Translate

Libellés

samedi 2 janvier 2021

Caroline Thanh Hương giới thiệu thơ Hoa Văn,NẮNG LỤA HOA VÀNG và đoc văn Phạm Nga với bài TẢN MẠN VỀ NHỮNG BIỂU TƯỢNG KỶ NIỆM NGÀY CƯỚI.

tt 

 

Nhân dịp đầu năm, xin chuyển đến quý anh chị bài thơ của anh Hoa Văn và một bài tản mạn của anh Phạm Nga.

Với những bận rộn gia đình và hơn nữa trong tình trạng xã hội có nhiều biến động, tôi không có tinh thần làm Blog thường xuyên như trước đây, nên có sự chậm trễ khi post bài của quý anh chị gửi về.

Tuy vậy, quý anh chị trong groupe của chúng tôi luôn được tiếp chuyển những tin tức thời sự về chuyện thật, người thật, hy vọng quý anh chị cũng có những quan tâm về đời sống xã hội chung quanh mình để thấy cuộc sống mình luôn là sự tạm bợ từ miếng cơm, manh áo và quan trọng nhất là phải luôn nhớ giữ gìn sức khỏe mình cho thật tốt.

Cãm ơn quý anh chị đã có những bài gửi hật hay đến groupe của chúng ta.

Cám ơn anh Hoa Văn và anh Phạm Nga.

Caroline Thanh Hương

 Gửi Chị bài thơ góp vui trang nhà. 

Cảm ơn Chị.Hoa Văn


NẮNG LỤA HOA VÀNG
     

Thơ Hoa Văn

Đời vẫn đẹp như hoa vàng nắng lụa

Ghé bến đời sao biết đục hay trong

Bước gần xa cũng tới nẻo vô cùng

Tình cỏ úa cũng đừng than với trách

 

Trách than gì chỉ là lời biện bạch

Làm tan đi những đau khổ cuộc đời

Khổ đau nào sớm muộn cũng qua thôi

Cuộc tình nào cũng như bèo bọt sóng

 

Lênh đênh mãi cũng trôi về bến mộng

Mà cuộc đời cũng giống giấc chiêm bao

Giữ trong nhau những câu nói ngọt ngào

Vì niềm vui rất mau tàn chóng nhạt

 

Tình với tình trước sau cần chân thật

Nhớ xưa kia Chúa chết để cứu người

Đem tình thương vô tận đến nơi nơi

Tình thương ấy có gì so sánh được

 

Ngẩng mặt lên bước đi về phía trước

Đời còn vui tình vẫn đẹp lung linh

Đường có hoa lòng vẫn có bình minh

Ngày với tháng như trăng rằm tồn tại

 

Hát cho trọn từng lời ca thân ái

Gieo cung thương từng nốt nhạc yêu đời

Dây có chùng chỉ nắn lại phím thôi

Để cuộc sống mãi đi vào cõi sáng

 

Một đời người ngắn dài cũng hữu hạn

Bỏ ưu phiền giữ hạnh phúc trên tay

Vui những gì đang có sẵn hôm nay

Ngày tháng đẹp có bao mà buồn khổ.

2020

 

 

 

TẢN MẠN VỀ NHỮNG BIỂU TƯỢNG KỶ NIỆM NGÀY CƯỚI.

 

"Cuối năm trời lạnh gió đông, mười lăm hôm nghỉ phép là ta in thiếp hồng"

Ca khúc ‘Nhịp Cẩu Tri Âm’của Hoài Linh, 1968.

 

Tháng 12 đến rồi, dù đại dịch Covid19 vẫn còn đó như một mối nguy đe dọa toàn cầu nhưng riêng với người mình, theo tục lệ muôn đời là vào quãng cuối năm, gồm mùa Giáng sinh/Tết dương lịch và cận Tết nguyên đán, đây đó dù không nô nức, rộn ràng bằng các năm trước nhưng những đám cưới vẫn được tiến hành, những cánh thiệp hồng vẫn được gởi đi xa gần…

Lễ cưới, đám cưới mở đầu cho cuộc sống lứa đôi, có điều là trong cuộc sống xưa nay luôn có những cuộc hôn nhân mỹ mãn hạnh phúc đến đầu bạc răng long thì ngược lại, cũng có những cuộc hôn nhân ‘nửa đường đứt gánh’. Hay cũng có những cuộc hôn nhân lúc đầu thì men ái tình nồng đượm nhưng về sau lại trở nên nhạt như nước ốc. Để tìm được một người bạn đời như ý đã khó, để giữ cho cuộc sống hôn nhân được hạnh phúc đến đầu bạc răng long lại càng khó hơn…

 

1.

Theo một mỹ tục khá xưa có xuất xứ từ Âu châu, khi đánh dấu 16 chặng thời gian tiêu biểu trong quá trình HÔN NHÂN HẠNH PHÚC của một cặp vợ chồng, kỷ niệm ngày cưới thường được tổ chức ấm cúng, gọn nhẹ nhưng thật ngọt ngào như một “lễ cưới mới” và được biểu trưng bằng các thứ chất liệu, vật liệu khác nhau rất thú vị:

1/  Chặng 5 năm : lễ cưới Gỗ

2/  Chặng 6 năm : lễ cưới Sắt

3/  Chặng 7 năm : lễ cưới Len

4/  Chặng 8 năm : lễ cưới Trầm

5/  Chặng 9 năm : lễ cưới Sành

6/ Chặng 10 năm : lễ cưới Thiếc

7/ Chặng 11 năm : lễ cưới San hô

8/ Chặng 12 năm : lễ cưới Lụa

9/ Chặng 13 năm : lễ cưới Hoa chuông

10/ Chặng 14 năm : lễ cưới Chì

11/ Chặng 15 năm : lễ cưới Pha lê

12/ Chặng 20 năm : lễ cưới Sứ

13/ Chặng 30 năm : lễ cưới Ngọc

14/ Chặng 40 năm : lễ cưới Ngọc lục bảo

15/ Chặng 50 năm : lễ cưới Vàng

16/ Chặng 80 năm : lễ cưới Gỗ sồi

Lại có các nhà nghiên cứu về hạnh phúc gia đình lấy thước đo cuộc sống hôn nhân qua thời gian từng năm hay cách 5 năm/lần để trao các danh hiệu “Lễ cưới…” khác nhau cho những cặp vợ chồng chung sống từ 1 năm đến 60 năm – có khác một chút so với bảng 16 chặng thời gian tiêu biểu bên trên – như sau:

– Lễ cưới Giấy: Kỷ niệm năm chung sống đầu tiên của vợ chống.

– Lễ cưới Bông vải: Kỷ niệm năm chung sống thứ 2

– Lễ cưới Da: Kỷ niệm năm chung sống thứ 3

– Lễ cưới Lanh: Kỷ niệm năm chung sống thứ 4

– Lễ cưới Gỗ: Kỷ niệm năm chung sống thứ 5

– Lễ cưới Sắt: Kỷ niệm năm chung sống thứ 6

– Lễ cưới Len: Kỷ niệm năm chung sống thứ 7

– Lễ cưới Đồng: Kỷ niệm năm chung sống thứ 8

– Lễ cưới Gốm: Kỷ niệm năm chung sống thứ 9

– Lễ cưới Thiếc: Kỷ niệm năm chung sống thứ 10

– Lễ cưới Thép: Kỷ niệm năm chung sống thứ 11

– Lễ cưới Tơ: Kỷ niệm năm chung sống thứ 12

– Lễ cưới Đăng ten: Kỷ niệm năm chung sống thứ 13

– Lễ cưới Ngà: Kỷ niệm năm chung sống thứ 14

– Lễ cưới Thủy tinh: Kỷ niệm năm chung sống thứ 15

– Lễ cưới Sứ: Kỷ niệm năm chung sống thứ 20

– Lễ cưới Bạc: Kỷ niệm năm chung sống thứ 25

– Lễ cưới Ngọc trai: Kỷ niệm năm chung sống thứ 30

– Lễ cưới Cẩm thạch: Kỷ niệm năm chung sống thứ 35

– Lễ cưới Ngọc bích: Kỷ niệm năm chung sống thứ 40

– Lễ cưới Saphia: Kỷ niệm năm chung sống thứ 45

– Lễ cưới Vàng: Kỷ niệm năm chung sống thứ 50

– Lễ cưới Ngọc lục bảo: Kỷ niệm năm chung sống thứ 55

– Lễ cưới Kim cương: Kỷ niệm năm chung sống thứ 60 trở lên.

Theo chọn lựa chủ quan của các tác giả của cả 2 bảng nêu trên, khi phản ảnh từng cấp độ, ‘trình độ’ khác nhau của hạnh phúc lứa đôi, những chất liệu biểu trưng đã có quá đủ các bậc giá trị khác nhau về vẻ đẹp, tính bền vững, tính phổ biến, tính hiếm quí, trị giá tiền bạc.v.v…

Ở cấp độ bình thường/phổ biến ta thấy có Giấy , Bông vải, Da, Gỗ… Ở hạng đẹp /quí trung bình thì có Thép, Tơ, Đăng ten, Ngà voi, Sứ… Và ở hạng đẹp/quí /hiếm nhất thì có ‘Top 8’ gồm: Bạc, vài loại Ngọc, Vàng và Kim cương.

Không phải ngẫu nhiên mà Kim cương được chọn làm biểu tượng đỉnh cao/siêu hạng của ngày cưới – ngày trọng đại hàng đầu đối với mọi lứa đôi. Loại đá cứng, hiếm và quý giá nhất, vừa đẹp lộng lẫy vừa sáng trong, lấp lánh muôn màu này rất xứng đáng được tôn vinh làm biểu tượng cho Tình yêu và Hạnh phúc bền vững, cũng như xứng đáng cho tất cả mọi người ngưỡng mộ và ước ao…

 

2.

Nói ‘thá’ rồi cũng phải nói ‘ví’, thế về những cuộc HÔN NHÂN KHÔNG HẠNH PHÚC thì sao? Đến kỷ niệm ngày cưới của mình, lẽ nào những cặp vợ chồng thường xuyên cắn đắng, chì chiết kể tội nhau, chữi chó mắng mèo, dằn đôi đũa, hất mâm cơm  hay đang hầm hừ chờ hoàn tất thủ tục ly hôn.v.v… lại không được thiên hạ – nhất là đám hàng xóm khổ vì điếc tai – ngấm ngầm trao cho một biểu tượng ‘mất hạnh phúc’ nào ư? Có đấy!

Ví dụ: kỷ niệm năm đầu tiên vợ chống chung sống hạnh phúc đã được goi là ‘Lễ cưới Giấy’. Còn không hạnh phúc? Đề nghị gọi là ‘Lễ cưới Giấy-tiền-vàng-bạc’! Hay kỷ niệm năm chung sống hạnh phúc thứ 50  đã được gọi là Lễ cưới Vàng, còn không hạnh phúc thì nên gọi là ‘Lễ cưới Vàng Âm phủ’!

Cứ thế, tùy theo mức độ vợ chồng làm khổ đời nhau, các ‘Lễ cưới không hạnh phúc’ cho từng năm chung sống hay cho bất cứ năm chung sông thứ mấy cũng được, được đề nghị là:

– lễ cưới Giấy-tiền-vàng-bạc

– lễ cưới Miễng chai

– lễ cưới Đinh sét

– lễ cưới Dây kẽm gai

– lễ cưới Băng cứu thương

– lễ cưới Cùi bắp

– lễ cưới Hột trái Cóc

– lễ cưới Dây thừng thắt cổ

– lễ cưới Còng số 8

– lễ cưới Loa bể

– lễ cưới Bao nylon cũ

– lễ cưới Cá khô mốc

– lễ cưới Vàng nén Âm phủ

– lễ cưới Hột xoàn nhựa tái sinh.

v.v…

 

PHẠM NGA

(Biên tập lại 1/12/2020)