Kính gửi quý anh chị bài viết của anh Phạm Nga.
Bài viết này được trích trong sách của anh xuất bản.
Cám ơn anh Phạm Nga đã gửi bài.
Caroline Thanh Hương
Nhớ Thời Học Trò Tập Tành Cà Phê, Thuốc Lá
*Tản văn PhạmNga
Vậy đó, bỗng nhiên mà họ lớn…
(Huy Cận)
1.
Đâu khoảng giữa thập niên 60, xong lớp đệ tứ ở trường Les Lauriers ở
Tân Định, nhờ đậu trung học đệ I cấp hạng bình, tôi được chuyển vào trường
Pétrus Ký, học đệ tam ban C. Lần hồi lên các lớp đệ Nhị rồi đệ Nhất, đám học
sinh lứa tôi ít nhiều đã đỡ lóc chóc, có vẻ người lớn hơn, chững chạc hơn.
Trong sân trường, duy nhất kiểu đồng phục quần xanh/áo trắng không cá tính, mấy
anh lớp lớn dù có nhỏ con đi nữa trông vẫn “người lớn” hơn bọn nhóc đàn em đệ
nhất cấp.
Nói là “người lớn hơn” bởi về mặt ngoại hình, dễ thấy là đứa nào cũng
lún phún ở mép miệng vài sợi có thể gọi là râu để tập làm quen với dao cạo. Còn
về tâm tư, tình cảm, có nhiều đứa ban đầu kín bưng như mèo dấu kít, lâu sau
cũng tiết lộ nửa vời với thiên hạ rằng mình đã mần được vài bài thơ kiểu chiều
buồn thư viện, ghế đá công viên, thân phận tóc xanh … và trịnh trọng thông báo
sắp đi họp với một thi văn đoàn hay nhóm thơ học trò liên trường nào đó.
Nói là “chững chạc” hơn vì dù muốn dù không, việc phải đậu hai cái bằng
tú tài đã đặt lên vai những cậu học sinh cuối cấp trung học một trách nhiệm
không nhỏ chút nào, như phải có tú tài 1 thì khi bị đi lính mới vô được trường
sĩ quan, còn bằng tú tài 2 vốn là điều kiện để dễ kiếm việc làm hơn đối với học
sinh con nhà nghèo, không dám mơ học tiếp lên đại học.
Chính trong cơn khủng hoảng tâm-sinh lý tuổi dậy thì cùng những ưu tư
mơ hồ về tương lại, đa số tụi tôi thời đó bắt đầu tập hút thuốc lá và uống cà
phê. Như thể muốn khẳng định mình là đàn ông, đúng mẫu quý-ông-sành-điệu, các
cậu con trai phải hút thuốc, nhả khói và nhâm nhi cà phê thành thạo, nhất là
những cậu chưa thấy có cọng ria nào lú ở mép miệng hay không rặn nổi câu thơ
nào.
Các bậc cha mẹ - kể cả những ông bố ghiền thuốc - thì nào có thể tán thành, ngược lại còn lo
lắng, than thở trước chuyện con trai mình bắt đầu bày đặt làm theo thói hư, tật
xấu của cánh đàn ông trên đời. Riêng có bố tôi, thời đó đang làm chủ nhiệm một
nhật báo tiếng Pháp ở Sài Gòn, lại rất phóng khoáng – hồi đó bọn tôi gọi những
ông bố như ông là “ông pô chịu chơi” -
không hề lên tiếng ngăn cấm việc tôi tập hút thuốc.
Nhiều đêm khuya lơ khuya lắc, bố tôi đi dự họp báo hay tiệc tùng gì đó,
về nhà thấy tôi ngồi chong đèn ôn bài thi, ông đã dịu dàng hỏi “Học khuya vậy
con?” rồi lặng lẽ đặt lên bàn gói Caraven A mà ông đang hút dở. Tất nhiên, tôi
hiểu cử chỉ trìu mến, đầy cảm thông ấy chính là một cách bố tôi công nhận tôi
không còn là con nít nữa. Tôi đã rất cảm kích và xúc động hồi lâu, thương bố vô
cùng và tự nhũ phải ráng đậu tú tài hạng ưu cho xứng đáng với tấm lòng của cha
mẹ kỳ vọng nơi mình.
Cũng vào thời đó, các lớp đệ nhị cấp học buổi sáng và khi đến cổng
trường thì thường đã cận giờ chuông reo vào lớp, tôi thường chỉ có thể tắp
chiếc Mobylette ba-má-cho vào một xe bán điểm tâm đậu trên vỉa hè, vừa ngốn cái
bánh sandwich vừa nốc chai sữa đậu nành ướp lạnh, vừa ráng nhớ lấy cái bảng tên
ra cài lên ngực, không thì chết với mấy ông giám thị. Khúc phim chớp nhóa mỗi
tảng sáng ấy hiếm khi cho phép tôi còn thời gian mà đốt một điếu Bastos xanh,
thả vài lọn khói, nói chi chuyện nhẩn nha thưởng thức một tách cà phê sáng.
Thành ra, chuyện tôi và đám bạn cùng lớp kéo nhau đi ngồi quán cà phê chỉ diễn
ra vào những giờ giấc thong thả hơn, như khi đã tan học, giờ trống cuối buổi
sáng, trước hay sau những lúc đến trường vào buổi chiều để học võ Vovinam bên
sân vận động Lam Sơn, đọc sách hay tra tài liệu tại thư viện, dự giờ thực hành
nói tiếng Pháp ở phòng thí nghiệm cũ…
2.
Đối với nhiều học sinh các lớp lớn của trường Pétrus Ký thời đó, có hai
quán cà phê bình dân ở gần trường đã đóng vai quán ‘ruột”, đó là Cheo Leo và
Năm Dưỡng. Hai địa điểm này đã là chỗ tụ tập thường xuyên, quen thuộc của nhóm
học Nhị C rồi Nhất C tụi tôi cùng nhiều nhóm học sinh các lớp khác, ban khác
trong trường. Tụi tôi “đóng đô” thường nhất là ở Cheo Leo, quán nằm khoảng giữa
con hẻm số 109 đường Nguyễn Thiện Thuật (Quận 3), cách trường Pétrus Ký
khoảng ½ km, kế là quán Năm Dưỡng, có mặt tiền nhô hẳn ra
đường Nguyễn Thiện Thuật, hiện mang bảng
hiệu “Không Gian 2”.
Vừa rồi, tưởng chuyện dĩ vãng thời đi học đã nhòa nhạt hết trong trí
nhớ, tình cờ một ông bạn từ Pháp về, nhất định đòi tôi dẫn đến cà phê Cheo Leo
ngày nay. Tôi hiểu bạn mình trong thâm tâm là muốn trở lại với Cheo Leo ngày
xưa, cái quán cà phê mà nhiều cựu học sinh Pétrus Ký thường “đóng đô” một thời,
cái quán gắn liền với tuổi trẻ chúng tôi như một chứng nhân thời gian thầm lặng
mà chung thủy.
Chúng tôi đã biết cà phê Cheo Leo vào thập niên 60 nhưng theo một trang
web chuyên viết về Sài Gòn xưa, quán này ra đời năm 1938, tức còn xa xưa hơn
rất nhiều. Tìm đến quán vào một buổi chiều mưa nhẹ, tôi mới nhận ra cảnh cũ tới
nay hầu như không hề thay đổi, và những người xưa – đám học trò năm nào nay râu
tóc đã bạc phơ vẫn thường lai rai đến quán, như để ôn lại hồi ức thời đi học.
Nhìn quanh thì vẫn những bộ bàn ghế inox, cũng chiếc ghế sofa gỗ đã 40 - 50 năm
tuổi. Bề dày quá khứ của Cheo Leo như đọng lại trên các mặt tường vôi xám xỉn
và loang lỗ vết nứt, trần nhà thì ám đen màu khói than, thoang thoảng mùi cà
phê từ góc bếp.
Trước tháng 4-75, dù không thuộc hạng nổi tiếng của Sài Gòn nhưng cà
phê Cheo Leo vẫn là địa điểm quen thuộc của đám con trai các trường Pétrus Ký,
Chu Văn An thời đó. Hơn 75 năm qua, Cheo Leo đã tồn tại cùng gia đình ông Vĩnh
Ngô (người gốc Huế, chủ quán) đến thế hệ thứ 3. Còn về số khách “ruột” của
quán, tức đám học sinh tập tành cà phê, thuốc lá như tụi tôi một thời, hiện ít
nhất cũng đã thuộc lứa U.70.
Hầu hết người Sài Gòn hiện tại chỉ biết đến cà phê phin, riêng giới trẻ
thì thích cà phê ly giấy kiểu fast-food hay cà phê xay kiểu Ý, kiểu Mỹ... Riêng
nhiều người trong đám U70 chúng tôi hay các vị cao niên hơn, đều chỉ muốn tìm
đến cà phê vợt - một loại cà phê giản dị, bình dân, tồn tại từ lâu đời, bán ở
những tiệm nước, quán cóc ngõ hẻm hay dọc các con đường nhỏ. Pha vợt thì hương
cà phê hòa cùng mùi khói bếp củi than, khi nhâm nhi cà phê, người ta lãng đãng
cảm nhận được rời rã vài mảng ký ức xa xưa. Tiếc thay ở Sài Gòn hiện còn rất ít
quán xá chịu lưu giữ cách pha và mùi hương cà phê mộc mạc này.
Trong số các quán cà phê vợt còn tồn tại đến hôm nay, có lẽ những người
sống trong năm tháng cũ không ai lại không biết đến Cheo Leo. Khi ông Ngô mất,
những người con của ông tiếp nối nhau trông coi quán. Từ con gái đầu cho đến
con gái thứ ba là bà Sương hiện nay, họ đều giữ nguyên cách thức pha chế cà phê
vợt do bố mình để lại.
3.
Tách cà phê sữa-ít-sữa trên bàn đã cạn sạch, cũng đã xong hai điều
thuốc Hòa Bình - định mức nghiêm nhặt cho mỗi chầu cà phê ở tuổi già cao huyết
áp. Tôi nghĩ mình thật ngây ngô, buồn cười cái thời mình 17,18 tuổi, nhất là
vào những ngày tháng ôn thi hai cái tú tài, mà chính từ quán Cheo Leo này tôi
đã chính thức mua thuốc lá nguyên gói và cà phê sữa-ít-sữa cũng chính thức trở
thành “gu” uống riêng của tôi.
“Vậy đó, bỗng nhiên mà họ lớn/
Tuổi hai mươi đến có ai ngờ…”. Tôi hồi tưởng về thời
học trò mới lớn của mình mà như đang sống lại nỗi ngỡ ngàng tuyệt diệu trong
câu thơ Huy Cận. Vậy đó, thật là vừa tội vừa thương cái chân dung vụng dại của
những cậu con trai bắt đầu biết suy tư chuyện đời, mơ mộng vài tà áo dài trắng,
lén lút làm thơ, tập tới lui mấy tình khúc TCS, bập bẹ điếu thuốc, thách nhau
thả khói lọn tròn và rủ nhau đến hoài một quán cà phê quen…
(Tháng 8-2015)
*Trích tập tản văn LÃNG ĐÃNG VỚI CÀ
PHÊ&NHẠC, Phạm Nga 2017.
Đọc thêm bài cùng chủ đề.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire