Bài này anh gửi cho tôi lúc hồi âm, tôi vô tình đã cho vào corbeille, may sao thấy chưa đọc nên lưu lại post vào blog cho anh.
Đúng như anh nói trong bài là nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề mà ai trong chúng ta thường mong ước.
Mời quý anh chị cùng đọc nhé.
Cám ơn anh Phạm Nga đã gửi bài và hình cho groupe của chúng ta.
Caroline Thanh Hương
Tản văn
MỘT
TIẾNG KÊU “THẦY”
(Bài
2)
1.
Sau
biến cố 30 tháng 4, gặp thời thất nghiệp tôi đi phụ hồ, phụ mộc, phụ chạy ống
nước… kiếm sống thì quen anh A Chúng, gốc người Quảng Đông, cũng dân học tập cải
tạo, từng ở trại hơn chục năm bởi làm bên ngành ANQĐ. Trong đám thợ đi sửa nhà,
cất nhà, anh cựu “mất dạy” là tôi khi làm thợ phụ, thợ vịn cho công việc nào đó thì phải mất một ít thời gian mới thạo việc.
Còn anh Chúng, cũng gốc lính tráng chứ nào phải thợ thuyền nhưng đã tỏ ra là thợ
chuyên nghiệp thật sự khi chúng tôi lãnh chạy ống nước. Đó là anh đã có thể vẽ
ra giấy nhanh, gọn các sơ đồ hệ thống nước sinh hoạt sẽ làm và tính luôn ra sẽ
cần bao nhiêu thước ống nhựa với kích cỡ nào, bao nhiêu cái cút, măng-xông, rôbinê, tê… (1).
Có
lần, khi cà phê cà pháo, tôi nức nở khen
tài nghề của anh Chúng:
“Nhà
lầu mà anh vẽ sơ đồ chạy ống một hơi ba tầng, phân minh, đâu ra đó ngon lành thì
anh đúng là ông thầy!”
Anh
Chúng cười:
“Ông thầy gì, nhờ hồi trước khi vô lính,
tôi có đi phụ ông chú làm thầu khoán nên biết cái vụ chạy ống nước thôi. Còn
anh, hồi trước dạy học mới đúng là sư phụ.”
Nhân
lúc rỗi rảnh, ông bạn người Hoa mới phân tích rằng theo từ điển phổ thông, từ phụ (父) mang nghĩa “cha,
bố, người đàn ông được tôn kính” thì có nhiều từ ghép, nhiều nghĩa khác nhau
(2). Trong đó, từ ‘sư phụ’ tức ‘ông thầy’ đã nghiễm nhiên được liệt vào hàng
‘ngũ phụ’. Anh Chúng nói rõ hơn, rằng
theo dân gian người Trung Quốc, riêng bên nam giới thì trong cuộc đời mỗi người
thông thường có ‘ngũ phụ’, coi như
‘năm ông cha’ có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng, bởi mỗi vị này theo cách
riêng mà cùng tham dự vào quá trình trưởng thành, phát triển nhân cách của
mình. nên mình phải một mực tôn kính suốt đời, cả lúc các vị ấy còn sống lẫn
khi đã qua đời. Đó là thân phụ, sư phụ,
nhạc phụ, dưỡng phụ và giáo phụ,
tức: cha ruột, thầy dạy chữ/dạy nghề/dạy võ…, cha vợ, cha nuôi và vị linh mục.
Riêng giáo phụ chỉ có nơi những tín đồ
Thiên Chúa giáo, từ khi tôn giáo này xuất hiện và truyền đạo tại Trung Hoa qua
các linh mục trong nhà thờ (3).
Vừa
rồi, dù chẳng ai là học trò ai về một môn học văn hóa hay một nghề nghiệp nào nhưng
do mến nhau, phục nhau mà tôi và anh Chúng gọi nhau là ‘sư phụ’ hay ‘ông thầy’.
Thực tế xưa nay là người đường phố -
nhất là giới giang hồ, cũng không cần đến quan hệ thầy trò về học chữ hay học
nghề, chỉ do tình cảm nể phục kiến thức hiểu biết, tay nghề, cách cư xử… của một
người là sẵn sàng xưng tụng người đó “sư
phụ”, “ông thầy”. Chẳng hạn trong một bữa nhậu, có người nọ thật khéo tay, mở
chai rượu chát chỉ với đôi đũa, cần gì tới cái xoắn “ruột gà”, hay người kia có
cách thật hay là khử tiệt mùi hôi của da con vịt làm món gỏi bằng gừng giã tẩm
rượu …, trong bàn đã có người buột miệng gọi ngay là “Ông thầy!”, “Sư phụ!”.
2.
Xa
xưa, bắt đầu từ thời Pháp thuộc, không chỉ dùng để gọi người làm nghề dạy chữ,
dạy nghề, tiếng “thầy” còn được dùng
cả với người đáng kính trọng bởi có học thức hay làm nghề đòi hỏi chữ nghĩa, đặc
biệt là tiếng Pháp một thời, cả những viên hạ sĩ quan quân đội thuộc địa, như: thầy phán, thầy thông (ngôn), thầy ký, thầy cai, thầy đội…
Người
làm một số nghề nghiệp đáng trọng nễ khác, thuộc thành phần trí thức thời hiện
đại hay nho sĩ thời “Nhất sĩ, nhì nông”
xa xưa trong xã hội ta cũng được đại chúng, thay vì gọi bằng tiếng Hán Việt trịnh
trọng, thường gọi nôm na “thầy” cho gọn
và dễ hiểu hơn, như: thầy thuốc (bác
sĩ/y sĩ), thầy cãi, thầy kiện (luật sư/trạng sư), thầy võ (võ sư), thầy lang (lương y), thầy thuốc
bắc/ thầy thuốc nam (đông y sĩ / y sĩ y học cổ truyền), thầy mằn (đông y sĩ chữa tổn thương ở
xương khớp) và thầy đồ (nho sĩ /nho sư).
Riêng‘thầy đồ’ là các thư sinh môn đồ Nho học,
chỉ đỗ bậc Tú tài trong kỳ thi Hương, còn thất bại trong các kỳ thi cao hơn là thi
Hội, thi Đình (mà ra làm quan), thì thưpờng lui về quê nhà làm thầy dạy chữ Nho
cho lớp trẻ hậu bối, điển hình như thầy đồ
Nguyễn Đình Chiểu/ Đồ Chiểu (1822-1888), nhà thơ lớn nhất của miền Nam Việt Nam trong nửa
cuối thế kỷ 19, tác giả truyện ‘Lục
Vân Tiên’.
Bên
cạnh đó, vài nghề không chính thức có tên trong danh sách các ngành, nghề của Bộ
Xã hội, như: thầy chùa, thầy pháp, thầy
bói, thầy (xem) tử vi, thầy (xem) tướng, thầy (xem) phong thủy, thầy tụng, thầy
cúng cũng được người mình gọi là “thầy”
do những công việc họ làm được đại chúng coi là uy nghiêm, cao đạo bởi liên
quan đến lãnh vực tín ngưỡng, tâm linh.
Có
điều là, nhắm vào lòng tin của bà con trong các tín ngưỡng dân gian – nhất là của
giới bình dân, học vấn hạn chế - một số thầy
trong danh sách nêu trên đã mưu đồ trục lợi, dựng lên các chuyện mạng số, đại hạn
xui rủi, hồn vong theo ám.v.v… để khuyến dụ gia chủ bỏ ra tiền bạc, ngân lượng đưa quí thầy đứng ra cầu xin với thánh thần hay người khuất mặt, hay vẽ tá lả những lá bùa đuổi tà, giải nạn!
Điển
hình như trong “Nghêu Sò Ốc Hến”,
một tích tuồng dân gian rất nổi tiếng, nhân vật thầy bói Ngao lúc nào miệng lưỡi
điêu ngoa, xảo ngôn, như trò gieo quẻ chỉ hướng cho tên Ốc đi ăn trộm nhà trùm
Sò…
Cùng có ý chế diễu, có ý khinh rẻ như tuồng tích trên, có từ ‘thầy dùi’ được dân gian dùng để gọi những
người có tật thích làm “quân sư quạt mo”, tức hay đưa ra ý kiến chỉ dẫn cho ai
đó một cách không-đáng-tin-cậy về mọi lãnh vực.
Đến cách gọi một ai đó ‘thầy
tớ’ thì đã lộ rõ sự khinh rẻ, ví dụ: “Học
như mày lớn lên chỉ có làm thầy tớ thiên hạ!”. Có điều là cách dùng từ ‘thầy tớ’ ở đây là không chính xác bởi từ
ghép ‘thầy tớ’ nguyên chỉ dùng để chỉ
một cặp nhân vật thường đi đôi với nhau, gồm một người bề trên, chủ nhân (thầy) và một người vai vế thấp (tớ) tức người làm công, đi theo hầu hạ,
chịu sự sai biểu của người ‘thầy’; còn có ý khinh rẻ thì cần phải dùng một từ
khác, đó là ‘đầy tớ’.
Còn từ ghép ‘thầy
phú-lít’ thì hàm ý khôi hài, trêu chọc khi chỉ những viên cảnh sát (tiếng
Pháp: police) chuyên rượt bắt dân bán hàng rong ngoài đường phố, tém dẹp dân
lang thang, ăn xin, ngủ vỉa hè… Đồng nghĩa là một từ khá xưa, đó là ‘mã-tà’ hay ‘ma-tà’, chỉ lính cảnh sát thời Pháp thuộc.
3.
Nhân đây, vì phụ nữ chiếm đến hơn kém ½ dân số thế giới nên
không thể không bàn đến mối quan hệ nhất định của nữ giới với danh xưng ‘thầy’ cùng các nghề nghiệp liên quan,
nhất là nghề dạy chữ.
Xa xưa, xã hội thời phong kiến Trung Quốc đã không cho phụ nữ
học hành, nên rất hiếm phụ nữ biết chữ (Nho) cùng kinh, sử Nho giáo… Mà đã
không có ‘sư phụ’ (dạy chữ Nho) thì bộ
‘ngũ phụ’ không tính được cho phụ nữ
cũng như khả năng làm ‘thầy dạy chữ’
của nữ giới cũng bị tước bỏ (trừ việc các bà có thể dạy nữ công gia chánh hay một
số nghề thủ công).
Cũng do vậy, các phân tích ở phần trên cho thấy tiếng ‘thầy’ hầu như luôn áp dụng cho hay đi liền
với nam giới – từ Hán Việt‘sư phụ’ dẫn
thẳng tới phiên nghĩa nôm na là ‘ông thầy’.
Vậy về từ ‘sư mẫu’ vào thời xưa cũng thịnh
hành thì sao, có cách gọi nôm na ‘bà thầy’ tương ứng không? Hay thời nay,
trường hợp người thầy (dạy chữ, dạy
võ, dạy nghề…) là nữ giới, hay phụ nữ
làm một số nghề nghiệp trí thức, đáng nễ trọng (các ‘sĩ’ - như bác sĩ, hay các‘sư’
– như luật sư) thì cách gọi nôm na, đại chúng như thế nào?
Trước hết, về tiếng xưng Hán Việt ‘sư mẫu’,những ai mê truyện kiếm hiệp Trung Quốc của văn hào Kim
Dung (Hồng Kông) ngày trước hẳn không khỏi nhớ tới hai nhân vật chính, cùng giữ
vai ‘sư mẫu’ hết sức gây ấn tượng về
số phận và tính cách. Một là Tiểu Long Nữ, chưởng môn phái Cổ Mộ trong truyện ‘Thần
điêu hiệp lữ’, ban đầu nhận Dương Quá (nhỏ tuổi hơn nàng) làm đệ tử duy nhất, để
rồi bằng một tình yêu thuần khiết, nàng đã vượt bao khổ đau, chia cách để nên
phu thê với họ Dương, để suốt đời cùng nhau hành hiệp giang hồ… Kế đến Nhạc
Linh San, con gái cưng của chưởng môn phái Hoa Sơn trong truyện ‘Tiếu ngạo
giang hồ’, ban đầu yêu sư huynh Lệnh Hồ Xung, nhưng khi gã tiểu tử Lâm Bình Chi
gia nhập phái Hoa Sơn thì từ chỗ xem Lâm Bình Chi như để tử, lần hồi nàng đã
quên sư huynh mà yêu và lấy họ Lâm làm chồng, để rồi số phận nàng chỉ còn toàn
những khổ đau khi chồng và cha ruột âm mưu tranh giành Tịch Tà kiếm phổ; nàng
đã bỏ đi tu nhưng cuối cùng cũng bị gã chồng nhẫn tâm giết chết…
Nếu đem so với ngôn ngữ thời nay, tiếng xưng các ‘sư mẫu’ dạy võ thuật, kiếm pháp của Kim
Dung như trên sẽ tương đương với ‘nữ võ
sư’ hay ‘nữ huấn luyện viên võ thuật/kiếm
thuật’, tương tự các chức danh tiếng
Hán Việt đã phái tính hóa khác, như: nữ giáo
sư, nữ bác sĩ, nữ giảng viên, nữ chuyên gia…, Còn tiếng xưng nôm na “bà thầy” tuy rất ít thông dụng nhưng vẫn
tồn tại, như các câu nói kiểu: “Phải đi
xin điểm bà thầy Anh văn thôi!”, hay
“Ở Gò Vấp có bà thầy thuốc nam trị bịnh con nít hay lắm!”…
Riêng người viết bài đã có lần nghe danh xưng ‘thầy’ được dùng một cách rất cá biệt tại
tịnh xá Ngọc Phương (đường Lê Quang Định, Q. Gò Vấp) từ câu trả lời của một ni
cô: “Ý chú muốn gởi hủ cốt người thân tại
chùa? Vậy để cô vào báo lại cho thầy trước đã!”- ‘thầy’ ở đây chỉ vị ni sư viện phó của tịnh xá.
3.
Để
kết thúc loạt bài MỘT TIẾNG KÊU ‘THẦY’này, xin phép viết thêm một đoạn tự sự ngắn.
Bấy
lâu nay, cả trong những lúc quẩn bách, khó khăn nhất, lúc nào tôi cũng thầm nhớ
ơn hai đấng sinh thành đã cho mình ăn học đàng hoàng từ thuở nhỏ đến tuổi trưởng
thành mà có chút đỉnh chữ nghĩa để biết cách sống, cư xử ở đời. Có điều là ngoài
nghề ‘thầy giáo’ dạy các môn Văn, Sử
Địa (sau năm 1970, tốt nghiệp và cả khi vào lính), trong đời tôi lại lơ mơ dính
vào 2 – 3 kiểu làm ‘thầy’ nữa.
Đầu
tiên, trước khi ra trường tôi có đi làm thêm bán thời gian với nghề ‘thầy cò’ (cò: đọc theo âm đầu của từ tiếng Pháp correcteur), là công việc sửa bản in thử (morasse) từng trang tại nhà in cho một số nhật báo, tuần báo ở Sài
Gòn xa xưa. Và sau khi ra trường, mùa hè
đỏ lửa 1972 tôi đã nhập ngũ rổi nhận sự vụ lịnh về trường Thiếu sinh quân ở
Vũng Tàu, thì ngoài chức vụ chính thức là “sĩ quan giáo sư văn hóa vụ” tại trường,
có lúc tôi còn là thầy dạy khiêu vũ
(không dám xưng là vũ sư), dạy vài bước Slow, Chachacha, Bebop, Tango… căn bản
cho vài đồng nghiệp nam ở trường.
Còn
sau tháng 4-75, như đã kể, tôi đã từng được làm thầy-giáo-phụ-chạy-ống-nước!
Đã
70 năm trôi qua, nhìn lại những bận làm ‘thầy’
này nọ, trừ làm ‘thầy giáo’ ra thì
các trường hợp còn lại là “nghề chọn người” chứ không phải “người chọn nghề”.
Nhưng dù run rủi thế nào, ít nhiều tôi đã làm được đúng theo tâm niệm trong đời,
rằng hễ đã làm việc gì, tham gia vào nghề gì cũng ráng làm cho tốt, cho thạo,
cho chuyên, chứ không nghiệp dư, miễn cưỡng.
Một
điều nữa, đúng như người xưa đã có câu “Muốn
làm thầy cứ làm trò trước đã!”, rất có ý nghĩa nhân sinh là những lúc tôi
làm học trò học một số nghề nghiệp hay công việc.
Như
trước khi tốt nghiệp ra trường, kiếm được việc làm thêm là ‘thầy cò’ thì vào nhà in, lập tức tôi phải
học cách sửa bản morasse, học thuộc cách đánh các dấu hiệu theo qui ước (signes,
cho cả báo tiếng Việt lẫn báo tiếng Pháp), sao cho thợ sửa bản in có thể nhận
ra các chỗ sai hay thiếu chữ, chữ sai dấu hỏi ngã, chỗ xuống dòng, dấu chấm, dấu
gạch nối không đúng..v.v…
Như
trong trại học tập cải tạo, tôi được đổ nhiều mồ hôi học nấu ăn ở bếp tập thể
và gánh phân bắc hay phân bác (từ hố xí 2 ngăn của trại viên), hòa
với nước đường mương đem tưới, bón cho rau muống khô trồng “tăng gia sản xuất”
dưới hàng rào kẻm gai…
Như
sau khi học tập cải tạo về, phải đi nông trường ở Củ Chi, dù cũng mệt mề nhưng
rất thú vị, bổ ích cho một người dân thành thị, chuyên lao động trí óc là tôi
khi được học toàn bộ từ A đến Z cách người nông dân cất một căn nhà lá ở vùng
thôn quê, từ cách cầm/buộc sợi lạt từ
tre lồ ô chẻ mỏng ra, cách tính toán làm bộ
vì kèo, hiểu cây trính, con sẻ nằm
ở đâu, cách lợp mái bằng lá chầm hay lá xé, cách đắp vách đất sét trộn rơm
vào sườn khung tre gồm cây mầm và cây trỉ, cách sửa mái lá đưng hay lá tranh bị dột mưa…
PHẠM
NGA
(Mùa
đông Sydney)
------------
(1) Phụ
tùng làm hệ thống ống nước, gọi theo âm và nghĩa tiếng Pháp: coude (cái nối hình chữ L), manchon (cái nối thẳng), robinet (vòi nước) và cái nối ống thẳng
góc nhau theo hình chữ ‘T’.
(2) Hvdic.thivien.net/hv/phu: phần
nói về chữ phụ 父.