tt
Khi Con Cò bàn về thơ, thì những bài chọn lọc được phân tích, dịch nghĩa, dic̣h âm để chúng ta thưởng thức sự sưu tầm đáng kính này.
Mời quý anh chị thưởng thức bài viết của Con Cò.
Cám ơn Con Cò đã gửi tài liệu nghiên cứu văn học thâm thúy.
Caroline Thanh Hương
Phần chữ Hán không post được trong Blog, mời quý anh chị mở đường dẫn bên dưới.
Đầu năm thấy các bạn khai bút lung tung làm Con Cò ngứa tay. Đã qúa lão nên sức sáng tác cạn kiệt. Bèn gom nhặt một mớ bài dịch cũ trong một đề tài để góp mặt với các bạn. Khai bút không nổi thì khai dịch vậy!
Như thường lệ, phần lời bàn là phần rất quan trọng của Con Cò.
Con Cò
Những bài thơ Đường bất hủ nhờ câu
chót
Đề tài này không đề cập tới những
bài thơ Đường bất hủ toàn diện bởi vì có hàng trăm bài như vậy.
Nó chỉ chọn lựa (không phải liệt kê) 11 bài của 8 thi hào đời Đường với một tiêu
chuẩn đặc biệt: toàn bài chỉ ở mức trên trung bình nhưng đột
nhiên xuất hiện câu chót đẹp như
một chuỗi ngọc
đeo vào cổ cô gái quê. Cũng xin nói thêm rằng
Con Cò chỉ lựa chọn trong số 500 bài thơ Đường mà mình đã dịch,
nếu đi xa hơn nữa thì số
bài sẽ nhiều hơn. Mời các bạn thưởng thức những câu thơ đơn thuần
mà soi sáng cho cả một bài thơ (bài thơ sẽ
không sống mãi nếu không có câu này).
(Như thường lệ, phần lời bàn là phần
rất quan trọng - quan trọng không kém phần
dịch - vi nó giúp ngừơi đọc thấu hỉêu
nguyên bản).
Lý Bạch
1/ Xuân Tứ
Dịch âm
Xuân Tứ
Yên thảo như bích ti
Tần tang đê lục chi
Đương quân hoài qui nhật
Thị thiếp đoạn trường thì
Xuân phong bất tương thức
Hà sự nhập la vi
Chú giải:
Yên&Tần: chàng đang ở đất Yên, thiếp đang ở xứ Tần
Nghĩa xuôi của hai câu chót: gío xuân (tượng chưng cho niềm vui)
chẳng hiểu lòng nhau, vô cớ lọt vào màn the làm gì?(lòng ta đang buồn,
không thiết đón gío xuân)
Dịch thơ
Xuân Tứ
Cỏ Yên như tơ xanh
Dâu Tần khoe cành biếc.
Chàng mong mỏi về nhanh,
Lúc thiếp buồn da diết.
Gió xuân chẳng thấu tình,
Lọt màn the ghẹo thiếp.
Lời bàn của Cn̉a Con Cò
Bài thơ thể ngũ ngôn lục cú, niêm luật ít gò bó nên ý tứ được
phô diễn rất phóng khoáng:
Chàng đang ở đất Yên. Thiếp thì ở đất Tần. Lúc chàng mong về
nhà thì thiếp cũng đang nhớ chàng vô cùng. Xuân về cây cỏ xanh tươi nhưng
thiếp đâu thèm ngắm. Còn gã gió xuân kia, tuy mi hiền hòa, dịu ngọt
nhưng lúc này ta chỉ nhớ đến chổng ta thôi. Nếu chồng ta có nhà thì
ta vui vẻ đó́n mi vào chung vui. Nhưng bây giờ chồng ta đi vắng, mi lọt
vào màn the của ta để làm gì? Bài dịch phải dùng từ ghẹo mới dịch hết nghĩa của câu
siêu việt này.
2/ Tử Dạ Xuân Ca
Dịch âm
Tử Dạ* xuân ca
Tần địa La Phu nữ,
Thái tang lục thuỷ biên.
Tố thủ thanh điều thượng,
Hồng trang** bạch nhật tiên.
Tàm cơ thiếp dục khứ,
Ngũ mã*** mạc lưu liên.
Chú giải của
Hoàng Xuân Thào
*Tử Dạ là một cô gái đời
Tấn, thời Lục Triều, với nhiêu cuộc chinh chiến. Tử Dạ nổi tiếng vì
tự làm ra các bài dân ca được lưu truyền trong dân gian với hai chủ đề
chính: tình dang dở của người con gái và tình cảm của những chinh
phụ mong nhớ chinh phu ngoài chiến trường. Tử Dạ được đời hâm mộ nhất
là bài Tử Dạ Xuân Ca và bài Tử Dạ Thu ca.
**Hồng trang: má hồng
***Ngũ mã: Xe có 5 ngựa kéo. Xe có 5 ngựa kéo là xe của quan Thái
Thú. Làm tới Thái Thú thì đã qúa già, có lẽ chàng này là công tử,
con của Thái Thú.
Dịch nghĩa
Bài hát mùa xuân của nàng Tử Dạ
Người con gái La Phu đất Tần
Hái dâu bên dòng nước xanh
Bàn tay trắng ngần vịn vào nhành cây xanh
Ánh nắng mặt trời chiếu trên má hồng
Tằm đói rồi thiếp phải chạy về
nhà
Xin ngài (người đi xe năm ngựa kéo) đừng ở lại lâu.
Dịch thơ
Bài Ca Xuân Cùa
Nàng Tử Dạ
Gái Tần La Phu đẹp
Hái dâu bến nước xanh
Tay măng vin cành biếc
Nắng ghẹo má hồng xinh
" Thiếp xin về tằm đói
Chàng ở lại sao
đành"
Lời Bàn Của Con
Cò
Bài này duyên dáng vô cùng,
dịch sát nghĩa từng chữ có thể khô khan hoặc ngây ngô. Toàn bài dàn
xếp giống một màn kịch thơ. Vậy thì hãy thuật lại màn kịch này thành
văn xuôi rồi dịch thoát.
Có một công tử tuấn tú,
ngổi trong một cỗ xe có 5 con ngựa kéo (Xe 5 ngựa là xe của quan Thái
Thú. Chàng này là công tử con quan Thái Thú). Trên đường du xuân, chàng
dừng xe tán tỉnh cô gái hái dâu trên bến nước xanh. Cô gái này cao tay
lắm. Cô khai triển hai bàn tay nõn nà có những ngón búp măng trên cành
dâu xanh biếc và để cho ánh nắng nhảy nhót trên má hồng.
Cuộc đối thoại phong phú
của hai người chỉ vỏn vẹn có 2 câu:
Câu 5: Thiếp phải về nhà
cho tằm ăn kẻo chúng đói. Lý do chính không phải vậy đâu. Nàng chỉ
muốn viện cớ đó để dụ chàng về nhà (ý này nằm trong câu 6)
Câu 6 rất khó dịch cho sát
nghĩa vì nó qúa tế nhị và cô đọng. Nghĩa của câu nguyên bản: Xin chàng
công tử cỡi cái xe 5 ngựa đừng ở lại đây lâu. Nàng muốn nói rằng:
"Công tử chàng ơi! Cái bãi dâu này chả đáng cho chàng dừng ngựa
đâu. Chàng đã dừng lại vì em. Vậy thì sau khi em về cho tằm ăn, chàng
còn nán lại đây làm chi, hay là chàng theo em về nhà nhé!" Một
câu có nghĩa phức tạp và tế nhị như vậy, lại phải cho hợp vận, thì
làm sao dịch nổi bằng một câu 5 chữ.
Đành phải dịch thoát bằng câu: Chàng ở lại sao đành.
3/ Bạch lộ tư
Dịch âm
Bạch lộ tư
Bạch lộ há thu thuỷ,
Cô phi như truỵ sương.
Tâm nhàn thả vị khứ,
Độc lập sa châu bàng.
Dịch nghĩa
Suy nghĩ về Cò Trắng
Con cò trắng đáp xuống làn nước mùa thu,
Bay một mình như cụm sương rơi.
Với dáng điệu an nhàn nó chưa đi đâu cả,
Nó đứng một mình trên bãi cát bìa cù lao.
Dịch thơ
Cò trắng Hoài cảm
Cò trắng đáp hồ thu
Như một cụm sương mù
An nhàn chưa mò cá
Ven cù lao độc du
Lời bàn của Con Cò
Thi nhân Đông và Tây đều coi cò trắng là biểu tượng của thơ. Nó mềm mại, uyển chuyển, mảnh mai, hiền lành....và nên thơ.
Cò trắng của Lý Bạch không đáp xuống hồ thu để mò cá (nước đục mới béo cò, nước trong không có cá
lội). Nó đáp như một cụm sương trắng và soi gương trên
mặt nước trong. Trông kìa:
nó bước thong thả, nhàn hạ, bình an trên bãi cù lao, giống hệt nàng thơ muôn thuở. Đúng là Con
Cò Thơ của Lý Bạch. Linh hồn của bài này không nằm trong câu chót như
những bài khác mà nằm gọn trong ba chữ cụm sương mù ở câu 2.
Bạch Cư Dị
4/ Dạ vũ
Dịch âm
Dạ vũ
Tảo cung đề phục yết,
Tàn đăng diệt hựu minh.
Cách song tri dạ vũ,
Ba tiêu tiên hữu thanh.
Dịch nghĩa
Mưa Đêm
Con dế mèn buổi sớm hết kêu rồi lại ngừng
Ngọn đèn tàn lụi lại sáng
Cách cửa sổ (mà) biết đêm có mưa
Vì vừa mới nghe tiếng (lộp độp) trên tàu lá
chuối.
Dịch thơ
Mưa Đêm 1 Mưa Đêm
2
Dế khi kêu khi nín Dế khi kêu khi
nín
Đèn lúc tỏ lúc mờ Đèn lúc tỏ lúc mờ
Cách song nghi mưa
rớt Cách song nghe
mưa rớt
Lá chuối đếm
giọt mưa. Lá chuối nhắn lời mưa
Lời bàn của Con
Cò
Ý của toàn bài chỉ đơn sơ
như sau: Dế kêu đứt đoạn, đèn khêu mập mờ (đêm đã khuya). Đứng bên
trong cửa sổ (cừa đóng kín) biết có mưa vì nghe thấy tiếng mưa trên lá
chuối.
Cái hay của bài này nằm
trong câu chót. Có 2 cách dịch thoát trong
câu chót của hai bài dịch này:
Trong bài 1, Cò dịch câu này
là Lá chuối đếm giọt mưa (nguyên
bản chỉ là tiếng mưa trên lá chuối). Tiếng mưa trên lá chuối nghe lộp
bộp giống như lá chuối đếm những giọt mưa (1, 2, 3,
4................). Kể đã fantasy rồi.
Nhưng vì qúa mê câu đó nên muốn fantasy thêm tí nữa, nên trong bài dịch 2, Cò bèn dịch câu này là: Lá chuối nhắn lời
mưa. (ngụ ý rằng tiếng mưa trên lá chuối giống như lời của mưa
nhắn vô trong nhà). Cả 2 câu đều nhân cách hóa giọt mưa mà không hỏi ý kiến của tác
giả. Bản tính Cò thích sát nghĩa hơn bay bướm mà cả 2 câu đều bay bướm.
Chả biết chọn câu nào, bèn chép cả 2 bài.
Bạch Cư Dị tả tiếng mưa
trên lá chuối thật là kỳ diệu. ông không cần tả tiếng lốp đốp, lộp
bộp....hay bất kỳ một loại âm thanh khoái nhĩ nào. Bạn cứ tùy tiện
lắng nghe. Mỗi người sẽ nghe thấy một loại tiếng mưa. Dường như có lời
nhắn từ bên ngoài song cửa rằng: "Ông Bạch Cư Dị ơi! Chúng em là
những tàu lá chuối trong vườn đây. Chúng em đang nằm ngửa hứng mưa
trên ngực, trên bụng, trên đùi,...........Đã đủ nước tưới vườn ông rồi
đó. ông hãy vui sướng đi."
Nghĩ xa hơn chút nữa sẽ như
sau: Trong thôn làng, cả ngàn người đang chờ mưa trong trong tiết trời
hạn hán. Cầu đảo hoài mà chả có mưa. Đột nhiên một đêm tối trời,
nghe tiếng mưa trên lá chuối. Mọi người thức dậy reo vui. Mưa đang nhắn
họ (qua lời của lá chuối) rằng đã có đủ nước cho ruộng đồng rồi.
Sẽ được mùa. Đối với họ, tiếng mưa trên lá chuối lúc này du dương gấp
10 lần tiếng tì bà của Bạch Cư Dị hoặc tiếng dương cầm của Tây phương.
Sau khi đọc bài
dịch này, Hoàng Xuân Thảo phê rằng: "Tôi đã nghe tiếng mưa trên lá
chuối trong rất nhiều bài thơ nhưng chưa bao giờ thấy lá chuối đếm giọt
mưa hoặc lá chuối nhắn lời mưa. Nhân cách hóa tiếng mưa của Con Cò là
một sáng tạo tuyệt vời".
5/ Tư phụ my
Dịch âm
Tư phụ my
Xuân phong dao đãng tự đông lai,
Chiết tận anh đào trán tận mai.
Duy dư tư phụ sầu mi kết,
Vô hạn xuân phong xuy bất khai.
Chú giải
Dao đãng: dao động. Trán: mở ra. Dư: thừa, ngoài ra. Xuy:
thổi. xuy địch: thổi sáo.
Dịch nghĩa
Mi sầu thiếu phụ
Gió xuân dao động đến từ phía đông
Gẫy hết hoa anh đào, nở bung hết hoa mai
Duy chỉ có mi của em (vì nhớ chàng) vẫn cứ ấp ủ mối sầu
Gió xuân dù thổi bất tận cũng không mờ được mi em (cho nỗi sầu bay đi).
Dịch thơ
Mi sầu thiếu phụ
Gió đông dìu dặt để xuân tươi
Gẫy hết anh đào nở hết mai
Duy đôi mi thiếp sầu phong kín
Tội gió xuân kia cứ thổi hoài.
Lời bàn của Con Cò
Bài thơ nguyên bản rất đơn thuần nhưng hay tuyệt đỉnh nhờ câu chót. Dịch ba câu đầu khá dễ dàng theo kiểu đơn thuần như nguyên bản. Tới câu chót thì mắc kẹt. Muốn dich sát nghiã thi không khó nhưng
vừa sát nghiã, vừa hợp niêm vận, vừa tiếp nối được vẻ đơn thuần của ba câu đầu thi không dễ. Sau cùng nhắm vào nghiã xuôi của câu thơ rằng: tội nghiệp gió xuân cứ muốn thổi cho mi em mở ra đế sầu bốc hơi đi mà không nổi. Thế thì câu thơ sẽ gọn gàng là: Tội gió xuân
kia cứ thổi hoài.
Dương Không Lộ
Trong số các Thiền sư Việt
làm thơ Hán, có lẽ Sư Không Lộ là một hiện tượng thi ca độc đáo. Thuộc thế hệ
thứ chín, dòng Thiền Quang Bích. Với kiến thức uyên
bác, nhà sư được người đời truyền khẩu là có phép thần thông.
Sau khi rong ruổi nhiều nơi để tu tập giáo lý Thiền Tông, Mật Tông,
thiền sư trở về quê nhà (Nam Định, Vịêt
Nam) dựng chùa Nghiêm Quang, thu nhận môn đồ. Sống giản dị, điềm đạm, không màng danh lợi,
thiền sư là tấm
gương đạo hạnh cho bao đời.
6/ Ngôn Hoài
Dịch âm
Ngôn Hoài
Tuyển đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thì trực thượng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư
Chú giải:
Long xà: rồng rắn. Vô dư: không thừa; 2 chũ này trong câu này ngụ ý không có gì bên trên cái vui đang hưởng; xin dịch là quá vui. Phong: ngọn núi.
Dịch thơ
Nhớ Nhời
Chọn đất rắn rồng để nghỉ ngơi
Suốt ngày thôn dã
quá yên vui
Có khi tới đỉnh non cô quạnh
Hét lớn một âm lạnh bầu trời
Lời bàn của Con Cò
Hai câu đầu xưng tụng cái tĩnh lặng của miền thôn dã.
Hai câu cuối đưa cái cái tĩnh lặng ấy ra khỏi luân hồi. Trên đỉnh
cao nhất của cái tĩnh lặng ấy một âm thanh phát ra từ cửa miệng một
tu sĩ làm lạnh cả bầu trời. Đó là một âm thanh thoát tục, âm thanh
của một nhà sư vừa đắc đạo. Câu "Trường khiếu nhất thanh hàn
thái hư" thách đố những đại thi hào Trung quốc.
Rất thanh tịnh. Rất an nhiên tự tại. Rất hùng tráng. Rất siêu
thoát. Rất đáng được ưa chuộng tại Trung quốc.
Lý Quần Ngọc
7/ Ký Vi tú tài
Dịch âm
Ký Vi tú tài
Kinh Đài Lan Chử khách,
Liêu lạc cộng hàm tình.
Không quán tương tư dạ,
Cô đăng chiếu vũ thanh.
Dịch nghĩa
Gửi tú tài họ Vi
Khách Lan Chử ở chốn Kinh Đài
Cùng ngậm ngùi vì cảnh lênh đênh
Đêm mong nhớ ở nơi quán vắng
Ngọn đèn cô đơn soi vào tiếng mưa
Dịch thơ
Gửi Tú Tài Họ
Vi
Kinh Đài* hề Lan Chử*
Lưu lạc lòng ngậm ngùi
Nhớ nhau đêm quán vắng
Đèn côi** chiếu
tiếng mưa
Chú giải
*Kinh Đài: đất thuộc tỉnh Hồ Nam, xưa thuộc Kinh
Châu, nơi xuất thân nhiều thi sĩ. Trong bài này, Kinh Đài có nghĩa là
thi đàn (nơi họp nhau vịnh thơ).
*Lan Chử: sông Lan Chử, thuộc tỉnh Chiết Giang. Đời
Tấn, Vương Hi Chi xây nhà trên sông Lan Chử gọi là Lan Đình để cho bạn
bè ngâm vịnh. Lan Chử khách: khách yêu thơ.
**côi: Từ cô trong câu 4 của nguyên bản có
nghĩa rất rộng trong bài này: cô đơn, èo uột, mù mờ.
Lời bàn của Con
Cò
Thi đàn là nơi gặp gỡ của
giới thượng lưu trí thức Trung quốc. Họ tụ họp ở đó để ngắm trăng,
uống rượu và ngâm vịnh, không phân biệt giầu nghèo, già trẻ, thân sơ
(họ không chủ trương phân biệt nam nữ nhưng nữ sĩ rất hiếm hoi trong mọi
thời đại nên gần như không bao giờ thấy người nữ xuất hiện trong thi
đàn),
Đề tài của bài này là
tâm sự của tác giả nhớ tớí một thi hữu họ Vi trong một đêm mưa nơi
quán vắng. Ngọn đèn mờ cô đơn trong đêm đen không đủ sáng để thấy mưa
rơi. Nhưng mưa vẫn lọt vào tai và rơi âm ỉ trong lòng. Kể như ánh đèn
mờ không chiếu giọt mưa mà chiếu tiếng mưa. Nếu dịch câu
chót là Đèn côi chiểu mưa rơi
thì hợp vận nhưng sai ý của tác gỉa (ý thơ quan trọng hàng đầu)
Góp ý của Hoàng
Xuân Thảo:
Câu cuối thật độc
đáo, mắt nghe, tai thấy, làm nổi hẳn bài thơ.
Vương Xương Linh
8/ Thái Liên Khúc kỳ nhì
Dịch âm
Dịch âm
Thái Liên Khúc Kỳ nhì
Hà diệp la quần nhất sắc tài
Phù dung hướng kiểm lưỡng biên khai
Loạn nhập trì trung khan bất kiến
Văn ca thủy giác hữu nhân lai
Dịch thơ
Ca Khúc Hái Sen Kỳ nhì
Sen thắm quần là một sắc tươi
Phù dung mỹ nữ sánh chung đôi
Lẫn lộn trong ao phân biệt khó
Nghe ca dưới nước nhận ra người
Lời bàn của Con Cò:
Tuy bài thơ vừa hay vừa súc tích nhờ ở lối trình diễn sáng sủa,
gẫy gọn, sắc bén và dí dỏm của cả bốn vần thơ nhưng câu
chót là linh hồn của toàn bài: Mặt người và sắc hoa đẹp ngang nhau
không thể nào phân biệt được, tới khi nghe tiếng hát mới hiết trong ao có người. Biết trong ao có cả mặt người và hoa sen nhưng vẫn
không phân biệt được đâu là hoa sen, đâu là mặt người!
Trong ngôn ngữ của thơ từ cổ tới kim, từ Đông sang Tây chưa hề có
ý thơ nào tượng hình hơn ý thơ này.
Hạ Chi Chương
9/ Hồi Hương Ngẫu Thư
Dịch âm
Hồi Hương Ngẫu Thư Kỳ nhì
Ly biệt gia hương tuế nguyệt đa
Cận lai nhân sự bán tiêu ma
Duy hữu môn tiền Kính Hồ thủy
Xuân phong bất cải cựu thì ba
Chú giải:
Tuế nguyệt đa: nhiều năm tháng. Cận lai: gần đây. Nhân sự: việc đời. Duy hữu: duy có. Môn tiền: trước cửa. Bất cải: không đổi. Ba: sóng. cựu thì: thời cũ, ngày xưa.
Dịch thơ
Hồi Hương Ngẫu Thư Kỳ nhì
Trải bao năm tháng biệt quê nhà
Việc đời phân nửa đã tiêu ma
Duy trước hiên nhà trên hồ Kính
Gió xuân chẳng đổi sóng ngày xưa
Lời bàn của ConCò:
Câu chót là câu tả cảnh xuất sắc: chỉ
làn sóng trên mặt hồ Kính là không đổi, vậy thì kể như từ cọng cỏ, cục đất của quê xưa cũng
đã đổi hết rồi. Ôi! Thơ mà tả được như vậy mới thực sự gọi là gợi hình, nói ít mà hiểu nhiều. Câu "Xuân phong bất cải
cựu thì ba" cực kỳ đơn sơ mà cực kỳ siêu việt! Bái phục.
Thôi Hộ
10/ Đề Tích Sơ Kiến Xứ
Dịch âm
Đề Tích Sở Kiến Xứ
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
Chú giải:
Khứ niên: năm trước. Kim nhật: ngày nay. Thử môn trung: trong cửa này. Nhân diện: mặt người. Tương: tương phản. Hà xứ khứ: đi xứ nảo. Y cựu: như cũ.
Dịch thơ
Vịnh Nơi Gặp Gỡ Xưa
Ngày này năm ngoái cửa này trông
Người ngọc hoa đào chung ánh hồng
Người ngọc đã đi đâu
khuất dạng
Hoa cười như cũ đón đông phong
Lời bàn của ConCò:
Đây là 1 bài siêu việt nhất trong những bài thơ thất ngôn tứ tuyệt. Từng chữ, từng câu như những tiếng chuông vàng. Câu kết đã làm tốn nhiều giấy mực của
những nhà bình luận thơ khắp Á châu trong hơn một thiên kỷ. Thi hào Nguyễn Du đã mượn ý câu này trong Truyện Kiều: “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” nhưng tiếc rằng tiên sinh dịch chưa sát ý. Ý của câu nguyên bản là: Hoa đào vẫn cười với gió đông như cũ. Nếu là hoa đào của năm ngoái thì nó đã khô héo rồi, không thể nào cười với gió đông được. 2 chữ “năm ngoái” của tiên sinh chỉ dịch được chữ “cựu” trong 2 chữ “y cựu” của Thôi Hộ. Nếu tiên sinh dịch cụm từ y cựu đơn giản hơn (như cũ) thì tuyệt đối không có vấn đề.
Lý Thương Ẩn
11/ Vô đề (Trường my hoạ liễu
tú liêm khai)
Dịch âm
Vô đề (Trường my hoạ liễu tú liêm khai)
Trường my hoạ liễu tú liêm khai,
Bích
Ngọc hành thâu bạch ngọc đài.
Vị vấn thuý thoa thoa thượng phụng,
Bất tri hương cảnh vị thuỳ hồi?
Dịch nghĩa
Vô đề (Điểm nét ngài xong giục vén màn)
Vẽ xong nét mày dài, vén rèm lụa lên,
Tì
nữ thu dọn đài gương ngọc trắng.
Hỏi thử cánh phụng trên chiếc thoa cài đầu,
Không
biết cổ người đẹp thơm vì sao?
Dịch thơ
Vô Đề (Tô xong mày liễu vén rèm nhanh)
Tô
xong mày liễu vén rèm nhanh
Thu
dọn đài gương ngọc trắng xanh.
Ướm
hỏi ngọc thoa hình cánh phượng:
Vì đâu người đẹp cổ thơm lành?
Lời bàn của Con Cò
Câu
chót là một tuyệt chiêu.
Gái giang hồ sợ nhất là già và xấu cho nên trang điểm từng giờ.
Mặt mày thì có thể soi gương nhìn thấy nhưng cổ và gáy thì
không.
Hãy
coi LTÂ lợi dụng điều này để tán gái giang hồ. Ông ôm nàng từ sau lưng,
hôn nhẹ lên gáy rồi hỏi cây thoa hình cánh phượng cài trên đầu nàng
rằng: "Thoa ơi! làm ơn mách cho ta biết vì sao mà cổ của người đẹp
lại thơm lành mãi như vầy?". E rằng nàng đã khóc và sau đó đã miễn phí cuộc vui hôm đó cho ông.
Hoàng Xuân Thảo, nổi danh trong giới tu bíp là một người nghiêm
túc, mà rất thích bài này.
Lời phân trần của Con Cò
Trong
số 11 bài thơ trên đây có thế có một vài bài mà bạn cho là bất hủ toàn diện theo ý bạn (chứ không bất hủ nhờ một câu). Đó là do nhân
tâm tùy thích. Còn nữa, những câu nguyên bản mà Con Cò so sánh như "chuỗi ngọc" có thể chỉ xuất hiện trong bài dịch như "chuỗi ngà" bởi vì tài năng của loài Cò chỉ tới mức đó. Xin được thông cảm.
Cảm ơn cô Thanh Hương đã chiếu cố. Cách thưởng thức đúng mức của người đọc là phần thưởng lớn nhất cho người viết. Cô thật sự là một tri âm của Con Cò. (Bút hiệu của tôi chỉ có 2 chữ Con Cò. Concothơ là địa chỉ email)
RépondreSupprimerCon Cò.