Translate

Libellés

dimanche 5 novembre 2017

100 Loại Bánh Dân Gian Miền Nam, câu chuyện ngắn ngày xưa về Cần Thơ.

tt

Miền Nam luôn là miền đất trù phú về đất đai, ẩm thực và con người.

Nhớ lại ngày xưa, trước năm 1975, người ta rộng rãi đến nổi mà bán một chục lại đến 14 hay 16, nếu càng đi xuống thêm các miền lục tỉnh.

Vì vậy, thức ăn ở đó lúc nào cũng đa dạng, bắt mắt và rất hiếu khách.

Người ở miền khác xuống vùng 4 thì hay ngờ ngợ lòng tốt của người dân ở đây.

Có thể nào mà mời khách chỉ có chút cơm trắng, cá lòng tong vừa vớt được cũng mời.

Dăm ba con ốc cũng làm được bữa cơm khi đi vườn về.

Trẻ con thì mũi lúc nào cũng đầy nước mũi lòng thòng, thấy mà phát phì cười vì cái áo cũng không có mà mặc khi cả ngày ở trong sình lầy lại bò lê lết vì người anh hay chị lo đánh bi hay đá dế mà quên đứt em mình mới biết bò.

Nhưng tình người ở đó thì không thể nào chê trách được.

Nếu nhà nào giàu có hơn thì cũng hay bố thí và giúp đỡ người qua đường, không bao giờ tiếc một chén cơm canh nóng, dù chỉ vài lá cải  hái được trong vườn.

Trái cây thì không thể nào chê được, vì hương vị đậm đà thơm cái mùi chín cây. mùi lá chuối, nước dừa đươc̣ trộn trong các thức ăn được chế biến rất khéo tay và nhiều công phu.

Quê ngoại của tôi, lúc nào cũng mở rộng vòng tay đón khách phương xa luôn với nụ cười quê.
Nhắc đến chuyện xưa, thì phải nói đến chuyện ngày hôm nay.

Xa xứ lâu năm rồi, tôi chỉ có trong ký ức cũ những gì mình đã mắt thấy tai nghe, chứ tin tức trên báo chí thì có lẽ tiết mục ăn uống là rầm rộ nhất.

Kính mời quý anh chị xem bài viết với hình ảnh chụp về Cần Thơ với chuyện đất nước và con người.

Caroline Thanh Hương



Cần Thơ:

“Đã đời” thưởng thức hơn 100 loại bánh dân gian

Dân trí Chiều tối ngày 16/1, liên hoan Bánh dân gian lần đầu tiên được tổ chức tại TP Cần Thơ chính thức khai mạc, trưng bày hơn 100 loại bánh, thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan và thưởng thức.

Liên hoan Bánh dân gian được tổ chức tại nhà lồng chợ cổ Cần Thơ, thuộc khu vực bến Ninh Kiều trong không khí sôi nổi của người tham quan và tất bật của những nghệ nhân làm bánh.
Người dân tham quan và thưởng thức hàng trăm loại bánh tại liên hoan.
Hàng trăm loại bánh được trưng bày khiến du khách mãn nhãn và... ứa nước miếng: bánh xèo, bánh tét, bánh in, bánh da lợn, bánh tằm, bánh hỏi, bánh rế nhân tôm, bánh bông lan, bánh kẹp, bánh quai vạt, bánh bột đậu, bánh canh, bánh ướt, bánh lỗ tai heo, bánh cống, bánh đúc, bánh ít, các loại xôi, các loại chè…  
Nhiều bếp lò được bày ra cùng với những phụ tùng xoong, chảo, thúng, nia trông như bếp của một lò bánh chuyên nghiệp. Từ khoảng 18h tối, lửa được thổi lên để các nghệ nhân biểu diễn cách làm bánh. Thu hút khách tham quan nhiều nhất là 3 bếp lò của 3 người phụ nữ rất nổi danh ở Cần Thơ là bà Mười Xiềm (Nguyễn Thị Xiềm), bà chín Cẩm ( Huỳnh Thị Ngọc Thanh) và bà Lê Thị Hồng Dung. 3 người phụ nữ này nổi tiếng bởi sản phẩm mà họ làm ra đã được “đóng dấu” sở hữu.
Bếp lò bánh xèo của bà Mười Xiềm lúc nào cũng đỏ lửa. Bà cùng những phụ bếp phải liên tục canh chảo lửa để đảm bảo bánh có độ chính ngon nhất. Bà Mười Xiềm là người đã tham dự lễ hội văn hóa Smithsonian tại Mỹ để giói thiệu về món bánh xèo đã được chứng nhận bởi Cục Sở hữu trí tuệ.
Gian bếp của bà Chín Cẩm cũng tất bật không kém, lộn xộn với nếp, đậu, lá cẩm… phục vụ cho món bánh tét. Bà Chín Cẩm là người làm bánh tét thập cẩm đầu tiên và duy nhất ở Cần Thơ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.
“Vua bếp” Lê Thị Hồng Dung cùng các học trò cũng luôn tay xào nấu phục vụ du khách. Bà Dung đã được Tổng Cục du lịch Việt Nam tặng danh hiệu “Vua bếp” tại Hội thi các món ăn dân tộc Việt Nam (năm 1998), được tặng huy chương vàng, bạc ở nhiều hội thi của ngành du lịch Việt Nam.  
Liên hoan lần này có khoảng 100 loại bánh đến từ 20 lò khác nhau, cho thấy gia sản ẩm thực mà người xưa đã dày công sáng tạo từ những nguyên vật liệu giản dị, gắn liền với nông sản, từ đó truyền dạy sự khéo léo và sáng tạo qua nhiều thế hệ. Không ít người ở Cần Thơ cũng như người dân Việt Nam đã dựa vào những món ngon này để mưu sinh, nuôi dưỡng ý tưởng phát triển kinh doanh, tạo sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Ban tổ chức liên hoan khẳng định, đây là cơ hội để nhìn lại và khởi điểm cho một giai đoạn tìm kiếm giải pháp hữu hiệu giúp các cơ sở đặc sản, sản phẩm bánh làng nghề khởi nghiệp và tùy địa phương có thể tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động.
Sau khai mạc liên hoan, đông đảo người dân đã cùng thưởng thức nhiều loại bánh và ai cũng tấm tắc khi loại nào cũng rất ngon. Anh Nguyễn Văn Thanh (ngụ Ninh Kiều) chia sẻ: "Lần đầu tiên tôi tận mắt thấy được hàng trăm loại bánh cùng một lúc như thế này. Trông bánh nào cũng đẹp mắt và ăn rất ngon. Chúng tôi hy vọng liên hoan này sẽ được duy trì liên tục để bà con được có cơ hội thưởng thức khi Tết đến xuân về".
Bếp bánh xèo đỏ lửa
Bánh hỏi được trang trí hình con phụng đẹp mắt
 
Bánh tét lá cẩm
Bánh rế nhân tôm
Bánh kẹp, bông lan, đậu xanh, quai vạt...
Một loại bánh in
Bánh da lợn, bánh bò, bánh chuối...
Bánh tằm
...và nhiều loại bánh khác cùng "hội tụ" đón Tết.
Các món xôi...
...và đủ loại chè.
Tất bật trưng bày bánh tại liên hoan
Bà Mười Xiềm nổi tiếng với món bánh xèo, đã từng đi biểu diễn ở Mỹ
Bà Chín Cẩm làm bánh tét thập cẩm đầu tiên và duy nhất ở Cần Thơ
"Vua bếp" Lê Thị Hồng Dung đang trổ tài nấu nướng.
Huỳnh Hải

 

4 commentaires:

  1. Thấy mà phát thèm!. Merci Carol.
    Để chuyển cho bà con coi chơi!
    NPN

    RépondreSupprimer
  2. Ở miền Tây Nam Phần, thời trước 1975, thức ăn thừa thải, đi sâu một chút “vào vườn” cây trái mọc đầy chỉ “với tay” hái là mận, cóc, xoài, chuối... tha hồ ăn. Dân trong vườn thấy người lạ vào thăm, đơn giản nhất là “xăng ống quần” lội xuống “con rạch” hớt ngay lên một rổ ốc hến. Xong họ luộc ốc hến giữa vườn với 3 thanh gỗ chụm lại đốt lữa lên. Chỉ 30’ sau có một khai ốc hến ngọt ngào, chấm với muối chanh ớt (vừa hái). Vừa ăn vừa thổi.

    Có khi họ đào khoai mì, khoai lang cũng luộc cho khách ăn ngay.

    Nhớ đến, sao thấy đời sống quá dễ dàng, nên người ta hay nói : dân miền Tây “lè phè”, không chịu cực khổ !

    Thực vậy, cực khổ làm gì, họ có đủ thứ hết để hưởng nhàn. Chính tôi bây giờ vẫn còn bị “ảnh hưởng” bởi cách sống này. Khi nào bị “thúc” vào hông, thì tôi mới bật dậy để “phản ứng”. Còn không thì tôi “lè phè” sống “làng tàng” cho sung sướng. Tội gì làm hơn nhỉ ?

    Thấy Thanh Hương đưa những món ngon của vùng Miền Tây-Cần Thơ thèm quá, bánh trái đủ đầy, món ngon tuyệt hảo (bánh xèo, nem nướng, bánh cống... )

    Thanh Vân

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Mến chào chị NPN và chị Thanh Vân.
      Nhắc đến chuyện thức ăn ngày xưa lúc về Cần Thơ thì bao nhiêu thứ đáng thèm.
      Bước chân xuống bến phà Cần Thơ, mùa ốc gạo, đong được 1 lít, lúc đó cân bằng lit́, mua về ăn với nước mắm tỏi, chanh, đường, ớt, ngon đến hít hà, con nào cũng béo ngậy.
      Chưa kể món ốc len nấu nước dừa, vừa suýt soa thổi cho bớt nóng.
      Vườn trái cây nhà ông Ngọai của Carol có không thiếu trái cây nào.
      Có chôm chôm trốc, màu vàng hay màu đỏ.
      Mận thì mận trắng là ngon nhất.
      Xoài thì xoài tượng ăn với cá kho, cơm trắng hay chấm nước mắm đường.
      Còn Xoài Thanh Ca, xoài Cát thì bẻ và ăn tới cả cần xé, xoài Thanh Ca thì hơi nóng hơn xoài Cát.
      Sabotier, vú sữa, dừa tươi, dừa lửa, dừa khô tha hồ làm bánh, uống nước, nấu chè với bao nhiêu thứ chuối khác nhau.
      Sầu riêng cũng ngon không kém, chưa kể cam sành, bưởi Năm Roi.
      Về quê, ăn trái cây thôi cũng no mất rồi, đến giờ cơm thì... vì tôm càng lưới được dưới sông, rim ngon quá nên cũng cố mà ăn 1 chén.
      Quê hương miền tây ăn món gì cũng đậm hương vị đồng quê.
      Bây giờ ngành nông nghiệp không còn như xưa cho nên xoài hồi xưa mua từng chục, bên pháp mua từng kg, trái được chở bằng máy bay qua, đắt khiếp luôn mà có khi là xoài vú không ngon gì cả.
      Nghe nói bây giờ chẳng còn bao nhiêu ruộng đất trồng cây ăn trái, mà thay vào đó là nhà được cất lên san sát dài theo đường từ Sài Gòn về Cần Thơ.
      Không biết nơi nào mà còn đất trồng cây ăn trái như xưa nữa hở mấy chị?
      Dân Cần Thơ, cái gì cũng cho thêm , cho thử có khi còn cho ăn chơi.
      Đi chợ thì từ sáng sớm đến trưa mới về đến nhà vì chợ Cần Thơ dài qua bến Ninh Kiều bao nhiêu hàng bày ra coi hoài vẫn thích coi thêm, mãi khi ra ngồi ngoài bến Ninh Kiều gió thổi mát làm sao.
      Trưa về, mướn sách về nhà đọc, những ngày bãi trường sao mà sướng thật.
      Mới đó lại là chuyện cổ tích, đúng là thời gian qua chẳng chờ ai cả.
      CRTH

      Supprimer
  3. Ốc gạo, nem Cái Răng, bánh ít dòn là ba thứ mà mỗi lần qua bac Cần Thơ, mình đều mua về Sóc Trăng biếu bà con hàng xóm.

    Carol và chị Thanh Vân còn nhớ bánh ít dòn không? Loại bánh làm bằng bột gì mà trong xanh thơm mùi lá dứa, có nhưn dừa hoặc nhưn đậu xanh bên trong, ăn dòn dòn, sừn sựt rất thích.

    Nghe kể trái cây nhà ông ngoại thấy mê quá. Bà chị chồng của mình có vườn trái cây mấy chục mẩu, trồng sầu riêng, măng cụt, bòn bon, cam sành, chôm chôm nhãn bán lên Sài Gòn mỗi vụ mùa. Mỗi lần đi Cái Mơn chơi, ông xã mình đều chở về mấy bao bố măng cụt và chôm chôm nhãn. Hồi con gái mình còn nhỏ, mỗi lần muốn cắt tóc cho nó, phải dụ nó nửa ký chôm chôm để nó ngồi yên cho mình cắt.

    Những món ngon miền Tây quê mình mà Carol nhắc lại bây giờ chỉ còn là hoài niệm, có thèm có nhớ thì cũng không tìm đâu ra được ở xứ người... Buồn!

    NPN

    RépondreSupprimer