Translate

Libellés

dimanche 7 août 2022

Chương trình đọc và nghe đọc truyện hay với tác gỉa Nguyễn Thị Thanh Dương, Tìm Vui Cuối Đời và Bà Mẹ Vợ.

tt

 Kính gửi quý anh chị truyện ngắn của Nguyễn Thị Thanh Dương, trong chương trình đọc hay nghe đọc truyện hay, do chị Cathy tiếp chuyển.

Cám ơn chị Cathy đã chuyển nhiều truyện ngắn, hồi ký hay tâm lý xã hội.

Qua những câu truyện này, chúng ta sẽ nhận thấy sự thật là giấy không gói được lửa và chẳng có chuyện lừa người như yêu ai nhiều hơn bản thân mình.

Cám ơn tác giả bài viết, mc trong Youtube và kính chúc quý anh chị những ngày tháng vui vẻ.

Caroline Thanh Hương

Image en ligne

Mẩu đăng tìm bạn bốn phương trên báo làm bà Phượng cảm động và ngưỡng mộ: “Người đàn ông cô đơn mỗi tuần mang hoa đến mộ phần của vợ, 70 tuổi, nhà cửa ổn định, tài chính vững vàng, tinh thần thảnh thơi, bao dung vị tha. Muốn tìm một phụ nữ 65 tuổi trở xuống để cùng nhau tìm niềm vui cuối đời.”
Người đàn ông tuổi xế chiều có nhà cửa và tài chính vững vàng đương nhiên là người khá giả lại thêm tấm lòng bao dung vị tha. Bà thú vị hào hứng nhất điều này. Ông chắc là người chồng tốt luôn thương yêu vợ. Bà ước gì sau này bà qua đời có một người đàn ông nào sẽ vì bà hằng tuần mang hoa đến viếng mộ vợ như thế. Vừa thắm thiết tình vừa lãng mạn biết bao.
Bà Phượng đang cần tìm một người đàn ông có đủ hai điều kiện tình cảm và tiền bạc. Bà hài lòng lời rao tìm bạn vì mình đúng tiêu chuẩn ông ta mong muốn và ngược lại ông ta cũng là mẫu người bà đang tìm kiếm.
Hai người đã email qua lại và gọi phone để tìm hiểu về nhau. Ông Năng góa vợ hai năm nay, các con thì ở xa. Ông muốn tìm người phụ nữ khác để bù đắp cho bao lâu nay phải chăm sóc và chiều chuộng người vợ suốt mấy năm trời nằm liệt giường sống đời thực vật sau cơn stroke rồi mới chịu ra đi.
Bà Phượng thì khác hoàn cảnh. Chồng bà mê bồ trẻ, bỏ bê bà. Hai vợ chồng ly dị và không con cái.
Bà muốn tìm người đàn ông tử tế, rộng lượng, cùng nhau vui hưởng hạnh phúc sau mấy năm trời cuộc sống gia đình sóng gió làm bà tiêu điều héo hon và nhất là có thêm người cùng bà trả cho hết gánh nợ nhà cửa bà đang cưu mang.
Hai tâm hồn cô đơn khắc khoải bỗng gặp nhau cuối đường.
Sau những hình ảnh gởi trao họ hẹn ngày gặp mặt. Bà Phượng ở Nam California, ông Năng ở tiểu bang khác sẽ bay đến Cali và ở nhà đứa con trai. California của cộng đồng người Việt không xa lạ gì với ông. Địa điểm hẹn thơ mộng, là một bờ biển đẹp của thành phố Newport Beach. Bà Phượng đã chuẩn bị kỹ cho lần đầu hội ngộ, mái tóc nhuộm màu hung tươi trẻ, bộ váy áo gọn xinh, cái áo khoác buông lơi trên bờ vai, dĩ nhiên không thể thiếu mùi nước hoa thơm nhẹ nhàng quyến rũ. Không ai có thể tin người phụ nữ này đã 65 tuổi. 
Ông Năng đầu đội chiếc mũ kiểu Scotland cổ điển nhưng không bao giờ lỗi thời, cổ quàng khăn màu xám bên chiếc áo sơ mi màu mận chín, ông trẻ trung thanh lịch và tao nhã như một văn nhân đúng như bà Phượng đã hình dung và mơ ước.
Nàng thơ và chàng văn cùng sánh vai đi bộ dọc theo bãi biển, gió biển lồng lộng, tiếng sóng vỗ vào ghềnh đá rì rào, mùi hương thơm từ hai phía trao nhau theo mỗi cơn gió càng làm hai trái tim thêm mơ màng say sóng dù sóng biển kia chỉ chạm nhẹ theo bước chân họ trên bãi cát mềm.
Chàng đã cầm tay nàng âu yếm hỏi:
– Mình về với nhau nhé?
Nàng dịu dàng ngoan ngoãn như cô gái mới mười bảy tuổi:
– Vâng ạ.

*****
Ông Năng sẽ thu xếp nhà cửa để dọn về California ở chung với bà Phượng vì bà không muốn rời khỏi nơi đây. Thương yêu vợ cách mấy ông cũng đành để bà ở lại rồi thỉnh thoảng về thăm mộ phần chắc bà ấy cũng thông cảm cho. Bà Phượng muốn ông Năng về ở chung là có ý đồ riêng, hy vọng ông Năng sẽ giúp bà trả góp tiền nhà hằng tháng hay biết đâu ông hào hoa lịch sự móc tiền túi ra trả hết nợ cho bà thì bà sẽ hoàn toàn làm chủ căn nhà này.
Bà Phượng nôn nao chờ đợi người mới, cuộc sống mới với bao hy vọng tràn trề. Mấy bà bạn thân của bà Phượng bàn tán:
– Phượng muốn tìm lại hạnh phúc đánh mất từ người chồng phản bội trước kia đấy.
Bà khác thì thực tế:
– Nghe đâu ông này giàu có lắm, chắc Phượng vừa tìm người chồng, vừa tìm người phụ trả tiền nhà.
– Ừ nhỉ, sau khi ly dị Phượng lấy căn nhà, tiếp tục trả mortgage, một mình làm sao trả cho nổi nhà cửa ở Cali này chứ!
Một bà khác lại thực tế hơn:
– Tôi như Phượng cứ ở một mình, hoa mộng gì, tình yêu gì ở cái tuổi cuối mùa, ai cũng trở tính trở nết rồi thành “hoa cẩm chướng” của đời nhau.
Lời ong tiếng ve rồi cũng lắng xuống, ông Năng đã dọn đến ở với bà Phượng sau một buổi tiệc ra mắt họ hàng, con cái và bạn bè đôi bên. Chẳng biết nhà cửa tiền bạc ông đã tính toán và để nơi đâu, bà Phượng chưa tiện hỏi, ông đến với bà cùng chiếc xe hơi cũ mèm, ông giải thích:
– Chiếc xe mua từ lúc mới tinh đến giờ, là kỷ niệm yêu quý của vợ chồng anh nên dù cũ anh cũng chẳng nỡ rời.
Ông ăn ở thật có tình có nghĩa. Bà Phượng cũng khéo léo “khoe” căn nhà tình nghĩa của mình:
– Căn nhà của em cũng thế, mua từ lúc hai vợ chồng hạnh phúc ấm êm, nay dù tình duyên gãy đổ nhưng em vẫn muốn giữ làm kỷ niệm trong đời dù hằng tháng trả mortgage cũng vất vả lắm.
Đoạn bà nhấn mạnh:
– Nay có anh về căn nhà càng có ý nghĩa đối với em.
Khi về ở với nhau ông Năng không thể cả ngày đội chiếc mũ flat-cap điệu đàng. Thì ra đầu ông bị hói nặng, từ phía trước tới đỉnh đầu không còn lấy một sợi tóc để gió có cớ thổi bay.
Bà Phượng thất vọng nhưng nhìn ngày này qua ngày nọ thành quen và bà tự an ủi thì mái tóc mình cũng bạc và xác xơ dần. Vấn đề chính là ông Năng giàu có và bao dung kìa. Bà vẫn cố giữ gìn hình ảnh đẹp trước mắt ông, mỗi tháng nhuộm tóc một lần khi màu tóc bạc chớm hiện ra nơi chân tóc đường ngôi. Khi đã được chồng yêu thì nói gì chồng chẳng nghe theo.
Họ xứng đôi vừa lứa, hai người cùng cảm thấy đủ yên vui hạnh phúc trong thời gian đầu cuộc tình còn mới mẻ. Chiếc xe cũ của ông Năng từ ngày về Cali nó thường xuyên dở chứng, nay hư cái này mai hỏng cái khác nằm ì một chỗ, lại thấy ông Năng mang ra tiệm sửa.
Bà Phượng thăm dò góp ý:
– Anh bán xe cũ mua xe mới mà đi cho khỏe thân. Anh thấy xe của em từ ngày anh về đây có hư hỏng gì đâu. Đi gần hay đi xa em đều an tâm.
Ông trả lời cho xong:
– Ừ… ừ… để anh tính. 
Nhưng ông vẫn cố giữ chiếc xe cũ cho bằng được dù mấy lần sửa, tiền công sửa chắc cũng sắp sửa bằng giá trị rẻ mạt của chiếc xe đã lỗi thời và cũ kỹ. Có khi ông Năng phải mượn xe bà Phượng. Bà tò mò và thắc mắc nghĩ thầm, tiền bạc của cải ông để dành làm gì mà không lấy ra xài cho những chuyện hợp lý như mua xe? Con cái ông đều khá giả, chúng đâu cần ông để của hồi môn. Hay là ông Năng chưa tin cậy bà nên vẫn giữ của phòng thân?
Sau một năm đời bỗng chẳng bình yên, tai họa ập đến, bà Phượng bị té ngã từ thang lầu xuống đất, vào nằm bệnh viện và về nhà với cái chân bó bột phải nằm trên giường dài hạn.
Ông Năng chăm sóc từ miếng ăn giấc ngủ, từ thay quần áo đến giúp đỡ bà vệ sinh cá nhân.
Trưa nay ông Năng vừa nấu xong nồi cháo thịt, đang lúi húi lục trong rổ bát tìm cái môi để múc ra một bát cháo cho nguội thì bà Phượng nũng nịu nhờ vả:
– Anh ơi trong lúc chờ cháo nguội anh pha cho em ly trà chanh với lại thay cho em cái khăn lau tay khác đi và anh giặt nốt…
Chắc lục đục trong bếp nãy giờ mới nấu xong nồi cháo, lại chưa tìm thấy cái môi nên ông Năng bực mình sỗ sàng ngắt ngang:
– Nấu xong nồi cháo đi tìm gia vị hành ngò tiêu ớt của bà đã mệt cả người, chưa kịp xong bà lại sai tiếp. Muốn có ly trà chanh thì bà phải nói hộp trà bà cất nơi nào, chanh bà để nơi đâu và đợi tôi nấu nước sôi pha trà. Bà hành tôi vừa vừa chứ!
Bà hờn mát đổi cách xưng hô:
– Thế mà ông đã hứa sẽ yêu tôi, chiều chuộng tôi đến ngàn đời.
Ông Năng chưa hết bực, quát lên:
– Phải, nhưng nếu bà không nằm ăn vạ một đống như thế này.
Bà Phượng kinh ngạc và tức tưởi:
– Ối giời ôi, ông ăn nói thô lỗ với tôi thế hả!
Nỗi lòng ông được dịp tuôn ra:
– Tôi thế đấy. Nói thật với bà nhé, suốt năm qua chung sống với bà, tôi cố giữ hình ảnh người đàn ông tao nhã, mỗi lần chúng ta sánh đôi ra ngoài đường tôi phải ăn mặc chỉnh tề, quàng khăn lên cổ, đội mũ lên đầu và ăn nói văn hoa cho bà vừa lòng, tôi ngao ngán đến tận cổ rồi.
Bà Phượng bẽ bàng:
– Tôi đang định sau khi khỏi bệnh sẽ thưởng công ông chăm sóc tôi, mua tặng ông mấy cái khăn quàng nữa cho ông tha hồ chưng diện…
– Thôi khỏi! Người ta làm diễn viên lên sân khấu chốc lát là xong vai, còn tôi diễn cả năm trời, oải lắm rồi.
– Vậy mà tôi cứ tưởng ông mãi là người trong mộng của đời tôi.
– Thực tế đi bà ơi, ban đầu tôi cũng nghĩ bà là nàng thơ mà tôi may mắn bắt gặp giữa đường đời. Nhìn kìa, bà nằm trên giường bệnh hơn tháng nay tóc tai xác xơ bạc thếch chưa nhuộm và khuôn mặt bơ phờ với những vết nhăn nơi khóe môi, khóe mắt…
Bà Phượng giật mình nhớ ra mái tóc đã quá hạn chưa nhuộm. Bà cố bào chữa:
– Thì ai già mặt không có vết nhăn, đừng có thấy mấy bà tuổi từ 50, 60 trở đi mặt không có vết nhăn mà tưởng họ trẻ lâu, thẩm mỹ viện căng da cả đấy. Còn mái tóc này ư, mai mốt khỏi bệnh tôi sẽ nhuộm lại…
– Thôi khỏi. Điều ấy không quan trọng với tôi nữa.
Bà Phượng mai mỉa:
– Ông nhìn lại ông đi, những lần gặp gỡ đầu tiên ông đội mũ tôi nào biết ông cố tình che đi cái đầu hói. Tôi còn có tóc để chải để nhuộm, đỡ hơn ông đấy!
Ông Năng thẳng thừng:
– Ván bài lật ngửa rồi, tôi với bà bất phân thắng bại nghe.
Bà Phượng tủi thân ôm mặt khóc, ông Năng đe dọa:
– Bà có thôi khóc đi không, đừng làm tôi điên máu thêm thì khỏi có trà chanh gì nữa, nước lạnh cũng không luôn!
– Này! Này! Ông đừng có giở thói vũ phu, chồng tôi khi xưa tuy có bồ bịch lăng nhăng nhưng chưa đối xử vô văn hóa với tôi đâu nhé.
– Này! Này! Bà nói ai vô văn hóa? Hả? Vợ tôi khi xưa tuy ốm đau nằm liệt giường nhưng chưa hành hạ tôi tàn khốc như bà nhé.
Bà Phượng giảm tốc độ nức nở, không dám trách ông Năng, dù sao ông cũng đã chăm sóc bà cả tháng nay và còn tiếp tục sau mấy lần tái khám nữa. Bà vẫn cần ông, đang chiêu dụ ông một ngày nào đó sẽ cảm thông và giúp đỡ bà trả tiền nhà. Bà dịu giọng nói như an ủi ông:
– Tôi bệnh rồi sẽ khỏi mà. Chỉ còn một tuần nữa là đủ hai tháng để tháo băng.
Ông Năng vẫn hậm hực:
– Người già té ngã gãy xương chưa chết là may. Với lại ai dám bảo đảm là bà sẽ không xớn xác té ngã cầu thang hay trong phòng tắm lần nữa chứ? Tôi lại phải hầu…
– Trời ơi, ông trù ẻo tôi đấy hả? Ông biết chiều chuộng vợ lắm mà, người đàn ông mỗi tuần mang hoa đến mộ phần vợ từng làm tôi cảm động đâu rồi?
Ông Năng cười khan:
– Ai rảnh mà mỗi tuần đi thăm mộ vợ và tốn tiền mua hoa chứ, tiền mua bó hoa tôi ăn tô phở cho sướng thân. Thoát được cảnh hầu hạ bà vợ nằm liệt giường, ai ngờ nay lại phải hầu hạ bà.
Bà Phượng được dịp vỡ òa những ấm ức bấy lâu:
– Bây giờ tôi mới hiểu vì sao ông vẫn đi cái xe cà tàng cũ rích, chắc chắn không phải vì nhớ thương hình bóng người vợ cũ, mà vì ông hà tiện, tiền bạc để dành cho nó mục nát ra à, để về bên kia thế giới tiêu xài với ma à?
Bà hăng máu gào thêm:
– Về ở với tôi cái gì ông cũng xài chung xài ké. Hôm nọ mượn tiền tôi mấy trăm đồng sửa xe còn chưa trả đấy nhé.
– Nợ tôi sẽ trả, hằng tháng tôi đều đưa bà mấy trăm đồng chứ có ăn nhờ ở đậu nhà bà đâu!
Bà Phượng cười khinh khỉnh:
– Vài trăm đồng một tháng của ông chưa đủ tiền một đứa share phòng trong khi căn nhà này mỗi tháng tôi trả mortgage gần hai ngàn đồng bạc. Thế mà đăng lời rao tìm bạn vừa hoa mỹ vừa oai phong lẫm liệt nào ôm hoa đến mộ vợ, nào nhà cửa ổn định, tài chính vững vàng, tinh thần thảnh thơi, bao dung vị tha.
Ông Năng giải thích:
– Tôi đăng ôm hoa đến mộ vợ cho thơ mộng với cuộc đời, những điều còn lại tôi dí dỏm cho vui chứ không có ý lừa dối ai cả. Tôi nghèo mạt rệp, nhà cửa ổn định là ở diện housing đấy, tài chính vững vàng là tiền già lãnh hàng tháng cho đến chết đấy, có bảo hiểm sức khỏe chẳng tốn đồng nào là tinh thần thảnh thơi vô lo đấy. Ở tuổi già không phải lệ thuộc nhờ vả con cái,với tôi thế là quá sung sướng. Tôi chỉ nói lên sự thật tại bà quá giàu tưởng tượng mà thôi.
– Thế sao ông không nói huỵch tẹt ra cho tôi biết sớm.
– Tôi tưởng sẽ gặp người tình tri kỷ, ở với nhau sẽ hiểu nhau, nhưng bà chỉ dòm ngó tìm hiểu “gia tài” của tôi làm tôi càng ngại ngùng khó nói. Thôi thì tôi với bà chắp nối không có gì ràng buộc, bây giờ không hợp nhau thì chia tay.
Bà Phượng lại gào lên:
– À, thì ra thế, đằng nào cũng rút lui nên ông không cần che đậy sự giả dối thêm nữa. Ông thách thức tôi đấy hả? Mời ông ra khỏi nhà tôi. Mời ông ra khỏi cuộc đời tôi.
– Bà khỏi phải đuổi tôi cũng chạy bà luôn, tôi tưởng bà là một phụ nữ đã nếm mùi khổ đau sẽ cùng tôi tìm niềm vui cuối đời, nhưng tôi đã lầm và tiếc lắm. Bà biết tôi tiếc gì không?
Bà vênh mặt lên:
– Cuối cùng ông cũng phải tiếc tôi thôi.
– Tôi tiếc đã từ bỏ diện housing ổn định để dọn về đây ở với bà, trở về thành phố cũ tôi phải làm giấy tờ xin lại từ đầu mất nhiều công sức lắm. Bà rõ chưa?

******
Ông Năng trở về thành phố cũ của ông. Vài tháng sau bà Phượng đọc thấy lời rao tìm bạn bốn phương của ông lại xuất hiện trên báo, lần này ông kinh nghiệm đăng rất thực tế rõ ràng: “Người đàn ông nghèo góa bụa cô đơn luôn mơ ước có tiền để mua hoa mỗi tuần đến thăm mộ vợ,70 tuổi, nhà ở housing, tiền già, medicare, medicaid đầy đủ. Muốn tìm một phụ nữ để tri kỷ, để yêu thương nhau suốt quãng đời còn lại”.
Thôi thì bà cũng cầu mong ông Năng tìm được một người tình tri kỷ, nếu không thì cũng vớ được một bà già handicap hay bà nhà quê chán con chán cháu đang ăn welfare muốn tìm chồng ra ở riêng, may ra sẽ ở với nhau lâu dài.
Còn bà, bà sẽ tiếp tục cho share phòng để có thêm lợi tức trả tiền nhà và yên phận sống một mình. Tìm được một tình yêu đã khó bà không mong gì tìm một lúc được cả tình lẫn tiền ở cái tuổi già này nữa.

Nguyễn Thị Thanh Dương

Trí Thức Việt Nam và bài Ai mới là người thực sự xây dựng đền Angkor Wat ?

 Kính gửi quý anh chị bài sưu tầm của Trí Thức Việt Nam về hình ảnh và lịch sử của đền AngKor tại Cambodge.

Ai mới là người thực sự xây dựng đền Angkor Wat?



Đền Angkor Wat là biểu tượng của đất nước Chùa tháp. Nhiều người tin rằng nó được xây dựng bởi đế quốc Khmer trong vào thế kỷ XII. Nhưng sự thực rất có thể không phải như vậy.

Nếu những người Ai Cập rất tự hào về các kim tự tháp Ai Cập trên cao nguyên Giza thì những người dân Campuchia cũng tự hào không kém vì quần thể di tích Angkor trong đó có đền Angkor Wat. Thậm chí đây còn được coi là biểu tượng của Campuchia và được in hình trên lá cờ của nước này.

Hiện nay, người ta cho rằng quần thể đền Angkor Wat do những người Khmer bắt đầu xây dựng từ đầu thế kỷ XIII. Tuy nhiên, nếu xem xét cẩn thận, ta thấy rằng  nhận định này là không phù hợp.
Đền Angkor Wat – khu tổ hợp với những kiến trúc đá vĩ đại

Angkor, quần thể di tích của Campuchia ở phía tây bắc Biển Hồ, thuộc tỉnh Xiêm Riệp được UNESCO ghi nhận là quần thể di tích tôn giáo lớn nhất thế giới với hơn 1.000 ngôi đền với quy mô khác nhau. Angkor bao gồm 2 cụm quần thể cách nhau 1,7km là Angkor Wat và Angkor Thom.

Angkor Wat là một cụm các công trình tôn giáo cực lớn với diện tích lên đến 162,6 hecta, tức 1,626 triệu m2.[1] Còn Angkor Thom là di tích thủ đô lâu đời và lớn nhất của Đế chế Khmer với diện tích lên đến hơn 9 km2. [2]

đền Angkor Wat
đền Angkor Wat
Angkor gồm 2 cụm quần thể Angkor Wat và Angkor Thom cách nhau 1,7km. (Ảnh: Wikipedia)

Theo nghĩa hiện đại, Angkor Wat, nghĩa là “Thành phố của những ngôi Đền”. Tổ hợp kiến trúc này chủ yếu được xây từ đá sa thạch, là sự kết hợp của hai nét cơ bản của kiến trúc Khmer: kiến trúc đền-núi cùng với những dãy hành lang dài và nhỏ hẹp. Angkor Wat nằm phía trong một con kênh và lớp tường bao quanh dài 3,6 km, khu chính điện có ba tầng với kiến trúc hình chữ nhật, kết nối với nhau bởi những dãy hành lang sâu thẳm. đền Angkor Wat
đền Angkor Wat
Angkor Wat là quần thể kiến trúc với diện tích hơn 1,6 triệu m2. (Ảnh: Shutterstock)

Đền Angkor Wat được ngưỡng mộ bởi vẻ hùng vĩ và hài hòa của kiến trúc, sự phong phú của nghệ thuật điêu khắc và số lượng lớn các vị thần được trang hoàng trên những bức tường đá.

Tháp trung tâm của Angkor Wat cao 65m, cao hơn bất cứ một tháp chuông nhà thờ nào ở châu Âu được xây dựng trước thế kỷ XV. Bên dưới các tòa tháp lớn là các đường hành lang dài hun hút, mát lạnh với các khối phù điêu sống động.đền Angkor Wat
đền Angkor Wat
Tháp trung tâm của Angkor Wat cao đến 65m, cao hơn bất kỳ tháp chuông nhà thờ nào có trước thế kỷ XV. (Ảnh: Shutterstock)

Angkor Thom nằm cách thành phố Xiêm Riệp 7,2 km về phía Bắc. Các bức tường thành (cao 8m, dài 3km, bên ngoài là hào nước) bao quanh một khu vực rộng 9km². Tường thành được xây bằng đá ong với bờ công sự trên đỉnh. Tại mỗi hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, có một cổng thành. Các con đường dẫn từ các cổng thành thẳng đến đền Bayon tại trung tâm thành phố. đền Angkor Wat
đền Angkor Wat
Một góc của đền Bayon tại Angkor Thom. (Ảnh: Upanut Arunoprayote/Wikipedia)
Các nhà sử học cho rằng người Khmer đã xây dựng Angkor Wat

Theo các nhà sử học hiện nay, vua Khmer Suryavarman II trị vì Đế quốc Khmer từ năm 1113 đến 1145 được coi là người đã xây dựng đền Angkor Wat trong suốt những năm ông tại vị và vua Jayavarman VII, người trị vì Đế quốc này giai đoạn 1181– 1215 được coi là người đã xây dựng cụm công trình Angkor Thom và đền Bayon.

So với Angkor Wat, Angkor Thom bị đổ nát khá nhiều và trình độ kiến trúc cũng thua kém xa. Theo các văn vật khai quật được, thì vua Jayavarman VII có khả năng là người thực sự đã xây dựng một phần đáng kể thành Angkor Thom vì kiến trúc đậm chất Phật giáo của tổ hợp công trình này, trong khi ông được ghi nhận là vị vua Khmer duy nhất theo Phật giáo. Cũng có nhiều ngôi chùa thấp được xác nhận là được vua Jayavarman VII xây dựng để tôn vinh cha mẹ, đồng thời cũng là nơi thực hiện các nghi lễ của Phật giáo.

Tuy nhiên, lý do vua Suryavarman II được coi là đã xây dựng Angkor Wat có lẽ chỉ vì người ta tìm thấy bức phù điêu khắc hình ông với Angkor Wat (hình dưới) được tìm thấy trong quần thể di tích này sau khi nó được khám phá vào năm 1860. đền Angkor Wat
đền Angkor Wat
Bức phù điêu chạm chắc hình vua Suryavarman II với Angkor Wat. (Ảnh: Wikipedia)

Nhưng, so với sự vĩ đại, tinh xảo, phức tạp của Angkor Wat thì bức phù điêu về Suryavarman II lại quá đơn giản, nhỏ bé và mờ nhạt. Làm sao một người đã sáng tạo ra một công trình vĩ đại lại có thể được lưu danh theo hình thức này?
Liệu các vị vua Khmer có thực sự xây dựng đền Angkor Wat?

Một trong những du khách phương Tây đầu tiên đến thăm ngôi đền Angkor Wat là António da Madalena – một giáo sĩ người Bồ Đào Nha – người đã đến thăm ngôi đền vào năm 1586. Kinh ngạc trước vẻ đẹp và sự vĩ đại của Angkor, António đã viết: “đó là công trình xây dựng đặc biệt đến mức không thể miêu tả nó bằng bút mực, đặc biệt là vì nó không giống bất cứ công trình xây dựng nào trên thế giới. Nó có các tòa tháp, các họa tiết và các đường nét tinh tế mả chỉ những thiên tài mới có thể thực hiện được.”

Sau khi đế chế Khmer lụi tàn, Angkor Wat dần bị quên lãng. Vào năm 1860, Angkor Wat được nhà tự nhiên học và nhà thám hiểm người Pháp Henri Mouhot phát hiện ra từ bên trong khu rừng rậm. Nói về đền Angkor Wat, Mounhot viết:

“Một trong những ngôi đền này, đối thủ của Solomon (ngôi đền thờ huyền thoại trước công nguyên của Do Thái giáo), và được xây dựng bởi một số Michelangelo cổ đại, có thể chiếm một vị trí danh dự bên cạnh những tòa nhà đẹp nhất của chúng ta. Nó vĩ đại hơn bất cứ thứ gì mà Hy Lạp hay La Mã để lại cho chúng ta, và thể hiện một sự tương phản đáng buồn với tình trạng man rợ mà quốc gia này hiện đang chìm đắm.” [6]

Mouhot, giống như những du khách phương Tây ban đầu khác, cảm thấy khó tin rằng người Khmer có thể đã xây dựng ngôi đền và nghĩ rằng niên đại của nó vào khoảng cùng thời đại với La Mã cổ đại.

Lịch sử thực sự của Angkor Wat được ghép lại với nhau từ các bằng chứng về phong cách và đồ vật tích lũy được trong quá trình dọn dẹp và phục hồi sau đó. Không có nơi ở hay nhà ở thông thường hoặc các dấu hiệu định cư khác, bao gồm dụng cụ nấu ăn, vũ khí, hoặc quần áo thường được tìm thấy ở các di chỉ trong Angkor Wat để chứng minh cho việc người Khmer đã xây dựng nó vào thế kỷ XIII. Thay vào đó chỉ có bằng chứng của chính các di tích.

Cần phải biết rằng thời trị vì của Suryavarman II là khoảng thời gian Đế quốc Khmer đã trên con đường lụi tàn, thậm trí ông còn được cho là thua trận và chết trong trận chiến khi cố gắng xâm chiếm Đại Việt nước ta vào năm 1245. Và năm 1250, Vương quốc Champa cũng đã chiếm đóng Khmer trong một thời gian ngắn. Vậy rất khó để Suryavarman II có thể xây dựng Angkor Wat như các nhà sử học vẫn nhìn nhận.

Lịch sử Việt Nam có ghi chép rằng để có kinh phí xây dựng Lăng Khải Định với diện tích rất khiêm tốn 5.674m2, năm 1920 vua Khải Định đã phải tăng thuế điền 30% trên cả nước và lấy số tiền đó để làm lăng.

Cũng cần lưu ý rằng, để xây dựng Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh có diện tích chưa đến một nửa so với Angkor Wat, người Trung Quốc vào thế kỷ XV khi đó cũng cần sử dụng đến 1 triệu công nhân, trong đó có hơn 100 ngàn thợ thủ công xây dựng liên tục trong 14 năm. Rất khó có thể hình dung rằng trong thế kỷ XII, người Khmer lại có tiềm lực ngang bằng hoặc hơn so với Trung Quốc ở thế kỷ XV, để có thể xây dựng được đền Angkor Wat vĩ đại.

Như vậy, có cơ sở để khẳng định rằng đền Angkor Wat không được xây dựng bởi người Khmer những năm 1100 như người ta vẫn nhìn nhận. Vậy ai là chủ nhân thực sự của Angkor Wat?
Angkor Wat nằm trên 1 “đường kinh mạch trái đất” nối liền các công trình cổ đại

Vài chục năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện rằng có nhiều công trình cổ đại nổi tiếng trên Trái Đất đều nằm trên một đường thẳng (còn gọi là đường ley –  ley line) chạy vòng quanh trái đất. Và không chỉ có một đường như vậy xuất hiện.

Một trong những đường như vậy chạy qua Đảo Phục Sinh, kim tự tháp Ai Cập, các hình vẽ trên cao nguyên Nazca ở Peru, Angkor Wat, kinh đô Persepolis của Đế quốc Ba Tư cổ đại, thành phố cổ Mohenjo-Daro, đền thờ thần Ammon trên ốc đảo Siwa, thành phố bị thất lạc Petra—một trong bảy kỳ quan mới của thế giới cổ đại, thành phố Ur của nền văn minh Sumer cổ đại, vùng Biển Chết ở gần Địa Trung Hải, dãy núi Himalaya, sông Tiền Đường ở tỉnh Chiết Giang – Trung Quốc, và khu di tích được một số người nhìn nhận là lục địa Atlantis trong huyền thoại… (xem video ở dưới)

Điều đáng kinh ngạc là đường tròn bí ẩn này đã liên kết các địa danh này trong một khoảng sai số không vượt quá 1/10 của một độ vĩ độ, với tâm vòng tròn đặt ở miền đông nam bang Alaska, Mỹ.

Ngày nay, nhiều người gọi những đường ley này là kinh mạch của trái đất, vì nó chạy qua những công trình cổ đại có kiến trúc phi thường và vô cùng bí ẩn.
Rốt cuộc thì ai là người đã xây đền Angkor Wat?

Hẳn đến lúc này, bạn đọc đã rất sốt ruột muốn biết rằng ai là người thực sự xây dựng Angkor Wat?

Nhiều người trong chúng ta đã biết rằng các công trình nằm trên đường ley có chạy qua Angkor Wat được cho là những công trình đặc biệt và không thể được tạo dựng bởi người cổ đại trong nền văn minh 5.000 năm lần này của chúng ta, ví dụ như hình vẽ trên cao nguyên Nazca ở Peru, các tượng đá trên Đảo Phục Sinh, thành phố Ur của người Summer…

Các nhà khoa học đã phát hiện rằng các Kim tự tháp và tượng nhân sư trên cao nguyên Giza Ai Cập có dấu hiệu bị ngập trong nước biển hàng nghìn năm với các biểu hiện xói mòn của nước biển, dẫn đến giả thuyết rằng các công trình này hẳn phải được xây dựng lâu hơn 2.500 năm TCN rất nhiều.

Ngoài ra, so với 3 đại Kim tự trên cao nguyên Giza có chiều cao hơn 100m và kiến trúc rất bền vững, các Kim tự tháp khác ở Ai Cập thấp hơn nhiều, có kiến trúc xấu hơn, rất không bền vững và cũng không có dấu hiệu bị ngập trong nước biển.

Điều này đã dẫn đến cách lý giải rằng 3 đại Kim tự tháp được xây dựng bởi nền văn minh tiền sử – có trước nền văn minh 5 nghìn năm lần này của nhân loại chúng ta. Còn các kim tự tháp nhỏ hơn thực sự được người Ai Cập trong nền văn minh lần này của chúng ta mô phỏng và xây theo. Điều này đã gây lẫn lộn cho người đời sau về xuất xứ thực sự của các Kim tự tháp.

>> Ai mới là người thực sự xây dựng các Đại Kim tự tháp Ai Cập? đền Angkor Wat
đền Angkor Wat
Các kim tự tháp nhỏ bên cạnh 3 đại Kim tự tháp rất nhỏ, xấu và không bền vững về kiến trúc. (Ảnh: Wikipedia)

Đến giờ, quý độc giả cũng có thể hình dung được rằng, rất có thể Angkor Wat đã được xây dựng bởi những người thuộc nền văn minh tiền sử, không phải bởi Đế quốc Khmer vào thế kỷ thứ XIII. Nhưng liệu có chứng cứ đáng tin nào cho nhận định này không? Câu trả lời là có và nó ở ngay dưới đây:

Vào năm 2007, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế sử dụng ảnh vệ tinh và các kỹ thuật hiện đại khác đã kết luận rằng quần thể Angkor là trung tâm của một thành phố tiền công nghiệp lớn nhất trên thế giới.

Thành phố này có một hệ thống cơ sở hạ tầng phức tạp kết nối một khu đô thị rộng từ 1.000 đến 3.000km2, tới những ngôi đền nổi tiếng ở trung tâm của thành phố. [3] Thành phố này được coi là một “thành phố thủy lực” (hydraulic city) vì có một mạng lưới quản lý nước phức tạp, được sử dụng để ổn định, lưu trữ và phân tán nước một cách có hệ thống [4] nhằm phục vụ sản xuất và sinh sống của lượng dân số từ 750.000 đến 1 triệu người. Angkor Wat
Angkor Wat
Thành phố tiền công nghiệp với diện tích tối thiểu 1.000km2 với khu vực Angkor là trung tâm được phát hiện gần đây. (Ảnh: Damian Evans và đồng nghiệp/PNAS)

Nếu thành phố này thực sự tồn tại vào những năm 1100 và bị lụi tàn sau khi Đế quốc Khmer bị xóa sổ vào năm 1431 và nó đủ sức xây dựng được Angkor Wat thì văn minh của người Khmer hẳn sẽ được lưu truyền đến ngày nay và khi đó, chắc chắn Khmer là nước hùng cường và văn minh nhất thế giới. Nhưng rõ ràng lịch sử thế giới của chúng ta không biết đến điều này.

Như vậy, chỉ có thể khẳng định rằng thành phố “tiền công nghiệp” có chứa Angkor Wat là một thành phố tiền sử.

Hay, ta có thể nhận định rằngAngkor Wat là một công trình xây dựng bởi người tiền sử – những người xuất hiện trước nền văn minh 5.000 năm lần này của chúng ta.

Rất có thể, một phần của Angkor Thom cũng là các công trình tiền sử. Việc các vị vua Khmer xây dựng các công trình mới của Angkor Thom (có chất lượng và độ bền kém hơn) đã khiến cho người đời sau không thể phân biệt được đâu là sự thật. Điều này cũng tương tự như trường hợp Kim tự tháp Ai Cập.

Lịch sử nhân loại chứa đựng bao điều bí ẩn và hoàn toàn vượt xa khỏi trí tưởng tượng của con người hiện đại. Có lẽ chúng ta cần thoát khỏi lối tư duy cố hữu, những định kiến và những điều được học trong sách vở. Có như vậy, ta mới có thể nhận thức và lý giải một cách rõ ràng và minh xác về nguồn gốc thực sự của những công trình như Angkor Wat. 

Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.org. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự  cho phép của Trí Thức VN.


Tài liệu tham khảo:

[1] “Largest religious structure”. Guinness World Records. Retrieved 29 April 2016.

[2] Higham, C., 2014, Early Mainland Southeast Asia, Bangkok: River Books Co., Ltd., ISBN 9786167339443

[3] Evans et al., A comprehensive archaeological map of the world’s largest pre-industrial settlement complex at Angkor, Cambodia, Proceedings of the National Academy of Sciences of the USA, August 23, 2007.

[4] Evans, D., Pottier, C., Fletcher, R., Hensley, S., Tapley, I., Milne, A., & Barbetti, M. (2007). A comprehensive archaeological map of the world’s largest pre-industrial settlement complex at Angkor, Cambodia. Proceedings of the National Academy of Sciences, 104(36), 14277-14282.

[5] Higham, The Civilization of Angkor pp. 1–2.

[7] J. Hackin; Clayment Huart; Raymonde Linossier; Raymonde Linossier; H. de Wilman Grabowska; Charles-Henri Marchal; Henri Maspero; Serge Eliseev (1932). Asiatic Mythology:A Detailed Description and Explanation of the Mythologies of All the Great Nations of Asia. tr. 194.

[8] Daguan Zhou (2007). A Record of Cambodia: The Land and Its People. Translated by Peter Harris. Silkworm Books.

Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.org. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự  cho phép của Trí Thức VN.