tt
Có những cuộc đời đã đổi thay theo vận người phận nước.
Ai còn, ai mất,ai thương khóc ai, đố ai mà biết đằng sau cuộc chiến tương tàn của người trong một nước khi bị phân chia có khi không là chủ động của người trong nước.
Thôi thì chúng ta ngồi đọc lại một bài ký của anh Phạm Nga để tìm xem xã hội thời đó sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 ra sao.
Nhiều ký ức khác nhau vì mỗi người là một trường hợp riêng trong vận mệnh chung mất miền Nam độc lập, tự do và hạnh phúc.
Đó là sự thật không ai phủ nhận được chuyện này.
Cám ơn anh Phạm Nga đã chuyển bài viết và hình ảnh.
Caroline Thanh Hương
Mẩu Chuyện Đứt
Quãng Sau 30 – 4
1.
Nhớ mấy ngày đầu sau 30/4, có một
ông "nón cối" thường xuất hiện ở nhà tôi. Tội nghiệp ba mẹ tôi
đã tốn nhiều quà cáp, trọng vọng quá sức người bà con mới nhận lại này, chỉ
mong dựa hơi cán bộ để kiếm việc làm cho con cái. Do đó, không ai được phép
nhắc tới cái thời ông này đi tập kết năm 54, làm việc mấy năm trên lưng
mấy con bò ở nông trường Sơn La hay Mộc Châu gì đó rồi được đề bạt đi học,
rồi cũng thành y sĩ ngành răng-hàm-mặt, tức rành rành thuộc giới trí thức miền
Bắc. Nghe nói thằng cháu dạy học ở chế độ cũ đang thất nghiệp ở chế độ mới,
ông bảo gọi tôi tới. Chăm chú ngắm tôi vài giây - chắc ông xem tôi có "trí
thức miền Nam" chút nào không - rồi ông lấy ngón trõ vỗ vỗ vào
màng tang mà phán rằng: " Cháu học
Văn khoa? Chà, trí thức tiểu tư sản, lại học triết nữa thì tư tưởng khó
chuyển biến đấy! Phải phấn đấu nhiều lắm mới được. Phải chi cháu tốt
nghiệp kỹ sư kinh tế chẳng hạn thì bác có thể giới thiệu cháu tham gia công
tác ngay ở…".
Khi ấy, tôi hiểu ngay tương lai
mình hiển nhiên chẳng sáng sủa gì nhưng lại không hiểu "kỹ sư kinh
tế" là gì. Theo phân ngành ở cấp đại học, kỹ sư các loại được đào tạo bên
ngành khoa học ứng dụng, còn bên ngành khoa học nhân văn mới có khoa kinh tế học.
Cụ thể là trước kia, ĐH Bách khoa Phú Thọ (công lập) đào tạo ra kỹ sư cơ khí, kỹ
sư công chánh, kỹ sư hàng hải…, còn ĐH
Luật khoa (công lập) đào tạo cử nhân luật với học trình gồm hai 3 phần chủ đạo
là công pháp, tư pháp và kinh tế, kinh tế học được dạy tổng quát ở 2 năm đầu, đến
năm thứ 3 sinh viên có thể chọn chuyên ngành để sau này thành ‘cử nhân luật
khoa chuyên ngành kinh tế’. Tương tự kinh tế học, bên ĐH (tư) Vạn Hạnh có đào tạo
cử nhân thương mại và ĐH (tư) Đà Lạt có đào tạo cử nhân chính trị kinh doanh. Làm
sao có thể có cái món pha tạp là "kỹ sư kinh tế"? Sau này, tôi mới
hiểu rằng, bị tâm lý chung là không xem trọng các ngành học từ chương, nghèo
tính thực dụng (chỉ có thực dụng mới sản xuất ra được của cải vật chất?) nên
hình như khoa kinh tế học miền Bắc muốn che dấu tính chất nặng về nghiên cứu,
nặng lý thuyết của mình, đã cho sinh viên ra trường cũng được cái mác "kỹ
sư", thay vì "cử nhân". Tuy cùng là lao động trí óc, nhưng phải
nhập nhằng nhào vô ngồi chung với các anh kỹ sư thủy lợi, kỹ sư giao thông
vận tải, kỹ sư nông nghiệp.v.v…, thì anh "kinh tế" mới khỏi bị
đánh giá là kém ích dụng, ít thực tiễn hơn mấy anh họ "kỹ".
Đó là chuyện của miền Bắc - được mệnh danh là “miền Bắc XHCN”, còn ở miền
Nam - tức VNCH, vào thập niên 60, bọn chúng tôi đã tự do chọn theo ý mình là
ngành khoa học xã hội - nhân văn, ghi danh ở một ngôi trường cũ kỹ, nhưng được
cái là nằm trong một khu rất yên tĩnh ở Sài Gòn. Đó là trường Văn khoa, bao
gồm nhiều ban, như: Việt Hán, Sử địa, Triết, Ngoại ngữ, Nhân văn… nhưng
linh mục Thanh Lãng, dạy môn văn học sử, cứ thích gọi là “trường Văn” thôi. Hẳn
là cha Thanh Lãng đã mơ màng nhìn những giảng đường lâu năm bụi bám, thấy hao
hao như cửa Khổng, sân Trình của
đám nho sinh cổ xưa sính văn chương,
thi phú?
Riêng bọn tôi thì có vẻ…cổ xưa, hũ
nho thật. Có lần tôi trồng cây si
một cô nàng rất hấp dẫn, học cái ban à la mode nhất trong trường là Anh văn. Lân la đến làm quen
thì nàng nhìn tôi với con mắt đầy…tội nghiệp: "Toa học bên Triết đông hả? Sao cái ban gì tên nghe… cải lương dữ
vậy!?". Đáng đời cho tên nghịch đồ của ban phái Đông phương! Người
trong mộng của hắn, như lời tình ca quen thuộc “Hởi người tình Văn
khoa…” của Phạm Duy, phải là một tiểu thư yểu điệu thục nữ, áo dài tha thướt,
trang trọng, rất Á Đông, chứ sao lại là một nàng vốn học trường đầm, mặc
jupe bó đùi rất gợi cảm? Kẻ thất tình lầm lạc đã được các bạn đồng môn an ủi
bằng cách dẫn đi ngồi café ghế-cao là quán Hân ở Đakao, có nhạc Paul Mauriat
tuyệt vời. Nhưng chỗ ‘đóng đô’ thường nhật của bọn tôi - trong những ngày… cạn
túi - còn là quán cóc ghế-thấp ở lề đường Nguyễn Du, ở đây có phiêu lãng những
chiếc lá me bay lạc vào tách café bình dân rẻ tiền. Nhưng có gì cấm được đám
sinh viên bọn tôi – đa số là con nhà nghèo - ngồi đó mà nghĩ suy, dệt mộng lớn
cho tương lai, dự phóng giúp ích cho đời bằng kiến thức, chữ nghĩa mà mình
đang dùi mài, tích lũy từ ngôi trường cổ kính của mình qua mấy mùa mưa nắng ?
Rồi ra trường, thời sinh viên lãng mạn, đầy hoa mộng khép lại tuy vẫn ghi
danh tiếp, làm luận án cao học và không thường xuyên đến trường nữa. Đa số
đi dạy học; có người làm thơ, viết văn, làm báo, nghiên cứu hay công tác xã
hội… , nói chung là làm việc, chọn kế sinh nhai trong các lãnh vực giáo dục,
văn hoá, xã hội.
Rồi ngày 30/4 ập đến và lập tức dựng
lên cái thời đại mà hầu như người ta chỉ tôn vinh những ai có bàn tay dính dầu
máy, phân bón, thuốc trừ sâu, bùn đen, đất đỏ… thì dân xuất thân Văn khoa
làm sao khá nỗi?
Ai dính nguỵ quân, nguỵ quyền thì đi
học cải tạo. Một số rất ít anh chị em được cho tiếp tục dạy học với môn dạy
khác và lương bậc thấp hơn. Hãy quên đi danh xưng "giáo sư",
"giáo viên" thôi! Cũng nên quên đi cái bằng cử nhân khi xin vào làm
công nhân viên ở cơ quan, xí nghiệp. Nếu bạn không được hân hạnh là ‘lao
động trực tiếp’ đầy vinh quang ở công trường, xưởng sản xuất thì khi được bố
trí làm ở văn phòng, bạn chỉ là loại ‘lao động gián tiếp’, nghĩa là tiêu
chuẩn gạo, vải… cùng hàng nhu yếu phẩm, như đường, xà bông, thuốc lá, dầu
hôi… đều thấp, thấp hơn cả tiêu chuẩn của người lao động phổ thông, tức làm
việc chân tay không cần học nghề, như: quét dọn, bưng nước, đào đất, bốc
vác…
Còn lại thì chúng tôi làm đủ thứ
nghề ngỗng lặt vặt để kiếm tiền mà sống. Mấy ngày đầu thì đem sách vở, ly
tách, chén dĩa… trong nhà ra lề đường ngồi bán. Hết đồ đạc để bán thì đi
làm rẫy, trồng nấm, nuôi gà vịt, chạy hàng tạp hóa, đứng chợ trời …
Thời kỳ ấy, cả ngày đạp xe đạp long
nhong ngoài đường phố, tôi mới có dịp nhìn thấy Sài Gòn khác hẳn xưa. Không
biết đi ra đường, ra phố làm những việc gì, nhưng từ những góc phố, vỉa hè,
đến bến xe bus, bến xe lam, người Sài Gòn đi đi lại lại, hấp tập, vội vã,
đăm chiêu… Trong cái hoạt cảnh ảm đạm diễn ra từ sáng sớm đến tối mịt ấy, mốt thời trang phổ biến thịnh hành cho
cả nam lẫn nữ là nón vải đội đầu, dép lê dưới chân, và một món không thể
thiếu là một cái túi, một cái giỏ xách kè kè bên người. Lục túi coi thì toàn
những món mua-đi-bán-lại: gói thuốc lá hay cuộn giấy vệ sinh, cái đồng hồ
hư hay cuốn sách cũ, hộp thuốc tây hay chai hoá chất còn ‘đát’…
Sài Gòn biến thành một cái chợ trời
rộng mênh mông. Người ta mua mua, bán bán tất cả mọi thứ vặt vãnh, nhận chút
tiền, hẹn gặp lại, quay đi ngã khác, chạy tiếp… Riêng tôi thì một cách ngoài
ý muốn, được ngừng chạy rong khi đến hạn trình diện học tập cải tạo ở Trảng Lớn,
Tây Ninh.
2.
Năm 76, học tập cải tạo về, tôi đang
cùng một anh bạn, nguyên là tổng thư ký một viện đại học tư của giới Công
giáo, làm ‘nghề’ phạc-ma-xiên-à-la-mái-hiên (từ
‘chế’ bậy thành tiếng Tây bồi ở chợ trời thuốc tây nghe cho nó sang, có nghĩa: dược-sĩ-đứng-mái-hiên) ở khu chợ Tân Định
thì ủy ban phường chỗ tôi ở kêu tôi đi làm thủy lợi dài hạn ở bưng Sáu Xã, huyện
Thủ Đức. Thấy cùng đường, tôi bèn đăng ký đi công trường lao động XHCN do
Hội trí thức yêu nước TP.HCM lập ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi. Có điều là nghe
"hội trí thức" thì có vẻ… sang hơn cấp phường nhưng cũng
chỉ là đào kênh, đắp đê tối tăm mặt mũi.
Dù sao, đối với tôi, tập phim
"tình nguyện đi lao động" ở cánh đồng bưng quanh năm ngập nước,
cách Sài Gòn 55km ấy cũng có vài cảnh vui vẻ. Tất nhiên, về phần ‘xác’thì
khó có gì gọi là phấn khởi –
một từ không mới nhưng hay được dùng thời ấy. Sau khi đăng ký làm việc ở công
trường thủy lợi 6 tháng, 1 năm… tùy ý, bạn được ở láng trại cất bằng tre nứa,
xài đèn dầu và nước giếng, cơm canh theo tiêu chuẩn đạm bạc và lãnh sinh hoạt phí (không phải lương) là 50
đồng/tháng thời sau đổi tiền lần đầu tiên sau 30-4 (22/ 9/1975). Riêng lao
động nữ được phụ cấp mấy chục xu cho khoản kinh kỳ phụ nữ . Tôi hơi bất mãn
và thầm ganh tị với cánh phụ nữ. Đáng lẽ lao động nam cũng nên có phụ cấp về
khoản… quần xà-lỏn, vì cũng chỉ cỡ sau một tháng là quần vải gì cũng mục
rách do ngày ngày phải ngâm mình dưới nước phèn khi đào kênh ngoài bưng. Có một
anh, coi vậy mà vẫn còn khá lạc quan, yêu đời (?), đã nhăn nhó tâm sự: “Ngâm nước phèn suốt ngày, suốt tháng kiểu
này thì đồ đạc của mình cũng hư tuốt. Về phép chủ nhật, tối ráng âu yếm
bà xả sau cả tuần xa cách thì nó cứ xuôi xị!”.
Còn về phần ‘hồn’, xem ra tôi cũng có
được vài niềm vui riêng tư nho nhỏ khi tình cờ gặp lại vài bạn bè trí thức cũ
vào những lúc cùng ra bưng đắp đê hay trên đường về phép cuối tuần. Tuy nhiên,
từ vùng đất khỉ ho có gáy Củ Chi này, dân Văn khoa cũ không khỏi chạnh lòng khi
dần hồi biết tin trường đại học Văn khoa của mình bị xóa tên hẳn khi bị sát nhập
với trường đại học Khoa học (cũ) thành trường đại học Tổng hợp, sau đó lại tách
ra thành đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Ban Triết tôi từng theo học thì bị
giải tán ngay sau ngày tiếp quản trường, sinh viên Triết bị phân tán nhỏ vào các ban khác.
Run rủi tôi lại được gặp dân học Triết
cũ tại công trường, đó là C.H.K. Nhà phê bình văn học nổi tiếng này dạy triết ở
Nha Trang, sau 30-4 bị đố kỵ gì đó mà phải nghỉ dạy, trôi dạt vô Sài Gòn, rồi
cũng lên Củ Chi làm thủy lợi. Ở một đội trồng lúa, lại gặp hai cậu "đàn
em" ban Triết, sau 30-4 chỉ được dạy học thêm ít tháng ở Bến Tre, một
vùng thời đó có tiếng là rất kỳ thị người trí thức chế độ cũ. C.H.K. từng nói
do ở Nha Trang cũng khó thở như thế nên anh mới bỏ dạy.
Lại gặp Bích D., một phụ nữ Huế
duyên dáng, được bố trí làm ở tổ bếp và căn-tin sau hai tháng chuyền đất
ngoài đê. C.H.K.(cũng dân Huế) cho biết chị chính là Diễm trong Diễm
xưa của T.C.S. Chị D. thố lộ mình tình nguyện lao động và có mang tiếng
là kiếm điểm như nhiều người khác cũng đành, do chị cần có
chút ‘thành tích phấn đấu’ dính-bùn-dính-đất mà kể ra trong đơn bảo lãnh
cho chồng, một phó tỉnh trưởng, được học tập về sớm… Nhân vật Diễm
nay rất khả ái và công tác rất nhiệt tình, như để kiếm phân chuồng về cho
vườn ươm cây tràm bông vàng của công trường, chị đã từng góp bàn tay nõn nà hốt
sạch, gọn từng bãi phân trâu, bò rải rác trên con đường tỉnh lộ 7 dẫn vào công
trường. Tôi còn phục chị D. hơn qua một sáng kiến của chị là rủ chúng tôi và
mấy nữ tu xin phép ban chỉ huy công trường cho mở một lớp Anh văn và Pháp văn.
Đêm đêm, dưới ánh đèn dầu ở chái nhà ăn, một nhóm người hiếu học cùng vài anh
chị còn muốn phục vụ bằng chính sở học của mình, để cùng nhau học tập, ôn
luyện ngoại ngữ…
Có một chuyện là tuy không còn lạc
quan, cứ tìm-cách-yêu-đời như anh bạn bị hư đồ đạc đã kể ở trên, nhưng có lần, khi nhờ ‘có trình độ văn
hóa’ mà được đề bạt từ đội viên lên chức tổ trưởng tổ thủy lợi, tôi cũng thử
lay động, thử thách cái con người yếm thế, thân tâm đều trì trệ, xuống dốc…của
mình một chút xem sao.
Công trường rùm beng mở một đợt thi
đắp đê cho con kinh cấp 3. Ngoài bưng Thái Mỹ, nước phèn ngập sâu đến thắt
lưng, mô hình tuyến đê được thấy qua hai hàng cây cọc tiêu (làm mốc) được cắm song song,
ló lên khỏi mặt nước. Đã suy tính trước nên vào bữa thi, trong tổ gồm 8 người
(6 nam, 2 nữ) thì về 2 cô nữ – thường
lãnh phần bê, chuyền đất ngoài đồng bưng – vốn yếu sức sẽ ảnh hưởng đến năng
suất chung, tôi cho kiếm chuyện khai bệnh, nghỉ cả hai tại trại. Kế đó, tôi
mượn thêm ở kho vài cái len mới, loại xắn đất thật tốt, đóng thêm
đinh cho thật chắc, để đang làm mà gặp chuyện rất hay xảy ra ngoài đồng là gảy len thì
quăng cái gảy, khỏi sửa mất thì giờ, chụp ngay cái khác làm tiếp ngay...
Ở hiện trường, để cùng lúc có thể lấy đất được cả từ hai bên, tôi bố trí
đội hình là cạnh mỗi hàng cọc tiêu một nhóm 3 người. Đầu tiên là người
đứng xắn lấy đất (tôi lãnh một vai này với cây len kiểu thuận theo
chân trái của mình) thì đi lui để khỏi cản trở người thứ nhì (ngồi ngâm
mình trong nước, trước mặt người lấy đất) đang lãnh phần nhận và chuyền đất.
Cũng không xắn cục đất quá lớn, để người thứ nhì có thể bê, chuyền trên tay
cho người thứ ba lãnh phần đứng đắp đất. Cách đắp là từ giữa hình chân đê – bên
trong 2 hàng cọc tiêu - mà
đắp ra. Chú ý là giữa người ngồi chuyền đất và đứng đắp đê cùng cố gắng hết sức
để các cục đất xắn không tuột khỏi cánh tay mà chìm xuống nước, sẽ mất công mò tìm và đất cũng
dễ rã nát. Phần chân đê phải xong theo chiều ngang rồi mới lo chiều dài.
Mệt thì đổi vai. Con đê của kinh cấp 3 dần dần xuất hiện vượt lên trên mặt nước
và từ từ dài ra…
Khi ước lượng – ở trại tôi vẽ hình,
làm toán trước - thấy cái khối hình thang con đê vừa dài, qui ra đủ khoảng 36
mét khối thì dừng, chuyển qua đắp, bồi theo hướng ngược lại. Tại sao lại là
36m3? Đó là theo tình hình chung các nông trường thủy lợi ở các vùng ngoại
thành Sài Gòn thời đó, dân công đi đắp đê ‘xã hội chủ nghĩa’ – nghĩa là tự nguyện
hay nghe lời hô hào, tuyên truyền mà chấp hành đi công trường thủy lợi, nào phải
dân thổ đấu, tức làm đất, đắp đê chuyên nghiệp để kiếm sống như ở miền Bắc -
thì năng suất chung chung của dân ‘tự nguyện’ bình quân là 4 – 5m3/người/ngày
công lao động (tức 8 giờ - tổng cộng 2 buổi sáng, chiều), đồng thời tôi chỉ muốn
tổ của mình phấn đấu chừng đó là được, là ‘đạt chỉ tiêu’ rồi.
Anh em pô-luya tức đắp, bồi đất cho hai mái đê đến mức trông
cũng tạm phẳng phiu thì tôi cho một em đội viên vừa chạy vừa lội nước đi gọi
cán bộ nghiệm thu của ban chấm thi đến đo liền, vì để lâu khúc đê sẽ thấm
nước mà lùn xuống, mất khối lượng…
Cứ thế, cả tổ đắp được khúc đê có độ
dài qui ra là 36m3, chia cho 6 thì mỗi người đạt 6m3. Sau này, nghe tôi kể lại
‘chiến thuật’ giúp tôi đạt thành tích trong cuộc thi đắp đê, C.H.K. không thèm
khen cho một tiếng, gọi là ‘động viên’ cái danh hiệu ghi đậm trên bằng khen cấp
Thành phố "Kiện tướng thuỷ lợi" của tôi, một nhà giáo đồng nghiệp,
cũng vốn thư sinh nho nhã như anh và hiện cũng ốm nhom như anh. Dù sao, anh
cũng gật gù đồng ý với tôi, rằng “Ông đã
tính toán cho cả tổ phối hợp nhau rất đúng, vì không ai dù khỏe cách mấy, một
mình vừa xắn, vừa chuyền, vừa đắp mà đạt được 6 mét khối/ngày công",
và "Chuyện không còn quá khó khi mình
biết dùng cái đầu…”.
Cũng sau này, khi nghe C.H.K. từ khâu
đắp đê ngoài kinh cấp 3 được chuyển qua khâu tiếp phẩm (đi chợ mua hàng cho
tổ bếp) cho công trường bộ, rồi nhà cựu nghiên cứu văn học và cựu giáo sư Triết
này được tiếng là tính toán bó rau, hũ mắm, miếng đậu hũ… rất khéo, tiêu chuẩn
thời kỳ ăn độn vẫn thế nhưng bữa cơm trong trại dễ ăn hơn đôi chút, tôi bèn chọc
quê: "Theo lô-gíc thì nhờ cái đầu,
ai có năng lực ở khâu nào thì nên ở luôn khâu ấy để phát huy sáng kiến, cải
tiến kỹ thuật. Có cần tui hót với trên cho ông được làm công tác
đi chợ, lo tương-cà-mắm-muối suốt phần đời còn lại không hả?”.
3.
Đến năm 77, chuyển thành nông trường
quốc doanh, công trường biên chế những sĩ quan học cải tạo về (được về hơi sớm
do chịu ký giấy tình nguyện đi sản xuất tức lên nông trường) cùng đám thanh
niên xung phong mới tăng cường sau này thành lực lượng lao động dài hạn. Những
người trí thức, tư sản, tu sĩ… đã đủ (hoặc đã quá) thời hạn đăng ký lao động
thì được động viên ở lại làm nông trường viên, tiếp tục phục vụ… dài hạn.
Phải nói lời giã biệt thôi! Xem đơn
xin nghỉ việc của chúng tôi, lý do "… muốn trở lại nghề dạy học cũ ở thành phố cho đúng khả năng",
ông giám đốc nông trường nói thẳng: " Trở
lại nghề cũ? Nhớ quá khứ? Cái kiểu mấy anh chị cứ vừa đi tới mà vừa ngoáy lại
phía sau, dễ vấp té lắm đó! Có giấy chứng nhận đã tham gia lao động do
nông trường cấp, cũng chưa chắc ở nội thành người ta tiếp nhận các anh! Mà
Củ Chi dù xa xôi nhưng cũng thuộc thành phố, sao mấy anh chị không ở lại phục
vụ, góp phần xây dựng vành đai xanh, sản xuất nông nghiệp cho thành phố?".
Tôi thì ít khoái kiểu ví von "vừa
đi, vừa ngoáy lại thì té" của ông giám đốc nhưng phải công nhận ông không
nói xí gạt về tiền đồ của chúng tôi. Sau nhiều khó khăn, chạy vạy - nhất
là chuyện đến công an huyện xin cắt khỏi hộ khẩu tập thể của nông trường
Thái Mỹ, Củ Chi chuyển về nội thành - rồi kẻ trước người sau, chúng tôi trở
về Sài Gòn. Riêng tôi đến đầu năm 79 mới về được hẳn, khi được ‘Ban quản lý
người học cải tạo về’ chấp nhận cho tạm trú ở chỗ ở cũ tức nhà ba má tôi ở gần
chợ Bà Chiểu.
Tôi và một số anh chị nhớ nghề dạy học,
đúng hơn là bởi cũng chẳng biết nghề gì khác, đã vác đơn lênnộp Sở giáo dục.
Tuy đã đi lao động tình nguyện nhưng vì lời khai trong đơn rằng trước đây “đã bỏ
nhiệm sở vì lý do khó khăn, xa gia đình, trở về nhà sau ngày 30-4…", cán
bộ ở Sở đã đánh giá đám thầy, cô giáo mất dạy này là "vô tổ chức" và bác đơn. Có gốc là
sĩ quan dạy văn hóa thuộc trường thiếu sinh quân Vũng Tàu và đã hoàn thành
nghĩa vụ lao động XHCN như tôi, thì "Chưa
có chủ trương cho thầy giáo gốc sĩ quan ngụy được đứng lớp!".
Lại thất nghiệp. Lại ăn bám cha mẹ,
vợ con. Lại ngày ngày ghé Hội trí thức yêu nước - số 43 Nguyễn Thông, quận
3, tức câu lạc bộ văn nghệ Phấn Thông Vàng cũ - xem có được giới thiệu chỗ
làm chưa. Lại cả ngày ở ngoài đường. Bọn tôi hùn vốn còm cõi mở cà phê vỉa
hè, vừa bán vừa coi chừng bị ‘hốt’ nên tôi đặt tên quán là quán Fất Fơ. Hay
ngồi sửa giày dép, túi xách, đi bỏ mối các loại bánh trái, cà phê trộn bắp,
hàng tạp phẩm… Lại có vài bạn đi bán… nước bọt, tức chạy mánh. Nghe tuy-dô ở
đâu còn vài tấn hóa chất, mấy cái máy phát điện cũ, đồng hồ ODO còn gõ
chuông.v.v.. là lập tức chạy kiếm đầu mua, thỏa thuận được là ăn hoa hồng
môi giới. Một bạn, dân triết Đông, cũng đi bán nước bọt, nhưng cao trọng và
kín đáo. Đó là chấm tử vi, chỉ lấy thù lao "tượng trưng". Tôi bái
phục vì dần hồi anh trở thành nhân vật quan trọng, chính danh
"thầy". Nhiều người phải lặn lội tìm đến anh vì họ cần xem tử
vi, coi số mình có đi được
không, tức là họ đi kiếm ở "thầy" một niềm hy vọng - hy vọng nguyện
vọng xin đi của mình được…
số mạng siêu hình duyệt xét, giải quyết!
Đâu khoảng vào năm 1980, để phục vụ
những người còn phải lui tới, chờ được giới thiệu, bố trí cho chỗ làm,
Hội trí thức yêu nước đã mở hợp tác xã (giống kiểu hợp tác xã tiêu thụ ở các
phường nhưng qui mô nhỏ hơn) để cung cấp một số mặt hàng lương thực, thực phẩm,
tạp phẩm… cho hội viên (có đóng cổ phần, lập sổ mua hàng) với giá có rẻ hơn ít,
nhiều so với thị trường. Khi đến đây “đi chợ”, mọi người còn có thể bước sang
căn-tin là nơi bán cà phê, đồ giải khát, thức ăn nhẹ - đặc biệt là bia hơi - với
giá chính thức khá rẻ…
Tất nhiên, vẫn đám kỹ sư, kỹ thuật
viên là dễ được có chỗ làm sớm, còn dân có gốc học Văn khoa cũ vẫn thường cứ chờ
dài cổ, nhất đối với những người như tôi, vì không có chút vốn liếng, của cải
nào nên trước mắt, chỉ có một con đường duy nhất là tìm chỗ làm, nhân viên văn
phòng, kể cả bảo vệ, gác-dan, thủ kho… cho doanh nghiệp quốc doanh, hợp doanh,
hợp tác xã gì cũng được - để bám vào mà kiếm sống.
Cũng tất nhiên, vẫn còn rất nhiều
người ngoài-đường-phố, chỉ tự lo cho mình chứ không nhờ vả hội hiếc nào tuy
bia hơi và mồi nhắm ở căn-tin của Hội trí thức cũng tạm được, tức rẻ bằng
nhưng có phần ngon hơn (không bị pha thêm nước) bia ở các cửa hàng ăn uống của
thương nghiệp quốc doanh rải rác trên đường phố Sài Gòn. Căn-tin của Hội trí thức
lại bán bia hơi khá thoải mái, không bắt mua kèm mồi, kiểu tiêu chuẩn “1 dĩa đồ
ăn/2 lít bia” đáng ghét như ở các cửa hàng quốc doanh.
4.
Cũng khoảng năm 1980, đối với giới trí
thức cũ, trong đó có dân Văn khoa chúng tôi, phải nói rằng cái nhìn lạnh lẽo của
giới cầm quyền đã có phần thay đổi, thoáng hơn, nhưng uổng và tiếc
là một số anh chị trí thức cũng đã xuống ghe, thay đổi chỗ ở
mất rồi. Ở cái thời điện thoại bàn trở nên hiếm hoi, hạn chế và điện thoại di
động thì chưa có, đám bát nháo chúng tôi đã chọn một cái quán cóc lề đường, cà
phê rẻ mạt nằm tại khu Bàn Cờ làm điểm hẹn chung để hằng ngày dễ tìm gặp nhau,
cũng để thông tin liên lạc này nọ và tán gẫu chuyện thời thế. Tại điểm hẹn xập
xệ này, bạn bè cứ dần hồi thưa vắng…
Đến
đây thì mẩu chuyện về dân học Văn khoa
cũ sau ngày 30-4 đành đứt quãng thôi.
PHẠM
NGA