Caroline Thanh Hương
Với
địa hình nhiều núi cao và khí hậu khắc nghiệt, miền Tây Hoa Kỳ nổi
tiếng là nơi có nhiều phong cảnh ấn tượng, đặc biệt là những hẻm núi
hùng vĩ bậc nhất thế giới ở các tiểu bang Arizona, Utah... Chúng ta hãy
cùng ghé thăm một hẻm núi nơi có hồ nước hình móng ngựa tuyệt đẹp - Glen
Canyon.
Tọa
lạc trong công viên quốc gia Glen Canyon ở phía Đông Nam bang Utah, hẻm
núi Glen Canyon là nơi gặp gỡ của sông Colorado và vùng núi đá sa thạch
hàng triệu năm tuổi.
Dòng sông uốn mình giữa các vách đá so le, vẽ nên những đường cong đẹp mắt.
Bề
mặt hẻm núi như bức tường đầy nghệ thuật, với những đường lượn sóng cầu
kỳ được đẽo gọt bởi gió, nước qua quá trình địa chất kéo dài hàng thiên
niên kỷ.
Sức
bào mòn của thiên nhiên còn tạc nên cây cầu đá khổng lồ Rainbow Bridge -
vòm đá hình cung được người dân bản địa xem như một biểu tượng linh
thiêng.
Dù
bạn ngồi thuyền trôi trên sông hay đứng ngắm cảnh trên vách đá cao hơn
300m, ở bất kỳ góc độ nào, cảnh quan nơi đây vẫn vô cùng đẹp, quyến rũ.
Đứng
sát rìa vách đá, bạn có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh vẻ đẹp của núi
sông phía dưới. Song đây cũng là vị trí nguy hiểm nhất bởi những cơn gió
tinh quái luôn thổi ù ù mang theo cát đỏ, thỉnh thoảng còn bất ngờ đổi
hướng như muốn xô bạn thẳng xuống phía dưới.
Biểu
tượng của Glen Canyon là hồ nước hình móng ngựa nổi tiếng mang tên
Horseshoe Bend. Dưới ánh Mặt trời, Horseshoe Bend trông như một viên
ngọc nổi lên giữa đoạn uốn cong “điệu nghệ” nhất của sông Colorado.
Các
loài thực vật dưới đáy khiến cho nước hồ có màu xanh ngọc lục bảo,
tương phản với màu đỏ cam của đá sa thạch hai bên bờ. Hồ nước mang đến
cho Glen Canyon vẻ xanh trong mát mẻ, khác hẳn với các hẻm núi lân cận
như Grand Canyon, Bryce Canyon vốn khô hạn quanh năm.
Để
phục vụ nhu cầu tưới nước và thủy điện, người ta đã xây dựng con đập
Glen Canyon nhằm chặn lại một phần dòng chảy sông Colorado.
Hồ Powell dài 300km được tạo nên bởi con đập là hồ nhân tạo lớn thứ hai nước Mỹ.
Đường
viền màu trắng ở chân bờ đá là “vành đai bồn tắm” (bathtub ring - giống
như gợn nước lúc ta tắm bồn). Nó không phải vành đai chất cặn, mà đó là
các lớp đá vôi lắng đọng.
Glen
Canyon là điểm du lịch thú vị, thu hút khoảng 4 triệu lượt du khách mỗi
năm. Tuy nhiên, do chú trọng nhiều đến du lịch và thủy điện nên con
người đã can thiệp quá mạnh vào hệ sinh thái. Những hậu quả đối với tự
nhiên đang ngày càng rõ nét khiến vấn đề bảo tồn trong khu vực trở nên
“nóng” hơn bao giờ hết.
Từ
khi đập Glen Canyon ra đời vào năm 1959, lượng nước đổ vào hồ Powell đã
làm ngập chìm các khu vực xung quanh, khiến một số loài động, thực vật
bản địa như chim ruồi liễu, ếch da báo, cá Razorback Sucker... mất đi
nơi cư trú.
Dòng
lưu chuyển tự nhiên của sông bị chặn lại làm giảm lượng oxy trong hồ,
khiến các chất hữu cơ từ xác động, thực vật ngập chìm dưới nước bị phân
hủy trong môi trường yếm khí, gây ô nhiễm. Dòng lũ hàng năm còn cuốn
trôi lớp đá bề mặt, mang theo nhiều hóa thạch khảo cổ quý giá.
Do những tác động trên, hiện nay, cùng với Nhật Bản, Mỹ đã ngừng lại việc xây đập thủy điện mới và phá bỏ nhiều đập cũ.
Glen
Canyon còn gặp phải một vấn đề lớn khác khi sông Colorado - nguồn cấp
nước chính cho hồ Powell và Horseshoe Bend đang dần khô cạn. Các lớp đá
vôi lắng đọng cho thấy mực nước hồ trước đây cao hơn so với hiện nay rất
nhiều. Trước kia, hai tảng đá này vốn nằm dưới lòng hồ Powell, người ta
chỉ nhìn thấy phần trên của tảng đá lớn hơn bên trái, nhưng nay mực
nước đã rút xuống làm lộ ra cả hai tảng đá và khu vực xung quanh.
Những
cây cổ thụ đã chết khi bị ngập nước từ nhiều năm trước, nhưng nay hồ
cạn, thảm thực vật xung quanh cũng bắt đầu hình thành.
Theo
đà thu hẹp của con sông, những cảnh đẹp như thế này sẽ chẳng tồn tại
bao lâu nữa. Nếu chính quyền địa phương không có biện pháp bảo tồn hợp
lý, trong vòng vài chục năm tới, những du khách đến với Glen Canyon sẽ
chỉ còn được ngắm hồ nước tuyệt đẹp này trong những bức ảnh mà thôi.
Thăm công viên "nghìn cột trụ trời"
Những dãy cột đá ngoạn mục, rực rỡ màu sắc chính là sức hút kỳ lạ của công viên quốc gia Bryce Canyon.
Bryce
Canyon là một công viên quốc gia ở Tây Nam Utah, Mỹ. Nét đặc biệt của
công viên này là những dãy núi có hàng ngàn cột đá, được tạo nên bởi sự
xói mòn của gió, nước và sông băng dọc theo phía Đông cao nguyên
Paunsaugunt.
Những
ai đã từng đặt chân đến Bryce Canyon đều bị mê hoặc bởi vẻ đẹp kỳ lạ
của những cột đá màu trắng, đỏ và cam. Trông chúng như những "cột trụ
trời" vững chắc.
Màu sắc của những rặng núi đá ở Bryce Canyon là do sự lắng đọng trầm tích tạo thành. Cấu trúc này còn được gọi là “hoodoos”.
Hàng
nghìn cột đá màu vàng sậm đỏ với những hình thù kỳ lạ cùng vươn lên và
chạy xa tít đến tận các dãy núi màu xám cuối chân trời. Có những cột
tháp đơn độc như ống khói của một ngôi nhà sụp đổ sau trận động đất, có
những cột tháp dính liền nhau, trông hoang vu, đổ nát.
Những
dãy cột đá sặc sỡ này trải dài 32km từ phía Bắc đến phía Nam của công
viên. Hoodoos nằm xen kẽ các lớp đá trầm tích cứng và mềm, cộng hưởng
với ánh sáng Mặt trời, chúng khiến du khách có cảm giác như đang ở một
hành tinh khác.
Bạn
sẽ khó có thể tìm được hai cái giống nhau ở các tháp đá thấp, cao, to,
nhỏ này bởi tất cả chúng đều hướng thẳng đứng lên trời và có những hình
dạng kỳ lạ.
Tất
cả là do bàn tay của thiên nhiên, của nắng mưa, gió bão, đục đẽo từ
nghìn năm này qua nghìn năm tạo thành. Rặng đá cao nhất ở đây cao đến
61m. Đây là hình ảnh chiếc cầu đá tự nhiên ở Bryce Canyon.
Sau
hàng triệu năm, nước đã “điêu khắc” ra cảnh vật kỳ diệu của Bryce. Nước
len lỏi vào các khe đá rồi đóng băng và giúp những tảng đá "mòn" dần
theo thời gian. Cứ như vậy, quá trình này lặp đi lặp lại khoảng 200 lần
mỗi năm. Vào mùa hè, nước mưa chứa axit sẽ ăn mòn lớp đá mềm và tạo
thành những khe nước chảy khá sâu.
Một
trong các thành đá nổi tiếng trong công viên quốc gia Bryce Canyon là
Thor của Hammer (tạm dịch là cây búa của Thần Sấm Sét Thor). Đó là một
cột trụ rất cao đứng chơ vơ giữa trời, phía dưới màu hồng, đỏ, đỏ đậm,
phía trên ngọn có màu trắng.
Navajo Loop Trail là hẻm núi nhỏ hẹp nhất ở đây nhưng luôn ngập tràn ánh sáng.
Bên
cạnh đó, khu Sunset Point (điểm Mặt trời lặn) được cho là nơi có màu
sắc núi đá đẹp nhất. Đá núi ở đây được các nhà địa chất gọi là "Clarion
formation", đó là do đá vôi đọng lại dưới đáy hồ Clarion cách đây 50
triệu năm. Đá vôi ở đây có 3 lớp, mỗi lớp có một loại màu đặc biệt,
không lớp nào giống lớp nào.
Lớp
dưới cùng của đá có màu hồng đỏ. Chất sắt oxit hóa tạo nên màu đỏ, hồng
và vàng của phần dưới vách đá. Lớp kế tiếp là màu đỏ pha trộn một chút
tím, lớp trên cùng có màu trắng.
Giống như Sunset Point, Sunrise Point (điểm Mặt trời mọc) cũng vẽ nên phong cảnh ngoạn mục và sắc màu.
Bryce
Canyon cao hơn hẳn so với các công viên quốc gia lân cận là Zion và
Grand Canyon, nhưng lại thu hút ít khách tham quan hơn, vì địa hình nơi
này khá hiểm trở. Các rặng núi ở đây đều ở độ cao từ 2.400 đến 2.700m so
với mực nước biển.
Các
nhà thám hiểm Mormon đã phát hiện ra khu vực Bryce từ những năm 1850 và
đặt tên là Ebenezer Bryce. Bryce Canyon có diện tích khoảng 145km
vuông, được công nhận là công viên quốc gia vào năm 1928.