dị cảm, khó chịu, nhưng giờ đây, trong hoàn cảnh bị phong tỏa đã lâu ngày và chết chóc lãng đãng đe doạ, mới thấy những sự việc, hình ảnh, tiếng động ấy thật thân thiện, gần gũi, bởi như đã nói - đó là bộ mặt đời sống, những biểu trưng thô sơ nhưng thân cận nhất cho cuộc sống trôi chảy ngày ngày.

Rồi trời sáng hẳn, đã quá 6 giờ nhưng chỉ là xong thêm 1 đêm giới nghiêm 18 giờ - 6 giờ, vẫn chưa xong 14 ngày giãn cách cứng rắn theo chỉ thị 16+. Con hẻm vẫn im ắng, văng vẳng tiếng radio hay tivi phát tin tức đầu ngày, lâu lâu mới có tiếng xe honda chạy ngang nhà. Sinh hoạt cuôc sống lại tái diễn nhưng lặng lẽ như-có-chuyện-buồn. Đem tách cà phê đến bàn, mở PC, trước tiên xem các trang web thời sự, tin tức mới nhất về trận dịch…

Thêm một ngày đen tối trong cuộc đời là kéo dài thêm biến cố thảm khốc này đối với toàn nhân loại. Làm sao niềm hy vọng “Hết dịch” ấp ủ đã suốt hơn hai năm qua có thể sáng sủa hơn một khi vào đêm qua, theo bản tin cập nhật cuối ngày của Bộ Y tế, số người nhiễm Covid trong nước vẫn lì lợm vượt quá xa cái ngưỡng khủng khiếp 10.000 người, và Sài Gòn của chúng ta vẫn đứng đầu?

(còn tiếp)

PHẠM NGA



 

Kỳ tới:

3. Từ Tâm Dịch Ngóng Tin Người Thân Bạn Bè, Ngóng Về Quá Khứ…