Translate

Libellés

dimanche 4 septembre 2022

Lý Long Phan giới thiệu vài viết Xứ Úc Thòi Lòi, Đi dễ Khó Về của chị Trịnh Thanh Thủy.

Kính gửi quý anh chị bài viết của Trịnh Thanh Thủy do anh Lý Long Phan tiếp chuyển.


 
 
 Mùa hè là mùa du lịch, tuy vậy, muốn chiêm ngưỡng thật sự  nước Uc, chúng ta cần chuẩn bị hành lý và khả năng băng sa mạc, nếu thích chọn thử thánh này.
 
Những nẻo đường dành cho du khách từ xa đến muốn cắm trại ngoài trời, cũng cần ghi tên trước vì số người muốn tham gia rất hạn cchếvaf phải đóng tiền.
 
Ra biển, chúng ta cũng phải cẩn thận không ra khỏi lằn ranh cho phép vì có thể mất mạng với cá mập..
 
Đây là một số kinh nghiệm khi vợ chồng con trai của chúng tôi đã đén đó và ở một tháng để khám phá nước Úc.
 
Cám ơn anh Lý Long Phan đã có nnhũng bài chuyển dồi dào tin tữc.gửi đến groupes của chúng ta.
 
Caroline Thanh Hương

 tt tt

  Xứ Úc Thòi Lòi, Đi dễ Khó về 


 

Có lẽ ai cũng biết sau 1975 người việt hải ngoại tập trung chủ yếu ở những nước như Mỹ, Canada, Pháp, Anh và cuối cùng là Úc, Hongkong…Những dòng tâm sự sau là của một bút ký người Việt sống tại Mỹ và sự ngạc nhiên thú vị của tác giả khi lần đầu đặt chân đến xứ Úc.

Bắt đầu dòng nhật ký.

Xứ Úc Thòi Lòi Đi Dễ Khó Về - Trịnh Thanh Thuỷ

Tôi không biết tại sao người Việt ở Úc lại đặt tên cho xứ này là Xứ Thòi Lòi. Có lẽ tại xứ này có nhiều cá thòi lòi là một loại cá bống trắng hay sao đó mà ngay hôm đến Úc, ghé thăm nhà bạn tôi, trong bữa cơm đầu tiên, trên bàn ăn, tôi đã thấy có mặt đĩa cá thòi lòi tẩm bột chiên.


Cái tên “Xứ thòi lòi” nghe sao mà tình tự dân tộc, đậm đà ruộng lúa, nương dâu, đồng chua, nước mặn vô kể. Úc còn có cái tên là “Miệt dưới” hay “Miệt vườn”, gợi nhớ tới bóng dừa, hoa cau, con đò, mái chèo thênh thang sóng nước rập rờn một miền nam nắng cháy. Nó khiến tôi thấy mến, tự nhủ lòng, mình phải đi Úc một chuyến. Nhân đứa cháu lấy chồng mời tôi qua dự đám cưới, thế là mình có cớ “qua bên ấy xem thử” cái xứ thòi lòi có quê như cái tên không?

Nghe tôi đi chơi Úc, bạn bè ai cũng háo hức. Họ nhắn, nhớ kể chuyện xứ “Down under” cho họ nghe. Mấy đứa cháu thì nhắc, đem về cho tụi nó con Kangaroo hay con Koala. Tôi không hào hứng lắm khi nghĩ tới đường bay dài 23 tiếng đồng hồ từ Mỹ tới Brisbane mà phải ghé tới hai trạm Melbourne và Sydney để lấy thêm khách. Có lẽ nỗi trở ngại về địa dư quá xa xôi mà dân Mỹ ít ai đi du lịch Úc châu chăng? Hơn nữa, thời tiết hai nơi lại trái ngược hẳn nhau, nên mỗi mùa hè vừa dự định đi Úc tôi bỗng đổi ý vì sợ qua Úc trúng phải mùa đông mà tôi rất ghét đi du lịch trong mùa lạnh.



 

Tôi được ngồi máy bay có hình con “gà rù” (Kangaroo) của hãng Qantas mà bay rề rề đến 23 tiếng qua Úc


Cuối cùng tôi cũng được cỡi Kangaroo qua Úc. Nói đùa chứ tôi được ngồi máy bay có hình con “gà rù” (Kangaroo) của hãng Qantas mà bay rề rề đến 23 tiếng qua Úc. Vì mua vé trễ nên tôi bị hai chuyến bay chuyển tiếp thành hơi lâu, chứ nếu bay thẳng tôi chỉ phải ngồi 14 tiếng thôi.

Tôi đến Brisbane buổi sáng. Vừa xuống máy bay, tôi đã cảm được làn gió mơn man từ đâu thổi đến báo hiệu một ngày mát trời, không nhiều nắng. Brisbane là một thành phố nổi tiếng với những cánh buồm, biển xanh và cát trắng. Nó cũng là thủ phủ và là thành phố đông nhất bang Queensland của Úc. Queensland quanh năm nắng ấm, lại có bờ biển vàng (Gold coast) là nơi có vùng san hô Great Barrier Reef. Dãy san hô ngầm lớn nhất thế giới này đã được cơ quan Liên Hiệp Quốc (Unesco) xếp vào hàng di sản thiên nhiên hiếm qúy của nhân loại.




Brisbane là một thành phố nổi tiếng với những cánh buồm, biển xanh và cát trắng


Tôi được chở đi thăm thành phố biển nên thơ. Cái khác biệt đầu tiên đập vào mắt tôi là hình dáng bên ngoài của người Úc. Họ ăn mặc ít chạy theo thời trang như người Âu châu nhưng nét mặt và lối cư xử tôi thấy mài mại dân Ăng lê theo đúng cái câu “Lạnh và phớt tỉnh như Ăng Lê” vậy. Nhìn chung người Úc khoẻ mạnh, ít có người mập phì, tôi để ý (ngay tại Sydney cũng vậy) có nhiều tiệm bán dụng cụ thể thao hay cắm trại ngoài trời. Tôi đoán dân Úc chuộng thể thao và thiên nhiên nên họ trông cân đối hơn người Mỹ. Ngay đến trong công viên gần bãi biển Sunshine Coast chính phủ cũng cho đặt vài dụng cụ tập thể thao với mục đích khuyến khích người dân năng tập thể thao.

Bờ Biển Vàng (Gold Coast) dập dìu du khách. Cũng giống những bãi biển du lịch khác, Gold coast đầy những cửa tiệm bán quà lưu niệm và thức ăn nhanh. Tôi thấy không những ở đây, phi trường và Sydney(còn nơi khác ở Úc mà tôi không rõ) có rất nhiều những tiệm bán thức ăn nhanh. Kỹ nghệ fast food của Mỹ xâm chiếm thị trường Úc mạnh mẽ không biết từ hồi nào mà tôi thấy các hiệu ăn nhanh như Mac Donald, Hungry Jack’s (chi nhánh của Burger King), KFC có mặt ở khắp nơi. Trẻ em xứ này hệt như Mỹ mê ông Mac ngày đêm. Tính đến nay Mac Donald (theo cách viết trên bảng hiệu ở Úc- McDonald’s) đã có khoảng 780 tiệm, thuê mướn 85,000 nhân viên trên toàn nước Úc.




Bờ Biển Vàng (Gold Coast)


Du khách ghé Bờ Biển Vàng ai cũng bị thu hút bởi hình ảnh tươi mát rất đẹp của các cô Meter Maids mặc đồng phục bikini đi vòng quanh khu du lịch. Theo định nghĩa nguyên thủy, Meter Maids là những người cảnh sát đi phạt các chiếc xe đậu quá giờ ở các meter. Nhưng để thu hút du khách, các tay doanh thương quanh khu này, bỏ tiền thuê các cô gái tóc vàng, có hình dáng tuyệt mỹ đi diễu hành dọc theo con phố biển. Mấy cô mang các túi đựng bạc cắc đến gần các meter “cứu bồ” du khách bằng cách bỏ thêm bạc cắc vào các meter bị quá hạn giờ. Du khách hay chạy lại chụp hình với các cô, nhất là nam giới. Tuyệt chiêu câu khách này của các tay doanh thương chỉ có tại đây.

Ngoài ra, Úc còn nổi tiếng với những bãi biển nude rất đẹp, những bãi biển của người giàu tiền mà nghèo quần áo.

Vài điều lạ ở Brisbane mà ở Mỹ không có, đi đâu tôi cũng thấy tấm bảng để trước nhà “Rainwater tank in use”. Hỏi ra mới biết dân chúng hưởng ứng chương trình khuyến khích dùng nước mưa của chính phủ vì nạn hạn hán. Ngoài vấn đề khan hiếm nước, tôi nghĩ chắc điện cũng mắc nên dân Úc ít dùng máy để sấy quần áo. Tôi thấy hầu như sân sau của nhà nào cũng có dây phơi và mọi thứ cứ tự nhiên phất phới như cờ lau tập trận. Số người dùng máy sấy có lẽ ít, theo người bạn tiết lộ, chắc chỉ trên dưới 30 % dân số toàn nước Úc. Ở Mỹ hầu như nhà nào cũng dùng máy sấy quần áo.




Một điều nữa, tôi cũng nghiệm ra dân Úc không thích nhận những bích chương quảng cáo thương mại cho lắm nên trên hộp thư của phần lớn các nhà tư nhân đều có ghi “No junk mail please”.

Rời Brisbane, tôi bay qua Sydney thăm bạn bè và thành phố cảng lớn và lâu đời nhất nước Úc. Tôi được bạn dắt đi xem Nhà hát Opera Sydney và Cầu Cảng (Harbour Bridge) vào một ngày mưa gió sụt sùi. Người bạn say sưa nói về kiến trúc rất đẹp và độc đáo của Nhà Hát hình vỏ sò này. Có người gọi nó là Nhà Hát Con Sò, người gọi là Nhà hát Ngao Hóng Gió. Nó không những đẹp vì hình tượng nghệ thuật bên ngoài trông như những cánh buồm căng trong gió hay những cánh sò đang chen nhau mở rộng giữa lòng đại dương mà còn là một sân khấu nghệ thuật lớn nổi tiếng của thế giới. Anh bạn tôi đã từng ra vào nhà hát này nhiều lần không những để thưởng ngoạn mà còn trình tấu.



Sydney là một thành phố cảng lớn và lâu đời nhất nước Úc


Tôi loanh quanh ở khu nhà hát và hải cảng ẩm ướt, gió lồng lộng thổi khiến tôi gây lạnh. Tôi ghé bên anh thổ dân Úc chụp hình với cây kèn độc đáo Didgeridoo của anh. Người Úc rất yêu âm nhạc và nghệ thuật, nên Nhà Hát Opera Sydney bận rộn quanh năm. Trong khi thổ dân Úc biết duy trì và phát huy âm nhạc cổ truyền của họ với sự sáng tạo và cách làm mới chúng bằng những kỹ thuật tân tiến nên những vở trình diễn của họ ở nhà hát rất gây ấn tượng.

Lưu lại Úc vài ngày tôi mới thấm thía cái khổ của du khách Mỹ phải đương đầu với vật giá Úc. Mức sinh hoạt của hàng hoá, thực phẩm và giá cả ở Úc đắt hơn Mỹ tới hai, ba lần. Tôi hỏi ra mới biết lương tối thiểu ở Úc bây giờ là $14.31 trong khi ở Mỹ có $8.00. Có thế chứ, nhưng đi sâu vào các ngành nghề, mức lương bổng của các kỹ sư, bác sĩ, y tá..v..v…ở Úc so với Mỹ thì tôi thấy không chênh lệch bao nhiêu, đôi khi còn thấp hơn Mỹ nữa. Tuy nhiên dân Úc được chính phủ lo toàn bộ về chi phí y tế, lệ phí khám bác sĩ, bệnh viện, chính phủ trả 100%. Hầu hết các loại thuốc đặc trị cần phải sử dụng lâu dài đều được chính phủ trả phụ cho bệnh nhân từ 70% – 90% giá bán qua chương trình PBS (Pharmaceutical Benefits Scheme) do bộ y tế ban hành. Toàn dân Úc đều được hưởng quyền lợi này không cần phải mua bảo hiểm gì hết. Một người nếu có bảo hiểm chỉ thêm quyền được chọn tên bác sĩ và bệnh viện (tư) mình muốn mà thôi. Trong khi dân Mỹ phải mua bảo hiểm y tế với một giá rất cao.

Hơn thế nữa, chính phủ Úc còn lồng trong sự đãi ngộ của an sinh xã hội là một chính sách cưỡng bách giáo dục. Tất cả trẻ em tại xứ Kangaroo đều là tài nguyên của nước Úc, cha mẹ chỉ là người nuôi dùm đứa trẻ này cho nước Úc mà thôi. Bất kể cha mẹ giàu hay nghèo mỗi đứa trẻ sinh ra chính phủ cho ngay bà mẹ một số tiền, gia giảm tùy theo tình trạng kinh tế của từng thời điểm, hiện nay là $5000 đô Úc. Ngoài ra hàng mỗi hai tuần, bộ xã hội sẽ tự động gửi (không cần phải đơn từ xin lãnh gì hết) vào tài khoản(account) của cha mẹ một số tiền “family allowance” mà người Việt ở Úc hay gọi là “tiền sữa”, cho đến khi đứa bé được 18 tuổi. Tất cả học phí cho các nhà trẻ mẫu giáo, tiểu học, trung học chính phủ trả 100%, cha mẹ chỉ phụ thêm tiền sách vở, dụng cụ học đường v.v… Ngược lại, đứa trẻ sẽ “bị” cưỡng bách phải chích ngừa đầy đủ theo lịch, và đến trường học đủ buổi. Bộ xã hội liên kết với trường học (bằng computer) nơi gửi các báo cáo về đứa nhỏ, nếu cha mẹ không đem con chích ngừa đúng lịch, không cho con đi học là trọn bộ “tiền sữa” sẽ bị cắt ngay, chừng nào đi học lại đàng hoàng mới phát lại. Có nhiều bà mẹ Việt Nam, Tết dẫn mấy đưá nhỏ về VN chơi ham vui qua trễ, mấy đứa nhỏ bỏ học có khi cả tháng, bộ xã hội tự động cắt tiền sữa khi mấy đứa nhỏ đang ở ngoài nước Úc. Nếu nặng nề hơn, như chính phủ cảm thấy đứa trẻ bị bạc đãi về tinh thần (học hành không ổn định) hay thể xác (bị cha mẹ hay bất cứ ai đánh), thì nó sẽ bị “tịch thu” cha mẹ không được quyền nuôi nó nữa, nhà nước sẽ giao cho nơi khác nuôi để nó được “ăn học” đàng hoàng hơn… Điều này làm cho nước Úc ngày nay có tỷ lệ zero phần trăm trẻ em bị mù chữ.

Lên bậc đại học chính phủ lại giúp đỡ sinh viên học sinh học lên cao bằng những tài trợ tài chánh (trả một phần lớn học phí đại học) hoặc cho vay. Hành động này không những nâng cao dân trí mà còn là một đầu tư to lớn vào chất xám quốc gia mang lại một tương lai giàu mạnh cho đất nước. Đất rộng, người thưa, tài nguyên phong phú, Úc còn có nhiều ngân quỹ tài trợ cho những chương trình bảo tồn văn hoá nghệ thuật mà nhiều nước tiên tiến đang cố gắng làm mà vì thiếu tiền không đeo đuổi nổi.

Ngoài ra, nước Úc còn là nơi rất chú trọng về cơ hội bình đẳng (equal opportunity) cho mọi người. Người thất nghiệp hay lợi tức thấp có việc phải đáo tụng đình, chính phủ trợ cấp 100% chi phí luật sư qua chương trình hỗ trợ luật pháp (legal aid) của bộ xã hội. Điều này giúp cho người nghèo không dễ bị người giàu … ăn hiếp bằng kiện tụng.

Bàn tay khéo léo đỡ đầu của chính phủ Úc cũng không quên đến dân tị nạn Việt Nam. Thảo nào ở Sydney, đi đâu tôi cũng nghe tiếng Việt líu lo, đúng là “Đất lành chim đậu”. Tôi được dắt đi thăm ba khu chợ Việt Nam ở Sydney. Tôi thích cấu trúc hợp quần của phố Việt ở đây. Nó tập trung các cửa tiệm vào vài con đường chính hơn là rải ra như lối phát triển dân cư của người mình ở khu Little Sài Gòn ở Cali, Hoa Kỳ. Đi dọc theo một con đường chúng ta có thể vào tất cả các hàng ăn, tiệm tạp hoá, nhà thuốc tây hay nhà băng, chợ búa mà không phải lái xe vì chúng nằm san sát vào nhau.

Đi dọc theo một con đường chúng ta có thể vào tất cả các hàng ăn, tiệm tạp hoá, nhà thuốc tây hay nhà băng, chợ búa mà không phải lái xe vì chúng nằm san sát vào nhau.


Tôi phát giác ra một điều rất logic là điạ dư càng gần Việt Nam, khu phố Việt mình càng đượm nét quê hương hơn. Tôi thấy có những cửa hiệu thịt tươi, cửa hàng trái cây lộ thiên (bên Mỹ ít có) và những tiệm cà phê với nhiều khách hàng ngồi giải khát ngoài trời ngắm người qua lại trông thật nhàn du. Nhất là tiếng mời chào inh ỏi khi tôi bước vào chợ, gợi tôi nhớ chợ Bến Thành. “Chế ơi, mua dùm ký hồng, ký nho đi Chế”. Tôi hơi ngạc nhiên khi bị gọi là “Chế” . Tôi chợt nhận ra rằng phần lớn những người buôn bán ở đây là người Việt gốc Hoa nên họ gọi tôi là “Chế” nghĩa là “Chị” hay “Cô”. Nhìn những trái na (măng cầu dai) đẹp và to như trái bưởi tôi mê quá. Trái cây ở Úc loại nào cũng to hơn ở Mỹ, những con cua cũng lớn gấp ba, gấp bốn giống cua Canada ở Mỹ. Ngay đến những cái nấm nút (button musrooms) cũng to lớn dị thường làm tôi trố mắt. Hiệu vải thì rất nhiều trong khi ở Mỹ không còn ai may lấy để mặc nữa, nên có rất ít tiệm vải. Bạn tôi cho biết, các phụ nữ Việt ở Úc hầu như đều may quần áo lấy mà mặc. Người Việt ở Úc ít bon chen, se sua chạy theo vật chất mà sống thoải mái, an nhàn hơn người Việt ở Bolsa, Hoa Kỳ.

Có một chuyện khá đặc biệt liên quan đến người Việt tỵ nạn mà dường như chỉ có ở Úc mà thôi. Đó là các cựu quân nhân VNCH của miền nam Việt Nam trước 75 đều được chính phủ và người dân Úc công nhận y như cựu quân nhân của Úc. Họ được tất cả các quyền lợi đãi ngộ của chính phủ và dân chúng dành cho cựu quân nhân Úc. Từ trợ cấp bằng tiền mặt (lương cựu quân nhân) đến các ưu đãi của xã hội như miễn phí, giảm giá trên hầu hết các dịch vụ liên quan đến đời sống như, tàu xe, điện, nước. Nói chung là hầu hết các loại bills là những thứ đè nặng trên vai con người ở những nước tiên tiến, các cựu quân nhân VN đều được miễn giảm, hoặc chiết giảm y như chính các cựu quân nhân Úc.

Sự việc được chấp nhận từ người dân đóng thuế của Úc dành những đãi ngộ xã hội (bằng tiền thuế của họ) cho cựu quân nhân Việt Nam trước 75, tôi thiết nghĩ là một vinh dự và vinh danh cho tập thể cựu quân nhân VNCH tại Úc. Điều này nói lên tấm lòng của chính phủ và nhân dân Úc đến hôm nay vẫn nhìn nhận công trạng của những quân nhân đứng ở chiến tuyến phía Nam cùng với cha anh của họ trong thời điểm của cuộc chiến VN năm xưa. Những cựu quân nhân VN này cũng xứng đáng được hưởng những gì mà người Úc đang đãi ngộ cha anh của họ.

Tất cả những điều tôi biết được về Úc đều do bạn bè kể lại.

Hơn một tuần ở xứ thòi lòi, tôi hòa nhập vào dòng chảy hài hoà và êm dịu của đời sống dân Úc. Tôi thấy lòng mình cũng trầm xuống, ít bon chen và ồn ào hơn. Duy có tình bạn bè thì càng lúc càng đậm đà, so với sự giao tình chỉ bằng email qua lại xưa nay.

Khi lên phi trường Sydney về Mỹ, tôi tự nhủ, trời còn thương dân tị nạn Việt Nam mình quá đi. Từ thưở tạo thiên lập địa, ông trời nặn ra năm châu, còn nhớ nặn ra cái châu Úc đất rộng, người thưa này nằm gần Việt Nam, để khi hữu sự dân mình có chỗ chạy qua lánh nạn. Đã vậy còn được dân Úc đãi ngộ ân cần, đối xử tử tế, không phân chủ khách, ai cũng sống nhàn nhã, thong dong như người trong nhà. Điều này khiến Du khách Mỹ như tôi khi rời Úc, lòng vẫn ngậm ngùi với câu “Xứ Úc thòi lòi đi dễ khó về”.

 

Trịnh Thanh Thuỷ

 


Trần Văn Lương giới thiệu bài thơ Lỡ Tôi Có Hỏi và mời nghe nhạc xưa.

Kính gửi quý anh chị một bài thơ vui, hiếm hoi tìm thấy ở thi sĩ Trần Văn Lương.

Tôi rất thích những câu thơ dưới đây

Tình yêu hay thù ghét,

Nào khác biệt, em ơi:

Đồng tiền sấp ngửa rơi,

Một trò chơi khốc liệt!

     Trần Văn Lương

    

 

Hằng ngày, chúng ta đều được đưa đến thật nhiều tin tức thời sự, chính trị, xã hội, nhưng những chuyện của cuộc sống thì chỉ lo toan và buồn phiền.

Nhiều chuyện tình, lãng mạn hay ngu ngơ, có dịp nghỉ lại thì thấy thời còn chưa biết gì đôi khi rất khôi hài cho ai đó hay chính bản thân mình, nhưng rồi Tưởng Rằng Đã Quên cũng là kỷ niệm của tuổi trẻ.

Cám ơn anh Lương  ̣ã luôn có những bài thơ thật độc đáo gửi đến cho chúng ta một lối suy nghỉ riêng.

Kính chúc anh và quý anh chị một ngày chủ nhật vui bên người thân và gia đình.

Caroline Thanh Hương.

tt 


Kính gửi đến quý anh chị con cóc cuối tuần.

 

Dạo:

    Tưởng rằng tha thiết yêu nhau,

Ngờ đâu thù ghét ngập đầu nào hay.

 

 

Cóc cuối tuần:

 

 

Lỡ Tôi Có Hỏi

 

Nếu ba em có hỏi

Lòng em đối với tôi,

Cứ thẳng thắn trả lời,

Đừng lôi thôi giải thích:

 

"Cái anh chàng bị thịt,

Tướng cục mịch ù lì,

Quê mùa chẳng biết chi,

Con khi nào để mắt."

 

Nếu me em thắc mắc,

Em cứ việc lắc đầu

Thỏ thẻ: "Nước qua cầu,

Hơi đâu mà để ý;

 

Gia đình mình quyền quý,

Họ địa vị thấp hèn,

Dù cố gắng bon chen,

Chỉ bày thêm cách biệt."

 

Nếu bạn bè muốn biết,

Hãy tình thiệt bảo ngay:

"Cứ mặc gã ườn thây

Ngày ôm cây đợi thỏ."

 

Nếu người quen hỏi dọ,

Em cứ tỏ thật lòng

Rằng tôi dẫu đèo bòng,

Chỉ uổng công lặn lội.

              x

         x        x

Nhưng lỡ tôi có hỏi,

Em đừng nói năng chi,

Để tôi mãi ngu si,

Li bì lăn gối lẻ.

 

Tình gì rồi cũng sẽ

Lặng lẽ lướt trôi qua,

Chỉ còn nỗi xót xa

Trong tim là vĩnh viễn.

 

Khắp năm châu bốn biển,

Người diễn giải chữ "yêu",

Chỉ nhắm mắt nói liều,

Toàn những điều xưa xửa.

 

Nào "ba sinh", "hương lửa",

Nào hứa hẹn nhì nhằng,

Chỉ là chuyện lăng nhăng

Đi mò trăng đáy huyệt.

 

Tình yêu hay thù ghét,

Nào khác biệt, em ơi:

Đồng tiền sấp ngửa rơi,

Một trò chơi khốc liệt!

     Trần Văn Lương

        Cali, 8/2022