Kính gửi quý anh chị bài tản văn của anh Phạm Nga.
Cám ơn anh Phạm Nga đã gửi cho tôi những bài anh đã viết.
Đọc bài tản văn của anh làm tôi nhớ đến một người bạn cùng trường với các con tôi năm chúng cũng ở lứa tuổi mười mấy.
Cậu ấm này cũng ghi tên vào hội hướng đạo với các con của tôi, nhưng mỗi lần cắm trại cuối tuần về là cậu nhờ cha mẹ năn nỉ tôi viết một lá thư cho thầy giáo xin phép nghỉ bệnh một ngày để lấy lại sức.
Nhóm nữ hướng đạo, tuy sức lực không bằng nhóm nam, nhưng cũng tham gia leo núi, khuân hành lý không thua ai, nhưng không bở như bún riêu... Đến chỗ cắm trại lại, họ còn bày trò chơi với nhau, không rút mình trốn như cậu ấm này.
Thật là một thời gian khó quên vì được xiết chặt tình thân và rèn luyện bản thân. tình cảm đó vẫn còn kéo dài đến hôm nay.
Caroline Thanh Hương
Linh, 17 tuổi, học lớp 11, sức khỏe rất tốt, hơi béo phì, nước da trắng trẻo như con gái. Là con trai thứ của một doanh nhân phát đạt, cậu ‘công tử bột’ này chỉ quen sinh hoạt trong căn biệt thự của bố mẹ, vừa rộng lớn vừa dư dả tiện nghi. Hằng ngày, ngoài giờ đến trường hay đi chơi, cậu thường tự nhốt mình trong căn phòng riêng có gắn máy điều hòa không khí. Được bố mẹ nuông chìu gần như muốn-gì-được-nấy, Linh được sắm riêng laptop, Epad… cùng bộ thiết bị chơi game trọn gói mạnh nhất cho tật mê chơi game của thiếu gia nhà mình.
Phải nói, từ nhỏ đến giờ ngoài những dịp đi du lịch đây đó cùng bố mẹ, chưa lần nào Linh đi chơi dã ngoại mà không có bố mẹ, anh em bên cạnh. Do đó, khi nhóm bạn trong lớp rủ đi cắm trại 2 ngày 1 đêm tại một ngôi chùa nằm ở vùng ngoại ô, Linh rất do dự, nhưng sau cùng cũng miễn cưỡng nhận lời. Chẳng qua là cái tật ham vui, ham bạn bè trong Linh đã khiến cậu tưởng tượng rất nhanh đến viễn ảnh vài ngày tới đây mình sẽ rơi vào tình cảnh đơn độc rất là buồn. Bữa đó tụi nó rủ nhau đi cắm trại hết, mình không đi thì ở lại chèo queo, biết chơi với ai, mà tới 2 ngày 1 đêm nữa chớ! Và cũng chính bản chất ham vui, ham đám đông đã giúp cậu tự gạt bỏ thói quen thích an ổn, tĩnh tại. Và cậu thầm nghĩ mình cứ thử ra ngoài nắng ngoài gió một lần xem sao. Như làm một chuyến “giang hồ bụi bậm” vậy mà!
2.
Đó là một thứ bảy cuối tuần. Linh cùng các bạn đi theo một nhóm Phật tử đến thăm hỏi, tặng quà cho các cụ già được nuôi dưỡng ở nhà dưỡng lão thuộc một ngôi chùa nằm bên bờ sông Sài Gòn. Sân vườn nhà chùa rất rộng và có cả một khu ươm, trồng các loại thảo dược.Vườn thuốc nam này đang hoang tàn vì bị bỏ phế đã khá lâu và nhóm Phật tử đã ghi thêm vào chương trình thăm nhà dưỡng lão những công việc làm cỏ, dọn cây dại, bón phân… cho vườn thuốc.
Thế là cánh trẻ - một nhóm chừng 10 cô cậu tuổi teen’s – đảm nhận công trình dọn dẹp, chăm sóc vườn thuốc nam tại chùa trong 2 ngày, nhân tiện cắm trại, chơi lửa trại và nghỉ đêm trong sân vườn nhà chùa, phía sát bờ sông.
Do từ lâu không được chăm sóc, vườn thuốc nam bị cỏ dại, bụi cây dại mọc chen um tùm, lá rụng từ cây cối xung quanh lâu ngày tạo thành cả một thảm cỏ mục, muốn lấp mất cả gốc các cây thuốc. Nhóm bạn trẻ chia nhau làm đủ thứ việc, từ hốt dọn cành lá, cuốc dọn cỏ đến đào hố chôn lá mục, chặt bụi cây dại, vun gốc cây thuốc, kéo nước tưới… Linh mệt nhoài vì xưa nay không hề quen làm việc chân tay, nay rất đáng khen là gần cả một ngày nắng nôi, ‘cậu công tử bột’ rất cố gắng làm việc cho bằng với các bạn mình. Linh nhễ nhại mồ hôi, quần quật ngoài nắng, nhoài mình vào đất cát thật sự chứ không hề tìm cách lánh vào chỗ mát. Nội cái việc gom, ôm những bụi cây dại đem đến cuối vườn, gom đống chờ đốt… cũng đủ làm cho quần áo Linh lấm lem và hai cánh tay bị xước, rướm máu vài chỗ.
Chiều tà, trời đã tắt nắng, cả đám con trai nằm dài ra bãi cỏ. Vì đều mệt và lười nên chẳng tên nào lo đi tắm rửa cho sạch bụi đất, mồ hôi trên người, dù bữa cơm tối còn hơi lâu mới được đám con gái dọn ra. Trước đó, cả bọn đã nhất trí là bọn con gái phải đi chợ và nấu nướng xong xả với nồi niêu mang theo, không nên mượn nồi niêu chỉ dùng để nấu cơm chay của nhà chùa.
Chẳng cần thứ gì làm gối kê đầu, bọn con trai nằm dài trên cỏ, tiếng trò chuyện thưa thớt dần rồi nín bặt. Có lẽ do mệt, làm biếng nói năng, cũng có thể do bận ngắm bầu trời sẫm tối đã có vài ngôi sao mọc mờ mờ. Riêng Linh thì nghĩ ngợi mông lung...
3.
Mấy ngày trước, Linh đã hình dung ra một khi dự chuyến trại dã ngoại này, chưa biết cái phần ‘đi chơi’, ‘đi vãng cảnh chùa’ có vui vẻ hay ho gì không, chớ cái phần mình phải cùng mấy đứa nó phải dọn cái vườn thuốc nam, tức làm việc chân tay, thì chắc chắn sẽ mệt, sẽ khổ thôi! Và đâu phải chỉ có chuyện lao-động-chân tay cả ngày ở nơi đồng quê ấy, đêm đến khi đi ngủ thì Trời ạ, mình phải ngủ trong lều vải bạt dựng trên bãi cỏ ngoài trời, chớ nào phải ở phòng có gắn máy điều hòa không khí cùng máy hút bụi, máy đuổi côn trùng… như phòng riêng của mình ở nhà, càng không phải là phòng khách sạn 4-5 sao đầy đủ tiện nghi như khi đi du lịch cùng ba mẹ!
Cậu ‘công tử bột’ con nhà giàu thảng thốt ngay, tự cho rằng chắc chắn mình sẽ rất khổ vì cái nơi chán-muốn-chết này, bởi ở đây mình thiếu vắng các máy móc, điện tử… quen thuộc như ở nhà đã đành, đằng này điều khổ sở ngặt nghèo nhất là cái chùa ở vùng ngoại ô kia làm sao có mạng internet, mà không có wifi thì làm sao chơi game online trên điện thoại?
Linh cũng đã không hề tin là, ở cái sân vườn nhà chùa buồn thiu kia mình có thể chịu nỗi gió bụi, côn trùng hay chấp nhận nỗi nước giếng, nước sống không được nấu chín hay khử trùng.v.v…
Nói chung, cậu ‘công tử bột’ cho là khi người ta sống gần gũi thiên nhiên, mọi thứ sẽ đều tồi tệ vì mất vệ sinh, kém an toàn. Cậu còn tin rằng do mình không thể giống như đám con nhà nghèo - tụi nó đã quen sống “lăn chai” bụi đất từ tấm bé, nên khi có mặt trong chuyến dã ngoại này chắc là mình sẽ không khỏi biến thành miếng mồi ngon của đủ loại côn trùng và vi trùng.
Chưa ra nắng bụi, chưa bị kiến cắn hay sâu chích, cũng chưa bị tiêu chảy vì uống nước sống nhưng cậu công tử con nhà giàu đã sớm biến mình thành nạn nhân của tâm lý “sợ thiên nhiên hoang dã” xuất phát từ chính cậu.
Kết cuộc là, như một kẻ khờ khạo lỡ nhắm-mắt-đưa-chân theo bạn bè, Linh không dấu được vẻ lo lắng, cứ tưởng tượng bi quan này nọ trong suốt thời gian ngồi xe rời nội thành ra vùng ngoại ô, hướng về địa điểm dã ngoại…
4.
Thế rồi, dưới ánh nắng trời hôm nay được cái là không gay gắt lắm, tại khu vườn thuốc nam trong khuôn viên nhà chùa, giữa đám bạn bè cùng trang lứa vừa rộn ràng làm việc vừa cười nói om xòm, nơi-hoang-dã đã từ từ đến êm re với cậu công tử con nhà giàu.
Đúng ra, từ thuở bé, cây cỏ thiên nhiên không xa lạ gì với Linh vì ít ra, qua các chuyến đi chơi, du lịch các nơi, cậu cũng đã từng nhiều lần đi ngang qua các cánh đồng miền Tây, vườn tược miền Đông, bãi biển miền Trung, thác suối Đà Lạt…, Nay, ở cái lần phải nói là lần đầu tiên tiếp cận trực tiếp với thực tế cây cỏ thiên nhiên, cậu con trai mới giây phút trước còn nhất định tự cho mình là nạn nhân thảm hại của thế giới hoang dã, nhưng lần hồi cậu đã khá nhanh chóng nhận ra là thiên nhiên hoang dã - từ mùi đất ướt át hay cục sỏi khô khốc, màu lá cây ăn trái xanh tươi hay màu cỏ dại úa tàn… - , thực tế đâu có gì là thù địch với cư dân phòng máy lạnh như cậu.
Trong buổi làm việc, một thằng bạn thân con nhà nghèo – tức sẽ không có cái chất nhớt “công tử bột” như Linh - còn khuyến khích tên bạn nhà giàu bỏ dép đi chân không trên cỏ, cứ làm lơ đi những gai nhọn, miểng chai, con sâu, con kiến.v.v…, dù cho những thứ này không mơ hồ chút nào mà hoàn toàn có thật trong thiên nhiên.
Kỳ diệu thay, đúng như thằng bạn đã bảo Linh hãy lắng nghe, những lá cỏ dưới chân cậu chợt khẽ lên tiếng, khuyến khích làn da chân nhút nhát kia hãy thoái mái tiếp xúc với mặt đất thiên nhiên, chứ không phải nền xi măng nhân tạo.
Giờ này, nằm dài trên cỏ, Linh nghe ngóng thân thể mình. Tay chân có mỏi và vài chỗ bị xước, lưng có hơi ê ẩm, nhưng nhìn chung, mọi việc đều tốt. Hay nhất là tấm lưng con nhà giàu chỉ quen với nệm êm chăn ấm, nay nằm dài ra mặt đất, dưới lưng chỉ có lá cỏ làm nệm, tưởng sẽ khổ sở, khó chịu lắm nhưng lại cũng OK.
Trước đây, cũng vì có tố chất cá nhân nhạy cảm cộng với sự dễ thụ cảm cái lạ của tuổi teen’s, ngoài chuyện đã từng bị ma túy quyến rũ – may là chỉ trong thời gian ngắn là gia đình đã kịp thời chữa trị và ngăn chặn, Linh còn rất nhạy và phải nói là nô lệ những mùi thơm nhân tạo, từ mùi xà bông tắm hay kem đánh răng, cho đến mùi kem dưỡng da, hương xịt phòng… Đáng nhớ nhất hồi mới 13-14 tuổi, không rõ đọc được ở đâu mà cậu nhóc này đã lén cha mẹ ra tiệm thuốc tây mua về xài một loại nước thơm, mà đúng hơn hết là quý bà quý cô mới dùng khi cần làm sạch da mặt, tẩy trang hay xoa, vuốt sau khi làm massage mặt, cổ - được gọi là nước hoa hồng (tiếng Pháp là eau de rose), mùi hơi hắc nhưng vẫn thơm nhẹ. Đến tay cậu nhóc ‘công tử bột’ thì nước hoa hồng được dùng để xoa lên mặt sau khi nặn mụn.
Và khi đi du lịch với gia đình, cậu mình luôn luôn siêng năng, lễ mễ đem theo trong hành lý cả lô hủ, ống, chai... lớn nhỏ những thứ ‘thơm thơm’ nói trên, càng nhiều thứ càng tốt!
Bên cạnh đó, Linh rất dị ứng với mùi mồ hôi của người khác, bởi phải nói là ngay đối với chính mình, một khi đã thường trực “tự vũ trang” cả đống thứ tạo mùi thơm trong sinh hoạt và vệ sinh cá nhân, chẳng bao giờ cậu để thân thể mình bốc mùi dù chỉ thoáng qua cả.
Giờ đây, cả bọn con trai đã hăng say làm việc chân tay gần cả ngày tròn ngoài nắng gió và chưa đứa nào đi tắm nên quần áo đều ẩm mồ hôi, bẩn thỉu đất cát …, nên mình mẫy đứa nào cũng bốc mùi. Vậy mà Linh chợt nhận ra là nảy giờ mình đã không hề khó chịu hay dị ứng bởi cả hai thứ, một là mùi mồ hôi của bạn bè, hai là mùi mồ hôi của chính thân thể cậu.
5.
Trong đêm đầu tiên trong đời được sống dã ngoại, ngủ trong lều căng ngoài trời - tức ngủ dưới đất ấy, kỳ diệu là Linh không hề trăn trở, mất ngủ như cậu đã tưởng tượng trước thế nào mình cũng làm sao mà ngủ được!. Trái lại, một cơn mưa nhỏ tạo ra tiếng vỗ rì rầm trên mái lều, nghe thật êm đềm như bài hát ru trẻ thơ, đã dẫn thần trí Linh bay bổng lên bầu trời đêm đầy sao. Vốn một phần do đã mệt mỏi sau một ngày lao động ra trò thật hiếm hoi trong đời, Linh thiếp dần. Giấc ngủ đã đến thật êm ả, ngọt ngào…
P.N.
(trích truyện kỳ ảo NHỎ NINA VÀ NHỮNG BÓNG QUẾ, PhamNga 2024)