Translate

Libellés

vendredi 28 septembre 2018

Cabramatta, những ngày hạ xanh, bài viết của tác giả Phạm Nga.

tt

Con người ai cũng có cội nguồn và dù xa cách mấy thì ở nơi chân trời góc biển nào đó lòng người cũng hướng về kỷ niệm của nơi mình đã sinh và sống.

Ở  ngọai quốc thường có những công viên nằm trong thành phố để lọc bớt không khí ô nhiễm vì vậy có lẽ nước Úc cũng không ngoại lệ.

Mời quý anh chị theo chân anh Phạm Nga đến thăm đất nước mà anh ̣ã từng đi du lịch để biết thêm về không gian nơi đó.

Cám ơn anh Phạm Nga đã gửi bài và hình ảnh để trang trí trnag Blog này.

Caroline Thanh Hương





Cabramatta, những ngày hạ xanh
                            Đi trên đường John, cứ ngỡ Sài Gòn một dạo;
                                                Ngồi Cà phê 86, cứ ngỡ tưởng Brodard.
*Nguyễn Ngọc Thành

Đến Úc vào cuối tháng 11, tôi về ngụ ở một căn nhà xinh xắn nằm trên một ngọn đồi nhỏ, có vẻ như là một điểm trong những cao nhất khu vực Cabramatta West, thuộc Fairfield City, một thành phố địa phương nằm ở phía Tây của thủ phủ Sydney. Đang mùa hạ nên ngày ở Úc rất dài, khoảng 6 giờ đã sáng bửng và đến 8 giờ đêm mới tắt hẳn ánh mặt trời.
Thời tiết ở đất Úc phải nói là lạ lùng. Giữa mùa hạ, giữa những chuỗi 3 – 4 ngày thật nóng đột ngột có một ngày lạnh, bất kể hôm đó không mưa hay có mưa. Hoặc sáng ra, mới sớm mai chỉ thấy nắng, nóng nhưng đến trưa lại đổi qua lạnh, lạnh luôn đến chiều tối. Có ngày, đã biết trước là 37-38 độ C nhưng sáng sớm, mở cửa bước ra đường thì phải có áo ấm, khăn choàng cổ vì lạnh đến 16 -17 độ C. Nghe tôi nêu nhận xét về những biến chuyển thời tiết tương phản như trên, nhà thơ Ngọc Thành – anh sui chủ nhà – đã nhún vai: “Ờ, ông trời ở đây chướng, kỳ vậy đó, nên dân ở đây mới kêu luôn là Úc Khùng!”.

Do thời tiết kiểu “Nắng Sydney, anh đi mà chợt… rét!” – xin lỗi, nhái thơ Nguyên Sa chút thôi – nên chỉ ở Úc đôi ba ngày tôi đã rành việc theo dõi bản tin thời tiết trên tivi, một việc mà hiếm khi tôi làm ở Sài Gòn. Vâng, ở Sydney, khi đã nắm được thông tin dự báo nắng mưa, nóng lạnh, tôi có thể dạn miệng, thoải mái cùng mọi người trong nhà bàn tính cho ngày mai, ngày kia, tuần tới… sẽ đi đâu, là đi chơi xa hay chỉ là đi shop gần nhà, sao cho thuận với “thiên thời” và “địa lợi”, như thế mới có thể chuẩn bị cho chu đáo mọi thứ, từ nón rộng vành, áo lạnh, giày vớ cho đến dù ô, áo mưa, khăn choàng cổ …
Ngày dài/đêm ngắn vào mùa hạ tại Úc phải nói là quá hớp nếu đem so “Tháng 5, chưa nằm đã sáng” – hiện tượng ngày dài/đêm ngắn vào mùa mưa ở Việt Nam như một câu tục ngữ mô tả. Nếu so sánh trong cùng một chặng tháng 10, tháng 11 trong năm, ở Việt Nam có “Tháng 10 chưa cười đã sáng”, tức hiện tượng ngày ngắn/đêm dài vào mùa khô của ta, thì tháng 11 tại Úc có lẽ là “Cười mỏi miệng chưa thấy tối”, ngược ngạo hoàn toàn!
Cứ sáng sáng, giấc 6 giờ là tôi cùng anh sui - nhà thơ Ngọc Thành lặng lẽ mở cổng ra đường trong khi cả nhà còn ngủ. Không rõ  những khu vực khác của Fairfield ra sao, riêng ở vùng Cabramatta West này thì khách đi hướng nào cũng gặp công viên. Công viên cái lớn cái nhỏ lai rai xuất hiện ở đầu đường, cuối phố. Có khi khách ra khỏi một công viên ở phần đường bên này, vừa sang bên kia đã thấy lấp ló cái khung cổng dẫn vào một công viên khác. Cùng là công viên nhưng cái có tên, cái không tên, cái từ xa đã thấy chan hòa màu sắc xanh, đỏ rực rỡ vì được đặt thêm những xích đu, cầu tuột cho con nít chơi; ngược lại là vài cái khá hiu quạnh như bị bỏ bê, cây lá rậm rạp um tùm, và đến một dãy bờ rào cho phân biệt cũng chẳng có. Rồi có loại công viên lớn bao la nhưng thực chất là một sân đá banh cùng nhiều bãi đánh bi sắt và chỉ có một lối đi  bao quanh sân banh là có vẻ dành cho người đi bộ. Hay ở công viên Cabra-Vale Memorial Park với đài tưởng niệm tử sĩ uy nghiêm, đường bệ - nằm ở góc đường xe lửa Pde với Bartley St., thì ở đây dù cũng có đầy đủ bồn bông, thảm cỏ, lối đi bộ, băng đá…, nhưng hình như khu tưởng niệm mới là chủ đề chính để chính quyền Fairfield xây dựng công viên này từ năm 1919 và lần hồi làm thêm các công trình khác.
Tôi kể lể dài dòng về các công viên này nọ trong một khu phố không lớn lắm như trên có lẽ do quá thích thú, luôn có cảm giác rất dễ chịu, êm ả mỗi lúc bước ra đường thả bộ. Phần vỉa hè của con đường nào cũng vậy, thường rộng rãi và luôn có lối đi đổ bê-tông cỡ 1 mét ngang dành cho người đi bộ, cũng như tràn ngập những vạt cỏ và hoa dại viền hai bên lối đi cùng ô đất trồng cây lấy bóng mát. Nhà dân Úc vùng ngoại ô hầu hết làm theo theo kiểu một trệt, một lầu và gỗ được sử dụng nhiều. Nhờ vậy, trước mắt khách đi đường, không gian sống thong dong dàn trải theo chiều ngang, mềm mại theo màu xanh cây lá và chất liệu gỗ, chứ không như khung cảnh đường phố bên Sài Gòn, Việt Nam thường hiếm hoi màu xanh cây lá, cứng nhắt và bó rọ với toàn vách tường, cột xi măng và hễ có cơ hội thì chỉ phát triển theo chiều cao, cất  được nhiều tầng càng tốt do đã bị khóa cứng chiều ngang theo kiểu nhà liên kế, phố nhà ống.
Nhắc đến kiểu nhà ống chung vách, san sát nhau ở Sài Gòn mới nhớ là ở xứ Chuột Túi, nhà nào cũng có sân trước, sân bên khá rộng, nghĩa là từ trong nhà, nhìn ra cửa bốn phía đều thấy các mảng xanh của bầu trời, của cây lá vây quanh nhà. Do mặt bằng thong thả, hầu hết chủ nhà chỉ cất nhà một phần của lô đất, còn lại là sân cỏ có cây xanh, bóng mát hay để  thực sự là những mảnh vườn nho nhỏ để gia chủ trồng hoa, trồng rau cải, cây ăn trái theo ý thích riêng. Vườn nhà mình tiếp giáp vườn hàng xóm, cây xanh tiếp nối cây xanh. Và như đã nói, từ nhà bước ra đường là công viên - lai rai công viên tiếp nối nhau, để thế giới xanh lại chan hòa ở khắp các hướng đi, tạo nên một cảnh quan thoáng đãng kéo dài đến chân trời xa xa… Cũng thật êm ả, khỏe đầu óc khi xe cộ ở đây, dù là phương tiện di chuyển của 99.9% cư dân, từ ông giám đốc cho tới bà nội trợ, nhưng vào sáng sớm thì khá thưa thớt. Phải nói thêm rằng đúng là “xứ văn minh” khi người lái xe ở Úc không có thói bóp còi inh ỏi vô lối như ở xứ mình. Đa số các xe, lại khác Sài Gòn là thường phóng nhanh tới 60-70 km/giờ nhưng tài xế luôn luôn giữ luật rất nghiêm túc, chặt chẽ, cũng như đường xá tốt nên tai nạn rất ít xảy ra.

2.
Tôi cho rằng, ở đất nước này, một khi đã được miễn trừ tiếng ồn tàn khốc của xe cộ rồi thì âm thanh rộn ràng nhất có thể nghe được ngoài đường phố chính là tiếng chim chóc.  Chim chóc trên đường phố có nhiều giống loài, phổ biến là quạ, sáo, kéc, cu đất, bồ cầu rừng…, ít hơn là chim sâu, cò quắm, cò trắng, chích chòe, vịt nước... Chim tụ tập nhiều nhất là trong các công viên toàn cây xanh, thảm cỏ. Chim líu lo, ríu rít hót, kêu với đủ loại chất giọng, âm vực khi bay, nhảy, kiếm ăn trên bãi cỏ, cành cây. Thường ồn ào, chộn rộn nhất là lủ quạ và kéc.
Tôi đã thầm mến phục thái độ sống gần gũi với chim chóc của người dân Úc. Hay ít ra với một mớ luật lệ được họ đặt ra nhằm bảo vệ chim chóc nói riêng và thú hoang dã nói chung, người Úc chấp nhận cho chim chóc sống kề cận mình, dù ở nơi đồng quê hay thành phố cũng thế. Trừ trường hợp đặc biệt như có bệnh dại, bệnh truyền nhiễm phát tác trong thú hoang dã, còn bình thường không ai được phép tấn công, giết hại chim chóc. Do vậy, chừng như chim chóc rất an tâm, không sợ bị bắt, bị giết, bị làm thịt nên chúng cứ ung dung lẩn quẩn bên cạnh con người. Và khi gần gũi với chim, một giống loài hoang dã rất đông đảo trên trái đất, người dân ở Úc – nhất là thị dân - sống gần với thiên nhiên hơn - ít ra là gần thiên nhiên hơn hẳn người Việt trong nước, đa số vốn có tập tục lạnh lùng là thấy chú chim ngây ngô nào đó xớ rớ đến gần thì lập tức tìm cách chụp, bẫy để cho nó …lên dĩa.
Tất nhiên, ở đây nói người dân Úc “sống gần thiên nhiên” hoàn toàn không có nghĩa dân xứ Chuột Túi còn man dã, luôn sống gần chim rừng, thú hoang và sinh hoạt  chỉ ở “trình độ” săn bắt chim, thú hay hái lượm trái rừng để nuôi miệng. Trái lại, được xếp vào hàng quốc gia phát triển trên thế giới, nước Úc cứ văn minh tiến bộ, nhưng người Úc cứ chọn một lối sống gần gũi thiên nhiên, gần gũi chim, thú hoang dã. Thậm chí, có người ở đây còn đi shop lựa mua thức ăn sản xuất riêng cho các loại chim, đem về cho vào hộp treo ngoài vườn cho chim choc từ muôn phương có thể tha hồ sà xuống ăn và xem cảnh bầy chim tranh ăn là một thú vui nhẹ nhàng của họ.
(còn tiếp)
PHẠM NGA