Translate

Libellés

dimanche 13 janvier 2019

Vài Trang Biên Sử Về Cà Phê Sài Gòn (Tiếp theo + hết) * Ký PHẠM NGA và xem vidéo Hùng Lê Đường Xưa Lối Cũ.

tt

 Kính mời quý anh chị đọc một bài viết kể lại chuỵên một thức uống mà dân Sài Gòn xưa thường ưa chuộng qua lời viết của anh Phạm Nga.
Caroline Thanh Hương



Vài Trang Biên Sử Về Cà Phê Sài Gòn (Tiếp theo + hết)
* Ký PHAMNGA
Tình yêu tinh khôi, hồn hậu đã khiến cái ly nhựa đựng cà phê bình dân, giá bèo kia bỗng ngon lên gấp bội, bỗng ngào ngạt hương vị không kém gì cái tách sứ kiêu kỳ chứa loại cà phê thượng hảo hạng…

1.     Cà Phê Hạng Trung Trung Và Hạng Sang Trọng

Về cà phê hạng trung trung, có thể hình dung đó là những quán giá cả trung bình, vừa phải, phần trang trí cũng giản dị. Trong quán có thể có mở nhạc hay… im lìm, bởi tâm lý thành phần khách đến các quán này là để uống cà phê, còn ngồi máy lạnh cho mát, nghe nhạc, ngắm tranh, ngắm cô ngồi caisse… đều không thành vấn đề hay chỉ là chuyện phụ.  Như ở Saigon trước năm Mậu Thân, 1968 thế kỷ trước, quán café chưa nhiều, đã có các quán: Thu Hương ở đường Hai Bà Trưng và Chi ở đường Nguyễn Phi Khanh cùng vùng Đa Kao - Tân Định, Hồng ở đường Pasteur (quận 1), Thăng Long ở đường Nghĩa Phát (quận Tân Bình)… Đặc biệt có vài quán khá nổi tiếng do có tổ chức những sinh hoạt văn hóa - văn nghệ thường là có theo chủ đề, như ca nhạc, đọc thơ, giới thiệu sách…, nên thành phần trí thức, nhà văn, nhà báo hay tụ tập, đó là Gió Nam ở khu Bắc Hải (gần Ngã 3 Ông Tạ), Thằng Bờm ở đường Đề Thám (quận 1); Tre của nhóm Vũ Thành An/Hoàng Ngọc Tuấn ở đường Lê Thánh Tôn - nơi Khánh Ly từ Đà Lạt xuống, cùng Trịnh Công Sơn hát lần đầu tiên ở Sài Gòn (khoảng năm 1965-66 thế kỷ trước) và (hội quán) Cây Tre của Khánh Ly mở ở đường Đinh Tiên Hoàng, cùng thuộc quận 1 Sài Gòn cũ (*).
Đến sau năm Mậu Thân 1968, các quán chuyên kinh doanh cà phê mới bắt đầu rầm rộ, nối tiếp nhau ra đời ở Sài Gòn. Đáng chú ý là phần nhạc mở trong quán, có quán chuyên chơi nhạc Mỹ - Pháp, như cà phê Văn Hoa ở Đakao, quán của Jo Marcel ở đường Nguyễn Huệ  cùng ở quận 1; có quán chỉ độc nhất nhạc Trịnh Công Sơn - Khánh Ly rỉ rả cả ngày như quán Bình Minh trên đường Bàn Cờ; hay ở các quán Hân, Duyên Anh ở Đakao, quán Bố Già ở đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) thì nhạc mở đa dạng, từ hòa tấu, giao hưởng, pop rock Mỹ cho đến nhạc tiền chiến, Ca khúc Da Vàng TCS (*).
Còn nói về cà phê sang trọng thì cũng dễ hình dung. Thời trước năm 75 thế kỷ XX, ai dù không khá giả, tiền bạc ít ỏi cũng đều có thể vài dịp bước vào các quán cà phê sang trọng hay vào uống cà phê trong các nhà hàng, đại sảnh khách sạn, phòng trà tập trung ở khu vực quận 1 Sài Gòn, như: Continental, Caravelle, Brodard, La Pagode, Queenbee, Maxim’s, Cafetaria Disco …
Sau  biến cố 30- 4, khoảng từ thập niên 90 thế kỷ trước cho đến ngày nay, ở Sài Gòn lần hồi đã xuất hiện nhiều quán cà phê nhà giàu đúng nghĩa. Những quán cà phê loại này luôn luôn được đầu tư nặng vốn, như mặt bằng phải là các biệt thự có khuôn viên đẹp, nội thất đẹp, gắn máy lạnh, phần trang trí  kỳ mỹ – trong đó có dạng cà phê sân vườn, cà phê sinh thái, thiết kế không gian xanh mát, như kiểu hoa viên hay cảnh đồng nội thu nhỏ, hồ nước có cầu bắt qua, hòn giả sơn, suối Thiên Thai, vườn Địa Đàng.v.v… Ở thành phố Sài Gòn, những quán cà phê sang trọng kiểu trên xuất hiện khá sớm, có thể kể là: Café Runam D’or, Terrace Café, Miyama, Đen Đá, 81 Café (Quận 1), Suối Đá, Siena (quận 3), Du Miên, NetViet (Phú Nhuận), Oasis, Country House (Gò Vấp)… với giá cà phê phin chung chung 45,000 – 50,000đồng/ly, cà phê đen đá/sữa đá uống liền 35,000 – 40,000 đồng/ly.
Chừng trên dưới 10 năm gần đây, ở những “khu đất vàng” tức địa điểm rất đắt giá bởi sang trọng, sầm uất nhất thành phố này, đến lượt các chuỗi cà phê nước ngoài (các thương hiệu quốc tế nổi danh) và trong nước lần lượt xuất hiện, như: HighLand, Starbucks, Urban Station, Coffe Bean&Tea Leaf, Gloria Jean, Mop, MCCafé, Trung Nguyên, Phúc Long Coffee&Tea House, Holy, Lux Đại Phát,v.v…
Tất nhiên, từ  những ngày đầu cho đến ngày nay, nhiều dân ghiền cà phê  mà tiền bạc có hạn vẫn cảm thấy không an tâm cho lắm khi có dịp bước vào những cửa hàng thuộc các chuỗi thương hiệu cà phê cao cấp nói trên. Nào ghế êm, trang trí đẹp, nào không gian thoáng mát, thành phần khách hàng xung quanh thanh lịch đấy nhưng giá cả các loại cà phê pha máy, từ expresso, cappuchino cho đến late, double black…, thì khó chấp nhận bởi cao đến gấp 4 – 5 lần so với cà phê cũng “uống được”, có khi còn ngon hơn ở quán chú Năm hay quán chị Ba thân quen trong xóm!
Sâu xa hơn, giữa các giao diện cà phê bình dân, trung trung hay sang trọng lại không có ranh giới cứng nhắc để phân biệt thật rạch ròi vì ai cũng biết chân giá trị của giàu nghèo nằm cả bên phía tinh thẩn, tâm hồn chứ không chỉ ở phía vật chất, kinh tế.
Như một đôi tình nhân học trò, gặp một cơn mưa lớn giữa buổi hẹn hò, chỉ đủ tiền mời nhau cốc cà phê bình dân ở một quán vỉa hè là nơi hai đứa trú mưa… Nghèo quá rồi còn gì, nhưng thật ra đôi lứa này đang rất giàu có về mặt tâm hồn, bởi tình yêu tinh khôi, hồn hậu đã khiến cái ly nhựa đựng cà phê bình dân, giá bèo kia bỗng ngon lên gấp bội, bỗng ngào ngạt hương vị không kém gì cái tách sứ kiêu kỳ chứa loại cà phê thượng hảo hạng giành riêng cho giới doanh nhân, đại phú gia chiêu đãi nhau.
Còn ai kia, một cô tiểu thư hay cậu thiếu gia con nhà đại phú nào đó, lâu nay vẫn quen lui tới toàn những nhà hàng sang trọng, cỡ Continental, Brodard… nằm giữa trung tâm Sài Gòn hoa lệ, giờ thì cũng ở cái góc bàn có view nhìn ra phố ngoạn mục nhất ấy, phải ngồi một mình với tách cà phê đã nguội lạnh để gậm nhấm nỗi đau của cuộc tình vừa đổ vỡ, thì quả là cô tiểu thư, cậu thiếu gia con nhà đại phú kia đang quá nghèo hạnh phúc, quá nghèo niềm vui…
(*) Có một số data từ 2 nguồn: Kênh 14 và Coffeetree.vn.

PHẠM NGA
(Cuối mùa mưa 2018)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire