Trong vài năm gần đây, có rất nhiều truyện ngắn viết giản dị, đọc hay nghe đọc thật hay.
Những truyện ngắn này cảm được lòng khán thính giả vì cái triết lý sống của tác giả gửi gắm qua tâm tình những nhân vật trong truyện của mình.
Triết lý đó là gì, rất giản dị khi chúng ta biết nghỉ đến nó, biết trân quý những gì chúng ta có được ngày hôm nay và vì chúng ta đã đi qua bao chặng đường chông gai, nghèo đói, cùng cực vì sống thế thời phải thế.
Vào trang audio book của chú Huỳnh Chiếu Đẳng thực hiện và nghe đọc mải mê những tuyển tập truyện của chú post nơi này, dỹ nhiên là phải có thì giờ mới nghe hết được những bộ truyện dài, ngắn nơi đó.
Tôi cứ nghe những tiểu thuyết được đọc trong đó và khi nghe gần hết thì nói cho chú Huỳnh Chiếu Đẳng để chú biết mà bỏ thêm vào.
Thích thú nhất, có lẽ là bộ truyện của tác giả Tràm Cà Mau.
Tác giả lúc nào viết cũng có hậu, có cái tâm lúc nào cũng muốn giúp đỡ người đến sau.
Từ chuyện vợ chồng, chuyện con cái, dâu, rể, chuyện công ăn, việc làm và chuyện khi đổi đời, chuyện miệt vườn hay chuyện thành thị...
Và đến cái tuổi chẳng còn gì mà chưa biết thì tác giả cũng cố hướng dẩn cho chúng ta biết an hưởng cái tuổi già và thời gian còn lại.
Hạnh phúc ở đâu, nếu chúng ta không chịu mở mắt ra mà nhìn thì sẽ thấy nó ngay dưới mắt mình, ngay trong cuộc sống hằng ngày với những người kề cận quanh ta.
Người ta sinh ra với hai bàn tay trắng và dù chúng ta có làm nên tài sản, giàu có đến đâu đi nữa, cuối cùng rồi cũng sẽ ra đi trắng tay.
Thiên đàng ở nơi nào, nào ai biết mà đi tìm, trong khi thiên đàng là ở nơi chúng ta đang hít thở cái không khí tự do, đang ăn sao cho hết, ở sao cho hết những căn nhà mà nơi xứ mình có người mãn đời chưa bao giờ dám mơ ước.
Xin được phép trích ra đây một câu truyện ngắn trong nhiều câu truyện khác của Tràm Cà Mau.
Giọng đọc Nguyên Hà cho những truỵên của Tràm Cà Mau nghe thật hay và thật rõ ràng.
Chân thành cám ơn tác giả và chú Huỳnh Chiếu Đẳng.
Caroline Thanh Hương
và truyện Mặc Áo Diêm Vương.
Mặc áo Diêm Vương
Nhằm lúc vợ con đi thăm người chị ở tiểu
bang xa, tôi xin sở nghỉ phép một tuần. Nằm nhà đọc sách, an dưỡng tinh
thần trong thanh vắng. Chỉ một mình tôi ở nhà, tự nấu ăn, tự lo liệu
lấy.
Một buổi chiều, có lẽ vì đọc sách nhiều, tôi
cảm thấy hơi nhức đầu, mở tủ thuốc lấy một viên thuốc uống. Nhưng vừa
uống xong chừng mười phút, thì tôi nổi cơn nóng lạnh. Toàn thân lạnh
ngắt, da bụng run bần bật như máy rung với tần số thấp, đầu óc như có
nước đá tẩm đông cứng. Tôi trùm mền điện vặn số nóng nhất, nhưng cũng
không làm sao dịu được cơn buốt giá. Tôi cố gắng cầm cự với cơn lạnh.
Khi đã quá mệt trong cuộc chiến đấu chống lại
cơn lạnh lẽo, thì tôi thiếp đi trong một giấc ngủ nặng nề. Lúc trời đã
về khuya, tôi tỉnh dậy loạng quạng vịn giường lần vào phòng tắm để đi
tiểu. Vừa xả xong thứ nước dư thừa trong thân thể, thì tôi không còn
biết gì nữa, mất thăng bằng, lăn ra bất tỉnh. Trong một thoáng rất mau,
tôi không còn thấy đau đớn khó chịu nữa.
Như trong mộng, nhưng rõ ràng hơn, tôi thấy lại
tất cả quá khứ của đời tôi, giống một cuốn phim, chiếu lại từ đầu đến
cuối. Từ lúc mới lọt lòng khóc oe oe, nằm trên tay mẹ, bú mớm, rồi lớn
lên, thời tiểu học, trung học, đại học, thời bước chân vào đời, khi mới
biết yêu đương, những kỷ niệm vui buồn, đau khổ, sung sướng, những việc
làm xấu tốt trong đời, những ngày bôn ba chạy tìm đường trốn ra ngoại
quốc, những ngày lênh đênh gần chết khát trên biển cả, những ngày đầu
lang thang giữa đất lạ quê người, đầy đủ không thiếu một giai đoạn nào.
Cho đến những hình ảnh cuối cùng, khi uống thuốc, bị cơn lạnh hành, vào
cầu tiêu và té nằm bên bể tắm, đầu kê trên tấm thảm chà chân.
Tôi thấy rõ ràng tấm thân của tôi đó, nhưng hình như linh hồn và thể
xác không còn dính liền chặt chẽ nữa. Rồi bỗng có tiếng động nhẹ ở cánh
cửa thông gió của nhà cầu, tôi thấy hai người chui qua cửa, mang toàn đồ
đen, trên đầu có sừng cong như sừng trâu, mặt mày dữ dằn, khó coi, thở
ra khói mỏng mầu trắng, tay cầm đinh ba làm vũ khí. Hai người nắm hai
tay tôi, kéo bừa băng qua khung cửa sổ, như bay là là trên mặt đất. Vừa
ra khỏi cửa, thì có tiếng nhạc thoảng êm đềm, có mùi thơm đâu đó vọng
lại.
Rồi bỗng có hai người mang áo trắng, vai có cánh như chim, từ trời hạ
xuống. Hai người mặc áo trắng này, mặt mày đều đặn, hiền hậu, ánh mắt
dịu dàng, mỗi người nắm lấy một tay tôi kéo đi. Tôi bị giằng co giữa hai
phe áo đen và áo trắng, kéo qua kéo lại không bên nào chịu thua, như họ
đang tranh giành tôi. Bàn tay của hai gã áo đen nắm tôi đau điếng, như
muốn bóp tan nát thịt xương, nhưng hai người áo trắng thì tay mát mẻ, êm
ái, dịu dàng, song không phải vì vậy mà yếu thế trong cuộc giằng co.
Tôi nghiệm ra, nếu sự việc này kéo dài, thì chẳng có bên nào thắng
bại, chỉ làm cho tôi càng khó chịu thêm, đau đớn thêm mà thôi. Tôi hỏi
nho nhỏ, các ông là ai, tại sao lôi kéo tôi làm chi vậy, sao không dùng
lời hơn lẽ thiệt mà nói chuyện, việc chi phải dùng sức mạnh, tranh chấp
nhau, chỉ có khổ cho tôi. Hai người áo đen cho biết, họ là quỉ ở địa
ngục, được lệnh bắt tôi về cho Diêm Vương phán xét, đền tội lỗi đã phạm
khi đang sống ở trần gian. Hai người áo trắng bảo rằng, họ là thiên
thần, xuống dẫn lối cho tôi về thiên đường hưởng đời cực lạc.
Tôi thầm nghĩ rằng, đấng tối cao vô cùng sáng suốt, soi rọi đến mọi
vật mọi loài, chắc có sự lầm lẫn nào đây trong việc thi hành mệnh lệnh.
Bởi vậy cho nên có cuộc giằng co giữa quỉ sứ và thiên thần để dành lấy
linh hồn tôi. Tôi tự xét mình, khi sống ở trần gian cũng đã phạm nhiều
tội, thì có lẽ hai ông thiên thần trong trắng quá, nhìn lầm tôi với
người khác chăng. Tôi cũng ham được về thiên đường, ở đó đời đời vui
thú, tôi cũng sợ về địa ngục, bị xét xử và hành tội đau đớn. Tôi nhẹ
nhàng trình bày với các vị thiên thần rằng, có tội hay không, thì không
thể lọt qua lưới trời, và sự phán xét của đấng tối cao vô cùng phân
minh. Bây giờ giằng co mãi cũng chẳng đi đến đâu, thôi thì hãy để các
ông quỉ sứ này đưa tôi về địa ngục trước, nếu tôi được xét là vô tội thì
xin hai vị về dẫn đường sau cũng không muộn. Nếu được đưa về trời
trước, mà sau khi xét xử lại, thấy có sự lầm lẫn, đuổi tôi xuống địa
ngục thì ê mặt xấu hổ, và khi đó đã lỡ biết thiên đường rồi, chỉ thêm
khổ tâm mà thôi.Hai vị thiên thần áo trắng thoáng hiện nét buồn trong
ánh mắt, thở dài, bảo rằng, thôi cũng được, ta chỉ sợ sau này người ân
hận không kịp đó thôi. Thiên thần buông tôi ra, và như hai vệt khói, bay
khuất vào chân trời.
Tôi đi theo cuộc dẫn độ của quỷ sứ, gió lạnh về đêm xuyên qua thân
thể tôi như dao cắt. Đi qua một vùng tối đen mù mịt không thấy cảnh vật,
rồi ánh sáng tỏ dần. Ngang qua một con sông có chó ngao, đang cắn giằng
xé xác người, miệng đàn chó đỏ ròng ròng máu me, những người bị hành
hình kêu khóc vang dậy, làm tôi lạnh ớn óc. Họ đẩy tôi đi qua cây cầu
bắc bằng một thanh gỗ tròn nhỏ, lắc lư, thanh gỗ trơn như bôi mỡ. Tôi
chao mình, nhiều lần cố giữ cho khỏi ngã xuống sông, mà bên dưới chó
ngao đang cắn xé người có tội.
Tôi quay lại hỏi hai ông quỷ sứ rằng, làm khó nhau mà chi ? Nếu có
tội thì sau khi xét xử, đem ra hành hình, việc chi bắt tôi đi trên cây
cầu khó khăn này. Hai ông quỷ sứ im lặng không nói. Tôi lại hỏi, ở dưới
này chắc cũng không thiếu gì kỹ sư công chánh, sao không kêu họ làm lại
cây cầu khác, tiện nghi hơn, đi lại dễ dàng hơn. Những người bị dẫn độ
như tôi, đang đi đông lắm, và nhìn tôi bằng con mắt ngạc nhiên như ngầm
bảo tôi sắp bị hành hình mà còn hỏi lôi thôi.
Đi qua một đoạn khác, thấy một cánh đồng rộng lớn, chông mọc tua tủa
cao đến nửa ống chân, hàng trăm ngàn người đang nhẩy bàn chông. Cứ co
chân này lên, thì đạp chân kia xuống, đau quá chịu không nổi, phải vội
co lên lại, và chân kia đạp xuống, cứ thế co lên đạp xuống, máu me ròng
ròng. Dưới mặt bàn chông là thép nóng lửa đỏ, khói da thịt cháy kêu xèo
xèo. Khiếp quá, tôi muốn nhắm mắt lại không dám nhìn, nhưng một hình ảnh
làm tôi chú ý, một ông già đội nón cối, râu ba chòm, trên túi áo có đeo
ngôi sao vàng, đang nhẩy bàn chông, nhảy mau hơn ai hết, và bên cạnh
ông, cũng những người ăn mặc tương tự, đang cãi nhau, chửi nhau ầm ĩ
bằng những lời thô tục bẩn thỉu nhất. Thỉnh thoảng tụi đầu trâu mặt ngựa
đứng bên ngoài, cầm roi gai quất túi bụi vào đầu, vào mặt cả bọn, máu
me tuôn dầm dề.
Gặp lại cố nhân
Ông già râu ba chòm rất quen, tôi sực nhớ hình ảnh ông treo cùng khắp
xóm làng, những nơi công cộng. Tuy trong lòng chán ghét và ghê tởm ông
lão, nhưng tôi cũng thấy bất nhẫn. Đám người đội nón cối cùng chịu cực
hình quanh ông già đều quen mặt cả. Tôi cúi đầu đi, thấy vạc dầu sôi
sùng sục, vạc dầu to lớn bằng cả năm bẩy cái sân vận động cộng lại.
Dầu đang sôi, bên trong hàng ngàn người la hét kêu gào vì nóng bỏng.
Da thịt bỏng lột, có đoạn trơ xương. Những người này mặt mày lem luốc,
lồi mắt, miệng vỡ, tôi khó mà nhìn ra có ai quen biết. Quỷ đầu trâu mặt
ngựa cho tôi biết sau thời gian nhẩy bàn chông, sẽ được đưa qua tắm vạc
dầu, và sẽ đưa đi nơi khác chịu cực hình, tùy theo tội nặng nhẹ.
Đến một đoạn khác, tôi thấy một ông mày rậm râu thép, tóc chải ngược
vuốt ra đằng sau, đang bị trói ké theo một thế quỳ mặt ngửng lên trời.
Hai con quỷ đang múc từng gầu nước thép chảy màu hồng đổ vào miệng ông,
khói lên nghi ngút. Nước kim loại chảy ra từ hậu môn tội nhân thành từng
vũng lớn, được thu lại đổ vào nồi nấu sôi. Tôi nhớ ra ông này có hình
tượng nhiều nhất ở nước Nga. Đã một thời làm điêu đứng hàng triệu người.
Đã đầy hàng triệu dân Nga đi Tây Bá Lợi Á, đã thủ tiêu nhiều chục triệu
người mà ông ta nghi ngờ. Dù chẳng cảm tình chi với ông già tàn bạo
kia, nhưng tôi cũng cảm thấy đau đớn trong lòng.
Qua một nơi khác tôi thấy một ông Á đông, mắt sụp, mập mạp, đang nằm
trên một cái thớt gỗ lớn, tôi nhận ra ông Mao ngay. Ông này đã viết cuốn
Hồng Thư hay gì gì đó, và đã cai trị cả tỷ người. Một bầy quỷ cầm đại
đao quanh cái thớt, hô một tiếng lớn, chúng nó đồng loạt nhẩy vào băm
vằm tội nhân nát nhừ, đến khi thịt xương nhỏ nát như chả băm , thành một
đống như đất sét. Tôi nghĩ ông này may mắn, vằm nát một lần rồi thôi,
không phải chịu cực hình lập lại như mấy ông kia. Nhưng không, con quỷ
đầu đàn đưa hai tay lên cao niệm thần chú, thân hình tội nhân từ từ hồi
phục lại vóc dáng cũ. Chờ đến lúc tội nhân mở mắt nhìn đám quỷ với tất
cả sợ hãi, thì tiếng thét lớn, lũ quỷ lại nhảy vào băm vằm. Tôi không
hiểu lũ quỷ này thích thú gì với trò chơi dã man như thế. Tên quỷ áp
giải tôi nói rằng, ông cụ Mao kia phải chịu băm thây hàng triệu lần. Ở
thế gian ông giết bao nhiêu người thì ở đây ông chịu bấy nhiêu lần băm
thây.
Bên góc phải, một ông tóc vàng mắt xanh, râu cứt mũi, bị lũ quỷ cầm
kềm rứt từng miếng da, từng miếng thịt, cho đến khi chỉ còn bộ xương.
Quỷ lấy kềm kẹp xương vỡ rôm-rốp, cả cái đầu cũng vỡ, tan nát vì bị búa
tạ nện. Sau đó, được hóa phép lại toàn thây, rồi kềm kẹp lóc da tiếp.
Quỷ địa ngục cho biết, ông này gây nên thế giới đại chiến lần thứ hai,
đã sáu mươi năm qua, mới chịu có ba cực hình. Còn chịu cả ngàn cực hình
khác nữa.
Quỷ dẫn tôi tiếp tục đi. Tôi thấy những cực hình khủng khiếp, những
lò lửa nóng đỏ hừng hực (có lẽ là hỏa ngục), hàng ngàn người lăn lộn
trong đó. Tôi nhận diện được một số người, gồm cả những danh tướng thế
giới, những người mà ở trần gian gọi là vĩ nhân, những tỷ phú, những
thương gia, luật sư, đủ cả các thành phần của xã hội.
Tôi hỏi quỷ dẫn độ rằng tại sao những vị danh tướng cũng bị hành tội
nơi đây? Ông quỷ bảo rằng, làm tướng là giết người nhiều hơn ai cả. Giết
người ở thế gian mà còn được ca ngợi, giết đối phương, giết quân của
chính họ. Đi tới nữa, tôi thấy cả Nã Phá Luân, Alexander, Thành Cát Tư
Hãn.
Tôi ngạc nhiên, quỷ sứ cho tôi biết có những kẻ phải đời đời chịu
tội. Năm ba ngàn năm chịu cực hình đâu đã thấm gì. Bây giờ thì tôi bắt
đầu thực sự run sợ, và ân hận đã nói với thiên thần là tôi theo quỷ sứ
về địa ngục trước. Thôi thì lỡ rồi ! Tôi tự trách mình ngu dại. Quỷ sứ
dẫn tôi đi qua hàng ngàn nơi, có hàng ngàn thứ cực hình dã man mà đầu óc
tôi có tài ba đến đâu cũng không thể tưởng tượng được .
Điếc không sợ súng
Khi quỷ sứ dẫn tôi đến gặp Diêm Vương, thì tội nhân xếp đến mười
hàng, mỗi hàng dài cả cây số. Chờ phân xử. Việc xét xử hình như mau lắm,
mỗi người chỉ vài giây đồng hồ là xong bản án.
Tôi thấy Diêm Vương râu dài, ngồi mệt mỏi trên ngai vàng, soãi người
ra trong thế nửa ngồi nửa nằm. Đầu Diêm Vương quẹo qua một bên, hai mắt
lim dim như ngủ gật, thỉnh thoảng đưa lưỡi móc giòng nước bọt đang chực
rơi bên mép. Áo ông đóng khớm dơ dáy, bụi bặm, dưới tà áo có con nhện
giăng đã chết khô từ lâu, mà tơ nhện thì rách rưới, chứng tỏ ông ta đã
nhiều năm chưa rời ghế. Trong lòng tôi bỗng nổi lên cơn giận không kềm
được. Xử án mà lơ mơ ngủ như thế này thì làm sao công minh được! Thế nào
cũng xử oan cho bao nhiêu triệu người, và oan cho cả tôi nữa là chuyện
khác.
Đến phiên xử tôi, hai con quỷ xô tôi ngã sấp trước chân Diêm Vương, tôi gào lên thật to:
“ Thưa Diêm Vương cho tôi hỏi một câu.”
“ Câm miệng lại. Hỏi gì mà hỏi?” Diêm Vương nói như giọng người nằm mơ ngủ say.
“ Không! Tôi muốn được hỏi vài câu trước khi chịu tội.” Tôi gào xong
rồi hai tay nắm chặt lấy chiếc hài của ông, nhất định không buông ra.
“ Thằng nhãi này cứng đầu, lôi thôi! Thôi, thì cho mày hỏi một câu. Một câu thôi nhé!”
“ Thưa Diêm Vương, luật xử ở đây ai đặt ra, và có từ bao giờ”?
Diêm Vương có vẻ lúng túng, sửa người, và ngóc đầu dậy, đưa tay bóp trán, rồi nói lơ mơ trong miệng:
“ Luật đây là luật trời! Không biết ai soạn thảo. Đã có từ hàng triệu năm!”
Tôi không để mất cơ hội, đứng thẳng dậy và la lớn, đưa tay chỉ trỏ:
“ Luật ở đây dã man quá! Con người ở thế gian ngày nay, luật lệ còn
nhân đạo hơn ở đây ngàn lần. Luật pháp không cho hành hạ thể xác tội
nhân. Không cho phép tra tấn cực hình. Có nơi còn bỏ cả án tử hình. Hành
xử những thứ luật lệ xưa đến triệu năm, tàn ác như thế này, thì ông
hãnh diện lắm sao?”
Diêm Vương bỗng đỏ mặt, hai mắt nhướng lên, ngồi thẳng dậy, nhìn vào tôi:
“ Thằng nhãi này gan quá nhỉ! Hàng triệu năm nay chưa ai dám cãi lại
ta một lời, dù chỉ một lời nhỏ! Người bảo sao, luật lệ ở đây cổ hủ và dã
man ư ?
“ Phải ,dã man lắm lắm. Hành hạ thể xác con người bằng đủ thứ tàn ác!
Luật lệ nào cũng phải thay đổi cho hợp thời hợp cảnh. Con người ở thế
gian, luật lệ đã tiến hóa rất nhiều. Có những điều cách đây trăm năm là
có tội, mà nay luật pháp không kể là tội nữa, và ngược lại .Những điều ở
thế gian chúng tôi được phép làm, thì ở đây cũng kết tội nữa sao? Phải
hợp tình hợp lý. Phải dung hòa phối hợp luật lệ cả hai cõi âm dương may
ra mới có chút công bằng.”
Diêm Vương nhếch môi cười mỉa:
“ Một trăm năm! Dài không bằng cái xì mũi của ta. Nhưng hình như
ngươi cũng có lý phần nào đó! Mấy triệu năm nay, ta chưa hề nghe ai đề
cập đến cải sửa luật lệ! Mà sửa bằng cách nào mới được chứ! Này! Ngươi
còn điều gì muốn nói nữa không? Cho nói luôn thể”
“ Thưa Diêm Vương tha lỗi cho tôi! Hình như Ngài ngủ gật trong lúc xử
tội. Hình như ngài không thèm nhìn đến tội nhân và xử tội một cách lơ
là cẩu thả. Chắc chắn án oan nhiều vô số. Hình như ngài mệt mỏi lắm!”
Diêm Vương cười, tiếng khà khà đặc quánh trong cổ, rồi chậm rãi nói:
“ Phải! Ta mệt mỏi lắm. Ngồi xử kiện cả bao nhiêu ngàn năm nay, không
có thì giờ ăn uống, tắm rửa, thay áo quần, hôn vợ. Liên tu bất tận,
không ngơi nghỉ. Không mệt sao được. Ngươi xem vai áo ta bụi đóng đen
kịt mà không có thì giờ phủi. Còn oan thì không ai bị oan đâu!”
“Ngài nửa ngủ nửa thức, thì làm gì sáng suốt để xử kiện? Mà hình như
mỗi người xử một vài giây đồng hồ, chưa kịp ho, đã lãnh bản án đem đi.”
“ Này này!” Diêm Vương ngắt lời tôi. “ Đừng lầm tưởng. Ta mệt quá nên
đôi khi có chợp giấc đi thật. Nhưng xử oan thì không. Xử mỗi tội nhân,
chỉ cần một phần ngàn giây đồng hồ là quá đủ. Ngươi không biết đó thôi!
Ngồi trên ghế này, ta chỉ cần một phần triệu giây thôi, là thấy đủ chi
tiết, đời sống hành động của bất cứ ai. Đến một cái gãi đầu, một tiếng
ho cũng không sót. Tất cả công đức và tội lỗi được xếp thành hai cột rõ
ràng, có điểm âm dương và điểm tổng cộng, có thăng bằng tội lỗi với công
đức. Chỉ cần một phần triệu giây là bản án ghi xong theo định lượng tội
lỗi.”
“Có phải ở đây cũng có máy vi tính (computer) như ở thế gian? Máy ở đây bộ nhớ được bao nhiêu?”
“Xì! Cái kiến thức về máy vi tính ở thế gian mà ra cái thá gì? Chỉ
đáng so như một hạt bụi với một tinh cầu. Với kỹ thuật ở nơi đây, không
ai bị oan đâu! Ngươi ngu dốt nên phát ngôn bừa bãi.”
Tôi cố cãi, kéo dài thời gian thụ hình càng lâu càng tốt, và định lung lạc Diêm Vương:
“Oan hay không thì chưa chắc. Nhưng điều chắc nhất là luật lệ ở đây
quá cổ hủ, quá dã man tàn bạo. Ngài thấy người ta bị hành hình mà trái
tim không xúc động sao? Có kẻ bị hành hình liên tiếp cả mấy trăm năm!
Sao ngài không sửa đổi luật lệ lại cho hợp tình hợp lý. Xử kiện máy móc
thì chỉ có lý chứ không có tình. Con người, không phải là vật vô tri,
yếu tố “tình” phải được cứu xét chung với lý, may ra thêm chút công
bình!”
“Sửa đổi luật lệ, lý, tình?” Diêm Vương càu nhàu lẩm bẩm. “Ai sửa cho
bây giờ, luật đã ra thì cứ theo . Lý và tình phải hòa hợp? Cũng là một ý
hay. Còn những tội đồ thụ hình cả mấy trăm năm ư ? Thế cũng chưa trả
được phần của tội lỗi chúng gây ra. Phải là đời đời chịu tội cũng chưa
đủ. Mà này ,ngươi vừa đề cập đến sửa đổi luật lệ! Ngươi có sửa được
không? Sửa làm sao bây giờ?”
Tôi trình bày cùng Diêm chúa rằng, kiến thức của tôi hẹp hòi, không
đủ để điều chỉnh lại các bộ luật. Tôi có ý kiến là tạm ngưng tất cả
những hình phạt tàn ác như nhẩy bàn chông, rút lưỡi, uống kim khí nóng
chảy, bằm da xẻ thịt, tất cả hình phạt gây đau đớn thể xác đều tạm
ngưng, chờ khi luật sửa đổi xong sẽ áp dụng luật mới. Đồng thời thành
lập một ban nghiên cứu sửa đổi luật lệ, có đại diện của các thành phần
tội nhân, các thành phần quỷ sứ, và Diêm Vương làm chủ tịch.
Diêm Vương có vẽ giận nói:
“Đại loạn! Chủ tịch cái mốc khô! Nghe cái danh từ chủ tịch là ta đã
buồn nôn, muốn đem tất cả cái lũ chủ tịch cho nhảy bàn chông, tắm vạc
dầu cả. Mà này ta nói cho ngươi rõ, ta đã chán ngán cái ghế Diêm Vương
này đến ứ tận cổ. Cả mấy ngàn năm nay ta muốn thôi, hiềm không ai thay
thế. Nay ta thấy người có ý hay, ta muốn giao cho ngươi chức vụ này một
thời gian. Ngươi ráng làm cho tròn bổn phận.”
Tôi hết hồn, hốt hoảng thưa:
“Thưa Diêm Chúa! Làm sao tôi có thể xử tội thiên hạ được? Ngay cả bản
thân, đôi khi tôi cũng không tự phán xét mình được, làm sao mà phán xét
thiên hạ. Tôi không muốn phán xét sai lầm cho ai. Tôi nghĩ rằng, không
đủ khả năng để ngồi ghế Diêm Vương, mà có đủ khả năng thì tôi cũng không
muốn nhận. Thà tôi đi chịu cực hình còn hơn.”
Nói thế, nhưng nghĩ đến cực hình thì tôi run lắm. Diêm Vương chạy từ
ngai vàng xuống, cởi áo máng lên vai tôi. Xô tôi ngồi ngã ngửa trên ngai
vàng. Ông đè tôi xuống:
“Không có lôi thôi gì cả! Mặc áo Diêm Vương này, ngồi đây xử tội giúp
ta một thời gian. Làm được ta giao luôn. Ta cũng cần nghỉ ngơi, vui thú
gia đình, an dưỡng tâm trí.”
Tôi vùng vẫy dữ dội, gắng thoát ra khỏi ngai vàng. Nhưng Diêm Vương
quá mạnh, đè tôi sát lên ghế, ngực đau như xương sườn sắp gẫy. Diêm
Vương cởi ủng mang vào chân tôi, rồi nói:
“ Ngươi không từ chối được đâu. Ngươi rời cái ngai vàng này thì ta
cho quỷ sứ bắt đi hành hình. Chịu tất cả những cực hình thảm khốc ghê
gớm nhất ở đia ngục này. Bị hành hình đời đời kiếp kiếp. Bây giờ, cho
người toàn quyền xử lý.”
Nghe vậy tôi sợ khiếp vía. Ngồi trên ngai vàng, tôi thấy rõ cả ngàn
dặm bốn phía địa ngục, một cảnh xa hàng ngàn dặm mà thấy rõ như cách vài
ba bước chân. Thật lạ lùng. Đâu đâu cũng đầy cả tội nhân bị hành hình.
Nhiều hình ảnh tàn ác, khủng khiếp, quay qua bên nào, tầm mắt cũng bắt
gặp. Trái tim tôi đau nhói, muốn tan vỡ.
Lũ quỷ ở địa ngục hướng về tôi tung hô vạn tuế. Một số tội nhân a dua
dong tay ngoác miệng hô theo. Tiếng hô vang dội không ngớt. Tôi đỏ mặt
vì xấu hổ. Ngồi trên ngai vàng này, tôi hướng mắt về bất cứ một người
nào, thì thấy hết toàn thể cuộc đời của người đó, từ khi mẹ thụ thai,
cho đến hiện tại. Thấy cả từng chi tiết nhỏ, từng ý nghĩ vụn vặt, từng
toan tính, từng sinh hoạt. Trong phần triệu giây là thấy hết, thật lạ
lùng, khó tin. Tôi nhìn quanh, thấy Diêm Vương mặc áo lót, vì cái áo
quàng đã mặc vào cho tôi, đang ngồi thoải mái và cười khoái trá.
Quan án công bình ?
Sau một thời gian ngưng trệ, việc xử án lại bắt đầu. Hai con quỷ đầu
trâu mặt ngựa xô một người đàn ông té sấp trước chân ghế! Người đàn ông
mặt mày đau đớn sợ hãi. Tôi nhìn xuyên thấu cuộc đời ông ta trong nhấp
nháy. Thuở bé, nhà nghèo, đói khát, bị gia đình bạc đãi, xã hội ruồng
rẫy. Lớn lên làm đủ điều tội lỗi, trộm cắp, lường gạt, đâm chém, đánh
nhau. Hắn lấy vợ, chém vợ lòi ruột, vợ hắn trốn đi. Hắn tiếp tục đời
sống xấu xa. Chết lúc bốn mươi lăm tuổi. Bản ghi hình phạt dành cho hắn,
có cả mục nhẩy bàn chông năm mươi năm, tắm vạc đầu hai năm, bị đưa vào
lò luyện thép mười năm, bứt da thịt hai năm.
Tôi ôm đầu, nghĩ rằng tiêu chuẩn hình phạt nặng nề quá. Nếu tôi chấp
thuận bản án này, thì tôi phải chịu trách nhiệm trên nỗi đau đớn của nạn
nhân. Diêm Vương thấy tôi chậm chạp, nhắc chừng rằng thời gian trung
bình để xử mỗi tội nhân chỉ có một phần tư giây thôi. Xử chậm cái đuôi
sẽ dài cả chục dặm.
Tôi đánh bạo truyền lủ quỷ đem tội nhân đến một nơi vắng vẻ, ấm cúng,
cho ăn uống tử tế, cấm hành hạ, để tội nhân suy nghĩ, sám hối tội lỗi
đã làm. Tôi xử tiếp, bản án nào cũng đề nghị quá khắc nghiệt, khủng
khiếp, không hợp ý tôi. Tôi cho tất cả tội nhân đi sám hối, cùng một
cách.
Tạm thời, những tội nhân mới được giải xuống địa ngục, được đưa đến
một nơi tiện nghi, ấm áp, được đối xử tử tế. Mỗi người được xem đi xem
lại cuốn phim chiếu lại tất cả đời sống họ, từ sơ sinh cho đến chết, đủ
tất cả các chi tiết, các cảm xúc đau buồn vui sướng. Rồi mỗi người tự
xét lấy lỗi lầm, tự đề nghị lấy bản án. Trong thời gian tạm ngưng xử,
tôi truyền quỷ sứ giải tất cả các bạo chúa, độc tài đến cho tôi phỏng
vấn.
Chỉ trong khoảnh khắc, có cả vạn người đứng trước mặt tôi. Những bạo
chúa từ vài ba ngàn năm về trước cũng hiện diện. Đứng đầu là đám cùng
hung bạo chúa. Gồm có ông râu kẽm mày rậm đeo phù hiệu búa liềm người
nước Nga. Kế đến là ông Mao và đông đảo người mang đấu búa liềm. Có cả
ông già râu xứ Việt Nam tôi. Cả ông người Đức râu cứt mũi. Những ông Đại
Đế của Nga, của La Mã, của Mông Cổ, Trung Hoa, Thổ Nhĩ Kỳ, đều có mặt.
Tất cả đều khép nép, run cầm cập, mắt nhìn xuống đất. Không còn có
nét hào hùng nào của một thời ngang dọc, coi mạng người như cỏ rác.
Trông họ thật tả tơi, có lẽ thấm đòn tàn độc hành hạ thể xác và tinh
thần nơi địa ngục.
Tôi cho gọi đám lãnh tụ mang dấu búa liềm của thế giới ra để hỏi
chuyện. Bọn họ xếp hàng ngang, mười mấy người, cả Âu, Á, Phi đều hiện
diện. Tôi hỏi ông già trán hói, râu xồm, thấp người:
“ Ai cho ông bày ra cái Đảng kỳ cục, làm đau khổ, đói khát dân Nga
bảy mươi năm, làm các dân tộc khác trên thế giới đau khổ theo? Bầy ra để
làm chi vậy?”
“ Thưa Ngài.”- Ông ta trả lời, nhưng tôi cắt ngang:
“ Đừng gọi tôi là Ngài. Tôi không quen nghe!” Tôi nói mau và cảm thấy hơi xấu hổ.
“ Thưa Ngài, à không, thưa Diêm Vương, con phải bày đặt ra cái gì
mới, để thu gom quyền lực, để củng cố địa vị chứ? Phải lừa gạt nhân dân,
lấy thợ thuyền làm sức mạnh mới cướp được chính quyền.”
“ Xin đừng xưng con với tôi.” Tôi cảm thấy bực mình nói “Sau khi cướp
được chính quyền rồi, sao còn độc tài, giết chóc, gây khổ đau cho toàn
dân?”
“ Thưa nếu không độc tài, không tù đày, thanh toán thì làm sao giữ
được quyền hành lâu dài. Bởi vì căn bản của chế độ dựa trên sự dối gạt,
không gây sợ hãi thì bị lật đổ ngay. Xin Diêm Vương hiểu cho, và gia
giảm tội hình!”
Trong lòng tôi chán ngán, nhưng ít nhất lão già cũng có phần thành
thật, không che giấu tội lỗi. Mà có lẽ nơi đây, chẳng ai che giấu được
điều gì, nên phải nói thật chăng? Tôi chỉ ông râu kẽm, tóc chải ngược,
mặt vuông và mày rậm hỏi:
“Ông kia! Sau khi kế vị, sao ông giết hết bạn bè thân tín, giết hàng
chục triệu dân Nga. Đầy ải hàng trăm triệu người, cai trị dân hà khắc,
độc tài, đau khổ lấy chi đo lường cho được?”
Ông râu kẽm đập đầu binh binh xuống sàn, khóc lóc lạy lục, xem bộ lão này tư cách kém lắm. Sau một hồi sụt sùi ông bảo:
“Thưa ngài, bạn bè tôi cũng toàn thứ tội lỗi đầy mình, khi nào cũng
sẵn sàng giết tôi để tranh giành ngôi vị. Không giết họ, thì họ cũng
giết tôi. Còn giết hại nhân dân, thì phải giết để củng cố chế độ. Đầy ải
lên Tây Bá Lợi Á, để có dân lao động, và dằn mặt những kẻ không tuyệt
đối phục tòng. Thưa Diêm Vương, nếu ngài ở địa vị tôi, và muốn giữ ngôi
vị, thì cũng hành động như thế thôi.”
Cựu Diêm Vương ngồi dậy, khoát tay nói lớn:
“Thôi thôi! Đừng nói thêm những lời bỉ ổi, nghe bẩn tai. Tăng cực
hình cho nó thêm hai ngàn năm nữa cũng chưa xứng! À, mà thôi, bây giờ
thì để tân Diêm Vương quyết định.”
Tôi hỏi ông mặt thịt, có nốt ruồi trên mặt:
“Này ông kia, tại sao sau khi thâu gồm được nước Trung Hoa, ông bày
đặt chi đủ thứ, nào là đại trại, nào là cách mạng văn hóa, hàng trăm
triệu người chết tức tưởi, vì tư tưởng điên khùng của ông. Cả tỉ người
tận cùng đau khổ. Đói và chết đói hàng chục triệu người. Trong lúc ông
ăn chơi xa xỉ, gái và rượu vô độ. Lại còn hành hạ, giết chóc những kẻ
thân tín, những bạn bè đã đưa ông lên địa vị đó?”
Ông già mặt xám ngắt, chắc đã thấm những đòn nhục hình của lũ quỷ,
ông không còn dáng dấp phong cách của một bạo chúa nữa. Ông lạy dài rồi
quỳ xuống, hai tay che ngang trán, như dáng điệu trong phim Tàu:
“Muôn tâu bệ hạ. Thần đã biết tội lỗi của mình. Bệ hạ thử nghĩ cai
trị cả một tỉ dân, thứ dân ưa xưng hùng xưng bá, nếu không độc tài, hà
khắc thì làm sao giữ được ngôi vị. Năm bảy chục triệu người chết thì đã
thấm gì so với tổng số dân. Phải bày đặt ra đủ thứ như cách mạng văn hóa
chẳng hạn, để loại bỏ những kẻ có tư tưởng thiếu trung thành với tại
hạ. Những kẻ thủ túc của tại hạ mà bị loại bỏ, hành hình, cũng vì dám có
tư tưởng phê phán tại hạ. Phần ăn chơi, thì xứ của tại hạ, xưa nay vua
chúa nào cũng vậy. Tại hạ được làm vua, mà không hưởng thụ cũng uổng lắm
sao? Mấy chục năm nay bị hành hình không ngớt, tại hạ biết tội lỗi, đã
ăn năn lắm rồi. Xin ngài khoan giảm tội cho. Nếu ngài tha, được đi đầu
thai lại, xin được làm một nông dân bình thường, có chút ruộng đủ ăn, đủ
mặc, có vợ, chỉ lo vui thú gia đình mà thôi, mộng bá đồ vương chỉ mua
khổ lụy vào thân!”
Lão nói đến đây, thì có lời lao xao phản đối khắp nơi, hàng triệu
tiếng kêu la, yêu cầu để lão đền tội ác đã gây ra. Những lời phản đối
này toàn giọng Trung Hoa. Họ hỏi: “Trong thời lão cai trị, mấy ai có
được cuộc sống thần tiên như lão mong ước: Có chút ruộng, đủ ăn, đủ mặc,
có vợ con.” Lão già úp mặt khóc lóc, không nói nữa. Cựu Diêm Vương cũng
có vẻ bất bình, khịt khịt trong cổ họng. Tôi sực nhớ lời Đạt Lai Lạt Ma
Tây Tạng viết rằng, những người cộng sản thường nói dối một cách tự
nhiên, không biết xấu hổ! Nhưng trường hợp này tôi tin lão nói từ mong
ước của tâm can.
Tôi kêu cụ già đồng hương, râu ba chòm, áo bốn túi, đội nón cối, đến
trước bệ. Mắt ông cụ nhìn lấm lét, có vẻ sợ hãi, chân rách nát vì chông
đâm, môi run run làm râu rung động. Ông cụ bắt chước dáng điệu của ông
già Tàu , cũng quỳ hai tay bưng ngang trán. Tôi yêu cầu ông cụ đứng dậy.
Trong lòng tôi cũng còn ớn vì những đòn tàn độc mà ông cụ giáng xuống
cho nhân dân, làm tôi cũng chung chịu. Tôi hỏi:
“Này, ông cụ! Sao ông nhẫn tâm đem dân tộc vào cuộc chiến khốc hại ba
mươi năm? Hãy nhìn ra các nước Á Phi bị trị khác, có xứ không cần đổ
một giọt máu cũng giành được độc lập. Tại sao ông đem chủ thuyết dối trá
không tưởng về xứ làm đau khổ nhân dân. Phát động chiến tranh liên
miên. Không lo xây dựng ấm no hạnh phúc hòa bình?”
Ông cụ đưa tay gạt nước mắt, trả lời với giọng nghẹn ngào.
“Muôn tâu Diêm Vương! Ban đầu tôi cũng chỉ muốn làm thầy thông thầy
ký, có một cuộc sống bình thường. Nhưng hoàn cảnh xô đẩy, bố tôi say
rượu đánh chết người, bị tước phẩm trật, bị đuổi về quê, tôi học chưa
hết nửa lớp Ba phải lang bạt giang hồ. Chỉ mong được làm bồi bếp thợ
thuyền yên thân. Gặp các nhà cách mạng Việt Nam ở hải ngoại, khơi dậy
trong lòng tôi nỗi nhục mất nước. Tôi theo hoạt động và rồi cũng hoàn
cảnh đưa đẩy tôi qua Liên Xô vĩ đại. Các ông này là thầy tôi đây”- Ông
cụ chỉ vào các ông trùm- “ Các ông thầy đã dậy tôi đủ thứ mánh khóe bịp
bợm, khủng bố, giết chóc, gạt gẫm, phá hoại, láo khoét, đại ngôn, tàn
nhẫn, khoác lác. Những thứ này, luân lý cấm kỵ nhưng lại rất hiệu nghiệm
trong việc tranh đoạt quyền hành. Tôi bị lún sâu, kẹt cứng vào cái vòng
sai khiến của quan thầy. Không thể làm khác được. Phần chết chóc hàng
triệu người thì đâu có thấm vào so với chết chóc ở Trung Hoa, Liên Xô,.
Dân Việt Nam đau khổ, đói khát, thoái hóa, thì cũng là một hy sinh cho
chủ nghĩa cộng sản thế giới. Nếu cần thì cũng nên hy sinh. Mà không hy
sinh thì cũng không được, các quan thầy bắt ép làm chiến tranh để gây
suy yếu cho thế giới tư bản, gây chia rẽ, có lợi cho đại cuộc của quốc
tế cộng sản.”
Nghe đến đây, tôi thấy ông phát khởi cộng sản ở Nga Sô trề môi dưới
ra có vẻ chế diễu, còn ông trùm Trung Hoa thì nhếch mép khinh bỉ. Tôi
hỏi tiếp ông già:
“Ông có còn tin là“ Không có gì quý bằng Tự do không?”
“Thưa Ngài , tôi vẫn còn tin” Ông cụ nói mau. “Sông có thể cạn, núi
có thể mòn, niềm tin đó không bao giờ thay đổi. Tự do quý lắm. Biết là
quý, nên tôi lấy hết tự do của nhân dân, chỉ còn dành cho họ tí ti thôi,
rất ít thôi, để họ ngoan ngoãn tuân phục tuyệt đối. Nếu không, thì tôi
lấy thêm mất cái tí ti còn lại, thì hoàn toàn hết tự do, khổ lắm. Những
điều đó tôi học rất thuộc từ thầy truyền cho. Đại khái là “ bạo lực cách
mạng”, “chuyên chính vô sản”.”
Tôi hỏi thêm:
“ Thật là vô sản không? Sao các ông lãnh tụ nào cũng sống đế vương, dâm dật, phung phí?”
Các trùm không được hỏi nhưng cũng nhao nhao lên đồng điệu:
“Phải nói thế để gạt những kẻ nhẹ dạ, gạt nông dân thợ thuyền ngu dốt, mới đưa họ vào tròng được. Không thì ai theo mình?”
Tôi thở dài chán nản. Cựu Diêm Vương nói nhỏ với tôi rằng: “Bọn chúng
có tiền thân là quỷ cả. Thứ quỷ dữ dằn nhất. Được sai xuống trần gian
gây tai họa”. Tôi nghĩ rằng, Thượng Đế bất công khi dùng lũ quỷ này để
trừng phạt nhân gian. Bọn họ gây khổ đau cho toàn dân, từ người tốt đến
kẻ xấu. Những người có lòng, thì khốn đốn cơ cực sống với bọn chúng.
Những kẻ xấu xa thì theo bè đảng quỷ, cho nên bớt cơ cầu hơn.
Tôi cho gọi ông già râu viết chủ thuyết quỷ đến hỏi tội. Ông phân trần:
“Tôi nguyên là một nhà báo, cảm được cái đau khổ của thợ thuyền bị
bóc lột, viết lên những suy nghĩ cá nhân. Ước mơ xã hội được đổi thay.
Những ý nghĩ của tôi thì đúng vào cái thời điểm tôi viết ra. Tôi không
ngờ những điều tôi viết, đã được bọn quỷ sứ khốn nạn này dùng để lừa gạt
thế giới, gây đau khổ cho nhân loại, làm đau đớn, chết chóc, âu lo, cơ
cực cho cả tỷ người trên thế giới bao nhiêu năm. Dù sao tôi cũng vô tình
tiếp tay cho chúng, tội lỗi của tôi cũng tầy đình, khó tha thứ. Tôi xin
hoàn toàn nhận tội và nhận hình phạt. Nhưng cúi xin Ngài, cho tôi được
bớt cực hình. Đau đớn quá. Thảm khốc quá.”
Tất cả bọn họ đều nằm rạp xuống, đập đầu binh binh lên sàn, xin được
bớt hình phạt. Rồi lại khóc rống lên thảm thiết. Tôi thấy phía dưới
những ông trùm, là người đàn bà cầm đầu “Tứ Nhân Bang” trong cách mạng
văn hóa ở Trung quốc, tôi định kêu lại hỏi mấy câu, nhưng sực nhớ bà đã
vỗ háng trước phiên tòa xử bà khi bị truất phế. Tôi sợ bà làm ẩu, mất
mặt nên lờ đi.
Tôi nhìn quanh địa ngục, thấy nơi nào cũng đầy tiếng kêu la thảm
thiết, đau đớn, khóc gào. Những hình phạt dã man, tàn bạo. Con người ở
thế gian còn nhân đạo hơn gấp triệu lần. Con người ở thế gian dù có kẻ
xấu, người tốt, nhưng không có luật lệ nào cho phép ra tấn nhục hình.
Tôi lớn tiếng truyền ngưng tất cả những hành hình, làm lũ quỷ ngơ ngác,
và tội nhân cũng ngạc nhiên không kém. Tôi đứng dậy, và nói, tiếng của
tôi vang khắp chín từng địa ngục, vang khắp ra xa ngàn ngàn dặm:
“Ta là tân Diêm Vương! Truyền phán cho tất cả biết, luật lệ ở đây đã
cũ cả triệu năm, không còn hợp thời nữa. Cần được thay đổi, sửa chữa.
Trong khi chờ đợi, tất cả những cuộc hành hình đều tạm ngưng.” Nói đến
đây thì tiếng reo vui khắp chín tầng địa ngục vang dội. “Tất cả quỷ đầu
trâu mặt ngựa đầu phải tụ họp lại ở tầng thứ chín để chờ lệnh mới. Tất
cả tội nhân đều được tự do đi lại, thăm viếng nhau, gặp gỡ, chuyện trò.
Ta tin rằng, không còn ai muốn gây rối nữa.”
Cựu Diêm Vương mặt mũi tái mét, chạy đến bên tôi, ông gào lớn:
“Phá hoại hay sao? Làm loạn? Xưa nay làm gì có chuyện như thế này? Ngươi lãnh hết trách nhiệm đó!”
“Thưa cựu Diêm Vương”, tôi ôn tồn nói, “con người trên thế gian được
tạo nên, gồm cả tốt và xấu lẫn lộn. Con người phải chiến đấu trường kỳ
với cuộc xung khắc tốt xấu trong lòng. Khi cái xấu thắng, thì họ làm
bậy. Tội lỗi nào cũng có thể được tha thứ, không ai hoàn toàn xấu, mà
cũng không ai hoàn toàn thánh thiện. Dùng cực hình để trừng phạt tội lỗi
là một điều sai lầm. Cần được bãi bỏ.”
Tôi truyền quỷ sứ phá bỏ đồng chông, lấp hố vạc dầu, phá tan hỏa
ngục, phá nát và đem chôn tất cả hình cụ, những thứ vũ khí của quỷ sứ
địa ngục đều bẻ gẫy, phá vỡ hết. Chỉ trong chớp mắt, toàn thể địa ngục
đều thay đổi hẳn. Không còn tiếng đau đớn kêu gào, không còn hình phạt
nào nữa cả. Không ai bảo, mà các nhạc sĩ làm đủ thứ nhạc cụ, đàn ca vang
rân, thi sĩ làm thơ ngâm nga, những họa sĩ vẽ tranh và nơi các môn thể
thao tràn ngập. Con người không cần lo cơm áo, mà quyền hành thì không
ai dám tơ tưởng nữa, vì đó là đầu mối của mọi hệ lụy, khổ đau. Cho nên
tất cả đều lo vui chơi thôi.
Trên một sân rộng mênh mông, nhạc trống rập rình, nhạc công cả ngàn
người, đủ các thứ nhạc cụ đang hòa tấu, thiên hạ nhảy múa theo nhịp
điệu. Cựu Diêm Vương ở trần, mang xà lỏn dài đến đầu gối, lông ngực xồm
xoàm, đang dẫn vợ nhảy một bản Tango ở cuối sân, mùi mẫn. Quỷ sứ đầu
trâu mặt ngựa cũng nhảy múa, chơi nhạc. Nhảy nhót mệt thì nằm nghỉ,
xuống sông tắm, bơi lội, chơi xuồng, rồi nghe ngâm thơ, kể chuyện. Đàn
ông, đàn bà rủ nhau tụ họp, chuyện trò, vui chơi không mệt mỏi. Nơi đây
không còn sự sinh nở, không có ai chết, không đói rét, không khổ đau,
không có tiền bạc, không có danh vọng để đua tranh, không có quyền hành
để tham vọng. Ai ai cũng chỉ vui chơi thỏa thích. Không âu lo chuyện gì
cả.
Tôi truyền phá hủy cả ngai vàng của Diêm Vương, và đốt luôn cái áo
bào Diêm Vương thành tro bụi. Tôi ngồi xổm ở vực thềm, nhìn thiên hạ vui
chơi, và chợt nhớ vợ, nhớ con, nhớ bạn bè. Tôi chợt mừng, vì những
người thân của tôi, nếu có chết đi, may về thiên đàng thì thôi, có xuống
địa ngục cũng được vui chơi, khỏi bị hành hình đau đớn, cực khổ. Tôi
ngồi nhìn rộng ra cả vương quốc địa ngục, thấy mấy ông bạo chúa, lãnh
tụ, đang tụm năm tụm bảy đánh bài tây, người nào thua thì bị búng vào
trái tai. Họ cũng vui cười thoải mái, không ông nào toan tính cuộc khởi
loạn, cách hoặc tranh giành. Xa hơn nữa, trên sân nhảy, hàng ngàn phụ nữ
nhan sắc mỹ miều, người thì ăn mặc hở hang, phơi đùi, phơi ngực, đang
õng ẹo múa máy, người thì ăn mặc theo lối xưa mấy trăm năm trước, họ
cũng múa quạt, múa lụa. Cựu Diêm Vương mệt thở hổn hển sau khi nhảy một
bản nhạc “rock and roll”, đến ngồi bên tôi. Ông chỉ cho tôi biết bà nào
là Tây Thi, bà nào là Bao Tự, Dương Quý Phi, Viên Viên, Cleopatre … Tôi
hỏi ông tại sao đàn bà đẹp ở địa ngục đông đảo? Ông cho biết không có bà
nào đẹp mà được về thiên đàng cả. Ở thiên đàng toàn là đàn bà xấu xí
hoặc có nhan sắc tầm thường. Tôi hỏi ông, có khi nào động lòng tà dâm
hay không, khi đàn bà đẹp đẻ vây quanh? Ông rùn vai lại và bảo rằng chán
lắm, nhan sắc họ thì nghiêng nước nghiêng thành, nhưng khi đã biết rõ
cuộc đời họ, thì cũng ớn tận cổ. Chỉ những tên ngu dại mới đâm vào lảnh
đầu máu.
Quay về chốn cũ?
Một đám đông mấy ngàn người sắp đi về trần gian đầu thai, đến năn nỉ
tôi xin ở lại địa ngục, khỏi về lại làm kiếp người. Tôi bảo ai muốn làm
gì thì làm, muốn ở thì ở, muốn đi thì đi. Tất cả bọn họ vui vẻ xin ở lại
với các cuộc chơi đang dang dở. Thực ra, thì tôi chẳng còn quyền hành
gì nữa, mang cái hư vị mà thôi. Đám đầu trâu mặt ngựa quỷ sứ, xem như
quân đội, đã được giải tán. Ngai vàng đã phá, áo bào đã đốt, ấn tín đã
quăng bỏ.
Tôi được thông báo là có thiên thần do Thượng Đế sai xuống thanh tra
địa ngục. Việc thanh tra định kỳ nầy, mấy trăm năm một lần. Hai ông
thiên thần mặc áo trắng, ôm một cặp giấy tờ dày cộm và cầm một cái hộp
nhỏ như bao diêm. Cái hộp này có thể ghi lại tất cả dữ kiện trong trời
đất và phát ra mau lẹ chớp choáng. Một ông thiên thần da đen, một ông da
trắng. Hai ông nhìn tôi và Cựu Diêm Vương với ánh mắt bất bình. Sau khi
nghe tôi giải thích, vị thiên thần da đen ra sàn nhảy nhạc “rock” cùng
với đám nam nữ đang nối hàng dài, vị thiên thần da trắng thì xin ra nhập
đội banh đá. Họ vui chơi, tham gia từ nhóm này qua nhóm kia. Họ bảo ở
địa ngục vui quá, không muốn trở lại trời nữa. Ở thiên đàng thì chỉ có
thong thả, vô lo, nhàn rỗi, lơ lửng… nhàm và chán lắm. Địa ngục có đủ
thứ vui chơi, rượu cũng ngon hơn, đàn bà cũng đẹp hơn, nhạc cũng sống
động hơn, thơ văn cũng đa dạng hơn.
Hai vị thiên thần mảng vui chơi, cho tới khi nhận được công điện thứ
tư của thượng đế, mới thu thập dữ kiện, và chào ra về với vẻ luyến tiếc,
vừa đi vừa ngoảnh đầu trông lại.
Hai vị thiên thần vừa về không lâu, thì ầm ầm một phái đoàn từ Thượng
Giới xuống bắt tôi và Cựu Diêm Vương về hỏi tội. Cựu Diêm Vương mặt
xanh như tàu lá, run run nói với tôi:
“Tất cả mọi chuyện đều do cậu đặt bày ra cả? Tôi không chịu trách
nhiệm đâu! Cậu liệu sao mà trả lời với thượng đế cho trôi chảy. Lần này
thì chết cả đám.”
Thiên thần giục tôi mang áo bào, đội vương miện, mang hia để đi gấp.
Tôi bảo áo mão đã bị đốt hết. Thôi thì có sao mặc vậy. Tạm thời nhét cái
áo nhàu nhò quần và đi đôi dép đứt quai. Còn cựu Diêm Vương thì chân
đất mang xà lỏn, kiếm được cái áo cánh không tay rách khoác tạm. Chỉ
thoáng chốc, chúng tôi đã đứng trước sân rồng của Thương Đế. Tôi thấy
Thượng Đế mặt phương phi đỏ ửng, có lẽ ông cũng bị áp huyết cao, Thượng
Đế có vẻ giận lắm, đến nỗi nói cà lăm mà xỉ vả chúng tôi:
“Kìa! Dơ dáy quá! Xấu hổ quá! Trông chẳng khác chi hai đứa không nhà
lang thang ngủ đầu đình xó chợ. Áo Mão hia giày đâu? Ai cho phép các
người xáo trộn trật tự đã bày ra từ thuở khai sinh trời đất? Tại sao?”
Cựu Diêm Vương run rẩy chỉ vào tôi. Đổ hết tội lỗi cho tôi. Phần tôi
thì cũng lo lắng thật, nhưng cũng biết không thể làm gì khác. Tôi thong
thả trình bày đại ý rằng, luật lệ đã xưa cũ, không hợp thời nữa. Hình
phạt quá tàn nhẫn, khắt khe, án quá nặng và quá lâu. Lỗi lầm nào cũng có
thể tha thứ. Đau đớn thể xác chỉ gây sợ hãi chứ không cảm hóa được ai.
Những người đang ở địa ngục hôm nay, đều đã nhận ra tội lỗi của họ, và
không ai muốn tái phạm nữa. Họ đang vui thực sự với đời sống sung sướng ở
địa ngục. Thượng Đế vẫn chưa nguôi giận, hình như Ngài chẳng thèm để ý
đến lời biện bạch của tôi. Ngài nhìn thấy cái vòng khâu trên trái tai
của cựu Diêm Vương mà nhăn mặt khó chịu. Ngài lẩm bẩm:
“Dơ dáng dạng hình, còn bắt chước lũ nhóc xâu vòng tai! Chẳng còn cái
thể thống chi cả. Nghe theo lời thằng phản loạn làm đảo lộn trật tự.”
Thượng Đế ho một chuỗi dài, tiên nữ đứng hầu bưng cái ống nhổ bằng
ngọc, Ngài khạc cục đàm xanh lè, to tướng, nhổ toẹt vào ống. Ngài khản
giọng chỉ vào tôi phán:
“Thằng giặc con này! Phá rối trật tự trời đất. Tội ngươi lớn lắm. Nếu
địa ngục mà sung sướng vui chơi như vậy, thì lấy ai để trị tội những kẻ
tội lỗi ở thế gian? Như thế thì sinh đại loạn. Mà thế thì bất công với
những kẻ được rước về thiên đàng. Ngay cả thiên thần đi thanh ra, cũng
ham vui muốn ở luôn địa ngục, không muốn về. Vui thế thì chính ta cũng
ham nữa, nói chi kẻ khác. Ta tuyệt đối cấm ngươi lảng vảng cách địa ngục
hai triệu dặm, mà… mà, dĩ nhiên ngươi cũng không được phép ở thiên
đàng. Ta cũng ngại ngươi tuyên truyền phản động.”
Rồi ngài phán cấp phát áo mão giày hia cho Cựu Diêm Vương, buộc trở
về địa ngục, tái lập trật tự, xây dựng lại địa ngục y như cũ, không được
đổi khác. Cựu Diêm Vương ra đi, còn quay lại nháy mắt với tôi. Đi một
quãng xa, tôi thấy Cựu Diêm Vương đưa ống tay áo quẹt nước mắt.
Tôi nhìn qua bên đám thiên thần đang đứng xem, nhận diện được hai vị
đã xuống đón tôi lần trước, và họ đã tranh nhau với quy sứ , tôi mỉm
cười cúi mình chào, hai vị quay mặt đi, vờ như không quen biết, có lẽ
hai ông cũng sợ liên lụy chăng?
Theo lệnh Thượng Đế, mười hai thiên thần xốc nách áp tải tôi về trần
thế! Chỉ nhấp nháy đã đưa tôi len qua cửa, vào nhà. Trong nhà vắng ngắt,
đồ đạc bừa bãi. Cái xác của tôi cũng không còn nằm đó nữa. Vị thiên
thần đầu đàn đưa tay lên mắt, như cầm ống dòm nhìn quanh, rồi ra dấu xốc
nách tôi đi. Họ đưa tôi đến nhà đòn đám tang. Tôi thấy cái xác tôi nằm
trong hòm, mang kiếng cận, mặt mày tô son trát phấn, bà con và bạn bè
tôi xếp hàng dài buồn bã, để đi qua nhìn tôi lần cuối. Vợ con tôi xanh
xao phờ phạc mang áo tang. Hai vị thiên thần ném cái hồn tôi nhập vào
xác.
Tôi lồm cồm ngồi dậy từ trong quan tài. Vợ con tôi, bạn bè, sợ hãi la
thét đạp nhau chạy. Vị sư tụng kinh cũng quăng chuông mõ chạy rách cả
áo cà sa. Mấy ngọn đèn cầy bập bùng cháy. Tôi khát như cháy cổ, nhổ ra
mấy hạt gạo và một khâu vàng. (Có lẽ gia đình đã nhét vào mồm tôi theo
tục lệ cũ). Tôi lạng quạng bước xuống sàn, đến vòi nước uống một hơi đã
khát.
Chung quanh tôi vắng ngắt, mọi người đã cao chạy xa bay, dép rơi ngổn
ngang trên sàn. Tôi chóng mặt ôm đầu. Một lúc sau mười xe cảnh sát hú
còi inh ỏi vây quanh. Mười mấy cảnh sát núp sau xe, mặt mày căng thẳng
nghiêm trọng, chĩa mũi súng run run về phía tôi. Tôi đưa tay vẫy chào và
toét miệng cười. Vài ông cảnh sát hết hồn làm cướp cò súng nổ. Tôi lẩm
bẩm buồn bã: “ Thiên đàng không nhận, địa ngục không dung, đâu có chuyện
phải sống đời đời trên thế gian này?”