Translate

Libellés

vendredi 25 décembre 2020

Mời xem bộ ảnh tuyệt vời với Cây thông Noel làm từ 2.340 chiếc nón lá và show nhạc Caroline Thanh Hương.

tt 

 

Mời quý anh chị chiêm ngưỡng bộ ảnh 

 Cây thông Noel làm từ 2.340 chiếc nón lá.


  

Cây thông tại nhà thờ Hà Phát, TP Biên Hòa làm từ 2.340 chiếc nón lá, cao 35 m, mất 3 tháng để hoàn thành.



Những ngày này, nhà thờ Hà Phát (phường Tân Biên) được trang hoàng lộng lẫy đón Giáng sinh. Nổi bật trong khuôn viên là cây thông cao 35 m, được làm từ 2.340 chiếc nón lá.
Đây là năm thứ 3 nhà thờ dựng cây thông Noel độc đáo này và cao hơn năm ngoái 5 m. Cây thông đầu tiên cao 25 m. Kinh phí thực hiện được giáo dân ủng hộ.




Cây thông gồm 5 tầng, được bật đèn từ tối 17/12, rực sáng cả một góc khuôn viên nhà thờ. Để thực hiện cây thông nón lá, các giáo dân đã mất 3 tháng để lên ý tưởng và thi công và hoàn thành vào ngày 6/12.
Ông Nguyễn Văn Hân, 50 tuổi, Trưởng ban thành giáo nhà thờ cho biết: "Chúng tôi thấy ý tưởng làm cây thông từ nón lá mang đậm nét văn hóa truyền thống. Các giáo dân đều tự hào và hãnh diện vì cây thông này".




Tầng dưới cùng của cây thông có đường kính dài gần 13 m và thu hẹp dần cho tới đỉnh. Ngày đầu cây thông nón lá bật đèn, rất đông giáo dân cùng du khách tới tham quan.




Để nâng đỡ các tầng nón lá, nhà thờ xây một trụ với 10 tấn bêtông vững chãi, xung quanh căng các dây cáp để giữ cây. "Với chiều cao tương đương với tháp chuông của nhà thờ nên chúng tôi phải tính toán rất kỹ để cây không bị chao đảo bởi gió", ông Hân cho biết.




Hàng nghìn nón lá xếp theo từng tầng đều đặn theo hàng lối, mỗi chiếc nón đều có gắn đèn, quấn dây kim tuyến và quả châu xung quanh.




Những nón lá tỏa sáng lung linh, tràn ngập không khí Giáng sinh ở mọi góc của nhà thờ.




Rất đông khách tham quan vui chơi, chụp hình lưu niệm bên cây thông độc đáo.




Ngày đầu cây thông sáng đèn, anh Duy Phương (phường Hố Nai, TP Biên Hoà) dẫn vợ con tới tham quan, chụp ảnh. "Nhà tôi cách đây vài cây số nên dịp Noel nào cũng tới đây chơi vì nhà thờ trang trí rất đẹp. Cả nhà ai cũng ấn tượng với cây thông cao sừng sững, thiết kế độc đáo", anh Phương nói.




"Đây là lần thứ hai tôi đến tham quan cây thông, năm nay nhà thờ làm cao và to hơn hẳn năm ngoái. Những chiếc nón lá lung linh trong ánh đèn rất đẹp", Phạm Thị Thanh Hương, ở phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa nói.




Bên cạnh cây thông, nhiều công trình khác như tượng chúa, hang đá, tháp chuông... cũng được trang hoàng lộng lẫy với những ánh đèn nhấp nháy nhiều màu sắc. Không chỉ là nơi giáo dân tới dự thánh lễ, nhà thờ còn thu hút rất nhiều khách tới tham quan mỗi tối.




Một tuần trước Giáng sinh, trên sân khấu đội ca đoàn nhà thờ chăm chỉ tập luyện để chuẩn bị cho đêm đón Chúa Hài Đồng. Các bài thánh ca, khúc hát về Noel liên tục vang vọng trên giáo đường.




Đến khuya vẫn rất nhiều người đổ về nhà thờ Hà Phát tham quan. Cây thông bằng nón lá sẽ sáng đèn mỗi đêm cho đến ngày 27/12.




Quỳnh Trần - Phước Tuấn

dimanche 29 novembre 2020

Đọc truyện ngắn Phạm Nga VỞ DIỄN CƯỠNG ĐOẠT CHỨC “TRƯỞNG NAM CỦA ÔNG NAM HẢI” và nghe đọc một truỵên ma hấp dẫn ly kỳ.

 Kính gửi quý anh chị một truyện ngắn của anh Phạm Nga.

 Cám ơn anh đã luôn có những bài mới cho Blog và kính chúc anh một ngày cuối tuần vui, khỏe.

Caroline Thanh Hương



Truyện ngắn

VỞ DIỄN CƯỠNG ĐOẠT CHỨC “TRƯỞNG NAM CỦA ÔNG NAM HẢI”

 

Vậy là hai chứng nhân/ứng viên hụt vào danh vị ‘trưởng nam của Ông’ đã được dàn xếp cho khỏi có mặt ở tang lễ của Ông, cũng như từ đây về sau, biến khỏi làng chài Bích Điệp…

 

1.

Cũng vào tháng 9 âm lịch như hiện tại nhưng lui về quá khứ  hơn 100 năm trước, bão tố cũng hoành hành dữ dội ở vùng biển tỉnh Khánh, miền trung Trung Việt. Riêng đối với một làng chài nằm trên hòn Bích Điệp ngoài khơi xa, trận bão cuối tháng 9 ta dù sao cũng được xem là “nhẹ tay” bởi chỉ có một ghe cá chìm, vài bạn (1) kéo lưới mất tích – đặc biệt là tàu cá của ông Bảy, chủ phường cá Bích Điệp, đã lọt vào tâm bão, tưởng chết mười mươi nhưng lại thoát, ông chủ cùng cả chục bạn đều bình an vô sự.

Dân làng chài Bích Điệp từng đã thấy và biết ông chủ phường cá làng mình giàu có, làm ăn luôn may mắn từ lâu rồi, nay bàn luận, lý giải về chuyện ông thoát chết trong trận bão và cả về những đợt lưới bội thu gần đây của ông, bà con chỉ nêu lên duy nhất vai trò độ trì huyển hoặc của Ông Nam Hải, được thờ trong cái miếu mới được xây chưa lâu trên bãi cát theo lịnh ông chủ Bảy.

Không rõ ông Bảy tiếp nhận dư luận này như thế nào nhưng đúng ra, đây là một lối giải thích đầy thâm ý của ‘bọn dân đen’, ẩn chứa định kiến đầy khinh bạc.

Theo ‘bọn dân đen’, gần đây ông Bảy trúng nhiều cá, làm ăn phát đạt thêm là nhờ hồn Ông được thờ trong miếu độ trì. Nhưng có người lại vặn hỏi, trước ngày xây miếu, ông Bảy cũng giàu rồi thì là nhờ ai hay nhờ điều gì? Tuồng như không ai trong làng thèm bỏ công tìm hiểu để lý giải điều này. Cứ như số tài sản ông Bảy thừa kế từ cha mình (vốn là một đại phú gia trong nghề lưới đăng của cả tỉnh Khánh) nếu có phát triển thêm được chút nào thì chỉ là do ngẫu nhiên, tình cờ - ác khẩu mà nói thì là do chó dắt, tức không hề do điều kiện, hoàn cảnh thuận lợi nào khác, chẳng hạn như: tài kinh doanh, mạng số, phúc đức tổ tiên…có thể có nơi ông Bảy, nghĩa là trước sau gì ông Bảy cũng chỉ là một trọc phú quê mùa, vô danh tiểu tốt, tài làm ăn chẳng có gì đáng nói.

Bên cạnh các yếu tố trên, run rủi nhân thân của ông chủ phường cá Bích Điệp lại dung chứa một lợi thế siêu nhiên: ông Bảy đang là trưởng nam của Ông Nam Hải thờ trong ngôi miếu. Bởi theo một tục lệ lâu đời của ngư dân, người đầu tiên thấy Ông lụy (2), tức xác cá voi từ ngoài khơi trôi dạt vào bãi biển thì sẽ được coi là trưởng nam của Ông quá cố. Vào tháng trước, đã có một “Ông lụy” như thế cho làng chài Bích Điệp

2.

Vào một buổi rạng đông, một mụ ngư dân nghèo khổ mạt hạng, vợ một gã bạn chài nát rượu làm mướn trong phường cá Bích Điệp, đang tha thẩn trên bãi biền vắng lặng, lượm lặt sò ốc hay thứ gì đó do sóng biển đánh dạt vào, tình cờ mụ thấy xác cá voi. Lập tức mụ vội vàng chạy u về nhà gọi chồng. Vừa thoáng thấy cái đống to lù lù nằm dài trên cát, gã bạn chài lại vội vã đi báo cho ông chủ Bảy. Vậy mà sau đó, nghi thức thiêu xác, hốt cốt vừa xong, bắt đầu lễ tang thì ông chủ Bảy lại bước ra nhận danh vị trưởng nam Ông Nam Hải.

Ông Bảy còn nhớ rõ là lúc đó, thi thể của “cha” mình là xác một con cá voi dứa, một nhánh cá voi mà ông chưa từng được thấy rõ hình dạng. Con cá dài và cao ngang ngang một chiếc xe GMC nhà binh, có những mảng sọc trắng xám trên lưng. Đứng trước xác con cá, mà nếu quên đi địa vị, tư thế cao đạo của mình, cứ để cho óc hiếu kỳ thúc đẩy, ông Bảy đã có thể leo luôn lên thân con cá, bắt đầu từ chỗ thấp nhất là cái đuôi to bằng một nửa chiếc thuyền thúng câu mực, đang choãi ra trên mặt cát. Chỉ sau ba ngày đêm nghi ngút khói nhang, khối hình hài của con cá voi nằm trên cát đã xộp đi hẳn như bị bốc hơi, hoàn toàn mất đi dáng vẻ hộ pháp đáng nể trọng của loài cá thượng đẳng.

Vậy là vào buổi hừng đông định mạng ấy, chị đàn bà nghèo khó đã lánh ra phía sau, nhường lại cho chồng mình vai trò người đầu tiên nhìn thấy xác cá voi. Đã là ngư dân, gã bạn dư biết tục lệ của ngư dân đối với người đầu tiên nhìn thấy Ông lụy, nhưng gã lại chạy đi báo trực tiếp với ông chủ Bảy. Gã làm việc này chỉ với ý định là để cho chủ mình ra xem mà xử lý sự việc, chứ gã không hề có ý nhường lại cho ông chủ - người thứ ba theo thứ tự những người nhìn thấy xác Ông – cái danh dự lớn lao mà cộng đồng ngư dân sẽ tôn vinh.

Bất công, cay đắng hơn cho gã bạn chài, chính ông chủ Bảy cũng lẵng lặng không nói ra sự thật để trả lại công bằng cho kẻ tôi tớ của mình. Tại lễ tang, ông chủ thản nhiên quấn đầu rơm mủ bạc, thể hiện vai con trưởng để tang “cha”. Các danh xưng, chức vị này, khác đúng là thứ ông nhà giàu sẵn sàng bỏ công bỏ của tìm kiếm để tô vẻ thêm cho số tài sản vật chất khổng lồ đã có. Nhưng đến cái danh vị “trưởng nam” của Ông mà ông Bảy có được thì đầy gian trá bởi mấy lão chức việc đã trấn lột từ một ngư dân nghèo khổ rồi đem dâng cho ông chủ như một trò nịnh bợ, lấy lòng.

 

3.

Sự việc còn tác tệ hơn khi nhìn theo quan điểm siêu hình.

Hẳn là có một ban bệ thần linh nào đó, đã ngồi họp trên chín từng mây - hay ngược lại, có thể là ở mấy vạn dặm dưới đáy biển – gọi là tuân theo mệnh Trời mà thảo ra quyết định thiêng liêng chọn vợ/chồng gã bạn chài làm con trưởng của Ông Nam Hải, khiến khi hồn vị thần Biển này được lịnh triệu hồi, xác Ông chỉ trôi dạt đến đúng vị trí đã được chư thần sắp đặt, nghĩa là phải xuất hiện ngay trước mắt cặp vợ chồng kia. Nhưng chính bọn phàm nhân đã làm sai lệch mệnh Trời bằng liên tiếp hai hành động nghịch đạo, phá rối sự xếp đặt của chư thần. Một là gạt bỏ chị vợ gã bạn chài, tức phế hạ nữ giới – dù trên tiên giới cũng có tiên nữ– ra khỏi vị trí ứng viên con trưởng/trưởng nữ của Ông. Hai là gạt bỏ luôn gã bạn chài, tức ứng viên dự khuyết chấp-nhận-được theo ý chư thần, vì dù là trúng vô vợ hay chồng, gia đình này cũng xứng đáng được gia ơn, nâng đỡ cho đổi đời bởi họ đã quá khốn khó từ lâu lắm rồi.

Thiên mệnh còn bị sai lạc ở một điểm khác. Đó là về phần hậu vận của người đầu tiên trông thấy Ông lụy. Rằng trong suốt ba năm để tang Ông, trưởng nam sẽ phải chịu cảnh nghèo kiết xác, mãn tang Ông rồi người đó mới được giàu sang, phú quí, con cái đời sau cũng quyền quí, cao sang.

Nhưng chư thần và người phàm đều biết rõ, khi chức danh “trưởng nam” do bị cưỡng đoạt mà lọt vào tay ông Bảy, thì ông ta đã giàu có sẵn rồi. Mệnh Trời đã mất tác dụng thì còn có quyền năng nào đủ sức treo lơ lửng của cải của ông Bảy trong ba năm tang khó, buộc ông phải nghèo đi chút đỉnh cho thấy, để rồi sau đó lại cho ông tiếp tục giàu lên?

 

4.

Ở cõi trần, ít ai có thể cẩn thận, chu đáo như ông chủ phường lưới Bích Điệp.Vào đêm trước ngày cử hành lễ tang Ông lụy, đồng thời xướng danh người trưởng nam của Ông, ông Bảy đã cho gọi gã bạn chài. Ông chủ đằng hắng, trao mấy đồng tiền cho tên làm công mà ông không hề nhớ tên tuổi của hắn:

Được lắm. Vợ chồng bây tốt, biết mau chưn mau cẳng chạy phụ lo chuyện Ông lị ở làng mình. Đây, mấy đồng bạc thưởng bây, cho đi uống rượu, và nhớ đưa con vợ bây mua gạo, mắm. Bây làm cho tao lâu chưa?”.

Dạ, bẩm ông thợ (3), con làm được bốn năm rồi, từ hồi cụ lớn còn…”.

Ông chủ lập tức ngắt lời thằng bạn lưới, chỉ do vừa nghe nó vô tình nhắc tới cha của ông, một điều ông không thích chút nào:

Thôi, thôi được rồi. Đám bạn bây đông quá nên tao không nhớ đứa nào. Thôi để tao biểu thằng thư ký chuyển bây qua phường Hòn Khô, có mấy chiếc ghe mới đóng mà chưa đủ bạn, công việc nhiều hơn nên mùa nào, chuyến nào bây cũng được theo ghe hết. Sống sẽ khá hơn ở đây con à. Vợ chồng bây chuẩn bị dọn qua bên đó sớm, nghe chưa hử?”.

Vậy là hai chứng nhân, hai ứng viên hụt vào danh vị trưởng nam của Ông đã được dàn xếp cho khỏi có mặt ở tang lễ của Ông, cũng như từ đây về sau, biến khỏi làng Bích Điệp...

 

5.

Có người cho rằng, trên cõi thần cũng có những thủ đoạn dàn xếp mờ ám, không khác cõi trần. Hiển nhiên đã có một thế lực mạnh mẽ, độc đoán nào đó, âm thầm dọn đường cho ông Bảy nhà giàu nắm được danh vị trưởng nam của Ông, và không chừng kiếp trước của ông Bảy có thể thuộc dòng con-ông-cháu-cha trên cõi thần, theo quan hệ với thế lực siêu hình cố cựu ngàn năm ấy. Có thể nói, do phải nể nang thế lực này, ngay cả ở cõi thần -  nói gì là là cõi người, may ra chỉ có vài tiếng xì xào khe khẽ về những tình tiết tiền định – thật khó hiểu vì trái qui luật -  của chư thần đã tạo cơ hội cho ân sủng từ-biển-trôi-vào lẵng lặng lọt vào tay ông chủ phường cá Bích Điệp.

Đó là chuyện thần quyền bị lủng đoạn trên cõi thần, còn ở cõi người, bọn phàm nhân chỉ chắc lưỡi, nhận xét “nước chảy chỗ trủng”. Câu tục ngữ nhân gian, dân dã đã quá chính xác cho trường hợp ông chủ Bảy. Đã nói là ông đã giàu sẵn từ lâu rồi. Mỉa mai hơn, dù cho quyết định thiêng liêng về chức phận “trưởng nam” của Ông Nam Hải có bị thi hành sai lạc thì hồ sơ trên cõi thần cũng đã xếp lại, cách nào đó thì của cải cũng tiếp tục chảy vào túi ông Bảy.

 

6.

Đầy vẻ tự mãn của một thí sinh đậu vớt – rất đáng bị đánh rớt nhưng có thế lực ngầm bảo trợ nên không thể nào rớt bảng - trong ngày lễ tang Ông, ông chủ Bảy lớn tiếng khuyến khích dân làng ráng trườn bò trên cát, chui qua dưới gầm cái quách gỗ to lớn không nắp to lớn, chứa bộ xương cá voi sau nghi thức hỏa thiêu. Lý do là theo tin tưởng từ truyền thống xa xưa, cứ chui dưới cốt Ông như vậy thì người ta sẽ được mạnh giỏi, sức khỏe khang cường.

Nhưng cái cách ông Bảy Ân ân cần, khuyến khích mọi người chui dưới cốt Ông lại có ý nghĩa khác, rằng: “Bây không thể nào được Ông độ cho giàu như ta đây thì hãy bằng lòng với sức khỏe mạnh giỏi đi, cũng do Ông độ vậy.”

Đó cũng là thâm ý của ông chủ Bảy, để cho người khác tức cả làng Bích Điệp cùng hồ hỡi, phấn khởi với ông mà quên đi chuyện này, chuyện nọ.

Tro cốt, cát biển, gió khơi, sóng cồn tiếp tục câm nín thiên thu, chẳng buồn tiết lộ cho thế gian chuyện gì…

PHẠM NGA

(Tháng 9 âm lịch bão lũ)

 

(1) và (3): Thông thường, ngư dân gọi người làm công, làm mướn trên các ghe, tàu đánh cá là “bạn”, “bạn chài”; còn chủ nhân của ghe, tàu đánh cá hay chủ phường đánh cá, chủ sở lưới cá… lại được gọi là “ông thợ”, “bà thợ”.

(2) Ngư dân kính trọng gọi cá voi chết ngoài khơi là “Ông lụy” hay “Ông lị” theo âm giọng dân dã.

 

 Sau đây, mời quý anh chị cùng nghe đọc một truỵên ma


Sống Trong Xác Sói

 

 

Bùi Lệ Khanh sưu tầm những mẹo vặt hay, dễ thực hiện.

tt

 Có những lúc chúng ta cần chữa cháy với những hư hao tưởng chừng như phả bỏ đi khi đang nấu ăn hay những vô ý hoặc vô tình làm hỏng những chuyện không đáng.

Kính gửi quý anh chị một bài sưu tầm của dì Bùi Lệ Khanh cách tự chữa những hư hao thường gặp.

Cám ơn dì luôn có những bài sưu tầm, những viméo gia đình cho những chuyện đi du lịch.

Caroline Thanh Hương

 

18 Mẹo Vặt Hữu Ích Bạn Nhất Định Phải Biết 

Inline image  (Ảnh: Pixabay) 

 1. Nên làm gì khi ăn cay đến mức chảy nước mắt?

Khi ăn cay đến mức chảy nước mắt, uống nước hoàn toàn không phải là cách giải quyết, mà ngược lại sẽ càng cay hơn. Cách tốt nhất là uống sữa để làm dịu cảm giác cay.
 2. Cách để đậu hũ không dễ bị nát
Đậu hũ mềm rất dễ bị nát trong lúc chế biến, nếu muốn giữ cho đậu hũ còn nguyên vẹn, bạn có thể ngâm trong nước muối trước khi nấu khoảng 30 phút. Sau khi cho vào nồi, đậu hũ sẽ không dễ bị nát.
 3. Cách xử lý khi nước dùng quá mặn
Khi nấu nước dùng, nếu vô tình nêm quá nhiều muối thì sẽ bị hỏng vị. Lúc này cách cứu nguy là thả khoai tây vào nấu vài phút. Bởi vì khoai tây sẽ hút muối, khi múc đồ ăn ra đĩa thì vớt bỏ khoai tây đi là được.
 4. Ngâm tay trong giấm trước khi gọt khoai môn để tránh bị ngứa
Khi gọt khoai môn, tay bạn sẽ bị dính nhựa, càng gọt càng ngứa. Lúc này, hãy ngâm tay trong giấm trước, như vậy sẽ không bị ngứa nữa.
 5. Cách để bỏ đi phần sáp bên ngoài quả táo.
Nếu thích ăn táo cả vỏ, bạn cần bỏ đi phần sáp bên ngoài, có 2 cách thực hiện như sau.
 - Cách 1: Cho táo vào nước nóng (nhiệt độ vừa đủ để chạm tay vào là được), lúc này phần sáp của quả táo sẽ tan ra.
 - Cách 2: Rửa táo bằng cách chà kem đánh răng lên trên vỏ, sau đó rửa lại bằng nước sạch là có thể ăn được.
 6. Cách để khoai tây chậm lên mầm.
Mầm của khoai tây có chứa solanine, một loại glyco-alkaloid đắng và độc, ăn vào sẽ gây đau bụng, chóng mặt. Để một quả táo trong rổ khoai tây có thể kéo dài thời gian lên mầm.. Khí ethylene sản sinh từ táo có công dụng ngăn chặn khoai tây phát triển.
 7. Cách để cơm vừa đẹp mắt vừa thơm.
Sau khi vo gạo, hãy nhỏ vài giọt chanh vào nước, như vậy sẽ giúp cơm vừa đẹp mắt vừa thơm. Ngoài ra, còn một cách khác nữa cũng khiến cơm thơm hơn, đó là khi vo gạo xong chuẩn bị nấu, nhỏ vài giọt dầu vào nấu cùng cơm.
 8. Cách giữ cho bánh luôn giòn
Khi cho bánh vào lọ, hãy để vào một khoanh đường. Đường sẽ giúp hút khí ẩm trong lọ nên giữ được cho bánh thơm giòn.
 9. Cách giặt quần áo dính mực
Khi quần áo hoặc vải vô tình bị dính mực, có thể dùng hạt cơm hoặc keo dán hòa cùng chất tẩy rửa rồi cùng đầu ngón tay bôi trực tiếp lên chỗ bị dính mực, sau đó miết liên tục lên đó, vết mực sẽ nhanh chóng bị loại bỏ. Sau khi làm sạch được vết mực, bạn có thể tiếp tục ngâm quần áo trong chất tẩy rửa rồi giặt lại.
 10. Cách giặt sạch giày có mùi
Rắc baking soda vào trong bốt, giày thể thao hoặc giày có mùi và bị ẩm, dưới tác dụng của baking soda, hơi ẩm và mùi lạ sẽ bị hút đi, bạn sẽ nhanh chóng có một đôi giày sạch và thơm.
 11. Cách tẩy vết ố vàng ở cổ áo và nách áo.
Trước tiên, bạn nên dùng bàn chải quét dầu gội đầu hoặc kem cạo râu lên vết ố vàng, sau đó chờ khoảng 4- 5 phút rồi mới giặt, như vậy quần áo sẽ dễ giặt sạch hơn..
 12. Cách bảo quản hoa tươi.
Thêm một chút bia vào bình cắm hoa có thể khiến hoa tươi lâu hơn nhiều, bởi vì trong bia có chứa ethanol có thể khiến cành hoa nở ra, ngăn ngừa vi khuẩn. Bên cạnh đó, bia còn có đường và chất dinh dưỡng khác giúp cung cấp chất dinh dưỡng cho cành hoa.
 13. Cách mài kéo đơn giản.
Bạn có thể xếp 2 – 3 lớp giấy nhôm rồi dùng kéo cắt, kéo sẽ lập tức sắc bén đến bất ngờ.
 14. Cách xé mác trên đồ dùng mới mua.
Khi mua quà tặng rất khó để xé mác giá, nếu xé bằng tay sẽ để lại vết đen không đẹp. Vậy phải làm sao? Bạn có thể dùng máy sấy tóc hơ nóng, khi đó sẽ xé mác dễ dàng hơn, không để lại tì vết.
 15. Bia ngoài uống còn có thể dùng làm gì?
Dùng bia còn thừa để lau lá cây sẽ mang đến hiệu quả không ngờ tới. Bạn có thể dùng bông chấm vào bia rồi lau nhẹ mặt lá, không chỉ bụi mà ngay cả vết bẩn lâu năm cũng sẽ dễ dàng bị đánh bay, mặt lá sẽ sáng bóng tự nhiên.
 16.. Cách thông bồn cầu bị tắc
Đổ một chậu đá lạnh khoảng 1 kg vào bồn cầu rồi nhấn nút xả nước, sức nước và đá đều sẽ cuốn trôi mọi vật cản và không gây ô nhiễm.
 17. Cách chống gián.
Gián là loài vật mà ai cũng cảm thấy khó chịu muốn đuổi đi, nhưng chúng lại sinh sôi vô cùng nhanh vào mùa hè khiến chúng ta khó chịu. Bạn chỉ cần dùng một nắm húng quế phơi khô, sau đó dùng một chiếc tất cũ để đựng, rối đặt ở góc tường hoặc những nơi thường hay xuất hiện gián là có thể đuổi chúng đi.
 18. Cách xử lý kiến trong nhà.
Tỏi rất hữu hiệu trong việc xử lý kiến, chỉ cần để vài củ tỏi trên đường đi của kiến, chúng sẽ lập tức đổi đường đi. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho tỏi vào trong nước, rồi dùng nước này lau nhà, kiến sẽ lập tức dời đi chỗ khác.

Thanh Trúc  


dimanche 8 novembre 2020

Phạm Nga giới thiệu tản văn Phố, Đêm, Mưa và xem show Tôi Đưa Em Sang Sông với tiếng hát Phạm Đức Nghĩa.

tt

 Kính gửi quý anh chị bài tản văn của anh Phạm Nga. Bài tản văn này anh gửi cho tôi vào tháng mười, nhưng thời gian qua mau, khi việc nhà và việc làm không cho tôi chút tâm tư để giới thiệu bài viết của anh.

Ròng rã tháng mười, trời tây, mưa cũng không dứt, bệnh Covid tàu lây lan càng khiến nhà nhà khép kín tâm tư chờ ngày mai trời lại sáng.

Trong cái không khí âm u luôn bao trùm, cái giá rét chưa đến mà không gian u ám nên càng ảnh hưởng nhân sinh quan con người.

Hy vọng khi quý anh chị trầm tâm đọc bài tản văn của anh Phạm Nga mà cảm thấy Con Đường Xưa với Phố, Đêm, Mưa sẽ thấy nhớ về nơi nào mà mình đã lãng quên.

 

Cám ơn anh Phạm Nga và kính chúc quý anh chị những ngày bình yên và khỏe mạnh.

Caroline Thanh Hương

 




Tản văn

PHỐ, ĐÊM, MƯA

 

1.

Những ngày này, bởi ảnh hưởng của liên tục những cơn bão ngoài Trung, Sài Gòn mưa liên lỉ, hết cơn lớn, ào ạt trút nước lại đến cơn nhỏ lâm râm kéo dài. Tôi đành bó gối ngồi nhà, bởi ngại mưa gió nên cả những công việc cần thiết phải đi – trong đó có đi bộ ở công viên, cần cho việc trị tiểu đường- cũng đành bỏ qua hay gác lại, nói gì đến chuyện đi chơi, ra quán quen gặp bạn già tán gẩu… Càng nên ít ra đường, đến nơi công cộng còn vì  ‘giãn cách xã hội’ có mức độ vẫn còn cần thiết bởi Covid19 chỉ lắng xuống, chưa hề kết liễu. Đành xa cách, vắng mặt đối với phố phường thân quen.

Vâng, trước mùa bão tháng 10, nghĩa là chỉ mới nửa tháng trước, khi ‘giãn cách’ bởi dịch bệnh được nới lỏng, mọi người dù có nghiêm chỉnh mang khẩu trang hay không vẫn có thể ít nhiều thong dong ra phố, từ ngoại ô vào nội thành hay từ Sài Gòn đi các tỉnh và ngược lại… Giờ đây, đến lượt thời tiết mưa gió lì lợm kéo dài cũng gây ‘giãn cách’ chng vui vẻ gì hơn dù chỉ bó buộc, hạn chế về không gian giữa con người với nơi chốn con người muốn lui tới hơn là ‘giãn cách’ xã hội, tức giữa người với người để phòng dịch lây lan trong cộng đồng.

Đêm nằm thao thức, nghe tiếng mưa rơi ngoài trời khi thì vang rền khi thì khẽ khàng buồn thiu. Lại chạnh nghĩ đến bão lũ tàn khốc vửa qua đã gây nhiều tang thương, mất mát cho bà con các tỉnh miền trung Trung bộ.

Trời đã khuya, văng vẳng tiếng hát karaôkê bên nhà hàng xóm:“Ðêm khuya mưa rơi rơi trên đường vắng/ Ðôi chân lang thang tâm tư trầm lắng…” . Mặc cho cái giọng nam trung thô thiển rớt nhịp hoài của anh hàng xóm, tôi vẫn bàng hoàng bởi từ thời trẻ trai đã thích dòng rumba/boléro đơn sơ, không cầu kỳ mà thật dễ mến của Văn Phụng. Và lúc này, đang đêm mưa buồn lại tình cờ được nghe bài ‘Giã từ đêm mưa’ với nhạc điệu khoan thai mà đầy níu kéo của ông nữa thì thật hạnh phúc.

 


2.

Xưa nay trong văn học nghệ thuật, từ một mẫu minh họa cho tập thơ, cuốn truyện cho đến khuôn hình trang trí bìa một bản nhạc, thường hay có hình ảnh phố đêm – những con đường, những góc phố vắng lặng, im lìm. Và, như các tác giả thường đươc gợi cảm hứng hay chọn làm nguyên mẫu, đó thường là thành phố Sài Gòn thân thương này.

Bởi được thể hiện trong văn chương nghệ thuật nên những “văn ảnh” phố phường này luôn có cách điệu. Trước hết là có mưa - mưa nhẹ nhàng, lướt thướt thôi cho thêm phần buồn bã cảnh đường phố ban đêm. Kế đó, trong văn ảnh thường là những con đường nhỏ, hẹp hay ngõ hẻm lụp xụp, nhà cửa cũ kỹ, mộc mạc thôi chứ không cần thiết là đại lộ nguy nga, cao ốc hào nhoáng. Đôi khi, như trong ca từ bản ‘Phố đêm’ (Phạm Đình Chương), lãng đãng có “ánh đèn vàng hắt hiu” – ánh sáng vàng vọt, yếu ớt, thê lương mới phù hợp chủ đề về phố mưa buồn, phù hợp với chính hình ảnh rất quen nơi các tờ nhạc in ngày trước: chàng nhạc sĩ nghèo, cây guitar cũ mang trên vai, lầm lũi bước đi dưới ánh đèn đường. Chứ phải nói là xa lạ, lạc điệu là loại ánh sáng ngày (day light) trắng toát của đèn néon cao áp chiếu sáng các đại lộ, cầu bắt qua sông, giao lộ hay vài đoạn xa lộ đi qua khu phố, thị trấn.

 


3.

Nhớ thời trẻ trai, tôi vẫn lo học hành đàng hoàng nhưng do có phần bắt chước ‘nghệ sĩ tính’ từ các đàn anh ban C, nhiều bận tôi đã cùng nhóm bạn thân rong chơi phố phường Sài Gòn, luôn cả vào giờ giấc rất khuya muộn. Cả bọn thích đi bộ lang thang hay chạy xe thật chậm qua những con phố đêm vắng lặng không bóng người. Gặp lúc đô thành có lịnh giới nghiêm, cả bọn vẫn lì lợm, lang thang đến sát giờ còi hụ mới chịu quay về. Hay nếu có mưa nhẹ, lất phất trên đầu thì càng thú vị, đến nổi đứa nào có đem theo áo mưa cũng không lấy ra mặc vào khi mưa đã rớt hột. Có khi đang chạy honda ngoài đường, trời đang tạnh ráo bỗng mưa kéo đến, gió nổi lên rào rạt cùng sấm chớp ì ầm, cả bọn lại thích chí cười vang, kể cả các cô bạn ngồi yên sau cũng vui hẳn lên. Nỗi phấn chấn, hứng khởi kỳ cục khi nhận được những giọt mưa đu tiên rơi xuống mặt!

Đến thời tốt nghiệp, ra trường, đi dạy học, đi làm báo, lãnh lương thì bù khú chút đỉnh với anh em. Nhớ những lần tình cờ ‘bắt’ được ngoài phố mấy tên bạn thân thiết, bạn thơ văn…đã rất lâu không gặp là dẹp hết mọi bận tâm hay kế hoạch trong ngày, ngay lúc đó kéo nhau ‘tấp’ đại vô một quán nhậu, sạp nhậu xập xệ lạ hoắc thấy trên vỉa hè. Quán chỉ có rượu đế, rượu thuốc cùng cóc ổi, đậu phng…, cũng chẳng hề kén chọn, cứ mãi miết vừa ‘xây tua’ vửa hỏi thăm nhau tin tức bạn gần bạn xa, đứa này đứa khác. Rồi cơn mưa chợt đến, tấm bạt che mưa cũ rách chẳng ra trò trống gì, mưa dột mưa hắt làm ướt đẫm cả tóc, cả lưng mấy gã bợm ké né ngồi đó.Tữu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu”, anh em bạn bè vẫn tỉnh bơ nâng ly, chén tạc chén thù. Có điều cũng lạ, cũng ngộ là ai nấy dù uống nhiều, uống liên tục như thế nhưng chưa lần nào có ai say gục đến phải nằm lại tại chỗ. Nhậu đã đã mà trời còn mưa thì ‘10 lần như 1’, cả bọn kéo hết vào một quán cà phê.

Cứ như mưa trời chẳng những không có vẻ gì gây khó dễ băng nhậu tri kỷ tụi tôi, ngược lại còn góp vui, góp phẩn giúp bữa nhậu ‘tao ngộ chiến’ càng tăng thêm phần hào hng, thú vị. Lúc này nếu tình cờ hay ho là mượn được cây guitar, chắc chắn sẽ có bạn đòi ai đó hát cho nghe hay tự hát luôn những ca khúc  rumba/boléro, những nhạc phẩm cùng nhạc sĩ theo ‘gu’ riêng của bọn tôi, cũng đẫm nước mưa hay đẫm... rượu đế, như:  Mưa Sài Gòn mưa Hà Nội (Phạm Đình Chương phổ thơ Hoàng Anh Tuấn), Những ngày xưa thân ái (Phạm Thế Mỹ), Trăng tàn trên hè phố (Phạm Thế Mỹ), Giã từ đêm mưa (Văn Phụng), Phố đêm (Phạm Đình Chương), Những bước chân âm thầm (Y Vân), Mưa đêm ngoại ô (Đỗ Kim Bảng)... Và chắc chắn cả bọn sẽ không bỏ qua nhạc Trịnh Công Sơn, trong đó có bài tuy không phải rumba/ boléro nhưng ‘trứ danh’ là ngay ở câu đầu đã nhắc luôn tới mưa: “Mưa vẫn hay mưa trên tầng tháp cổ” (Diễm xưa), hay “Em đứng lên gọi mưa vào hạ” (Gọi tên bốn mùa), hay mưa rơi suốt bài suốt bản luôn là “Trời mưa, trời mưa không dứt. Ô hay mình vẫn cô liêu”(Lời buồn thánh).

Phố. Đêm. Mưa. Ba yếu tố ngoại cảnh thân quen đã góp phần làm nên bao kỷ niệm sâu sắc cho thời học sinh lớp tú tài cùng thời sinh viên thư-sinh-mặt trắng chúng tôi. Cái thời bọn trẻ tóc còn xanh nhưng đã không khỏi già háp bởi những trăn trở, thao thức về thân phận trong cuộc chiến kéo dài, vẫn có lúc mơ mộng, có lúc hát ca, có lúc là những đêm mưa dịu dàng, cả đám cùng lang thang, chạy xe chầm chậm, vô định qua những con đường im vắng của Sài Gòn...

PHẠM NGA

(Tháng 10 bão lũ)