Translate

Libellés

dimanche 12 décembre 2021

Mời đọc bài tản văn của anh Phạm Nga NHỮNG NGÀY DÍNH ‘F KHÔNG’ và nghe tiếng hát của Phi Nhung tuyệt hay.

tt

 Kính gửi quý anh chị bài viết kể lại chuyện anh Phạm Nga đã vướng căn bệnh đại dịch Cúm tàu như thế nào.

Cám ơn anh đã luôn có những bài viết thật về tình hình bệnh Covid tại Việt Nam.

Kính chúc anh có những ngày bình an sau cơn bệnh hiểm nghèo. 

Cám ơn những bài hát đậm tình phương Nam mà Phi Nhung đã hát cho chúng ta nghe.

Caroline Thanh Hương


NHỮNG NGÀY DÍNH ‘F KHÔNG’

*tản văn PhạmNga

1.

Xưa nay, người đời thường dùng từ ‘mắc dịch’ để chữi thậm tệ ai đó, cụ thể là tỏ ý nguyền rủa, công khai muốn cho người bị chữi gặp phải một trong những chuyện xấu nhất, hại nhất trong đời sống con người, đó là mắc bệnh dịch – loại bệnh truyền nhiễm rất nguy hiễm bởi gây chết người hàng loạt, trong lịch sử thế giới có đợt giết hằng triệu sinh mạng, như : dịch hạch, cúm, đậu mùa, sốt thương hàn, Ebola, SARS…

Vậy, vừa rồi đúng là mình mắc dịch khi nhiễm bệnh dịch Covid19 (hay SARS-CoV-2), đã bùng phát từ năm 2019, đến thời điểm 23/11/82021 đã khiến 5,17 triệu người chết trong tổng số 259 triệu người mắc (riêng VN: 24.118 người chết trong tổng số 1,14 triệu người mắc). Mình đã mắc dịch trọn vẹn theo cái nghĩa ám tối nhất của từ này – không phân biệt nghĩa đen, nghĩa bóng gì sốt! Có điều là trải nghiệm này  - tất nhiên không ai mong muốn nếm qua  - rất mới lạ, nhất là cảm giác khó mô tả cho thật chính xác vào lúc 11g đêm ngày 6/11, vợ chồng mình quyết định mua bộ test nhanh về tự làm: kết quả 2 vạch! Ngay lúc sững sờ kinh hoàng ấy đã mơ hồ nghĩ đến cái rủi ro bất ngờ ai-biết-trước-được là chết-vì-dịch dù vợ chồng đã chích đủ 2 mũi vaccine, bởi có tin chấn động: tại TP HCM trong vòng vài ngày đã có đến 10 F0 đã chích đủ 2 mũi vaccine vẫn chết.

Về nguyên nhân bị lây nhiễm? Rất mơ hồ. Có thể bi lây do sau khi lệnh giản cách theo CT 16 tạm dừng, mình đã ra ngoài hơi nhiều: đi chợ, đi siêu thị, đi ngân hàng,  đi tập thể dục trở lại ở công viên… Tất nhiên có mang khẩu trang cùng mặt nạ nhựa (face shield) và chú ý tránh chỗ hơi đông người nhưng khổ nỗi, biết chỗ nào có vi-rút bay lơ lững mà tránh? Và cũng có thể bị lây do một em SV từng ở trọ nhà mình đến thăm. Em đem tặng ít trái cây, gặp bữa ăn cơm luôn; bàn ăn chật phải ngồi kề sát nhau mặt-đối-mặt, tất nhiên không ai đeo khẩu trang khi ăn, em SV lại ho vài cơn…

Chừng 3-4 ngày sau khi em SV đến nhà, đồng thời cũng đã ra công viên 1-2 buổi, sáng ngủ dậy cảm thấy cổ họng hơi rát khiến ho khúng khắng và sổ mũi;  kế đó là mất mùi khi ăn uống.  Nghĩ đây chắc lại là chứng lai-rai-tai-mũi-họng, bệnh mãn tính từ mấy chục năm qua cứ tái đi tái lại mãi đến phát chán. Tuy nhiên, bệnh tai-mũi-họng mãn tính đấy nhưng lần này cá biệt bởi phát bệnh ngay-giữa-mùa-dịch-Covid với triệu chứng nổi bật ban đầu của bệnh dịch này cũng là rát họng, ho…như viêm họng. Băn khoăn như thế nhưng vẫn tự trấn an là lâu nay, suốt đầu mùa dịch tới giờ lúc nào mình cũng phòng thủ nghiêm nhặt theo qui định 5K khi ra đường, khi trở về nhà thì xịt cồn sát trùng thả cửa, không hề sợ tốn! Và bệnh thì lo chữa, lấy toa cũ ‘Hội chứng: viêm họng mãn’ của BV ra hiệu thuốc mua tạm 4 ngày, hy vọng sẽ giống những lần trước, thuốc kháng sinh mạnh và kháng viêm trong toa sẽ giúp cổ họng dễ chịu, bình thường trở lại. Nhưng rõ ràng là bệnh không đỡ, bớt rát họng nhưng vẫn còn ho.

Rồi (coi như) bà xả bị mình lây, sau mình 2 -3 ngày đã bắt đầu rát họng, ho, không sổ mũi nhưng nhức đầu nhẹ.

Trở lại với cái đêm định mạng thứ bảy 6/11, thấy kết quả test vợ chồng cùng ‘dương tính’ mình đã điện thoại báo ngay cho khu phố (bởi tổ dân phố không có ai làm việc, tổ trưởng đã từ chức chưa có ai thay). Khu phố trả lời sẽ báo ngay cho y tế phường. Rồi chủ nhật , thứ hai trôi qua, vợ chồng chỉ biết tự chữa, còn im re, không thấy ai đến nhà thử thiếc, hướng dẫn gì. Nóng ruột, ngày thứ ba 9/11 mình báo thẳng cho y tế phường.

Trưa thứ tư 10/11, nghĩa là mất đến gần 4 ngày sau khi mình nghiêm chỉnh theo hướng dẫn chung đã lên tiếng báo bệnh với đại diện chính quyền (cấp khu phố), tổ y tế lưu động mới đến nhà test nhanh lần thứ 1. Kết quả dương tính.

Vậy là vợ chồng mình chính thức có thêm tính danh rất thời thế: ÉP KHÔNG (F0)! Đồng thời cổng nhà được treo bảng đỏ chữ vàng “Địa điểm phong tỏa, cách ly y tế” cùng giăng dây ru-băng. Tổ y tế căn dặn sơ xịa rồi ra về. Cánh cổng nhà F0 đóng kín trở lại, im lìm, bệnh-nhân-chủ-nhà tiếp tục tự lo liệu, bởi những ngày sau đó mình không hề được cấp phát một viên thuốc nào! Thắc mắc thì tổ y tế lưu động trả lời: “Vì cô chú bị nhẹ,tự cách ly ở nhà nên theo tiêu chuẩn chỉ được phát túi thuốc A, túi này lại chỉ gồm mấy thứ thuốc thông thường như Panadol, VitaminC, Bcomplex…mà chú nói nhà có rồi”.

Đến trưa ngày 18/11, tức 10 ngày sau, tổ y tế lưu động trở lại test nhanh lần thứ 2, kết quả: vợ chồng đều âm tính - đúng ra, vào chủ nhật 14/11, đã thấy ‘âm tính’ khi tự test. Rất vui khi nghe tổ y tế cho biết đây là test lần 'chung kết' tức không có dịp vui test thêm lần nào nữa (Nên nhớ trước đây có qui định cứng rắn, rằng F0 điều trị tại nhà cứ 7 -10 ngày sẽ được tổ y tế đến test nhanh lần 1, nếu kết quả ‘âm tính’ thì phải âm tính qua lần 2 hay lần 3 mới được áp dụng 14 ngày theo dõi, suốt 2 tuần này F0 không có dấu hiệu xấu nào về sức khỏe thì y tế mới tháo gỡ bảng phong tỏa cùng ru-băng cách ly y tế). Anh em hỏi mượn ghế, leo gỡ liền cái bảng đỏ và dây ru-băng đã giăng trên cổng nhà mình suốt 10 ngày qua, còn dặn 3 ngày sau ra trạm y tế lưu động nhận giấy “Chứng nhận hoàn thành cách ly tại nhà/nơi lưu trú”.

2.

Nhớ đêm 6/11, biết mình đã dính Covid, tưởng không thể nào ngủ được nhưng rốt cuộc gần sáng cũng thiếp đi vì mệt mỏi. Lãng đãng thấy ngày mai khi thức dậy sẽ bắt đầu sống với đời bằng tư cách ‘F0’. Dịch bệnh không còn ở bên ngoài cơ thể kiểu lởn vởn khống chế bạn như thời giản cách xã hội nữa, con vi-rút đã ở bên trong cá nhân bạn - như kẻ thủ ác không còn đứng xa một quãng, buông lời đe dọa mà đã áp sát và tóm dính bạn, kề dao vào cuống họng bạn, gây vết cắt rỉ máu dưới hàm bạn…

Vậy là không như hồi tháng 6 tháng 8, hầu hết F0 bị đi tập trung cách ly, vợ chồng mình (đều trên 60 tuổi và có bệnh nền) được cách ly tại nhà, cũng có nghĩa đóng kín cửa,không được đi ra đường và ráng mà tự chữa trị tại nhà. Trên mạng internet ở PC cùng điện thoại di động đã sẵn có vô số bài bản về chữa trị Covid19 tại nhà, theo Tây y, Đông y, kết hợp Đông Tây y, y học dân gian…, gì cũng có. Với niềm tin vào ưu thế đã chích đủ 2 mũi vaccine cùng mớ kiến thức y học, y tế đa tạp, manh mún mới đọc mà không thể kiểm chứng/gạn lọc ấy, hai F0 nhà mình cũng có được vừa đủ bình thản để lặng lẽ tự chữa trị.

Sống động nhất là F0 vợ, suốt ngày túi bụi làm đủ thứ việc. Đúng ra bệnh nhân F0 này đang bệnh thì phải được nghỉ ngơi, tịnh dưỡng nhưng đã rất vất vả, từ sáng sớm đến tối mịt phải lo thực hiện nhiều món thuốc/cách chữa cho cả hai F0. Như: nấu nước muối để hai F0 khò họng và rửa mũi 4-5 lần/ngày; xắt sả, gừng hòa vào bó lá thơm cho 2 nồi nước xông để hai F0 xông toàn thân sáng/chiều; xắt tỏi bỏ vô tô nước sôi để hai F0 hít sâu vào mũi sáng/chiều với cái phễu giấy các-tông chụp kín miệng tô. Đã nhọc nhằn chuẩn bị các món thuốc, F0 vợ còn mệt thêm khi phải luôn miệng nhắc nhở F0 chồng đủ thứ chuyện.

Thú thật, F0 chồng hơi chậm chap, có lúc ngớ ngẩn, ù lì vì miễn cưỡng thực hiện các liệu pháp ngoại khoa nêu trên, như ghét nhất/chịu đựng nhất là xông hơi nước nóng tỏi vào mũi gây dị ứng, chỉ vài phút là sổ mũi dầm dề. Và không thể tránh tranh cải. Chẳng hạn F0 chồng trưng ra bài viết trên vài trang y học, đại khái theo các BS Tây y (cả 1 lương y bên y học cổ truyền) thì việc xông toàn thân, hít hơi nóng nước tỏi ngày mấy lần là không cần thiết vì các cách chữa đó cần thiết và có ích cho bệnh cảm cúm, nhiễm lạnh, trúng gió…, còn Covid 19 thì tuy có vài triệu chứng giống cảm cúm nhưng các cách chữa ngoại khoa ấy không mấy giá trị đối với sức tàn phá của con SARS-CoV-2 vào phổi, tim mạch, thần kinh…; hay xông thân thể ngày 3 lần dễ gây mất nước khiến người yếu đi. F0 vợ bài bác, rằng: “Đó là các bác sĩ chỉ nói theo lý thuyết ,còn các cách chữa ngoại khoa kia là do kinh nghiệm của những F0 đã lành bệnh, tức chữa Covid thành công rồi mới truyền lại”.

Ở đây đã ghi công lao vô hạn của F0 vợ thì không thể không nhắc đến sự hỗ trợ, giúp đỡ quí giá, ý nghĩa từ một số người thân yêu khác, như: con gái gởi gấp tiền về vì tiêu xài tăng trội đột xuất trong thời gian cách ly/chữa bệnh (mua máy đo nồng độ oxy và nhiệt kế, thuốc men/ăn uống bổ dưỡng…), con trai, con dâu và con nuôi cùng làm‘con thoi’ chạy đi mua thuốc men, bộ test nhanh, lá xông, ba bữa ăn mấy ngày đầu và thực phẩm dự trữ đem móc ngoài cổng để hai F0 bố mẹ cứ từ từ mang khẩu trang ra lấy vào; thêm một anh bạn dược sĩ hàng xóm đã tặng thêm vài loại thuốc và hướng dẫn dùng thuốc thích hợp với các thay đổi triệu chứng qua từng ngày…

 

3.

Nhìn lại loạt bài ‘GHI CHÉP VỤN VẶT TỪ TÂM DỊCH’ mình viết và đăng hồi tháng 8, tháng 9…, thấy mình lỗi thời. Thời dịch giả khốc liệt ấy, phía sau nhà có 1- 2 người ở trọ lỡ tiếp cận với F0 ở nơi khác nên họ bị nghi nhiễm, phải mang danh F1, còn mình chủ nhà thành F2…, mình đã ‘lớn chuyện’, viết là vợ chồng đều “thất thần, lo lắng, mất ngủ suốt vì sợ lây…”. Còn vừa rồi, vào giữa tháng 11, tình hình chung vẫn còn được đánh giá là dịch đã qua cao trào (biến thể Omicron chưa xuất hiện rộ lên), thì mình lại nghiễm nhiên lên chức F0.  

Nghĩ mông lung thì thấy sống ở đời ai cũng ít nhiều có cơ hội nếm trải các niềm vui lớn lao, có khi là biến cố trọng đại đổi đời - như: thi đỗ, được yêu, được tuyển dụng, lên chức, trúng số, lành bệnh nặng… Riêng chuyện cái vui ‘lành bệnh nặng’ tưởng như lúc nào khác chỉ là chuyện thông thường ai cũng có thể từng trải, thì vừa qua, mang thân phận F0 rồi mình mới thấy thật mới lạ! Tin mừng ‘đã âm tính!’, ‘đã 1 vạch!’ luôn luôn thôi thúc người mắc dịch mau mắn đem chia xẽ ngay với người thân, bạn bè, hàng xóm, nhất là báo cho y tế phòng/chống dịch địa phương. Có đâu như ngày bị biết mình ‘đã dương tính!’, hai vạch! Hẳn là F0 nào cũng hoảng hốt, rối trí và chỉ chia xẽ với người thân yêu thôi (cũng cân nhắc, sợ người thân lo buồn), chứ rất miễn cưỡng khi phải báo với người bên ngoài gia đình, nhất là với bên y tế, bởi sợ bị đi tập trung cách ly - đó là chuyện rất khổ nhọc, khó chịu và đầy rủi ro khiến có thể mất mạng.

Đêm qua, thong dong mở cổng đem túi rác ra bỏ trước nhà. Không như mấy ngày còn treo bảng đỏ/ru-băng phong tỏa, đêm xuống phải ngóng nghe ngoài đường hẻm khi nào thật vắng lặng, không có người qua lại mới dám thậm thụt đi đổ rác kèm theo khẩu trang che mặt. Còn giờ này…, khi đóng cổng, trở vào nhà thì nhận ra tấm bảng đỏ đã xuất hiện trên cánh cổng nhà hàng xóm. Nghe nói nhà này gồm 7 người, đã dính Covid 3 người sau khi vợ chồng mình có kết quả ‘âm tính’ được 3 ngày.

Chợt tưởng tượng lan man, rằng từng treo trước cổng nhà mình 10 ngày rồi tiếp tục xuất hiện ở cổng vài nhà khác cùng trong hẻm, mấy tấm bảng đỏ chữ vàng và dãi ru-băng “phong tỏa, cách ly y tế” kia xem ra cũng là một kiểu trang trí nào đó cho cổng nhà tư nhân. Có điều là kiểu trang trí hiếm hoi này rất gây phản cảm, bởi  cũng màu mè đỏ vàng nổi nang đấy nhưng vẫn mang vẻ buồn thảm và bất an, nhất định không hề tương đồng với cái màu mè an vui, đẹp đẽ ở các kiểu trang trí cổng nhà đám cưới, đám hỏi…

PHẠM NGA

(Đang mùa Covid 2021)

 

Bài tập sức Khỏe với đôi tay và Bấm 3 Huyệt Này TAY CHÂN HẾT LẠNH | HẾT TÊ BÌ | Điều Hòa Âm Dương Cơ Thể Khỏe Mạnh.

 

dimanche 5 décembre 2021

Bài tập sức Khỏe với đôi tay và Bấm 3 Huyệt Này TAY CHÂN HẾT LẠNH | HẾT TÊ BÌ | Điều Hòa Âm Dương Cơ Thể Khỏe Mạnh.

tt

 Kính gửi quý anh chị bài tập sức khỏe.

Cám ơn các tác giả bài viết và bài hướng dẫn.

Caroline Thanh Huong

Bài tập bàn tay để trị bệnh

Trung y nói, tay là bộ phận thu nhỏ của lục phủ ngũ tạng trong cơ thể con người. Dưỡng tay để trị bệnh vừa không tốn tiền, không có tác dụng phụ, mà hiệu quả lại rất tốt. Ai cũng nói bệnh người già là một chuyện phức tạp, thực ra chỉ cần chăm sóc đôi tay là giải quyết được hết!

8 động tác tay dưới đây chuyên dành cho 8 loại bệnh mà người già rất hay gặp. Sau khi làm xong sẽ cảm thấy thoải mái khắp người. Bắt đầu từ hôm nay hãy thực hiện theo như hướng dẫn dưới đây, khỏi còn lo các bệnh tay chân tê liệt, bệnh tim phổi, bệnh về mắt…

Những điều cần chú ý

Trong hình chỉ là động tác làm mẫu, để đạt hiệu quả nhất định phải chịu khó tập luyện đầy đủ số lần yêu cầu.

Thực hiện trước khi ngủ và sau khi thức dậy.

Trong ngày có thể tùy ý thực hiện vài động tác để chăm sóc cơ thể.

 

1.    Đấm thẳng 36 lần: Phòng trị bệnh về mặt

Đối tượng thực hiện: Người có thị lực mơ hồ, viêm mũi, đau rang hoặc để phòng tránh cảm cúm.

2.    Lòng bàn tay đấm nghiêng 36 lần: Phòng tránh xương thoái hóa

Đối tượng thực hiện: Người hay đau đầu, đau cổ; phòng tránh gai xương; thoái hóa xương.

3.    Cổ tay đấm nhau 36 lần: Phòng bệnh tim phổi

Đối tượng thực hiện: Người dễ bị bệnh tim hay đau ngực, tức ngực.

4.    10 ngón nắm chéo nhau 36 lần: Chống tê liệt

Đối tượng thực hiện: Người có vấn đề hệ thần kinh ngoại vi như tê tay, tê chân v.v.

5.    Nắm đấm vào lòng bàn tay mỗi cái 36 lần: chống mệt mỏi

Đối tượng thực hiện: Người cần tỉnh táo, loại trừ mệt mỏi.

6.    Bàn tay đánh nhau 36 lần: Phòng trị các vấn đề nội tạng

Đối tượng thực hiện: Người có bệnh tiểu đường, cần điều chỉnh chức năng nội tạng.

7.    Chà xát 2 vành tai tai 36 lần: Thúc đẩy hệ tuần hoàn huyết dịch

Đối tượng thực hiện: Người cần tăng cường hệ tuần hoàn máu, nhất là phần đầu, phần mặt giúp ích cho việc phòng tránh huyết đóng cục.

8.    Úp lòng bàn tay lên mắt: chống mắt lão hóa

Đối tượng thực hiện: Người dễ bị cận thị, lão hóa và thị lực mơ hồ.

Các bài thể dục ngón tay này có không nhiều động tác nhưng rất hiệu quả, khuyến cáo mọi người đều nên học và tích cực thực hiện để cơ thể khỏe mạnh, đẩy lùi bệnh tật và lão hóa!

TDMVSK sưu tầm

jeudi 21 octobre 2021

Phần ba bài GHI CHÉP VỤN VẶT TỪ TÂM DỊCH (tiếp theo+hết) Ký PHAM NGA, với nhạc phẩm Khi Tôi Trở Về, Phạm Đức Nghĩa trình bày.

Kính gửi quý anh chị bài ký của anh Phạm Nga viết về Sài Gòn.

Thành phố này còn hay mất, đối với người di dân từ xa đến đây để làm việc , có thể là một cơn ác mộng khi nhà tùn nhỏ hay lớn đều khủng bố như nhau.

Không hiểu sao lời bài nhạc Khi Tôi Trở Về của anh Phạm Đức Nghĩa có phải là lời tiên tri cho những người chết không quan tài trong lúc bệnh dịch đến từng nhà, từng con phố và đâu đâu cũng chỉ có những cái chết tức tưởi, vừa người, vừa chó, bị chết oan mạng vì ai?

Chuyện khủng khiếp nhất của mười ba con chó theo chủ về quê rồi bị đưa đi giết làm thật nhiều người, trong đó có  tôi vô cùng xúc động.

Chuyện những thây ma bọc plastic hay những cái hòm nằm chồng chất lên nhau chờ hỏa thiêu...

Có thể là ác mộng hay thế giời này sắp tàn lụi rồi?

Caroline Thanh Hươn tt

 

 

GHI CHÉP VỤN VẶT TỪ TÂM DỊCH (tiếp theo+hết)

Ký PHAM NGA

3. Từ Tâm Dịch Ngóng Tin Người Thân Bạn Bè, Ngóng Về Quá Khứ

…Đêm qua, khoảng 1 – 2 giờ mưa tạnh, không hiểu sao đã thiếp đi, coi như ngủ được vài tiếng gần sáng. Nhưng cũng giống như bao ngày qua trong mùa dịch, dù đã tạm ngủ được cũng không hề thấy khỏe khoắn chút nào, nói chi cảm giác vui vui mơ hồ như trước đây khi thức giấc thấy ánh nắng mai tươi tắn của một ngày mới ngoài cửa sổ.

Chợt nhớ những lần bị phong tỏa xưa kia, cũng ở đất Sài Gòn. Như đảo chánh 1963 hay chiến cuộc Mậu Thân1968, đô thành giới nghiêm/thiết quân luật 24/24, phải đóng kín cửa, không được phép ra đường suốt vài ngày, nhưng rõ ràng không căng thẳng như tình trạng phong tỏa tránh dịch hiện nay. Vài lần khác là cảm cúm nặng, cả người rủ liệt hay viêm họng, viêm nhiễm đường hô hấp trên …, để tránh lây cho người trong nhà phải rút vô phòng riêng, ăn uống với chén, ly riêng, nhưng tự cách ly khi ấy cũng chẳng có gì nghiêm trọng bởi trong nhà mọi người vẫn mạnh giỏi, sinh hoạt vẫn bình thường; còn hiện nay, ngoài kia là Sài Gòn đang bị dịch-chết-người rất nặng, dịch-lây-nhiễm rất dữ!

Đang có mặt tại chính mảnh đất mình từng sinh sống lâu nay, nhiều người Sài Gòn lại nhớ Sài Gòn. Đã sống ở thành phố này, dù là dân bản địa tức được sinh ra chốn này hay dân mới nhập cư, dù là dân cố cựu hay dân đang xài sổ tạm trú, bằng những thời gian dài/ngắn khác nhau, dần hồi tử một nguyên mẫu Sài-Gòn-của-chung ai nấy lại có những phần Sài Gòn riêng-cho-mình, đó là những con đường, ngõ hẻm, ngôi chợ, cảnh chùa, quán cà phê, tiệm cơm… bộ nhớ thuộc làu. Những mảnh/miếng Sài Gòn ấy chiếm phẩn rất quan trọng trong vốn sống/kinh nghiệm sống mà mỗi người sẵn lòng chia sẻ, bởi đó là nơi chốn ngày ngày mình cùng gia đình, bạn bè lui tới làm việc kiếm sống, giải trí xả hơi, hẹn hò tình tự, tụ tập tán dóc…

Càng chạnh lòng, xót xa hơn khi xem trên FB những hình ảnh Sài Gòn bị dịch hiện nay, toàn những cảnh hàng rào, kẽm gai giăng bủa như cấm địa quạnh hiu với cảnh người dân cùng khổ và chết chóc. Để rồi liên tưởng, nóng ruột ngóng tin tức/tình hình của người thân, bạn bè xa gần. Trong đó, do cái độc đáo đáng sợ của dịch là nguy cơ nhiễm-đồng-loạt cùng chết-đồng-loạt, được tin tức về người nào là rất mong được biết luôn về tình hình gia đình người ấy nhà ấy, nhất là trường hợp họ đã bị dính Covid!

Như trò thao diễn mở hàng, tháng 5 sớm sủa đã có tin chẳng lành về gia đình em ruột ở Mỹ (Utah).Trong nhà 4 người dương tính Covid nhưng không như ở VN (thời điểm tháng 5/2021) là lập tức bị đưa đi tập trung, ở Mỹ các F0 này tự cách ly tại nhà, tự chữa trị, chăm sóc với hỗ trợ/hướng dẫn qua điện thoại của ngành y tế sở tại. Kết quả là ngoài chuyện cô em dâu/chủ nhà có lúc khó thở, phải dùng máy thở (trong nhà sắm sẵn dành cho trẻ em), 4 bệnh nhân dần hồi khỏe lại, khỏi bệnh.

Trong nước thì cách chống dịch bằng vaccin bắt đầu được thực hiện đồng loạt cho các ngành nghề, tỉnh/thành, tiếc là chậm một cách khó hiểu đối với thành phố Sài Gòn - địa phương có số nhiễm/số chết cao nhất nước! Thôi thì, từ nay trong mong ngóng tin tức lành/dữ của người thân, bạn bè các nơi sẽ kèm theo  một điều không kém khẩn thiết: muốn biết anh em bà con bạn bè chích ngừa mũi 1 chưa, thuốc gì, còn ai chích mũi 1 rồi thì chích mũi 2 chưa.

Sau cái tin phương-xa về gia đình người em bên Mỹ, trong vòng anh em họ Phạm lại vửa có tin phương-gần, rằng cậu em út ở bên huyện Bình Chánh, đã chích mũi 1 vaccin AstraZeneca vẫn dính! Cũng may, kết quả test PCR của Viện Sốt Rét-KST-CT ghi rõ “Dương tính, nồng độ vi rút thấp, Ct: 34”, cần tiếp tục cách ly tại nhà, sau 1 tuần sẽ kiểm tra lại. Tin mới nhất: ở chung nhà với cậu em út có một đứa cháu trai cũng dương tính, được cái điều trị tại nhà 21 ngày thì test thấy âm tính.

Và tất nhiên, điều khiến cho dịch bệnh nguy hiểm, đáng sợ là chết chóc. Trên facebook, website tin tức –thời sự, báo điện tử… ngày nào cũng đầy dẫy hình ảnh, tin tức về cái chết của người dính Covid, gồm  đủ mặt người già, người trong tuổi lao động, trẻ em, cả y tá, bác sĩ, các soeur đi giúp bệnh nhân Covid, người làm việc thiện nguyện, dân lang thang, cơ nhỡ…, cùng những bạn-của-bạn, người-thân-của người-thân… nối tiếp nhau qua đời. Thương tâm nhất là các gia đình có vợ chồng, anh em, ông bà… qua đời cùng một lượt, bỏ lại những đứa con, đứa cháu còn quá bé bỏng đã phải mồ côi, trơ trọi trên đời. Cũng là tin thời sự đấy nhưng quá nghiệt ngã cái loại thời sự đen tối, thương cảm này - giới báo chí từng gọi là dạng ‘tin nhân cảm’. Dịch bệnh thì chưa rõ rệt có dấu hiệu giảm nhẹ, trong lòng cứ lan man những ám ảnh từ loại thời sự khốn khổ ấy. Tối ám nhất là tin một chị bạn lứa 70 như mình, nhà giáo về hưu cô đơn cô độc, chị mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao lâu năm nên từng nói là không chích vaccin, rốt cuộc do một người em trai đến thuyết phục, chị chịu đi chích thì chỉ gần 2 ngày sau mũi chích thứ nhất, chị sốc thuốc qua đời tại nhà. Và một anh cũng cựu nhà giáo, bạn-của-bạn, cũng ngoài 70t.,không thể nào quên khi mới quen mình hỏi ‘Nhà mấy đứa, còn đi học hết hả?’, anh trả lời tếu ‘Hai đứa! Đi học gì? Là tui với bả đó!’, mới biết anh chị hiếm muộn. Trời ạ, giờ anh mất chẳng có đứa con nào để tang…

TẠM KẾT

May mắn, con hẻm nhà mình đang thuộc “vùng xanh”, tức vùng không có dịch. Trong 2 tháng qua, đã 5 lần test nhanh, dân cư toàn tổ dân phố đều âm tính, chỉ có 1 trường hợp dương tính nhẹ, tự cách ly và trước nhà này không bị giăng ru-băng gì cả. Nhưng khung cảnh các “vùng xanh” cũng chẳng vui vẻ, sáng sủa gì vì “vùng xanh”   phải tự bảo vệ bằng cách cách ly đối với các “vùng vàng”, “vùng cam”, “vùng đỏ” xung quanh; thế là giăng rào cản, lập trạm gác, treo bảng hạn chế ra vào. Shipper cần vô hẻm giao hàng phải đứng lại bên ngoài rào cản, chờ khách ra nhận hàng…

Tù túng trong nhà, tóc mấy tháng không đi cắt đã dài phủ ót phủ tai. Hiện tại ê chề quá nên cứ nhìn vào trống không mà ngóng về quá khứ - một Sài Gòn xưa cũ. Đã chẳng chút nhàm chán khi theo dõi vô số hình ảnh thành phố ngày xưa mà nhiều người đã bỏ công lục lạo, sưu tầm để đăng liên tục lên FB. Có thể nói, bất cứ hình ảnh nào của Sài Gòn xưa, tử cảnh thiếu nữ với tà áo dài thướt tha trên phố, anh lính đi dạo với người yêu, em bé bán mía ghim, chị bán chè gánh, chú ba bán nước mía…, thì cảnh nào, người nào, món hàng nào cùng đều có thể khiến người xem chạnh lòng, càng nhớ thương Sài Gòn dĩ vãng.

Cũng có lúc mơ tưởng về tương lai – một Sài Gòn an vui trở lại, trận dịch đi qua, người người trút bỏ nỗi lo dính vi- rút cùng nỗi ám ảnh của cái chết. Sài Gòn hồi sinh, ai nấy có thể tự do đi lại, gặp gỡ nhau; riêng mình sẽ đi công viên tập thể dục, đi bệnh viện mỗ con mắt đục thủy tinh thể đã trễ hẹn mỗ cả năm rồi, mang đi sửa đồ đạc bị hõng giữa mùa dịch, đi siêu thị mua sắm vài thứ đồ dùng. Nhất định sẽ đi thăm bà con, họp mặt bạn bè, đi cà phê, đi bia bọt, đến với đám văn nghệ lê lết quán cóc vỉa hè, tán dóc, chém gió vô tội vạ, tha hồ kể cho nhau nghe nhiều chuyện với lời mở đầu “Nhớ cái hồi còn dịch…”.

PHẠM NGA

(2021, tháng 9 còn dịch)




Mời đọc bài GHI CHÉP VỤN VẶT TỪ TÂM DỊCH COVID (tiếp theo) Ký PHAM NGA và nghe bài Cát Bụi Cuộc Đời với tiếng hát Phi Nhung.

Kính mời quý anh chị đọc bài ký của anh Phạm Nga viết về một gốc nhìn từ thành phố anh cư ngụ tại Việt Nam.

Chúng ta hiện nay trên toàn cầu đều bị khủng hoảng về đại dịch Cúm Tàu, nhưng không vì thế mà chúng ta phải sợ sệt.

Ai cũng chỉ có một lối về và nên sống bằng cách nào đừng hối tiếc hay hối hận mà sống sao cho ta thấy cuộc đời mình thật đáng sống.

Caroline Thanh Hương

tt

 

GHI CHÉP VỤN VẶT TỪ TÂM DỊCH COVID (tiếp theo)

Ký PHAM NGA

 

2.Từ Tâm Dịch, Ngóng Ra Đường

 

Xì-tin (style) phổ biến hiện nay là ai nấy thường xuyên đóng kín cửa nẻo vì sợ vi-rút vô trong nhà, nhưng cũng thèm ra ngoài đường vì lý do rất dễ hiểu: mấy đợt giãn cách, tù túng trong nhà đã lâu quá! Đang dịch giã mà nói “ngoài đường” thì đâu cần phải là “đường xứ”, “phố chợ” gì cho xa xôi mà chính là cái hẻm rất quen thuộc ngay mặt tiền nhà đấy thôi. Trận dịch trờ tới, cái hẻm ngày ngày ‘mở cổng ra là đụng’ bỗng trở nên ngăn cách kỳ cục, trái khoáy một khi cánh cổng - tách biệt phần sân/đất sở hữu cá nhân với hẻm/đất công cộng tập thể - từ nay gần như 24 trên 24 đóng kín, trong khỏi ra, ngoài khỏi vô, trong/ngoài hạn chế giao tiếp. Có chuyện là ngay khi có lịnh giới nghiêm cấm ra đường từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng, một anh chủ nhà chỉ mở cổng bước ra đoạn hẻm ngay trước nhà để quơ tay vài cái thể dục, tình cờ tổ kiểm tra đi ngang đã lập biên bản phạt về lỗi vi phạm lịnh giãn cách, bởi lúc ấy còn kém 10 phút mới 6 giờ.

Tuổi già khó ngủ, đêm nào cũng trằn trọc.Thời Covid giấc ngủ càng hiu hắt, có khi vừa chợp mắt được giây lát đã choàng tỉnh vì ác mộng. Nằm thao thức, bất giác ngóng ra đường, lắng nghe tiếng động bốn phía xung quanh nhà.

Ngày thường, vào ban đêm con hẻm trước nhà tất nhiên là vắng lặng, nay lịnh giới nghiêm lại càng khiến im ắng hơn. Ngay vào 6 giờ chiều, bắt đầu giới nghiêm, trời còn sáng thì như minh họa cho khung cảnh vắng hết người qua lại, nhiều thứ tiếng động trong hẻm như bảo nhau đồng loạt im bặt. Đêm xuống im ắng, nếu có mưa đêm rì rào chỉ càng khiến con hẻm quạnh quẽ hơn.

Cũng ít hẳn tiếng chó sủa đêm và tiếng tàu hỏa chạy ngang ga Xóm Thơm, cái ga xép nằm cùng một khu phố. Rồi phải đến 1-2 giờ khuya mới nghe tiếng xe rác lục đục. Chợt nhớ từng có một thứ âm thanh vài khi gây phiền bà con, đó là mấy ông bợm say xỉn, tàn bữa nhậu đi thất thểu trong hẻm cứ hay la lối làm ồn. Nay đêm lắng dịu, trong hẻm không còn nghe cái giọng càm ràm, nhừa nhựa hơi men ấy nữa. Chắc đám bợm trong hẻm sợ bị dân phòng bắt phạt, không dám tụ tập…

Dù sao, bấy nhiêu tiếng động ban đêm đã vắng bặt ấy cũng đều là sinh hoạt đời thường trước đây, tức thời chưa có dịch. Thiễn nghĩ giờ thì bổ ích gì mà phân biệt đâu là điều lành mạnh hay đọa lạc, đâu là tích cực nơi anh công nhân dọn rác đêm khuya, còn tiêu cực là anh bợm say làm ồn lối xóm. Không chút biện biệt, tôi đang rất nhớ cùng lúc tất cả những tiếng động ấy, và tin chắc rằng mình sẽ thở ra nhẹ nhỏm, vui mừng biết bao khi bộ mặt phong nhiêu này/khác ấy của cuộc sống phục hiện trở lại từ bóng tối thảm hại của trận dịch. Tôi lại nhớ con hẻm nhỏ, xóm lao động này còn có nét mặt nhộn nhịp rất sống động của riêng nó mà giờ cũng không còn. Như cái tên ‘xóm bánh tiêu’ bà con thường gọi, cuối hẻm từ lâu rồi đã có 2-3 lò làm bánh tiêu và bánh cháo-quảy, nổi lửa chiên bánh từ 1-2 giờ khuya, thu hút những người bỏ mối hai loại bánh này cho các tiệm hủ tíu, gánh cháo lòng, cháo huyết… cùng những sạp bánh bán sỉ&lẻ trong nhiều chợ ở cả một khu vực rộng lớn, gồm từ Gò Vấp sang Bình Thạnh, Phú Nhuận, cả cho Thủ Đức. Do đó, bắt đầu từ 1- 2 giờ khuya, dù trời tạnh trời mưa gì tiếng xe gắn máy, ba-gác máy cũng rộn ràng suốt con hẻm. Những cái cháo-quảy và bánh tiêu dòn rụm, trông rất ngon lành mà giá tại lò lại rất rẻ. Thật tiếc khi thỉnh thoảng vài cái bánh từ túi, sọt ràng trên xe rơi vãi xuống đất, chèm nhẹp nước mưa.

Rồi trời sáng mờ mờ, từ trong mùng tôi nằm im, ngóng tiếng chim. Nhà tôi được cái là khá gần công viên Gia Định, cách chừng 400-500m, lâu nay không kể đến bọn se sẻ còn có vài loài chim hoang dã khác, như: chim sâu, cu đất, cu cườm, chích chòe, áo già… - cũng ít ỏi thôi nhưng thì thoảng có mặt ở vùng cây xanh quý giá kia; chúng hay bay vào hẻm, nhất là vào sáng sớm, đậu hót trên mái nhà, chuyền đuổi nhau trên những tán lá vài cây mai, sung, mận, sa-kê…trong sân nhà người dân. Và, may mắn cho tôi: mặc cho dịch bệnh, lũ chim chóc tự do vẫn giữ thói quen bay vào hẻm, kêu hót líu lo mỗi sáng sớm. Có thấy mặt thấy mỏ con nào đâu nhưng nghe chim hót trong lòng êm ả, dễ chịu làm sao!

Thế đấy, ngoài đường phố đêm ngày luôn có những sự việc, hình ảnh, tiếng động… vốn rất bình thường, thậm chí thông thường đến chẳng ai thèm để tâm - nhiều khi còn dị cảm, khó chịu, nhưng giờ đây, trong hoàn cảnh bị phong tỏa đã lâu ngày và chết chóc lãng đãng đe doạ, mới thấy những sự việc, hình ảnh, tiếng động ấy thật thân thiện, gần gũi, bởi như đã nói - đó là bộ mặt đời sống, những biểu trưng thô sơ nhưng thân cận nhất cho cuộc sống trôi chảy ngày ngày.

Rồi trời sáng hẳn, đã quá 6 giờ nhưng chỉ là xong thêm 1 đêm giới nghiêm 18 giờ - 6 giờ, vẫn chưa xong 14 ngày giãn cách cứng rắn theo chỉ thị 16+. Con hẻm vẫn im ắng, văng vẳng tiếng radio hay tivi phát tin tức đầu ngày, lâu lâu mới có tiếng xe honda chạy ngang nhà. Sinh hoạt cuôc sống lại tái diễn nhưng lặng lẽ như-có-chuyện-buồn. Đem tách cà phê đến bàn, mở PC, trước tiên xem các trang web thời sự, tin tức mới nhất về trận dịch…

Thêm một ngày đen tối trong cuộc đời là kéo dài thêm biến cố thảm khốc này đối với toàn nhân loại. Làm sao niềm hy vọng “Hết dịch” ấp ủ đã suốt hơn hai năm qua có thể sáng sủa hơn một khi vào đêm qua, theo bản tin cập nhật cuối ngày của Bộ Y tế, số người nhiễm Covid trong nước vẫn lì lợm vượt quá xa cái ngưỡng khủng khiếp 10.000 người, và Sài Gòn của chúng ta vẫn đứng đầu?

(còn tiếp)

PHẠM NGA



 

Kỳ tới:

3. Từ Tâm Dịch Ngóng Tin Người Thân Bạn Bè, Ngóng Về Quá Khứ…

 

 

vendredi 17 septembre 2021

Phạm Nga giới thiệu bài GHI CHÉP VỤN VẶT TỪ NGAY TÂM DỊCH COVID và mời nghe đọc bài Cà Phê Lá Me Bay.

Kính gửi quý anh chị bài viết của anh Phạm Nga được đọc trên Youtube.

Cám ơn anh Phạm Nga đã luôn ưu ái gửi bài đến groupe của chúng ta.

Caroline Thanh Hương

 

 tt tt 

 Admin Hương mến, thư thả đăng dùm như sau:Tản văn ' NHỚ CÀ PHÊ LÁ ME BAY' (Phạm Nga) được đọc trong chương trình radio "Sài Gòn nhớ, Sài Gòn thương" " phát lúc 11g30 mỗi thứ bảy của XuanHieuOffical
https://www.youtube.com/watch?v=LWDfpIGyirc


Cám ơn Admin.Thân ái.
PN

 Sau khi nhớ về Saì Gòn Xưa, có món Cà Phê Lá Me Bay, bây giờ mời quý anh chị nghe chuyện con Cúm Tàu hăm doạ ghé thăm gia đình anh Phạm Nga với bài viết của anh gửi.

GHI CHÉP VỤN VẶT TỪ NGAY TÂM DỊCH COVID

Ký PHAM NGA

1. Năm Trước Dịch Lãng Đãng Xa, Năm Nay Dịch Áp Sát

Ở Sài Gòn, dịch Covid19 bùng phát đã hơn hai năm, cứ dần hồi quấy đảo mà tác hại thê thảm vào mọi mặt sinh hoạt vật chất tinh thần con người. Trong đó, hiễm họa khiến mọi người sợ dịch nhất chính là nó có thể giết người, riêng người già trên 65, đã nhiễm vi-rút lại sẵn có bệnh mãn tính cỡ tiểu đường, huyết áp… như tôi càng dễ chết.

Trong năm dịch giã đầu (2020), các trường hợp nhiễm bệnh xảy ra khá xa thành phố này nên có thể nói dân Sài Gòn dù cũng sợ nhưng vẫn còn có thể ít nhiều mơ mơ màng màng. Tuy vậy, đã sợ dịch thì ngay từ đầu tôi phải tự tìm cách tránh lây nhiễm, như: hạn chế ra đường và gặp gỡ tiếp xúc, bỏ đi công viên tập thể dục, bỏ tụ tập bạn già cà phê cuối tuần… Khi cần ra đường là cố gắng mang khẩu trang - thứ tôi vốn kỵ bởi khẩu trang loại nào cũng vậy, chỉ mang 10-15 phút là gây dị ứng ngứa chóp mũi, còn khi về nhà là rửa tay nước sát trùng, xúc họng nước muối.v.v…Rồi chính quyền ‘giúp’ thêm cho vụ tránh ra đường bằng lịnh giãn cách xã hội, phong tỏa thành phố ngày một xiết chặt. Chưa hết, ngày mấy lần lên mạng để chuyên chú theo dõi sâu sát tin tức về những trường hợp F0/phát hiện dương tính, chẳng hạn như tại Tp HCM, ông A. trước ngày bị phát hiện F0 thì ngày… giờ… đã đi đâu, ghé địa điểm nào, gặp những ai…; hay trường hợp nhập cảnh F0 có cô B. rời sân bay là bắt taxi ra quận…, sau đó về khách sạn ở đường…, có ghé mua hàng ở siêu thị… Cứ thế mà “liên hệ bản thân”, xem mình và người nhà vào những ngày/giờ ấy có tình cờ có mặt ở những địa điểm tự nhiên mà như “cửa tử” ấy hay không.

Tất nhiên, hành tung đi đứng, sinh hoạt của người nhiễm Covid được mạng truyền thông (media) ghi nhận và tường thuật vanh vách chỉ là chuyện hồi tháng 5 tháng 6, số nhiễm mỗi ngày còn ít, nhiều lắm là vài chục người/ngày, như ngày 6-6-2021, báo NLĐ đưa tin “80 ca Covid-19 trong nước được Bộ Y tế công bố tối 5-6 được ghi nhận ở Bắc Giang với 39 ca và Bắc Ninh 28. TP HCM có thêm 6 ca”.

Còn nay là tháng 8-2021, dịch bùng phát không chỉ mạnh ở vài tỉnh miền Bắc mà đã dữ dội khắp nơi. Sài Gòn biến thành ổ dịch/tâm dịch lớn nhất trong cả nước. Số nhiễm trong cả nước lần hồi trên cả chuc ngàn người/ngày, riêng Sai Gòn cứ đều đều trên dưới 5000 người. Chết chóc tràn lan khắp nơi. Báo đài, trang web tin tức nào còn có thể theo dõi, ghi nhận chuyện sinh hoạt/ đi đứng đối với từng ca F0 đơn lẻ như trước cho được?

tt tt

Trở lại với hồi tháng 5-6 năm nay, gia đình tôi coi như đã phòng bị khá là chặt chẽ trong/ngoài như thế mà dịch Covid vẫn lần mò áp sát, đe dọa…

Đầu tiên, nguyên là nhà tôi ở phường 3 quận Gò Vấp, nhà trong hẻm, có gác suốt, mặt bằng đã ngăn thành 5 phòng trọ nhỏ, tổng cộng 9-10 người thuê, hầu hết là sinh viên. Cuối tháng 5, tại quận Gò Vấp – một trong 8 tâm dịch của ổ dịch Sài Gòn, phường 3 bắt đầu nhuốm màu đỏ với sự xuất hiện ổ dịch Hội truyền giáo Phục Hưng. Ổ dịch dai dẳng này còn cách nhà tôi khoảng 1.2 km theo đường chim bay, cũng đỡ lo. Qua tháng 6 dịch bùng phát mạnh hẳn, đám SV dần dần rút về quê gần hết, chỉ còn 2 phòng trọ, 1 ở tầng trệt, 1 trên gác. Báo động đầu tiên là vụ chị M., ngưởi ở phòng trên gác. Hằng ngày, chị được thuê giúp việc nhà, dọn dẹp lặt vặt cho một gia đình ở cùng xóm. Giữa tháng 6, bà chủ nhà có việc ra Đà Nẵng, khi về thì trên chuyến bay Đà Nẳng –Tp HCM có một F0, bà phải chịu cách ly tập trung, chồng con bà thì cách ly tại nhà... Vào sẩm tối ngày nhân viên y tế đến ‘viếng’ gia đình kia, tôi nhận được giấy báo lịnh cách ly 14 ngày người ở trọ tên M. Đọc địa chỉ cách ly ghi rành rành số nhà của mình mà trong lòng quặn thắt! Sau khi nhà bị y tế phường ghi vô sổ-bìa-đen-Covid19 như thế, chị M. luôn tự nhốt trong phòng trên gác, vài ngày sau từ căn phòng dưới đất, một cháu SV lo lắng báo rằng đứa kia sốt, nhức đẩu từ sáng, giờ bỏ ăn, nằm khóc vì đau bụng âm ỉ. Mấy ngày trước đứa này đã 2-3 lần đi đến chỗ làm ở Thủ Đức – khu vực đang có dịch bùng phát, giờ lại sốt? Tôi gắng gượng mang khẩu trang đứng trước cửa phòng, vừa hỏi lớn đứa bệnh tình trạng ra sao, cần thuốc gì thì tôi cho, vừa bảo đứa kia vui lòng nấu chút cháo, bạn mình ăn mới lại sức…Tạm ổn nhưng vợ chồng tôi chưa hề hết lo. Lẽ nào trong nhà lại có thêm một F1 đang ăn-ở-ngủ-nghỉ ngay sau vách phòng ngủ của mình? Cũng may, đứa SV lần hồi cũng hết sốt và hết đau bụng sau khi ăn chén cháo.

Yên yên đươc vài bữa, chị M. cũng vừa hết 14 ngày cách ly thì dịch bùng nổ đợt 4, khốc liệt hơn. Đó là cái hẻm nhỏ, song song với hẻm tôi ở, đột nhiên biến thành ổ dịch với gần chục người dương tính. Tính theo đường chim bay thì ổ dịch chỉ cách nhà tôi khoảng 400 mét. Dịch như đã có thể ho vào mặt mình! Hàng rào, băng vải cách ly giăng tứ phía. Test nhanh cả tổ dân phố. Rât may trong tổ không có thêm một ca dương tính nào.

Thêm vụ ở ngay đầu hẻm ổ dịch này có nhà vợ chồng con trai tôi. Con dâu tôi là điều dưỡng, làm việc ở Phòng cấp cứu BV nhân dân Gia Định. Chưa thấy con vi-rút bay qua, xâm nhập nhà chúng nó thì nhỏ con dâu được lịnh ngưng đến BV, về nhà tự cách ly 14 ngày vì có hai y tá cùng phòng dương tính, đã cách ly tập trung – nên nhớ nhân viên, BS, y tá thuộc Phòng cấp cứu cứ 3 ngày test 1 lần. Trời ạ, nhỏ con dâu đã 2-3 ngày liên tiếp ghé cho rau củ quả và cồn sát trùng! Lại lo. Thân già lại càng mất ngủ. Cũng may, lại may, nhỏ con dâu ở nhà mới 5 ngày thì được lịnh đi làm trở lại ngay, vì phòng cấp cứu quá tải, đông nghẹt bệnh nhân mà nhân viên lại thiếu hẳn, có nghĩa chẳng ai thèm để ý đến kết quả của yêu cầu cách ly tại nhà đối với con dâu tôi, F1 Covid.

Vừa có tin phát hiện mẹ con một bà bán rau trong chợ Gò Vấp dương tính F0 khi đoàn y tế quận đến test nhanh số bạn hàng buôn bán trong chợ, vậy những ai có đến chợ Gò Vấp những ngày từ …. đến…. phải cấp tốc khai báo, trình diện với y tế phường, quận. Cơ khổ! Vợ chồng tôi thì hôm qua và hôm kia có đến chợ; tôi đã dừng xe, đứng chờ ở lề đường đối diện cổng chợ, vợ tôi đi vào chợ mua vài thứ, trong đó có rau xanh. Xám mặt thảng thốt khi vợ tôi nhớ ra mình mua rau nơi hình như là một cặp mẹ con ngồi bán!

Cái điều nhàm nản rằng đã lăn tăn có mấy F1 cận kề hay áp sát không còn giá trị nóng sốt nữa, bởi kỳ này là hiễm họa: chính vợ tôi sắm vai F1. Lại nặng lòng phập phồng, lo lắng. Đau khổ nhất là nỗi băn khoăn, do dự, không biết có nên khai báo, trình diện với ngành y tế hay không.

Chợ Gò Vấp bị phong tỏa 100%, tôi ráng chở vợ tôi đến chợ, đậu xe chỗ xa xa để vợ tôi vừa quan sát vừa cố gắng hình dung với hy vọng rằng chợ thì có nhiều khu và nhiều chỗ bán rau, cũng như cùng lúc chắc có nhiều cặp mẹ con, chị em gì đó ngồi bán chung, cứ thế mà cố gắng nhớ lại cho thật chính xác mình đã mua rau chỗ nào, mua của ai. Mà phải chi giờ này có thể hỏi ai đó, cũng bán hàng trong chợ, rằng hai mẹ con F0 kia ngồi đâu thì hay quá! Trong lúc tưởng như tuyệt vọng, vợ tôi chợt nhớ có lưu số điện thoại một cô tên V., bán đầu/lòng heo, cứ ngày nào cần mua mặt heo, huyết heo vụn về nấu cho mấy chú chó ở nhà ăn thì phone đặt trước, cũng để nhờ người bán xắt ra miếng nhỏ dùm. Cô này xác nhận đúng là có một cặp mẹ con bán rau bị phát hiện tại chỗ là dương tính nhưng họ trải bạt ngồi bán dưới đất,trong khu chợ lợp mái tôn đầu dưới, cũng gần sạp của V., tức hoàn toàn không phải cặp mẹ con cũng bán rau nhưng ngồi sạp đàng hoàng trong khu nhà lồng chợ đầu trên, nơi vợ tôi hay đến khi cần mua rau. Hú hồn!

(Còn tiếp)

PhamNga

Đón xem:

2. Từ Tâm Dịch Ngóng Ra Đường, Ngóng Tin Tức Người Thân Bạn Bè, Ngóng Về Quá Khứ…

 


 


dimanche 5 septembre 2021

Caroline Thanh Hương giới thiệu GỬ GIÓ HEO MAY TỚI BẠN THƠ; thơ Đỗ Quý Bái.

tt

 Kính gửi quý anh chị một bài thơ của anh Đỗ Quý Bái Gửi Bạn Thơ, đọc mà nghe não nùng tâm tư.

Những năm tháng anh Đỗ Quý Bái viết bài này, lúc đó chưa có nạn đại dịch, ai nấy luôn có lòng ham muốn gặp bạn bè để thăm hỏi cố nhân.

 

"Ta sẽ đi thăm hết mọi nhà ! 

Thăm muôn loài cúc chĩu đầy hoa . 

Thăm bao chinh phụ trong phòng lạnh

 Mơ bóng người yêu tận ải xa ."

 

( thơ Đỗ Quý Bái )

Khi tuổi càng cao, bạn càng ít dần đi, cho đến ngày nào đó, người đưa tiễn mình sẽ chẳng còn ai.

Đó là chuyện thủa trước, chứ bây giờ thì người ra đi không hẹn giờ, không hẹn già, không gặp gia đình hay bạn bè tiễn đưa nhau mà có khi chưa chắc có được nấm mồ hay bình tro.

Từ cuối năm hai ngàn mười chín qua năm hai ngàn hai mươi, xuất hiện những khẩu trang bịt mũi, bịt miệng, trừ đôi mắt có biết nói hay không, thì chớ có đụng tay đụng chân, trừ nheo mắt, nheo chân mày thì khó mà diển tả rõ ràng qua cái miệng núp sau khăn che chắn.

Thế mới biết, lúc còn hạnh hpúc thì chúng ta hay quên chào hỏi nhau, lúc cách ly rồi thì con đường và phố xá như trong thành phố ma.

Tôi thấy trong Facebook có chuyện con chó vùng xanh đi đánh lộn với con chó vùng đỏ về, chủ của nó quá sợ nó bị nhiễm Cô Vi nên mang chó ra ngoáy cái lỗ mũi nó để xét nghiệm xem nó có bị lây nhiễm bệnh hay không và mắng cho nó chừa, nếu nó không muốn mang hoạ vào thân.

Có lẽ trong tương lai sẽ chích ngừa luôn cho cả thú vật để ngừa Cúm Vũ Hán vì nghe nói ở sở thú nào đó, có cọp cũng bị Covid... 

Cám ơn anh Đỗ Quý Bái và kính chúc anh luôn an vui với những bạn thơ.

Caroline Thanh Hương

GỬI BẠN THƠ

 

Thơ là hơi thở của Nàng Thơ.

Thơ gửi bạn thơ ngập bến bờ.

Chúc phúc thi nhân tươi trẻ mãi

Tung tăng bay bổng khắp trời mơ

.

LẠC THỦY ĐỖ QUÝ BÁI


 

Heo may, Nữ Chúa của muôn thu ,

 Dừng lại xin dừng gót lãng du . 

Nhớ quyện hồn ta theo với nhé !

 Cho ta chung hưởng thú sông hồ ...


 Ta sẽ theo nàng đi khắp nơi .

 Cùng nhau khăng khít chín phương trời .

 Thả hồn bay bổng vào vô tận .

 Nữ Chúa Heo May, nữ chúa ơi ! 



Ta sẽ cùng nàng ngự giữa rừng 

Để nghe đàn suối trổi tưng bừng 

Và nghe rạo rực trong lòng lá

 Nhạc khúc vàng thu nở ngập ngừng .


 Ta sẽ vì ai hái lá phong ***

 Trải làm nệm gấm dưới trăng trong .

 Cùng nhau tận hưởng đêm huyền thoại . 

Lắng tiếng thời gian đếm nhớ mong . 


Ta sẽ cùng nàng tới đại dương 

Ngắm xem hoa biển tự muôn phương

 Xô về thắm đượm tình mây nước

 Vờn mảnh trăng ngà lộng bóng gương .


 Cùng nhau ta sẽ tới cung trăng 

San sẻ cô đơn với chị Hằng , 

Khuyên ả Nguyệt Nga vui vẻ lại . 

Thêm phần diễm ảo buổi hoa đăng 


.

Ta sẽ đi thăm hết mọi nhà ! 

Thăm muôn loài cúc chĩu đầy hoa . 

Thăm bao chinh phụ trong phòng lạnh

 Mơ bóng người yêu tận ải xa . 


Ta sẽ làm thơ nàng sẽ ngâm 

Những vần tuyệt diệu sẽ muôn năm

 Vang vang in đậm vào "Cô Tịch" 

Xót kẻ lỡ làng mộng gối chăn .



Ta sẽ hôn lên má mọi người , 

Nhờ làn gió nhẹ hôn môi tươi 

Của bao thiếu nữ đang xuân sắc

 Mơ bóng xe hoa miệng mỉm cười 


...

Cuối thác đầu ghềnh , Nữ Chúa ơi !

 Tin yêu ta gửi dển muôn đời ! 

Kim phong hiu hắt khơi nguồn đạo ,

  Ngày tháng tiêu dao thuận mệnh trời !


LẠC THỦY ĐỖ QUÝ BÁI

dimanche 29 août 2021

Tự Học Vọng Cổ Sáu Câu và nghe bài hát Vọng Cổ qua karaoké.

tt

 Đàn vọng cổ mà đàn với cây đàn điện, ngầu thật.

 Gửi các anh chị nào thích tự học Vọng Cổ Sáu Câu

Cảoline Thanh Hương

http://lyric.tkaraoke.com/23285/Tu_Hoc_Vong_Co_Sau_Cau.html

 

 Đọc bài của chú Huỳnh Chiêu Đẳng

http://www.mediafire.com/view/?i3wfz77cz5t72b8

Tự Học Vọng Cổ Sáu Câu

Tác giả: Cổ Nhạc & Chí Tâm

Bài viết này chỉ cách đánh guitar vọng cổ 6 câu do ca nhạc sĩ Chí Tâm hướng dẩn.
Mong các bạn yêu thích vọng cổ sẽ tìm thấy bài này hửu ích.

Vọng cổ mỗi câu có 8 khuôn, 32 nhịp (mỗi khuôn 4 nhịp).
Khi bắt đầu câu 1 hoặc bất cứ câu nào,
người hát sẽ bắt đầu trước 16 nhịp (không có đàn).
Người đàn sẽ bắt đầu vào nhịp 16 tới hết câu 1 rồi chuyển sang câu 2, 3, v.v.

Vọng cổ có 6 cung: Hò, Xề, Xang, Xê, Cống, Líu.
Cung Líu chỉ dùng lúc kết thúc.
Vì vậy, có câu nói "ngũ cung vọng cổ" (5 cung).

Chủ âm của các cung như sau:
Giây kép (nam): SOL, SI, DO, RE, MI, SOL.
Giây đào (nữ): RE, FA, SOL, LA, SI, RE.

Câu 1 (bỏ 4 khuôn đầu, bắt đầu từ khuôn 5, 16 nhịp):
Khuôn 5: Hò
Khuôn 6: Xê
(Gõ song lang)
Khuôn 7: Xang
Khuôn 8: Cống
(Gõ song lang)

Câu 2 (8 khuôn, 32 nhịp):
Khuôn 1: Xề
Khuôn 2: Xang
Khuôn 3: Xang
Khuôn 4: Hò
Khuôn 5: Hò
Khuôn 6: Xê
(Gõ song lang)
Khuôn 7: Xang
Khuôn 8: Xang
(Gõ song lang)

Câu 3 (8 khuôn, 32 nhịp):
Khuôn 1: Xề
Khuôn 2: Xang
Khuôn 3: Xang
Khuôn 4: Xê
Khuôn 5: Xang
Khuôn 6: Cống
(Gõ song lang)
Khuôn 7: Xê
Khuôn 8: Hò
(Gõ song lang)

Câu 4 (8 khuôn, 32 nhịp):
Khuôn 1: Hò
Khuôn 2: Xề
Khuôn 3: Xề
Khuôn 4: Xê
Khuôn 5: Xang
Khuôn 6: Cống
(Gõ song lang)
Khuôn 7: Xê
Khuôn 8: Hò
(Gõ song lang)

Câu 5 (8 khuôn, 32 nhịp):
Khuôn 1: Xề
Khuôn 2: Hò
Khuôn 3: Hò
Khuôn 4: Hò
Khuôn 5: Hò
Khuôn 6: Xê
(Gõ song lang)
Khuôn 7: Xang
Khuôn 8: Xề
(Gõ song lang)

Câu 6 (8 khuôn, 32 nhịp)
Khuôn 1: Xề
Khuôn 2: Xê
Khuôn 3: Xang
Khuôn 4: Cống
Khuôn 5: Xê
Khuôn 6: Xề
(Gõ song lang)
Khuôn 7: Xê
Khuôn 8: Líu
(Gõ song lang)

Tài Liệu Tham Khảo:
Album vọng cổ chọn lọc
ad