Kính gửi quý anh chị một truyện ngắn "Cữ Sáng" của anh Phạm Nga.
tt
tt
Tác giả truyện này chịu nhiều ảnh hưởng về quan điểm yêu đương hẹn giờ...
Ở ngoại quốc, những chuyện vợ chồng có lẽ như một món ăn, tinh thần hay tình cảm, phải có sự bất ngờ, phối họp mà không bị gò bó vì giai cấp xã hội, thời gian hay những quy luật mà tự đặt ra là bị thiên hạ chê bai hay dòm ngó.
Tại sao lúc chưa cưới hỏi thì cũng phải lén lúc và sau đó thì cũng phải đúng nguyên tắc?
Cứ mạnh dạn và biết mình muốn gì thì đó mới là thuận theo ý trời, nhưng không ra ngoài khuôn khổ thì ai nói gì người đó nghe.
Cám ơn anh Phạm Nga và kính chúc anh và quý anh chị một mùa hè vui vẻ, thảnh thơi.
Caroline Thanh Hương
CCỮ SÁNG…
*truyện ngắn Phạm Nga
1.
Bao năm qua, đã đến sống trong làng chài từ lâu lắm, đã làm bạn kéo lưới qua nhiều chủ ghe, chủ tàu cá, Tư Dầm vẫn nghèo, vẫn túng, không hề sắm nổi cho mình chiếc ghe câu để tự kiếm sống qua ngày. Hiện nay, do không được chủ ghe nào mướn, Tư thất nghiệp dai dẳng, chỉ còn biết đi giúp việc cho một người bạn. Hằng đêm, gọi là “đi làm”, Tư phải thức dậy từ 1- 2 giờ khuya để mò xuống chiếc ghe của bạn đậu ở bờ sông. Hai người chỉ quẩn quanh trong những khúc sông nước mặn vùng này vì ghe quá nhỏ và quá cũ nên không dám ra tới cửa biển.Và dù đuợc bao nhiêu cá tôm, họ cũng quay về khi trời sáng bửng.
Về đến nhà, Tư Dầm chui luôn vào giường, ý như ngủ bù vì thường anh rất mệt mỏi. Anh cũng cần ngủ cho qua cơn đói bụng, nhưng đúng ra anh còn đói thứ khác nữa.
Nhà vắng vẻ, vì từ hừng đông, chị Tư đã dọn hàng cháo đậu ra bán ở gần cổng làng. Anh Tư trằn trọc mãi, không thể tự dỗ giấc ngủ của mình. Không chịu trăn trở nữa, anh ới gọi thằng con trai đang chơi trước nhà. Rồi thằng nhỏ chạy te te ra đầu đường, lớn giọng nói với mẹ: “Má, ổng kêu về kìa!”, và thường là nó nói tiếp luôn như đã được cha mình dặn dò kỹ càng “Về liền đó nha!”.
Người đàn bà ngán ngẩm đậy nắp nồi cháo, cúi cúi mặt và nói rất nhỏ với bà già bán bánh căn ngồi sát bên, nhờ coi dùm gánh hàng một lát. Bước vào nhà, chị chỉ khép hờ cánh cửa, đi thẳng vô buồng, nằm bên cạnh chồng. Anh chồng có thì thầm một, hai câu hỏi ngắn gì đó cho có lệ. Bên ngoài, trời đã sáng rõ nhưng trong căn buồng tối tăm chợt như tối ám hơn nữa khi hai nguời ôm nhau, đúng hơn là anh chồng nhào lên thân thể vợ mình. Chị vợ nằm xuôi xị, quay mặt chỗ khác mà không nhìn vào mặt người bạn đời thô lỗ. Chị buồn bã, câm nín như đang cố gắng chịu đựng một nỗi tủi nhục lớn lao đã kéo dài qua bao năm tháng tháng của kiếp làm vợ…
Một lát sau, nguời ta thấy chị Tư trở ra – không ai dám quả quyết là người đàn bà này đã có thì giờ rửa ráy mình mẩy, chân tay hay không – ngồi bán cháo tiếp.
Còn chồng chị Tư? Tư Dầm đã tự ngủ được sau khi ngủ với vợ. Không khác một đứa trẻ - đã to đầu, lớn xác và vừa được chìu một sở thích nào đó - Tư đã có thể ngủ một giấc tới trưa. Và Tư cũng có thể mặc sức ngủ luôn cho tới đợt làm tình kế tiếp vào ngày hôm sau - lại vào giữa buổi sáng dù vợ anh không hề sẵn sàng chút nào cho chuyện ái ân vì chị lại bận túi bụi cho chuyện buôn bán, kiếm sống cho cả gia đình hằng ngày hằng buổi bấy lâu...
Qua ngày hôm sau, lịch sinh hoạt xác thịt hồn nhiên của anh đàn ông đã bị chao đảo, đột ngột thay đổi ngoài ý muốn của anh. Chị Tư gói ghém một ít đồ đạc, vội vã đi về quê của chị ở tận một huyện xa, thăm bà má đang ốm nặng. “Ông ở nhà một mình ít ngày, coi chừng thằng nhỏ…”, chị căn dặn anh chồng tới lui mấy lần rất minh bạch. Nhưng anh đàn ông lại mơ hồ hiểu khác đi, rằng trúng vào tình cảnh vợ đi vắng, mình phải ở “một mình”, chỉ có nghĩa là anh ta phải chịu đựng nỗi thiếu vắng cữ ân ái đầu ngày, y như phải nhịn ly cà phê không thể thiếu vào bữa điểm tâm sáng hay một món cá mặn quen thuộc ở bữa cơm trưa…
Cái tập quán, hay đúng hơn là thói tật ân ái kỳ khôi, trì độn của Tư Dầm cứ diễn ra hoài sau những đêm anh đi lưới. Lần hồi dân trong xóm làng – không biết bằng cách nào – đều biết hết và nhiều người cho là Tư quá dâm dục. Đúng ra, riêng đối với Tư - nguời đàn ông ít nói, trí tuệ cũng thường câm nín y như miếng cá khô - đôi khi cũng có ý thức phản tĩnh. Chướng thiệt! Mơ hồ anh tự cảm thấy mình không ổn khi cứ ngày ngày, sáng ra là đòi vợ phải ngưng ngang công việc buôn bán kiếm sống ngoài đường cho cả gia đình để tất tả đi nhanh về nhà - cho anh thỏa mãn cơn dâm dục. Nhưng đã nói là anh vốn rất ngại suy nghĩ và rất mau quên là mình đã từng áy náy chuyện gì đó trong đời.
Vợ chồng lấy nhau thì bình thường, không phạm đạo lý gì, nhưng kiểu lấy, ngủ với vợ của anh đã bị người ngoài kết án là bậy, là tội lỗi, dù kiểu thèm muốn của anh hồn nhiên như trẻ thơ vô tội.
Ngay khi còn ngồi trên ghe, lo kéo lưới kiếm cá trong đêm tối, thì y như một đứa bé đang làm một công việc nghiêm túc nhưng lại không tập trung, chỉ háo hức nghĩ về một món đồ chơi, một trò chơi thích thú mà lát nữa nó sẽ được vui hưởng, Tư Dầm đã cứ đực mặt ra, đôi mắt đứng tròng như ngây như dại. Anh chìm ngập trong sự tưởng tượng dai dẳng tới chuyện ôm ghì lấy thân thể trần truồng của vợ mình.
Mà hiện giờ, anh chàng khố rách áo ôm, gần như thất nghiệp quanh năm này còn có thứ hưởng-thụ-cuộc-đời nào khác, có sẵn trong nhà, trong tầm tay với và nhất là, hoàn toàn miễn phí?
Chỉ tội nghiệp cho nguời đàn bà. Ngày ngày, chị Tư phải sống mãi cái kiếp vừa nai lưng bán buôn nuôi con, nuôi chồng, vừa phải chìu chồng y như một ả nô lệ phải cung ứng thân xác mình cho thú vui tình dục của ông chủ. Chỉ nội trong một buổi sáng phải chìu chồng như thế, chị phải cúi mặt chịu đựng - ít nhất là hai lần - cái nhìn của những nguời bán hàng bên cạnh chị cùng khách mua cháo hay ngồi ăn cháo trước mặt chị, khi chị phải đậy nắp nồi cháo để tất tả chạy về nhà và cả khi trở ra ngồi bán tiếp.
Riết rồi thì cũng không còn ai trong làng thèm bàn tán về chuyện Tư Dầm quá dâm, cùng những cữ ái ân thường nhật khi trời đã sáng bảnh mắt của cặp vợ chồng cơ cực, nghèo tiền bạc, nghèo thú vui này.
Cùng một thân phận ngư dân lam lũ, cuộc sống quá khó khăn, quá ít niềm vui và thú giải trí, cánh đàn ông trong làng có thể dễ dàng thông cảm cho anh bạn Tư Dầm. Và trước đó, bọn đàn ông cũng đã kiếm ra lý lẽ để thông cảm cho chính bản thân mình. Cái chuyện thằng Tư Dầm cứ đòi vợ lúc tảng sáng hay chuyện tụi tui mò vô nhà tắm lúc vợ tắm đêm khuya, có gì là tội lệ? Đã là đàn ông còn khoẻ mạnh thì tụi tui phải tự kiếm cách thỏa mãn cho chính mình chớ. Con người chớ đâu phải thần thánh?
Nếu lý lẽ chơn chất nói trên của cánh đàn ông ngư dân may mắn được các nhà đạo đức chia sẻ thì, cứ khi mặt trời thức giấc, mở đầu một ngày mới, Tư Dầm – gã đàn ông điển hình, lại đều đặn nghĩ tới rồi thực hiện luôn cữ ân ái với vợ mình, thì cũng là chuyện bình thường, không có gì khác lạ so với chuyện những người đàn ông đủ mọi lứa tuổi khác lại đều đặn nghĩ tới và đi kiếm cữ cà phê, cữ bánh mì, cữ xôi… Hay nếu không còn sức ân ái, không uống được cà phê vì bác sĩ cấm, không nhai được bánh mì vì răng rụng, như trường hợp các cụ ông lắm bệnh, thì lại có thứ khác để các cụ đều đặn nghĩ tới và đi tìm, đó là thuốc men cữ sáng trị các chứng huyết áp, tiểu đường, phì đại tuyến tiền liệt, gai cột sống…
P.N.