Translate

Libellés

samedi 3 août 2019

Phạm Nga và bài ký Một Tiếng Kêu Thầy.

Nghe kể lại chuyện xưa mới thấy nó lạ vô cùng.

Kính mời quý anh chị cứ theo bài viết của anh Phạm Nga mà nhớ lại xem, thời của quý anh chị có giống chút nào như thời anh Phạm Nga kể lại không nhé.

Tôi có nghe một bài tạp bút của Vương Hồng Sểnh, mời quý anh chị cũng theo thời của ông này mà hiểu thêm chuỵên của Việt Nam mình thật lạ vô cùng.

Chương trình đọc và nghe đọc truỵên hay với tạp bút Năm Quý Dậu 1993 của tác giả Vương Hồng Sểnh.

Cám ơn anh Phạm Nga đã gửi bài và hình sưu tâm.

Caroline Thanh Hương


Ký:

MỘT TIẾNG KÊU “THẦY”

<Trong Lúc Cậu Sinh Viên Mới 18 Tuổi Là Tôi Ngượng Ngùng, Không Dám Nhận Danh Xưng “Ông Thầy” - Trên Đời, Tôi Chưa Được Ai Gọi Như Vậy Dù Đã Có Đi Kèm Trẻ Tại Tư Gia - Thì Anh Tư-Taxi Đã Gọi Thêm Nguyên Chai Rượu Vĩnh Sanh Hòa,…>

1.
Hồi tôi mới lên đại học là năm 1967, học lớp dự bị Triết trường Văn Khoa, có lần một ông anh rể đã dẫn tôi đi chơi, tập tành nhậu nhẹt với một loại rượu bình dân nhưng rất đả. Đó là nhãn rượu Vĩnh Sanh Hòa, còn gọi là Vĩnh Tồn Tâm, chai thủy tinh vuông 1 lít, uống với Soda thì tuy thoang thoảng mùi thuốc Bắc nhưng ngon không thua cho lắm nếu so với whisky soda, chẳng hạn như Bee Hive, Johnny Walker.
Để uống Vĩnh Tòn Ten – dân bợm thường gọi tếu như thế - ông anh đã dẫn tôi khu Chợ Cũ, cuối đường Hàm Nghi, Quận Nhứt Sài Gòn thời đó, vào một tiệm nước của người Tàu, đối diện hơi chếch bên kia đường là tiệm bánh danh tiếng Như Lan. Gọi rượu và soda xong, ông anh bước qua đường, vào một tiệm Tàu bán đủ thứ thịt quay: heo quay, gà vịt, vịt quay, lòng phá lấu, xá xíu…, nhưng bởi là tư chức lương thấp, anh tôi chỉ gọi một thứ… tổng hợp, toàn là cổ, chân, cánh gà vịt quay, lổn nhổn trong miếng lá chuối, bọc thêm giấy báo tiếng Tàu bên ngoài.
Nhấm rượu, gặm cổ, chân vịt một lát, tự nhiên từ bản kế bên một ông khách hơi trọng tuổi cầm ly bước qua, giọng Nam bộ thật chơn chất, vui vẻ nói một hơi:
“Xin lỗi hai chú em, nảy giờ tui ngồi một mình bàn bển thấy hai chú em cũng lịch sự, nói chuyện nghe thiệt đàng hoàng, mà cũng có ‘gu’ thích Vĩnh Tòn Ten như tui nữa. Thôi thì, tui xin phép cất qua bên cái mớ lá chuối này, rồi mình ngồi chung nhậu thịt quay tui mời cho vui nhe, được hôn mấy chú em?”.
Không có cách nào khác hơn, chúng tôi cùng lịch sự gật đầu “Dạ, mời anh”. Ông khách cười hể hả, trở về bàn đem qua tiếp dĩa thịt heo quay bự xự cùng gói thuốc Craven A rồi ngồi xuống hô liền: “Dô chớ!”.
Sau vài tua cụng Vĩnh Tòn Ten, ông khách cho biết mình ‘thứ tư’ và hỏi chúng tôi ‘thứ’ mấy. Xứng thứ xong xuôi thì ở đây, tại bàn rượu này, tôi chợt được có tên mới là “chú Hai” vì anh Tư–taxi mới quen không hề để ý chút nào đến tên Hùng trong câu trả lời của tôi, rằng “Dạ em tên Hùng, thứ hai”. Ynhư vậy, ông anh của tôi bắt đầu có tên tại bàn  là “chú Năm”, còn tên Huy anh có xưng ngay từ đầu thì cũng bị người nghe thông qua luôn.
Vậy đây là anh Tư-taxi bởi anh đang chạy taxi kiếm sống. Bữa nay chạy cũng khá nên sau khi nghỉ đón khách, anh Tư đã cho phép mình trên đường về nhà ghé tiệm ở khu Chợ Cũ này để xả hơi, tức làm vài ly Vĩnh Tòn Ten với soda như sở thích lâu nay, và mới làm một ly thì bắt gặp anh em tôi ở bàn bên…
Đến lúc nghe tôi tự giới thiệu chưa đi làm, chỉ là sinh viên học năm đầu đại học, anh Tư chợt có vẻ rất chú ý, hỏi liền:
“Sinh viên tức là có bằng tú tài hai, phải hôn chú em?”
Tôi đáp “Dạ, ai cũng vậy, đậu tú tài hai rồi thì được ghi danh học đại học, anh Tư”.
Anh Tư chợt cười he he, cầm ly lên:
“Vậy chú Hai là ông thầy rồi. Tui học hành ít mà run rủi tụi mình gặp nhau ở đây thì thiệt là hên. Vô cái đi rồi tui sẽ nói muốn nhờ chú Hai một chuyện… Coi ông thầy có nhận hôn nhe!”.
Sau đó, anh Tư-taxi kể vắn tắt là có người em ruột, cũng “học hành ít”, vô cảnh sát làm đã lâu mà không thể lên lương bậc gì hết, bởi đã không có bằng tiểu học để nộp. Trong khi đó, theo qui định của ngành cảnh sát quốc gia, chỉ cần người có bằng tú tài hai dạy rồi làm giấy chứng nhận, rằng cho anh cảnh sát viên đã học hết chương trình tiểu học của Bộ Giáo dục do mình dạy, nhớ kèm theo là bản photo bằng tú tài. Với tờ chứng đó, anh cảnh sát viên đem nộp là được chấp thuận tăng một bậc lương.
Vậy là “tứ hải giai huynh đệ”, trong lúc gã trai trẻ 18 tuổi là tôi ngượng ngùng, không dám nhận danh xưng “ông thầy”  - trên đời, tôi chưa được ai gọi như vậy dù tôi từng đi kèm trẻ tại tư gia-  thì anh Tư-taxi, thay vì để ông chủ tiệm tiếp tục đến bàn đong, rót từng shot rượu theo kiểu khách kêu từng ly -  đã gọi thêm nguyên chai Vĩnh Sanh Hòa,…




2.
Chẳng bao lâu, đúng hẹn là anh Tư taxi dẫn chúng tôi đến nhà anh cảnh sát viên, một căn phố nhỏ nằm trong hẻm ở vùng Phú Nhuận. Tên anh chủ nhà là gì thì đã quá lâu rồi, tôi chỉ nhớ mang máng qua lúc làm giấy tờ nhưng chắc chính xác, đó là Trần Văn Tốt. Thôi thì, lại kêu theo kiểu Nam bộ, đây là Sáu Tốt, em anh Tư-taxi. Mở đầu thì không thể có gì khác hơn là một chầu nhậu ‘bộ tứ’ ngồi dưới sàn gạch bông, bia lon Hamm’s của Mỹ với mồi màng hậu hĩnh, ê hề. Sáu Tốt cũng chơn chất, hể hả y như anh mình, lớn hơn tôi cả chục tuồi mà cứ gọi tôi là “ông thầy” hay “thầy” hoài khiến tôi rất ngượng.
Khi tôi viết xong và trao cho anh tờ giấy chứng nhận cùng tờ bản sao bằng tú tài  - có dấu đỏ sao y bản chánh đàng hoàng của ủy ban hành chính xã Bình Hòa, quận Gò Vấp, sát bên lăng Ông, Bà Chiểu thời đó, Sáu Tốt rất xúc động, không hề đọc qua tờ chứng dù tôi đã nhắc mấy lần:
“Cám ơn, cám ơn ông thầy nhe. Đọc gì chớ, thầy viết là đúng chắc cú luôn rồi. Để tui…”
Sáu Tốt tự nhiên ngừng nói, đứng phắt dậy, cầm tờ giấy cẩn thận cất lên tủ thờ ngay sau lưng mình, nói liền khi ngồi xuống trở lại:
“Xin lỗi, em cất giấy đàng hoàng vậy cho chắc ăn, để dưới này lỡ đỗ bia thì ướt tèm lem hết sao! Dạ mời mấy anh, mời thầy Hai vô chớ, còn khui lon mới…”.
Bữa nhậu rôm rả tiếng cười, hết sức vui vẻ như đánh dấu một công việc lớn vừa hoàn thành, giúp chủ nhà cởi bỏ được một gánh nặng, một nỗi lo suốt bấy lâu nay.
Đang cười bỗng Sáu Tốt nghiêm mặt nói:
“À, xin phép anh Tư, anh Năm, xém nữa Sáu này quên. Mang ơn thầy Hai nhiều quá rồi, xin gởi thầy vài ngàn, chút đỉnh gọi là cám ơn…”
Tôi lập tức ngắt lời Sáu Tốt. Cậu con trai 18 tuổi, lần đầu tiên dám uống tới 5, 6 lon bia Hamm’s nên giọng điệu đã có hơi hướm như dân chơi, giang hồ, còn vỗ vào đầu gối chủ nhà cái “đét” khi nói – một cử chỉ suồng sã cũng chưa từng có nơi cậu sinh viên vốn thiệt con nhà lành, mới nửa năm trước còn là cậu học sinh đệ nhị cấp,  nề nếp trong đồng phục quần xanh áo trắng:
“Hổng được nghe anh Sáu, tôi hổng nhận đâu. Tụi tôi mới biết anh Tư, anh Sáu đây thôi nhưng tình thương mến thương, giúp được gì cho anh Sáu thì tôi ráng hết ga thôi. Đừng chíp bụng để tâm nghe. Mà nè, đừng kêu tôi thầy nữa.Thầy gì? Tôi nhỏ hơn anh cả chục tuổi…”
Sáu Tốt lại lè nhè ngắt lời tôi:
“Đâ…âu được. Thầy Hai có học hành cực khổ thì phải kêu bằng thầy chớ. Mà… nhận dùm tui đi, xin gởi thầy đây là hai ngàn, chút đỉnh coi như tiền giấy mực thôi mà.”
Thời năm 1967 ấy, tôi nhớ giá một chiếc honda C50 dame khoảng 32,000 - 35,000 đồng VNCH, còn chiếc Yamaha dame cũng 50cc tôi đang đi học thì ba má tôi mua hết 29,000 đồng. Và kìa, dù là tiền thù lao, tiền tạ ơn, tiền giấy mực gì đó thì BỐN TỜ TRẦN HƯNG ĐẠO xanh mướt lúc ấy đều không thể nói là nhỏ hay chẳng có chút nghĩa lý nào đối với một cậu sinh viên con nhà nghèo.
Nhưng rốt cuộc, cũng có thêm ý kiến “Nên” của anh Tư-taxi và ngược lại là “Không nên” của anh rể tôi, tôi đã không nhận món tiền cũng-có-ý-nghĩa ấy.Trong lòng vui ngút ngàn, một nỗi phấn khích bay bổng bởi cảm giác tự hào là vừa làm được việc tốt cho đời, anh thầy 18 tuổi liên tục hưởng ứng những cái “vô”. “vô” từ phe chủ nhà đến say mèm, đến độ khi tàn cuộc phải để ông anh chở…

PHAM NGA
Sydney, đông 2019






Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire