Translate

Libellés

jeudi 21 octobre 2021

Mời đọc bài GHI CHÉP VỤN VẶT TỪ TÂM DỊCH COVID (tiếp theo) Ký PHAM NGA và nghe bài Cát Bụi Cuộc Đời với tiếng hát Phi Nhung.

Kính mời quý anh chị đọc bài ký của anh Phạm Nga viết về một gốc nhìn từ thành phố anh cư ngụ tại Việt Nam.

Chúng ta hiện nay trên toàn cầu đều bị khủng hoảng về đại dịch Cúm Tàu, nhưng không vì thế mà chúng ta phải sợ sệt.

Ai cũng chỉ có một lối về và nên sống bằng cách nào đừng hối tiếc hay hối hận mà sống sao cho ta thấy cuộc đời mình thật đáng sống.

Caroline Thanh Hương

tt

 

GHI CHÉP VỤN VẶT TỪ TÂM DỊCH COVID (tiếp theo)

Ký PHAM NGA

 

2.Từ Tâm Dịch, Ngóng Ra Đường

 

Xì-tin (style) phổ biến hiện nay là ai nấy thường xuyên đóng kín cửa nẻo vì sợ vi-rút vô trong nhà, nhưng cũng thèm ra ngoài đường vì lý do rất dễ hiểu: mấy đợt giãn cách, tù túng trong nhà đã lâu quá! Đang dịch giã mà nói “ngoài đường” thì đâu cần phải là “đường xứ”, “phố chợ” gì cho xa xôi mà chính là cái hẻm rất quen thuộc ngay mặt tiền nhà đấy thôi. Trận dịch trờ tới, cái hẻm ngày ngày ‘mở cổng ra là đụng’ bỗng trở nên ngăn cách kỳ cục, trái khoáy một khi cánh cổng - tách biệt phần sân/đất sở hữu cá nhân với hẻm/đất công cộng tập thể - từ nay gần như 24 trên 24 đóng kín, trong khỏi ra, ngoài khỏi vô, trong/ngoài hạn chế giao tiếp. Có chuyện là ngay khi có lịnh giới nghiêm cấm ra đường từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng, một anh chủ nhà chỉ mở cổng bước ra đoạn hẻm ngay trước nhà để quơ tay vài cái thể dục, tình cờ tổ kiểm tra đi ngang đã lập biên bản phạt về lỗi vi phạm lịnh giãn cách, bởi lúc ấy còn kém 10 phút mới 6 giờ.

Tuổi già khó ngủ, đêm nào cũng trằn trọc.Thời Covid giấc ngủ càng hiu hắt, có khi vừa chợp mắt được giây lát đã choàng tỉnh vì ác mộng. Nằm thao thức, bất giác ngóng ra đường, lắng nghe tiếng động bốn phía xung quanh nhà.

Ngày thường, vào ban đêm con hẻm trước nhà tất nhiên là vắng lặng, nay lịnh giới nghiêm lại càng khiến im ắng hơn. Ngay vào 6 giờ chiều, bắt đầu giới nghiêm, trời còn sáng thì như minh họa cho khung cảnh vắng hết người qua lại, nhiều thứ tiếng động trong hẻm như bảo nhau đồng loạt im bặt. Đêm xuống im ắng, nếu có mưa đêm rì rào chỉ càng khiến con hẻm quạnh quẽ hơn.

Cũng ít hẳn tiếng chó sủa đêm và tiếng tàu hỏa chạy ngang ga Xóm Thơm, cái ga xép nằm cùng một khu phố. Rồi phải đến 1-2 giờ khuya mới nghe tiếng xe rác lục đục. Chợt nhớ từng có một thứ âm thanh vài khi gây phiền bà con, đó là mấy ông bợm say xỉn, tàn bữa nhậu đi thất thểu trong hẻm cứ hay la lối làm ồn. Nay đêm lắng dịu, trong hẻm không còn nghe cái giọng càm ràm, nhừa nhựa hơi men ấy nữa. Chắc đám bợm trong hẻm sợ bị dân phòng bắt phạt, không dám tụ tập…

Dù sao, bấy nhiêu tiếng động ban đêm đã vắng bặt ấy cũng đều là sinh hoạt đời thường trước đây, tức thời chưa có dịch. Thiễn nghĩ giờ thì bổ ích gì mà phân biệt đâu là điều lành mạnh hay đọa lạc, đâu là tích cực nơi anh công nhân dọn rác đêm khuya, còn tiêu cực là anh bợm say làm ồn lối xóm. Không chút biện biệt, tôi đang rất nhớ cùng lúc tất cả những tiếng động ấy, và tin chắc rằng mình sẽ thở ra nhẹ nhỏm, vui mừng biết bao khi bộ mặt phong nhiêu này/khác ấy của cuộc sống phục hiện trở lại từ bóng tối thảm hại của trận dịch. Tôi lại nhớ con hẻm nhỏ, xóm lao động này còn có nét mặt nhộn nhịp rất sống động của riêng nó mà giờ cũng không còn. Như cái tên ‘xóm bánh tiêu’ bà con thường gọi, cuối hẻm từ lâu rồi đã có 2-3 lò làm bánh tiêu và bánh cháo-quảy, nổi lửa chiên bánh từ 1-2 giờ khuya, thu hút những người bỏ mối hai loại bánh này cho các tiệm hủ tíu, gánh cháo lòng, cháo huyết… cùng những sạp bánh bán sỉ&lẻ trong nhiều chợ ở cả một khu vực rộng lớn, gồm từ Gò Vấp sang Bình Thạnh, Phú Nhuận, cả cho Thủ Đức. Do đó, bắt đầu từ 1- 2 giờ khuya, dù trời tạnh trời mưa gì tiếng xe gắn máy, ba-gác máy cũng rộn ràng suốt con hẻm. Những cái cháo-quảy và bánh tiêu dòn rụm, trông rất ngon lành mà giá tại lò lại rất rẻ. Thật tiếc khi thỉnh thoảng vài cái bánh từ túi, sọt ràng trên xe rơi vãi xuống đất, chèm nhẹp nước mưa.

Rồi trời sáng mờ mờ, từ trong mùng tôi nằm im, ngóng tiếng chim. Nhà tôi được cái là khá gần công viên Gia Định, cách chừng 400-500m, lâu nay không kể đến bọn se sẻ còn có vài loài chim hoang dã khác, như: chim sâu, cu đất, cu cườm, chích chòe, áo già… - cũng ít ỏi thôi nhưng thì thoảng có mặt ở vùng cây xanh quý giá kia; chúng hay bay vào hẻm, nhất là vào sáng sớm, đậu hót trên mái nhà, chuyền đuổi nhau trên những tán lá vài cây mai, sung, mận, sa-kê…trong sân nhà người dân. Và, may mắn cho tôi: mặc cho dịch bệnh, lũ chim chóc tự do vẫn giữ thói quen bay vào hẻm, kêu hót líu lo mỗi sáng sớm. Có thấy mặt thấy mỏ con nào đâu nhưng nghe chim hót trong lòng êm ả, dễ chịu làm sao!

Thế đấy, ngoài đường phố đêm ngày luôn có những sự việc, hình ảnh, tiếng động… vốn rất bình thường, thậm chí thông thường đến chẳng ai thèm để tâm - nhiều khi còn dị cảm, khó chịu, nhưng giờ đây, trong hoàn cảnh bị phong tỏa đã lâu ngày và chết chóc lãng đãng đe doạ, mới thấy những sự việc, hình ảnh, tiếng động ấy thật thân thiện, gần gũi, bởi như đã nói - đó là bộ mặt đời sống, những biểu trưng thô sơ nhưng thân cận nhất cho cuộc sống trôi chảy ngày ngày.

Rồi trời sáng hẳn, đã quá 6 giờ nhưng chỉ là xong thêm 1 đêm giới nghiêm 18 giờ - 6 giờ, vẫn chưa xong 14 ngày giãn cách cứng rắn theo chỉ thị 16+. Con hẻm vẫn im ắng, văng vẳng tiếng radio hay tivi phát tin tức đầu ngày, lâu lâu mới có tiếng xe honda chạy ngang nhà. Sinh hoạt cuôc sống lại tái diễn nhưng lặng lẽ như-có-chuyện-buồn. Đem tách cà phê đến bàn, mở PC, trước tiên xem các trang web thời sự, tin tức mới nhất về trận dịch…

Thêm một ngày đen tối trong cuộc đời là kéo dài thêm biến cố thảm khốc này đối với toàn nhân loại. Làm sao niềm hy vọng “Hết dịch” ấp ủ đã suốt hơn hai năm qua có thể sáng sủa hơn một khi vào đêm qua, theo bản tin cập nhật cuối ngày của Bộ Y tế, số người nhiễm Covid trong nước vẫn lì lợm vượt quá xa cái ngưỡng khủng khiếp 10.000 người, và Sài Gòn của chúng ta vẫn đứng đầu?

(còn tiếp)

PHẠM NGA



 

Kỳ tới:

3. Từ Tâm Dịch Ngóng Tin Người Thân Bạn Bè, Ngóng Về Quá Khứ…

 

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire