tt
Cuối tuần có rất nhiều bài để đọc, nhiều nghe và để chia sẻ.
Thơ nhắc kỷ niệm, nhắc trăn trở hoài mong.
Truyện như lời chia sẻ từng trang, từng trang sách, từng dòng chữ, được giải bày tâm tư hay nhắc nhở cái chuyện mà tác giả nghỉ ra và muốn đưa đến đọc giả của mình tâm sự riêng.
Xã hội luôn là một nơi mà người ta còn sống là còn tranh đấu cho miếng cơm, manh áo và cho đời đẹp hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Cám ơn bác Lan đã chia sẻ 2 mẩu chuyện, mời quý anh chị đã đọc rồi thì đọc lại hay chưa đọc qua thì đọc một lần cho biết.
Trang tiếp theo sẽ gửi đến quý anh chị những bài thơ của groupe Cát Bụi Hương Xuan 2016.
Caroline Thanh Hương
Quá đỗi vô tình!
Huy Phuong.
Tuần rồi tôi có dịp đi thăm hai người, một người bạn đang nằm trong quan tài tại nhà quàn, và một bà cô đang nằm trong nhà dưỡng lão. Người bạn không biết tôi là ai đã đành, vì người ấy đã chết, nhưng bà cô còn sống cũng không biết tôi là ai vì bà đã mất trí nhớ! Người bạn này ngày hôm trước còn vui vẻ chuyện trò với bạn bè, nhưng sáng hôm sau, người nhà không thấy thức dậy, vào phòng thì thấy ông đã chết. Bà cô, một đời giàu có lẫy lừng, giờ cũng trắng tay, vào chỗ nghỉ cuối cùng cũng đã hơn năm.
Cả hai người không ai thấy khổ, một người đã qua bên kia thế giới, chỉ còn lại xác thân rồi cũng tan rữa trong lòng đất hay thành tro bụi rải xuống lòng biển, người còn lại phần trí nhớ đã là một khoảng không gian mờ mịt, chỉ sống theo bản năng, hít thở hay biết đói, đau, đâu còn nhìn ra mặt người quen nữa.
Trong khoảng thời gian gần đây, tôi thấy bạn bè, hay người quen biết bỏ thế giới nay ra đi khá nhiều, và nhiều lúc ra đi quá đột ngột. Những điều chúng ta thường nghĩ là không ngờ, nhưng lại xảy ra, nhiều lúc có cái cảm giác là chuyện phi lý, nhưng thật ra là chuyện rất thường vẫn xảy ra trong cuộc đời thường.
Mấy tuần trước, trong bữa ăn sáng với một người bạn cùng đơn vị cũ, bỗng dưng tôi chợt nhớ đến một anh bạn làm chung phòng, hơn 15 năm nay, sau khi bị stroke, chỉ quanh quẩn trong nhà. Tôi đề nghị với bạn, ăn sáng xong sẽ ghé qua thăm, kẻo lâu ngày quá không gặp bạn cũ. Bạn tôi chần chừ: – “Hay để bữa khác đi anh. Hôm nay tôi phải chạy về nhà có chút việc.”
Tuần sau, điện thoại reo, tôi mở máy, bạn tôi cho biết: – “Sơn chết rồi anh!” Tôi la lên: -“Đã nói mà, phải chi hôm nọ đi thăm thì đâu phải hối hận như bây giờ!” Bạn tôi còn vớt vát: -“Hôm đó đi thăm thì Sơn cũng đã vào bệnh viện rồi! Bây giờ thì đã quá trễ, tang lễ mới cử hành cách đây ba hôm. Theo sở nguyện của người chết, gia đình không đăng cáo phó!” Bạn tôi biết tin vì vừa đọc được tên Sơn trên trang phân ưu.
Tôi bắt đầu nổi cáu: “Thì ít ra vào bệnh viện, cũng gặp nó một lần trước khi nó chết!”
Tôi đăng một mẩu chia buồn ngắn ngủi trên một tờ nhật báo, mở đầu bằng câu: “Quá đỗi vô tình, được tin trễ….” Nhưng người chết đâu có xem được trang báo và biết cho nỗi hối tiếc của chúng tôi.
Nói ra thì buồn trong khi nhiều người đang vui! Mới nghe tin trễ, vợ một người bạn qua đời đã hai tháng nay, bà trối trăng, ngoài gia đình, đừng tin cho ai biết. Gọi một số bạn đi thăm thì lại nghe tin một người bạn tháng trước mới đưa vợ vào phòng cấp cứu, và nay đang ở trong nursing home. Thật cũng quá vô tình, trách cuộc sống bận rộn, hay trách mình ít khi nghĩ đến người khác, số phận thiệt thòi, bất hạnh hơn mình. Nghĩ đến việc gì, nên làm ngay, thời gian không đợi mình, và người bạn tôi cũng không còn thời gian để nằm chờ. Đã có thời gian nằm bệnh viện, rồi nơi phục hồi, tôi biết nỗi cô đơn của người bệnh là to lớn như thế nào.
Tôi được xem một cuốn phim Mỹ, trong đó một vị linh mục khuyên một người trai trẻ, nếu có cơ hội nên đi viếng thăm tang lễ của người quá cố, người bệnh trong nhà thương, người kém may mắn trong nhà tù. Đó là những việc lành. Và với tôi, xin thêm, những người già, kẻo không còn kịp nữa!
Hôm qua tôi vừa được điện thoại của một người bạn đã về hưu, nghĩa là cũng đã đến tuổi già, ở miền Đông nước Mỹ. Anh cho biết anh đang có một chương trình đi vòng quanh nước Mỹ và cả Canada để thăm những người bạn thân, bệnh tật và già yếu. Anh cho biết thêm, chỉ trong vòng nửa tháng, anh đã mất đi ba người bạn, lớn cũng như nhỏ tuổi, bệnh tật hay không, nên bây giờ có thời giờ nên thăm viếng, gặp gỡ nhau, kẻo“một mai bóng xế trăng lu, con ve kêu mùa hạ, biết mấy thu mới gặp chàng!”
Tôi biết ở Mỹ này, nhiều người vì sinh kế phải đi làm ở tiểu bang xa, không có thời gian trở về thăm cha mẹ. Vào những dịp Lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh và Tết Nguyên Đán, cha mẹ vẫn ngóng đợi con về. Con thì có bao nhiêu công việc bận rộn ở sở, cuối tuần phải cắt cỏ, dọn dẹp nhà xe, đưa con đi học đàn, học võ, mùa hè phải đi “vacation,” vắng nhà không có ai săn sóc con chó, con mèo hay bầy cá Koi trong hồ, ai cho ăn.
Đến khi nghe cha mẹ mất mới hối hả, mua vé máy bay về phục tang và khóc lóc. Để làm chi nữa!
Chuyện kể, một cụ già, góa vợ, sống cô đơn, buồn rầu sau khi nghe điện thoại của con gái và các cháu nói rằng sẽ không trở về thăm cha vào dịp Giáng Sinh năm nay. Người con khác cũng hứa hẹn sẽ cố gắng để về thăm cha vào năm tới, thế nhưng đã ba mùa Giáng Sinh trôi qua, người cha vẫn cô đơn mòn mỏi ngóng đợi những đứa con về.
Những người con sau đó đột ngột được thân nhân báo tin cha qua đời, lúc này, họ mới bàng hoàng nhận ra mình có một người cha trên đời nay, và hôm nay cha đã không còn nữa. Lòng tràn đầy hối hận và đau đớn, mắt rướm lệ, những đứa con vội vàng trở về nhà để tham dự tang lễ.
Bước vào nhà, họ ngạc nhiên khi thấy một bàn tiệc đã sắp sẵn. Người cha già bất ngờ bước ra, và câu nói đầu tiên của ông là: “Xin thứ lỗi cho cha. Cha chẳng còn cách nào khác để gọi các con trở về thăm cha.”
Bày ra bông hồng trắng, bông hồng đỏ mà chi? Nhiều lúc chúng ta quên chúng ta còn cha mẹ ở ngay trong nhà, trong thành phố, trong một tiểu bang xa, hay cả trong một nhà dưỡng lão. Xin hãy thăm viếng, trang trải tấm lòng, lo lắng, đừng để một mai kia rềnh rang nghi lễ “làm văn tế ruồi!”
Truyện
ngắn
Quảng Diệu Trần Bảo Toàn
Quảng Diệu Trần Bảo Toàn
.
Tôi muốn viết
từ lâu, kể chuyện một ông lão kỳ lạ, ông ta sống giữa đời như tất cả chúng ta,
song lại hành động rất khác!
Lần đầu tiên
tôi nghe về lão là mùa Giáng Sinh 1990. Chiều 24 tháng 12 năm ấy, tôi lên thăm
bạn ở thành phố Lausanne. Chúng tôi rủ nhau đi phố sắm sửa vài món quà cho bữa
tiệc thân hữu gặp nhau. Phố xá lạnh lẽo và vắng lặng lắm vì đa số mọi người đã
đều đi về đoàn tụ với gia đình. Trời lất phất đổ tuyết, gợi cho lữ khách, tùy
tâm trạng, mà cảm thấy lãng mạn hay cô đơn kinh khiếp. Với tôi, năm ấy thật buồn,
vì ba mẹ tôi đi Hoa Kỳ thăm bạn, còn tôi vì phải lo học thi cho học kỳ mùa
Đông, nên không đi theo được. Ở lại xứ cao nguyên sương mù, gió lạnh trong mùa
Giáng Sinh lê thê quả là một chuyện cô đơn khó chịu. May mà còn có bạn bè dễ
thương. Họ làm tiệc mời tôi và qua đó cũng ấm lòng người viễn xứ!
Khi ở phố về,
chúng tôi chọn đường tắt nên đi ngang qua một chiếc cầu rất dài, bắc lắt lẻo
trên ghềnh đá, đứng trên thành cầu nhìn xuống dưới người yếu bóng vía dễ bị xây
xẩm vì chiều sâu hun hút hiểm trở. Người bạn đi chung chợt giật tay tôi chỉ một
túp lều vải được dựng ngay bên cạnh đầu cầu. Tôi hơi ngạc nhiên, vì mùa này
không phải là mùa để người ta cắm trại nơi đây! Bạn tôi kể rằng từ 20 năm nay,
mỗi năm cứ đến mùa Giáng Sinh lại có ông già đến đây cắm trại. Tôi ngạc nhiên hỏi
lý do. Bạn tôi cho biết chiếc cầu này là nơi quyến rũ nhiều người cứ đến mùa
Giáng Sinh ra nhảy cầu tự tử. Vì mùa Giáng Sinh ở Thụy Sĩ buồn quá, những người
sống cô đơn thường bị cơn trầm cảm (Depression) hành hạ nên dễ tìm cái chết. 20
năm qua, người đàn ông đã cắm trại ở đầu cầu, nếu thấy ai một mình đứng trên cầu,
lập tức ông bước tới nói chuyện khuyên nhủ. Trong lều của ông thường có rượu
chát, chocolade và vài món quà nho nhỏ. Người có ý định tự tử thường được ông mời
vào lều cho uống rượu tâm tình, cho đến khi người đó bỏ ý định quyên sinh. Trước
khi rời khỏi lều, thể nào họ cũng được ông cho món quà có ý nghĩa, với số điện
thoại để sau đó cần người nói chuyện thì tìm ông. Ông làm việc âm thầm và không
nhờ bất cứ hội đoàn nào giúp sức. Nghe lời kể của bạn tôi, tôi xúc động lắm, thật
không ngờ giữa cuộc sống có quá nhiều bon chen, tranh giật lại có Tâm Bồ Tát hiện
hành. Tôi kéo bạn tôi đi về phía lều của ông lão và tỏ ý muốn nói chuyện. Ông
lão mở cửa lều, mời chúng tôi vào. Đó là một người đàn ông có dáng người khắc
khổ, tuổi khoảng trên dưới 70 tuổi, gương mặt đầy từ ái. Trong căn lều thiết
trí rất đơn giản, có tấm thảm trải cho ấm và một lò than nho nhỏ bên cạnh để sưởi,
nấu trà, cafê và thức ăn.
Ông lão hỏi
chúng tôi sao lại đứng trên cầu bàn luận lâu vậy, giữa thời tiết giá lạnh trong
buổi chiều Noël? Tôi kể ông nghe về cảm nhận của mình khi biết chuyện và vô
cùng tán thán hạnh nguyện của ông. Ông lão mỉm cười: „Thì sống trong đời, ta có
thể làm được việc gì tốt cho người khác thì phải cố gắng thôi!“ Ông cũng cho biết
thêm „có nhiều người oán trách tôi vì tôi bắt họ tiếp tục sống để chịu khổ!“
Chúng tôi nói chuyện với nhau khoảng 1 giờ đồng hồ về nhiều đề tài rất tương đắc,
ông lão rất thông thái, rất tế nhị và khi nói chuyện có sức thuyết phục rất
cao. Sau đó chúng tôi từ giã ông để trở về lo bữa tiệc buổi tối. Từ đó, thỉnh
thoảng tôi gọi điện thoại nói chuyện với ông. Tình bạn giữa chúng tôi nảy nở và
trở nên thân thiết. Ông tên Peter Dupont, tuổi đã 72 và sống một mình cô độc.
Tôi cũng ngạc nhiên không hiểu tại sao ông không có gia đình. Ông bảo: „Khi trước
tôi cũng có bà mẹ nữa, vì phụng dưỡng mẹ nên tôi chẳng lập gia đình, ngày tháng
qua đi, trở thành người già khi nào không biết.“ Ông làm việc tại ngân hàng X với
nhiệm vụ chuyển thư từ tài liệu từ văn phòng này tới văn phòng khác. Ông không
bao giờ nghỉ, trong suốt 40 năm làm việc tại đây. Khi mẹ ông qua đời trong đêm,
ông đến xin phép ban giám đốc cho ông được nghỉ nửa ngày. Ông giám đốc ngạc
nhiên thấy ông xin nghỉ, hỏi lý do mới biết đêm qua mẹ ông qua đời. Ông giám đốc
kêu trời và bắt ông nghỉ 1 tuần ở nhà lo mọi chuyện. Sau 3 ngày, ông gọi điện thoại
xin cho ông đi làm lại kẻo không ông cũng sẽ „chết“ như bà mẹ của ông mất, nếu
người ta còn bắt ông ở nhà!
Quả thật tôi
không thể hiểu được tại sao có người ham mê công việc đến thế, ông lão trả lời
những thắc mắc của tôi rằng: „Ta được sống trong xã hội đầy đủ thế này, ta nợ
biết bao nhiêu người, nếu không làm việc để trả lại những ân nghĩa ta vay, thời
ta nợ đến bao giờ mới trả nổi!?“ Tôi giật mình vì lý luận của ông rất gần với
tư tưởng Bồ Tát Đạo của Phật Giáo đại thừa, trong khi ông là Ki Tô Hữu.
Với thời gian,
chúng tôi khám phá ra ông Dupont cũng chính là khách hàng ở nhà bank nơi bạn
tôi làm việc, mặc dù cũng làm việc cho nhà bank, song nhà bank nơi ông làm việc
thuộc nhà ngành quản trị gia tài (asset management bank), trong khi ông chưa
giàu có để có trương mục tại ngân hàng đó.
Ông biết bạn
tôi và rất tin tưởng khi có chuyện gì có liên quan đến ngân hàng tiền bạc.
Thời gian trôi
đi, đã 14 năm kể từ ngày tôi quen ông Dupont. Hàng năm ông vẫn đến cắm trại bên
cầu, dù rằng tuổi ông đã quá cao và yếu nhiều. Rất nhiều người biết về ông, có
những bài phóng sự hay chương trình truyền hình nói về ông, song chưa bao giờ
những thứ ấy khiến ông để ý! Ông thường tỏ ra khó chịu khi người ta tới quay
phim, phỏng vấn ông.
Hôm qua, tôi
nhận được điện thoại của bạn tôi, tôi đã lặng người đi khi nghe tin ông đã vừa
giã biệt cõi đời! Cảm động nhất là trước ngày ông mất, ông nhờ người đẩy xe lăn
cho ông tới ngân hàng gặp bạn tôi (sau cơn bệnh cách đây 3 tháng, ông không đi
lại được nữa, mà phải ngồi xe lăn), ông mang tất cả các hoá đơn thuế nhà, thuế
đất, bill điện nước theo và yêu cầu bạn tôi thanh toán giúp ông. Ông bảo: „Ta
biết ta sắp ra đi, nay nhờ anh giúp trang trải hết những nợ nần còn sót lại
này, ta không muốn còn phải nợ nần gì khi giả biệt cõi trần.“ Ông không có nhiều
tiền trong trương mục, nhưng sau khi thanh toán còn lại một chút, bạn tôi hỏi
ông muốn làm gì, ông bảo làm gì cũng được, song ông có người cháu họ xa, hiện
cũng đã 70 tuổi, nếu số tiền còn lại đó sau khi ông qua đời, được chuyển cho
người cháu với lời nhắn nhủ là „Giáng Sinh năm nay, ráng thay ông, một năm cũng
được ra cầu Lausanne cắm trại cứu người, thì ông sẽ mỉm cười thanh thản ở bên
kia thế giới“
Chỉ vậy, hai
ngày sau đó ông ra đi thanh thản tại bệnh viện gần nhà.
Một vị Bồ Tát
bằng xương bằng thịt đã âm thầm đến và đi, không để lại dấu vết! Tôi không đi dự
tang lễ của ông được, nhưng nghe đâu rất đông người tham dự! Có nhiều người được
ông cứu từ 30 năm về trước cũng mang gia đình con cháu tới tiễn ông.
Mùa thu … vắng
lặng và buồn quá! Chiếc lá vàng rơi để trở về với cát bụi … tăng thêm chất màu
mỡ cho đất. Một đóng góp cuối cùng! Ông lão kỳ lạ kia cũng vậy!
Mùa Vu Lan
2548
Quảng Diệu Trần
Bảo Toàn