Translate

Libellés

mercredi 3 octobre 2018

Cabramatta, những ngày hạ xanh, bài viết của tác giả Phạm Nga ( tiếp theo và hết )

tt

Có niềm vui nào bằng niềm vui khi tìm lại được một chút gì về ta ở một phương trời nào đó.
Một thức ăn, một thức uống, dù đơn giản nhưng khi nó được chia sẻ với bạn bè và hương vị quê nhà nhiều khi chỉ vỏn vẹn trong một "cái nồi ngồi trên cái cốc"???
Mời quý anh chị cùng thưởng thức ly cà phê theo bước chân anh Phạm Nga sang chu du nước Úc.
Cám ơn anh Phạm Nga đã thường xuyên gửi bài và ảnh đính kèm.
Caroline Thanh Hương


 

Cabramatta, những ngày hạ xanh
(tiếp theo+hết)
 Phạm Nga

3.
Chưa đặt chân vào đất Úc tôi đã cảm thấy thật hạnh phúc khi dư biết qua tới bển thế nào bạn bè, nhất là đám văn nghệ – báo chí, cũng đưa mình đến các quán cà phê Việt, không bỏ sót quán nào. Đó là cách bạn bè gặp nhau dễ nhất, gọn nhẹ nhất, trước khi bàn tới chuyện ăn nhậu hay đưa nhau đi chơi, viếng thăm các thắng cảnh, đền đài…
Ở Cabramatta, phải nói là hiếm hoi mới có vài quán cà phê quý giá –  quý theo nghĩa có không khí rất Việt, tức như thể được mặc nhận là chỗ riêng của người Úc gốc Việt cùng du khách Việt Nam nên nghe toàn tiếng Việt. Như Cafe Nhớ ở hẽm 68A  đường John và một quán cùng tên, cùng chủ ở khu Bankstown, hay Quán Xưa và Cafe 86 cũng nằm trên đường John, hoặc Vy Vy Garden Cafe ở Canley Vale Road… Ở những quán này, không khí cà phê thuốc lá quen thuộc như ở Sài Gòn. Cũng những khách quý ông, đa số đã ngoài tuổi trung niên, một số là cựu sĩ quan hay viên chức chế độ cũ hay cựu thuyền nhân vượt biên, kiểu ăn mặc thường khá bụi bậmHọ ngồi nhâm nhi cà phê, chuyện trò rôm rã cùng bạn bè hay lặng thinh, tư lự một mình theo tiếng nhạc Nhật Trường, Khánh Ly… Như thế, cung cách khách uống cà phê ở đây hao hao giống dân ghiền cà phê, ghiền ra quán cà phê ở Sài Gòn.

Về thức uống, cà phê Úc ngon bởi chắc chắn không bị trộn bắp nhưng tiếc một điều là thường rất khó kiếm ra món cà phê pha phin nhỏ giọt mà chỉ có cà phê pha máy, như: espresso (gồm 3 bậc black khác nhau), late (½ sữa ½ cà phê), cappuccino (cà phê pha sữa tươi và bột chocolate). Và thật tiếc nữa, trong khi chính một người Úc, nhà văn/nhà báo/dân du lịch “bụi” Ben Groundwater, trên trang du lịch báo The Sydney Morning Herald đã bình chọn cà phê sữa đá Việt Nam vào hạng 2 trên 10 loại café ngon nhất thế giới, tại quán xá trên đất Úc lại rất khó kiếm ra món uống ấy, tức cà phê đúng kiểu quán xá VN gồm một cốc cà phê phin với sữa đặc-có-đường, nhất định không dùng sữa tươi, cùng một ly đá để sẵn bên cạnh.
Dù sao, có chuyện rất vui là sau này, tại một khu shop Việt ở Inala, thành phố Brisbane (bang Queensland), tôi tình cờ thấy một tấm bảng ghi “Cà phê sữa đá đúng kiểu Việt Nam” nơi một cửa hàng bán đủ thứ đồ giải khát, chủ gốc Việt, bèn mua take away, uống cũng tạm được.
Trở lại với Sydney, biết tính tôi chỉ uống cà phê phin, nên mới ngày thứ nhì tôi đến đây, con gái tôi đã đi shop Việt mua cho một một cái phin inox rất đẹp. Nhưng gia đình con gái tôi và sát bên là anh sui, họ chỉ dùng cà phê hòa tan, tôi đành khẽ lên tiếng về cà phê rang xay. Chuyện nhỏ, đã ở tại Úc thì muốn hàng nội địa như Gloria Jeans, The Coffee Club hay hàng ngoại là Trung Nguyên đều có cả. Và, nói ra thì có vẻ lẩm cẩm, khi được đi thăm bà con, bạn bè ở Brisbane và Melbourne, tôi đều cắp nách theo cái phin và bịch cà phê Trung Nguyên 500 gr. đang uống dở. Làm vậy cho chắc ăn, cũng để các chủ nhà không phải lo liệu gì cho một thói tật riêng của mình.

4.
Có những buổi chiều thời tiết không tốt, bầu trời Cabramatta xám xịt và mưa lâm râm. Có khi tôi vẫn ngoan cố xỏ giày thể thao, nón vải cùng áo khoác nylon, nhất định bước ra đường thả bộ bởi muốn phục hiện một cảm giác dễ chịu  – không thể kiếm ra ở Sài Gòn  – khi đi bộ thể dục ở những công viên vào những sáng trời se lạnh. Và cả cái thú suy tưởng giữa công viên vắng lặng nữa, kể cả vừa giữ nón vừa suy tưởng giữa những cơn gió thổi mạnh, rào rạt thổi tới thổi lui từng chập.
Cũng có một vài buổi chiều khác, thời tiết thật dễ chịu, mát mẻ và khô ráo, anh Thành hay rủ đối ẩm rượu chát ở chỗ sân lộ thiên. Toàn nhãn red wine Úc, khi thì Wolf Blass khi thì Cabernet Chauvingon, đều có vị vừa uống, không quá chát, không quá ngọt và màu  đỏ thật đẹp. Chỉ có kiểu uống của hai bạn già là bụi đời, không đẹp mặt đẹp mày cho lắm vì bỏ ra sân đều giản đơn là những thùng nhựa cũ, loại đựng bình gaz, nay lật úp trên sàn xi măng để làm bàn, ghế kiểu dã chiến cho bữa rượu tri kỷ. Mồi nhậu cũng đơn giản, có khi là bánh snack tôm, đậu phộng, con mực khô, có khi là dĩa salad xúc xích, trộn cả lá bồ công anh. Chủ nhà đã giải thích ngay cho tôi rõ, rằng đây không phải là thứ cây giống như cỏ, có hoa vàng, mọc hoang như tôi đã thấy hoài ngoài đường mà là một loại rau xanh, bảo đảm sạch vì được trồng trong các trang trại rồi vô bao mix với vài loại salad khác khi bán ở các shop.
Chúng tôi nhâm nhi thật chậm rãi, nói đủ thứ chuyện trên đời. Đề tài nào cũng thú vị tuy hay bị ngắt ngang bởi nhảy từ chuyện này sang chuyện khác, hay bởi những lỗ hổng trong trí nhớ tuổi già. Anh Thành nhắc lại nhiều chuyện cũ, kỷ niệm xưa như thời còn đi lính lắm hiểm nguy và may rủi trước 30 tháng 4, thời thiếu đói, ăn độn trong nước, thời mới qua Úc, vất vã đi làm farm…
Có lúc, người bạn già có việc, trở vào nhà hơi lâu. Tôi ngồi một mình, chẳng phiền hà gì tình trạng cô độc bất chợt này, không có chuyện để nói hay nghe thì cứ tha hồ nghĩ ngợi –  đúng hơn là trở lại với những chuỗi cảm nhận chưa hoàn tất về đất nước này.
Buổi chiều mùa hạ êm đềm ở đây là thời khắc kết thúc một ngày bình-thường-như-mọi-ngày ở một đất nước có thành tích tốt nhất thế giới về đời sống cho người dân. Đó là nếp sinh hoạt lành mạnh, tổ chức an sinh xã hội chu đáo, khoa học, hợp lý, bình đẳng. Đối lại thì với dân trí cao, người dân vừa biết cách sử dụng, hưởng thụ vừa có ý thức giữ gìn, bảo quản các tiện ích công cộng. Hàng hóa, đồ tiêu dùng các cấp hạng đều dư dã, dễ tìm và điều tuyệt vời là do nền kinh tế phát triển, phúc lợi xã hội nhiều và dàn đều nên thu nhập của người dân nếu không dư dã thì cũng đủ sống, hoặc đối đế là hưởng các khoản trợ cấp xã hội, để ai nấy ít nhiều đều có khả năng mua sắm, tiêu xài. Môi trường sống lại không bị ô nhiễm ở nhiều mặt, như không khí sạch, nước sạch, ít tiếng ồn…
Cũng ở đất này, đỉnh cao của văn minh nhân loại được thể hiện qua sự tôn trọng con người và nhân vị. Luật lệ và qui đinh trật tự xã hội của nước Úc chuyên tâm phục vụ sao cho tốt nhất, hiệu quả nhất, cũng như tạo nhiều đặc quyền, đặc lợi hợp tình, hợp lý cho trẻ em, người già, phụ nữ, người tàn tật. Cả người đi xe đạp ngoài đường cũng có lối đi dành riêng để khỏi bị xe ô – tô chèn lấn vô tội vạ.
Trên thế giới nói chung, từ xa xưa vốn có kiểu trọng phụ nữ của đàn ông phương Tây mà dân mình vẫn gọi là “nịnh đầm kiểu Tây”. Ngay bữa mới đặt chân xuống phi trường Sydney, khi cùng các hành khách khác đẩy xe hành lý băng qua một con đường nội bộ gần cổng ra, tôi đã chứng kiến một người công nhân da trắng, đã lớn tuổi, vừa tươi cười chạm nhẹ ngón tay vào vành chiếc mũ bảo hộ trên đầu để chào một bà khách, vừa mau mắn bước tới đẩy xe dùm bà này. Và ngoài đường, tình cờ đối mặt nhau trên vỉa hè đi bộ, chẳng quen chẳng biết mà vẫn thường có những người Úc da trắng nói “Good morning!” hay “Good day!” với tôi trước hay cùng lúc tôi chào họ. Còn nữa, ở những nơi công công, chỉ là một va chạm nhẹ do sơ ý trên lối đi, cũng chẳng rõ lỗi mình hay lỗi người ta, người Úc da trắng đã lập tức “Sorry!” cái đã. Còn ở Việt Nam, phép lịch sự  kiểu này vẫn còn là “hàng hiếm”!
Chiều nay, tôi ngồi một mình trong sân nhà, cũng giản dị trên một thùng nhựa cũ lật úp. Xung quanh chỗ tôi ngồi đều vắng lặng. Cả xa xa, sau những đỉnh cây của nhà hàng xóm, từ phía St. Johns Road cũng chỉ mơ hồ vọng về tiếng xe cộ chạy ngoài đường. Không gian vắng lặng, tịnh yên tạo cảm giác gần như mọi sự trong đời sống, ít ra là ở phương trời này, đều an lành, suông sẻ, đâu vào đó – vừa đủ an lành cho mỗi con người cảm nhận được niềm hạnh phúc, chừng mực thôi của đời thường.
PHẠM NGA
(Sài Gòn, tháng 8/2016)

3 commentaires:

  1. Bài Úc du ký sự của anh Phạm Nga rất trung thực chính xác. Nước Úc là vậy, đất rộng người thưa, nơi nào cũng có công viên, cây xanh bóng mát và nhứt là...toilet. Dân Úc rất hiền hỏa thân thiện cởi mở và còn được biết đến là lè phè, thích nhàn nhã, làm ít mà chơi nhiều. Về thời tiết, Sydney còn đỡ, chớ Melbourne một ngày có tới bốn mùa, ra đường cứ phải áo mưa áo lạnh. Biệt danh Úc khùng đã được nghe từ ba mươi tám năm trước lúc còn ở đảo chưa đi định cư.
    Cám ơn tác giả Phạm Nga và cô chủ Blog Hương Xuân.
    NPN


    RépondreSupprimer
  2. Bài Úc du ký sự của anh Phạm Nga rất trung thực chính xác. Nước Úc là vậy, đất rộng người thưa, nơi nào cũng có công viên, cây xanh bóng mát và nhứt là...toilet. Dân Úc rất hiền hòa, thân thiện, cởi mở và còn được biết đến là lè phè, thích nhàn nhã, làm ít mà chơi nhiều. Về thời tiết, Sydney còn đỡ, chớ Melbourne một ngày có tới bốn mùa, ra đường cứ phải áo mưa áo lạnh. Biệt danh “Úc khùng” đã được nghe từ ba mươi tám năm trước lúc còn ở đảo chưa đi định cư.

    Cám ơn tác giả Phạm Nga và cô chủ Blog Hương Xuân.

    NPN

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Cám ơn chị NPN đã đọc bài viết của anh Phạm Nga viết về nước Úc và đã tiếp chuyển đến người thân quen.
      Kính chúc chị luôn an vui.

      CB

      Supprimer