Translate

Libellés

dimanche 17 mars 2024

Tản văn PHẠM NGA Công Tử ‘Bột’ Ra Ngủ Ngoài Đồng.

 Kính gửi quý anh chị bài tản văn của anh Phạm Nga.

Cám ơn anh Phạm Nga đã gửi cho tôi những bài anh đã viết.

Đọc bài tản văn của anh làm tôi nhớ đến một người bạn cùng trường với các con tôi năm chúng cũng ở lứa tuổi mười mấy.

Cậu ấm này cũng ghi tên vào hội hướng đạo với các con của tôi, nhưng mỗi lần cắm trại cuối tuần về là cậu nhờ cha mẹ năn nỉ tôi viết một lá thư cho thầy giáo xin phép nghỉ bệnh một ngày để lấy lại sức.

Nhóm nữ hướng đạo, tuy sức lực không bằng nhóm nam, nhưng cũng tham gia leo núi, khuân hành lý không thua ai, nhưng không bở như bún riêu... Đến chỗ cắm trại lại, họ còn bày trò chơi với nhau, không rút mình trốn như cậu ấm này.

Thật là một thời gian khó quên vì được xiết chặt tình thân và rèn luyện bản thân. tình cảm đó vẫn còn kéo dài đến hôm nay.

Caroline Thanh Hương





Linh, 17 tuổi, học lớp 11, sức khỏe rất tốt, hơi béo phì, nước da trắng trẻo như  con gái. Là con trai thứ của một doanh nhân phát đạt, cậu ‘công tử bột’ này chỉ quen sinh hoạt trong căn biệt thự của bố mẹ, vừa rộng lớn vừa dư dả tiện nghi. Hằng ngày, ngoài giờ đến trường hay đi chơi, cậu thường tự nhốt mình trong căn phòng riêng có gắn máy điều hòa không khí. Được bố mẹ nuông chìu gần như muốn-gì-được-nấy, Linh được sắm riêng laptop, Epad… cùng bộ thiết bị chơi game trọn gói mạnh nhất cho tật mê chơi game của thiếu gia nhà mình. 

Phải nói, từ nhỏ đến giờ ngoài những dịp đi du lịch đây đó cùng bố mẹ, chưa lần nào Linh đi chơi dã ngoại mà không có bố mẹ, anh em bên cạnh. Do đó, khi nhóm bạn trong lớp rủ đi cắm trại 2 ngày 1 đêm tại một ngôi chùa nằm ở vùng ngoại ô, Linh rất do dự,  nhưng sau cùng cũng miễn cưỡng nhận lời. Chẳng qua là cái tật ham vui, ham bạn bè trong Linh đã khiến cậu tưởng tượng rất nhanh đến viễn ảnh vài ngày tới đây mình sẽ rơi vào tình cảnh đơn độc rất là buồn. Bữa đó tụi nó rủ nhau đi cắm trại hết, mình không đi thì ở lại chèo queo, biết chơi với ai, mà tới 2 ngày 1 đêm nữa chớ! Và cũng chính bản chất ham vui, ham đám đông đã giúp cậu tự gạt bỏ thói quen thích an ổn, tĩnh tại. Và cậu thầm nghĩ mình  cứ thử  ra ngoài nắng ngoài gió một lần xem sao. Như làm một chuyến “giang hồ bụi bậm” vậy mà!


2.

Đó là một thứ bảy cuối tuần. Linh cùng các bạn đi theo một nhóm Phật tử đến thăm hỏi, tặng quà cho các cụ già được nuôi dưỡng ở nhà dưỡng lão thuộc một ngôi chùa nằm bên bờ sông Sài Gòn. Sân vườn nhà chùa rất rộng và có cả một khu ươm, trồng các loại thảo dược.Vườn thuốc nam này đang hoang tàn vì bị bỏ phế đã khá lâu và nhóm Phật tử đã ghi thêm vào chương trình thăm nhà dưỡng lão những công việc làm cỏ, dọn cây dại, bón phân… cho vườn thuốc.

Thế là cánh trẻ - một nhóm chừng 10 cô cậu tuổi teen’s – đảm nhận công trình dọn dẹp, chăm sóc vườn thuốc nam tại chùa trong 2 ngày, nhân tiện cắm trại, chơi lửa trại và nghỉ đêm trong sân vườn nhà chùa, phía sát bờ sông.

Do từ lâu không được chăm sóc, vườn thuốc nam bị cỏ dại, bụi cây dại mọc chen um tùm, lá rụng từ cây cối xung quanh lâu ngày tạo thành cả một thảm cỏ mục, muốn lấp mất cả gốc các cây thuốc. Nhóm bạn trẻ chia nhau làm đủ thứ việc, từ hốt dọn cành lá, cuốc dọn cỏ đến đào hố chôn lá mục, chặt bụi cây dại, vun gốc cây thuốc, kéo nước tưới… Linh mệt nhoài vì xưa nay không hề quen làm việc chân tay, nay rất đáng khen là gần cả một ngày nắng nôi, ‘cậu công tử bột’ rất cố gắng làm việc cho bằng với các bạn mình. Linh nhễ nhại mồ hôi, quần quật ngoài nắng, nhoài mình vào đất cát thật sự chứ không hề tìm cách lánh vào chỗ mát. Nội cái việc gom, ôm những bụi cây dại đem đến cuối vườn, gom đống chờ đốt… cũng đủ làm cho quần áo Linh lấm lem và hai cánh tay bị xước, rướm máu vài chỗ. 

Chiều tà, trời đã tắt nắng, cả đám con trai nằm dài ra bãi cỏ. Vì đều mệt và lười nên chẳng tên nào lo đi tắm rửa cho sạch bụi đất, mồ hôi trên người, dù bữa cơm tối còn hơi lâu mới được đám con gái dọn ra. Trước đó, cả bọn đã nhất trí là bọn con gái phải đi chợ và nấu nướng xong xả với nồi niêu mang theo, không nên mượn nồi niêu chỉ dùng để nấu cơm chay của nhà chùa.

Chẳng cần thứ gì làm gối kê đầu, bọn con trai nằm dài trên cỏ, tiếng trò chuyện thưa thớt dần rồi nín bặt. Có lẽ do mệt, làm biếng nói năng, cũng có thể do bận ngắm bầu trời sẫm tối đã có vài ngôi sao mọc mờ mờ. Riêng Linh thì nghĩ ngợi mông lung...


3.

Mấy ngày trước, Linh đã hình dung ra một khi dự chuyến trại dã ngoại này, chưa biết cái phần ‘đi chơi’, ‘đi vãng cảnh chùa’ có vui vẻ hay ho gì không, chớ cái phần mình phải cùng mấy đứa nó phải dọn cái vườn thuốc nam, tức làm việc chân tay, thì chắc chắn sẽ mệt, sẽ khổ thôi! Và đâu phải chỉ có chuyện lao-động-chân tay cả ngày ở nơi đồng quê ấy, đêm đến khi đi ngủ thì Trời ạ, mình phải ngủ trong lều vải bạt dựng trên bãi cỏ ngoài trời, chớ nào phải ở phòng có gắn máy điều hòa không khí cùng máy hút bụi, máy đuổi côn trùng… như phòng riêng của mình ở nhà, càng không phải là phòng khách sạn 4-5 sao đầy đủ tiện nghi như khi đi du lịch cùng ba mẹ!

Cậu ‘công tử bột’ con nhà giàu thảng thốt ngay, tự cho rằng chắc chắn mình sẽ rất khổ vì cái nơi chán-muốn-chết này, bởi ở đây mình thiếu vắng các máy móc, điện tử… quen thuộc như ở nhà đã đành, đằng này điều khổ sở ngặt nghèo nhất là cái chùa ở vùng ngoại ô kia làm sao có mạng internet, mà không có wifi thì làm sao chơi game online trên điện thoại?

Linh cũng đã không hề tin là, ở cái sân vườn nhà chùa buồn thiu kia mình có thể chịu nỗi gió bụi, côn trùng hay chấp nhận nỗi nước giếng, nước sống không được nấu chín hay khử trùng.v.v… 

Nói chung, cậu ‘công tử bột’ cho là khi người ta sống gần gũi thiên nhiên, mọi thứ sẽ đều tồi tệ vì mất vệ sinh, kém an toàn. Cậu còn tin rằng do mình không thể giống như đám con nhà nghèo - tụi nó đã quen sống “lăn chai” bụi đất từ tấm bé, nên khi có mặt trong chuyến dã ngoại này chắc là mình sẽ không khỏi biến thành miếng mồi ngon của đủ loại côn trùng và vi trùng.

Chưa ra nắng bụi, chưa bị kiến cắn hay sâu chích, cũng chưa bị tiêu chảy vì uống nước sống nhưng cậu công tử con nhà giàu đã sớm biến mình thành nạn nhân của tâm lý “sợ thiên nhiên hoang dã” xuất phát từ chính cậu.

Kết cuộc là, như một kẻ khờ khạo lỡ nhắm-mắt-đưa-chân theo bạn bè, Linh không dấu được vẻ lo lắng, cứ tưởng tượng bi quan này nọ trong suốt thời gian ngồi xe rời nội thành ra vùng ngoại ô, hướng về địa điểm dã ngoại…


4.

Thế rồi, dưới ánh nắng trời hôm nay được cái là không gay gắt lắm, tại khu vườn thuốc nam trong khuôn viên nhà chùa, giữa đám bạn bè cùng trang lứa vừa rộn ràng làm việc vừa cười nói om xòm, nơi-hoang-dã đã từ từ đến êm re với cậu công tử con nhà giàu.

Đúng ra, từ thuở bé, cây cỏ thiên nhiên không xa lạ gì với Linh vì ít ra, qua các chuyến đi chơi, du lịch các nơi, cậu cũng đã từng nhiều lần đi ngang qua các cánh đồng miền Tây, vườn tược miền Đông, bãi biển miền Trung, thác suối Đà Lạt…, Nay, ở cái lần phải nói là lần đầu tiên tiếp cận trực tiếp với thực tế cây cỏ thiên nhiên, cậu con trai mới giây phút trước còn nhất định tự cho mình là nạn nhân thảm hại của thế giới hoang dã, nhưng lần hồi cậu đã khá nhanh chóng nhận ra là thiên nhiên hoang dã  - từ mùi đất ướt át hay cục sỏi khô khốc, màu lá cây ăn trái xanh tươi hay màu cỏ dại úa tàn… - , thực tế đâu có gì là thù địch với cư dân phòng máy lạnh như cậu.

Trong buổi làm việc, một thằng bạn thân con nhà nghèo – tức sẽ không có cái chất nhớt “công tử bột” như Linh  - còn khuyến khích tên bạn nhà giàu bỏ dép đi chân không trên cỏ, cứ làm lơ đi những gai nhọn, miểng chai, con sâu, con kiến.v.v…, dù cho những thứ này không mơ hồ chút nào mà hoàn toàn có thật trong thiên nhiên.

Kỳ diệu thay, đúng như thằng bạn đã bảo Linh hãy lắng nghe, những lá cỏ dưới chân cậu chợt khẽ lên tiếng, khuyến khích làn da chân nhút nhát kia hãy thoái mái tiếp xúc với mặt đất thiên nhiên, chứ không phải nền xi măng nhân tạo. 

Giờ này, nằm dài trên cỏ, Linh nghe ngóng thân thể mình. Tay chân có mỏi và vài chỗ bị xước, lưng có hơi ê ẩm, nhưng nhìn chung, mọi việc đều tốt. Hay nhất là tấm lưng con nhà giàu chỉ quen với nệm êm chăn ấm, nay nằm dài ra mặt đất, dưới lưng chỉ có lá cỏ làm nệm, tưởng sẽ khổ sở, khó chịu lắm nhưng lại cũng OK.

Trước đây, cũng vì có tố chất cá nhân nhạy cảm cộng với sự dễ thụ cảm cái lạ của tuổi teen’s, ngoài chuyện đã từng bị ma túy quyến rũ – may là chỉ trong thời gian ngắn là gia đình đã kịp thời chữa trị và ngăn chặn, Linh còn rất nhạy và phải nói là nô lệ những mùi thơm nhân tạo, từ mùi xà bông tắm hay kem đánh răng, cho đến mùi kem dưỡng da, hương xịt phòng… Đáng nhớ nhất  hồi mới 13-14 tuổi, không rõ đọc được ở đâu mà cậu nhóc này đã lén cha mẹ ra tiệm thuốc tây mua về xài một loại nước thơm, mà đúng hơn hết là quý bà quý cô mới dùng khi cần làm sạch da mặt, tẩy trang hay xoa, vuốt sau khi làm massage mặt, cổ - được gọi là nước hoa hồng (tiếng Pháp là eau de rose), mùi hơi hắc nhưng vẫn thơm nhẹ. Đến tay cậu nhóc ‘công tử bột’ thì nước hoa hồng được dùng để xoa lên mặt sau khi nặn mụn.

Và khi đi du lịch với gia đình, cậu mình luôn luôn siêng năng, lễ mễ đem theo trong hành lý cả lô hủ, ống, chai... lớn nhỏ những thứ ‘thơm thơm’ nói trên, càng nhiều thứ càng tốt!

Bên cạnh đó, Linh rất dị ứng với mùi mồ hôi của người khác, bởi phải nói là ngay đối với chính mình, một khi đã thường trực “tự vũ trang” cả đống thứ tạo mùi thơm trong sinh hoạt và vệ sinh cá nhân, chẳng bao giờ cậu để thân thể mình bốc mùi dù chỉ thoáng qua cả. 

Giờ đây, cả bọn con trai đã hăng say làm việc chân tay gần cả ngày tròn ngoài nắng gió và chưa đứa nào đi tắm nên quần áo đều ẩm mồ hôi, bẩn thỉu đất cát …, nên mình mẫy đứa nào cũng bốc mùi. Vậy mà Linh chợt nhận ra là nảy giờ mình đã không hề khó chịu hay dị ứng bởi cả hai thứ, một là mùi mồ hôi của bạn bè, hai là mùi mồ hôi của chính thân thể cậu.


5.

Trong đêm đầu tiên trong đời được sống dã ngoại, ngủ trong lều căng ngoài trời - tức ngủ dưới đất ấy, kỳ diệu là Linh không hề trăn trở, mất ngủ như cậu đã tưởng tượng trước thế nào mình cũng làm sao mà ngủ được!. Trái lại, một cơn mưa nhỏ tạo ra tiếng vỗ rì rầm trên mái lều, nghe thật êm đềm như bài hát ru trẻ thơ, đã dẫn thần trí Linh bay bổng lên bầu trời đêm đầy sao. Vốn một phần do đã mệt mỏi sau một ngày lao động ra trò thật hiếm hoi trong đời, Linh thiếp dần. Giấc ngủ đã đến thật êm ả, ngọt ngào…


P.N.

(trích truyện kỳ ảo NHỎ NINA VÀ NHỮNG BÓNG QUẾ, PhamNga 2024)

dimanche 4 février 2024

Phạm Nga và bài ký Làm Báo Xuân Học Trò và xem Youtube Caroline Thanh Hương về trường Hồng Bàng và trường Petrus Ky.

 Kính gửi quý anh chị một bài ký của tác giả Phạm Nga, cựu học sinh và cũng là cựu giáo sư trường Petrrus Ky,

Viết về báo Xuân mới thấy bao nhiêu kỷ niệm như uà về trong tâm tưởng.

Văn nghệ hay thể thao  liên trường cũng là một tiết mục rất vui cho các bạn được quyền vắng mặt để đi tập dượt và thi đua.

Năm tôi đã vào lớp 11, đã qua trường PTKý để theo các bạn đi trình diển văn nghệ, mà không biết một năm sau, lại vào đây rồi tốt nghiệp ra trường.

Thờ gian như con thoi, trường cũ, bạn xưa HB hay PTK. nhiều người đã ra đi không hẹn ngày gặp lại.

Người chân trời, kẻ heo may, gốc trường nào tôi cũng rất quen thuộc, vì tôi đống đô ở đó không sáng thì chiều, gác cổng, học thêm với vác bạn lớp khác hay vào trám răng...

Thủa năm tôi học lớp 12. trường PTKý có một nha sĩ và trạm y tế khá tốt và miễn phí vấn đề y tế cho các học sinh trường này.

Tôi lại hay bị bệnh nhức đầu kinh niên, sau này mới biết là bị migraine, nêngì ra chơi là chạy mau lên trạm y tế để xin thuốc...


tt tt


Cám ơn anh Phạm Nga đã có những bài ký cho Blog Hương Xuân, nhưng mắt tôi dạo này rất kém xưa, nên thỉnh thoảng mới vào post bài vào Blog.

Cứ ngồi vào là một, hai ngày cũng không đủ cho tất cả những việc mình muốn thực hiện, nhưng cũng có khi phải bớt cái đam mê vì lý do để bảo ảm sức khỏe của mình.

Mong các anh chị trong những Diển Đàn của chúng ta thông cảm sự vắng mặt bài vỡ đưa vào Blog hay hồi âm.

Chúc anh Phạm Nga và quý anh chị những ngày cuối năm Tết ta vui, mạnh, hạnh phúc.

Caroline Thanh Hương

  tt

LÀM BÁO XUÂN HỌC TRÒ 

*Ký PHẠM NGA


1.

Hồi học các năm đệ tam/nhị/nhứt trường PetrusKý (1964 -1967), tôi tập tành viết lách, sáng tác kiểu… học trò. Thời đó, trong giới làm thơ, viết lách trẻ ở Sài Gòn rộ lên phong trào lập thi văn đoàn, trong đó nhóm tôi có tên khá độc đáo: ‘Văn nghệ TIM’. Cũng thời đó, trong đám bạn trẻ chơi thi văn đoàn có đến 90% chỉ làm thơ, hiếm tay nào viết văn xuôi; còn bút hiệu thì đa số chọn những cái tên nghe sến não nùng – như: Đỗ Lệ, Hoài Mộng Thủy, Sa Chi Lệ, Trầm Mặc Nghệ Thế, Thường Tang Nhân, Bạch Chi Uyên Chi.v.v… Tôi thì không làm thơ, ngay từ đầu chỉ viết văn xuôi nhưng không khỏi sến y như các bạn khác, đã nắn nót chọn cái bút hiệu ‘Dzũng Thi Thường Tang Nhân’ bởi rất thích từ ‘Dzũng’ nghe thiệt là trúc trắc trong nghệ danh của nhạc sĩ Dzũng Chinh, người viết ca khúc Những Đồi Hoa Sim vang danh thời đó. Và chuyện hay ho là sau khi gởi và được đăng liên tiếp mấy bài trên mục Truyện Ngắn của 2 tờ báo Trắng Đen và Tin Sáng, tôi bỏ bớt mấy chữ lạnh lẽo ‘Thường Tang Nhân’, chỉ ký ‘Dzũng Thi’ khi gởi thử truyện ngắn ‘Sự vô duyên của khối đá màu’ cho tờ Sống của nhà văn Chu Tử - nhật báo nổi tiếng, một trong những tờ in nhiều nhất, bán chạy nhất VN thời 1963-64 và tòa soạn tuyển bài đăng rất khó. Run rủi, truyện ‘Sự vô duyên của khối đá màu’ được đăng, khiến trong một buổi họp của Văn Nghệ TIM, tôi được bầu làm nhóm trưởng, bởi bấy lâu trong gần 20 nhóm viên của nhóm đã không ai có bài văn xuôi nào - truyện ngắn chẳng hạn - được đăng trên báo! Cái tên ‘trưởng nhóm’ 17 tuổi đã không khỏi hỉnh mũi hãnh diện khi ký tên cấp thẻ nhóm viên cho các ‘ma mới’ đến với Văn Nghệ TIM. 

Tôi cũng gởi bài và được đăng trên tờ giai phẩm Xuân hằng năm do ban đại diện HS trường Petrus Ký thực hiện. Riêng năm đệ nhị C, cận Tết năm 1966, mặc dù phải lo học thi tú tài I nhưng tôi bày đặt làm báo liên trường PetrusKý, Gia Long, Chu Văn An và Trưng Vương. Nói ‘liên trường’ gồm đủ 4 trường công lớn nhất đô thành Sài Gòn, cũng lớn nhất VNCH thời đó có vẻ lớn lối chớ sự thật là trong vòng chừng 10-15 tay viết tham gia giai phẩm liên trường này thì dân PetrusKý là đa số, còn lại mỗi trường nữ kia có chừng 2-3 “nhà thơ học trò” gởi bài đến và được đăng luôn dù hay dù dở; còn trường nam Chu Văn An chỉ có một cậu thôi.

2.

Những ngày làm báo khá vất vả nhưng vui. Trước hết là về quá trình thực hiện và phần hình thức của tờ giai phẩm. Chỗ nhóm tụi tôi tụ tập, coi như “tòa soạn” là nhà tên bạn con so Chu Văn An, nằm ở đường Nguyễn Thiện Thuật, tức khá gần trường PetrusKý. Tôi đã được anh em coi như ‘chủ báo’ vì tôi có thể lo được cả 2 cái khó nhất khi ra tờ giai phẩm, đó là việc xin Bộ thông tin cấp cho giấy phép xuất bản báo chí và việc kiếm tiền mua giấy in báo. Trước hết, bởi không phải chuyện đơn giản là làm báo kiểu in ronéo chỉ vài chục tờ, đánh máy bài vở trên giấy stencil lem luốc mà nhóm Văn Nghệ TIM từng làm ở tiệm photocopy xập xệ tên ‘Thông Reo’ nằm ở đường Trần Quang Khải, Tân Định, đằng này tụi tôi ra tờ giai phẩm dạng báo in typo, sắp chữ và in tại nhà in đàng hoàng… Thời điểm ấy ba tôi đang làm chủ một tờ nhật báo tiếng Pháp (tên Le Vietnam Nouveau, tạm dịch: Việt Nam Mới) tại Sài Gòn nên ông dễ dàng chỉ cho tôi thủ tục làm đơn xin giấy phép xuất bản tờ giai phẩm mà chính tôi, cái tên ‘chủ báo’17 tuổi đứng tên xin và mặc quần xanh áo trắng bước vào Sở Thông tin, nằm ở đầu đường Tự Do, quận 1 (cũ) để lên lầu nộp đơn – chớ còn ai trồng khoai đất này? 

Về chuyện kiếm giấy in báo thì phức tạp hơn.Thời đó, để ngăn ngừa kẻ địch và bọn xấu có nguồn giấy để in tài liệu, truyền đơn chống phá…, Chính phủ kiểm soát rất chặt chẽ giấy dùng cho in ấn, Báo chí, sách vở muốn in là phải xin Bộ Thông cấp giấy phép xuất bản, với giấy phép này mới được cấp phiếu mua giấy in với số lượng hạn chế nhưng giá mua thì có chính phủ hỗ trợ nên khá rẻ. Trong khi đó, ngoài thị trường chợ đen thì trôi nổi cũng có giấy nội/ngoại nhưng giá giấy ‘lậu’ rất mắc. 

Dù tờ giai phẩm Xuân liên trường của tụi tôi thực tế chỉ in có 400 số nhưng trên đơn xin mua giấy in, tôi được ‘tư vấn’ ghi in 2000 số. Đến ngày hẹn tụi tôi đi lấy về mấy ram giấy nội (chính xác bao nhiêu  ram thì giờ đây tôi không nhớ nổi). Như đã tính toán, mấy ram giấy được tụi tôi chở bằng xe gắn máy về nhà in đang in tờ Le Vietnam Nouveau của ba tôi, bảng hiệu là ‘Sống Mới’ nắm trên đường Bùi Viện (Quận 1 cũ), ông chủ tên Chung, bà con hay gọi là ‘chú Ba Chung’, bạn thân ba tôi. Chú Ba đã vui vẻ nhận in tờ giai phẩm và tính tiền công in với giá ‘ủng hộ tụi học trò làm báo’ nên khá hạ. Thêm nữa, cũng tại nhà in Sống Mới năm đó (1966), tôi đã học sơ qua nghề thầy cò (3), tức sửa morasse (bản in thử) tiếng Việt để tự sửa cho tờ báo của mình mà mơ hồ không nhận ra học sửa morasse đã là bước đầu tiên tôi đi vào nghiệp làm báo trong đời sau này.

Cái nổi trội, bắt mắt nhất về phần hình thức của tờ giai phẩm chính là cái bìa hay bìa 1. Tụi tôi đồng lòng đặt tên tờ giai phẩm là Đất Đứng, thêm phụ đề dõng dạc “Giai phẩm liên trường PetrusKý - Gia Long - Chu Văn An – Trưng Vương mừng Xuân Bính Ngọ 1966”. Vẽ bìa tờ Đất Đứng là một nhà thơ học trò đã nghỉ học tên Giang. Còn tên người trình bày bìa ghi trên báo là ‘Họa sĩ Hoài Giang’ gì đó (tôi nhớ không rõ). Giang đã đi làm kiếm sống bằng nghề thợ vẽ ở một tiệm vẽ quảng cáo. Tất nhiên, đã là bạn bè thì Giang không tính tiền công vẽ bìa, chỉ cần đăng hai bài thơ anh tham gia thôi. Ban đầu, chủ đề Giang chọn vẽ cho bìa tờ Đất Đứng là một diện mạo nam giới với đường nét tuồng như tranh lập thể, rối rắm, khó hiểu… Tôi lên tiếng đề nghị Giang chỉnh lại gương mặt. Với một chầu cà phê mời riêng Giang ở quán Năm Dưỡng gần trường, tôi nhỏ nhẹ - sợ họa sĩ tự ái – nêu nhận xét là Giang vẽ thiệt là đẹp, nhưng tiếc một chút là gương mặt có vẻ quá khắc khổ và dữ dằn, và già nua nữa, vậy không hợp vì tụi mình là báo học trò mà! Và chữ Đất Đứng có một dấu ‘sắc’ vẽ phóng túng quá, trông y chang Đất Đừng. 

Thật vui là nhà họa-sĩ-thi-sĩ đã gật gù, vừa nhả khói thuốc Bastos xanh (biết Giang ghiền nặng nhãn thuốc lá này, tôi kêu nguyên gói và đẩy về phía bạn) vừa đồng ý sẽ vẽ mẫu bìa khác có điều chỉnh như đề nghị của tôi…

Do đâu tôi đã chọn kể trước về phần quá trình thực hiện và phần hình thức tờ giai phẩm rồi mới tới phần nội dung? Tất nhiên nội dung tờ báo quan trọng nhưng may mắn khi tôi lo ‘chạy ngoài là chính’ thì may mắn ở ‘tòa soạn’ đã có tên bạn học cùng trường tên Bình, bút hiệu Huy Thanh. Cái tên học ban Toán này tưởng khô-như-khúc-cũi ai dè hắn lại vừa làm thơ, vừa viết nhạc vừa có tài tổ chức, quản lý y như một thư ký tòa soạn chuyên nghiệp. Bài vở gom hết về Bình, chọn bài, sửa bài và dàn trang, hư cấu ra mục ‘Trả lời bạn đọc’… cũng một tay Bình lo gần hết. Rốt cuộc tôi chỉ lo viết 2 trang mở đầu ‘Lối vào mùa xuân’  rồi góp 1 truyện ngắn và 1 bút ký.

Trở lại với việc lo tiền bạc cho tờ giai phẩm ra đời, anh em đã hùn hạp khi cà phê thuốc lá (hơi nhiều, thường xuyên ở quán Năm Dưỡng gần trường Petrus Ký) và các bữa ăn tạm qua trưa khi lưu lại “tòa soạn” làm việc. Rồi y như bất cứ tờ báo lớn/nhỏ nào khác, chạy xin quảng cáo là việc hết sức cần thiết để tạo thêm nguồn tài chính. Khi đi xin quảng cáo thì ít nhất phải có mẫu bìa tờ giai phẩm trình cho khách xem, hồi đó vớn chưa có photo màu như thời nay, còn chụp lại rồi rửa ra hình màu cỡ lớn thì rất tốn kém nên Hoài Giang đã ráng vẽ copy lại mẫu bìa tờ giai phẩm thêm 2 mẫu nữa cho tụi tôi cầm đi. Với giá đăng quảng cáo khá mềm, rốt cuộc tờ Đất Đứng cũng xin được gần 10 cái quảng cáo nhưng tiền đăng không cao vì kích thước chỉ cỡ ½ hay ¼ trang, là của 2-3 tiệm vẽ quảng cáo (đồng nghiệp của họa sĩ Hoài Giang), 1 tiệm điêu khắc – đắp tượng, 1 thầy bói, 2 tiệm uốn tóc.v.v..

Riêng về món tiền lớn rất cần để lấy giấy in thì ba tôi ứng cho tôi mượn. Ông bảo tụi tôi đã trả trước một phần bằng ram giấy dư bán lại cho tờ báo Pháp của ông, còn lại thì sau này ráng gom tiền khi phát hành tờ Đất Đứng mà trả…

Không biết bao là khó khăn, rắc rối, khiến làm báo chưa được 1 tháng mà tôi và toàn-thể-ban-biên-tập đều sút ký, ốm nhách. Tết nguyên đán Bính Ngọ đã đến gần rồi mà nhà in vẫn chưa sắp chữ xong, bởi ông chủ nhà in – chú Ba Chung tuy tử tế nhưng từng bị dân trong nghề đặt biệt danh ‘chú Ba Trễ’ vì hay trễ hẹn với khách hàng bởi chú có tật hay nhận cùng lúc nhiều đồ in, nhất là mùa Tết, trong khi đám khách-hàng-học-trò này rất cần sớm hoàn tất in tờ Đất Đứng để còn đem đi Sở Thông tin kiểm duyệt. Rồi giữa thập niên 60 chưa có chuyện hình ảnh, tranh vẽ, vignette (mẫu trang trí trên trang báo)…muốn in ra/trên giấy chỉ cần đưa vào PC kết hợp với sprinter như thời nay, trái lại do ngành in chỉ có máy in sắp chữ (typo) nên hình ảnh phải làm thành bản kẽm (cliché); ví dụ tranh bìa của tờ Đất Đứng, kể cả chữ được vẽ gồm 3 màu thì cơ sở làm bản kẽm phải tách màu, làm thành 3 miếng bản kẽm, mỗi bản thể hiện chỉ một màu, để nhà in lần lượt ráp vô máy, in làm 3 lần mới ra cái bìa hình màu trên giấy… 

3.

Giai phẩm Xuân liên trường ‘Đất Đứng’ đã in xong, tụi tôi phải mau chóng phát hành bởi Têt đã đến gần lắm rồi. Thật không ngờ, nơi tụi tôi bán được nhiều báo nhất không phải là trường PetrusKý ‘sân nhà’ mà chính là trường nữ Gia Long. Như được ‘trời đãi’, qua duyên làm thơ tên Bình ‘thư ký tòa soạn’ lại quen cô nàng trưởng ban báo chí thuộc ban đại diện HS trường nữ Gia Long. Do cô nàng này cầm một tờ Đất Đứng đi xin phép trước với nhà trường thế nào đó  mà thiệt linh nghiệm, tờ giai phẩm Xuân của chỉ một nhóm HS PetrusKý và vài HS trường khác đã được coi như ngang với các tờ tập san giai phẩm Xuân 1966 của ban đại diện HS các trường lớn nên tụi tôi gồm ba tên quần-xanh-áo-trắng mang bảng tên đàng hoàng, được phép vào bán báo trong trường nữ bề thế này. Lựa giờ ra chơi dài nhất (15 hay 20 phút gì đó), tụi tôi mới vào sân trường và theo quy định của trường nữ này, chỉ được bày báo ở một cái bàn nhỏ giữa sân, thì cô bạn trưởng ban báo chí lên micro giới thiệu tờ Đất Đứng liên trường vang vang trên hệ thống loa khắp trường. 

Trời ạ, không biết bao nhiêu là áo dài trắng vây quanh ba tên con trai PetrusKý! Con trai mới lớn, 17-18 tuổi dù thuộc hạng thông minh, lanh lợi, dẽo miệng như tôi và tên Bình cũng phải khớp, quính quáng trước cả một rừng con gái. Nhái theo phim Ấn Độ rất lâm ly ‘Hoa Lạc Giữa Rừng Gươm’ hồi đó thì đây phải nói là ‘Gươm Lạc Giữa Rừng Hoa’!

Và, khi ấy tôi nhận ra rằng khi hòa mình vào một đám đông toàn con gái thì mùi – vâng, mùi những ‘áo dài trắng’ thiệt là dễ chịu, êm như mơ – không hôi nồng, chua lè như đám đông bọn ‘quần xanh áo trắng’.

Đúng như ông bà mình nói ‘miệng liền tay/tay liền miệng’: tụi tôi vừa giới thiệu tờ báo vừa trả lời đủ thứ câu hỏi (cả những câu dí dỏm khi mấy nàng nhìn bảng tên tụi tôi mà ghẹo), hay vừa đưa báo ra, vừa nhận tiền, thối tiền…Còn hơn thế, khi giờ ra chơi chỉ còn 5 – 7 phút, đám áo trắng mua báo đã thưa dần, thì không rõ do đâu mà cô bạn trưởng ban báo chí biết được là các giám thị còn họp riêng, đã giục tụi tôi ôm báo vô bán ở từng lớp. Tôi, tên‘chủ báo’ thì nhát, cứ do dự, còn Bình thì rất dạn, đã nhờ cô bạn đứng lại bàn phụ bán báo rồi kéo tôi đi. Thế là ‘linh hồn ai nấy giữ’,tôi và Bình tách ra, đi hai hướng khác nhau, bước vào từng lớp. Bấy giờ tôi mới biết là vào những lúc không có thầy hay giám thị, học trò nữ cũng ồn như đám giặc, náo động không kém gì bọn con trai tụi tôi. Cũng may là khi chợt thấy một tên nam sinh xuất hiện, ‘đám giặc’ cũng im bớt bởi ngạc nhiên, nhờ vậy tôi mới có thể bước luôn lên bục, lớn giọng giới thiệu tờ Đất Đứng… 


4.

Suốt ½ tháng trời, tụi tôi ráo riết mời, chào để bán tờ Đất Đứng ở chỗ này chỗ nọ và cũng rất dè xẻn báo tặng. Như đã rõ tên học trò làm thơ nào cũng đều muốn đi tặng rộng rãi tờ báo có đăng thơ của mình để lấy tiếng, tôi - ‘chủ báo’ vẫn ra qui định  mỗi thành viên trong ‘tòa soạn’ chỉ được cầm về 3 tờ, nếu cần thêm thì phải mua báo như độc giả thông thường. 

Đã nổ lực đến thế nhưng, đúng như tôi phập phòng lo lắng, tổng số tiền thu lại đã không đủ cho tôi trả nợ cho ba tôi. Nguyên tên bạn học Chu Văn An cho mượn nhà làm ‘tòa soạn’ đã đồng ý làm thủ quỹ luôn cho nhóm, nhưng thật ra hắn chỉ làm kế toán, ghi sổ thu/chi, còn tiền mặt thì nhờ mẹ hắn cất giữ cho chắc ăn. Thu lại khá nhanh là tiền đăng quảng cáo nhưng thật không đáng kể, lại còn mất trắng cái quảng cáo cho một cơ sở điêu khắc, tạc tượng. Dù Bình năn nỉ hết lời nhưng ông chủ cơ sở này ngoài chút tiền đã ứng trước 20% nhất định không trả cho thêm đồng cắc nào bởi mẫu quảng cáo ½ trang cho ông vừa trật tên bảng hiệu (An Hòa thì sắp chữ thành An Hóa) vừa trật cả địa chỉ cửa hiệu (số 356 Phan Thanh Giản thành 556 Phan Thanh Giản). Vụ thất thu này do chính tôi sửa morrasse sơ sót nên không thể trách thợ sắp chữ bên nhà in. Còn về nguồn thu là tiền bán báo thì rất lai rai, chậm chạp.

Nhưng tên ‘chủ báo’ - dù luôn luôn đứng ngồi không yên, không biết tiền thu về có đủ trả nợ cho ông bố không nữa – thật ra đã không đến nổi khổ đau, lo phiền quá đâu, bởi hắn đã nhanh chóng nhận ra thủ quỹ giữ tiền cho tờ báo không phải là mẹ tên bạn học Chu Văn An nữa mà do bà quá bận việc nội trợ nên đã chuyển qua cho cô con gái giữ tiền dùm. 

Đúng ra, ngay những buổi đầu mới đến ‘tòa soạn’ làm việc, bọn con trai PetrusKý (tất nhiên có tôi) đã gặp - một cách minh bạch, không chút mơ hồ - một bất ngờ tuyệt vời, đó là có một cô nàng Gia Long ở trong nhà này. Đó là cô nhỏ em kế của tên bạn học Chu Văn An, em tên là Ngọc, học đệ ngũ, tức lớp buổi chiều trường nữ kia. Vài buổi chiều muộn, cả bọn còn họp bàn này nọ thì nhỏ Ngọc tan học về, ôm cặp bước vào nhà, giọng thỏ thẻ ‘em chào mấy anh!’. Từ đó, nhiều lần tôi cần tiền chi cho hoạt động làm báo, tôi chỉ báo cho tên kế toán để hắn ghi vào sổ sách, rồi tôi đến bên nhỏ Ngọc…

Rốt cuộc, hồi học lớp đệ nhị, chuyện tôi làm tờ giai phẩm Xuân liên trường ‘Đất Đứng’ đã khép lại một cách không hoàn hảo, đó là tôi chỉ trả lại được 4/5 số tiền ba tôi cho mượn để mua giấy in báo. Nhưng cũng vào lúc tôi - học sinh Petrus Ký, gánh chịu một món nợ tiền bạc đầu đời khá lớn như thế, thì chính do cơ hội làm báo liên trường này tôi lại được Trời thương, ban cho duyên may: mối tình đầu với nhỏ Ngọc, nữ sinh Gia Long, 

Vậy đó, đúng như mô hình lãng mạn đẹp nhất của bọn học trò đất Sài Gòn một thời, rằng ‘trai Petrus Ký gái Gia Long’.

P.N. 

(Sydney, cận Tết Giáp Thìn 2024)

 ----------------

  1. Có thể xem thêm: http://hoangnamgiao.blogspot.com/2017/03/bao-chi-sai-gon-thoi-viet-nam-cong-hoa.html
  2. RAM: đọc trệch đi từ chữ tiếng Anh REAM  Ngoài ra, có nhiều người đọc sai thành GRAM giấy. 1 ream = 500 tờ. 
  3. Thầy cò: đọc/lấy âm đầu từ tiếng Pháp ‘correcteur’, chỉ người làm công việc sửa lỗi chính tả, lỗi trình bày… trên những bản in thử (morasse) từ tay thợ sắp chữ.




Thanh Hương thân, cám ơn đã post sớm bài liên quan trường Petrus Ký chúng ta nhưng tôi chỉ là cựu Hs Pk, còn chuyện dạy thì tôi đã dạy ở trường Thiếu sinh quân Vũng Tàu, không hề là giáo sư trường PK. Làm ơn đính chánh dùm. Thân ái. PVH