Translate

Libellés

mercredi 7 février 2018

Phạm Nga viết Ngày Xuân Xem Phim Hay: Chuyện Tình Lãng Mạn Lại Ngọt Nồng Rượu Nho và LỜI DẪN CHO “LÃNG ĐÃNG VỚI CÀ PHÊ VÀ NHẠC”.

tt Cám ơn những bài gửi của anh Phạm Nga.
Mời quý anh chị đọc và nghe nhạc trong trang Blog này, nhạc do anh gợi ý.
Lâu lắm mới có dịp đọc những bài viết theo lối xưa. tản văn của anh Phạm Nga gợi nhớ Sài Gòn của ngày tháng cũ.
Xem phim tây, nhất là phim tình cảm thì có lẽ khó có ai quên được khi xưa Sài Gòn cũng có những phim được trình hát làm rạp ciné nào cũng động nghẹt từ ngày ra mắt đến ngày thôi chiếu vì đa số toàn là những nghệ sĩ tên tuổi.
Đã xa nhưng vẫn gần, vì đời luôn còn có người và ta.
Caroline Thanh Hương




LỜI DẪN CHO LÃNG ĐÃNG VỚI CÀ PHÊ VÀ NHẠC


Qua Lời Dẫn cho tập tản văn LÃNG ĐÃNG VỚI CÀ PHÊ VÀ NHẠC mỏng manh này, người viết muốn bộc bạch cùng bạn đọc về nguồn cơn rong rủi nào đã dẫn dắt ý tứ của mình.

Xưa nay, với ai cũng vậy, rất bình thường là tách cà phê buổi sáng. Đúng ra, thực tế là không riêng gì buổi sáng, người Việt mình bất kỳ ở thành phố hay thôn quê, cũng với bất kỳ nguyên cớ nào đó, đều có thể uống cà phê bất kỳ giờ giấc nào trong ngày. Như bạn bè rỗi rảnh rủ nhau ra quán cà phê. Như đồng nghiệp giữa giờ làm việc kéo nhau xuống căn-tin hay ra quán trước sở làm làm cái cà phê. Như bạn cũ đã lâu ngày mới tình cờ gặp lại giữa đường, kéo nhau vào cà phê để hỏi han tin tức về nhau cái đã, trước khi hẹn một chầu nhậu kéo dài để tha hồ chuyện vãn. Như dân làm ăn bàn áp phe, ký hợp đồng, giao nhận hàng… cũng rất thường là tại quán cà phê.

Tuy nhiên, có gì đó rất vong thân tội nghiệp là cái cảnh ai đó sáng ra sợ trễ giờ đành mua nhanh cốc cà phê take away trên vỉa hè mang vào sở làm uống sau, hay vội vội vàng vàng nốc ly cà phê đá để giải quyết cơn khát giữa đường phố. Hay bạc bẽo quá là chuyện uống cà phê dạng fastfood đựng trong ly nhựa đậy nắp. Ăn, uống phải bằng mọi cảm  quan nếm-ngữi-thấy mới ngon - đằng này dù dùng ống hút hay kê môi vào vành ly, người uống cũng không hề được thấy màu cà phê óng ánh trong ly.

Ngược lại, có lẽ tự thân ung dung nhất trong mọi sinh hoạt thường ngày của hầu hết mọi người – đặc biệt đối với bọn viết lách như bạn và tôi - là thời khắc cà phê. Cà phê đúng nghĩa không chỉ đơn thuần là hành vi uống, sử dụng một món uống. Với cà phê tự thân, người uống toàn tâm toàn ý tự phục vụ bằng một số cử chỉ quen nhuần, đã lập đi lập hằng triệu lần trong cuộc sống có cà phê. Và phải với phong thái ung dung như thế mới xứng đáng nói là ‘thưởng thức’ hay ‘nhâm nhi’ cà phê – cảm nhận hương vị cà phê bằng cả hai phần Tâm và Thể, thay vì nói ‘uống’ cà phê, chỉ là một động tác thể lý.

Chợt nhớ André Gide - nhà tư tưởng tiền phong của chủ nghĩa hiện sinh. Trong cuốn Thực phẩm trần gian (Les nourritures terrestres, xuất bản năm 1897), khi đề cao vai trò của các giác quan trong đời sống con người, Gide nêu ý tưởng ‘thực phẩm trần gian’ có nghĩa bao gồm cả hai phía vật chất lẫn tinh thần, như từ một món ăn ngon lành, món uống thú vị cho đến một ý tưởng đẹp, một cuốn sách hay, một cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ… Riêng tôi, lỡ có tính hiếu cảm cùng hiếu mỹ, đã có xu hướng khá phàm phu là ở trần gian này tôi khoái nhất cái gì vừa ngon, vừa đẹp lại vừa ăn/uống được, tất cả là nằm kho ẩm thực Trời cho con người xưa nay, với đủ loại hạng, từ gạo, rau, cá, mắm dân dã cho đến sơn hào, hải vị cao cấp. Nên khi “triển khai” ý tưởng của Gide, tôi tôn cà phê lên hàng loại ‘thực phẩm trần gian’ siêu hạng. Theo chủ quan,  tôi nhìn nhận giá trị của cà phê không quan trọng ở mức dinh dưỡng, năng lượng, dược tính… này khác của nó mà là ở ý nghĩa, vai trò độc đáo của nó đối với con người - ít ra là đối với những người ghiền cà phê như tôi, như tạo cảm hứng, tạo hưng phấn, giải khuây, làm cái cớ để gặp bạn bè…

Thực tế là trong cuộc sống hiện giờ, hiếm có thứ gì dễ tìm, dễ tiếp cận như cà phê. Khỏi nói tới cái phin lọc, cái hũ cà phê xay hay mấy gói cà phê ‘3 trong1’ mà nhà nào cũng có, bước ra đường là cà phê đã chấp chới rộ lên chào mừng bạn. Đó là những cái tủ gỗ hay xe đẩy, xe đạp bán cà phê mang về, có mặt san sát nhau trên vỉa hè, cho đến những quán cóc bán cà phê bình dân, rồi những quán hay nhà hàng cà phê máy lạnh giá cao, cà phê sân vườn, cà phê sạch, cà phê thư giãn, cà phê fast-food kiểu Mỹ, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Tiệp Khắc…. Vui mắt nhất là có lẽ là các trạm cà phê sạch xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10/2015 khắp phố phường Sài Gòn. theo sáng kiến kinh doanh của doanh nghiệp “Hệ thống trạm cà phê sạch” với logo “RI CAFÉ” cùng người bán là toàn những cô gái trẻ mang tạp-dề màu cam. Kiểu bán cà phê này chẳng khác các chuỗi cà phê mang-về nhưng với chữ ‘sạch’ trên bảng hiệu, RI CAFÉ đe dọa cạnh tranh mạnh mẽ.

Uống cà phê, nhâm nhi cà phê đi liền với ngồi cà phê.
Rồi việc ngồi cà phê đi liền với quán cà phê quen.
Rồi ở nơi chốn được chọn lọc ấy, cà phê đi liền với bạn bè, tức những người thường cùng ngồi cà phê với mình.
Có người nói chí lý rằng dân nghiện xì ke, ma túy là bọn luôn ích kỷ, họ thường hút, chích một mình cho đả đời, sao cho khỏi phải chia sẻ, tiêu tốn món ‘chơi’ mắc tiền cho người nghiện khác; còn dân ghiền cà phê thì hay thơm thảo, luôn rủ rê, hú réo nhau để bạn bè đồng điệu cùng có mặt ở các chầu cà phê quán này quán kia, thậm chí càng đông đủ càng vui.

Bên cạnh đó, ngồi cà phê một mình lại là một sinh hoạt tĩnh tại, riêng tư rất có ý nghĩa và ơn ích cho tư duy viết lách, tính toán công việc hay thả lỏng cảm xúc cho trí tưởng nghỉ ngơi. Và ngay cả những lúc cà phê quay quần bè bạn, ai cũng có thể có những quãng lặng, thầm tách riêng mình ra khỏi đám tha nhân, không khác lúc mình ngồi nghĩ ngợi một mình bên tách cà phê.

Tiện đây, thú thật tôi không thể kềm chế cái tánh buông tuồng, rề rà của mình là viết luôn sang một chuyện gắn liền với ngồi cà phê là nghe nhạc. Có điều là tập tản văn này không hề dành chỗ đề cập đến chuyện thưởng thức âm nhạc kiểu “sự kiện” cao trọng, quy mô lớn lao, như: trình diễn nhạc chủ đề, đại hòa tấu/đại hợp xướng ở nhạc viện hay sân khấu đại nhạc hội… Cũng đơn sơ, phiêu lãng như lê la cà phê vỉa hè quán cóc, ở đây chỉ tản mạn về những hoàn cảnh mà người viết và âm nhạc tình cờ bắt được nhau, cứ ngẫu nhiên tao ngộ vì không bên nào chủ ý đi tìm bên nào, như tình cờ nghe tiếng saxo trong công viên, tình cờ được bay bổng với những tình khúc Pháp quốc ở chỗ tiệc tùng ăn-là-chính chứ không phải chỗ dành để nghe nhạc..

Hy vọng nhỏ bé của người viết là trên đời này sẽ được gặp nhiều người đọc phóng khoáng, bao dung cho kiểu tản văn lê-la-vỉa-hè, để có thể cùng:
Chào buổi sáng! Café cùng bằng hữu
Hương vị đời nồng ấm chuyện cười vang.
                                 (OK! Café sáng! *Thơ Trần Thoại Nguyên)

PHẠM NGA
(Cuối mùa mưa 2015)


Tản văn Phạm Nga
Ngày Xuân Xem Phim Hay: Chuyện Tình Lãng Mạn Lại Ngọt Nồng Rượu Nho
1.
Ba ngày Tết “trà dư tửu hậu”, nếu tình cờ có bạn nào bàn vô đề tài điện ảnh, xem phim thì nhất định tôi sẽ tuyên dương cho bộ phim A Good Year (*), tạm dịch: Mùa tình yêu. Khi ra mắt khán giả năm châu vào năm 2006, phải nói ngay là bộ phim này rất đáng xếp vào hàng tác phẩm điện ảnh kinh điển của dòng phim tâm lý - tình cảm Âu Mỹ xưa nay. Nhìn chung, phim hay, đáng xem bởi nhiều yếu tố thuộc nghệ thuật điện ảnh cổ điển - đó là: kịch bản sâu sắc, diễn viên đẹp (nhất là cô đào Pháp Marion Cotillard, vai nữ chính), cảnh trí thơ mộng, phần thoại dí dỏm, nhạc nền chọn lọc với những ca khúc Pháp xưa…Nhưng độc đáo nhất là các tác giả làm phim đã nhân vật hóa rượu – rượu nho biến thành/trở nên một trong những nhân vật chính của phim.
Trong bối cảnh một vùng trồng nho, làm rượu nho ở tỉnh Provence (Pháp Quốc), rượu nho có mặt suốt từ cảnh đầu cho đến cảnh cuối phim. Chỉ lặng lẽ xuất hiện như tình tiết thứ yếu nơi hành vi của các nhân vật nhưng nhân vật “rượu” lại góp phần dẫn dắt các bước diễn tiến của phim. Cứ như Tửu thần Bacchus lúc nào cũng giữ vai cố vấn không lương cho đạo diễn Ridley Scott. Suốt các trường đoạn, hình ảnh lập đi lập lại nhiều lần là chuyện nếm rượu, nhấm nháp ly thấp, ly cao… của cặp nhân vật chính (Max Skinner - gã chuyên gia tư vấn chứng khoán và Fanny Chenal – cô nhân viên quán rượu) cùng vô số các nhân vật phụ khác là thợ trồng nho, chủ quán rượu, du khách, người dân địa phương,.v.v…
Đặc biệt là ở tất cả những cuộc gặp gỡ giữa toàn những “bậc thầy”, dân “pro.” về rượu trong phim, cứ rót ly đầu tiên hay khui chai mới là có ngay những cử chỉ, điệu bộ sành sõi, nhà nghề nhất khi uống rượu nho. Thông thường, thứ tự của “qui trình” nếm rượu, thưởng thức rượu nho đúng cách là: đưa ly (đúng kiểu ly túm miệng để hạn chế thoát hơi rượu) lên và nhận diện màu rượu; lắc nhẹ ly; ngữi thoáng qua miệng ly; từ tốn uống ngụm nhỏ và ngậm kín; nhóp nhép miệng, sục cho rượu loang thấm hai vách trong gò má, vòm họng và sau rốt - nuốt từ từ.
Người có kinh nghiệm dày dạn về uống, thưởng thức rượu nho cho biết rằng chỉ với kiểu cách nhiêu khê, chậm rãi như trên mới giúp cho hương vị của ngụm rượu ngon có thể cùng lúc tiếp xúc với mọi ngõ ngách giác quan của người uống để hiệu quả sau cùng là niềm hoan lạc ở cả hai mặt tâm thể sẽ choáng ngợp con người thụ hưởng.
Nếu người Nhật Bản có những nghi thức rất trang trọng trong trà đạo nước Nhật thì người dân Pháp ở khu vực điền trang La Siroque trong phim cũng rất đỉnh đạc phong cách trong tửu đạo nước Pháp - đúng hơn là “bồ đào tửu đạo” của Pháp Quốc do tiếng Hán Việt gọi rượu nho ngon là “bồ đào mỹ tữu” (**).


2.
Một điều thú vị khác là dân làm rượu nho người Pháp trong phim A Good Year đã cho khán giả thấy tính trung thực của họ, rằng không phải lúc nào loại rượu “cây nhà lá vườn”, rượu do họ sản xuất, cũng luôn luôn là ngon nhất, xứng đáng đứng đầu bảng xếp hạng rượu tại địa phương.
Trong một đoạn phim về bữa tiệc ở nhà chú thợ trồng nho Francis, người góp phần làm nên danh giá thương hiệu rượu La Siroque nổi tiếng của tỉnh Provence, chính hai “con cháu trong nhà” của ông Henry Skinner, ông chủ quá cố của hãng La Siroque là anh chàng Max và cô em họ Christie đã cùng quả quyết từ chối một chai “La Siroque” hạng nhất.
Ngược lại, phải nói là cả hai “dân pro.” về rượu nho đã sáng mắt lên, vồ vập ngay một chai “Un Coin Perdu” thật cũ do một cụ già - cha của chú Francis – thậm thụt bày ra với ý định uống riêng một mình tại bàn tiệc.
Theo trao đổi giữa các nhân vật trong phim, “Un Coin Perdu” (tạm dịch: Một góc khuất lánh) là nhãn rượu được làm từ một giống nho không còn phổ biến đại trà, có thể là do giống nho này sản lượng thu hoạch quá kém hay thường thất mùa, do đó chỉ được trồng họa hiếm ở những vườn nho/trại ủ rượu nhỏ bé, không bảng hiệu, ở tận những vùng trồng nho hẻo lánh nhất, có thể đã mất tăm trong trí nhớ của mọi người. Hơn nữa, mùa vụ nào nhãn rượu này cũng chỉ được sản xuất với số lượng rất ít ỏi. Vậy mà về chất lượng, hương vị của loại “rượu ẩn tích” này thì “cực kỳ”, khiến cho giới chủ nhân sản xuất rượu nho trong vùng đều phải tôn “Un Coin Perdu” lên hàng “siêu rượu” khi thưởng thức riêng cho mình hay chiêu đãi khách quí.
Giai thoại về siêu rượu “Un Coin Perdu” bên nước Pháp khiến nhớ tới các nhãn rượu đế lừng danh ở miền Nam VN, như rượu Gò Đen /Bến Lức Long An, rượu Hòa Long Bà Rịa… Cũng giống cách chơi của mấy ông chủ lò rượu nho vùng Provence, các ông chủ lò rượu đế ở các vùng nói trên gặp lúc chè chén với nhau hay cần đãi khách thì thường họ không hề lấy rượu của mình nấu – dù là loại thượng hạng – mà chỉ dùng rượu của chỉ một, hai ‘siêu’ lò rượu được chọn qua nhiều vòng bình bầu trung thực và thường xuyên được cập nhật hóa từ toàn thể chủ lò rượu tại địa phương.  Lý do không chỉ là họ nhất định kiếm cho được loại rượu mà họ cùng đánh giá là ngon nhất – như kiểu rượu “Un Coin Perdu” trong phim – mà còn lý do “biết riêng với nhau” nữa, rằng đó phải là loại rượu đế có “lý lịch sạch” nhất trong vùng “chuyên canh” rượu đế này, do được nấu đàng hoàng, nghiêm túc thực hiện đúng các tiêu chuẩn về hóa thực phẩm, nghĩa là hoàn toàn an toàn cho người uống.  

4.
Nhìn chung, tình yêu vẫn là một chủ đề nổi trội trong phim A Good Year, có điều là những ý nghĩa nhân sinh của bộ phim còn trở nên phong phú hơn nhờ một chủ đề phụ khác tưởng chỉ là thứ yếu nhưng được các tác giả làm phim khai thác rất tài tình, đó là rượu. Thật thú vị cho khán giả khi xem những thước phim nồng nàn cả hơi thở lãng mạn của tình yêu lẫn hương vị dịu dàng của rượu nho.
Như tục ngữ La Mã cổ đại có câu “In vino veritas” (tạm dịch: Trong rượu có chân lý, có lẽ phải), cái hương vị nồng đượm, bay bổng của rượu nho khi đến cung bậc vừa đủ khiến người uống ngà ngà phấn chấn, cao hứng thì sẽ lãng đãng, khẽ khàng giúp người ta trở nên hào sảng hơn, nghĩ suy rộng mở, vượt lên cái Ta vị kỹ, yêu đời yêu người hơn…, có nghĩa là men rượu góp phần – nhẹ nhàng thôi - giúp cho con người có thể hòa hợp tốt đẹp hơn với tha nhân và vũ trụ.
Như ở đoạn phim về bữa tiệc ở nhà chú thợ trồng nho Francis, Christie -  nữ chuyên gia trồng nho/ủ rượu từ Mỹ sang - vốn là con hoang của ông Henry, chủ hãng rượu La Siroque, đã thẳng thắn tuyên bố “La Siroque” chỉ đáng xếp vào loại rượu hạng hai. Như Christie tiết lộ, cơ sở cho sự đánh giá có công tâm nói trên là qua một lần lục lạo, tìm tòi trong lò nấu rượu ở đây, cô đã phát hiện một tạp chất mà cha mình thuở sinh tiền đã lén thêm vào thùng ủ để rượu lên men nhanh hơn, rút ngắn qui trình sản xuất nhưng rượu lại trở nên kém chất lượng.
Hay ở đoạn kết bộ phim A Good Year, rất đáng cho người xem cùng nâng ly để nhiệt liệt khen ngợi Max Skinner, nhân vật nam chính. Max vốn mồ côi nên được ông chú ruột Henry, chủ hãng rượu La Siroque, nuôi nấng từ nhỏ và chính từ điền trang này, cậu nhóc đã xứng danh là chuyên gia nếm rượu nho tại nước Pháp trước cả khi trưởng thành, hành nghề tư vấn chứng khoán tại nước Anh. Rồi ông Henry mất mà bên Pháp không tìm được thân nhân nào khác cùng họ Skinner nên Max (đang ở Luân Đôn) được mời sang để chuẩn bị thừa kế toàn bộ điền trang. Vậy mà, trong một đêm ngồi độc ẩm chai Un Coin Perdu, Max đã gạt bỏ mọi suy tính tư lợi, vị kỹ. Anh quyết định nhường trọn quyền thừa kế tài sản La Siroque cho cô nàng Christie bằng cách tạo ra chứng cứ cô là con ruột ông Henry. Dùng loại mực cũ, giấy cũ còn sót lại trên bàn làm việc của chú mình ngày trước, Max ngụy tạo một lá thư làm bộ thật cũ với y chang nét chữ cùng chữ ký của ông Henry lúc sinh tiền, rằng: vào cuối đời, ông muốn gởi gắm cho cháu mình đứa con gái ruột tên Christie mà ông thừa nhận đã có và bỏ rơi bên đất Mỹ…

PHẠM NGA
----
 (*) Phim A GOOD YEAR: Hãng 20th Century Fox Pictures sản xuất 2006 - Đạo diễn: Ridley Scott - Kịch bản: Marc Klein - Diễn viên: Russell Crowe (vai Max), Marion Cotillard vai Fanny), Didier Bourdon, Freddie Highmore, Abbie Cornish, Albert Finney…
(**) Bài thơ tứ tuyệt “Lương Châu từ” lừng danh của Vương Hàn (Trung Hoa cổ đại, thề kỷ thứ 7):
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Tuý ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi. 
(Nghĩa câu 1: Rượu nho ngon đựng trong ly ngọc phát sáng)