Translate

Libellés

dimanche 3 février 2019

Caroline Thanh Hương và groupe bạn hữu chúc mừng Tết Kỷ Hợi.

tt

Mùa Xuân Áo Hồng (thơ Phạm Sĩ Trung, nhạc Phạm Anh Dũng) Xuân Thanh hát, Quốc Dũng hòa âm


==========

Phạm Sĩ Trung (1944-2008)

==========

Mùa Xuân Áo Hồng

(thơ Phạm Sĩ Trung, nhạc Phạm Anh Dũng)

Em trong áo hồng 
Vui đón Xuân sang 
Hoa đào chớm nở 
Ngàn hoa mai vàng
Yêu em mùa Xuân 
Muôn hoa rực rỡ 
Thi nhau đua nở 
Áo hồng mộng mơ
Mùa Xuân bên nhau 
Yêu em áo hồng 
Hoa đào khoe sắc 
Quyện xác pháo hồng
Áo hồng tung bay 
Trời Xuân nhuộm hồng 
Mây hồng tha thướt 
Mênh mông tình hồng
Áo hồng nên duyên 
Xuân giăng tơ hồng 
Tình yêu kết nốí 
Trong đêm mầu hồng
Anh yêu Xuân hồng 
Anh yêu má hồng 
Anh yêu môi hồng 
Anh yêu áo hồng
Cám ơn anh Phạm Anh Dũng đã gửi nhiều bản nhạc do anh viết thật hay.
Kính chúc anh luôn có những sáng tác mới hay, và êm diụ.
Caroline Thanh Hương

Tết Này Lại Nhớ Tết Xưa.

Tết về Kỷ Hợi sang năm
Trời đông băng giá tuyết băng ngập đường.
Bánh chưng, bánh tét ai mừng
Còn tôi cắm cúi không ngừng rảnh tay.
Việc nhà, việc hãng có hay
Xuân về thì mặc Xuân quay vòng vòng
Cũng là tuổi mới không mong
Khác xưa còn thích, còn trông lì xì.
Áo quần, sắm mới thơm chi
Bánh quà, nghi lễ, xong thì đớp ngay.
Hột dưa đỏ miệng thật hay
Mức dừa, mức bí, mức khoai
Khô nai, khô cá, vịt quay thơm lừng.
Sài Gòn đèn pháo tưng bừng
Ghé ngang đêm đến nhớ dừng chợ Hoa.
Hoa Mai, Vạn Thọ chen nhau
Trái cây bày bán xanh au dưa mình.
Quít xanh dưa đỏ, cam sành
Mua về để có bày nhanh bàn thờ.
Đốt nhan khấn vái  mong chờ
Thành công, như ý, vạn lời chúc cho
Ông, bà, cô bác khỏe lo
Trẻ con mau lớn ăn no vui đùa.

Caroline Thanh Hương
03 tháng 02 năm 2019

Cám ơn anh Nhất Hùng đã gửi nhiều bài thơ đến groupe của chúng ta.
Kính chúc anh luôn có những sáng tác có giá trị.
Caroline Thanh Hương
Cám ơn Đỗ Quý Bái đã gửi những câu đối không thể thiếu cho dịp Tết ta.  



Caroline Thanh Hương

Kính gửi Chị Thanh Hương và anh chị em trong nhóm Cat Bụi đôi câu đối   cho năm Kỷ Hợi câu nào cũng có heo ở trong và tên các tác giả 
Trước thềm năm mới Kỷ Hợi Xin  chúc quý' vị an khang thịnh vượng trong hồng ân Thiên Chúa và ơn của Trời Phật ban cho
Trân trọng 
LTĐQB


From: BAI DO

Subject: CÂU ĐỐI TẾT KỶ HỢI
 

Vế xuât : Lợn cấn ăn cám tốn (Ông Tú Cát)

Vế họa : Chó khôn chớ cắn càn (Trạng Quỳnh)

Vế họa : Cầy khôn nhai xương càn (LTĐQB) (*) 

(*) 1- trong vế đối của tôi dùng chữ Cầy (vần bằng để đối
với Lợn là vần trắc cho chỉnh luật bằng trắc)
2 -  dùng chữ Xương để đối với Cám (hai chữ đều là
Là danh từ cả nhưng( Xương vần bằng) đối với Cám (vần trắc)
Nhờ vậy đúng luật Bằng Trắc hơn câu của Trạng Quỳnh 

CÂU ĐỐI TẾT NĂM KỶ HỢI (thứ nhì )

Vế Xuất  :  Ăn no ủn ỉn lợn kêu ngày (Trạng Trình- ,Nguyên bỉnh Khiêm)

Vế xuất : Gác trộm gầm gừ cầy sủa tối ( LTĐQB)

Trân trọng 

LTĐQB


 tt
 Cám ơn anh Phạm Nga đã gửi bài ký sự.
Kính chúc anh luôn có nhiều sáng tác bài viết, ký sự.
Caroline Thanh Hương



ký

Về Quê Ăn Tết

1.
Xưa nay, đối với hầu hết người Việt phải xa quê hương, ‘tha phương cầu thực’ thì được về quê nhà xum họp với gia đình vào dịp Tết nguyên đán vốn là một hạnh phúc lớn lao, rất sâu nặng ý nghĩa. Ở hải ngoại, khác với nhiều nhóm dân cùng gốc châu Á, có lẽ người Việt mình là sắc dân hay bận rộn nhất về chuyện ‘cày’ kiếm tiền để quay về nước ăn Tết với gia đình, gia tộc. Trước Tết nhiều tháng, các bạn Việt kiều đã đau đáu lo book vé, săn vé giá hạ – để được hưởng vé với giá dễ chịu nhất khi về VN, cố gắng sao để ít nhất cũng phải về đến nhà được trước giờ giao thừa đêm 30 để đón ông bà.
Còn ở trong nước, cũng mang tính chất một món nợ tâm linh, tình cảm đời người như thế, chuyện về ăn Tết ‘bên nội’ hay ‘bên ngoại’ – nhất là có cha mẹ, ông bà nội/ngoại còn sống như đã già yếu, ốm đau… - đôi khi còn gây ra tranh cải, giận hờn giữa nhiểu cặp vợ chồng, từ những đôi lứa còn son, mới cưới cho đến những anh chị ăn ở đã bền lâu, con cháu đã đùm đề… Cũng lạ, vì người ta cãi nhau, giận dỗi, mặt nặng mặt nhẹ chỉ là đề rời bỏ thành phố mùa Tết thật náo nhiệt, đông vui, nhiều thú giải trí ngày Tết để dành nhau dẫn cái gia đình nhỏ của mình về ‘nhà ba anh’ hay ‘nhà bên má em’…, chẳng qua là các vùng quê hẻo lánh, có khi buồn thiu, rất xa Sài Gòn và ‘chẳng có gì cho mấy đứa nhỏ chơi’
Hồi còn nhỏ, tôi đã nhiều dịp tò mò theo dõi cảnh tượng gia đình nhỏ của anh chị mình hay bên hàng xóm, cận Tết là lo tay xách nách mang, quà cáp lủ khủ, tất tả ra bến xe hay hì hụi chất tất cả người ngợm, hành trang lên xe gắn máy để về quê ‘bên ảnh’, ‘bên chỉ’ gì đó để ‘ăn Tết với ông bà già’. Đó là những hình ảnh gia đình rất đời thường, thậm chí các anh chị tôn thờ chủ nghĩa độc thân, sợ gánh nặng gia đình, thê nhi cho như thế là ‘cải lương’, nhưng hiển nhiên cảnh tượng này lại rất đáng yêu, đáng phục vì thấm đẩm tình cảm gia đình, gia tộc nơi con người Việt Nam vốn luôn thương yêu, xem trọng cội nguồn thân thế.

2.
Khi đến lượt tôi lập gia đình, có con cái thì thời thế sau tháng 4 - 1975 đã khó khăn hơn thời anh chị tôi rất nhiều. Gia đình cha mẹ tôi thì ở Sài Gòn, gia đình bên vợ tôi thì ở Vũng Tàu, cách nhau khoảng 100 cây số, còn tôi thì sau ngày học cải tạo về, vừa lấy vợ thì bị chỉ định phải nhận việc ở một nông trường vùng Củ Chi, cách Sài Gòn 45- 50 cây số.  Bên nào cũng nghèo, nhất là nhà bên ba má tôi rất chật hẹp, nên vợ tôi cùng 2 đứa con phải về nhờ đỡ bên nhà ngoại ở Vũng Tàu. Ngày thường thì đã phải sống xa vợ con, cha mẹ nên mùa Tết đến là tôi lại đắn đo và thường là tôi chọn (gọi là) ăn Tết ở quê vợ, vì dù sao cũng là gần vợ, gần con mình.
Thế là, khoảng 27, 28 tháng chạp, từ Củ Chi về Sài Gòn là tôi chỉ ngủ lại một đêm, sáng hôm sau lại tất tả ra bến xe miền Đông đón xe về Vũng Tàu. Cái thời các năm 1976- 1979 ấy, phương tiện giao thông công cộng rất khó khăn, vài năm đầu còn phải đi xe than. Vì xăng dầu khan hiếm, ngày thường xe khách tại bến rất ít chuyến, còn vào mùa Tết, có tăng cường thêm xe nhưng không bao giờ đủ cho nhu cầu người dân đổ xô về quê ăn Tết. Do đó, tôi phải thức dậy lúc 4 giờ sáng, vội vội vàng vàng kiếm xe lam chạy ra bến xe, xếp vào cái hàng người đã dài thượt trước quấy vé, thấp thỏm kiếm chiếc vé giá chính thức quý báu để về quê vợ, mới mong có mặt bên cạnh vợ con trong ba ngày Tết.
Có năm, liên tiếp các chiều 29, 30 tháng chạp tôi lại thất thểu quay về nhà ba mẹ, vì dù nhịn cả cơm trưa, đứng lì tại chỗ, không dám bỏ hàng nhưng kết quả thảm hại là không hề mua được vé chính thức vào các ngày cao điểm cận Tết này. Như vào giấc 5 giờ chiều, hàng người còn không bao nhiêu nhưng loa phóng thanh ở bến đã lạnh lùng thông báo: “Đã hết vé tuyến đường Bà Rịa – Vũng Tàu. Bến xe sẽ bán vé tiếp vào 4 giờ 30 sáng mai. Mời bà con về nghỉ hoặc tìm phương tiện khác mà đi!”. ‘Phương tiện khác’ có nghĩa là xe chui, xe dù đậu rãi rác quanh bến xe, 8 – 9 giờ đêm cũng còn nhưng vé giá chợ đen gấp 2 – 3 lần giá chính thức tại quầy vé.
Tôi buồn rầu, nhớ vợ con đến quặng cả cõi lòng và vô cùng nóng ruột vì thời đó không có điện thoại bàn hay di động tràn ngập như bây giờ để gọi cho vợ con đỡ mong ngóng. Tôi đành đổi chiến thuật, đó là sáng mùng Tết mới ra bến xe. Sáng đó cũng có vài chuyến xe về Vũng Tàu và được cái là khách rất vắng, mua vé chính thức rất dễ… Niềm hạnh phúc lớn lao của tôi năm đó là dù hơi muộn nhưng trưa mồng 1 Tết tôi đã được có mặt bên vợ con ở quê vợ.
Cũng là niềm hạnh phúc đơn sơ, mộc mạc ấy là vào những dịp cuối tháng lãnh lương, tôi lại cố gắng thực hiện hành trình Củ Chi – Sài Gòn – Vũng Tàu, chỉ dài tổng cộng 145 – 150 cây số nhưng rất gian nan.
Từ khoảng 9 – 10 giờ sáng thứ bảy, tôi đã ‘dù’ khỏi nông trường ở xã Cây Trôm (Củ Chi, đúng ra phải 11 giờ 30 mới hết giờ làm việc). Cần nói thêm là trước đó, tôi không bao quên xuống tổ nhà bếp báo cắt cơm, bởi có qui định đi công tác, đi phép, nghỉ bệnh…, phần gạo và tiền thức ăn mình không ăn sẽ được cộng dồn và trả lại vào kỳ lương cuối tháng, mà thời đó thì gạo “tiêu chuẩn” quý giá đến từng lạng (tức 100gr) và sinh hoạt phí (công nhân chưa được trả lương) rất thấp.
Leo qua hàng rào kẻm gai của nông trường bộ là ra gặp hương lộ 7 (dài 3 cây số), dù nắng mưa gì tôi cũng ráng lội bộ thật nhanh ra tới quốc lộ 22 rồi quắt xe Daihatsu hay xe đò nhỏ về ngã tư Bảy Hiền, từ đây lại xe lam, xe bus về bến xe Miền Đông. Phải tranh thủ thời gian như thế để kịp đứng vào hàng, chờ đến 12 giờ trưa là phòng vé rục rịch bán vé tiếp cho buổi chiều.
Không hiểu sao cái gã TNXP nông trường viên gốc nhà giáo, tuổi đã trung niên là tôi thời đó lại giỏi và khỏe thế, vì suốt cuộc hành trình tất tả về thăm vợ con, thường là tôi nhịn đói hay chỉ ‘thủ’ gói xôi hay ổ bánh mì không để ăn trưa, nước uống thì đã có bình toong nhà binh mang theo, nghĩa là làm sao cho ít tốn nhất để tháng lương được giữ cứng nguyên trong túi. Thèm thuốc lá thì tôi đã có loại thuốc ‘cũi’ Quốc Hùng, chỉ mấy đồng là được một bó to kềnh, nhưng khi bụng đói, do lạt miệng mà hút nhiều thì chỉ được cái xây xẩm mặt mày…
Bây giờ nói ra vẫn thấy xấu hổ, là khi ngồi trên xe đò ‘tịnh tâm’ (không ăn nên tâm hồn thanh tịnh!) và ‘tịnh khẩu’ (có gì bỏ vô miệng đâu nên miệng cũng rất sạch sẽ, thanh tịnh!) như thế, tôi đã không khỏi ước ao, thèm thuồng trước đủ các thứ món ăn vặt, giá rẻ mạt, bán tại bến xe hay ở những chặng xe dừng bắt thêm khách, bất kể là ổ bánh mì thịt, gói xôi mặn tôm khô, chai nước ngọt hay củ khoai lang, khoai mì, bịch mía ghim…
Còn xấu hổ hơn là một lần, khi xe dừng lâu ở ngã ba Vũng Tàu, quà bánh rao bán nườm nượp, ngồi bên cạnh tôi là một anh nói giọng Bắc, mặc sơ mi trắng đàng hoàng, đã mua một túi nylon đậu hủ chiên chấm muối tiêu, mời tôi một miếng nhưng tôi ‘lịch sự’ từ chối.
Tôi làm bộ ngó chỗ khác – khốn nỗi ngay lúc này bao tử tôi lại chơi xấu, cứ sôi lên òn ọt như kêu gào, nhắc nhở… – khi anh ta nhấm nháp hết miếng đậu thứ nhất. Rồi anh lại gật gù: “Chà, cái thứ quà này rẻ thôi mà ăn cũng thích thích ấy chứ!”, rồi quay sang tôi chìa bịch đậu ra ân cần mời lần nữa:“Này, anh cứ thử một miếng đi, quà vặt rẻ mạt ấy mà, có gì mà ngại!”.
Trước thành ý của người lạ này, tôi đã buông thả ý thức tự trọng mà mình, ‘nhắm mắt đưa …tay’ mà nhón lấy một miếng đậu hủ.
Xưa nay, đối với nhiều người, có ai lạ gì món đậu hủ chiên nhưng lúc này, riêng đối với tôi, phải nói là cái miếng đậu hủ nhỏ chỉ bằng hai ngón tay, đạm bạc và lạt lẽo ấy lại ngon, thơm cực kỳ! Nhưng đồng thời tôi cũng chua chát nhận ra là trước đó vài phút, cái mà người ta xem chỉ là “quà vặt, rẻ thôi mà” ấy mỉa mai lại có luôn trong danh sách những thứ mà tôi đã xốn xang ước gì mình có thể thong dong mua ăn – một tí thôi – để dỗ dành cái dạ dày lép kẹp.
Suốt chuyến đi gọi là ‘về quê ĂN tết’ thời ấy – đúng là một thảm kịch vong thân bởi cái ĂN, tôi đã chịu đói đến hoa mắt, mệt mỏi giằng co giữa một bên là ý định bỏ đại ra vài đồng mua cái gì đó ăn cho đỡ đói, một bên là quyết tâm phải hết sức tiện tặn, giữ thật nguyên vẹn số tiền lương còm cõi để giao hết cho vợ con…

3.
Mấy năm gần đây, mới rằm tháng chạp thôi mà đã có nhiều công nhân, gốc dân nhập cư, sống tập trung tại các khu nhà trọ nhếch nhác ở vùng ngoại ô Sài Gòn lo gói ghém đồ đạc về quê ăn tết sớm…
Khi đi kiếm tư liệu viết báo xuân, ở bến xe miền Đông hay các bến xe “chui” ở Thủ Đức, tôi đã có dịp gặp gỡ một số anh chị em công nhân âm thầm, lặng lẽ kiếm xe về các tỉnh miền Trung, miền Bắc.
Lẽ thường đi làm ăn xa nhà, vất vả cả năm qua, nay về quê nhà thì phải vui vẻ, hớn hở, nhưng đối với những anh chị em công nhân này, nói “về quê ăn tết” mà cứ nghèn nghẹn trong lòng… Lý do thật đơn giản: người thì mới thất nghiệp vì nhà máy đóng cửa; kẻ bị cho tạm nghỉ vì công ty giản ca, thiếu việc; một số người khác thì không còn khả năng tiền bạc hay cơ hội để níu bám cái thành phố phía Nam “dễ sống” này nữa. Riêng một số người vừa mất việc, không tìm được chỗ làm mới, chỉ còn biết cầm cự chờ lãnh được lĩnh số lương cuối ở chỗ làm cũ là về quê ngay.
Đứng ở lề đường chờ xe, cô Phan Thị Hường, công nhân công ty may mặc Hàn Việt (Gò Vấp) trông rất xanh xao. Suốt hai tháng qua, Hường lây lất sống chỉ với 1 triệu đồng tiền lương công ty tạm trả. Không thể chịu nổi cảnh sáng nhịn đói, trưa ăn mì gói, tối cũng lại mì gói, để chờ ngày công ty trả số lương còn nợ, cô đành về quê sớm, có ở lại làm cũng chẳng biết công ty có trả thêm tiền hay không nữa.
Còn chị Lê Thị Liệu, quê ở Thanh Hóa, công nhân công ty Fotai (Bình Dương), kể: “Mấy tháng qua thiếu việc triền miên, bây giờ ở lại cũng chẳng có việc gì nhiều, tôi về sớm để giúp cha mẹ chặt mía, nhổ khoai, cấy lúa…  Lương tháng 12 cộng với tiền tiết kiệm cả năm cũng chỉ được hơn 2 triệu đồng, tôi mua vé xe hết 600.000 đồng, trả tiền phòng trọ và các chi phí khác coi như cạn, chỉ dư để mua mấy bịch bánh và bộ quần áo cho đứa em nhỏ ở nhà. Nhưng có chút tiền về quê như tôi là may rồi. Nhiều bạn tôi trong xưởng còn không có tiền để về …”. 
Anh Nguyễn Văn Bắc, đón xe về Quảng Bình, đã so sánh: “Mấy năm trước, những ngày cận tết công ty nhiều việc, tụi tôi tăng ca suốt, phải đến 28, 29 tết mới được nghỉ về quê. Tuy cực mà vui. Năm nay làm một ngày nghỉ đến ba bốn ngày, đồng lương vì thế bị teo tóp theo số ngày nghỉ, tiền thưởng cũng không nghe nói gì…”. Còn chị Ánh, làm ở công ty may Phú Xuân, thì lo lắng:  Đồng nghiệp của tôi cũng về quê nhiều lắm, lĩnh được lương là về chứ chẳng mong gì tiền thưởng tết. Qua năm chắc lại vào làm công nhân tiếp, nhưng hiện công ty đang gặp khó khăn, nghe đâu sẽ thải nhiều công nhân. Về quê ăn tết, ai vui chứ mình thì cứ phập phồng lo lắng”.
Đứng đón xe gần đó, một anh công nhân khác than thở: “Tôi tiễn mẹ con cháu về quê sống với ngoại luôn. Vợ tôi cũng làm công nhân, cũng thất nghiệp rồi. Còn tôi, qua tết không biết có nằm trong danh sách công nhân bị nghỉ hay không…”.  Vợ anh xách cái giỏ cói - bên trong đựng lèo tèo vài bộ đồ cũ, ôm con lên xe mà bật khóc thành tiếng. 
 
Còn ở khu phố tôi ở, có chị hàng xóm là Nguyễn Thị Gái (quê Thanh Hóa) cũng miễn cưỡng về quê ăn tết sớm.  Vào Nam đã 2 năm, không có tay nghề gì để làm công nhân, chỉ kiếm sống bằng việc thu gom ve chai. Năm ngoái, chồng chị vì đau ốm mãi nên cũng đành bỏ lại cái xe đạp thồ, trở về quê, trở lại với hai sào ruộng xấu và hai đứa con nheo nhóc. Chị Gái một mình ở lại, chia chỗ ngủ trọ cùng các đồng hương với mức 300,000 đồng/tháng và ngày ngày, chị len lỏi đi thu gom ve chai ở những con hẻm vùng Gò Vấp. Vốn liếng vỏn vẹn khoảng 300,000 đồng, thu được mớ nào thì chở ngay đến vựa, cân ngay để lấy lại tiền mà đi tiếp. Cứ “con thoi” liên tục như thế chị kiếm được khoảng 50,000 – 70,000 đồng/ngày.  Nhưng vào thời điểm ấy, đồ ve chai xuống dốc thê thảm.  Giấy cạc-tông cũ, lúc trước bán cho vựa được 2000 đồng/kí (chị Gái cân mua  1000 đồng) thì hôm qua vựa chỉ thâu vô giá 800 đồng. Chủ vựa cho biết là do nhiều công ty ngưng hay giảm sản xuất hàng hóa, bao bì ứ đọng nên cơ sở tái chế giấy cạc-tông cũng ngưng hoạt động. Còn về bao ny-lon, mủ (nhựa PP, PVC) còn tệ hơn. Bao nylon “xa cạ” lúc trước cân cho vựa được 2000 đồng/kí, nay chỉ còn 700- 800 đồng và chủ vựa cũng vừa báo là ngưng lấy mủ. Lý do là khách mối của vựa, một cơ sở chuyên tái chế đồ mủ đã bị ngành vệ sinh – môi trường đến lập biên bản về tội gây ô nhiễm, tịch thu luôn mấy tấn mủ cũ đã cắt nhỏ, coi như rác thải.
Ngày 19 ta tháng chạp, chị Gái đành gói ghém đồ đạc vể quê. Ngày 21 ta thì vựa ve chai mới nghỉ nhưng những ngày này, có đạp xe đi gom cả ngày cũng chỉ được 60,000 – 70,000 đổng. Vả lại, chỗ xe “chui” quen biết đã thông báo rằng sau ngày 20 ta, vé xe sẽ tăng thêm cả trăm ngàn! Và phải mất hai ngày hai đêm, ăn ngủ vật vả, cực nhọc trên xe, chị mới về đến quê Yên Định, Thanh Hóa…
Ở tiệm sửa xe gắn máy quen ở gần nhà, tôi thường gặp anh thợ trẻ Trần Văn Minh (quê ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Sau 3 năm học nghề và ra thợ, cuộc sống Minh tạm ổn định với mức lương thợ chính là 3 triệu đồng/tháng. Vợ Minh cũng theo chồng vô Sài Gòn nhưng chỉ có thể phụ bán cà phê kiếm thêm chút tiền và lo cơm nước tiện tặn, vén khéo ở căn phòng trọ “chật như cái lỗ mũi” của cặp vô chồng son chưa hề dám có con.
Mùa Tết năm ngoái còn tương đối dễ thở nên ngày 29 tết, vợ chồng anh Minh đã về quê ăn tết, xum họp gia đình. Đặc biệt là họ chủ động đi bằng xe gắn máy nên tránh được cái khổ nạn tàu, xe mùa tết. Dành dụm kiếm được một chiếc Wave Tàu cũ, anh thợ giỏi đã chăm chút phần máy xe thật kỹ lưỡng. Thế là, khởi hành từ 4 giờ sáng, ngày đi đêm nghỉ, họ đã mất gần hết hai ngày để vượt qua bao nắng gió, bụi bậm của quãng đường dài thăm thẳm là gần 1000 km từ Sài Gòn về Quảng Nam, mới kịp về đến quê nhà vào trưa ngày 30 tết.
Còn tết năm nay, lương hướng không tăng chút nào vì mới Tết tây, đã thấy khách sửa xe, tân trang xe để đi chơi mùa tết thưa vắng hơn năm ngoái. Chủ tiệm hứa cho tiển thưởng tết sẽ là 1/4 tháng lương - không còn được 1/3 tháng lương như năm ngoái – nhưng buộc thợ phải giao xong chiếc xe cuối cùng cho khách vào tối 30 thì mới được nghỉ tết, nhận tiển tết.
Vậy là năm nay, giống như nhiều người nhập cư chịu thương chịu khó kiếm sống giữa đất Sài Gòn, Minh sẽ làm lụng cật lực cả vào đêm giao thừa, chờ đến mờ sáng ngày đầu năm mới thì vợ chồng anh thợ này mới có thể khăn gói lên đường về quê ăn tết ở tận Quảng Nam bằng chiếc xe gắn máy cũ mèm, rong rủi nắng mưa trên đoạn đường dài cả ngàn cây số…

PHẠM NGA thực hiện





tt
tt

Cám ơn anh Tha Nhân đã gửi thơ Xuân góp vui với groupe của chúng ta.
Kính chúc anh luôn an vui, nhiều sáng tác.
Caroline Thanh Hương


CHÚC MỪNG NĂM MỚI
Hướng về cố quốc chúc Quê Hương
Thoát cảnh oan khiên cảnh đoạn trường
Dân Việt cầu qua cơn nhục nhã
Giang Sơn xin vượt mối tang thương
Con Hồng trí quyết xây tân tiến
Cháu Lạc tâm kiên dựng phú cường
Nòi giống Rồng Tiên mau dấn bước
Cờ Vàng phất phới khắp Quê Hương!!
Tha Nhân

Có ý tưởng phân biệt giữa Tết và Xuân - Tết (Tết âm lịch) chỉ là cái mốc thời gian, mỗi năm đến với mọi người một lần, trong khoảng giữa tháng một và tháng hai dương lịch. Nhưng Xuân thuộc về cảm nhận của trái tim. Xuân luôn có mặt từng ngày nếu người ta có thề nhìn ra, không nhất định phải là ngày Tết mới có Xuân. Nếu tâm an bình và vui sống thì Xuân đến với mình bất cứ nơi nào và bất cứ ở đâu. 
Bài thơ "Xuân dân tộc" dưới đây đã mở rộng ý tưởng phân biệt trên theo hướng của những suy nghĩ, ưu tư, đắn đo và mong ước của không chỉ riêng người viết, mà còn của bao nhiêu người Việt trong và ngoài nước, vẫn canh cánh với sự tồn vong của đất nước và dân tộc Việt Nam. Ở đó, ngày Xuân của dân tộc, ngày Tết của quê hương chính là ngày không còn khác biệt giữa Xuân và Tết, chính là ngày người Việt không còn lưu lạc ngay tại quê nhà sau khi đào mồ chôn loài quỉ đỏ ...

Kính chuyển đến diễn đàn.


Xuân dân tộc


Ai bảo Xuân là Tết?
Ai bảo Tết là Xuân?
Hai câu chừng lẩm cẩm
Mà có lý quá chừng!

Tết đâu chắc là Xuân
Xuân đâu cần phải tết
"Hạnh phúc ở trong tâm"  (1)
mới là Xuân bất diệt!

Nhưng hạnh phúc chết tiệt
Đã mất bao năm rồi
Từ khi loài quỉ đỏ
tràn ngập đất nước tôi.

Và cái tâm ngơ ngác
Đã mất dấu thiên đường
Từng bước chân lưu lạc
tìm sao gặp quê hương?

oOo

Từ đó Tết và Xuân
Mỗi ngày thêm cách biệt
Tan tác đau ngày Xuân
Da diết buồn ngày Tết.

Tết mà hận thống thiết
trên đất nước thân yêu
Triệu người con mẹ Việt
Hồn xác còn liêu xiêu.

Nên Tết không phải Xuân
Và Xuân không có Tết
Xám xịt trên quê hương
Một màu tang chờ chết.

Khốn cùng và phẩn uất
Giữa tù ngục bao la
Tù ngục khắp cả nước
Lưu lạc tại quê cha.

oOo

Chừng nào Xuân là Tết?
Bao giờ Tết là Xuân?
Khi triệu triệu dân Việt
Nhìn nhau ngấn lệ mừng.

Không còn thân lưu lạc
nơi đất tổ quê cha
Thôi khốn cùng phẩn uất
Tù ngục cũng tiêu ma
Không còn màu xám xịt
chờ chết nơi quê hương
Không còn đau tan tác
Không còn da diết buồn
Đào mồ chôn quỉ đỏ
Chia cách Tết và Xuân.

Ngày Xuân của dân tộc
Ngày Tết nơi quê tôi
Cái tâm thôi ngơ ngác
An nhiên một nụ cười.

Ngày Xuân của dân tộc
Ngày Tết nơi quê tôi
Tình người nào bát ngát
mênh mang tiếng ru hời.

(1) Trích "Xuân trong tâm", thơ Cát Bụi.

hưhao
12.2018

Kính chuyển
HV (HVC )


KHI MÙA XUÂN ĐẾN
XƯA
Em ơi! Trời thương nên buông nắng
xuống trần hong những mảnh tình chung
cho tim cằn trỗi màu xuân thắm
màu của hương yêu ngát muôn trùng.

Ánh xuân nào chập chờn ẩn hiện
như cánh áo Em bẽn lẽn bay
Trong nhịp thở Đất, Trời luân chuyển
có tay đan mộng thắm, tình đầy.

Hạnh phúc thắp nến hồng soi lối
khi nụ hôn e ấp trao nhau
Tình yêu đến cho tim mở hội
Ngoài kia Xuân khoe sắc muôn màu.

NAY
Xa quá đỗi phố hoa xưa chung bước
Tôi quen rồi lúc trống vắng, cô đơn
Chốn hà phương nhìn đá dựng, mây vờn
Xuân dù đến chỉ lạnh thêm đông giá!

Loay hoay bước trên phố phường xa lạ
Nhìn quanh mình chỉ thấy khói sương
Màu cô tịch đang ngày đêm lan tỏa
nên xuân quang còn cách vạn dặm trường.

Không có mai, đào để mừng Xuân đến
Đành mượn hoa lòng thắp ánh xuân tươi
Em ơi! Gắng đợi chờ nhau trên bến
Chuyến hồi hương sẽ rạng mắt môi cười!
HUY VĂN