Có những tiếng hát vượt không gian và thời gian và có lẽ chỉ có những người ca sĩ của miền Nam Việt Nam mới có khả năng vượt biên như thế.
Một trong những ca sĩ vượt biên mà khán thính giả ở mọi lứa tuổi luôn vẫn hâm mộ và ngày hôm nay, khi người ca sĩ đó đã đi xa thật xa, tiếng hát của người vẫn còn luôn nhắc ta nhớ về người.
Mời quý anh chị cùng nghe lại một bản nhạc xưa và gửi "Nửa Hồn Thương Đau" để tiễn Lệ Thu đã ra đi.
Một trong những gì cô Lệ Thu để lại là một kỷ niêm mà anh Phạm Nga đã ghi lại, mời quý anh chị cùng đọc bài viết này nhé.
Cám ơn anh Phạm Nga đã gửi bài và tôi luôn post muộn, mong anh và quý anh chị thông cảm vì việc nhà bây giờ nhiều hơn xưa và tâm tình cũng mỏi mòn theo tình hình xã hội.
Kính chúc quý anh chị một ngày sau Tết Tân Sửu vạn sự như ý và mạnh khỏe.
Caroline Thanh Hương
THỜI BỊ CẤM HÁT, LỆ THU TỪNG HÁT Ở TẬN ĐỒNG BƯNG CỦ CHI
Khoảng cuối 1976 hay đầu 77, vừa học tâp cải tạo về, đang kiếm việc thì tôi đã bị UBND phường buộc đi làm thủy lợi ở Thủ Đức. "Hoa rụng chọn gì đất sạch!", tôi đăng ký luôn với Hội Trí thức yêu nước TP, tình nguyện đi đào kênh ở nông trường Thái Mỹ, Củ Chi. Khi đã chuyển từ khâu đào kênh ngoài đồng bưng sang khâu cất nhà lá cho BCH nông trường, một bữa nọ, tổ của tôi được lịnh khuân một số cây, ván trong kho ra phụ với ban văn hóa thông tin UBND xã ráp, dựng, chạy dây điện... một sân khấu dã chiến (không có mái) tại một bãi cỏ hoang nằm bên lề hương lộ 7, đối diện BCH nông trường. Phải nói là, không rõ bà con nông dân xã thì sao chứ hầu hết trong cả trăm người như tôi, tức gốc dân Sài Gòn tình nguyện lao động XHCN tại đây đều xôn sao trước tin trong đoàn văn nghệ chuyên nghiệp từ nội thành ra, biểu diễn phục vụ đêm nay sẽ có vài gương mặt nghệ sĩ chế độ SG cũ, như ban nhạc Ngọc Chánh và ca sĩ Lệ Thu ( đều đã bị cấm trình diễn sau 30-4, nay được châm chước cho chơi/hát nhạc CM ).
Tôi cùng các người bạn cũng gốc trí thức CĐ cũ như nhà giáo, luật sư, kỷ sư, bác sĩ... hay sĩ quan HTCT về, đã cùng đứng sát sân khấu, mặc cho lũ muỗi đồng châm chích, nhìn (trân trân!) cùng nghe (mê mẩn!) Lệ Thu. Lúc này, dù không đi đôi với những ca khúc vang danh quen thuộc cũ trước 30 tháng 4 như: Hoài cảm. Hương xưa, Nữa hồn thương đau, Hẹn hò..., nhưng giọng ca vàng ngọc, sang trọng tuyệt vời độc đáo của Lệ Thu vẫn vang vọng, hút hồn người nghe với ca khúc nhạc CM là ‘Hà Nội, niềm tin và hy vọng’ (Phan Nhân) cùng 1-2 bài nữa tôi đã quên tựa. Cần nói thêm, lúc này giọng Lệ Thu lại càng lung linh bay bổng khi được đệm bởi ban nhạc Ngọc Chánh, từng rất nổi tiếng đất Sài Gòn. Tuy không rõ ban nhạc hiện có còn đầy đủ các thành viên không nhưng giờ đây chỉ với sân khấu dã chiến không thể nào đầy đủ thiết bị âm thanh và nhạc cụ, ban nhạc ung dung chơi điệu chachacha phối cho bài nhạc CM ‘Tiếng chày trên sóc Bombo’ đã khiến tôi lặng người vì ‘đã’!
Vâng, năm 76-77 là cái thời 'đổi đời' chưa lâu, hoàn cảnh khó khăn đến nghiệt ngã, tâm trạng đám 'thua cuộc' chúng tôi còn nặng nề đày ãi, mới quen lì với mồ hôi lao động tay chân XHCN, chỉ một đêm tình cờ giữa chốn ruộng đồng xa xăm hiu quạnh, cách trung tâm Sai Gon 45-50km, bất ngờ được thấy+nghe Lệ Thu hát đã là một niềm hạnh phúc ngọt ngào, dù chỉ là hạnh phúc nhỏ bé, riêng tư... (PhamNga)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire