Translate

Libellés

samedi 24 novembre 2018

Ha ha, nghe lạ à nha, nghe Người Lính Già Oregon nói chuyện tình yêu qua tiếng tây, tiếng u và tiếng mỹ.

tt

Dịch hay không dịch tiếng tây thành tiếng ta, vì càng dịch thì càng nông nổi. nhưng cái gì đẹp nghe thì thấy hay, mà chuyện gì xấu mà nói thật cũng nghe ngồ ngộ.
Muốn biết Người Lính Già kể chuyện dịch nghĩa hay dịch từ từ tiếng tây qua tiếng ta và tiếng mỹ, thì mời quý anh chị đọc cho biết.
Caroline Thanh Hương


LÀM YÊU? LÀM TÌNH? - người lính già oregon

Lời phi lộĐể thay đổi không khí, và theo yêu cầu của một số thân hữu, xin gửi lại một bài viết đã cũ. Đó là một bài phiếm luận đọc cho vui, hay không vui, nhưng để xả stress vào đầu tuần, không phải là một bài nghiên cứu thâm sâu về ngôn ngữ hay văn chương, hoặc, ngược lại, bình dân tục tĩu. Xin quý vị và quý bạn xem qua, góp thêm ý kiến, nếu muốn, cũng cho vui, nghĩa là không tranh luận một cách nghiêm chỉnh, gay cấn.
      Để làm cái chuyện đó, người Mỹ có kiểu nói lịch sự, văn vẻ,  to make love (= to engage in sexual intercourse), người Pháp, faire l’amour (= accomplir l’acte sexuel). Người Việt mình, cũng rất lịch sự, quen nói làm tình, mặc dù chữ “tình”, trong Việt ngữ, đứng một mình khơi khơi giữa trời, chưa diễn tả hết nghĩa của “to love” hay “aimer” dưới dạng động từ, vì có bao giờ ai (dám) viết “Anh tình em” (I love you, je t’aime)? Nghe được không chứ? Giở tự điển Việt Nam, thấy chữ làm tình (= đàn ông đàn bà ăn nằm với nhau) và ngoài ra không có chữ nào khác tương đương với kiểu nói lịch sự Anh và Pháp. Như vậy, ba kiểu nói, Việt Anh Pháp, giống y chang nhau. Nhưng chả biết mèo nào bắt (chước) mỉu nào?

      1) Riêng tiện nhân, từ hai năm nay, lại dùng, và mãi mãi khoái dùng, từ ngữ làm yêu. Khiến một ông bạn vàng còn bên Phú Nhuận rất ư là thắc mắc, tưởng tiện nhân ở Mỹ lâu năm quên cả tiếng Việt (hoặc làm bộ quên tiếng Việt như mấy thằng cha Việt Kiều, gốc nhà quê, áo gấm về làng, trưởng giả học làm sang, nổ còn hơn kho đạn Long Bình) và nhắc, “ông ơi, làm ơn thay nó bằng làm tình đi”. Tiện nhân bèn cười cười, dĩ nhiên trên mail, “OK, thì chữ nào cũng được, miễn là có làm chuyện đó một cách 'hoành tráng', 'chất lượng' là được, cứu cánh biện minh cho phương tiện mà, Machiavel đã chẳng nói như vậy ru?”.

      Nguyên do cũng tại thế này: Số là tiện nhân nghỉ hưu đã mấy năm. Một hôm, Sở Y tế Quận, qua trung gian của một người bạn, nhờ tiện nhân đến làm giám khảo, có trả lương, cho một buổi tuyển lựa thông dịch viên Anh-Việt, cùng với hai nhân viên của Sở, một Mỹ, một Việt. Một nữ thí sinh trẻ đẹp, cha mẹ gốc Tàu, sinh ra tại Chợ Lớn và lớn lên tại Mỹ, dĩ nhiên tiếng Anh rất giỏi, còn tiếng Việt lơ lớ, giọng Tàu rặt. Khi được yêu cầu dịch một câu về bệnh Aids ra tiếng Việt, gặp chữ make love khó quá cô không biết nói sao, quýnh lên bèn dịch đại: “ờ à… khi hai đứa làm yêu (make love) mà không có bảo trọng (protection) thì ờ à… hai đứa nó dám (they risk) có cái dịp may (to have the chance) ờ à… chụp (to catch) cái bệnh Aids”.


      Tiện nhân suýt bật cười. Nói tiếng Việt như thế, dĩ nhiên, làm sao được mướn? Nhưng tiện nhân nhớ mãi chữ làm yêu rất dễ thương của cô. Nó lạ, độc đáo (điều chắc chắn) và chính xác (có lẽ) hơn chữ làm tình. Tiện nhân mê chữ đó cũng như nhà đại phê bình văn học kiêm học giả thật Nguyễn Hưng Quốc bên Úc mê và khen bài thơ Con Cóc nhảy ra / Con Cóc ngồi đó / Con Cóc nhảy đi…hay hơn cả thơ Kiều vậy. Vì:

      a- Chữ yêu, đúng nguyên thủy, có một nghĩa rất đen, rất rộng, chỉ dành cho nam và nữ xa lạ, gặp nhau rồi dính xà nẹo với nhau, còn những người thân quen, như bạn bè, hay trong gia đình, như cha mẹ, con cái, anh em,  dùng chữ thương là thích hợp đẹp nhất. Để phân biệt hai trường hợp này, tiếng Pháp có chữaimer và aimer bien, cũng như tiếng Anh có to love và to like. Ví dụ, sau một thời gian tán tỉnh, một ngày trời, nghe một em đầm tóc vàng sợi nhỏ thỏ thẻ: “Je vous aime bien”, hoặc “I like you very much”, quý bạn trẻ đừng tưởng bở, mừng quýnh lên, vội vàng móc ví dâng hết thẻ credit cho em đi siêu thị cà.

      b- Về nghĩa bóng, và rất hẹp, yêu đi sát với làm yêu. Đã lâu, tiện nhân đọc ở đâu đó một đoạn văn trữ tình có câu: “Và chàng đã yêu nàng” và theo nội dung bài viết, người ta hiểu rất rõ chàng đã… ngủ, tức chăn gối, tức làm yêu, với nàng. Đọc một vài bài thơ tình của Xuân Diệu, tiện nhân, vốn nhậy cảm, hiểu chữ yêutrong nghĩa này. Ví dụ: Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối…Anh hút nhụy của mỗi giờ tình tự…Cũng vậy, nếu một cô thúc giục, “hãy yêu em đi, chiều hôm tối rồi”, không lẽ anh chàng cù lần đến nỗi đứng đực ra đấy? Từ đó, chữ yêu móc ngoặc với chữ đương để thành yêu đương –chỉ dùng cho trường hợp cổ điển nam và nữ yêu nhau,mà gays hay lesbians ở Mỹ cũng chưa được phép dùng. Hai anh râu ria xồm xoàm, vai u thịt bắp, cỡ như những tay đua mô tô Harley trên xa lộ, mà ôm nhau nói chữ yêu đương, mặc dù được Obozo, Biden, và Ruth Ginsberg (bà già giết giặc, thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Mỹ, phóng khoáng “cực kỳ”) cho phép làm hôn thú, vẫn khiến tiện nhân rùng mình, nổi da gà. Tiện nhân không kỳ thị đâu nhé. Chỉ bàn về thẩm mỹ và chữ nghĩa thôi. Con cái nói chữ ấy với cha mẹ, anh chị em ruột hay có họ với nhau, cũng không được nốt. Phải dùng yêu thương, yêu mến.

     c- Còn tình có ba bảy đường tình: tình con, tình cha, tình mẹ, tình nước, tình nghĩa, tình vợ, tình chồng, tình bạn. Làm tình. OK, nhưng làm tình hiểu theo nghĩa nào đây? Trong Truyện Kiềukhi tái hợp với Kim Trọng, và chàng muốn lấy nàng, Kiều từ chối, lấy cớ tình hai người bây giờ chỉ còn là tình nghĩa,

Hai tình vẹn vẻ hòa hai                                                                            
Chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm thơ

      Nàng nói quá rõ rồi, còn gì. Chính vì làm tình không rõ ràng, mơ hồ sương khói mà tiện nhân thích chữlàm yêu, dứt khoát hơn, đâu vào đó hơn, khi bàn về chuyện phòng the nam nữ.

      2) Ngôn ngữ bây giờ có nhiều kiểu nói mới rất lạ lùng, mà các ông Hàn lâm (académicien) Tây gọi lànéologisme, hay tệ hơn barbarisme. Thỉnh thoảng, tiện nhân nghe vài CD hải ngoại, nhất là từ quốc nội, trong đó có những câu hát ở thể tán thán từ (exclamatif), như: “yêu dấu ơi! hỡi dấu yêu! sao bây giờ đành xa đôi lứa […]”, chẳng hạn trong bài “Luân vũ trong chiều mưa” (?) do ca sĩ Bảo Hân hát. Tĩnh từ yêu dấu, trongcontexte bài hát, trở thành đối tượng để gọi, để nói chuyện, như một tình nhân? Ủa, sao lạ rứa?  Suy nghĩ mãi, tiện nhân đoán rằng ông hay bà nhạc sĩ tác giả không bị té giếng đâu, nghĩa là chưa khùng, nhưng có lẽ đã dịch danh từ (mon) chéri / (ma) chérie của Pháp hay (mydarling của Anh-Mỹ ra thành tĩnh từ yêu dấu, cho nó có vẻ lập dị, độc đáo? Dịch thành anh / em yêu dấu, như đúng nghĩa của nó, sẽ bị cho là tầm thường, cù lần, quê mùa chăng? Ấy là chưa kể những chữ mà Việt Cộng bây giờ xài tầm bậy tầm bạ, vung vít, không giống ai, không người lái. Chẳng hạn chữ bức xúc: tiện nhân thách tất cả những kẻ sử dụng nó thử định nghĩa là cái quái quỉ gì, một cách thuyết phục. Chẳng hạn chữ hoành tráng, bây giờ bị VC dùng một cách hỗn tạp, bừa bãi. Đụng cái gì cũng hoành tráng. Đi với chữ mặt bằng nữa (“tôi mới mua được một mặt bằngrất hoành tráng” ở khu phố X, Y, Z), thì hiểu được chết liền. Về chữ này, ở Mỹ, một ông bạn già của tôi, tạm gọi John Doe 1, kể rằng ông cho một ông bạn già, John Doe 2, một viên Cialis (tương tự Viagra) để dùng thử và dặn cho biết kết quả như thế nào. Hôm sau, John Doe 2 hồ hởi phấn khởi và thành thật khai báo rằng: “Phải công nhận đó là thuốc tiên, vì sau nửa tiếng bỗng nhiên thằng bé vùng lên, sừng sộ, cực kỳ hoành tráng, lại còn mất dạy, bướng bỉnh nữa, xong rồi bảo xuống, nó vẫn không chịu…”

      3) Trở lại chữ làm yêu. Nó chỉ được dùng khi người ta muốn văn vẻ, lịch sự. Trong những trường hợp khác, tùy theo mức độ bình dân hay thô tục, mọi ngôn ngữ trên thế giới đều có rất nhiều cách nói. Chẳng hạn giao cấu (nói chung, cho con người và con vật, đực và cái, và trong một bài thơ, đại thi hào Phạm Công Thiện của một số độc giả mê sảng đã tự nhận “giao cấu với mặt trời sinh ra mặt trăng”), giao hợp (chỉ cho người), giao hoan (còn có nghĩa vui chơi, hoan lạc với nhau). Cho những chữ này, tiếng Pháp có accouplement (động từ là “s’accoupler”), coït (trong tự điển chữ coït không có dạng động từ, trừ Flaubert đã dùng coïter, vào năm 1859), copulation bởi tiếng Latin, copulatio (= kết hợp). Tiếng Anh có coition, hoặccoitus –cũng như coït, bởi tiếng Latin coitus ← coire (=đi với nhau)Dùng trong y khoa, hay văn chương, còn có post coitum, hậu giao hợp. Sau coitum, thì có lẽ hai bên đối phương đều chán? Hãy nghe Xuân Diệu:   
           
Vừa xịch gối chăn [NLGO: ủa sao lẹ quá vậy?] mộng vàng tan biến  /   Dung nhan xô động, sắc đẹp tan tành  /  Vàng son đang lộng lẫy buổi chiều xanh  /   Quay mặt lại cả lầu chiều đã vỡ (Giục giã).

      Về chữ Pháp coït (chữ ï có hai chấm trên đầu). Tại Portland có một hãng giặt thảm không hiểu sao lấy tên là Coit, mới đầu đọc thấy nó, tiện nhân không khỏi mắc cười.

      Thô tục hơn thì Việt Nam có Đ…hay ĐM –mà đàn ông ai cũng biết và chắc đã nói ít nhất một lần trong đời, giống như foutre (hay merde) của Pháp và fuck (hay shit) của Anh-Mỹ. Tiếng Pháp, tiếng Anh thì nhiều lắm, gồm cả tiếng lóng, để chỉ Đ… So với tiếng Pháp, chẳng hạn, từ ngữ Việt Nam, về chuyện ấy và liên quan đến cái giống, có vẻ kém thua. Ví dụ, về bộ phận sinh dục của hai phái, Việt Nam chỉ có trên dưới 10 chữ là cùng, gồm cả từ những câu chửi tục dân gian hoặc thơ nói lái của Hồ Xuân Hương (và Bùi Giáng) hoặc thơ Con C…, Cái L… huỵch toẹt của thi sĩ Trần Tiến Dũng trên báo Tiền Vệ do học giả Nguyễn Hưng Quốc chủ xướng. Trong khi tiếng Pháp, tiện nhân đếm trong Tự điển tiếng lóng (Dictionnaire du français argotique et populaire), thấy 93 chữ cho đàn ông (le mec) và 72 chữ cho đàn bà (la nana). Không hiểu tại sao. Có lẽ về tình dục dân Tây quá mạnh, nhờ mê cognac và bifteck?

      Nhân đây, tiện nhân kể một chuyện xảy ra thời mới bắt đầu đi dạy tại Mỹ. Trong bài học về article le, la, một nữ sinh viên giơ tay hỏi: “Monsieur, tại sao verge (dương vật) lại là la, féminin, còn vagin (âm đạo) lại làle, masculin?” Hỏi tại sao với ngôn ngữ và văn phạm thì thà hỏi đầu gối, sướng hơn. Câu hỏi bất ngờ, chưa bao giờ nghĩ đến, làm tiện nhân bối rối, đang phân vân không biết có nên, hay không nên, giải thích bằng nguyên ngữ Latin, nghĩa là bởi vì virga (→ verge) thuộc giống cái, nhưng khổ một nỗi vagina (→ vagin), Latin, lại cũng thuộc giống cái, thì một nam sinh viên mau mắn trả lời hộ: “Tại vì con verge dành cho đàn bà, còn cái vagin dành cho đàn ông.” Có thể đúng vào thời ấy (thập niên 90). Hôm nay mà giải thích kiểu đó sẽ bị ốm đòn bởi cái đám ồn ào ủng hộ hôn nhân đồng tính.

      4) Chữ Đ… và câu chửi thề ĐM… trong ngôn ngữ thô tục Việt Nam, nếu thay đổi thì cũng tùy từng miền Nam, Trung, Bắc. Còn Tây và Mỹ? Khá nhiều, nhưng tiện nhân chỉ xin nêu ra một ví dụ thôi: baiser và anh em của nó, to fuck.   
      Chữ baiser dùng như danh từ có nghĩa là cái hôn hiền lành, vô tội (giữa tình nhân), từ đó có bise vàbisou (trên má, giữa những người trong gia đình và bạn bè thân thiết). Dùng dưới dạng động từ, baiser trở thành Đ… ngay, trong nghĩa lịch sự hoặc tục tằn của chữ. Dịch “tôi hôn nàng” ra “je la baise” là chết tươi. Mà phải dùng động từ embrasser (“je l’embrasse”, còn có nghĩa là ôm) hoặc đi vòng vo Tam quốc, “je lui donne un baiser”, tôi tặng nàng / chàng một nụ hôn) là an toàn trên xa lộ. Câu mở đầu trong bài hát rất quen thuộc Tây Ban Nha, “Besamé mucho”, cũng phải dịch là “Embrasse-moi fort” (hãy hôn em nhiều), chứ không được “Baise-moi fort”, vì tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha là bà con trong gia đình Romance Languages. Từ baiserđộng từ, các ông Tây bày ra nhiều cách, ví dụ: baiser à la papa (nhẹ nhàng, kiểu ông bà, do những cố đạo truyền giáo, missionnaires, dạy bảo con chiên Công giáo), baiser en hussard (kiểu biệt kích, tấn công liền, ào ạt, không giáo đầu lôi thôi), baiser en cygne (vác cày qua núi) v.v... Ngoài ra, còn có những danh từ đồng nghĩa: baisage, baise, đặc biệt baiseur (nôm na, thằng cha khoái đ... rong, Mỹ gọi là “f... around”). Cùng nghĩa với động từ baiser có tiếng lóng calcer (“Il a calcé une nana”). Còn chửi nhau? Ngày nhỏ, chúng tôi thỉnh thoảng chửi qua chửi lại với mấy thằng Tây con: Je baise ta mère / ta sœur. Giận hơn thì: Je viole (= hiếp, rape) ta mère. Thằng con của tiện nhân, Xavier, khi còn học lớp 8 (nay đã 17), thường bị một thằng bully Mỹ cùng lớp đi theo chọc ghẹo, quấy rầy vô cớ, một hôm tự nhiên gây sự: “Your mom tried to abort you but she failed” (Mẹ mày đã cố gắng phá thai mày, mà thất bại). Tức quá (vì thực ra, nghĩ kỹ, câu của thằng Mỹ con kia cũng nặng lắm), Xavier chửi lại: “  f... you and your mom“. Rồi hai thằng chửi nhau loạn xạ. Tiện nhân đâu có bao giờ dạy, hoặc khuyến khích, con chửi và chửi lại như vậy. Cả hai đều bị cố vấn trường gọi lên hỏi tội. Vì thằng Mỹ con khiêu khích trước nên bị đuổi học một ngày, Xavier vì nhổ nước miếng vào mặt thằng Mỹ con bị cảnh cáo. 
Nhưng tiện nhân không la mắng con, vì hiểu rằng ăn miếng trả miếng vẫn là phương cách hữu hiệu để sống còn trong xã hội phức tạp và độc ác này, dù Cộng sản hay Tư bản, không phải lúc nào cũng hiền như ma sơ, chìa má kia cho thiên hạ vả.  

      Bình dân và thô lỗ hơn thì Tây có chữ foutre, bởi Latin futuere (= giao hợp). Muốn tống cổ ai ra đường, Tây nói, “va te faire foutre”. Foutre đồng nghĩa với to screw, to lay, to bang, hay thông dụng nhất, to fuck của Mỹ. Về chữ fuck, những người mang tên Phúc, Phục, Phách, Phát, Phác hiện nay ở Mỹ bị phiền toái đã đành, mà tiếng “Phắc”, hay “Vào hàng, Phắc” vô tội, thuần túy nhà binh, ngày xưa ở Việt Nam cũng bị vạ lây. Chả là, một hôm, anh cố vấn đơn vị tiện nhân thắc mắc, “tôi nghe cứ mỗi lần sĩ quan cao cấp vào phòng thì các anh đứng lên vào hàng hô fuck lia fuck lịa, như vậy nghĩa là làm sao?”

       5) Chuyện dài chữ nghĩa cà kê dê ngỗng về việc ấy giữa đàn ông đàn bà nói hoài không dứt. Không chán. Nhất là khi có rượu vào. Tiện nhân bàn rộng vấn đề này cốt để quý bạn, nếu có dịp, làm quen với những ngôn từ có chất giọng đường phố trong sách của Céline hay Jean Genet, hoặc tiểu thuyết ba xu của Mỹ. Chưa muốn, nhưng cũng phải dứt thôi. Vì sợ mấy tên đạo đức giả thứ thiệt  lấy gương tự soi mặt mình, rồi lớn tiếng mắng người ta là “đồ cà chớn, già mà mất nết, uẩn ức sinh lý”.

      Nhưng trước khi dứt, tiện nhân cũng mong quý bạn phe ta thử sử dụng một lần chữ làm yêu, thay cholàm tình, xem có ếp-phê gì không. Nếu thấy đặng, xin dùng nó tiếp và đưa vào tự điển giùm tiện nhân, cho mấy ông Hàn Lâm Tây sợ lé mắt chơi. Còn nếu bà xã, hoặc người yêu, không chịu, tỏ ý thích xài chữ cổ, ta về ta tắm ao ta, thì cứ đổ tội cho thằng cha NLGO. Bề nào quý bạn cũng chẳng mất mát gì cả. Bảo đảm 100%.
Người Lính Già Oregon

Phạm Nga và bài viết Những Dòng Sông Trôi Chảy Mãi Từ Tuổi Thơ.

tt

Có những dòng sông trong mỗi con người làm người ta luôn nhớ về.
Có những kỷ niệm có thể phai nhòa theo năm tháng, nhưng những mẩu chuyện về tuổi nhỏ thì khó ai mà quên được, nếu ngày đó, ta còn có những người bạn để chia sẻ, khi mất bạn rồi, thì kỷ niệm giờ chia sẻ với ai đây?
Mời quý anh chị theo dòng kỷ niệm về nơi có một dòng sông của anh Phạm Nga.
Cám ơn anh đã gửi bài và hình cho bài viết.
Caroline Thanh Hương


Tản văn

Những Dòng Sông Trôi Chảy Mãi Từ Tuổi Thơ
*Tưởng nhớ BÙI DIỆP (1963 – 2018)
1.
Mấy ngày mưa liên tục này, bị chứng đau-lưng-bởi-thời-khí-ẩm-ướt hành hạ, cũng làm như thể mình là một đạo sĩ trong truyện Tàu thất chí mà ẩn mình vào mật thất để tịnh tu, tôi nằm nhà đọc lại cuốn tản văn Về Ngang Quán Không của Bùi Diệp quá cố. Nhà thơ/người viết tản văn tài hoa, nhân hậu này, dù với riêng tôi thì chỉ có được vài năm kết giao thật ngắn ngủi trên FB nhưng đã thầm lặng thành bạn vong niên tri kỷ mà tôi vô cùng quý trọng trong giới thi ca, viết lách.
Trong tập tản văn, Bùi Diệp đã nhiều lần nhắc đến dòng sông Dinh đầy ấn tượng ở đất quê Phan Rang của anh. Nhà thơ trìu mến và trân trọng nhận đây là dòng sông tuổi thơ của anh, nơi mà “Vẻ thôn dã và hoang dại của bờ sông, đồng ruộng, trảng cát, của nắng gió trời cho luôn gợi về môt không gian quê mùa và thanh bình”, hay “Dòng sông quê và buổi chiều đông sẽ ở lại mãi nơi miền ký ức dù đôi chân ta dẫu có đi suốt một đời người cũng không tới tận cùng sông.".

2.
Đúng ra, khi ra đời ở đất biển Nha Trang là cũng gốc quê miềnTrung với Bùi Diệp, nhưng do hoàn cảnh và thời cuộc, bố mẹ tôi bị viên tỉnh trưởng quốc tịch Pháp thời đó ra lịnh tống xuất vĩnh viễn khỏi tỉnh Khánh Hòa, nên mới 2-3 tuổi tôi đã phải theo hai đấng sinh thành tội đồ của mình vào đất Sài Gòn nương thân  - cho đến mãi tận ngày nay. Do vậy, tuổi nhỏ tôi không may mắn như tuổi nhỏ của Bùi Diệp là được có một dòng sông ngay nơi mảnh đất mình ra đời – dòng sông thân thương đóng vai chứng nhân rồi để sau này chiếm luôn một mảng vô cùng lớn trong kho ký ức tuổi nhỏ gồm đầy những nỗi vui buồn, những trò vụng dại, những cảm xúc và ước mơ đầu đời hay chuẩn bị vào đời…
Đến thời 10 – 11 tuổi tôi mới được trở lại đất Nha Trang. Đó là vào các dịp nghỉ hè hằng năm, tôi thường được về cả 2- 3 tháng ở nhà bà dỉ ruột nằm ở thôn Phường Cũi, phía đông Nha Trang xưa, sau này là phường nội thành Phương Sài.
Lãng đãng trong trí nhớ tôi là con sông  Phường Cũi  - một nhánh nhỏ của sông Cái chảy qua cái thôn đông dân lao động, toàn nhà cửa lụp xụp, ngày xưa chỉ được coi là gần như một vạt ngoại ô nghèo nàn của thành phố Nha Trang phồn thịnh. Do chưa có những luật lệ nghiêm nhặt như ngày nay về vệ sinh – môi trường trong khu dân cư nên thời đó trong phường có một vài nhà làm nước mắm, bà con quen gọi là nhà thùng, cứ ung dung tỏa cái mùi khăm khắm của xác cá phân hũy nửa vời trong muối hột vào khắp những lối đi đầy cát hay lát đá xanh trong xóm làng.
Thôn làng bị ô nhiễm môi trường là thế nhưng tôi, cậu bé ngày ấy vẫn có nhiều cảm tình đối với con sông Phường Cũi, dù ở một bên bờ sông từ xa xưa đã có một cái bến cá đầy rác rến và nhầy nhụa bùn sình, quanh năm lai láng nước thải tanh hôi… Sát bên cái bến cá lại có một cây cầu gỗ cũ kỹ, xấu xí bởi được chắp vá bởi đủ loại gỗ mới, cũ hay phế thải. Ngày ngày, bọn tôi cứ quần xà lỏn, đa số ở trần và đi chân không ra cầu chơi, nghịch đủ trò.
Tôi đã thường cùng những đứa trẻ khác mang theo cần câu, mà thú vị nhất là câu cá bóng cát. Đặc biệt khi muốn bắt loại cá này, bọn tôi phải chỏng khu hay nằm mẹp trên mặt sàn cầu, cắm cúi nhìn xuống gầm cầu, đúng hơn là những cây trụ cầu bằng gỗ chìm dưới nước, để cố tìm cho ra những con cá bóng cát bám ở thân trụ. Loài cá có thân mình trắng trong này cứ như dán mình vào cây trụ theo chiều đứng, đầu hướng lên mặt nước, nằm im lìm như ngủ mê, nhưng khi bọn trẻ rê cái lưỡi câu với mồi trùng hay tôm chết đến gần là bập một cái, chúng há họng táp gọn, cứ giật lên là dính, rất hiếm khi sẩy. Bữa nào câu cá được kha khá, bọn tôi làm thêm một trò nữa là lội ra một cái doi cát nhỏ, lau sậy mọc um tùm ở giữa một khúc sông phía dưới Phường Cũi một chút để tìm hái đọt ráng, một loại rau mềm mại, hơi nhớt chút xíu nhưng ngọt ngon cực kỳ. Cá bóng cát đem về cho mấy chị kho tiêu xong xuôi rồi đem đọt ráng luộc ra chấm thì nồi cơm lớn cỡ nào cũng hết sạch bon!
Cũng tại cây cầu gỗ, sau khi tắm sông đả đời, bọn tôi hay đứng hay ngồi thòng chân xuống nước, căng mắt nhìn xuống dòng nước chảy để cố gắng phát hiện một loài cua, còng nhỏ bằng hai đầu ngón tay - tên địa phương là con rạm - trôi dật dờ gần mặt nước, nhiều nhất là vào lúc nước lớn. Rồi những đứa bơi, lặn giỏi nhảy ùm xuống, lặn một hơi là tóm được mấy chú rạm ham rong chơi theo dòng chảy này. Rạm bắt được nhiều thì về nhà đưa các chị ram với chút mỡ để thêm món mặn ăn cơm, còn được ít quá thì quăng trả lại dòng sông.  Bọn nhóc chúng tôi đã chơi trò bắt rạm với đủ thứ cảm xúc háo hức, thích thú, thất vọng, hờn giận … Chỉ vậy thôi nhưng sau này, khi hơi lớn là ngồi lớp đệ tam C, chơi thi văn đoàn, tôi đã nhớ lại những cảm xúc hồi đi bắt rạm ngày ấy, cộng thêm nỗi thất vọng bãng lãng trong mối tình đơn phương buông thả về phía một cô bạn học, tẩn mẩn viết thành một bài thật ngắn, kiểu nửa tùy bút nửa nhật ký mà tôi nghĩ mãi mới ra cái tựa “Như Rạm Trôi Sông”.

3.
Song song với con sông Phường Cũi ở miền quê Nha Trang chỉ chiếm cứ những mùa nghỉ hè các năm đầu trung học của tôi xưa kia, sông cầu Bông ở Sài Gòn, quê hương thứ nhì của tôi, mới là dòng sông ghi dấu cả một thời niên thiếu của tôi.
Những năm đầu thập niên 60, cậu bé dân nhập cư đất Sài Gòn là tôi chỉ nghe nói cầu Bông bắt qua sông – đúng hơn là rạch Thị Nghè ở vùng hạ lưu đổ ra sông Sài Gòn, chứ chưa nghe nói con rạch quanh co này thuộc hệ thống “kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè” như sau năm 1975. Thời đó, do nhà ở đường Trần Quang Khải quận 1, coi như ở giữa khu Đakao -Tân Định nên tôi cùng bọn trẻ hàng xóm mò xuống chơi ở sông cầu Bông (thuộc Đakao) là khá gần. Bọn tôi thường vô cái xóm nhỏ bên sông, có ngõ hẹp dẫn xuống gẩm cầu để lội bãi sình tìm bắt những con cua càng đỏ hay rượt những chú cá thòi lòi. Nghịch phá vậy thôi chứ cả bọn không hề có ý săn bắt hai loài này để đem về ăn.
Do tình hình tốt đẹp thời 1960-70 của sông cầu Bông là nước sông còn sạch, còn có màu trong xanh rõ rệt, chứ chưa hề đen thẳm và hôi hám bởi ô nhiễm nặng như vài năm sau 1975 (chỉ đỡ đen, đỡ hôi hơn từ năm 2012 khi khởi động trạm bơm thu gom nước thải ở lưu vực kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, sau đó đổ ra sông Sài Gòn), nên dân Đa Kao – Tân Định, con nít người lớn gì thời đó nếu thích cũng đều có thể tắm sông thoải mái, tắm giờ giấc nào cũng được mà không hề sợ ngứa da hay sinh ghẻ. Có điều là do sông cầu Bông, Sài Gòn sâu hơn sông Phường Cũi, Nha Trang, mấy đứa biết bơi vừa đủ như tôi ít dám ra giữa dòng, lại càng không dám a dua mấy đứa bơi lặn giỏi, tình cờ thấy ghe máy chở mía chạy ngang cầu là nhảy ùm xuống nước bơi ra thật lẹ, lặn một đỗi đến sát be ghe là trồi lên, êm ái rút vài cây mía rổi bơi sãi vô bờ.
Sau biến cố tháng 4-75, giống như bao người dân Sài Gòn khác, tôi - gã thiếu úy học tập cải tạo về - không thể tránh khỏi đủ loại khó khăn, thăng trầm trong cuộc sống. Một dạo rất bất đắc chí, tôi hay nhậu ở nhà một người bạn cũng SQ học cải tạo về, kiểu nhà nửa nhà sản nửa nhà gỗ dựng ở sát mé nước sông cầu Bông. Trong đám bạn nhậu thường có một anh đã hơn 70 tuổi, tên Robert Hạnh nhưng mọi người cứ gọi tắt “anh Be”, cựu SQ cảnh sát áo trắng, nguyên là một công tử con nhà giàu cố cựu lâu đời ở vùng Đa Kao. Anh Be kể rất rành rẽ, thú vị về lịch sử hình thành và phát triển của vùng Đất Hộ, một tên khác của Đa Kao. Riêng về rạch Thị Nghè chảy bên dưới cầu Bông, anh xác nhận là ngày xưa nước con rạch rất sạch, trong veo và có nhiều cá – tất cả là nhờ nước thủy triều ra vào từ sông Sài Gòn rất thông thoáng và dân còn thưa, có xả rác và nước thải xuống rạch thì cũng còn ít, không đáng kể.
Anh Be kể là hồi còn thanh niên, anh đã cùng vài thằng bạn rất chịu chơi, cùng “diện” quần tắm vải rằn ri, ra đứng trên cầu rồi bắt chước Johnny Weissmuller, tài tử Mỹ điển trai đã thủ vai chính trong các phim về Tarzan ban đầu (thời 1932), hú một tiếng dài rồi lao mình xuống sông, bơi xuôi về cầu Thị Nghè, hướng ra sông Saigon… Tôi đã mê mẩn nghe anh Be kể truyện. Một đàn anh, một người Sài Gòn cố cựu đã cho thấy cùng với lối chơi hào sảng trong giới thanh niên đất Sài Gòn xưa, sông cầu Bông hiền hòa, rồi kênh nước đen đầy tai tiếng Nhiêu Lộc – Thị Nghè xem vậy mà cũng từng dễ yêu và hoành tráng biết bao bởi con rạch nhỏ lại gắn mình vào chuyển động thủy triều mênh mang cùng sông lớn - một nét vẽ màu xanh rất có duyên cho bản địa đồ Sài Gòn.

4.
Người xưa từng thở dài khi nhận ra thời gian luôn qua nhanh, chẳng khác “bóng ngựa non chạy lướt qua cửa sổ”. Thấm thoát đã gần 70 năm trôi qua kể từ lúc tôi được ba mẹ bồng bế, rời bỏ đất quê Nha Trang lánh vào đất Sài Gòn làm dân nhập cư. Vừa qua, vào một lúc an thân tĩnh tại ở đất Sài Gòn đầy bao dung này mà hoài niệm quá khứ, tôi đã bắt gặp câu “Dòng sông thời gian trôi chập chờn trong tâm thức kẻ xa quê là không có tuổi” thật ý nhị của Bùi Diệp. Dòng tản văn thật ngắn này cho thấy nhà thơ đã cảm nhận sâu thấu vào chiều kích thời gian/thời tính “không có tuổi” của những con sông ngọt ngào thương yêu, chất ngất kỷ niệm bởi chúng đã có mặt trong thời thơ ấu mỗi đời người và lặng lẽ trôi chảy mãi trong tâm hồn ta…

PHẠM NGA
(Mùa mưa 2018)