Translate

Libellés

dimanche 25 septembre 2022

Phạm Nga và tản văn TẨN MẨN NHỮNG NỖI QUÊN, NIỀM NHỚ… và nghe thơ Thanh Hương phổ nhạc Nhớ Hay Quên.

Kính gửi quý anh chị bài tản văn của anh Phạm Nga và nghe lại một bài thơ của  Thanh Hương được phổ nhạc Nhớ Hay Quên.

tt 

Hiện tượng bệnh Covid lâu dài ra sao, mời quý anh chị vào đọc trong bài viết của báo Capital khi nhấn vào đường dẫn dưới đây.

 

Le Covid long, vecteur de disparités raciales et médicales aux Etats-Unis

Từ ngày ai mang căn bệnh mới Covid, sau đó tuy được thoát cơn hiểm nghèo, nhưng thần kinh rất nhiều người suy sụp gây ra những căn bệnh mới dưới hình thức bị stress...

Việc ra vào bệnh viện trở nên mối âu lo cho những người lớn tuổi, nhưng chúng ta phải chấp nhận sự rủi ro của cuộc đời.

Còn sống là còn trả nợ và bị lão hoá cũng là quá trình mà ai cũng phải đến nếu sống thọ.

Chúng ta sẽ là gánh nặng của người người thân và của xã hội và vì thế cứ vui sống thôi, hãy quẳng gánh lo âu đi, vì chuyện gì đến sẽ đến.

Chúc anh Phạm Nga và quý anh chị một ngày vui.

Cám ơn anh Phạm Nga đã gửi bài mới mà tôi thì chỉ kịp lưu vào blog hai tuần sau khi nhận được, mong quý anh chị thông cảm.

Nghe đọc sách Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống  


Tản văn

 

TẨN MẨN NHỮNG NỖI QUÊN, NIỀM NHỚ…

 

1.

Vài năm gần đây, càng bước vào tuổi già tôi càng hay sống hoài niệm quá khứ, thường chạnh lòng nhớ tới những điều xưa cũ, như những kỷ niệm, những biến cố, những gương mặt người thân, bạn bè… đã một thời hiện diện trong cuộc sống của mình.

Thường tự nhiên mà nhớ, mà lục lại kỷ niệm chứ ít khi cần ai hay điều gì tác động. Riêng vào các thời điểm kết thúc năm tháng, giao mùa mưa nắng… thì lại càng nhớ, ray rức, muộn phiền.

Có phải là điều dở hơi, lố bịch không một khi đã nhẹ gánh cơm áo, bớt đi nỗi lo vật chất như đa số trong chúng ta hiện nay thì có lúc chúng ta biến thành loài nhai lại kỷ niệm hay loài gặm nhấm cảm xúc, cứ như bày đặt sống “tâm linh”?

Thiển nghĩ, trong toàn bộ những khổ đau đời người, có cái thứ khổ âm ỉ ngấm ngầm đến từ hai thứ nợ: nợ từ quá khứ/sự nghiệp thăng trầm và nợ từ chia lìa, mất mát bởi “sinh ly, tử biệt”. Thành ra, khi no-cơm-ấm-cật ngồi buồn một mình hay chỉ bởi một chút khơi gợi tình cờ từ sinh hoạt, tin tức hằng ngày, mình lại chạnh lòng, như nhớ hai đấng sinh thành đã khuất bóng, nhớ những anh em trong nhà và bạn bè cố cựu đã chết khi còn trẻ hay chỉ mới trung niên - chưa kịp nếm mùi tuổi già; nhớ con gái còn chật vật ở xứ người; nhớ bạn thân vừa trải qua sinh tử trong ca mổ tim…. Xin lỗi – nhớ cả con chó xù Nhật-lai-ta tên là Misa, chỉ được nuôi bằng cơm thừa canh cặn thời vợ chồng mình còn khó khăn, thiếu thốn và nó đã chết vì già yếu, trong khi con Misa ngày nay (đặt cùng tên để tưởng nhớ Misa trước) được ăn món ngon, món sạch mà còn chãnh chọe không chịu….

Đúng ra là từ lâu hơn – cỡ chục năm gần đây – mình đã hay bị những đợt nhớ/quên chập chùng. Như vào cuối năm nào đó, bạn bè nhóm Triết thời cùng học Văn Khoa đông vui họp mặt Noel. Ngồi giữa tiệc vui lại chạnh nhớ những bạn vì cách xa địa lý, không thể có mặt cùng những bạn đã về cõi Vĩnh Hằng. Càng đông vui càng nhớ các bạn ấy thấm thía! Rồi nhớ, dù ngày bạn mất mình có cùng vài người bạn trong nhóm đến giúp tang ma và chuyển số tiền tương trợ do các bạn ở xa gởi về, và dù mình có dự bữa giỗ bạn một hai năm đầu, nhưng tệ là mấy cái tết rồi mình đã không ráng sắp xếp ghé thăm – chí ít cũng phải có điện/thư thăm hỏi – gia đình, con cái của bạn.

2.

Trên tất cả, mỉa mai nhất đến phải nhớ nhất là lần chính thức bị người khác vạch ra chứng hay quên của mình. Sau ngày dính Covid (tháng 11/2021), trí nhớ mình sa sút thấy rõ. Nghe dư luận râm rang nói về hội chứng hậu-Covid, mình tìm đến BV Thống Nhất ở Tân Bình. Hơn 10 năm trước, mình đã đến Lão khoa của BV này để chữa hiện tượng hay quên, hay ‘lẫn’. Nay (năm 2021), khoa Lão đã bị dẹp, khoa Tâm thần kinh bao luôn chức năng, nhiệm vụ của khoa này. Nghe mình khai bệnh xong, bác sĩ hỏi vài câu rồi bảo “Chú lập lại và ghi nhớ tên 5 món vật này nhé. Cái bàn. Cây viêt. Máy đo huyết áp…”. Bệnh nhân 73 tuổi lập lại xong xuôi, bác sĩ nói sang vài chuyện khác và đột ngột hỏi “7 lần 9 là mấy? Chú nhớ không?” rồi  “26 trừ 12 còn bao nhiêu?”., và cái kiểu làm toán nhanh này cũng được đưa ra 5 lần. Làm toán xong, bác sĩ bảo kể tên 5 món vật vừa nêu tên. Kết quả: bệnh nhân 73 tuổi chỉ nhắc lại được tên 3/5 món đồ vật phải nhớ, nghĩ mãi cũng không nhớ nổi 2 món còn lại; đồng thời chỉ làm đúng/nhanh được 3/5 bài toán nhanh, 2 bài toán cỏn lại thì ngắc ngứ, làm nhẩm trong đầu rất lâu mà cũng không đáp được… Ra toa thuốc, bác sĩ kết luận rằng bệnh nhân bị “Rối loạn trí nhớ - Rối loạn nhận thức (nhẹ) – Trầm cảm (nhẹ)”và an ủi “Về nguyên nhân bác bị những rối loạn trên thì chưa có chứng minh chính thức là hậu-Covid mà rất có thể là do mất ngủ kéo dài và lo nghĩ – như bác đã khai. Nay BS cho thuốc uống 1 tháng xem sao. Thuốc ngủ trong toa thì bác nên uống, đừng bỏ bởi ở đây BS cho liều nhẹ nhất, đừng ngại bị lậm thuốc ngủ. Bác cũng cần ăn uống, nghỉ ngơi, vận động tốt. Tháng sau nhớ đi tái khám”.

 

2.
Mặt trái của Nhớ là Quên. Sự quên lãng phá hoại những ghi nhớ chắt chiu của mình. Như có lần, đang lúc bận chạy công việc gấp ở vùng Phú Nhuận thì tình cờ gặp chị bạn, dáng gầy yếu trong bộ nâu sòng, chị lầm lũi băng qua đường… Định bụng phải tìm lại ngay hay hỏi bạn bè số điện thoại/số nhà chị để ghé thăm, thì lần lữa qua ngày qua tháng, đã quên mất dự tính này. Hay nhóm thân hữu thời trung học đã báo cho biết phải lo ghé thăm một bạn cùng lớp ngay đi vì chị ấy đã dính ung thư, tiên lượng chỉ 6 tháng – 1 năm. Vậy mà, dù bạn ấy chỉ ở Tân Định, cách nhà mình ở Bình Thạnh chừng 3-4 cây số chứ xa xôi cách trở gì, đến nay mình vẫn chưa…, còn không rõ là bạn còn sống không nữa. Hay do trí nhớ sút kém, định bụng lập một folder đặc biệt trên laptop, hay ghi luôn vào cuốn sổ riêng (vẫn dành để ghi chép những ngày giỗ quan trọng trong gia đình và giòng họ nội/ngoại, bên chồng bên vợ…) những sinh nhật và ngược lại – ngày mất của nhưng người thân và bạn bè, để đến lúc cần là kịp gởi lời chúc hay nhắc anh em trong nhà chuẩn bị giỗ chạp. Đến nay folder này đã có trong PC nhưng còn thiếu sót nhiều và rất chậm được cập nhật. Tất nhiên trên net (Facebook, Netlog…) cũng có trò ‘nhắc tuồng’ khi đén sinh nhật của bạn này, bạn khác để mời mua/gởi quà tặng, điện hoa nhưng không thể nào đầy đủ về danh sách người mình kết bạn.

 

3.

Lại chợt nhớ ngày xưa, thời học Văn Khoa, mê nhạc Phạm Duy , trong tình khúc ‘Ngày đó chúng mình’ của ông có mấy câu thấm thía: “Ngày đó có em đi khỏi đời rồi / Và trăng sao đã tắt dưới trời tăm tối”…, đang lúc thất tình – không thể nào nhớ là bởi hình bóng nào nữa – mình bày đặt làm riêng lời kết cho tình khúc đau thương này, rằng “Ngày đó có nhớ thương hiện thành người”, có điều là mơ hồ, nếu bị ai tra vấn thì không hề trả lời minh bạch là ‘nhớ thương’ ai. Ngày nay, cũng thỉnh thoảng là những nỗi nhớ, nỗi thương mông lung, bảng lãng như thế, hay vài khi tâm trạng có bám chút ít vào từ khuôn mặt, kỷ niệm, hình ảnh nào đó thuộc về chuyện cũ/người xưa một thời, nhất là bám vào các nguyên mẫu mà mình có thể đem pha trộn, hình thành các nhân vật trong truyện…

Lẽ nào ở tuổi đời trên ‘7 bó’ mệt mỏi này, còn chút gì đó sống động – vài khi cũng có thể chợt hưng phấn một cách kỳ chướng rồi…tắt ngủm! – trong trí tưởng tuổi già, giúp cho mình không rơi vào tình trạng dửng dưng, vô cảm trước cuộc sống, thì chiếm lấy mi-crô và sân khấu hiện giờ lại toàn là những nỗi nhớ, những hoài niệm, những ân hận, những tiếc nuối… chứ không phải những hy vọng, những ước mơ, những dự phóng đã trễ muộn nếu còn muốn và ráng thực hiện trong phần đời còn lại?

Thôi thì, những lúc được ngồi giữa bạn bè ít khi đông đủ như ý muốn nhưng cả đám vẫn vui vẻ, ấm cúng, như có anh bạn sẵn sàng tranh cãi chí chát chuyện không đâu, có cô em sẵn sàng tin là có rượu uống tiếp mới vui…, mình vẫn thầm tạ ơn đời, tạ ơn cuộc sống đã cho mình khi sống/đến với bạn bè đã không đến nỗi bị lẻ loi, cô quạnh giữa chợ đời, còn có bằng hữu chịu khó nghe/xem/đăng những điều mình giải bày như tâm sự vụn vặt, kể cả những suy nghĩ, cảm nhận bi quan, ám tối.

 

PHẠM NGA

(Sydney, cuối đông 2022)