Translate

Libellés

vendredi 20 septembre 2019

Bềnh Bồng Trên Bè ‘Nhà Hàng’ Đực Nhỏ, ký Phạm Nga.

Kính gửi quý anh chị một bài ký của anh Phạm Nga về miền sông nước miền Nam Việt Nam.

Cám ơn anh Phạm Nga ̣đã luôn có những bài ký về ̣đời sông quê nhà.

Caroline Thanh Hương

Tại nước pháp, món huître này được kiểm tra rất kỷ, nhất là dịp gần mùa Giáng Sinh.

Nếu chính phủ phát hiện những con này bị nước nhiễm trùng là không được giấy phép bán đến khi nào qua cơn dịch mới được bày bán tiếp tục.

Đọc thêm những căn bệnh từ loại ốc này tại đây.

Maladie virale de type herpès des huîtres


Phạm Nga
Bềnh Bồng Trên Bè ‘Nhà Hàng’ Đực Nhỏ



Đã chán chê, mệt mỏi vì khói bụi thành phố, mấy bạn Việt kiều đòi thay đổi không khí bằng một chuyến đi chơi xa nên chúng tôi tìm ra miền biển. Ngồi trên xe đi trên quốc lộ 51, còn cách Vũng Tàu 33km có cái ngã ba quẹo phải vào đảo Long Sơn, người ta đã cảm thấy cái vị mặn của gió biển. Từ những ô ruộng muối và những vạt rừng đước ở hai bên đường, đâu đó thoang thoảng mùi nước mắm, mùi gỗ mục, mùi xác cá ủ làm phân… 
 Xe qua cầu Bà Nanh – còn gọi là cầu Long Sơn, đi thêm một quãng nữa thì tôi quả quyết bảo anh tài xế rẻ phải ở một ngã ba. Hẳn là không có gì mới mẻ ở những quán xá khu vực này. Long Sơn Quán, Cây Dừa, Ngọc Ngân, Sơn Thủy - cả bốn quán đặc sản đồ biển ở vùng này thì chúng tôi đã từng ghé thưởng thức, kể cả món gà nướng “độc chiêu” của quán Sơn Thủy. Kỳ này là mò ra bờ sông Rặng, xuống ghe, hướng về cửa biển Cần Giờ. Thời may là chiếc ghe máy “tăng-bo” khách đang đậu ở  bến. Chúng tôi mau mắn bước len lỏi qua những chiếc giỏ, cần xé chất đầy hàu dọc theo chiếc cầu gỗ. Trên con sông nước mặn ngầu đục này, những chiếc bè nuôi thủy sản trôi nổi dập dình giữa dòng nước. Sau khoảng 15 phút ngồi ghe máy, chúng tôi bước lên “Nhà hàng nổi Đực Nhỏ”.
Đúng ra, cái bảng hiệu khá tếu trên chỉ được kẽ nguệch ngoạc cho có trên ca-bin chiếc ghe máy thôi. Dù qui mô lớn gấp mấy lần các chiếc bè khác, anh chủ đen đúa, nhỏ thó đâu có muốn vẽ tên mình trên cái gọi là bè “nhà hàng hải sản” này. Anh Đực kể: “Hồi trước, tui chỉ có hai cái bè nuôi cá mú với hàu ở sát bờ này. Rồi có mấy ông bên Dầu khí Vũng Tàu ra nhậu, thấy khoái nên mới hợp tác. Cái nhà bè đầu tiên do mấy ổng bỏ tiền ra làm, ban đầu chỉ để mấy cán bộ ra ăn chơi, nghỉ ngơi. Rồi mấy ổng bàn với tui mở nhà hàng chui, không treo bảng, để đón khách ngoài, lấy doanh thu…”.
 Hiện nay, liên kết với bè nuôi thủy/hải sản lộ thiên là một chuỗi 4-5 nhà bè khác có mái lá dừa, có vách gỗ lưng lững, và quan trọng hơn hết là có hệ thống điện đóm phát ra từ một máy phát điện chạy bằng dầu Diesel. Ở một đầu của giàn nhà bè lớn nhất và dài nhất, cái bếp tồi tàn của anh Đực đã được cơi nới thành một nhà-bếp-của-nhà-hàng và một phòng vệ sinh đàng hoàng; còn đầu kia là hai phòng nghỉ có giường đôi, quạt máy, ti-vi…
Đáng chú ý là trên bè không có bàn ghế cho kiểu nhà hàng nổi thông thường. Thực khách được phát cho một, hai cái gối để lót ngồi trên mặt sàn gỗ. Mỏi lưng thì đã có những chiếc võng treo sẵn kế bên. Ai thích ngồi bàn thì có thể men theo chiếc cầu khỉ dài chừng 100 mét, bước vào ngôi nhà nhỏ lợp lá đơn sơ, giống kiểu nhà thủy tạ dựng trên bờ một cái đùng nuôi tôm. Ngư dân thường làm đùng ở chỗ nước cạn gần bờ, quây kín lại bằng khuôn bờ bao đắp bằng đất rất kiên cố. Cây đước, cây mắm mọc um tùm, che kín cả bờ bao đùng nhưng vẫn có hệ thống lỗ thông, cho phép nước sông ra vô như ý muốn của chủ đùng.



 Anh Đực cho biết là vào năm 2006, khai trương “nhà hàng”, mặt bằng của giàn nhà bè và “phòng”ăn trên bờ đùng, cộng thêm chỗ ngoài trời là những tấm ván lót ngay trên giàn khung gỗ bè nuôi cá và hàu, đã đủ sức chứa gần 300 thực khách. Trong ngày khai trương ấy, cũng như những ngày thứ bảy, chủ nhật, số lượng nước ngọt dùng cho sinh hoạt, nấu nướng và nước đá phải được ghe máy chở liên tục từ bến ra mới đủ dùng.
 Và cũng giống như kiểu làm bè cá phổ biến, đơn giản của giới ngư dân, tất cả trọng lượng của giàn bè/nhà bè liên kết của anh Đực nổi trên mặt nước nhờ một hệ thống phao là hàng trăm chiếc thùng phi nhựa, đóng nút thật kín và thùng phải chứa khí đá để không bị xọp lại. Giàn nhà nổi còn được neo vào các trụ bê-tông đóng cứng xuống đáy sông để khỏi trôi dạt.
Tôi bỏ chiếc võng, theo chân một cậu “chạy bàn” đi lấy hàng tươi sống giao nhà bếp. Các loại cá, hàu, ốc được rộng trong các ô lưới chìm dưới nước song, tức khỏi cần thổi oxy như kiểu hồ kiếng trong các nhà hàng thủy sản. Chỉ cần kéo lưới lên, thò tay bắt, cân tại chỗ trước mặt khách đặt món…
Nguyên là ở bè nuôi hàu, chỉ thấy một giàn giá khung cây nổi trên mặt nước nhưng từ giàn gỗ này chủ bè sẽ thả những mảnh xi măng xuống nước (có thời dân nuôi hàu dùng tôn fibrô phế thải nhưng bị dư luận cho là hàu có thể nhiễm chất độc hại thôi ra từ loại tôn này nên dần hồi phải từ bỏ tôn fibro). Rồi một điều rất lạ và thú vị là con giống thiên nhiên của loài hàu – nhỏ như hạt bong bóng – trôi nổi trong nước sông sẽ đến bám chặt vào mặt các miếng xi măng, ăn phiêu sinh vật mà lớn lên. Chủ bè không tốn thức ăn nuôi hàu, chỉ cần trông chừng, chờ 12 – 18 tháng là hàu đủ lớn để thu hoạch.


2.
 Trở lại với bữa nhậu tại cái nơi ăn uống chuyên về đặc sản thủy/hải sản này thì một ông bạn sành ăn đã gọi trước tiên là món hàu – cao giá nhất trong các món sò, ốc. Trong khi giá các món ốc, sò khác được tính theo kí-lô (đã bao luôn chế biến, phục vụ) thì hàu con lớn, được đem nướng hay ăn sống, lại rất chãnh: giá tính theo con. Bên ngoài, ở chợ hải sản tươi sống, giá hàu lớn, còn nguyên vỏ chừng 50,000 đồng/kg, còn trên nhà bè này, hàu nướng trét bơ, thơm phức như trên tay tôi giá 25,000 đồng/con và món hàu nướng phi mỡ hành giá 200,000 đồng/dĩa. Đám hàu nhỏ thì chỉ dùng để nấu cháo với nấm bào ngư. 
Tiếp tục danh sách các đặc sản sò, ốc, một khi đã ra tới bè Đực Nhỏ, ít ai thèm gọi thứ bình dân, rẻ tiền, rất dễ thầy ngoài chợ là chem chép, nghêu hến. Lên bè là phải ăn các con ‘đặc sản’ trong vùng, như con phi giá 200,000 đồng/kí rồi nhà bếp sẽ nướng, trét mỡ hành. Hay lạ lùng và đang rất mắc vì khan hiếm là con móng tay (vỏ trong suốt như móng tay, lớn bằng cỡ ngón tay út), giá ở chợ hải sản tươi sống bán khoảng 120,000 đồng/kí, trên bè này thì 200,000đồng/dĩa  tương đương ½ kí con móng tay đem xào hay phi mỡ hành. Thỉnh thoảng trên bè có loại móng tay hiếm, lớn bằng cở 2-3 ngón tay người lớn, gọi là ‘móng tay chúa’, một kí chỉ được 6,7 con mà giá tới 700,000 đồng/kí  Hay con vẹm (còn gọi là bướm tiên), trên bè giá 200,000 đồng/kí, ngoài chợ khoảng 60,000 đồng.



Về các món cá, nổi tiếng đặc sản ngon là cá mú cọp ở vùng biển Bà Rịa -Vũng Tàu, chứ không phải các loại kém ngon hơn là mú xanh, mú đỏ và mú chấm thường thấy ở vùng Nha Trang, thì Đực Nhỏ tính 600,000 đồng đồng/kí tùy con lớn, nhỏ. Trong khi đó, giá cá mú chung chung ngoài chợ khoảng 250,000 – 300,000 đồng/kí.  Cá mú từ 1,1 – 1,2 kí trở xuống lại mắc hơn loại nặng trên 1,2 kí. Lý do: với các nhóm khách phổ biến là 4 - 5 người, gọi một con cá cỡ trên dưới một kí là vừa vặn, ăn không dư cũng không thiếu. Khác với cá dứa, cá bông lau, thường thành món canh chua, cá mú có thể đem chưng tương, hay xắt lát mỏng, ăn sống với sốt Wasabi cay nồng, hoặc hấp bia, hấp hành theo kiểu chế biến cá chẽm. Cũng có vị ngon, béo nổi tiếng là cá nâu (hiếm thấy ở Sàigòn), có thể nấu phớt, nấu ngót cà hay chiên, cuốn bánh tráng rau sống, giá 350,000 đồng/kí,ngoài chợ thì khoảng 120,000 – 160,000 đồng.
 Nhìn chung, dù so với chính những quán hải sản trên đảo Long Sơn hay so với cả vùng Bà Rịa - Vũng Tàu,  giá cả ở “nhà hàng” Đực Nhỏ khá chảnh, đúng nghĩa “giá du lịch”, nhưng bù lại là chất lượng món ăn - nhất là đặc sản hải sản trong vùng, không gian thoáng mát và vài thú giải trí khác.
Như nếu có khách nào thích câu cá ở ngoài khuôn bè, thì nhà bếp sẵn sàng chế biến miển phí mớ cá câu được. Như tại cây cầu khỉ, ngoài những chú cá ngát, hường, tráp, đục… , cả loại cá mắc tiền là cá chẽm và cá nâu rất siêng ăn mồi khi nước sông chảy xiết. Và chính anh chủ bè, ngoài hai thứ sẵn có trong bè là cá mú và hàu, cũng phải mua lại các loại sò ốc khác cùng các loại cá ngon do ngư dân bắt được trên sông bằng lưới, cào, câu, rập…
Hay từ ghe máy buớc lên bè, khách thường bỏ giày dép để tha hồ đi chân không. Nên như thế vì ở các lối đi trên bè có một số tấm ván ghép thô sơ, ít liền lạc, có thể gây khó khăn cho quí bà, quí cô đi giày cao gót. Đi chân không, ngồi xếp bằng trên mặt sàn và dùng tay không để thưởng thức mớ cá nướng, hàu nướng, hay vừa nằm võng vừa xây tua chung rượu thuốc…, mới thấy chuyến đi chơi sông biển này bụi đời mà thoải mái, phóng dật làm sao!
Anh chủ còn sẵn sàng cho khách mượn cây ghi-ta để tha hồ hát quậy om xóm. Đặc biệt có cả cây ghi-ta phím lõm năm dây để những ai thích ca vọng cổ cũng có thể thả sức trỗi giọng mùi mẫn.
Từ bao la trời, nước, gió sông lồng lộng thổi vào mâm nhậu, đến lạnh cả da mặt. Hai bên bờ thì xanh thẩm một màu rừng đước. Nhìn về phía cửa biển Cần Giờ mờ ảo xa xa, có thể nhận ra những giàn đáy hiu quạnh và bất ngờ là một ngôi chùa nhỏ xíu, nhô lên từ một bãi cồn ngay giữa dòng sông Rặng. Anh Đực lại có hai chiếc ghe máy sẵn sàng phục vụ miễn phí cho khách ngao du một vòng sông nước Long Sơn…

PHẠM NGA