Kính gửi quý anh chị bài ký sự của anh Phạm Nga về một bữa cơm nhà nghèo cho dân lao động tại Sài Gòn khu bến xe Petrus Ky cũ.
Bên cạnh bài ký này, mời quý anh chị xem lại vài hình ảnh xưa sưu tầm trên net.
Có những con đường tuy không bóng loáng, nhưng hình ảnh xưa, tự nó mang lên tính cách riêng của một thành phố hiền hòa mà sau bao năm đổi đời, hình như con người cũng còn cưu mang cho nhau qua những bữa cơm mà họ gửi đến người bình dân ở đây.
Cám ơn anh Phạm Nga đã gửi bài và ảnh sưu tầm.
Caroline Thanh Hương
Ký
BỮA CƠM BÌNH DÂN ĐƯỜNG PHỐ
<Quán Cơm
Đã Đóng Cửa Này Nẳm Gần Bến Xe Pétrus Ký Cũ, Chỉ Thu 1000 Đồng Nếu Khách Quá
Nghèo, Chỉ Đủ Tiền Cho Dĩa Cơm Chan Chút Nước Cá Kho; Đặc Biệt Hơn Là Sẵn Sàng
Chấp Nhận Những Đồng Bạc Rách Nát. Do Vậy Dân Ăn Xin, Bụi Đời,Thất Nghiệp,Tứ Cố
Vô Thân, Lang Thang, Cơ Nhỡ Cứ Sáng Chiều Tấp Nập Đến Hàng Cơm “Siêu” Bình Dân
Này>
1.
Nhớ vào những năm 80, chiếc lon gô – tức cái vỏ hộp sữa bột hiệu Guigoz
danh tiếng – rất có giá. Chiếc lon nhôm đơn giản, sạch sẽ vì không rỉ sét, có
nắp đậy rất kín này đã thay thế quá tốt cho những chiếc gà-mên (cặp lồng) vừa
mắc tiền hơn vừa vướng víu gọng, nắp ráp vô, tháo ra rắc rối. Trong thời khó
khăn “gạo châu cũi quế” ấy, lon gô
chứa gọn bữa cơm trưa đạm bạc mà giới công nhân, viên chức lương thấp cùng
người lao động tự do trong nước đều có thể giở theo mỗi sáng đi làm.
Từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ
trước, cuộc sống có phần dễ thở hơn nhờ “mở cửa”, thu nhập trong các ngành nghề
nhìn chung khá hơn do công ăn việc làm nhiều lên, nhưng bởi nhịp độ làm việc
hối hả hơn thời trước, rất ít ai còn giở cơm mang theo khi đến chỗ làm việc.
Nhiều người đã từ giã lon gô, không
bỏ công lượm thượm lo phần cơm đem theo đi làm nữa, đến bữa là bước đến quán cơm bình dân là xong. Trước kia, đã nói
cơm “bình dân” rẻ tiền thì người nghèo khó mà đòi ngon như cơm ở tiệm cơm Tàu, nhà hàng Tây, ai nấy phải miễn
cưỡng chấp nhận cơm canh lạt lẽo và kém vệ sinh nữa, thôi thì cứ ăn quấy quá
cho xong bữa. Nay bởi ngành kinh doanh ăn uống đã phát triển mạnh mẽ, hàng quán
đã dẫy đầy ngoài đường phố và nẩy sinh cạnh tranh nên “cơm hàng cháo chợ” dần
dần không còn cái nghĩa cơm canh bần dân, hạ bạc, các quán, tiệm đã ráng nấu
nướng sao cho ít ra, khách ăn sẽ cho nhận xét “ăn cũng được!”.
Cũng bắt đầu từ thời ấy, ở nhiều nhà hàng,
khách sạn, xuất hiện các tấm bảng biên cái từ mới mẻ, “cơm trưa văn phòng”, phòng
ăn thường có gắn máy lạnh và truyền hình cáp, nhằm vào số khách là giới nhân
viên “cổ trắng”, bậc lương trung bìng/khá trở lên, cùng khách vãng lai có tiền
bạc “dễ chịu”. Hay ở một số siêu thị, điển hình là Coffee Pha Lê 1 thuộc siêu
thị MaxiMart quận Tân Bình, khách lên phòng ăn ở tầng thượng, lồng lộng gió
mát. Còn ở một quán cà phê bên cạnh công viên Gia Định, có tên Quán Nhà Ai,
trang trí rất thơ mộng, khách ăn trưa có thể vừa dùng bữa vừa thưởng thức nhạc hòa tấu êm dịu hay nghe tiếng nước róc
rách vui tai phát ra từ một dòng suối nhân tạo. Giá phổ biến của loại “cơm văn
phòng” ban đầu chỉ 15,000 đồng một phần ăn, hiện nay khoảng 25,000 – 30,000 đồng.
Như nhà hàng Tao Ngộ (quận Phú Nhuận), còn khuyến mãi trà đá+khăn lạnh+tráng
miệng.
Ngược lại, căn bản hơn vẫn là “cơm
bình dân”, chuyên phục vụ giới lao động, thợ thuyền có thu nhập thấp. Đó là
những hàng cơm ở những con đường nhỏ, những sạp bán cơm trên vĩa hè, che bạt
chống mưa nắng, ghế lùn thấp kiểu quán cóc và thùng nước trà đá uống chung, với
dĩa cơm bình dân thời cuối các năm 80 chỉ 4000 – 5000 đồng, dần hồi không thể
không tăng giá, đến nay là 15,000 – 20,000 đồng.
Những hàng cơm ‘nhà nghèo’ loại này
khiến tôi luôn nhớ đến một tiệm bán cơm hết mức bình dân, bầy hầy cũng hết chỗ nói, vì chuyên bán cho dân ăn xin. Cũng vào
những năm 80, quán cơm đã đóng cửa này nẳm gần bến xe Pétrus Ký (đối diện hãng
thuốc lá Bastos, đường Nguyễn Hoàng cũ), chỉ thu 1000 đồng nếu khách quá nghèo,
chỉ đủ tiền cho dĩa cơm chỉ chan chút nước thịt kho,cá kho, và đặc biệt hơn là
sẵn sàng chấp nhận những đồng bạc rách nát từ khách. Do đó, dân ăn xin, bụi
đời, thất nghiệp, người tứ cố vô thân, lang thang, cơ nhỡ…, thường tấp nập rủ
nhau đến hàng cơm “siêu” bình dân này.
“Phần
cơm mười lăm ngàn thì mắc quá, sang quá, nhưng dĩa cơm bốn ngàn thì… ớn quá!”,
suy nghĩ này khiến nhiều khách ăn cơm trưa thời này đã tìm đến những quán, tiệm
hạng trung bình, không “mắc” cũng không “ớn”.
Có thể tha hồ chọn lựa vì hầu như trên bất cứ con đường nào ở đất Sài
Gòn cũng có thể có các hàng cơm bình dân. Tôi thì chọn cái quán có cái tên dễ
nhớ - “Quán 17”, nằm trên đường Trần Bình Trọng, quận Bình Thạnh.
2.
Đã bán cà phê và cơm bình dân cả chục
năm, quán 17 dựng lên từ một quán cà phê hơi xập xệ. Cũng chỉ bày ra ghế nhựa
và bàn inox như kiểu các quán ăn khác,
nhưng mặt bằng quán 17 khá rộng rãi, thoáng mát. Để chọn cơm ăn thì khách lạ
như tôi thường đến nhìn vào tủ bày thức ăn kê ở phía trước quán. Nhưng dù bảng
hiệu của quán chỉ ghi “cơm bình dân”, không chua
thêm “cơm dĩa – cơm phần – cơm hộp” như các quán khác và dù khách gọi cơm gì đi
nữa, quán 17 theo cách riêng vẫn dọn ra đủ bộ “1 mặn, 1 canh và 1 xào”. Về món
mặn, thí dụ khách gọi cơm thịt kho trứng, thì món mặn là thịt kho (đựng trong
chén hay dĩa nhỏ), theo tên món cơm được gọi. Về món canh (đựng trong tô nhỏ),
thí dụ hôm nay là canh bầu, quán tự ý dọn ra kèm chung cho bất cứ món cơm nào.
Đến món xào, thí dụ là cải ngọt xào, thì cũng do quán bày thêm một ít trên dĩa
cơm trắng.
Với kiểu bày dọn như trên ở quán 17
- muốn gọi là cơm dĩa hay cơm phần đều
được - toàn bộ cơm và “bộ ba mặn-canh-xào” thời cuối những năm 80, đầu những
năm 90 chỉ có giá là 7000 đồng nếu là cơm thịt heo, thịt quay và thịt gà, còn
cơm với các món cá và đậu hủ thì 6000 đồng. Ngoài ra còn có một ly trà đá miễn
phí, hay khách xin thêm một ít rau sống ăn kèm thì cũng free! Tất nhiên, khách
kén ăn có thể gọi riêng một món canh, món xào nào đó. Thí dụ một chén canh chua
có giá/thơm/bạc hà không thôi (không có cá) thì trả thêm 1000 đồng/chén. Hay
khi gọi đích danh “cơm đồ xào”, như : thịt xào với măng hay với nấm bào ngư,
đậu ve, bắp cải; huyết heo xào hẹ; khổ qua xúc trứng .v.v…, thì đồng giá 6000
đồng.
Thời ấy, coi như mắc nhất, đứng đầu
bảng giá là món cơm mực nhồi thịt và cơm đùi gà rôti: 12,000 đồng. Mua riêng
môt con mực nhồi hay một đùi gà thì 10,000 đồng. Còn rẻ nhất? Đó là cơm đậu hủ không
kho với cà chua: 4000 đồng, mua riêng một miếng đậu không giá 2000 đồng. Cơm
đậu hủ dồn thịt thì 6000 đồng, riêng miếng đậu có thịt thì 4000 đồng.
Quán 17 mở cửa từ 5 giờ sáng, cũng là
giấc chị chủ quán đi chợ. Bán cà phê lai rai đến khoảng 10 giờ là có người đến
gọi cơm. Cao điểm là giấc 11 giờ 30 đến 1 giờ trưa, đến 3 giờ chiều mới coi
như hết người ăn cơm trưa. Quán có bán
cơm chiều, tối nhưng số khách chỉ còn một nửa so với buổi trưa, phần lớn người
ghé quán giờ này là những người đơn chiếc, trọ ở những nhà không cho nấu nướng
trong phòng, hay thuộc những gia đình ít người. Vào ngày thứ bảy và chủ nhật,
cũng số người nói trên - vốn đã tính toán rằng đi chợ, nấu ăn tại nhà thì mất
công và không “kinh tế”- nên, cùng với
những người làm việc vào hai ngày nghỉ
cuối tuần, họ vẫn ra quán hoặc ghé mua cơm hộp đem về, giá vẫn y như ăn tại
quán. Do đó, vào cuối tuần, số khách đến quán 17 có giảm đi khoảng1/3 hay một
nửa. Ngày nào cũng thế, đến khoảng 8 giờ
– 8giờ30 đêm, quán mới đóng cửa, dọn dẹp.
Dù có thuê thêm hai phụ nữ giúp việc
nhưng chị chủ quán vẫn nắm khâu cực nhất là đi chợ, nấu món ăn. Chị cho biết là
không đến siêu thị vì “ hàng ở đây mắc!” mà chỉ đến mối quen ở các chơ, được
mua giá sỉ và dĩ nhiên, thấy gì rẻ là ưu tiên mua về chế biến.
Mỗi ngày quán 17 có khoảng 20 - 25
món được bày ra, luân chuyển hàng ngày thì phải đến hằng trăm món. Ngoài những
món cố định – ngày nào cũng có – như thịt kho trứng, mắm chưng, đậu hủ nhồi,
thịt quay, gà kho gừng…, nội cái món cá kho/chiên, đã phải thay đổi từ cá lóc,
cá hú qua cá lưỡi trâu, cá nục, cá bạc má.v.v… Hay về món canh, thì đủ thứ, từ
rau, cải đến bầu, bí. Về gạo, mỗi ngày
nấu khoảng 35 – 40 kg tùy bữa. Quán 17 dùng loại gạo trung bình, khá hơn loại
gạo ở các sạp cơm lề đường nên khi khách kêu thêm cơm, quán sẽ tính 1000 đồng
một dĩa nhỏ. Ở các quán cơm sinh viên,
thường miễn phí phần cơm thêm, nhưng gạo nấu ở đây thường kém chất lượng, có
khi bốc mùi hôi mốc.
Nhìn chung, đến với quán 17 thường là
khách quen, ít khách vãng lai. Khách thì đủ thành phần, từ các anh xích lô, phụ
hồ cho tới các anh chị làm việc ở công ty nước ngoài. Và do khách đến ăn đều
“lịch sự”- chữ dùng của anh chủ quán, nạn ăn thiếu ít xảy ra. Gặp khách thân
quen hoặc bận việc, như các anh bảo vệ trực cơ quan chẳng hạn, anh chủ quán còn
chịu khó đi giao miễn phí vài phần cơm trưa và tối.
Chị chủ còn cho biết, dù mình gốc dân
Phan Thiết và có chồng gốc Hà Nội, nhưng vì đang kiếm sống ở miền Nam nên khi
đứng bếp, chị thiên về món ăn và nêm, nếm theo “gu” dân Nam bộ, thỉnh thoảng
mới bày ra các món ở miền khác, như cà pháo mắm tôm và cải chua xào thịt heo
(dành cho khách người Bắc), hay món ruột già xào nghệ ( món ưa thích của dân xứ
Quảng)…
Sát vách quán 17 có ngay một hàng cơm
khác, thường rất vắng vẻ. Một ông khách vừa gọi cơm thêm để “làm” cho hết khứa
cá hú kho, cho tôi biết:
- Lúc đầu tôi ăn cơm ở bển chớ, nhưng
sao thấy đồ ăn mặn sẵng, kỳ kỳ, tui mới đổi qua đây ăn thử. Rồi thấy vừa miệng
lắm.
Chị chủ quán chỉ tủm tỉm cười khi
được khách khen, quay sang nói:
-Chị chủ ở bển cũng dân Trung như
tôi, mà dân Trung thì quen nêm thức ăn nhiều mắm muối và ít đường, trong khi
dân trong này thì, món gì cũng vậy, thích hơi ngọt ngọt một chút. Cũng dân Nam,
lại có người thích một món mặn hơi lạ. Vô quán chỉ kêu dĩa cơm trắng với một tô
canh chua cá lóc, rồi họ thả khứa cá vô dĩa nước mắm dầm ớt thành món mặn. Có
khi cỡ hai người thì họ kêu canh chua đầu cá lóc, cá hú là xong bữa. Cái đầu cá lớn lắm nên tôi phải tính riêng tô
canh là 12,000 đồng.
Với chủ trương “thức ăn phải ngon
miệng”, chị chủ có riêng một số bí quyết để khiến món ăn hấp dẫn hơn. Điển hình
là món mắm ruốc kho xả. Trước hết, phi hành, tỏi, xả cho cháy vàng, bốc mùi
thơm trong chảo rồi mới bỏ thịt vào. Thịt đã săn lại, bỏ thêm một ít cà chua
băm nhuyễn rồi mới cho mắm ruốc. Chính cà chua sẽ làm cho mắm ruốc bớt tanh và
có màu sắc tươi hơn, bắt mắt hơn.
Nhìn chung, vào cuối ngày, thức ăn ở
quán 17 thường còn dư rất ít. Canh dư thì bỏ đi, thịt cá thì chế biến lại chút
đỉnh. Như có bữa món cá ngừ kho bị ế mấy cái đầu, thì chỉ cần rút hết xương,
làm lại thành món chà bông cá, ngày hôm sau vẫn bán hết.
3.
Vất vả suốt ngày, suốt tuần nên vào mùa Tết Nguyên đán vốn là thời điểm bán
đồ ăn rất đắt hàng, chủ quán 17 vẫn nhất định nghỉ “xả hơi”. Cũng để người giúp
việc có thời gian về quê thăm nhà, quán 17 nghỉ một lèo từ ngày 27 ta đến mùng
10 năm mới. Quán cũng nghỉ hẳn trong những dịp lễ lớn như Giáng sinh, 30/4,
1/5…
Gặp lại nhau sau những ngày quán 17
nghỉ bán, nhiều khách quen đã trách cứ chủ quán về chuyện đã gây cho họ lúng
túng hết mấy ngày về chuyện đến bữa thì “ăn
cơm ở đâu đây?”. Có người nói họ đã ăn tạm ở một nhà hàng “cơm văn phòng”,
tốn tiền đã gấp đôi nhưng thức ăn cũng chừng đó, có hơn “cơm bình dân” quán 17
chăng thì chỉ là trái chuối tráng miệng!
PHẠM NGA
(Sydney, lập đông)
"Saigon Nỗi Nhớ Niềm Thương", thơ, Youtube de Caroline Thanh Hương
ttVừa qua cư dân mạng liên tục chia sẻ hình ảnh của một quán cơm chay từ thiện tại khu Him Lam, quận 7 phục vụ cơm trưa miễn phí dành cho những ai có hoàn cảnh khó khăn có được bữa cơm ngon lành.
+++ Địa chỉ: Số 78 đường D1 khu Him Lam, phường Tân Hưng, quận 7.
Oanh Oanh (Nguồn: Theo Facebooker Long Camry)
Viết bởi
Oanh Oanh