Translate

Libellés

samedi 2 mars 2019

Những món ăn Việt được người ngoại quốc ưa chuộng trong dịp gặp gỡ giữa TT Mỹ và Bắc Hàn tại Việt Nam.

Một bài phóng sự về thức ăn Việt Nam trong những ngày đón quan khách thế giới tụ họp tại Việt Nam tháng hai năm 2019.
Kính mời quý anh chị cùng thưởng thức về sự gần gủi và quen thuộc đối với khách ngoại quốc những món ăn này.
Caroline Thanh Hương



Phở Thìn, xôi khúc vào bàn ăn phóng viên dự hội nghị Mỹ - Triều


Bên cạnh các món ăn phương Tây, khu nhà ăn phục vụ phóng viên tác nghiệp tại Trung tâm báo chí quốc tế gồm nhiều món ăn truyền thống như phở, chả giò và bánh khúc.
Pho Thin, xoi khuc vao ban an phong vien du hoi nghi My - Trieu hinh anh 1
Trong thời gian hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Hà Nội, khu nhà ăn sẽ mở cửa liên tục để phục vụ các phóng viên trong và ngoài nước tác nghiệp tại Trung tâm báo chí quốc tế. Những bữa ăn trưa và ăn tối tại đây đều miễn phí. 
Pho Thin, xoi khuc vao ban an phong vien du hoi nghi My - Trieu hinh anh 6
Trước đó, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gợi ý đưa các món ăn của dân tộc như nem rán, giò chả, nem cuốn, phở, xôi, bánh khúc và bún chả vào thực đơn phục vụ tại Trung tâm báo chí quốc tế.
Pho Thin, xoi khuc vao ban an phong vien du hoi nghi My - Trieu hinh anh 7
Các món ăn được phục vụ theo hình thức buffet. Do đó, các phóng viên có thể lựa chọn những món phù hợp với khẩu vị của bản thân.
Pho Thin, xoi khuc vao ban an phong vien du hoi nghi My - Trieu hinh anh 8
Ngoài ra, nếu quá bận rộn, họ có thể chọn những hộp cơm được chuẩn bị sẵn.
Pho Thin, xoi khuc vao ban an phong vien du hoi nghi My - Trieu hinh anh 13
Arya Sapito, phóng viên của Nippon TV, Nhật Bản, cho biết đây là lần đầu tiên chị thưởng thức món bún chả. Theo nhận xét của chị, món ăn này rất ngon, nhiều vị lạ, vừa chua vừa ngọt. Đặc biệt, thịt nướng rất thơm.
Pho Thin, xoi khuc vao ban an phong vien du hoi nghi My - Trieu hinh anh 14
Bún chả là món cựu tổng thống Mỹ Barack Obama từng ăn khi đến thăm Hà Nội cũng được nhiều phóng viên quốc tế chọn ăn thử.
Pho Thin, xoi khuc vao ban an phong vien du hoi nghi My - Trieu hinh anh 15
Trong khi đó, phóng viên đến từ Mỹ và châu Âu lại chọn phở nhiều hơn vì từng nghe về món ăn này rất nhiều trên các phương tiện truyền thông.
Pho Thin, xoi khuc vao ban an phong vien du hoi nghi My - Trieu hinh anh 20
Khu ẩm thực mở cửa trong suốt 5 ngày, từ ngày 25/2 đến ngày 1/3. 
tt


Trong những ngày hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Hà Nội, khu vực trung tâm báo chí quốc tế là nơi để các phóng viên đến từ các nước trên thế giới tác nghiệp, cập nhật nhanh nhất thông tin đến độc giả.
Ngoài trang thiết bị, wifi, nước uống… khu vực nhà ăn – nơi phục vụ các bữa ăn sáng, trưa, tối miễn phí cho các phóng viên cũng nhận được sự chú ý.
Tại khu vực nhà ăn, theo quan sát của PV, bên cạnh các món ăn buffet thì những món ăn truyền thống của Việt Nam được đem đến phục vụ phóng viên trong và ngoài nước.

Tin nhanh - Tiết lộ lý do chọn 9 món ăn truyền thống phục vụ hơn 3.000 phóng viên quốc tế

Những món ăn truyền thống của Việt Nam thu hút phóng viên thưởng thức.


Theo thông tin từ đại diện sở Văn hoá thể thao Hà Nội, những món ăn truyền thống được phục vụ tại Trung tâm báo chí quốc tế lần này đều là các món ăn đặc trưng của Hà Nội.
“Ngoài những món ăn đồ Tây, Âu còn có những gian ẩm thực quảng bá, giới thiệu tinh hoa ẩm thực của Hà Nội. Có thể nói, ẩm thực của Hà Nội có hàng trăm món ăn đặc sắc nhưng chúng tôi lựa chọn 9 món ăn mang tới phục vụ hàng nghìn phóng viên tại sự kiện này”, đại diện sở Văn hoá cho biết.
Cụ thể, 9 món ăn được phục vụ tại nhà ăn trung tâm báo chí gồm: “Phở Thìn, bún thang bà Ẩm, bánh khúc cô Lan, xôi chè, giò chả của làng nghề Ước Lễ, chả cốm Mễ Trì, chè sen Tây Hồ, bún chả, xôi Phú Thượng.

Tin nhanh - Tiết lộ lý do chọn 9 món ăn truyền thống phục vụ hơn 3.000 phóng viên quốc tế (Hình 2).

Xôi Phú Thượng được giới thiệu tại nhà ăn của trung tâm báo chí quốc tế.


Nói về tiêu chí lựa chọn những món ăn này, đại diện sở Văn hoá cho biết thêm: “Không phải lựa chọn những món ăn ở các nhà hàng sang trọng mà chúng tôi lựa chọn chính là các nghệ nhân ở Hà Nội đã được truyền nghề rất lâu đời, có gia đình 3 đời làm nghề… Những nghệ nhân là người tự tay chế biến và nâng niu những sản phẩm mình làm ra đó mới là giá trị. Thêm nữa, những món ăn này tiêu biểu cho Hà Nội và đã được bạn bè quốc tế biết đến, trải nghiệm”.

Tin nhanh - Tiết lộ lý do chọn 9 món ăn truyền thống phục vụ hơn 3.000 phóng viên quốc tế (Hình 3).

Giò chả Ước Lễ.


Để có thể giới thiệu những món ăn truyền thống đậm chất Việt Nam đến du khách quốc tế, ban tổ chức cũng rất chú ý đến các chi tiết nhỏ như hệ thống bát cũng được đặt và vận chuyển từ Bát Tràng, để khi nâng bát phở, bát bún là những du khách cảm nhận được sự khác biệt và cảm nhận được giá trị văn hoá ẩm thực của người Việt.

Tin nhanh - Tiết lộ lý do chọn 9 món ăn truyền thống phục vụ hơn 3.000 phóng viên quốc tế (Hình 4).
Tin nhanh - Tiết lộ lý do chọn 9 món ăn truyền thống phục vụ hơn 3.000 phóng viên quốc tế (Hình 5).

Món chè có mặt tại nhà ăn phục vụ hàng nghìn phóng viên trong và ngoài nước.


Thông tin thêm, đại diện sở Văn hoá thể thao Hà Nội cho biết, trong ngày 26/2, các món ăn đặc trưng của Việt Nam được phục vụ tại trung tâm báo chí quốc tế đã có rất đông phóng viên nước ngoài thích thú thưởng thức và có phản hồi rất tích cực về ẩm thực Việt.

Tin nhanh - Tiết lộ lý do chọn 9 món ăn truyền thống phục vụ hơn 3.000 phóng viên quốc tế (Hình 6).

Bún thang trông vô cùng hấp dẫn.


“Riêng về bánh khúc cô Lan được phục vụ khoảng 500 suất, phở Thìn, bún thang phục vụ khoảng hơn 1.000 suất”, đại diện sở Văn hoá cho biết.

Tin nhanh - Tiết lộ lý do chọn 9 món ăn truyền thống phục vụ hơn 3.000 phóng viên quốc tế (Hình 8).

Bánh khúc cô Lan riêng ngày 26/2 phục vụ khoảng hơn 500 suất.


Chia sẻ thêm với PV báo Người Đưa Tin, một phóng viên Singapore cho biết: "Tôi rất thích các món ăn Việt Nam, trong đó tôi đặc biệt yêu thích món bún chả và xôi chè, hai món này rất tuyệt". 
Thanh Lam - Danh Tuyên

Phạm Nga và bài tản mạn về Sài Gòn, Con Đường Đẹp Nhất, Sang Nhất Sài Gòn Xưa.

Kinh gửi quý anh chị bài tản mạn của anh Phạm Nga về Sài Gòn Xưa cho những ai hoài cổ và xem lại vài hình ảnh thời Việt Nam Cộng Hoà.
Cái hào nhoáng mới không thay đổi được tâm tình của thế hệ ông cha đã đi qua và còn sống mãi trong lòng những người Việt thời trước 1975.
Đố các anh chị biết tại sao?
Các anh chị thử tìm hiểu xem nhé.
Có thể chúng ta tìm được câu trả lời qua bài tản mạn của anh Phạm Nga viết dưới đây.
Caroline Thanh Hương.


tt


TẢN MẠN VỀ CON ĐƯỜNG ĐẸP NHẤT, SANG NHẤT SÀI GÒN XƯA



1.
Xưa nay, đường Tự Do (tên hiện naylà Đồng Khởi) ở khu trung tâm Quận 1 Sài Gòn dù chỉ là một con đường ngắn và hẹp nhưng vẫn được tiếng là con đường đẹp nhất, sang nhất, đông người nước ngoài nhất thành phố Sài Gòn xa xưa và cũng có thể nói như thế về quãng thời gian sau tháng 4-75 cho đến nay.
Vừa qua, trên trang trithucvn.net (*), trong bút ký tựa là “Văn Hóa Không Tên Tạo Nên Linh Hồn Của Sài Gòn Xưa”, nhà văn Văn Quang đã ghi nhận  trên con đường Tự Do đẹp, sang ấy lại có một chuỗi 3 nhà hàng/quán cà phê là La Pagode, Givral, Brodard đã tỏ lộ cái hồn văn hóa đầy sức sống tự tại của Sài Gòn xưa.
Văn Quang kể:
“Nói đến La Pagode, Givral, Brodard… chắc chắn những người đã từng sống, từng ghé qua Sài Gòn chưa ai quên. Nhất là những văn nghệ sĩ, nhà báo, dân biểu, thường ngồi ở đấy làm nơi trao đổi tin tức nghề nghiệp. Còn một số lớn khách du lịch, sĩ quan, quân nhân, công tư chức làm việc tại “thủ đô miền Nam” và các bạn trẻ Sài Gòn thập niên 60-75 cũng hay lui tới nơi này.”
Và:
“Ba nhà hàng ấy là 3 sắc thái riêng biệt làm nên cái trục “văn hóa không tên”, cái linh hồn của Sài Gòn, khó phai mờ trong ký ức của những người Sài Gòn”
Khi nói về 3 “đệ nhất” nhà hàng/quán cà phê trên đường Tự Do xưa, nhà văn Văn Quang đã nêu những nhận xét thật sâu sắc, thấu đáo vào phần hồn văn hóa cố cựu của Sài Gòn, chứ không bám vào phần vỏ kinh tế bên ngoài của Sài Gòn, mặc dù trải qua các chế độ khác nhau, thành phố này luôn ở đỉnh cao phồn vinh nhất Việt Nam. Cũng cách nhận xét ấy đã cho thấy trong giới văn nghệ sĩ đất Sài Gòn cũ, tác giả cuốn tiểu thuyết ‘Đời Chưa Trang Điểm’ quả  là một đàn anh, một ‘chuyên gia’ về khoản lê la cà phê  bia bọt, tán dóc quán xá vỉa hè, trước là giải trí /sau là lấy thông tin… 


2.
Theo chọn lựa của Văn Quang, được nhắc trước tiên nên nhà hàng La Pagode, nằm ở ngã tư Tự Do – Lê Thánh Tôn. Tên gọi tếu ‘Cái chùa’ (nghĩa tiếng Việt của từ ‘la pagode’ tiếng Pháp) cũng khá thông dụng.
Nhà văn Văn Quang kể:
“Trước hết phải kể đến nhà hàng La Pagode, tôi cho là “cổ kính” nhất. Ngay từ những năm 1953, khi tôi mới biết taxi là “cái giống gì” (bởi ở miến Bắc hồi đó chưa có taxi), tôi đã biết La Pagode. Hồi đó Pagode còn bày hàng ghế salon bọc da ra ngoài hành lang, theo lời ông Nguyên Sa thì nó giống hệt nhiều nhà hàng ở Paris. Ngồi ở đây thoáng đãng. Khách đến thường chỉ dùng một ly cà phê, ngồi từ chiều đến tối mịt.”
Đúng là một nhà hàng “cổ kính” khi từ bàn ghế, màu da bọc ghế cho đến quầy, kệ nội thất đều có màu chủ đạo là nâu hay đen, rõ hơn là các gam màu tối, cũ kỷ, lâu đời. Riêng về các mặt vách bằng kính thật dày cho phép khách nhìn ngắm đường phố, điều hay ho nữa là loại vách này ngăn được phần lớn tiếng động, tiếng xe cộ ồn ào bên ngoài. Như khi trời mưa lớn, bên ngoài ướt át, lạnh lẽo, sấm chớp rền vang…, nhưng bên trong quán, nhờ các vách kính dày, khách ngồi nhâm nhi tách cà phê hay tách trà lipton chanh nóng (món uống rất thường được khách gọi) thì vô cùng ấm áp, khô ráo, và có ồn ào gì đó là do tiếng tranh cải, cười nói từ các bàn bên cạnh.
Văn Quang viết tiếp:
“Khách hàng của La Pagode hầu hết là nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ. Cứ vào buổi chiều, sau giờ tan sở là tụ tập lại đây. Tất nhiên cũng ngồi thành nhóm. Những ngày đầu tôi thường đi cùng Thanh Nam, Thái Thủy, Hoàng Thư và đến đây thường gặp các anh Nguyên Sa, Trần Thanh Hiệp, Mặc Thu, Cung Trầm Tưởng, Mai Thảo, Phạm Đình Chương, Tạ Quang Khôi, Viên Linh, Nguyễn Đạt Thịnh, Phạm Huấn, Anh Ngọc, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Nguyễn Đình Toàn… Quá nhiều, tôi không thể nhớ hết.”
Ngoài giới văn nghệ sĩ ‘khách quen’ như trên, tất nhiên trong La Pagode còn thường có một số khách khác, như khách du lịch quốc tế, quân nhân, công tư chức và các bạn trẻ. Có điều là, như một nhà văn đã ghi nhận, cũng lai rai có hiện tượng ‘làm dáng trí thức’, như trên tay một số khách vào quán thường lấp ló những đầu sách – cả nguyên bản lẫn sách dịch -  đang  hot, đang gây nhiều tranh cải thời ấy, như ‘Hố Thẳm Của Tư Tưởng’ của Phạm Công Thiện, ‘Tropic Of Cancer’ của Henri Miller, ‘Zen Buddhism’ của D.T.Suzuki, ‘Dịch Hạch’ (tiếng Pháp: La Peste) của Albert Camus… Hay ít ra cũng là những tạp chí, tuần báo, nguyệt san Anh ngữ, Pháp ngữ thời danh như Times, Newsweek, L’Express, Salut Les Copains… mà có lẽ người ta vừa mua ở Book Shop, tiệm chuyên bán sách báo ngoại quốc gần ngã tư Tự Do -  Nguyễn Văn Thinh, tức cách La Pagode chừng 400m.
Kế tiếp là nhà hàng Givral, cũng 2 mặt tiền toàn vách kính, nằm ở ngã tư Tự Do – Lê Lợi, thuộc hành lang Eden (tiếng Pháp: passage Eden). Từ ‘hành lang’ nghe không qui mô, không bề thế bằng từ ‘thương xá’ – như thương xá Tax gần đó -  nhưng khi phục hiện cái không khí văn hóa phong phú, đặc sắc của Sài Gòn, Văn Quang đi sâu vào một chi tiết đặc biệt, rằng trong khu Eden có một hiệu sách nổi tiếng hàng đầu Sài Gòn cũ, không kém cạnh nhà sách Khai Trí bên đường Lê Lợi chút nào, đó là nhà sách Xuân Thu. Xuân Thu nổi tiếng về các đầu sách ngoại văn (nhất là sách nghiên cứu văn hóa – văn minh Pháp và sách giáo khoa chương trình phổ thông trường Pháp) mà giới trí thức, nhà giáo, sinh viên Sài Gòn thời ấy khi cần là có thể đến lục tìm, hay đặt cho nhà sách mua dùm từ châu Âu, châu Mỹ.
Hơn thế, giới ‘chữ nghĩa’ ở Sài        Gòn đã không khỏi ngưỡng mộ khi nhìn lên  lầu 2 nhà sách Xuân Thu, nơi khoa chính trị kinh doanh (Science politique) của đại học Đà Lạt tổ chức lớp cao học ‘Science-po.’, ngành học nâng cao à la mode nhất của giới SV đã xong cử nhân một số ngành về khoa học nhân văn tại Việt Nam vào thời từ 1970 trở đi.
Văn Quang viết:
“Givral là một địa điểm trung tâm thành phố, rất thuận tiện cho mọi việc, từ hẹn hò, mua sắm vài thứ, đợi giờ vào rạp chiếu phim, hoặc chỉ đi “bát phố”(… ). Hơn thế, thương hiệu bánh ngọt Gival rất nổi tiếng, thu hút nhiều khách sành ăn. Mấy bà đi ngang qua Lê Lợi – Tự Do ghé vào mua vài cái bánh mang về cho chồng con là chuyện bình thường”.
Cũng phải, dân Sài Gòn ưa ăn bánh Givral bởi nét tao nhã, tinh tế của nền văn hóa ẩm thực Pháp đã tồn tại gần 60 năm tại VN. Givral nổi tiếng với dòng bánh tươi, không dùng chất bảo quản và chất phụ gia độc hại hay không có lợi cho sức khỏe. Và “cái hậu” tốt đẹp của dòng bánh lành, sạch này là là ‘phiên bản’ sau tháng 4-75 mang tên ‘Công ty Cổ phần Bánh Givral’, khá có tiếng là bánh ngon, tuy giá cả khá cao chứ không bình dân, với lò sản xuất bánh hiện ở khu công nghiệp Tân Bình, phường Tây Thạnh, Q. Tân Phú, Tp HCM.
Cuối cùng là về nhà hàng Brodard, Văn Quang ghi nhận:
“Còn nhà hàng Brodard nằm ở góc Tự Do – Nguyễn Thiệp, nhìn sang bên kia là vũ trường Tự Do của ông Cường (…). Ở đây lại đông vui vào những buổi sáng muộn và buổi tối khi “gà lên chuồng”. Nơi lui tới của những“dân đi chơi đêm”Sài Thành. Những anh hùng “hảo hớn” như Khê – Thăng Long Xích Thố, anh em ông Kim đầu bạc, Kính tennis, Chương Marine cũng lui tới ngồi tán chuyện giang hồ. Các “đại gia, tiểu gia” thời đó không nhiều, chỉ vỏn vẹn một số ông dược sĩ, tu bíp, doanh nhân có “xế bốn bánh” đủ để chở các em đi ăn đêm.”
Như thế, thành phần khách đến Brodard có tính chất một đại chúng rất đời thường, nặng về bề ngoài vật chất. Dân đến đây không khỏi ít nhiều có thái độ khoe mẻ về sự giàu có, khả năng mua vui, hưởng thụ cuộc đời của mình. So với Givral và La Pagode  - nhất là so với La Pagode, nơi ‘đóng đô’ thường xuyên của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ trình diễn… -  Brodard có vẻ ít chất văn nghệ, chữ nghĩa hơn.
Theo một ông công chức làm việc ở Phòng Thương Mại Sài Gòn (nằm ở phía cuối đường Tự Do, cách Brodard chừng 300m), từng nhiểu năm thường cùng các đồng nghiệp và gia đình vào Brodard ăn uống, ngắm phố phường thì với cách trang trí dùng nhiều màu sáng, nhà hàng này giống một tiệm kem, một tiệm bánh ngọt, một quán giải khát hơn là một quán cà phê đúng nghĩa giành cho dân ghiền cà phê “chuyên nghiệp”. Tính chất hiền lành, ngọt ngào – thay vì đắng chát như vị cà phê – càng tỏa lan trong bầu không khí yên tĩnh của Brodard qua một kiểu phục vụ bánh ngọt rất đặc biệt. Khách cứ ngồi tại bàn mà lên tiếng hay ra dấu, nhân viên nhà hàng sẽ mang đến tận bàn một khay lớn bày rất nhiều bánh ngọt, bánh kem kiểu Pháp, như bánh choux, Polonais, mille feuilles… để khách chọn. Như các cô khách, cậu khách nhí, sau khi được ba mẹ gật đầu, sẽ sướng rơn khi cứ thoải mái chỉ vào khay, ngay cái bánh mình thích là bánh sẽ được lấy bỏ vào đĩa nhỏ, dọn ra trước mặt mình…



3.
Ngày xưa, từ danh từ riêng ‘Catinat’ nguyên thủy do người Pháp dùng đặt tên cho đường Tự Do, học sinh các trường Tây ở Sài Gòn thời 1960-70 thường kháo nhau động từ chế ‘catinater’, có nghĩa lả ‘dạo chơi đường Catinat” và tương tự là ‘bonarder’, nghĩa ‘dạo chơi đường Nguyễn Huệ’ bởi tên Tây của đại lộ này là Bonard. Càng tếu hơn là nếu ‘catinater’ và  ‘bonarder’ nhiều quá, coi chừng bị… ‘déxiquachté’ (hết xí quách!).
Thêm một từ chế rất thú vị nữa là ‘radio Catinat’, chỉ những thông tin đủ loại phát ra từ những ‘cư dân’ thường xuyên  tụ tập  tại La Pagode, Givral và Brodard, gồm giới văn nghệ sĩ, báo chí và một số chính trị gia. Văn Quang đã phân tích:
“Thật sự cái nhu cầu chính là đến đây gặp nhau, để… nói dóc, “bình loạn” vài cái tin văn nghệ, thời sự chính trị cho vui thôi. Cả ba nhà hàng này với những cái “loa ngầm, loa không ai kiểm chứng” nên có thời người ta gọi những tin tức ấy là “radio Catinat” (bởi con đường Tự Do, thời Pháp được đặt tên là đường Catinat). Tuy nhiên cũng có những nguồn tin “bí mật quốc gia” rất chính xác bên cạnh những nguồn tin chẳng bao giờ là sự thật. Nó cứ nhập nhằng như thế nên “radio Catinat” chưa chắc đã là “láo toét” như nhiều người kết tội nó”.
Nhìn chung, ngoài 3 nhà hàng/cà phê La Pagode, Givral và Brodard, đường Tự Do càng hào nhoáng, đẹp đẽ hơn khi còn có quán Cafetaria Disco với nhạc pop rock mới nhất, phát bằng discothèque hiện đại nhất thời đó, rồi các phòng trà Tự Do, Maxim’s hoành tráng và Đêm Màu Hồng diễm ảo, chưa kể nằm 2 bên trụ sở Quốc hội/Hạ nghị viên là khách sạn Continental Palace với phong cách rất Tây và khách sạn Caravelle cao nhất nhì Sài Gòn thời 60, cùng khách sạn Majestic (ở cuối đường, nhìn ra bến Bạch Đằng, sông Sài Gòn), cả ba đều có đại sảnh cực kỳ tráng lệ, sang trọng. Ở nhiều vị trí dù lộ thiên hay sát bên quầy rượu, khách ngồi ghế mây, ghế bành nhâm nhi cà phê hay bia lạnh đều có view nhìn ra các góc phố thật đẹp mắt. Riêng ban đêm, phố Tự Do trở nên lung linh, đẹp rực rỡ với ánh sáng đèn đóm đủ màu,
Còn vào buổi chiều nào đó, khi có cơn mưa nhỏ, đường Tự Do/Catinat của Sài Gòn chợt lãng đãng một vẻ đẹp cổ điển, đầy sức quyến rũ, khêu gợi, khiến những ai vốn thích loại phim chiến tranh - tình cảm - tâm lý không khỏi liên tưởng đến hình ảnh thủ đô Sài Gòn xưa, cũ trong cuốn phim Mỹ tựa ‘Người Mỹ Trầm Lặng’(The Quiet American), sản xuất năm 2002, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Graham Greene, nhà văn Anh, viết năm 1951 với bối cảnh cuộc chiến tranh Việt Nam/Đông Dương…

PHẠM NGA
(Tháng 2-2019)



lundi 25 février 2019

Trần Nhân Tông tiểu sử và gia tài thơ trong văn học.

Người thi sĩ làm thơ theo cảm hứng thì đếm không hết.
Thi sĩ làm thơ xúc tích ẩn hiện lời khuyên nhủ, dặn dò hay tự thán thâm sâu thì ý tưởng đó càng khó diển tả trong vài ngôn từ.
Cái hay là nói mà như không, không mà như nói.
Người làm việc lớn, tư tưởng thường phải nhìn xa biết rộng và khi hành động đều có thành quả gần như như ý.
Trong chương trình văn học, tôi chỉ đưa ra những bài thơ mà Trần Nhân Tông đã để lại, phần sưu tầm tài liệu, xin mời các anh chị vào những trang net được trích dẫn dưới đây đọc thêm.
Caroline Thanh Hương

Xuân hiểu
Thụy khởi khải song phi
Bất tri xuân dĩ quy
Nhất song bạch hồ điệp
Phách phách sấn hoa phi
Buổi sớm mùa xuân
Ngủ dậy ngỏ song mây,
Xuân về vẫn chửa hay,
Song song đôi bướm trắng,
Phất phới sấn hoa bay.
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)[111]


Thiên Trường vãn vọng
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên
Mục đồng địch lí ngưu quy tận
Bạch lộ song song phi hạ điền
Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra
Trước xóm sau thôn tựa khói hồng
Bóng chiều man mác có dường không
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng
(Ngô Tất Tố dịch)
 Wikipedia Trần Nhân Tông.

Bài được trích từ trang web trên net.

Trần Nhân Tông với cảm hứng mùa xuân

1. Trong lịch sử của dân tộc ta có nhiều nhân vật được người đời tôn vinh với nhiều danh vị khác nhau mà những vinh danh đó đều rất xứng đáng cả dù chúng chưa thể hiện hết và đủ tầm vóc những gì mà người đó đã cống hiến cho đời. Trần Nhân Tông chính là một trong những danh nhân đó.
Ông tên thật laø Trần Khâm, con trưởng của vua Trần Thánh Tông, sinh năm 1258 và mất năm 1308, lên ngôi trị vì năm Kỷ Mão 1279 và nhường ngôi làm Thái Thượng hoàng vào năm 1293, là vị vua thứ ba của triều nhà Trần. Ông là một vị minh quân, một vị anh hùng dân tộc bởi dưới triều đại do ông trị vì, nhà vua luôn chăm lo cho muôn dân, nhân dân được sống trong cảnh ấm no, hạnh phúc của một đời sống phong phú và thoải mái dễ chịu, rộng mở và dân chủ. Ông còn là người đã hai lần trực tiếp lãnh đạo toàn quân, toàn dân đánh tan tác đế quốc Nguyên Mông hùng hậu và hung hãn vào các năm 1285 và 1288. Những chiến thắng oai hùng đó không chỉ nâng vị thế của Đại Việt lên tầm cao mới trong khu vực mà còn góp phần giải phóng các nước Đông Nam Á thoát khỏi ách xâm lược của đế quốc Nguyên Mông vào cuối thế kỷ XIII. Ông còn là một nhà tư tưởng, một vị giáo chủ, một đức Phật sống của đời Trần. Cũng như ông Nội của mình, trước đây khi còn ở ngôi, Nhân Tông vừa trị nước an dân, vừa tu Thiền thì sau khi nhường ngôi, ông càng có nhiều điều kiện để chuyên tâm nghiên cứu Phật điển, tu tập Thiền định và giáo hoá muôn dân, xoá bỏ các dâm từ mê tín dị đoan. Đến năm 1298, nhà vua - Thiền sư mới chính thức khoát áo cà sa đi hoá độ khắp nơi, có lần sang tận kinh đô Chiêm Thành vừa để bang giao vừa thuyết pháp giảng đạo. Sau đó về núi Yên Tử thành lập Thiền phái Trúc Lâm, một Phật giáo nhất tông của Đại Việt, lấy hiệu là Hương Vân Đại đầu đà (Trúc Lâm Đại đầu đà), được tôn là Sơ Tổ (Đệ nhất Tổ) của Thiền phái và được người đời tôn vinh là Điều ngự Giác hoàng, là đức Biến Chiếu Tôn Phật. Ông lại còn là một nhà văn hoá, một nhà văn nhà thơ lớn đời Trần. Thư tịch cổ như các sách Thánh đăng ngữ lục, Toàn Việt thi lục (Lê Quý Đôn), Đại Việt thông sử (Lê Quý Đôn), Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú) chép rằng Trần Nhân Tông đã để lại cho kho tàng văn hoá – tư tưởng, văn học dân tộc khá nhiều tác phẩm với nhiều thể loại mà chúng được viết bằng hai ngôn ngữ chữ Hán và chữ Nôm tiếng Việt như: Tăng già toái sự, Thạch thất mỵ ngữ, Đại Hương Hải ấn thi tập, Trần Nhân Tông thi tập. Ông còn ban chiếu sai các văn thần biên soạn bộ Trung hưng thực lục. Rất tiếc là những tác phẩm kể trên đã mất gần hết, chỉ còn lại 31 bài thơ, hai cặp câu thơ lẻ, một bài minh, một bài tán; đặc biệt một bài phú và một bài ca bằng chữ Nôm: Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca (hai tác phẩm Nôm này có in lại trong sách Thiền tông bản hạnh) mà xưa nay các học giả, các nhà nghiên cứu đều khẳng định đây là một vốn quý của dân tộc, là hai trong vài tác phẩm chữ Nôm xưa nhất hiện còn, chúng vừa có giá trị ngôn ngữ, giá trị văn chương lại vừa có giá trị tư tưởng Thiền học với chủ trương tuỳ tục, tuỳ duyên, ở cõi trần mà vẫn vui với đạo. Một điều khá thú vị mà chúng tôi muốn lưu ý ở đây là trong 31 bài thơ hiện còn được Lê Quý Đôn, nhà bác học của nửa cuối thế kỷ XVIII có chép lại trong bộ hợp tuyển Toàn Việt thi lục thì có đến 15 bài thơ trực tiếp hoặc gián tiếp thể hiện cảm hứng về mùa xuân. Tất cả được tác giả viết bằng chữ Hán, với thể thơ Đường luật tứ tuyệt hoặc bát cú mang phong cách trang nhã, tinh tế và tài hoa, được chuyển tải bởi một ngôn ngữ hàm súc và diễm lệ. Nhân mùa xuân vận hội mới của đất nước, xin mời quý độc giả hãy đọc lại những vần thơ xuân cách đây trên bảy trăm năm của nhà vua - Thiền sư - vị Phật Tổ đời Trần.
2. Trần Nhân Tông có nhiều bài thơ đạt đến trình độ kiệt tác, mà Thiên Trường vãn vọng (Buổi chiều ở Thiên Trường nhìn ra xa); Nguyệt (Trăng) là những ví dụ tiêu biểu. Bài thơ Thiên Trường vãn vọng với bút pháp vừa thực vừa hư, vừa tĩnh vừa động đã giúp cho người đọc vừa hiểu được cái cụ thể, lại vừa cảm nhận sâu xa hơn cái cụ thể. Trong khung cảnh trời chiều nơi hành cung Thiên Trường, nhà vua - thiền sư nhìn ra xa thấy cảnh quê hương với đồng ruộng, xóm thôn yên ả thanh bình. Trên con đường làng, chú mục đồng ngồi vắt vẻo trên lưng trâu đang thổi sáo dẫn trâu về chuồng; dưới cánh đồng, có đôi cò trắng bay song song đáp xuống. Tác giả tự hỏi những thôn xóm trong màn sương mờ ảo kia là có hay không? Cuối cùng là cái không lời tan biến vào cõi hư không tịch mịch trong buổi chiều tàn. Bài thơ đạt đến mức “thi trung hữu hoạ” được viết dưới ánh sáng của Mỹ học Thiền tông, bởi trạng thái chập chờn giữa thực; giữa tĩnh với động; giữa hữu vô. Còn bài thơ Nguyệt như thi đề cho biết sẽ tả cảnh trăng, nhưng ba câu đầu không nói về trăng, mà là cảnh đêm tịch tĩnh. Chỉ có giọt sương rơi khẽ khàng trước sân cùng âm thanh của tiếng chày đập vải vang lên từ nơi nào, như là tiếng đồng vọng, âm hưởng trong đêm. Đây là cảnh thực. Đến câu cuối cảnh trăng mới xuất hiện, vừa thực lại vừa hư, tạo nên vẻ đẹp bừng sáng lung linh bởi ánh trăng hội tụ trên chùm hoa mộc tê vừa hé nở: Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ (Trên chùm hoa mộc nguyệt lồng gương). Nhưng rất tiếc, đây không phải là những thi phẩm viết về mùa xuân. Mười lăm bài thơ trang nhã, diễm lệ trực tiếp tả cảnh mùa xuân bộc lộ tình xuân như Xuân nhật yết Chiêu Lăng; Xuân hiểu; Xuân cảnh; Xuân vãn; Mai; Tảo mai; Quỹ Trương Hiển Khanh xuân bính; Nhị nguyệt thập nhất dạ; hoặc gián tiếp vì có nhắc đến ý xuân, cảnh xuân, cảm xuân dù chỉ là bất chợt thoáng qua như Khuê oán; Đăng Bảo Đài sơn; Động Thiên hồ thượng; Thiên Trường phủ; Sơn phòng mạn hứng; Đề Cổ Châu hương thôn tự; Tống Bắc sứ Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai. (Để không phải chú thích dưới các trích dẫn, tất cả những thi phẩm nguyên tác và bản dịch được trích trong bài viết này, chúng tôi rút từ Thơ văn Lý - Trần, tập 2, quyển thượng, do Nguyễn Huệ Chi chủ biên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1989 từ trang 451 đến trang 472).
Trước hết, xin điểm qua những ý xuân, cảm xuân bất chợt trong thơ Trần Nhân Tông. Bài Khuê oán (Niềm oán hận của khuê phụ) là lời tâm sự của thiếu phụ trong phòng khuê nuối tiếc bâng quơ về thời gian sau khi thức giấc:
Thuỵ khởi câu liêm khán truỵ hồng, (Tỉnh giấc, rèm nâng, ngó rụng hồng,
Hoàng ly bất ngữ oán Đông phong. Hoàng oanh im tiếng giận Đông phong.
Vô đoan lạc nhật tây lâu ngoại,        Lầu Tây vô cớ, vầng dương lặn,
Hoa ảnh chi đầu tận hướng Đông.   Cả bóng hoa cành ngả hướng Đông.)
Sau một giấc dài, thiếu phụ thức dậy, cuốn rèm mở cửa ngắm nhìn những cánh hồng rụng rơi; trong khi chim hoàng oanh im bặt tiếng vì oán hận mùa xuân đã qua, gió xuân không tới nữa. Chim hoàng oanh là biểu tượng của mùa xuân; Đông phong là gió thổi từ phương Đông, theo Dịch học thì trong Ngũ hành, phương Đông thuộc Mộc, mà Mộc chỉ mùa xuân, nên Đông phong là gió xuân. Không có tiếng chim, chẳng có gió xuân, có lẽ lúc này tiết trời đã cuối xuân hoặc mới sang hè. Tuổi trẻ bao giờ cũng gắn với mùa xuân, nên nàng mới nuối tiếc thời gian chóng qua, đời người chóng già. Một cảm thức đầy tính triết lý của tác giả về thời gian, nêu lên quy luật khắc nghiệt của tuần hoàn, qua mấy vần thơ hàm súc, ý tại ngôn ngoại.
Không hiểu sao trong nhiều bài thơ, Trần Nhân Tông hay nhắc đến gió xuân (Tống Bắc sứ Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai; Khuê oán; Mai; Tảo mai) hoặc cảnh xuân muộn, xuân tàn (Xuân vãn; Sơn phòng mạn hứng; Nhị nguyệt thập nhất dạ…), có lẽ là bắt nguồn từ cảm thức về thời gian như trên. Nhìn cảnh hoa rụng, mưa tạnh, thấy núi non tịch mịch, lại nghe một tiếng chim kêu nơi biên cương, nhà thơ - thiền sư mới biết mùa xuân đã qua: Hoa tận, vũ tình, sơn tịch tịch; Nhất thanh đề điểu, hựu xuân tàn -  Sơn phòng mạn hứng, bài 2 (Hoa tàn, mưa tạnh, non im lắng; Xuân cỗi còn dư một tiếng chim). Cảnh xuân tàn ở đây có thể là hình ảnh biểu trưng cho tuổi già, cho con người đã sang bên kia dốc của cuộc đời? Có lần, tác giả lên chơi núi Bảo Đài, thấy cảnh núi mây như xa như gần; ngõ hoa nửa rợp nửa nắng, nhà thơ cảm thức về thời gian cứ tuần hoàn trôi nên không cất lời mà chỉ tựa lan can thổi sáo dưới ánh trăng sáng chan hoà trước ngực (Đăng Bảo Đài sơn). Cuối cùng là cái vô ngôn. Bài thơ mang cảm thức Thiền, và có lẽ lúc này nhà vua - thiền sư đang tu trên Yên Tử, bởi Bảo Đài là một ngọn núi thuộc dãy Yên Tử ở Đông Triều, Quảng Ninh.
3. Tiếp theo là những vần thơ trực tiếp tả cảnh mùa xuân bộc lộ tình xuân. Ngày xuân, nhà vua về quê hương Thiên Trường viếng lăng mộ ông Nội là Trần Thái Tông, lại nghĩ đến một thời hào hùng oanh liệt với chiến tích chống Nguyên Mông lần thứ nhất của dân tộc, làm nên hào khí Đông A bất diệt (1258), vì thế mà người lính già đầu bạc tham gia kháng chiến ngày nào giờ đang coi giữ lăng mộ vẫn mãi mãi kể chuyện về đời Nguyên Phong với niềm tự hào lớn (Nguyên Phong là niên hiệu lần thứ ba (từ 1251 đến 1258) của Trần Thái Tông (lên ngôi 1225 – nhường ngôi 1258) khi còn trị vì): Bạch đầu quân sĩ tại; Vãng vãng thuyết Nguyên Phong. (Lính bạc đầu còn đó; Chuyện Nguyên Phong kể hoài – Bài Xuân nhật yết Chiêu Lăng). Hay như ngày cuối xuân trong tiết hàn thực mùng ba tháng ba, sau khi thưởng thức các điệu múa cùng với sứ giả phương Bắc, nhà vua tặng bánh trôi, bánh chay, bánh rau cho sứ giả và bảo rằng đây là phong tục riêng của nước Nam. Lời thơ nói ít mà ý nhiều, thể hiện bản lĩnh vị hoàng đế nước Nam cùng bộc lộ niềm tự hào về văn hoá, văn hiến phương Nam trước sứ thần phương Bắc (Quỹ Trương Hiển Khanh xuân bính - Tặng bánh ngày xuân cho Trương Hiển Khanh). Hai bài thơ Mai Tảo mai ngợi ca vẻ đẹp thanh cao, cốt cách chịu đựng sương tuyết của loài hoa đứng đầu trăm hoa, để trước gió xuân khoe sắc vàng rực rỡ, sắc trắng tinh khôi và toả hương làm cho lòng người ngây ngất. Có khi tả hoa mai nở sớm trong buổi đông tàn, để khi xuân sang chỉ còn loáng thoáng vài cánh thơm nhẹ mà nhà thơ lại nghĩ đến chị Hằng. Ý thơ thật lạ, giàu liên tưởng và sáng tạo: Hằng (Thường) Nga nhược thức hoa giai xứ; Quế lãnh, Thiềm hàn chỉ má hưu. (Hằng Nga như biết đây hoa đẹp; Quế lạnh, cung Thiềm há muốn ưa? - Tảo mai, bài 2). Vì thế mà Hồ Nguyên Trừng trong tác phẩm Nam ông mộng lục viết vào đầu thế kỷ XV, tại câu chuyện thứ 19 có nhan đề Thi ý thanh tân đã hạ bút khen rằng: “Kỳ thanh tân hùng kiện quýnh xuất nhân biểu. Thiên thặng chi quân thú hứng như thử, thuỳ vị nhân cùng thi nãi công hồ?” (Cái thanh tân hùng tráng vượt quá người thường. Thi hứng của vị vua một nước có nghìn cỗ xe như vậy, ai dám bảo người ta khi khốn cùng thì mới có thơ hay?).
Tôi xin giới thiệu ở đây ba bài thơ đặc sắc về mùa xuân: Xuân hiểu; Xuân cảnh Xuân vãn.
Xuân hiểu là một bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt xinh xắn, trong trẻo, hồn nhiên, thuần tuý tả cảnh buổi sớm mùa xuân thật thơ mộng. Bài thơ có lẽ được viết khi Trần Nhân Tông còn trẻ, rất trẻ, đang yêu đời, lòng tràn trề lạc quan nên ý tứ trong bài dạt dào sức xuân, đầy tình yêu cuộc sống thông qua hình ảnh đôi bướm trắng tung tăng bay tới cành hoa mơn mởn toả nhuỵ thơm hương:
           Xuân hiểu (Buổi sớm mùa xuân)
Thuỵ khởi khải song phi,         (Ngủ dậy, ngỏ song mây,
Bất tri xuân dĩ quy.                   Xuân về, vẫn chửa hay.
Nhất song bạch hồ điệp,           Song song đôi bướm trắng,
Phách phách sấn hoa phi.         Phấp phới sấn hoa bay.)
Còn bài Xuân cảnh có lẽ được viết khi Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con là Trần Thuyên - Trần Anh Tông (1293 – 1314) để lên núi Yên Tử tu Thiền và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt tả cảnh mùa xuân nơi am thanh chiền vắng, có hoa dương liễu trổ dày, có tiếng chim kêu nhẩn nha chậm rãi; trên bầu trời thì có áng mây chiều đang lướt bay nhẹ nhàng. Trong cảnh tịch tĩnh yên ắng ấy, có vị khách đến thăm, chẳng hỏi chuyện nhân gian, thế sự, cũng không tham vấn về Thiền mà chỉ đứng tựa lan can bên thềm hoa cùng với Thiền sư nhìn ngắm màu xanh nhạt nhoà mờ mịt ở nơi chân trời xa. Cảnh hiện thực trong buổi tà dương đến đây đã biến thành tâm cảnh. Chủ và khách cùng im lặng. Cảnh vật và lòng người như hoà làm một. Chủ cũng thế mà khách cũng thế. Cái vô ngôn ở cuối bài thơ như thể hiện ý vị Thiền đạo, đạt đến chỗ giải thoát: 
Xuân cảnh (Cảnh mùa xuân)
Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,     (Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dày,
Hoạ đường thiềm ảnh, mộ vân phi.   Thềm hoa chiều rợp, bóng  mây bay.
Khách lai bất vấn nhân gian sự,       Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,
Cộng ỷ lan can khán thuý vi.        Cùng tựa lan can ngắm núi mây.)
Và bài thơ Xuân vãn có lẽ cũng được viết khi Trần Nhân Tông đã là vị giáo chủ Thiền phái Trúc Lâm. Lúc này tuổi đã cao, công phu Thiền định đạt chỗ liễu ngộ giải thoát, rõ lẽ “sắc” và “không” của kinh văn Bát nhã nên thiền sư nhìn cuộc đời như như tự tại, thản nhiên. Thiền sư có dịp hồi tưởng một thời tuổi trẻ của mình, lúc ấy mỗi khi xuân về thì lòng rộn ràng gởi ở trăm hoa. Còn bây giờ đã hiểu được, ngộ ra, tức khám phá được bộ mặt của chúa xuân (Đông hoàng diện), tức cũng có thể là thấy rõ chân như, tự tính, bản tâm thanh tịnh, bản lai diện mục nên dù đang ngồi Thiền, ngắm cảnh hoa rụng mà lòng vẫn nhất như, không xao động. Cái tâm thanh tịnh tuyệt đối. Đến đây Tâm và Pháp nhất như, hoà làm một, không phân biệt nội giới với ngoại cảnh. Bài thơ thể hiện tư tưởng Thiền học uyên áo, uyên nguyên, uẩn súc, chỉ có thể cảm nhận bằng trực cảm tâm linh chứ không thể luận bình:
Xuân vãn (Xuân muộn)
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,       (Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không,
Nhất xuân tâm tại bách hoa trung.        Xuân sang, hoa nở, rộn tơ lòng.
Như kim khám phá Đông hoàng diện,   Chúa xuân nay đã thành quen mặt,
Thiền bản bồ đoàn khán truỵ hồng.       Nệm cỏ ngồi Thiền ngó rụng hồng.)
4. Thơ là tiếng lòng, là tiếng nói cảm xúc của thi nhân trước hiện thực. Phan Phu Tiên trong lời tựa Việt âm thi tập (1433) có viết: “Tâm hữu sở chi, tất hình ư ngôn. Cố thi dĩ ngôn chí dã.” (Trong lòng có điều gì, tất thể hiện ra lời nói. Cho nên, thơ là để nói cái chí vậy). Chí ở đây cũng là tâm, là cảm xúc, là tấm lòng. Cảm hứng mùa xuân trong thơ của nhà vua - thi nhân - Thiền sư - vị Phật Tổ Trần Nhân Tông là như thế. Do khuôn khổ của một bài báo, tôi không thể viết dài và có thể chưa nói được, nói hết cái hay, cái sâu sắc trong thơ mùa xuân của vị thi nhân - thiền sư này. Nhưng thiết nghĩ, đây cũng là cách góp vui cho quý vị lúc nhàn rỗi trong buổi xuân về tết đến.
                                     Gò Vấp, gần Tết Mậu Tý (10 – 01 – 2008)
(Hội nghị Thông báo Hán Nôm học năm 2007, Viện Nghiên cứu Hán Nôm,
 Hà Nội - tháng 01 năm 2008)