Translate

Libellés

mercredi 8 août 2018

Phạm Nga và truyện ngắn Cô bé, như cơn mưa chợt đến…

tt

Ngày xưa luôn có những câu chuyện học trò đáng buồn cười, vì cô bé nào cũng hãy còn nhỏ và thời gian qua mau.

Tuổi đời qua đi và khi nhớ lại những mối tình bé nhỏ đó, có lẽ nó sẽ làm cho chúng ta thấy đời trẻ trung hơn.

Mời quý anh chị đoc̣ truyện ngắn của anh Phạm Nga để thấy anh ngỡ ngàng khi nhớ lại cái con bé yêu dấu trong mộng đẹp của anh.

Caroline Thanh Hương






            truyện ngắn

                                  

                                               Cô bé, như cơn mưa chợt đến…

             

                       Mưa lớn buổi chiều, vào ngay giờ cao điểm đông xe, đông người trên phố, lại kẹt xe liên tục vì những cái “lô cốt”. Đã chạy giao hàng từ sáng sớm, tôi mệt mỏi tách chiếc honda cánh én cà tàng của mình ra khỏi luồng xe, tấp đại vô một mái hiên. Một chiếc hai bánh khác cũng tấp vô theo và một cặp trai gái hối hả bỏ xe chạy vô đứng cạnh tôi. Đã đỡ ướt át khó chịu, theo thói quen tôi nhìn quanh nhìn quẩn một chút. Thì ra bên cạnh tôi chỉ là hai đứa thiếu niên. Cô bé tuổi khoảng 15 hay 16, mặc bộ đồng phục học sinh một trường quí tộc nào đó vì kiểu váy ca-rô xanh, áo sơ-mi trắng, toàn may bằng hàng mắc tiền, trông rất sang trọng. Cậu con trai cũng trắng trẻo, bảnh bao, và qua cách nói năng, cử chỉ, chắc đây là bạn trai chứ không phải là anh của cô bé. Chợt lòng tôi bồi hồi vì chợt nhận ra gương mặt xinh xắn của cô bé rất giống nhỏ Tiên ngày xưa…

                        Hồi đó, vừa xong cái cử nhân Triết ở tuổi 21, đã nhận sự vụ lịnh đi dạy lớp 12 ở một trường tỉnh lỵ, không hiểu do run rủi nào mà người yêu của tôi lại là một cô bé lớp 10. Có lần cô bé áo dài trắng này, đột ngột như một cơn mưa không hẹn trước, bối rối đến tìm tôi ở trường Văn khoa vì chuyện bị tai nạn… gảy guốc khi đi học về, đã khiến cho mấy cô sinh viên cùng lớp xì xào rằng “bên cao học Triết có cái tên Hùng chuyên môn chơi với con nít”, hay tệ hơn là “cái tên dụ con nít!”. Tôi không thèm phân bua làm gì khi nhớ tới một cô bé khác, tuổi chắc cũng bằng nhỏ Tiên, gặp nhau trong một dạ vũ gia đình toàn dân trường Tây, giữa một bản slow mùi mẫn đã hỏi tôi: “Moa học ở Mari-Cút, lớp mấy hả, sixième thôi, còn toa, lên troisième chưa, trường nào?”. Chắc lúc đó, dưới ánh đèn nhạc dance mờ mờ ảo ảo, cái mặt giáo sư dạy lớp 12 của  tôi trông quá baby nên cô bé lớp 6 trường đầm kia mới nghĩ rằng tôi đang học tới lớp…10 trường tây. Tôi đành an phận làm…baby và dĩ nhiên, không dám thố lộ câu chuyện thiệt là “quê” mặt nam nhi này với nhỏ Tiên. Chỉ có điều an ủi là qua chuyện này, tôi đã tìm ra triết lý mới, rằng trong giao du với phụ nữ ở lứa tuổi thích-ô-mai thì không nên đề cập tới chuyện tuổi tác, lớp liếc gì sốt!

 Bên cạnh đó, một cô bạn dạy lớp 12 ban C, tức là có mấy tiết tâm lý học, đã hoàn thành một công trình nghiên cứu xuất sắc về xu hướng tâm lý “Chuyên môn chơi với con nít”. Rằng đó là những ẩn ức  nội tâm đã hình thành từ quá khứ, rằng thuở bé tôi đã thiếu tình mẫu tử, hay trầm trọng hơn là tôi đã bị có bà mẹ quá nghiêm khắc, cứng cỏi, thậm chí là quá hung dữ, tàn ác,  đã khống chế, dày vò tâm thức trẻ thơ trong tôi cho tới thời kỳ dậy thì, khiến nhân cách tâm lý tôi phát triển không bình thường, rằng là từ trong sâu thẳm của tiềm thức, tôi đã có mặc cảm sợ hãi, đố kỵ đối với mẹ nói riêng và phụ nữ nói chung, rằng đến cuối cùng, khi trưởng thành, trong ý thức của tôi về quan hệ ứng xử cùng quan niệm luyến ái, tôi tránh né mẫu người phụ nữ trưởng thành, cùng vai phải lứa với mình và chỉ hướng về mẫu phụ nữ…bé gái,  đối tượng mà tôi cảm thấy có thể an tâm giao phó tình cảm! Và rằng đây cũng là một trục trặc tâm lý có tính bệnh lý biến thái, vì nếu đã thiếu thốn tình mẫu tử thì đúng ra tôi phải hướng về mẫu đàn-bà-mẹ, đằng này tôi lại hướng về mẫu đàn-bà-trẻ-con?

            Nói cho thật lòng thì hồi đó, tôi không mắc cỡ gì cho lắm đối với cô bạn chuyên gia tâm lý học cùng toàn bộ công trình nghiên cứu rất đáng quan tâm nói trên. Tại sao tôi lại phải lên tiếng thanh minh một khi tình cảm và quan hệ giữa tôi và nhỏ Tiên rất trong sáng? Thỉnh thoảng gặp nhau, có khi ở những quán café nhạc hay tiệm chè cốc-tai, có khi ở thư viện Đắc Lộ hay Trung tâm văn hóa Pháp, thích nhất là ở khu thư viện cũ đường Lê Thánh Tôn, có quán Thằng Bờm và những đêm nhạc Trịnh Công Sơn cùng Khánh Ly… Chỉ có những cái nắm tay, chưa một nụ hôn  đầu đời. Chỉ có thủ thỉ tâm sự, trêu chọc, hờn dỗi, làm lành rồi… hờn dỗi tiếp. Chỉ có những câu hỏi ngây thơ, ngớ ngẩn và những câu trả lời…ba xạo. Cứ thế mà qua đi những ngày mưa ngày nắng ở Sài Gòn, những mùa lá me bay lạc vào tách café ở cái quán cóc đường Nguyễn Du, hay hạt chong chóng cây sao xoay tít khi có gió lớn thổi tới  đường Trần Quang Khải. Nếu là tình yêu thì chắc cũng là kiểu tình yêu hình-như-là-tình-yêu. Trong tình yêu có lẽ không cần quá nhiều phân tích, tổng hợp mà có khi chỉ cần nói theo phim tình cảm Hồng Kông, rằng “Chỉ cần mình cảm thấy vui khi ở bên nhau là được rồi”. Chỉ có điều, như số phận của đại đa số những mối tình đầu đầy vụng về, khờ dại, tôi và nhỏ Tiên đã nghỉ chơi, chia tay sau hai năm thật vui vẻ bên nhau. Tôi lại câm nín, chịu đựng, không thề oán trách “người ta”, vì trước sau tôi có nói lời tỏ tình đâu nào? 

Nhỏ Tiên đã nói là với tôi, nhỏ không cảm thấy vui bằng với một bạn nam sinh cùng lớp đã dạy cho nhỏ tập chơi bóng bàn. Trời ạ, hồi đó tôi 21 tuổi, giáo sư dạy Triết, còn chưa hiểu hết vui – niềm vui, hạnh phúc trong tình yêu - là gì, nói chi  một cô bé 16 như nhỏ? Nhưng chắc rằng cảm nhận của nhỏ rất hồn nhiên, chân thực, cả khi thương tôi lẫn khi không thương tôi nữa.

            Ngày giờ này, tóc đã hoa râm, trí tưởng đã mỏi mòn, tình cờ nhìn cô bé váy đầm xanh kia mà tôi chợt bâng khuâng nhớ tới nhỏ Tiên, nhớ tới chính mình của hồi xưa lãng mạn, lôi thôi, ngờ nghệch, nhớ tới chuyện bị nghỉ chơi vào một ngày cuối năm cận Tết, để nhớ rằng không còn có mùa xuân, không còn có năm mới cho kẻ bị người yêu bỏ rơi. Có điều là hiện giờ, cũng khuôn mặt thiên thần như nhỏ Tiên của tôi ngày xưa nhưng thật tiếc là cô bé kia lại hơi… béo phì.

Thôi, mưa đã dứt rồi kìa, mau mau trở lại với hiện tại cơm-áo-gạo-tiền!

                                                                                                                                         



PHẠM NGA

(Trích tuyển tập ký&truyện THÚ NHỤC DỤC TỦI NHỤC

@ PHẠM NGA, 2007, bìa và phụ bản Roger Mapes & TK, Australia)

                                                                                                     

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire