Translate

Libellés

samedi 24 mars 2018

Nghe nhạc phổ thơ Mùi Quý Bồng.

tt
Cám ơn anh Mùi Quý Bồng đã gửi cho nghe những bài thơ phổ nhạc của anh.
Kính mời quý anh chị nghe lời giới thiệu của Uyển Diễm.
Caroline Thanh Hương

Đọc bài ký của anh Phạm Nga, Đêm bềnh bồng tàu câu trên vịnh biển Botany.

tt
 Cái style viết văn của những anh Petrus Ky xưa, có lẽ được tụ tập nơi những người đã một thời từ ngôi trường này bước ra.
Giọng văn đó, có lẽ là chỉ viết riêng cho nhóm bạn trai, cái nét riêng mà khó có trường nào giống như vậy.
Mời quý anh chị theo chân anh Phạm Nga đi bắt cá, mò cua trên biển Austalie.
Lần này ngoài  bài ký anh viết, còn cung cấp đầy đủ hình ảnh và chọn nhạc đi kèm, làm bài post thêm phong phú và cho tôi đỡ nghỉ ra chuyện cần đi tìm nhạc cho thích hạp với bài viết của anh.
Cám ơn anh Phạm Nga, loại truyện này đọc thấy thích thú vì như được đi một chuyện tang bồng trên biển cả.
Caroline Thanh Hương
Résultat de recherche d'images pour "botany australia"


Ký PHAM NGA
Đêm bềnh bồng tàu câu trên vịnh biển Botany

1.
Đang mùa hè ở nước Úc, ngày dài đến 15 tiếng. Năm giờ chiều, Phương – nhà tổ chức, chủ xị bao biện mọi thứ cho chuyến câu đêm nay – thà chiếc tàu câu xuống nước xong xuôi ở cảng nước sâu Botany Port, mặt trời vẫn còn chói chang ở phía Tây, nắng rực rỡ, ngỡ như xế trưa ở Sài Gòn.
Dù bờ biển phía bắc vịnh Botany có phi trường quốc tế Sydney luôn rộn rịp, phi cơ lên xuống liên tục, vịnh biển xanh này vẫn có vẻ gì đó tĩnh lặng, hoang liêu.
Tàu câu sơn hai màu đen/trắng, kiểu dáng thật đẹp, số đăng ký “AHW663N”, dài 6.5 m, máy Honda 225 phân khối. Phương nói đã mua 60,000 AUD, tức gần 1 tỷ VND. Và hôm nay đi biển 5 người là không nhằm nhò gì cả vì tàu chứa thong thả 7 người, có khi người lớn cùng con nít lên đến 10 người cũng all right. Có điều là rất hiếm phụ nữ, bà xả Phương chẳng hạn, theo nổi thú vui đi tàu câu trên biển này vì không chịu nổi sóng gió. Lúc mới lên xe kéo tàu đi, Cường – bạn câu rất thân của chủ tàu – đã chia cho tôi và anh Thành ‘sui gia’ uống ngay 1/2 viên chóng ói.
Mở đầu buổi câu, Phương cho tàu chạy băng qua vịnh, đến một bãi rất cạn có nhiều rong để mò bắt sò lông. Chỗ nước sâu ở đây cũng chỉ đến thắt lưng. Bàn chân mình chạm gì đó cứng cứng dưới cát là ‘nó’ đó, Cường nói lớn. Đang ngồi hụp người - chỉ còn cái đầu ló trên mặt nước, cậu ta đứng thẳng lên thì trên hai bàn tay đã có hai chú sò đen thui. Do sò ăn rong biển nên cứ chịu khó hụp người xuống như Cường, ngồi mò vào các bộ rễ rong là bắt được - nói như Cường là cả family sò con, sò cha. Chừng nửa tiếng, vừa tiếu lâm về sò lông, lông sò, lông phía trên sò... vừa lơ đãng mò mẫm, bốn người chúng tôi đã làm đầy nhóc hai thùng nhựa xách theo, với khoảng 15-18kg sò mỗi thùng.
Trở lại tàu thì thấy Phương đã nhanh chóng ráp, cắm xong hết bốn cần câu dọc theo hai mạn tàu nhưng vẻ mặt hơi bí xị. Tàu đang mắc cạn vì hồi nãy vào quá gần bờ. Vậy là hai ông già được ngồi lại trên tàu, ba thanh niên nhảy ùm xuống nước... Một đỗi sau, tàu đã được được đẩy lùi và quay đầu, Phương nổ máy, tàu chạy tiếp ra cửa biển.



2.
Tàu câu chồm mũi tới như cắt sóng, lướt nhanh trên mặt biển. Chỉ cho tôi thấy mấy cái phao màu cam đang nhảy chập chờn trong làn sóng trắng xóa, cuồn cuộn phía sau đuôi tàu, Cường nói đang dùng mồi giả, dạng con mực nhỏ bằng ngón tay, làm bằng nhựa dẽo và ở chỗ biển sâu này hy vọng bắt được cá ngừ hay king fish, một loại tương tự cá bốp.
Phương cho tàu chậm lại rồi giao cho Cường lái. Anh cười hể hả nói, có sò làm mồi thì làm sương sương nhe, 1 -2 chai thôi, khi nào có cá, mình nhậu tiếp cá nướng. Rõ ràng anh chủ tàu trung niên vui tính này không chỉ giỏi giắn, nhanh nhẹn trong các việc điều khiển tàu hay soạn, ráp cần câu. Ở mặt bàn bếp gắn vào đuôi tàu, Phương khéo léo tách võ một mớ sò lông, mời mọi người ăn sống với vài giọt chanh hay mù tạt wasabi, tương tự như ăn hàu. Thịt sò sống không hề ngậm một chút rong hay cát nào, vị hơi mặn nhưng không mềm nhẽo như hàu mà ngon, dòn cực kỳ.
Thân tâm đều vui vẻ, mãn nguyện, tôi nhìn quanh sàn tàu và bên trong “nội thất” tàu AHW663N. Bên cạnh những thứ mà Phương gọi đồ nghề, là các hộc chứa hay thùng cất dụng cụ câu cá như: cần câu, dây cước, phao, lưỡi câu…; hay dụng cụ sửa chữa nhỏ tại chỗ cho máy tàu, máy cần câu như: búa, tua-vít, mỏ-lết, máy khoan mini, cờ-lê đủ cỡ..., còn có đồ chơi– cũng chữ dùng của Phương – là những thùng, hộp chứa mì gói cùng đủ loại mắm muối, gia vị, rồi chén đũa, ly giấy, soong, chão, dao, thớt, lò than BBQ mini, túi than đá,...
Riêng trong thùng trữ nước đá là rau sống, nem chua không-hàn-the và lổn ngổn những chai Victoria Bitter. Toàn thể thủy thủ đoàn - gồm cả hai ông già vô tích sự - đều thích VB, nhãn bia Úc chai lùn này. Đặc biệt, từ lúc sang Úc đến giờ đã hai tháng, tôi từng nhiều lần uống VB, nhưng bữa nay mới thấy vị bia này ngon lạ lùng khi nhậu với sò sống tái chanh.
Tàu chạy qua khỏi vịnh và chạy dọc bờ biển phía nam cảng hàng hóa Botany. Bên mạn phải tàu là khơi thẳm của đại dương Úc châu. Mặt trời xuống thấp hẳn, đường chân trời chói lòa những tia nắng cuối cùng của ngày. Tuyệt vời cảnh mặt trời lặn!
Sốt ruột vì tàu chạy lên xuống đã hai vòng mà cần VIP lưỡi lớn chỉ dính được một trự cá ngừ nhỏ, Phương quyết định cho tàu trở vào vịnh, bỏ neo ở một chỗ nước cạn cạn gần bờ. Máy định vị ở ca-bin cho thấy 2.8m sâu và lăn tăn có cá. Phương gật gù nói để anh thay lưỡi câu nhỏ hơn, gắn thêm cục chì là bắt cá cam, cá nục. Và đốt than đi, Cường ơi! Cứ nướng sò trước!

3.
Đã tám giờ đêm. Tôi tình nguyện quạt cái lò mini bằng một miếng bìa cứng cho than đá mau hồng. Cường bước ra mạn tàu, vừa đúng lúc để giật lên mở hàng một con cá cam khoảng 0.5 kg. Cứ thế, ba cần câu dính cá lai rai. Vẫn bọn cá cam và yellowtail fish tức cá nục gai hay cá nục đuôi vàng. Con nào rỉa mồi, giật lên thấy quá nhỏ thì thả xuống nước trở lại. Riêng về tailer fish, tức cá thợ-may, hàm răng bén như cá piranha, cắn đứt dây cước, mất mồi, mất lưỡi  rồi vuột mất 2-3 bận nhưng rốt cuộc cũng dính hai trự cỡ 200 – 250gr. Vô tích sự như tôi cũng ra cầm cần câu. Rốt cuộc ngư ông dỏm cũng giật lên được một con cá cam nhỏ.
Vừa trét xong mỡ hành cho con cá cam trên vĩ lò thì mớ sò lông cũng vừa chín tới. Cò người lại nhanh nhẩu khui lẹ một loạt năm chai VB nữa để nhiệt tình hổ trợ cho việc tách võ sò và trét mỡ hành. Vô! Chủ tàu còn cười lớn, enjoy đi, mấy chú ơi!
Tuy nhiên, đêm nhanh chóng lạnh hơn và sóng lớn lắc tàu quá mạnh, nhậu cũng khó mà câu cũng khó. Phương lại quyết định nhổ neo, đưa tàu vào núp sâu trong vịnh cho ít sóng hơn. Tàu bỏ neo bềnh bồng cạnh một bãi đá “ba chân”, tức các khối bê-tông ngăn sóng xâm thực bờ biển. Chủ tàu AHW663N vừa hơi ẩu vì từ lâu đã có qui định cấm tàu đậu gần bãi đá này. Nay tàu có thể bị buộc phải đi chỗ khác bởi chiếc tàu tuần của bảo vệ cảng đang chạy rề rề phía xa kia. May thay, chiếc tàu tuẩn chạy luôn về hướng khác.
Vì số cá giật lên, đem rộng trong cái hầm nhỏ chứa một ít nước biển, nằm dưới sàn tàu đã khá nhiều nên Phương dẹp bớt cần câu, chỉ chừa lại một cần nhỏ. Cuộc nhậu tiếp tục. Cá biển mới câu lên, đem nướng thơm lừng, giẻ ra chấm nước mắm ớt, nhai chầm chậm. Hơi nhiều ý kiến ý cò - người nói cá này thịt ngon nhất, người nói cá kia mới ngọt nhất, thơm nhất… Tôi thì thấy thịt loại cá nào cũng đều ngon cả, đều béo, đều thơm cả. Cuộc đời ơi, enjoy nhé!
Gió biển lồng lộng bốn bề. Anh Thành, hơi co ro trong chiếc áo lạnh mới mặc thêm, nhìn ra khơi xa, ngâm nga:
      
Résultat de recherche d'images pour "botany australia"


Chiều về trên biển Sydney,
Sò lông nướng với Vi Bi tuyệt vời.
Nhấp nhô sóng vỗ liên hồi,
Tha phương rồi cũng một đời phiêu linh (*)

Cả tàu vỗ tay rần rần, hô lão thi sĩ phải đọc lại bài thơ lần nữa. Vô! Vô chớ!
Mười một giờ đêm, gió rất lạnh, tàu nhổ neo, quay đầu về bến. Phương rất nghề trong việc lái tàu lên an vị trên trailer (cái xe mooc 4 bánh cõng chiếc tàu) gắn phía sau xe hơi và lái xe kéo tàu về nhà.
Tôi hiểu đối với Phương, anh chủ tàu chịu chơi, đêm câu này có thể xem là không thành công vì không trúng cá lớn, nhưng rõ ràng vui là chính, rõ ràng Phương đã hào sãng và đầy kinh nghiệm để tổ chức quá tốt cho mọi người, đặc biệt là hai ông chú mới quen, được enjoy một đêm vui chơi phóng dật, mãn nhãn, mãn ý với biển trời, sóng gió, cá tươi, bia ngon và cả những câu thơ tức cảnh sinh tình đầy thú vị nữa.
PHAM NGA
Sydney, tháng 1/2016

(*) Nguyên văn bài thơ:
Chiều về trên biển Sydney,
Sò lông nướng với VB tuyệt vời
Nhấp nhô sóng vỗ liên hồi
Tha phương rồi cũng một đời phiêu linh
Cầm chai nốc cạn nghĩa tình
Trời cao, biển rộng chỉ mình với Ta
Mặt trời khuất núi mờ xa
Bấy nhiêu thôi cũng gọi là vấn vương.
Nguyễn Ngọc Thành