Translate

Libellés

dimanche 1 mars 2020

Hoàng Thị Quỳnh Hoa và bài viết Bói Toán Tử Vi.

Muốn chấm tử vi, chúng ta có thể mua sách hay vào Internet để ìm bài coi Tử Vi cho chính mình.

Nhưng muốn chấm Tử Vi cho mình, cần biết rõ giờ, ngày, tháng, năm sinh chính xác.

Có nhiều trẻ em khi xưa, không được khai báo đúng vì nhiều lý do khác nhau, thì khi coi Tử Vi sẽ không đúng và có thể bị những tiên đoán sai luôn.

Vì thế, Bói Tóan Tử Vi đúng như sách ghi hay không cũng có những ngoại lệ.

Cám ơn tác giả bài viết và ngừơi lưu lại trên Internet.

Caroline Thanh Hương

BÓI TOÁN TỬ VI

 



          Tin bói toán, tử vi có phải là dị đoan không? Nhiều người cho rằng bói toán tử vi ở thời đại này là phản khoa học, là tào lao. Nhưng số người đi xem bói, xem tướng cũng không phải ít, có thể nói nhiều là đằng khác, mà có thể còn nhiều hơn số người không tin bói toán, trong số đó có tôi! Ai mà chẳng có lúc tò mò muốn biết xem tương lai hậu vận của mình ra sao. Chỉ có cậu em tôi là không hề tò mò. Hắn cười mỗi khi thấy tôi đi coi bói. Hắn nói: “Chị đi coi làm chi, tốn tiền, mất thì giờ, không ích lợi gì. Nghe những chuyện tốt thì không dám tin, mà nghe những chuyện xấu thì lo sợ. Việc gì mà phải lo sợ trước những chuyện không biết có xảy ra không, có phải là dại không! – Que sera sera – Cứ để tự nhiên, chuyện gì tới sẽ tới có phải thích thú hơn không.” Tôi thấy em nói rất hợp lý, không cãi vào đâu được nhưng tôi vẫn “tò mò” nên vẫn theo bạn đi xem bói. Chắc chắn có nhiều chuyện thầy nói không trúng nhưng tôi không nhớ mà chỉ nhớ những chuyện đã xẩy ra y như lời thầy báo trước.

Những ai thích xem bói bài Tây chắc còn nhớ cô Tuần Lễ ở đường Nguyễn Huỳnh Đức, gần nhà tôi ở Phú Nhuận. Cô chuyên môn bói bài Tây. Không biết tên thật là gì, chỉ thấy mọi người gọi là cô Tuần Lễ. Tôi biết cô khi bạn dẫn đến xem hai đứa năm ấy đi thi có may mắn không, là năm 1958. Sau đó tôi thường hay đến thăm cô như bạn cho đến khi tôi đi du học Hoa Kỳ năm 1963.

Tôi thi đậu vào Dược khoa như ý nguyện của Ba tôi nhưng tôi không thích môn Hóa Học, mà vì còn quá trẻ và quá lý tưởng nên viễn ảnh ra trường mở tiệm bán thuốc thấy tầm thường, chán nản quá. Tôi nghĩ bụng nếu được làm việc trong lab, nghiên cứu tìm tòi thuốc men mới thì cũng đáng học, chứ buôn bán thì tôi không thích. Lại nghĩ thêm nếu cố gắng học y khoa thì cũng chỉ thêm hai năm nữa thôi mà ra trường có thể giúp được nhiều người. Nhưng khi thấy thây người ngâm formol đen thùi thì sợ lắm, chắc không mổ xẻ thây người được, mà thấy máu cũng sợ! Tiến thoái lưỡng nan, trẻ người non dạ, không biết tính toán hơn thiệt chứ khôn như bây giờ thì ta cứ học xong Dược, cho thuê bằng, rồi đi làm gì, hay học thêm gì mình thích thì có phải nhất cử lưỡng tiện không, vừa làm cho Ba hạnh phúc vừa có tiền. Thật tuổi trẻ quá ngu! Sau này tôi ân hận mãi đã bỏ học dù nhiều lần Ba khẳng định là Ba không hề buồn. Khi lên năm thứ nhất Dược khoa, đêm đêm ngồi học bài mà cứ ấm ức khóc nhưng không muốn đổi ngành sợ Ba buồn. Anh tôi viết thư về Huế kể lể. Hôm sau, Ba bay vô Saigon bảo tôi phải bỏ ngay. May mắn là người chú họ, sinh viên năm thứ hai trường Luật, xin cho tôi vào được dù trường đã khai giảng hơn hai tháng. Vậy là tôi có bạn mới, ngày ngày hai đứa đi học cùng nhau. Cô bạn người Bắc kỳ xinh đẹp, điệu đàng, và rất làm dáng. Nhiều chàng ở trường Luật chú ý đến hai cô sinh viên năm thứ nhất này. Họ còn biết hai chúng tôi họ Hoàng. Người anh của cô bạn cùng học Luật nói đùa rằng hai đứa là em gái, một cô nói tiếng Huế vì, anh ba hoa, “Nó sinh ở Huế khi cụ đổi vào Huế làm quan.” Vậy mà cũng có người tin! Trước kỳ thi, cô bạn rủ đi xem bói. Vừa trải bài ra, cô Tuần Lễ phán ngay một câu: “Cô có bạn trai đây này nhưng cô không lấy ông này đâu.” mặc dù chúng tôi không hỏi gì về chuyện yêu đương. Nhìn mấy con bài một lúc, cô nói thêm: “Ông này thật có phước. Nếu lấy cô thì ông sẽ chết.” Tôi không nhớ đã nghĩ gì, hình như lúc ấy cũng không chú ý lắm vì anh cũng mới làm quen thôi. Tôi chỉ muốn hỏi việc thi cử. Cô bảo tôi thi đậu còn cô bạn thì chỉ đậu một nửa. Sự thực mà nói thì bạn tôi nghe tiếng cô Tuần Lễ bói bài hay nên rủ nhau đi coi chứ cũng không tin gì mấy. Nhưng quả nhiên, kỳ thi ấy, tôi đậu, còn bạn thì trượt vấn đáp! Tôi hơi lo lắng khi nghĩ đến những lời cô Tuần Lễ nói về anh bạn. Về sau, khi mối quan hệ thân thiết hơn, tôi kể anh nghe chuyện coi bói của hai chúng tôi thì anh cười nói diễu rằng lấy hay không lấy thì anh cũng sẽ chết. Nhưng một lần nữa, Cô Tuần Lễ nói đúng. Hè 1959 khi anh nói với gia đình muốn làm đám cưới thì vì một sự hiểu lầm, mà cũng vì còn non nớt quá, tự ái cùng mình, tôi giận lẫy và đã viết bức thư Dear John nhờ cậu em đem đến nhà anh cùng với cặp kính mát anh mới tặng. Và thế là mối tình đầu gãy đổ. Và cũng vì tự ái, anh không tìm hiểu để giải hòa – 27 năm sau gặp lại, anh đã thú nhận như thế và ân hận mãi. Âu cũng là duyên nghiệp nên mới xảy ra chuyện hiểu lầm đáng tiếc.

Chuyện thứ ba cô Tuần Lễ bói đúng là chuyện tôi du học. Hồi ấy, thiếu giáo sư đại học nên lớp chúng tôi, khóa thứ nhất ban Anh Văn, từ năm thứ hai đã được khuyến khích đi du học lấy bằng cấp tiến sĩ. Tôi cũng đem đơn về thì anh bạn cầm đơn xé toạt. Khi chia tay vào cuối năm ấy thì tôi không nghĩ đến chuyện du học nữa. Vào Gia Long, thấy các đồng nghiệp dạy Anh Văn của trường ai cũng tốt nghiệp từ Anh, Mỹ, Tân Tây Lan hay Úc nên tôi thấy mình hơi thua thiệt. Đầu năm 1963, tình cờ một thông cáo của ĐHSP gởi về nhà cho biết có học bổng Fulbright dành cho giáo sư. Hạn nộp đơn chỉ còn hai ngày. Tôi vội vàng nộp đơn không kịp suy nghĩ. Vậy là qua hai kỳ thi tuyển, viết và vấn đáp, tôi lo làm giấy tờ để kịp nhập học năm ấy. Mọi việc tưởng như êm xuôi nhưng cuối cùng Nha Học Chánh ra một sự vụ lệnh không cho 5 người chúng tôi – 4 là giáo sư trung học, người thứ 5 mới thi đậu cử nhân Luật khoa - xuất ngoại nêu lý do thiếu giáo sư. Tôi đến thăm cô Tuần Lễ. Cô trải bài ra rồi nói rằng thế nào tôi cũng được đi, chỉ trục trặc lúc đầu thôi. Thấy tôi có vẻ không tin, cô nói thêm nếu không đúng thì cứ đến đập trát của cô ra. Tôi buồn cười quá, giảng giải cho cô hiểu rằng đã có sự vụ lệnh không cho đi thì ai mà thay đổi được nhưng cô vẫn một mực khăng khăng tôi sẽ xuất ngoai. Và lạ lùng thay, một tháng sau, tôi lại được giấy của Nha Học Chánh quyết định cho 5 người chúng tôi đi du học. Tôi nhớ lời tiên đoán của cô Tuần Lễ mà ngẩn ngơ!

Cơ quan phụ trách học bổng Fulbright là USIS (United States Information Service). Ông giám đốc mới rất trẻ, rất nhiệt tình. Ông lên Nha Học Chánh cãi nhau mãi với ông giám đốc với lập luận rằng nếu thiếu giáo sư thì khi đơn từ trường chuyển lên nha, ông giám đốc phải chận ngay, sao để đến lúc mọi sự đã an bài mới lấy quyết định như thế. Ông giám đốc đuối lý đành nhượng bộ nhưng vẫn không bằng lòng cho hết cả 5 người đi. Ông giám đốc trẻ của USIS thì nhất định tranh đấu cho cả 5 người, và dọa cắt hết học bổng của Việt Nam từ nay nếu lời yêu cầu của ông không được chấp thuận. Cuối cùng thì ông giám đốc Nha Học Chánh thua. Sau hỏi ra mới biết ông giám đốc còn giận vì hơn một năm trước, tôi đã cãi nhau tay đôi với ông ở Nha với sự hiện diện của một ông chủ sự và bây giờ ông mới nhớ tên nên không muốn cho tôi đi! Nhưng tôi có số xuất ngoại mà cô Tuần Lễ đã thấy trong mấy lá bài nên ông giám đốc muốn cản cũng không được!

Tôi làm việc cho Vietnam Bureau, thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ từ 1968. Trước năm 1975, tôi quen một bà bói bài rất tình cờ, không tìm mà gặp. Cũng không nhớ tại sao tôi lại được mời dự tiệc sinh nhật 49 tuổi của bà. Hồi đó ít người Việt Nam ở vùng Washington DC nên gặp người đồng hương là quý lắm. Huống chi chị Ba Nguyên, người Nam, rất niềm nở, nấu ăn ngon mà lại biết bói bài. Chị thích nấu nướng, thích chuyện trò bằng tiếng Việt – chồng chị là Mỹ - nên tôi thường ghé chơi, ăn uống, bói bài cho vui thôi. Nhưng sau vụ tháng Tư, 1975 thì tôi và vài người bạn đến nhà chị mỗi ngày nhờ chị bói bài về tin tức của người nhà. Chừng một, hai tuần lễ sau 30 tháng Tư là đã có dân tỵ nạn về vùng này, kể cả vài gia đình của các bạn tôi. Họ cho biết dân Saigon và nhiều tỉnh khác tìm đường chạy ra biển và được tàu Mỹ vớt. Sáng nào tôi cũng chờ người đưa thư tới xem có thư từ gì không. Ngày hôm đó, sau khi ông đưa thơ đi rồi, tôi đến nhà chị Ba xem bói bài. Vừa trải bài ra là chị dục tôi đi về sẽ thấy có tin tức. Khi nghe tôi phân trần là đã đợi ông đưa thơ mà không thấy gì. Chị cứ nhất định biểu tôi về. Chị nói có một phong thơ kẹt ở khe hở (opening ở cửa để thơ rơi vào nhà) không rơi xuống đất nên tôi không thấy! Tôi ra về mà không tin tưởng mấy. Đến nhà, khi mở cửa ra thì quả nhiên thấy một phong thơ kẹt không rơi xuống, thơ của cậu em tôi. Tôi run run mở thơ và mừng rỡ biết được cả gia đình em, cùng ba tôi và con trai bà chị (đã mất) đã an toàn đến đảo Guam. Em còn ghi rằng gia đình ông anh tôi đi sau. Bây giờ chỉ còn chờ tin tức gia đình cô em được Mỹ “bốc” đi trước vì em làm cho đài phát thanh do Mỹ tài trợ. Một lần nữa tôi lại thấy tài bói bài của chị Ba. Chỉ hai ngày sau khi nhận được thơ của em trai, khi mở bài ra, chị vui mừng bảo, “Em đừng lo nữa. Tối nay là có tin tức của nó thôi, nhưng qua một người bạn cho em biết có người đã thấy gia đình em gái em chứ không phải trực tiếp từ cô em. Tôi nửa tin nửa ngờ. Chị Ba thấy con bài gì mà nói chi tiết quá như thế. Cả ngày hôm ấy, tôi hồi hộp ngồi nhà, mong cho trời mau tối. Vừa ăn chiều xong thì chuông điện thoại reo, giọng cô bạn vui mừng: “Chị ơi, đừng lo nữa. Em em vừa gọi điện cho hay đã thấy gia đình con Nguyên rồi, hai vợ chồng, năm đứa con cùng đi một tàu với nó.” Tôi mừng rỡ, bàng hoàng và cứ lấy làm lạ sao chị Ba có thể xem bài mà nói đúng quá như thế! Chừng một tiếng sau thì em tôi gọi collect từ Guam. Em bảo đến Guam mấy ngày rồi mà không có tiền gọi điện thoại. Nay có người chỉ cách gọi collect! Tôi thầm cảm tạ ơn trên đã phù hộ cho đại gia đình bình an. Hôm sau tôi sang nhà chị Ba tán chuyện gẫu và bày tỏ lòng cảm phục tài bói bài của chị thì chị nói rằng, “Em ơi, cô Năm nói đó, chứ chị đâu biết gì, có bao giờ chị học bói bài đâu!” Rồi chị kể rằng, người con thứ năm của chị lúc 18 tuổi đi học về buổi trưa đứng bóng, than mệt, lên giường úp cái nón lên mặt, nằm nghỉ. Một lúc sau, chị vào gọi ra ăn cơm thì thấy cô chết rồi. Và từ đó, tự nhiên chị biết bói bài. Chuyện cũng lạ, không biết cô Năm có nhập vào chị không, có khả năng điều khiển mấy lá bài không, thật là chuyện không thể nghĩ bàn! Và rồi bận rộn lo định cư cho hơn 40 người, tôi không có thì giờ gặp chị Ba nhiều nữa.

Một chuyện bói bài Tây đúng nữa là một vị thượng tọa ở chùa Long Beach ở California đã tiên đoán rằng tôi sẽ “gặp người cũ” khi thầy bói bài cho tôi. Chuyện thật khó tin nhưng có thật! Tôi thường sang Cali chơi và thich tìm thăm bạn cũ. Năm 1984, một cựu giáo sư Gia Long cho biết vị thượng tọa ở Long Beach đã xem bói bài cho chị và nói rất đúng ngày tháng chị tìm được việc làm và hỏi tôi có muốn đi xem không. Dĩ nhiên là tôi muốn lắm nhưng chị gọi lại nói thầy đi xa dự lễ Vu Lan rồi. Năm sau tôi cùng ba tôi sang Nam Cali làm lễ hỏi vợ cho cháu tôi. Chị bạn Gia Long lại rủ đi xem thầy. Chị đón tôi đi Long Beach sau khi biết thầy có mặt ở chùa. Tôi xin một quẻ về công việc làm ăn nhưng khi trải bài ra, thầy nói, “Chị sẽ gặp người cũ.” Tôi chưng hửng nhưng cũng nói đùa, “Người cũ có vợ hết rồi thầy ơi!” Thấy thầy có vẻ nghiêm trang, tôi vội đổi giọng, “Mà lúc nào gặp, thưa thầy?” Thầy nói, “Tôi không biết nhưng giờ này sang năm là xong xuôi cả.” Trong lòng không tin – tôi đã gần 50 tuổi và từ lâu không nghĩ đến chuyện chồng con nữa - nhưng tôi cũng không nói gì mà cũng không nhớ thầy có nói chuyện gì khác nữa không. Chúng tôi ra xe đi về. Bạn nói cứ chờ xem, ông thượng tọa này nói đúng lắm. Chuyện lạ là khi bước vào nhà người cô thì thấy một ông ngồi ở phòng khách chờ tôi! Tôi giật mình nghĩ không lẽ “người cũ” này! Anh là người muốn cưới tôi làm vợ năm 1959 và tôi đã giận và chia tay. Từ lúc ấy tôi không hề có tin tức về anh. Chỉ nghe anh cưới vợ năm 1968. Anh biết cô tôi vì vợ của chú ruột anh là chị em bạn dì với cô. Tình cờ biết tôi sẽ sang Cali nên anh bảo con trai của cô tôi, là em họ anh, cho anh biết lúc tôi sang để anh đến thăm. Lúc này thì anh đã biết tôi sống một mình còn anh thì đã ly thân. Câu chuyện dông dài không tiện kể ra đây, chỉ biết rằng một năm sau khi gặp “người cũ” thì chúng tôi làm đám cưới, đúng y như lời ông thầy ở Long Beach giảng đoán từ mấy con bài Tây, mà cũng đúng y như lời giải tử vi của một vị nổi tiếng giỏi tử vi ở vùng Washington DC.

Khoa tử vi cũng rất lạ lùng. Tôi nhớ có đọc ở đâu rằng ông Trần Đoàn, nhà tử vi đệ nhất ở bên Tàu ngày xưa, đã buồn rầu thề không xem tử vi nữa khi ông chấm tử vi của hai chị em song sinh, người chị là đương kim hoàng hậu còn người em lại ở chốn lầu xanh. Hai đứa bé ra đời chỉ cách nhau vài phút! Nhưng đó là chuyện ngày xưa. Ngày nay khoa tử vi cũng vẫn rất thịnh hành và tôi cũng có duyên với vài người xem tử vi rất đúng mà những vị này không hành nghề, chỉ nghiên cứu tử vi vì thích thú thôi. Xin lược kể một chuyện xảy ra sau ngày 30 tháng Tư định mệnh. Nhóm bạn bè chúng tôi ở vùng này đã có người được đón tiếp người thân di tản, riêng tôi và một người bạn rất sốt ruột vì chưa có tin tức người nhà. Chị bạn đề nghị đi xem tử vi khi biết anh ruột của một người bạn thân, vừa từ Việt Nam đến, rất giỏi tử vi. Xem lá số của cô bạn, anh A vui vẻ nói chỉ vài ngày nữa là được tin tốt thôi. Nhưng khi nhìn lá số của tôi thì anh cứ lơ là. Tôi sợ quá hỏi dồn xem có phải anh thấy tin xấu thì anh hỏi: “Gần đây có chuyện gì xảy ra cho cô không?” Tôi sực nhớ là mấy hôm trước, đang đợi đèn xanh ở một ngã tư thì bị xe sau húc đít. Lúc xuống xe thấy hai mẹ con người Mỹ bước ra. Bà mẹ xin lỗi nói cô con gái 16 tuổi đang tập lái xe, không đạp thắng kịp và xin bồi thường nếu xe tôi hư. Tôi thấy xe không hư hao gì, thấy cô gái run sợ, mà tôi cũng đang nóng lòng đến nhà chị Ba xem bói nên cho họ đi. Anh A thở phào nói: “Vậy là cô gánh tai nạn rồi! nhà đang di tản mà tôi thấy có tai nạn giao thông nên cũng lo sợ.” Rồi anh vui vẻ cho biết sẽ có tin tức người nhà, mọi người bình yên nhưng anh thấy có một người đàn ông kẹt lại. [Tôi xem tử vi trước khi được thơ của cậu em]. Trầm ngâm một hồi, anh nói tiếp là chỉ một năm thôi, tôi sẽ gặp lại người này. Chúng tôi hồi hộp chờ đợi, và quả nhiên chỉ một hai ngày sau là bạn tôi có tin tức của người thân. Còn tôi thì chờ đợi lâu hơn. Khi gặp lại cả gia đình ở Fort Chaffee (?), tôi mới biết gia đình anh tôi kẹt lại. Và như lời tiên đoán của anh A, gia đình anh chị tôi vượt biên năm 1976 và gần đúng một năm sau chuyện xem tử vi thì gia đình anh chị đến Maryland bình an. Tôi không hiểu sao anh A nhìn tinh tú trong lá số tử vi mà có thể nói chi tiết thần tình như thế.

Năm 1971 khi tôi đến Bonn, Germany, thăm cô bạn cùng xuất ngoại với tôi và nay là tham vụ ngoại giao thì gặp bác sĩ Tự - chị của vợ anh là bạn học ở Đồng Khánh với tôi - cũng đến chơi. Tôi nói đùa rằng tôi là nạn nhân của bác sĩ, vì nhiều ông chẩn đoán bệnh sai nên tôi bị mổ xẻ nhiều lần rất oan. Nếu là ở Mỹ thì tôi kiện bác sĩ và sẽ giàu sụ rồi. Tôi kể anh nghe một bác sĩ ở Huế mới ở bên Tây về, coi lầm X-ray đem tôi ra mổ ở má bên mặt vì bệnh xoan mũi (sinusite) khi tôi chỉ bị khó thở vì allergy. Tôi phải nằm viện mấy tháng chích Vitamin K trước khi mổ. Sau ông lại đục một lỗ ở trán để cho thuốc vào (frontale) để lại một cái thẹo trên mặt. Năm thứ hai ĐHSP ở Saigon, tôi lại ngột thở. Em họ tôi, đang học y khoa, đưa vào bệnh viện nhờ giáo sư bác sĩ Rivolaine khám. Ông là thầy dạy môn Tai, Mũi, Họng. Khi nhìn hình X-ray cũ, ông la lên rằng tôi không bị bệnh xoan mũi nhưng sau khi mổ, vết mổ không được săn sóc kỹ nên bây giờ làm độc, và nay thì tôi bị bệnh xoan mũi thật, cần xẻ ra lại để tẩy rửa cho sạch. Ông cho thuốc trụ sinh giảm đau chờ mùa hè mổ lại. Mùa hè đến thì bs Rivolaine về Pháp nên một bs nội trú Tai, Mũi, Họng mổ cho tôi. Không hiểu sao ông bác sĩ này nghĩ gì mà mổ phía bên má kia thành ra tôi bị mổ cả hai má và trên trán trong khi tôi không bị bệnh! Lúc này tôi quen với một ông sinh viên y khoa là em vợ của ông bác sĩ mổ cho tôi nên ông có vẻ săn sóc nhiều hơn. Ông cho thử chất lầy nhầy trong mũi (mucus) để xem có vi trùng gì không thì thấy có Staphilocoque doré (?) nên ông cho chích thuốc để diệt con sâu này. Tôi mua thuốc rồi nhờ một cô cháu bác sĩ chích giùm. Cô này nói thuốc có thể gây phản ứng phụ, rất nguy hiểm, thường thì phải làm test trước khi chích. Nói vậy nhưng cô vẫn chích tám mũi chung quanh rốn. Tuần sau, đang ngồi học trong lớp thì tôi ngứa cả đầu, ngứa quay quắt không chịu được phải về nhà ngay, nhờ cậu em sang cầu cứu anh bạn sinh viên y khoa mới quen vì anh ở gần nhà thì anh đi vắng. Khuya hôm ấy, anh chạy sang nhà tôi liền khi được tin và vội vàng đưa tôi vào nhà thương Saint Paul. Ba ngày sau tôi xuất viện, anh bạn mới cho biết là nhà thương nói tôi bị phản ứng của thuốc nhưng may là mấy ngày sau mới phát chứ phản ứng ngay sau khi chích thì không thể cứu được! Số tôi chưa chết! Còn một chuyện về lỗi lầm của bác sĩ nữa. Trước khi đi du học chừng nửa năm, tôi đem cháu, con bà chị, đến khám bác sĩ. Không hiểu sao ông lại hỏi dự tính tương lai và tôi cho biết sẽ đi học cao học ở Mỹ. Ông lại hỏi tôi đã chụp phổi bao giờ chưa, rồi gợi ý nên để ông chụp, nếu có gì thì chữa chạy cũng kịp và tôi cũng nghe lời. Hôm sau ông nói phổi tôi hơi bị nám (voilé) cần chữa gấp. Thế là ngày nào cũng có y tá đến nhà chích một mũi streptomicine, phải ăn thịt bò nhúng mỗi ngày và cứ chiều chiều là tôi có cảm tưởng như bị sốt! Hơn một tháng sau, anh họ tôi, bác sĩ, đến chơi hỏi tại sao phải chích streptomicine. Khi nghe tôi kể lể, anh đem tôi vào nhà thương lao Hồng Bàng nhờ ông thầy của anh khám. Ông thầy bảo phổi rất tốt! Chưa hết. Sau đó, chỗ chích thuốc bị làm độc (abscess), lại phải xẻ ra rửa sạch máu mủ! Nghe tôi kể chuyện, anh Tự bảo tôi cho anh biết ngày sinh tháng đẻ để anh xem tử vi. Sau khi tính toán, anh nghiêm trang bảo tôi, “Chị đừng hận bác sĩ. Trong cung này có sao thiên hình – anh chỉ nhưng tôi không nhớ sao thiên hình ấy ở cung nào - , số chị bị dao kéo đụng hoài nên xui bác sĩ chẩn bệnh sai, mổ sai chứ bị bệnh thiệt thì còn mệt hơn!” Sau này Đại tá Y cũng nói như vậy. Tình cờ tôi gặp lại cô học trò cũ ở Gia Long là con gái của ĐT Y. Cô hay đưa tôi về nhà chơi. ĐT coi tử vi cho tôi rất kỹ và nói đúng mấy chuyện quá khứ. Hồi ấy tôi hay bị đụng xe. Ông Y nói tôi còn lái xe thì sẽ còn bị đụng xe dài dài, cái xe hư hại là gánh bớt cho tôi vì số tôi hay bị chạm sắt thép, vì tử vi có sao thiên hình nằm ở chỗ cấm kỵ. Cho đến gần đây, năm 2007, tôi bị té lầu gãy ở cổ tay, gãy cái xương gắn liền với xương hông. Bác sĩ phải dùng 3 đinh vít níu xương bắp vế vào xương hông và nay ba cái đinh vít vẫn ở trong người tôi. Từ ngày ấy, tôi không còn bị đụng xe nữa vì sắt thép đã nằm trong người tôi rồi! Sao thiên hình là chuyện có thật đấy.
Trở lại câu chuyện “người cũ”. Trước khi gặp lại nhà tôi năm 1985, ông Y nói theo Tử vi thì nhất đinh tôi không thể ở vậy được. Khi tôi chỉ sao ‘tuyệt’ nằm trong cung phu thì ông lắc đầu nói rằng sao ‘tuyệt’ nằm ở đây có nghĩa là chồng tôi bị tật ở mắt, chứ không phải là không lập gia đình. Không lâu sau đám cưới, tôi mới biết anh chỉ thấy một mắt. Nhớ lời ông Y nói về sao ‘tuyệt’, tôi không dám nói gì vì sợ anh không chịu đi khám mắt. Nhưng anh cười, đem ra một hồ sơ dày của Đại Học Stanford ở Cali nói khi anh mới sang Mỹ năm 1983 thì anh họ của anh đã đưa đi khám mắt ở Stanford. Bác sĩ nói võng mạc (retina) rời ra (detached) đã lâu rồi, không nối lại được. Tuy nhìn hai mắt bình thường nhưng một mắt hỏng rồi! Tử vi chính xác quá!

Một người giỏi tử vi nữa mà tôi được biết là anh Tiến. Anh sang Mỹ học Ph D về địa lý. Anh là một trong hơn 200 người được qua Mỹ học ESL trước khi vào trường thay vì học ở Việt Nam như trước kia. Tôi đã đi theo chuyến bay, năm 1967, theo lời yêu cầu của chính phủ Mỹ. Khi biết anh giỏi tử vi, tôi nhờ anh xem tương lai hậu vận thì anh bảo rằng số tôi sống ở nước ngoài. Khi tôi phản đối nói rằng tôi không có ý định ở lại Mỹ, tôi sẽ về, anh bảo, “Theo lá số này thì chị phải chờ chừng 5 năm nữa mới về được, mà về thăm thôi.” Anh nói thêm: “Nhưng tôi thấy sau này, khi về hưu thì chị muốn về lúc nào cũng được.” Rồi anh xem cung điền trạch và nói rằng tôi sẽ có nhà năm 39 tuổi, rằng tôi mua nhà hai lần nữa nhưng chỉ cái thứ ba tôi mới ở lâu dài. Nghe thì biết vậy chứ đâu dám tin, mà cũng khó tin. Sau chuyến đưa sinh viên qua Mỹ, tôi về Việt Nam ăn Noel 1967 ở Saigon. Sau đó, định ra Huế ăn Tết nhưng đầu tháng Giêng năm 1968, US AID năn nỉ tôi tháp tùng một phái đoàn sang Mỹ theo chương trình Observation Tour (tu nghiệp?) chừng hai tháng nhưng chỉ hai tuần sau thì vụ Mậu Thân xảy ra. Ba tôi nhắn tôi đừng về vội vì ở nhà tình hình bất ổn. Tôi nhớ lời anh Tiến và lo lắng không biết phải chờ đợi bao lâu. Khi Hội Nghị Paris xảy ra năm 1972 (Paris Peace Talk), và sau chuyến thăm trung Quốc của Tổng Thống Nixon, chúng tôi, cộng đồng Việt Nam ở Washington DC, biết là Mỹ sẽ rút quân nên tôi không hy vọng có ngày về. Năm 1973, tôi mua một condo hai phòng ngủ ở Kensington, Maryland, ngoại ô của Washington DC để định cư. Cũng năm 1973, một nhóm anh chị em thuê khoáng một chiếc máy bay (charter plane) về Việt Nam thăm một tháng. Khi ấy tôi mới giật mình nhớ lời tiên đoán của anh Tiến. Năm mua cái nhà đầu tiên là năm tôi 39 tuổi ta. Kể từ lúc anh Tiến coi tử vi cho tôi (cuối năm Mùi, 1967) đến lúc tôi về Việt Nam thăm một tháng là hơn 5 năm. Và ngày hôm nay, như lời anh Tiến nói năm xưa, tôi muốn về Việt Nam sinh sống thì cũng được. Và tôi mua nhà hai lần nữa thật. Tôi dọn vào nhà thứ ba, nhà tôi đang ở, từ 1994.

Tử vi thật là huyền bí. Người giải đoán tử vi chính xác cũng thật là hiếm quý. Không biết giờ này anh Tiến ở đâu, không biết anh có chạy thoát sau 30 tháng Tư không. Ba anh cũng giỏi tử vi. Anh học từ cụ và vẫn nhớ lời ba anh dặn là thà mang tiếng nói sai chứ không nói cho thân chủ biết nếu thấy tử vi của họ xấu quá vì biết trước cũng không thay đổi được gì, cũng giống như lời em tôi khuyên không nên coi bói, coi tử vi vì không thay đổi được gì cả. Nhà tôi cũng nói hồi còn trẻ, anh không tin tử vi. Anh rất bực khi thấy tử vi của anh ghi là có hai vợ! Tôi thì tin những lời Phật dạy, tin nhân quả. Tôi nghĩ rằng nhân quả là định luật của vũ trụ, tin hay không tin vẫn bị định luật nhân quả chi phối. Những gì xảy ra trong đời một người không phải ngẩu nhiên mà do nhân quả nhiều đời, tạo nhiều duyên nghiệp trùng trùng, không thể nghĩ bàn. Nhưng cũng có người có khả năng đặc biệt, thấy được những nhân duyên (trường họp ngoại cảm) nghiệp quả, hay học được khoa tử vi, bói toán mà thấy được chuyện quá khứ, đoán được chuyện tương lai. Chuyện vợ chồng là do nghiệp duyên từ nhiều đời, nhiều kiếp, chứ không phải chỉ gặp một lần mà nên đôi. Chắc vì vậy mà tuy có nhiều người theo, nhưng tôi vẫn không chịu ai cho đến khi gặp người cũ. Còn anh thì nợ hơn một người nên phải trả cho xong. Bác sĩ Brian Weiss, trong cuốn Only Love is Real, cho rằng một người có nhiều đối tượng để thương yêu vì duyên nợ nhiều đời nên đời này có thể có nhiều vợ, hay nhiều người yêu. Ông Edgar Cayce, nhà tiên tri Mỹ thế kỷ 20, cũng cho rằng vợ chồng sống với nhau là để trả nợ nhân quả (karmic debts) cho nhau. Trong cuốn The Story of Edgar Cayce của tác giả Thomas Sugrue, còn nói ông có thể khuyên nên chọn nghề (career) cho thích hợp vì ông thấy được tiềm năng của người đó (tr 223). Có thể tôi không nhận biết được tiềm năng của tôi, không biết được công việc gì làm tôi hạnh phúc nên bỏ phí mất hai năm học, hơn một năm ở trường Dược, và một năm ở trường Luật. Tôi vừa đậu Luật năm thứ nhất thì có kỳ thi tuyển vào Đại Học Sư Phạm Anh Văn, môn tôi rất thích nên tôi ghi tên dự thi liền và theo nghề dạy học. Và cũng may là tôi yêu nghề, mến trẻ, không như nhiều người đi làm là để kiếm sống chứ không thích thú công việc mình làm.

Nhìn lại mấy mươi năm qua từ ngày gặp cô Tuần Lễ đến nay đã ngoài bát tuần, tuy không cố ý tìm thầy tử vi, thầy bói bài mà vẫn gặp được nhiều vị thật giỏi, nói trước nhiều điều thật đúng nhưng nghĩ lại thì thấy nếu không gặp những vị này thì những chuyện ấy cũng xảy ra như lời cậu em tôi nói. Bôn ba cũng chẳng qua số mạng. Nhưng đức năng thắng số, có trời mà cũng tại ta. Cứ ăn ở cho có đức thì có thể chuyển nghiệp dữ sang nghiệp lành không cần xem bói toán, tử vi.

Hoàng Thị Quỳnh Hoa

 

 

Phạm Nga và truyện Xác Cậu và nghe thêm truyện Quý Cô Bói Toán.

Kính gửi quý anh chị truyện ngắn của anh Phạm Nga.
Truyện ma ở Việt Nam có lẽ là một đề tài khiến người sống luôn tìm hiểu để gần gủi hơn với những người khuất mặt, hy vọng đó là người thân của mình.
Tuy vậy, mỗi thế giới có tính cách riêng và đôi khi ta cũng không nên tìm hiểu thêm những gì mình không nhìn thấy, có lẽ sẽ tốt hơn.
Cám ơn anh Phạm Nga đã gửi bài.
Caroline Thanh Hương


Truyện

XÁC CẬU

1.
Cô gái đang ngồi bỗng ngã người nằm ngữa trên chiếc chiếu rách, hai chân co lên, rồi dễ dàng kéo một bàn chân lên miệng để mút ngón chân cái. Mấy người đàn bà nảy giờ ngồi xung quanh cô gái, kể cả các mụ hung dữ, nanh nọc nhất, đồng loạt khúm núm cúi đầu, như tự thu nhỏ mình lại trước một sức mạnh vô hình và thì thào "Cậu về! Cậu về rồi!”. Họ chấp tay, lầm bầm khấn vái, có người khóc lóc, sụp lạy…
Từ bên sân nhà mình nhìn sang, hắn hiểu ngay là cô gái vừa không còn là chính mình nữa mà đã biến thành xác. Theo bà con ở đây, có một hồn ma rất thiêng của một cậu bé trai tên Yến đã chết vào thời nào không rõ. Cậu đã chọn xác để nhập vào mà cứu-nhân-độ-thế, được một thời gian thì lại có tin truyền rằng Yến đúng ra là một hoàng tử chứ không phải con nhà dân dả nên bà con lại càng thần phục: Cậu Yến thăng lên thành Cậu hoàng Yến.
Cậu, vẫn nằm ngữa, bắt đầu đớt đát nói tiếng trẻ thơ, nghe khi được khi không. Lập tức bà Sáu chủ nhà "dịch" lại bằng giọng ồ ề của bà, nghe cũng rất mệt. Rằng cậu đã nói chỉ một tâm cứu nhân độ thế, không màng lợi lộc nên mấy ông cốc bà cốc không nên cúng lễ vật, tiền bạc làm gì. Rằng con nữ kia đừng buồn chuyện thằng chồng đi lấy bậy nữa, cứ lo tu nhân tích đức đi, từ từ cậu sẽ dạy cho nó tỉnh ngộ mà quay về với vợ con. Rằng bá gia cứ tiếp tục tu trì, làm việc thiện và nhớ đừng nghe lời ai hết! Nghe hôn?…Mọi người, tức là bá gia, cứ việc cúi đầu dà dà, dạ dạ liên tục. Nhưng không biết cậu sẽ nghĩ gì, dạy gì khi biết được ở rất gần “giảng đàn” của cậu, đang có gã nhà hàng xóm đứng khuất bên kia dãy hàng rào bông bụp, vô cùng nghịch đạo vô lễ bởi hắn không hề kính cẩn lắng nghe cậu dạy mà chỉ chăm chăm ngó vô mình mẫy xác.
Khách quan mà nói, xác tức con nữ có tên là Gái hay tên gì khác cũng không đáng để ai quan tâm vì đã nói, một khi được làm xác của cậu thì cô ta không còn bản ngã, nhân cách, tên tuổi riêng gì nữa. Cũng từ đây, vào lúc bình thường nghĩa là những khi không có cậu nhập, mọi người đều trân trọng gọi là ‘cô’, ‘thưa cô’ chứ đâu dám gọi tên Gái. Điều đáng nói là khi cô nằm ngữa ra như lúc này, dù ở phần trên là kiểu trẻ thơ hồn nhiên mút tay nhưng ở phần dưới vẫn cứ là kiểu đàn bà trâng tráo gợi dục. Nếp quần lót cứ lồ lộ khiến gã hàng xóm không khỏi xốn xang tưởng tượng. Nghĩa là giờ này hắn không tích đức, diệt dục gì ráo mà chỉ tích máu, cương cứng…


2.
Sau ngày 30-4, không được dạy học nữa, gã hàng xóm đành lui về quê vợ kiếm sống. Đó là một vùng quê gần chợ nhưng vô cùng nghèo khó. Tối tăm từ khung cảnh - mỗi tuần chỉ hai đêm có điện - cho đến lòng người: ở đây không được vào công nhân viên nhà nước ‘có tiêu chuẩn’ thì chỉ còn những nghề lao động nặng nhọc, lam lủ, ít tiền. Ngày ngày hắn phụ đẩy xe ba bánh chở đồ hàng bông, hàng rẫy ngoài chợ, chiều tối về thì bập vô mấy xị rượu, mấy con khô bên ngọn đèn dầu để quên đi những sọt khoai lang, khoai mì, bí rợ quá nặng cho một tên thầy giáo "mất dạy"…Thường khi say rồi hắn làm biếng ăn cơm nhưng cứ sau khi ra giếng tắm truồng trong bóng tối, hắn lại hay siêng năng mò vô vợ hắn. Ở trong buồng, bóng tối phủ đầy - tiết kiệm dầu hôi - nhưng hắn vẫn nhận ra được cặp mắt, cặp vú vợ mình hình như lấp lánh sáng. Sáng yếu ớt như chút xíu hạnh phúc héo hon, độc nhất còn sót lại trên đời này.
Cùng khổ, tuyệt vọng dễ khiến người ta tìm tới những chỗ dựa ít kén chọn hay những niềm an ủi ít tốn kém cho cả tâm linh lẫn cảm xúc. Như chuyện con gái của hắn tự nhiên hay bị thức giấc giữa đêm. Con nhỏ mới sáu tuổi nên không thể kể lại rõ ràng nó thấy gì trong khi ngủ đến nỗi phải choàng thức và khóc lóc. Vậy là mấy bà hàng xóm giành quyền giải nghĩa với vợ hắn, rằng cháu nó đã bị người-khuất-mày-khuất-mặt tìm đến hù dọa, phá phách. Quan sát sinh hoạt ban ngày của con nhỏ, đồng thời tìm hiểu kỹ về sức khỏe của nó…, hắn không tìm ra được nguyên nhân ác mộng thì cứ bị vợ hắn thúc gịuc việc cúng kiếng, cầu thầy. Hắn nổi điên!
Một tối, hắn nhậu rỉ rả rất khuya với thằng đạp xe ba bánh ở miếng thềm trước nhà, nó chán hắn đến nỗi lén bỏ về hồi nào không hay. Còn lại một mình trong bóng tối, đèn đã cạn dầu mà vợ hắn đang giận nên chẳng thèm ra dọn dẹp, bỏ mặc hắn nằm dài ra đất như cái mền rách.
Hắn bắt đầu chữi - một hành vi mà từ trước tới giờ mọi người không hề thấy ở hắn, dù đã nhiều lần hắn cũng say dữ dội.
Đ.mẹ, vậy là có thằng nào con nào đó tên là người khuất mày khuất mặt tới phá con tao? Một đứa hay mấy đứa? Hay toàn thể tụi bây? Đâu cần đông đủ long trọng dzữ dzậy? Con tao chỉ là một đứa nít thôi mà? Không đứa nào trả lời à? Tốt! Dù sao thì cũng cho tao được phép kính cẩn nghiêng mình gởi lời.. đ. mẹ tới toàn thể quí vị. Nghe rõ chớ hả? Để tao nghỉ chút xíu, mệt quá… Tiếp đây. Phải, tao lập lại là con tao chỉ là một đứa nít sáu tuổi, yếu ớt, ốm nhách và nó chỉ là con của một thằng cũng ốm nhách, nghèo mạt là tao đây. Tụi bây là những đấng khuất mày khuất măt? Có chức danh nào khác nữa không? Hả? Gì? Người cõi trên? Người cõi âm? Trân trọng kính chào nhưng tụi bây đúng ra chỉ là lũ chó cắn áo rách. Chớ còn gì nữa? Người cõi trên bề trên gì đó thì phải lo phù hộ, độ trì cho đám dân đen dưới trần gian này sống đỡ đỡ một chút chớ! Đằng này tụi bây lại… Tụi bây có lao động không hả, có đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm cơm không hả? Hay rảnh quá rổi chỉ biết đi ăn hiếp con nít. Vinh quang quá hả? Ma cha con tao có chọc ghẹo gì bây đâu? Thôi, tao mệt quá, tao lạy xin tụi bây đừng tới phá con tao nữa, để cho nó được ngủ yên mai dậy còn đi học. Còn nếu không thì… tụi bây có ngon thì tới phá tao đi. Phải, quên con tao đi rồi tới chơi với tao, tao thế mạng con tao, được chưa? Tao đây nè, có ngon thì tới đây. Tao hả? Hồi xưa tao là ai là gì bây khỏi cần biết, giờ thì tao đếch là gì cả, chỉ là một thằng khố rách áo ôm, nhà cửa sự nghiệp không có, cày cả ngày muốn tắt thở mà cũng không đủ kiếm được nổi một miếng thịt nhỏ xíu cho vợ con tao ăn kẹp với rau củ cho đỡ khổ nữa. Nhưng được cái tao là thằng lương thiện, nghèo thì nghèo chớ tao chưa hề gạt gẫm, chơi xấu ai. Mà là người lương thiện thì tao đếch sợ tụi bây, nghe chưa? Tụi bây có biết ông Khổng tử bên Tàu không, ổng có nói câu "Đức trọng quĩ thần kinh", có nghĩa khi ta là con người lương thiện, trong sạch thì quĩ thần còn phải kinh sợ ta, việc gì ta phải sợ quĩ thần…Thôi, tao mệt quá, lời cuối tao nói cho tụi bây biết, một là tụi bây cứ ngồi yên trên bàn thờ để người ta thắp nhang, cha con tao và tụi bây không ai chọc ai, còn nếu không thì hai là tụi bây có ngon cứ tới chơi tao. Hay là ngay giờ đi, thằng nào con nào ngon thì hiển linh hiện ra đi, tao đây nè. Tao thách đó! Sao, không dám hả? Dzậy mà kêu là người cõi trên. Đ.mẹ tụi bây, đ. mẹ toàn thể tụi bây…
Mơ hồ hắn cảm thấy trong lúc mình lãi nhãi, hình như tới phần giới thiệu sơ nét diện mạo và hoàn cảnh cùng mạt của cha con hắn, hắn đã khóc. Mơ hồ trong những khoảng lặng, hắn cảm thấy hình như mình chân thành thèm chết mới xin "thế mạng" vì… lạy Trời, con hắn là tương lai, còn hắn thì không.
Những ngày sau đó, mọi người tránh mặt gã hàng xóm, cứ như ai cũng kiêng cữ không đến gần kẻ xấu. Hắn thì chỉ nhớ mang máng một số ý tưởng chất chứa trong bài độc thoại đêm đó chứ không biết gì về mức độ âm thanh cùng số lượng khán thính giả có mặt hoặc khuất mặt.

3.
Như có quan hệ nhân quả, một chuyện lạ xảy đến, không biết hung cát thế nào.
Tự nhiên có một cặp vợ chồng lạ mặt đến ở trọ nhà bà Sáu, sát bên nhà gã hàng xóm. Họ đều còn trẻ, anh chồng làm nghề bốc vác ở chợ, không có gì đặc biệt. Chị vợ thì đáng để ý hơn, nhưng không phải bởi nhan sắc, vóc dáng. Hàng xóm đến làm quen thì được cho biết cái cô tên Gái này đã từng là cô giáo, thợ may và cả ni cô nữa, nhưng hiện giờ không thấy cô ta làm gì cả. Cô trầm lặng, ít nói, ít khi ra khỏi nhà cũng như ít khi nấu cơm cho chồng ăn. Có điều là cô bị chứng bịnh gần như động kinh, thỉnh thoảng đột nhiên ngã ra, ngất đi một lát rồi tỉnh, bình thường trở lại như không có gì xảy ra, bà con hàng xóm khỏi cần cạo gió, giựt tóc mai gì cho rộn chuyện.
Nhưng trước sau gì cuộc trình diễn cũng phải bắt đầu. Sân khấu: không cần phông màn âm thanh ánh sáng, chỉ là một manh chiếu rách. Vốn ở miếng sân trước nhà cô Gái đến trọ, lâu nay cứ vào chiều tối – mùa này chiều nào cũng rất mau tối, rất nhiều bóng tối –manh chiếu này hay được thả ra, làm chỗ họp cho mấy bà ngồi lê đôi mách. MC : bà Sáu chủ nhà phụ trách. Cũng không ai có ý kiến, thắc mắc gì về chuyện nhà bà Sáu có đạo, có bàn thờ Chúa mà bà lại tin chuyện đồng bóng.
Cậu đã hiển linh trong một lần Gái động kinh vô cùng khác thường. Cô gái đã không nằm im, nhắm mắt như mọi lần khác, đằng này lại co hai chân, kéo một bàn chân lên sát miệng để mút ngón chân cái, cặp mắt mở láo liên và thỏ thẻ giọng trẻ thơ. Bà Sáu thấy lạ liền xáp vô, ghé sát mặt Gái. Ban đầu bà hỏi: " Hả, hả? Mày nói gì tao nghe không được. Hả? Con nhỏ này bữa nay sao lạ…", rồi bỗng đổi giọng: "Hả? Trời ơi! Dạ? Cậu!? Dạ…Cậu, con lạy Cậu. Dạ con hiểu rồi!" Bà sụp lạy mấy lạy vô thân mình cô gái rồi quay lại mọi người, giọng kinh hoàng: " Mấy bà con ơi, té ra đây là Cậu, Cậu về nhập con Gái, ủa, xin lỗi, nhập cổ để cứu nhân độ thế!". Có khác gì một nhà tiên tri báo tin đấng Chúa mới vừa ra đời trên chiếc chiếu rách của người nghèo khó! Kế đó, Chúa cũng chọn luôn chiếc chiếu rách làm giảng đàn.
Mọi sự đảo lộn. Bắt đầu từ cô gái. Với trạng thái nhị - trùng - bản - ngã (hay tam trùng? đa trùng?), Gái là đàn bà, đồng thời là xác, và vì Cậu vốn là hài nhi nên Gái cũng là đứa bé trai luôn luôn nằm ngữa. Bà Sáu là chủ nhà nhưng đang kính cẩn cúi lạy con nhỏ thuê nhà và chắc chắn không lấy tiền nhà nữa, đồng thời bà cũng là MC thông dịch, còn lãnh luôn việc giảng nghĩa và bình luận thêm cho lời lẽ của "phức thể" đàn bà + xác + đứa bé… Đám đàn bà con nít xung quanh biến thành những bà cốc, con nữ, thằng nam… Chi tiết quan trọng: Cậu không hiện diện (ai thấy? mặt mũi, hình tướng, quần áo Cậu ra sao?) nhưng luôn luôn hiện hữu trong tin tưởng của những ai tin là có Cậu. Rồi tin tưởng nhanh chóng biến thành tin đồn. Hơn thế, thỉnh thoảng vị khuất-mày-khuất-mặt này thông qua xác mà coi như đã hiển linh thành người trần. Có điều là khi Cậu sử dụng cái thế thân (avatar) dạng “phức thể” đàn bà +xác+ đứa bé như đã phân tích, tuy cụ thể sờ-mó-được nhưng bá gia cũng cần phải kính cẩn tưởng tượng thêm nhiểu nữa mới mơ hồ cảm nhận được thần thái uy nghi của Cậu. Chi tiết ít quan trọng: không thấy có thêm phần cờ quạt, nhang đèn, múa may, rùng mình, ợ ngáp, cười khóc.v.v… theo kiểu lên đồng, nhập xác cổ điển thường thấy trong nước xưa nay.
Một điều nữa là không rõ các bá gia có hiểu hết câu "Đừng nghe lời ai hết" được nhắc đi nhắc lại trong lời dạy của Cậu (hay của xác? hay của MC?) hay không, mà khởi từ buổi khai pháp đó, một cách kín đáo, lặng lẽ - không có lịch họp định kỳ rõ ràng như kiểu họp câu lạc bộ phụ nữ, phụ lão… dưới phường, cái hội trầm mặc kia cứ sinh hoạt bữa có bữa không trong cái ánh sáng nhờ nhợ, buồn bã vào buổi sẫm chiều, ở cái miếng sân hình như thu hẹp và đóng kín hơn khi bóng tối sung sướng ùa về ngự trị.
Qua xác, cộng thêm MC, Cậu giảng dạy việc đạo, việc đời, việc tu hành, việc diệt dục, đặc biệt là về ý nghĩa và sự chuẩn bị cho cái chết. Cậu cũng nhận lời chữa bịnh cho bá gia , nhưng không có thảo dược hay tàn nhang nước thãi bài bản theo kiểu thầy pháp cổ điển, Cậu chỉ dạy người bệnh uống thuốc tây ta gì cũng được, nhưng cần nhất là phải làm việc thiện và thường xuyên cầu xin Cậu độ trì, và nếu là số mạng phải bệnh tật thì Cậu sẽ xin với Trên cho từ từ mà giải hạn, hết bệnh. Cậu không nói Trên là đấng nào, cứ ngầm hiểu là ở bất cứ cõi nào, dù là con người, thần tiên hay ma quĩ cũng đều luôn luôn có cấp trên là được.
Thỉnh thoảng vì bá gia nài xin quá thể, Cậu cũng cho số đề nhưng vấn đề là không bao giờ có một con số cụ thể nào được Cậu xác quyết rằng thế nào cũng trúng. “Đêm qua ta thấy…”, Cậu chỉ mơ hồ nói đến một lô hình ảnh lẫn lộn vài con vật, đồ vật gì đó, rồi qua diễn dịch vô tư, thoải mái của MC, ai hiểu ra là con gì cứ tự đánh con nấy. Mặt khác, tế nhị hơn, dù Cậu không ra lời dạy hay chính thức đặt thành vấn đề, bà con vẫn lén Cậu, lũ lượt đem các loại phẩm vật đến tặng cho Gái theo ý thích của cô. Cô ăn chay, chắc là thích trái cây, nhưng qua lời của MC tiết lộ, cô có thích quần áo hàng mút-xơ-lin màu tối.
Phải kể thêm là qua tâm sự của chồng Gái thố lộ trong một bữa say xỉn bên nhà gã hàng xóm, Gái thích quần lót hàng va-li-ze có thêu, ren chút đỉnh, mặc dù trong bóng tối thì không ai thấy ren, thêu gì. Anh ta dặn đừng nói với ai nên gã hàng xóm chỉ nói với vợ và vậy là vợ hắn mở đầu cho kiểu tặng phẩm vật loại đặc biệt này để mấy bà khác bắt chước.
Riêng có một phần tâm sự rất lâm ly từ anh chồng của Gái mà gã hàng xóm còn dấu vợ. Đó là, quá đả bởi một sự hào phóng rẻ tiền cũng như tin cậy hoàn toàn nơi bạn nhậu ‘tình thương mến thương’, anh chồng nói nhỏ là từ ngày được Cậu nhập, trên giường Gái chỉ nằm im lặng, xuôi xị, không còn tỏ vẻ có cảm giác và hưởng ứng dù có được kích thích, riết rồi chồng cô đành ngủ chay. Cũng vẫn xác thịt đó nhưng nay lại là xác của Cậu rồi, thiêng liêng biết mấy? Gã hàng xóm không nhớ nổi anh chồng đã kể lại chuyện kín này bằng giọng tự hào hay uẩn ức nữa.

4.
Quan hệ trao đổi giữa đôi bên là xác Cậu và bá gia cứ diễn ra thật kín kẽ, đầm thắm. Đầm thắm đến mức không ai nói gì về kết quả của những việc cứu nhân độ thế của Cậu. Không nghe ai nói bệnh của họ có hết hay không, nhưng tốt hơn là không nên khai bệnh hoài - nhất là con nít bệnh này nọ - nếu không muốn nghe Cậu tiết lộ thiên cơ rằng Cõi Trên đang có đợt tuyển người hầu hạ chư thần. Và chỉ có người run rủi bỗng trúng số đề mới mừng rỡ báo tin tài lộc của mình, tất nhiên chỉ khoanh lại trong trong kỳ xổ số họa hiếm ngày hôm đó thôi, vì dù người vừa trúng đề tiếp tục đến dự các buổi Cậu nhập xác, tiếp tục ghi nhận những con số Cậu cho, nhưng chẳng nghe họ trúng tiếp bữa nào nữa.
Vài gia đình xào xáo được Cậu khuyên răn, hòa giải đã hòa thuận trở lại, không cần phải nhờ đến người lớn tuổi hay chính quyền phân xử nữa. Riêng gia đình gã hàng xóm thì vui vẻ hơn vì không rõ có phải do trận chữi liều mạng của hắn đêm đó hay không, tự nhiên con hắn không còn bị ác mộng nữa. Gã hàng xóm đã đoán là vợ mình, nếu không ớn cái tật lý sự, phân tích đủ mọi mặt, mọi khía của hắn thì nhất định cô nàng đã ra tay “cải tạo” hắn. Hoặc cô sẽ nói: "Anh thấy chưa, vì cái tội vô đạo, không biết tin tưởng quỹ thần, say xỉn rồi mới dám chữi bới, thách thức thần linh, nên Cõi Trên mới ra ơn, thay vì trừng phạt anh lại cho Xác Cậu đến ở cạnh nhà mình và, dù anh vẫn không chịu tin tưởng, một số chuyện tốt đẹp - dù nhỏ nhoi, không có tầm cỡ quốc gia đại sự như anh đòi hỏi - cũng đã đến với gia đình mình và bà con hàng xóm…" . Chỉ có điều đáng tiếc là Thượng đế mà những người loại như cái gã gốc nhà giáo này tin tưởng chắc phải ở một cõi nào khác hay không ở cõi nào cả, chứ không phải là như đang có ở đây là kiểu thần linh loại 2, chuyên trình diễn ở đâu cũng những bài bản múa máy, ợ ngáp giống nhau đến nhàm chán.
Thôi, đó là chuyện của cõi trên, cõi âm gì đó. Trong khi ở cõi này, lúc này, trong cái xóm tối tăm, khuất lánh này, chuyện xác Cậu đến với đám người nghèo khổ và vô vọng là chuyện cũng không đến nỗi tồi. Xác nguyên là cô giáo/thợ may/ni cô gì đó thì cũng là thứ người lạc loài, khốn khó, trôi dạt trong/bởi thời thế như gã hàng xóm, phu xe ba bánh, nguyên là nhà giáo mà thôi.

PHẠM NGA
(Trích tuyển tập ký/truyện THỨ NHỤC DỤC TỦI NHỤC, bìa và phụ bản Roger Mapes & T.K, Australia 2007)
tt