Translate

Libellés

samedi 14 mars 2020

Phạm Nga và bài tản văn NHỚ VỤN VẶT VỀ CẢ MỘT GÁNH CHỊU THƯƠNG CHỊU KHÓ CỦA MẸ.


Một người bạn  nói với tôi rằng Con là Con của mẹ và tình mẹ là bao la nhất không thua gì tình Cha.

Mẹ có thể vì con mà hy snh tất cả và điều này ít ai có thể không biết và không ghi nhớ.

Kính gửi quý anh chị bài tản văn của anh Phạm Nga với chút ký ức Sài Gòn thời anh đã sống qua và luôn nhớ về.

Cám ơn anh Phạm Nga đã gửi bài cho Blog Hương Xuân 2016.

Caroline Thanh Hương

tt

Tản văn

NHỚ VỤN VẶT VỀ CẢ MỘT GÁNH CHỊU THƯƠNG CHỊU KHÓ CỦA MẸ

<<Một Phật Tử Sùng Đạo Như Mẹ Tôi Cũng Đành Bỏ Đi Chùa Ngày Rằm, Mùng Một Để Còn Lo Xếp Hàng Mua Nhu Yếu Phẩm Hay May Hàng Gia Công Kiếm Thêm Tiền Chợ, Phụ Vào Đổng Lương Chết Đói Của Mấy Đứa Con Công Nhân Viên... >>

1.
Là con gái sinh trưởng ở miền biển, thuộc một gia tộc giàu có với nghề lưới đăng lâu đời, mẹ tôi đẹp mặn mòi lại giỏi khéo về nữ công gia chánh nên ông ngoại gã chồng khá sớm. Mẹ sinh tôi năm bà 24 tuổi, tuổi Sửu của con nhỏ hơn tuổi Sửu mẹ đúng hai con giáp. Con trai đầu lòng thằng tôi rất đươc cưng, lúc nào mẹ cũng chăm sóc tôi từng li từng tí.
Như đâu hồi 11 - 12 tuổi, tôi thường được mẹ cùng bố dắt đi ăn kem ở nhà hàng Brodard ở đường Tự Do, ngay trung tâm Sài Gòn, ở đây có kiểu phục vụ rất đặc biệt là nhân viên nhà hàng mang đến tận bàn khách loại khay lớn bày rất các loại bánh ngọt, bánh kem kiểu Pháp, như bánh choux, polonais, mille feuilles… trông rất ngon lành để khách chọn. Tôi thường sướng rơn và không khỏi hãnh diện khi mẹ gật đầu nhẹ cái là tôi cứ thoải mái chỉ vào khay, ngay cái bánh mình thích, bánh sẽ được chuyển vào cái đĩa nhỏ đã để sẵn trước mặt tôi. Nói nào ngay, cũng tại cái ‘thiên đường bánh kem’ này, có lần tôi không thể hí hửng – hồi đó đám trẻ gọi là quê xệ - bởi mẹ tôi đang nhìn ngắm cậu trai cưng bỗng nắm vành tai tôi kéo nhẹ rồi cau mày bảo nhỏ: “Tệ quá, mẹ đã nói nhiều lần rồi mà con tắm vẫn chưa kỹ chưa sạch, tai còn hờm đây nè!”
Rồi dần hồi các em tôi liên tục ra đời, gần như năm một, khiến tôi ngày càng bị giảm cưng chìu. Hơn thế, gánh nặng 10 đứa con khiến mẹ tôi càng phải cân phân tiết kiệm, đến nỗi có lúc vừa bởi tiện tặn vừa bởi thương con cái, bà đã càng thêm tất bật, nhọc nhằn. Như  vào khoảng năm  tôi 14 tuổi, được một mình về Nha Trang quê ngoại chơi mùa nghỉ hè, nhưng tôi đã không hí hửng cho lắm bởi năm này tuy vẫn nghỉ hè 3 tháng nhưng mẹ tôi chỉ cho tôi ra Nha Trang 2 tháng, nhất là gặp lúc mẹ cho tiền tiêu văt khá ít. Ngày tôi khởi hành, chiếc xe đò Đại Nam, lộ trình Sài Gòn – Nha Trang, rời bến xe đường Pétrus Ký thật sớm, khoảng 5 giờ sáng là đến cái ngã tư nằm trong lộ trình là ngã tư Hai Bà Trưng – Phan Thanh Giản thuộc Đakao, coi như gần nhà tôi nhất vì thời đó bố mẹ tôi ngụ quãng giữa đường Trần Quang Khãi, cách ngã tư trên gần 1 km. Đèn đường tối mò, tôi thì đang lim dim vì rất buồn ngủ nhưng nhờ ngồi cạnh cửa sổ xe, tôi vẫn kịp nhận ra chợt có một phụ nữ đứng ngay lề đường phất tay chận xe lại. Chính là mẹ tôi!
Xe ngừng gấp. Tôi chưa thể hiểu nổi lý do gì trời đang còn tối sẩm và lạnh lẽo thế này mà mẹ tôi lại phải khổ sở một mình mò ra cái ngã tư này, nhưng có điều chắc chắn đây là mẹ ra kiếm tôi, gặp tôi, bởi mẹ đã xem kỹ tấm vé xe đò hãng Đại Nam do tôi mua về trình. Tôi vừa quắt mẹ vừa gọi lớn: “Con đây! Hùng đây mẹ ơi!”. Anh lơ cũng vội vàng mở cửa xe nhảy xuống, tưởng đây là khách đón xe dọc đường. Té ra bà khách chỉ chận xe để cho tiền thằng con đang đi trên xe. Trong lúc tôi nghẹn ngào nhận mấy tờ giấy bạc mẹ cho thêm, nhìn mẹ chăm chú mà “dạ dạ” ấm ứ trong cổ họng, anh lơ cứ hối “Xong chưa? Nói lẹ lẹ dùm cho xe chạy bà kia ơi!”, mẹ tôi vẫn kịp nhắc lại mấy câu bà đã nói không biết bao nhiêu lần: “Nhớ giữa tháng 8 phải mua vé xe vô nghe con!”, “Tiền nhớ cất kỹ nghe Hùng!”, “Vô sớm,còn ôn bài, tựu trường nghe con!”.

2.
Mẹ tôi sùng đạo Phật, thời con gái qui y tại chùa được thầy đặt cho pháp danh Ngọc Nhàn. Lấy chồng, quán xuyến việc trong nhà, mẹ bày khuôn thờ Phật Bà Quan Âm trên cả bàn thờ ông bà. Tuy nhiên mẹ vẫn vui vẻ cho phép về chuyện em gái tôi được mấy xơ trường Thiên Phước ở Tân Định dẫn dắt vô đạo Thiên Chúa khi em học tiểu học rồi trung học tại trường này
Đến thập niên 70 thế kỷ trước, sau biến cố 30-4-75, cuộc sống ăn-độn đầy dẫy khó khăn, thiếu thốn. Với nhiều người dân miền Nam, một khi những lo nghĩ về cơm-áo-gạo-tiền quá đè nặng tâm trí, khó tránh chuyện đức tin tôn giáo lung lay. Một Phật tử sùng đạo như mẹ tôi cũng đành dần hồi thưa thớt rồi bỏ đi chùa ngày rằm, mùng một để còn lo xếp hàng mua gạo, dầu hôi, đường, đậu… theo tiêu chuẩn ở hợp tác xã phường, hay còn phải ngồi thắt giỏ mây-tre-lá, may hàng gia công kiếm thêm tiền chợ, phụ vào đổng lương chết đói của mấy đứa con công nhân viên...
Tôi chỉ nhớ chỉ có 1-2 lần, là vào ngày Phật đãn, mẹ có đến lạy Phật và làm công quả, phụ việc bếp núc ở ngôi chùa nhỏ gần nhà. Tôi cũng còn nhớ mẹ hay nói, là phật tử thì mình lạy Phật ở chùa nào cùng được, nhưng làm công quả thì mình chỉ nên đến các chùa nhỏ, chùa nghèo, chùa nằm khuất trong mấy con đường nhỏ hay ngõ hẻm, bởi những chùa lớn, chùa giàu, chùa nguy nga đồ sộ ngoài phố xá, đại lộ thì đã có vô số người khá giả hay các hội đoàn, tổ chức cần-lấy-tiếng lo rồi.
Đến cái năm tối tăm 1978, hai em trai tôi đi nghĩa vụ quân sự khi nổ ra chiến tranh biên giới Campuchia. Ủy ban phường vừa trao bằng khen “gia đình vẻ vang” gì đó cho mẹ-của-hai-chiến-sĩ vừa thuyết phục bà nhận thêm vinh dự làm tổ trưởng tổ phụ lão. Sang năm 1979, thằng em út của tôi, đang là công nhân một công ty sản xuất ống bê-tông, nào phải thành phần thất nghiệp, lang thang, lêu lỏng…, cũng bị gọi nghĩa vụ.  Khó chịu hơn nữa là từ khi em tôi đã nghỉ việc ở công ty, về nhà chờ ngày lên đường, người của ban quân sự phường lại hay dáo dác đi lại trước nhà, kể cả ban đêm.
Một đêm nọ, mẹ tôi nghe ở phía sau nhà, tiếng con chó trong sân vườn người hàng xóm cứ ăng ẳng sủa mãi, bèn thức dậy đi xem sự tình. Té ra, có một người mặc binh phục màu cỏ úa, đang lom khom núp trong  chỗ tối sau hàng rào bông bụp… Bà hỏi lớn “Thằng nào đó bây?” thì người kia lẵng lặng rời khỏi chỗ núp, đi mất dạng. Hiểu ra sự việc, sáng sớm hôm sau, bà “mẹ chiến sĩ” đã có 2 đứa con, đúng hơn là sắp có đến 3 con đi nghĩa vụ, quá phẫn nộ, đã lập tức lên ủy ban phường lớn tiếng chửi – tất nhiên chửi một cách có văn hóa. Bà khẳng định rằng gia đình mình đã đóng góp nhiều đứa con đi nghĩa vụ cùng TNXP (tôi, cựu thiếu úy và cậu em kế, cũng hạ SQ hải quân, đã đi TNXP, đóng ở Củ Chi từ năm 1976) và bản thân có tham gia việc công ở phường…,  đến mức đó mà ngày hôm nay chính quyền phường vẫn lạnh lẽo, thiếu tin tưởng, còn sợ thằng con út của bà trốn nghĩa vụ, đến mức cho người đêm ngày canh trước canh sau như chực ăn trộm, thì… dẹp hết, bà không làm tổ trưởng, tổ triếc gì nữa hết, trả lại luôn cái bằng khen “gia đình vẻ vang” gì đó.
Rồi thời “mở cửa” đến, cuộc sống vật chất, kinh tế tương đối có phần dễ thở hơn. Mẹ tôi may một bộ y màu đà. Chứng viêm khớp gối mãn tính khiến mẹ đi đứng khó khăn nhưng mẹ vẫn cố gắng, lụi hụi trở lại với tập quán ngày xưa là đi chùa vào ngày rằm và mùng một, hay ít ra là vào một trong hai ngày đó hằng tháng, mẹ ở lại chùa cả buổi để phụ làm bếp, nấu ăn trong nhà trai. Còn những dịp đặc biệt như Tết nguyên đán, Phật đản, rằm tháng Giêng, Tết Đoan Ngọ, rằm tháng Bảy và rằm tháng Chạp, mẹ tôi  - có khi cùng vợ tôi - soạn mâm quả cúng chùa thịnh soạn hơn, cũng như sẽ ăn bữa chay tại chùa luôn. Mẹ nhận xét rằng các cô ở tịnh xá Ngọc Phương (Gò Vấp) xào hủ tíu mì chay ngon tuyệt vời, ngon nhất về món này so với các chùa khác trong vùng, và riêng các cô ở tịnh xá Trung Tâm gần chợ Cây Quéo nhiều bữa nấu bún riêu chay cũng rất ngon…
Mẹ cũng bảo anh em tôi lo dựng lại cái bàn thiêng như đã từng có những ngày xưa ở vạt sân nhỏ xíu trước nhà. Để cũng vào các ngày rằm, mùng một hay Phật đản, mẹ nhất định sẽ ráng nhớ bày bông, trái cây cúng Trời, Đất…
3.
Về cả một gánh chịu thương chịu khó trong cuộc đời chẳng mấy an nhàn của mẹ tôi, nay lại đến giỗ mẹ, trí nhớ tồi tệ chỉ cho tôi tự phục hiện được vài điều vụn vặt như trên về mẹ.
Tệ hơn nữa, bởi cái bản chất hiếu mỹ, hiếu cảm bất trị, trong cuộc sống cứ luôn hướng về cái gì hay đẹp, tươi sáng, thơm ngon…, hầu như tôi toàn nhớ về mẹ qua các kỷ niệm liên quan đến cái ăn cái uống. Vâng, từng ngon ngọt, phủ phê như bánh kem nhà hàng Brodard mẹ cho tha hồ chọn, mì xào chay chùa Ngọc Phương hay bún riêu chay chùa Trung Tâm mẹ rủ đi ăn …, hay ngược lại -  đắng cay, nhục nhằn như bó rau, con cá, ký gạo, lạng đường “tiêu chuẩn” mẹ phải chực mua ở cửa hàng hợp tác xã.
Dù sao, suốt những năm tháng 10 đứa nheo nhóc trong nhà còn có mẹ trong đời, nói ra có là tư kỷ quá cũng chịu thôi, rằng quý giá làm sao, ơn mẹ cao dày làm sao khi bàn tay “bà tiên” mẹ đã luôn chăm sóc đúng y bon vô cái tánh hiếu cảm, háu ăn của thằng con trai đầu, dù có lúc là được điều kiện khá giả như một thời rất xưa, bố làm công chức cao cấp, mẹ tha hồ trổ tài nấu ăn ngon, hay có lúc là ngặt nghèo thời ăn độn, thực đơn hằng ngày đạm bạc cho cả nhà gồm toàn rau, củ với đậu hũ mà mẹ phải ráng nấu sao cho ‘tụi nó’ ít ra là “ăn cũng được”, “ăn ít ngán” để tạm có sức mà đi làm, đi học...

PHẠM NGA
(Giỗ mẹ đúng ngày rằm, tháng hai năm Canh Tý 2020)


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire