Translate

Libellés

dimanche 27 mars 2022

Phạm Nga giới thiệu truyện ngắn XẤP VÉ SỐ CỦA ÔNG LÃO LANG THANG và nghe 30 bài độc tấu guitare.

tt

 Kính gửi quý anh chị một truyện ngắn của tác giả Phạm Nga về một chuyện xã hội tại Việt Nam thường nhật.

Cuộc đời luôn là chuỗi ngày bất công, bất hạnh khi sinh mạng và sức khỏe con người không được bảo đảm.

Trên lý thuyết thì Xã Hội Chủ Nghĩa là mang lại công bình và ấm no cho mọi người, nhưng nhân vật trong truyện của anh Phạm Nga không được hưởng bất cứ một trợ cấp nào khi ông đã già, tàn tật mà còn phải mưu sinh.

Người gây ra tai nạn lại không có bảo hiểm bồi thường cho nạn nhân thì cũng không đúng. Vì người có bảo hiểm xe hay nhà cửa thì bất cứ rủi ro nào xảy ra cho người đó cũng đều được bảo hiểm lo cho cả hai bên mà không cần ra tiền túi.

Riêng ở nước pháp, mọi công dân, pháp hay di dân có việc làm đều bị đóng khoảng tiền bảo hiểm khi đi bộ, lái xe, ngay cả xe đạp, xe gắn máy hay công cụ di động nào cũng vậy, cũng có trách nhiệm đối với những người chung quanh mình.

Tiền bảo hiểm khi đóng thì có vẻ như đắt đỏ, nhưng khi cần thì không là bao nhiêu và ai nấy đều được bồi thường thỏa đáng mà không lo không có tiền trả.

Cám ơn anh Phạm Nga đã gửi bài và hình ảnh.

Kính chúc quý anh chị một ngày an vui.

Caroline Thanh Hương


 

Truyện ngắn 

XẤP VÉ SỐ CỦA ÔNG LÃO LANG THANG

 Phạm Nga

1.

Một buổi sáng, tôi tranh thủ vào Viện 175 thật sớm, định bụng thăm đứa cháu xong là đi làm luôn. Chiều hôm trước, trên đường đi học về cháu tôi bị ngã xe khi phải tránh gấp một em bé đột ngột chạy ra đường. Đứa bé gây chuyện đã không hề hấn gì nhưng cháu tôi bị gãy tay, phải đi cấp cứu…

Đầu tiên, tôi đến phòng cấp cứu để hỏi cháu mình đã được chuyển đến khu bệnh nào. Đang đứng hỏi thì tôi phải tránh sang bên để nhường lối đi cho 3 - 4 người hối hả khiêng vào phòng một ông lão, đầu bê bết máu, nghe nói bị xe đụng. Người gây tai nạn cũng phụ khiêng ông lão, đó là một anh phu hốt rác, vẻ mặt ảm đạm cùng cực. Anh rầu rĩ kể lại chuyện-xui-hết-chỗ-nói của mình. Tổ gom rác của anh đi dọn rác trong các ngõ hẽm từ hừng đông, khi xong việc trút hết chiếc xe thùng đầy ắp rác vào ụ rác trung chuyển ngoài đường lớn, anh chia tay hai người bạn cùng tổ rồi về nhà bằng chiếc Honda cà tàng lâu nay. Khi đó, đường xá còn vắng vẻ, từ xa anh đã thấy ông lão đang từ từ băng qua đường, nhưng… Anh thề là lúc đó, anh đã chợt nhận ra ngay người đàn ông này giống y nguời bệnh tâm thần, vừa nhìn xuống đất vừa nói lầm bầm một mình, bước vài bước lại dừng, lại bước tiếp mà chẳng thèm nhìn xung quanh. Anh đã la lớn cho ông lão cảnh giác là có xe đến gần, còn về phần mình thì tìm cách vừa thắng vừa lách mũi xe. Rất tiếc, chính cái kiểu vừa đi vừa dừng bất ngờ của ông lão đã khiến anh không tài nào tránh nổi nạn nhân.

Bác sĩ xem phim chụp X quang cho biết trong đầu ông lão có… một đầu đạn.

Lúc được băng bó cầm máu, ông lão hoàn toàn ngơ ngác, tỏ ra không hiểu hầu hết mọi câu hỏi hay chỉ trả lời mơ hồ với giọng nghèn nghẹn rất khó nghe. Tên gì? Im lặng, lắc đầu… Thân nhân, bà con? “Không có ai hết!…" Đang ở đâu, ở với ai? “Không nhớ!”. Vậy từ đâu đến đây? “Ở ngoài Trung vô!” Tỉnh nào, vô năm nào? “Lâu quá rồi, không nhớ…”. Đúng ra, nào phải những tiếng thều thào hay những  câu trả lời nhát gừng toàn phủ định kia mà chính những cái lắc đầu mới là hệ thống ngôn ngữ chính thức của ông lão. Hơn thế, trên người ông lão lang thang này không hề có một miếng giấy tùy thân nào hết.

 

 Còn có một thứ,  phải nói là cả một tài sản đối với dân nghèo, sống lang thang, neo đơn như ông lão nhưng ông cũng chẳng nhớ nổi mà hỏi ngay khi tỉnh dậy. Đó là xấp vé số chiều nay xổ, đã rơi xuống đất khi ông ngã trước mũi xe của anh phu hốt rác và anh đã lượm được khi nhảy đến đỡ ông.

Ông lão còn làm điên đầu mọi người hơn khi bắt đầu co giật toàn thân. Cả đám người hiếu kỳ bị y tá đuổi ra khỏi phòng. Có người cho rằng ông có thể bị chấn thương sọ não. Có người bảo chắc ông bị chứng Alzheimer. Người khác lại nêu giả thuyết là do bị chấn động bởi cái ngã, viên đạn nằm sẵn trong đầu đã xê dịch và làm tổn thương mạnh hơn vô thần kinh não, khiến cho ông co giật….

Những nhà y học nghiệp dư cứ tha hồ nhận định mà không để ý là mình đang vô tình hành hạ tinh thần anh phu hốt rác. Nghe người này phán, người nọ tuyên bố…, lòng anh nóng như bị lửa đốt. Tình trạng bệnh nhân kiểu nào cũng tệ thì lỗi của người tình nghi gây tai nạn làm sao nhẹ được?

Chợt có người nhắc tới xấp vé số chưa xổ mà anh phu hốt rác lượm được từ ông lão, anh mới sực nhớ đến món đồ mình đang giữ.

 

2.

Một xấp vé số, biểu trưng cho loại đồ vật có-chủ tức nhất định phải thuộc sở hữu của một con người nào đó, tình cờ vừa xuất hiện trước mắt mọi người. Lập tức, một số ngành hoạt động, nghiên cứu về con người cùng vào cuộc, vồ vập xấp vé số như một đối tượng nghiên cứu thật sống động.

Như ngành công an, quản lý trật tự trị an cần xấp vé số như một cơ sở để điều tra, xác minh lý lịch nạn nhân. Hay ngành thương binh – xã hội cần xấp vé số để có cơ sơt mà bổ sung cho bảng thống kê các loại nghề tự do, tự phát ngoài đường phố của người nghèo hay dân thất nghiệp. Đặc biệt là ngành triết học, khoa siêu hình học cũng cần xấp vé số - một vật tồn-tại-theo-người, xem nó đại loại là một ‘tùy thể’ của một ‘hữu thể’ nhân loại qua tiến trình chứng minh sự hiện hữu của ông lão bán vé số … Mục đích riêng của từng ngành, khoa có khác nhau như thế nhưng do không thể biết tên ông lão nên mọi ngành, mọi khoa đều chỉ có thế ghi vào trang đầu hồ sơ làm việc của mình tựa đề “Ông lão bán vé số”. Cái tên chỉ được ghi mơ hồ như thế, nhưng được cái là sát thực tế thấy-sao-nói-vậy hơn hết.

Có người đề nghị một cái tên khác, “Ông vô danh” chẳng hạn. Rốt cuộc, xét cho sâu xa thì cái tên này khá hàm hồ, không vừa vặn với cái thực thể nhân loại ốm yếu, ngơ ngác kia. Chắc chắn ông lão – một con người – có tên họ nhất định, nhưng chỉ vì rơi vào tình trạng vong thân do mất trí, ông không thể nào tự giới thiệu. Làm sao một con nguời có thể tự giới thiệu mình với người khác trong khi đang vô vọng đi tìm lại tên họ của mình? Thôi, trước cánh cổng thông tin khóa kín tức tưởi này, những ai khác trên đời này đành tạm bằng lòng với cái tên “ông lão bán vé số” để còn bắt đầu xem xét các khía cạnh khác. Một bắt đầu cho mọi sự bắt đầu, bao gồm cả việc khai tử nếu trường hợp xấu nhất xảy ra cho ông lão.

Về những người đang có mặt tại khu cấp cứu giờ này, họ đến bệnh viện đều có lý do riêng tư, nhưng nhất định họ bị giống nhau ở một điều – đó là không có gì hay ho, vui vẻ một khi nguời ta phải có mặt ở bệnh viện, trừ chuyện đón người thân đã lành bệnh vừa đủ để bác sĩ cho phép xuất viện về nhà, chứ chẳng hạn trong bệnh án ghi cũng chữ “Đã xuất viện” để chuyển sang bệnh viện khác chữa trị tiếp thì cũng chẳng vui gì.

Riêng sáng nay, bà con cô bác ở khu cấp cứu giờ này còn giống nhau ở một điều nữa, lần này thì thật hay ho. Đó là, không cần thuyết phục lẫn nhau, bà con đã đồng lòng chia nhau mua hết xấp vé số mà không cần để ý mình đang giúp cho ông lão hay anh công nhân. Và có lẽ, lúc lựa đại vài tấm vé để còn chuyền xấp vé cho người kế bên, ít ai nghĩ là khi mình khi có lòng mua vé số giúp người, biết đâu sẽ được Thần Tài thưởng cho lòng tốt ấy mà cho trúng số chiều nay…

Dĩ nhiên, sẽ không có chuyện một nhóm người đồng lòng làm việc thiện, cùng ra tay giúp đỡ kẻ hoạn nạn như trên nếu anh phu hốt rác gây tai nạn rồi tàn nhẫn, phủi trách nhiệm, cố ý bỏ đi luôn nhưng đã phải có mặt ở đây vì bị khách qua đường kịp nắm áo giữ lại và lôi theo luôn khi đưa ông lão đi cấp cứu. Và chắc rất hiếm ai thấy cần phải giúp một ông nhà giàu – tình cờ thế vào chỗ anh công nhân – đã gây tai nạn rồi nhân tiện chở nạn nhân đến nhà thương bằng chính chiếc xe hơi sang trọng gây tai nạn.

 

3.

Xấp vé số hết khá nhanh, chứng tỏ cách nào đó anh phu hốt rác đã được bà con ở đây tin anh là người lương thiện, người tốt chớ không phải kẻ gian. Anh gom số tiền thu được cẩn thận bỏ vào túi áo trên và cài nút ngay cho khỏi quên. Cái áo xanh bảo hộ lao động cũ rách, nồng nặc mùi mồ hôi, mùi rác rến và vừa mới thêm một thứ mùi không thể tán thưởng chút nào –  mùi máu. Còn hốn nạn hơn cho người đang mặc chiếc áo xấu xí này là, không rõ do một phản ứng hóa học, vật lý quỷ quái nào đó, máy lạnh trong phòng  cấp cứu vừa đóng kín cửa này dẫ ngạo nghễ chơi xấu người nghèo khi tàn nhẫn làm bốc mạnh hơn cái mùi cùng khổ không thể nào che giấu ấy.

Chọt nhớ là tục ngữ ta từng có câu “Chó cắn áo rách” khi hình dung tình trạng những ai đã nghèo, khổ còn bị rơi vào những tình trạng xui xẻo, “tai bay họa gió” xảy đến khiến khó khăn chất chồng, đã nghèo, khổ lại khổ, nghèo hơn nữa. Đáng lưu ý là khi ví von bất cứ thứ tác nhân nào đó gây ra thảm cảnh cho người nghèo với loài chó, câu “Chó cắn áo rách” hay hơn, sâu hơn câu “Đã nghèo còn mắc cái eo” mà mấy ông hay hài đàm phúng thế còn tếu táo sửa lại thành “Đã nghèo còn mắc cái vòng số-hai”. Thì eo hay vòng số-hai cũng chỉ là một. Nhưng thôi, mấy ông ngạo đời này chỉ đáng bị ganh tị chứ không cần phải sửa trị. Hẳn phải đang sống an lành và còn lạc quan, sung sức lắm thì các ông mới có thể nghĩ tới và tuyên xưng cái vòng mỹ miều trên thân thể người đẹp, người mẫu.

Và nói “xui xẻo” thì phải nghĩ đến số mạng. Trong trường hợp này, con-chó-số-mạng đáng ghét đã cắn một lúc hai nguời bằng những cú táp hết sức độc địa.

Ông lão mất trí, tứ cố vô thân kia đang hôn mê, co giật, có thể sẽ hồi tỉnh rồi được tiếp tục chữa trị, hay ngược lại, có thể ‘đi’ luôn thì ở tình cảnh nào ông cũng hoàn toàn phó mặc số phận mình cho tha nhân, cho cộng đồng xã hội. Có là xi nê, tiểu thuyết đâu mà có kịch bản dàn dựng rằng qua cái chết của một lão hành khất, nguời ta khám phá ra một tài sản lớn lao, một trương mục ngân hàng kết xù từ lâu đã mang tên con người bí ẩn, chỉ nghèo khó bề ngoài vừa qua đời ấy, để rồi dư luận xã hội tha hồ tranh cãi ầm ĩ về chuyện nên sử dụng tài sản kết xù ấy cho việc này, việc nọ, việc kia mới đúng tốt nhất?

Còn về anh phu hốt rác, ngay từ hôm nay, trong cả hai kịch bản đều tàn nhẫn như nhau của tác giả con-chó-số-mạng, anh đều bị buộc phải đóng vai diễn viên chính bằng toàn thể cái khả năng ốm đói mạt hạng của mình.

Theo kịch bản 1, ông lão cũng qua cơn ngặt nghèo  nhưng sống vật vã kéo dài bởi thương tích, nầm liệt trong bệnh viện thì anh phu hốt rác cùng gia đình anh phải lãnh phần nuôi bệnh, đút cháo, tắm rửa, bưng bô đổ kít. Theo kịch bản 2, ông lão qua đời, thì… từ chuyện phải trả lời, chịu trách nhiệm ở một mức nào đó trước mặt công an giao thông cho đến chuyện lo tang ma, chôn hay thiêu gì cũng đều là những gánh nặng – quá nặng cho anh và gia đình anh. Với kịch bản nào thì anh, chớ không còn ai khác, là thân nhân duy nhất của một ông lão xa lạ, một người vô danh còn nghèo hơn anh nữa mà đến cái tên của ông, anh cũng không thể biết.

Có thể trong những ngày tới, một lúc nào đó, nội chuyện chạy tiền – ở đâu? mượn ai? ai cho mượn?… –  cũng đủ để anh ước gì được chết liền, chết phứt đi cho rảnh nợ đời.

Rồi cũng qua đi những câu hỏi han, an ủi, qua đi những cái nhíu mày, chắc lưỡi. Bỏ lại anh phu hốt rác đau khổ đứng một mình trước phòng cấp cứu và ngóng chờ vợ mình vô nhà thương để cùng chia sẻ cái tai-bay-vạ-gió này, mọi nguời từ từ giải tán để còn trở lại với công việc, với những mối bận tâm riêng mỗi nguời, như người thì có thằng em bị đụng xe gãy chân, người thì có ông anh làm phụ hồ từ giàn giáo té xuống, hay người thì có đứa con trượt thang lầu, gãy sóng mũi… Người ta hỏi han nhau để được biết toàn những thông tin ám tối như thế. “Thế à? Tội nghiệp…”, “Nhà chị xui quá hả?”, hay “Chuyện có ai muốn đâu?”, người ta dửng dưng bình luận xuôi chiều như thế chứ nào có thể ngõ ý tán thưởng, chúc mửng, chia vui.  Ở đời này,  làm gì có một loại nguyên cớ vui vẻ, hạnh phúc, tươi sáng nào đó lại quái lạ, kiểu cọ đến nỗi dẫn người ta vào khu cấp cứu của các bệnh viện?

 

4.

Không thể ở nán lại thêm lâu hơn để biết tình trạng ông lão bán vé số như thế nào sau cánh cửa đóng kín kia, tôi đành rời khỏi khu cấp cứu, tìm qua khu đứa cháu gảy tay đang điều trị. Trong túi tôi là 10 tấm vé số, không biết là số mấy vì tôi rút đại trên tay anh phu hốt rác. Chưa  bao giờ tôi mua số nhiều đến thế. Cách dăm ba bữa, có thể tôi mua, rút đại một, hai vé  – một, hai vé thôi vì tôi vốn rất ít tin tưởng vào cái may mắn kiểu hoạnh tài đầy ngẫu nhiên. Và tôi sẽ rất tự ái nếu có ai xếp tôi vào loại người chỉ tin vào số mạng Trời cho. Nhưng hôm nay, thật tình tôi đang cầu Trời cho mình trúng số.

Biết đâu, Định Mạng không phải là một con chó dở hơi, xấu xa,chỉ biết đi ‘cắn áo rách’, hại dân nghèo, mà hơn thế, thỉnh thoảng chú chó lại hoàn toàn đổi khác là chịu khó tha tới cho bọn dân nghèo như tôi một chiếc áo trên mức lành lặn, trị giá tới mười lần hai tỷ đồng? Tuy nhiên, xét cho kỹ thì cả hai cái trò bách hại lẫn ban tặng nêu trên cũng chỉ là trò chơi đùa, nghịch ngợm quái quỷ của Định Mạng, có ban cho may mắn thì cũng là quăng thí miếng nhục cho con người.

Còn giữa con người với nhau thì phải trung thực nhìn nhận rằng, nếu tôi may mắn trúng lớn chiều nay thì đó là kiểu may mắn đáng hổ thẹn: gặp may, được hạnh phúc nhân một hoàn cảnh rất bất hạnh, đau thương của ông lão bán vé số và anh công nhân hốt rác.

Dù sao thì… Hỡi Ngẫu Nhiên hay Chú Chó Định Mạng gì đấy, chiều nay cứ cắn một cú ngoạn mục xem nào!

Đã hẳn thân phận con người quả là nhục nhã khi chỉ có thể im câm thúc thủ trước mọi sự định đoạt, nhào nặn của Định Mạng và Ngẫu Nhiên, nhưng nếu được những thế lực vô tâm này xếp bày cho trúng số thì cũng không tệ lắm.

Hỡi ông lão bán vé số, hởi anh phu hốt rác, đừng chết, đừng tuyệt vọng trước giờ xổ số!

PHẠM NGA

(Tháng 3-2022)