Có phải ai cũng tài hoa như cô không?
Có lẽ người tài hoa không có tuổi và cho dù thời gian có qua mau, thời gian đã qua mau, nhưng người vẫn còn còn đó và ta còn đây để nghe cô trình bày.
Caroline Thanh Hương
Danh ca Bạch Yến và “Đêm đông” định mệnh
TP - “Ca khúc Đêm đông đến với tôi như là một định
mệnh, nó đã làm thay đổi cuộc đời tôi khi đưa tôi đến đỉnh vinh quang
của sự nghiệp nhưng cũng khiến tôi phải đi một quãng đường dài trong
cuộc đời với những cô đơn lạnh giá. Giống như hình ảnh người kỹ nữ trong
ca khúc”- Danh ca Bạch Yến đã nói như thế khi kể về cuộc đời mình.
Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng.
Sinh ra Sóc Trăng, cô bé Quách Thị Bạch Yến có
năng khiếu ca hát nên ngay khi còn bé đã được hát trong ca đoàn ở Cần
Thơ. Sau khi lên Sài Gòn sống cùng mẹ, cô bé đã gặp nhạc sỹ Lê Thương.
Thấy cô bé có giọng hát tốt, nhạc sỹ đã khuyên cô nên tham dự cuộc thi
“Tiếng hát Nhi đồng” do đài phát thanh Pháp Á tổ chức. Bạch Yến đã đạt
giải Vàng và được mời cộng tác với đài. Đó là năm Bạch Yến mới hơn 10 tuổi. Nhưng sau một thời gian, đài Pháp Á ngưng hoạt động, Bạch Yến phải xin đi hát ở phòng trà để đỡ đần cho gia đình. Ở cái tuổi “ăn chưa no- lo chưa tới”, Bạch Yến phải cố hóa trang thật già dặn để lên sân khấu, hát những ca khúc của người lớn như “Bến cũ”, “Gái xuân”… hay những ca khúc trữ tình bằng tiếng Pháp. Rồi tập nhảy, tập giật những ca khúc Rock and Roll, Twist…. vốn đang dần ăn khách tại Sài Gòn. Và rồi Bạch Yến tình cờ nghe được ca khúc Đêm đông của nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương, ca khúc đã làm thay đổi cuộc đời của cô ca sỹ phòng trà.
Trước Bạch Yến, đã có nhiều người hát ca khúc Đêm đông nhưng chỉ hát theo điệu tango theo đúng nguyên bản. Khi Bạch Yến chọn ca khúc này, chị đã quyết đổi ra điệu slow rock. “Thời đó không có đạo diễn âm thanh hay đạo diễn sân khấu, ban nhạc và người làm ánh sáng chỉ làm theo yêu cầu của ca sỹ.
Tôi thấy đây là một ca khúc buồn nên hát ở điệu slow rock hợp hơn. Dù chẳng hiểu biết gì nhiều nhưng tôi vẫn mạnh dạn dàn dựng ánh sáng, từ sân khấu tối mịt ban đầu rồi ban nhạc chơi nhẹ một đoạn giai điệu buồn, ca sỹ từ từ cất tiếng tự do và ánh sáng chùm chiếu theo bóng ca sỹ… Giờ nghĩ lại thấy buồn cười vì cách suy nghĩ hơi trẻ con đó của mình. Nhưng có lẽ tôi đã nghĩ đúng”, ca sỹ Bạch Yến nói.
Tiết tấu đều đặn của tango cho một ca khúc buồn dường như chưa tải hết được nội dung, hình ảnh người kỹ nữ lặng lẽ cô đơn trong đêm đông thanh vắng qua nhịp chậm buồn của slow đã khiến hình ảnh đó lung linh gấp bội.
Bạch Yến đã thể hiện được cái hồn ca khúc rõ nét nhất, chân thực nhất. Từ Bạch Yến, nhiều ca sỹ đã hát ca khúc Đêm đông theo cách này. Nhưng người tiên phong là Bạch Yến vẫn gây được sự chú ý nhiều nhất. Các phòng trà, các vũ trường liên tục mời Bạch Yến tới hát và cô bé trở thành ca sỹ đắt show nhất ở Sài Gòn những năm cuối thập niên 50 đến đầu thập niên 60 của thế kỷ trước.
Gần 30 năm sau khi hát bài Đêm đông lần đầu tiên, Bạch Yến đã gặp nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương và đã được ông chấp bút tặng cho một bản ký âm ca khúc này. Chị giữ rất kỹ và đang dự tính sẽ làm một phòng lưu niệm những ca khúc chị đã hát và được chính tác giả ký âm trao tặng.Năm 1961, biết không thể thành công nếu cứ khai thác mãi hình ảnh một ca sỹ nhí, Bạch Yến đã chọn con đường du học tại Pháp nhằm nâng cao khả năng biểu diễn. Tại Pháp, Bạch Yến được một số hãng đĩa mời hát và đi lưu diễn nhiều nơi. Tuy có thu nhập lý tưởng nhưng Bạch Yến vẫn xác định học để về nước biểu diễn. Vì thế học xong, năm 1963 Bạch Yến trở lại Sài Gòn, tiếp tục ngự trị trong Top những ca sỹ hàng đầu Sài Gòn. Nhưng dường như ca khúc Đêm đông vẫn gắn chặt với cuộc đời Bạch Yến khi năm 1965, chị được chương trình Ed Sullivan Show mời sang Mỹ trình diễn. Đây là chương trình truyền hình giải trí ăn khách nhất của Mỹ thời đó với mỗi lần truyền hình thu hút trên 40 triệu khách xem.
Năm 1964, nhóm nhạc huyền thoại Beatles lần đầu tiên xuất hiện tại Mỹ cũng trên Ed Sullivan Show và đã thu hút trên 70 triệu lượt người xem, trở thành một trong những chương trình truyền hình ăn khách nhất thời đại. Được Ed Sullivan Show mời là vinh dự cho bất cứ ca sỹ nào trên thế giới và Bạch Yến là người Việt Nam đầu tiên được xuất hiện trên show này.
Chị đã chọn hai ca khúc cho phần trình diễn của mình là Đêm đông và If I had a hammer. Buổi diễn thành công, Bạch Yến được các nhà sản xuất mời về Hollywood hát một ca khúc trong bộ phim The Green Berets.
Rồi nhiều nhà sản xuất mời Bạch Yến đi show. Có tiền, lại có công việc phù hợp, Bạch Yến bị cuốn. Ban đầu chị dự tính chỉ sang Mỹ 2 tuần cho Ed Sullivan Show nhưng rồi chị đã lưu lạc nơi đất Mỹ đến mấy chục năm.
Bạch Yến nhớ lại: “Lúc đó tôi mới thấy mình sao giống hoàn cảnh cô kỹ nữ trong ca khúc Đêm đông. Một mình nơi đất khách, nhất là những đêm đi diễn về, cô quạnh trong cái lạnh, trong sự vắng lặng của bóng đêm, thèm nghe một câu tiếng Việt cũng không có được. Buồn lắm”.
Năm 1978, khi Bạch Yến đi Pháp thăm người thân, chị đã tình cờ gặp Quang Hải. Khi đó Quang Hải chỉ là một giáo sư dạy nhạc dân tộc Việt Nam ít tiếng tăm còn Bạch Yến đang là một ca sỹ đã thành danh tại Mỹ. Như duyên phận, họ chỉ gặp nhau một lần mà đã phải lòng nhau và một đám cưới giản dị nhưng đầm ấm đã được tổ chức. Lập gia đình, Bạch Yến từ bỏ tất cả tiếng tăm, công việc biểu diễn đang thành công tại Mỹ để cùng chồng xây dựng những dự án âm nhạc dân tộc.
Lý giải về điều này, Bạch Yến bảo: ‘Từ trước tới khi gặp anh Hải, tôi rất ít hát nhạc dân tộc hay những ca khúc mang âm hưởng dân ca. Thế nhưng tôi là người Việt, những ca khúc dân ca đã ăn sâu vào tiềm thức tôi từ nhỏ, tôi không hát vì tôi không được ai dạy chứ không phải không thích.
Nay gặp anh Hải, một người đam mê suốt đời vì nhạc dân tộc, tôi thấy mình như được chắp cánh”. Từ một ca sỹ hát nhạc phương Tây, Bạch Yến đã làm một cuộc cách mạng cho bản thân khi quay sang dân ca Việt. Dù chị thừa nhận là khó khăn bởi tuổi đã luống, giọng đã quen với kiểu hát nhạc ngoại giờ hát dân ca khó mà mềm mại như nhiều người nhưng Bạch Yến vẫn kiên trì luyện tập.
Từ giã những show diễn hoành tráng, Bạch Yến cùng chồng đi hát, giảng dạy, giới thiệu âm nhạc dân tộc ở các trường học, các trung tâm nghiên cứu khắp châu Âu. Thu nhập dĩ nhiên là không thể so với trước nhưng Bạch Yến bảo: “Tôi có cuộc sống hạnh phúc, có một công việc đầy ý nghĩa để đam mê và người bạn đời cùng đồng hành trong cả cuộc sống lẫn công việc. Như thế thì còn gì bằng, có tiền bạc gì mà so sánh nổi”.
Từ ngày lập gia đình, Bạch Yến hay trở về Việt Nam. Chị bảo về để học, nhạc dân tộc, không học ở đâu bằng học ở chính quê hương mình. Và mãi tới tận hôm nay, chị mới bắt tay vào làm một liveshow cho riêng mình. Chị bảo đã 58 năm đi hát, mơ ước lớn nhất của chị là được hát trên quê hương mình. Trong liveshow Đêm đông vừa diễn ra giữa tháng 12, chị trải lòng mình qua những ca khúc đã gắn với tên tuổi của mình trong nhiều năm lưu lạc.
Nhân vật chính của “Tình bơ vơ”
Theo Bạch Yến, những năm đầu sống ở Mỹ, chị tìm hiểu và biết rằng cả nước Mỹ mênh mông mấy trăm triệu người mà chỉ có một ngàn người gốc Việt. Chị đã thu thập toàn bộ địa chỉ của hơn ngàn người đó và mỗi khi tới thành phố nào biểu diễn, việc đầu tiên là chị liên lạc, mời những Việt kiều đó đi xem. Chủ yếu là chia sẻ với nhau vì nỗi nhớ Việt Nam. Hơn chục năm sống cô đơn ở Mỹ, Bạch Yến cũng có vài mối tình, vài sự quen biết nhưng tất cả chỉ thoáng qua. Và một điều Bạch Yến không hề biết là ở quê hương, một nhạc sỹ có tên tuổi là Lam Phương vẫn ôm mối tình câm với chị, chỉ biết gửi lòng mình qua những ca khúc buồn tê tái đến não lòng như Kiếp tha hương, Tình bơ vơ, Em đi rồi, Biết đến bao giờ… Trong đó ca khúc nổi tiếng Tình bơ vơ như lời tự sự từ đáy lòng chàng nhạc sỹ: “Về làm chi, rồi em lặng lẽ ra đi, mang hết yêu thương gom lại, đem hết cho người tình xa”. Lam Phương không hề biết rằng ở nơi xa, “nàng thơ” của ông cũng đang cô đơn.
Xin
lưu ý với các bạn hữu Blogger, Website nào muốn trích đăng bài
sưu tầm hay bài viết, thơ, nhạc của groupe chúng tôi về Blog,
WordPress, Google Plus, của các anh chị, xin vui lòng đợi
1 tuần sau khi bài trong Blog của chúng tôi đã đưa ra public.
Caroline Thanh Hương